038 Chú Giải Khải Huyền 11:01-14 Hai Chứng Nhân của Thiên Chúa

6,831 views

YouTube: https://youtu.be/lYVBKIA4Z1U

038 Chú Giải Khải Huyền 11:1-14
Hai Chứng Nhân của Thiên Chúa

 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:

038_ChuGiaiKhaiHuyen_11_1-14.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 11:1-14

1 Tôi được ban cho một cây thước giống như cây trượng. Có tiếng phán: Hãy trỗi dậy, đo Đền Thờ của Đức Chúa Trời, bàn thờ, và những kẻ thờ phượng tại đó;

2 nhưng sân ngoài Đền Thờ thì chừa lại, đừng đo vì nó đã được ban cho dân ngoại. Thành thánh sẽ bị chúng giày đạp trong bốn mươi hai tháng.

3 Ta sẽ ban quyền lực cho hai chứng nhân của Ta. Họ sẽ mặc áo tang, nói tiên tri trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.

4 Họ là hai cây ô-li-ve và là hai chân đèn đứng trước Đức Chúa Trời của đất.

5 Nếu ai làm hại họ thì lửa ra từ miệng họ sẽ thiêu nuốt những kẻ thù nghịch họ. Nếu ai làm hại họ, kẻ đó sẽ bị giết như vậy.

6 Họ có quyền lực đóng trời, khiến không có mưa trong những ngày họ nói tiên tri. Họ có quyền lực trên nước, khiến nước trở thành máu và làm hại đất bằng đủ loại tai họa bất kỳ lúc nào họ muốn.

7 Khi họ làm chứng xong rồi, thì con thú lên từ vực sâu không đáy sẽ gây chiến với họ, sẽ thắng họ và sẽ giết họ.

8 Xác chết họ sẽ ở trên đường phố của thành lớn (mà tên thuộc linh là Sô-đôm và Ê-díp-tô, cũng là nơi mà Chúa của chúng ta đã bị đóng đinh).

9 Người thuộc các dân, các chi tộc, các ngôn ngữ, các quốc gia sẽ thấy xác họ ba ngày rưỡi. Xác họ không được phép chôn vào mộ.

10 Cư dân trên đất sẽ vui mừng về họ, sẽ hớn hở gửi quà cho nhau vì hai tiên tri này đã làm khổ cư dân trên đất.

11 Sau ba ngày rưỡi, linh sự sống từ Đức Chúa Trời nhập vào họ và họ đứng dậy trên chân mình. Sự kinh khủng giáng xuống trên những người nhìn thấy họ.

12 Họ nghe có tiếng lớn từ trời, phán với họ rằng: “Hãy lên đây!” và họ được cất lên trời trong một đám mây. Những kẻ thù của họ đều trông thấy.

13 Cùng trong một giờ ấy, có cơn động đất lớn và một phần mười thành bị đổ xuống. Có bảy ngàn người bị giết trong cơn động đất. Những người còn lại khiếp sợ và dâng sự vinh quang lên Đức Chúa Trời trên trời.

14 Cơn khốn thứ nhì đã qua. Này, cơn khốn thứ ba sẽ đến mau chóng!

Trong Khải Huyền 11 chúng ta thấy bỗng nhiên nói đến Đền Thờ của Đức Chúa Trời trên đất và có người thờ phượng tại Đền Thờ. Đây chính là Đền Thờ Thứ Ba đã được tái xây dựng trước Kỳ Đại Nạn. Thánh Kinh không hề nói đến thời điểm Đền Thờ của Đức Chúa Trời được tái xây dựng trong những ngày cuối cùng, nhưng Thánh Kinh khẳng định, trong những ngày cuối cùng có Đền Thờ của Đức Chúa Trời: Đa-ni-ên 9:27 nói đến sự dâng các tế lễ sẽ bị AntiChrist dứt đi vào giữa của bảy năm đại nạn. Ma-thi-ơ 24:15 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ về sự ứng nghiệm lời tiên tri nói trên của Đa-ni-ên. II Tê-sa-lô-ni-ca 2:4 giải thích lời phán của Đức Chúa Jesus Christ, cho biết sự gớm ghiếc mà AntiChrist sẽ làm ra trong nơi thánh, chính là sự hắn sẽ ngồi trong Đền Thờ của Đức Chúa Trời, xưng mình là Đức Chúa Trời.

1 Tôi được ban cho một cây thước giống như cây trượng. Có tiếng phán: Hãy trỗi dậy, đo Đền Thờ của Đức Chúa Trời, bàn thờ, và những kẻ thờ phượng tại đó;

Có lẽ, chính vị thiên sứ đã trao cuộn sách nhỏ cho Giăng cũng là vị thiên sứ trao cho ông cây thước giống như cây trượng. Tiếng phán, bảo ông đo Đền Thờ, bàn thờ, cùng những người đang thờ phượng là tiếng phán của Đức Chúa Trời. Cây thước theo cách tính của người Do-thái thì có chiều dài là sáu cu-bít (Ê-xê-chi-ên 40:5), tương đương với ba thước tây. Sự đo ở đây không thể hàm ý tìm xem kích thước vật chất của Đền Thờ, bàn thờ, và những người thờ phượng, mà phải là sự tìm xem phẩm chất thánh khiết có trọn vẹn theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời hay không. Đền Thờ và bàn thờ có được xây dựng bởi đức tin và lòng tôn kính Đức Chúa Trời hay không? Những người đến thờ phượng có phải thật lòng tin cậy và thờ phượng Đức Chúa Trời hay không? Dĩ nhiên Đức Chúa Trời biết mọi sự, Ngài không cần Giăng tìm xem và báo cáo lên Ngài. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời muốn Giăng làm công việc đo Đền Thờ, bàn thờ, và những người thờ phượng để các thiên sứ, Hội Thánh, và ngay cả ma quỷ, thấy được đức tin và lòng tôn kính Chúa của dân I-sơ-ra-ên trong những ngày cuối cùng của Kỳ Đại Nạn; hiểu được những gì sẽ xảy ra kế tiếp cho dân I-sơ-ra-ên là kết quả của đức tin và lòng kính yêu Chúa.

2 nhưng sân ngoài Đền Thờ thì chừa lại, đừng đo vì nó đã được ban cho dân ngoại. Thành thánh sẽ bị chúng giày đạp trong bốn mươi hai tháng.

Bốn mươi hai tháng tức là ba năm rưỡi sau cùng của Kỳ Đại Nạn, kể từ khi AntiChrist vào ngồi trong Đền Thờ của Đức Chúa Trời, tự xưng là Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 9:27; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:4) cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ ném hắn vào hỏa ngục (Khải Huyền 19:20). Trong suốt thời gian ấy, quân lực của AntiChrist, bao gồm quân đội của các nước sẽ chiếm đóng Giê-ru-sa-lem.

3 Ta sẽ ban quyền lực cho hai chứng nhân của Ta. Họ sẽ mặc áo tang, nói tiên tri trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.

Từ câu 3 đến câu 13 mô tả sự xuất hiện và rao giảng của hai chứng nhân của Đức Chúa Trời trong Kỳ Đại Nạn. Họ được ban cho thẩm quyền rao giảng Lời Chúa trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày, tức 42 tháng, tức ba năm rưỡi. Vì AntiChrist được ban cho toàn quyền trên đất trong ba năm rưỡi sau của bảy năm đại nạn, kể cả thẩm quyền và năng lực giết chết hai chứng nhân của Đức Chúa Trời, cho nên, chúng ta có thể hiểu rằng, ngay trong ngày AntiChrist đặt bút ký, tái cam kết hòa ước với I-sơ-ra-ên và các nước, mở đầu cho bảy năm đại nạn, thì hai chứng nhân của Đức Chúa Trời cũng bắt đầu mục vụ của họ.

Hai chứng nhân sẽ mặc áo tang, tức là mặc áo làm bằng vải gai thô, không nhuộm mầu. Họ mặc áo tang để bày tỏ sự đau lòng trước tội lỗi của loài người và tiêu biểu cho sự than khóc của toàn thế gian trong cơn hình phạt của Thiên Chúa. Họ sẽ làm nhân chứng về sự phạm tội sự cứng lòng, không chịu ăn năn tội của thế gian. Thánh Kinh đòi hỏi phải có ít nhất là hai nhân chứng để thành lập lời buộc tội (Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:6; 19:15). Vì thế, trong ba năm rưỡi đầu của Kỳ Đại Nạn, có thể xem là giai đoạn Đức Chúa Trời luận tội thế gian, ba năm rưỡi sau của Kỳ Đại Nạn là giai đoạn Đức Chúa Trời thi hành án phạt trên toàn thế gian. Họ sẽ nói tiên tri có nghĩa là họ sẽ nói cho muôn dân trên đất biết chương trình và ý định của Đức Chúa Trời.

4 Họ là hai cây ô-li-ve và là hai chân đèn đứng trước Đức Chúa Trời của đất.

Khải Huyền 11:4 khiến cho chúng ta nhớ đến nội dung của Xa-cha-ri 4, trong đó mô tả:

  • Một chân đèn bằng vàng có bảy ngọn.
  • Hai cây ô-li-ve ở hai bên chân đèn.
  • Hai cây ô-li-ve là hai người chịu xức dầu, đứng bên Chúa của cả đất.

Có hai giả thuyết được các nhà giải kinh đưa ra về lý lịch của hai chứng nhân:

1. Họ là Môi-se và Ê-li. Chính Môi-se và Ê-li đã hiện ra, trò chuyện với Đức Chúa Jesus Christ về sự chịu khổ và chịu chết của Ngài trên núi hóa hình (Ma-thi-ơ 17:1-13). Vì thế, Môi-se và Ê-li có vai trò đặc biệt trong những ngày cuối cùng của nhân loại. Ngoài ra, Môi-se tiêu biểu cho luật pháp và Ê-li tiêu biểu cho tiên tri. Những phép lạ hai chứng nhân sẽ làm ra trên đất tương tự với những phép lạ mà Môi-se và Ê-li đã từng làm.

Đây là giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất.

2. Họ là Hê-nóc và Ê-li. Vì trong lịch sử của loài người, chỉ có Hê-nóc và Ê-li là hai người chưa trải qua sự chết, trong khi Thánh Kinh dạy rằng: “Theo như đã định cho loài người: Chết một lần, sau đó là sự phán xét.” (Hê-bơ-rơ 9:27). Vì thế, họ phải trải qua sự chết.

Tuy nhiên, sẽ có rất là nhiều người trong Hội Thánh không trải qua sự chết, mà thân thể đang sống của họ sẽ được biến hóa và cất lên không trung như Hê-nóc và Ê-li. Lẽ thật của Hê-bơ-rơ 9:27 chỉ áp dụng cho những ai không tin Chúa. Những ai tin Chúa thì Giăng 11:25-26 áp dụng cho họ: “Đức Chúa Jesus phán với bà: Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin nơi Ta, dù người ấy đã chết thì cũng sẽ sống. Còn ai sống và tin Ta thì sẽ không hề chết…” Hai phân đoạn Thánh Kinh sau đây khẳng định trường hợp ngoại lệ: có một số người trong Hội Thánh sẽ không trải qua sự chết:

“Này, tôi tỏ cho các anh chị em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến hóa. Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa.” (I Cô-rinh-tô 15:51-52).

“Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17).

Vì thế, mặc dù Chúa có thể dùng Hê-nóc và Ê-li làm chứng nhân trong Kỳ Đại Nạn, nhưng không phải vì lý do họ chưa trải qua sự chết.

Chúng ta không có thêm chi tiết nào khác trong Thánh Kinh để có thể khẳng định hai chứng nhân được nói đến trong Khải Huyền 11 là ai. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng:

  • Hai cây ô-li-ve tiêu biểu cho Cựu Ước và Tân Ước.
  • Hai chân đèn tiêu biểu cho con dân Chúa thời Cựu Ước và con dân Chúa thời Tân Ước.
  • Dầu từ hai cây ô-li-ve được chuyển thành ánh sáng qua bảy ngọn đèn của mỗi chân đèn tiêu biểu cho con dân Chúa chiếu ra vinh quang của Chúa qua nếp sống đúng theo Lời Chúa.

Chúng ta rất quen thuộc với hình ảnh dầu ô-li-ve được tiêu biểu cho thánh linh của Đức Thánh Linh và ý nghĩa của sự được xức dầu là được đổ đầy thánh linh. Tuy nhiên, khi dầu đi chung với đèn, thì dầu có nghĩa là Lời Chúa. Trong Ma-thi-ơ 25:1-13 có ghi lại ngụ ngôn về mười nữ đồng trinh. Năm nữ đồng trinh khôn sáng là hình ảnh của những người I-sơ-ra-ên tin nhận Cựu Ước lẫn Tân Ước. Năm nữ đồng trinh khờ dại là hình ảnh của những người I-sơ-ra-ên chỉ tin nhận Cựu Ước. Đây là ngụ ngôn Đức Chúa Jesus Christ dùng để nói đến một sự kiện liên quan đến Vương Quốc Trời sau Kỳ Đại Nạn. Ngài mở đầu ngụ ngôn bằng câu: “Khi ấy, Vương Quốc Trời sẽ giống như mười người nữ đồng trinh kia cầm đèn đi đón chàng rể.” (Ma-thi-ơ 25:1). “Khi ấy” có nghĩa là khi những sự được tiên tri trong Ma-thi-ơ 24 đã được ứng nghiệm. Chàng rể là Đức Chúa Jesus Christ, nàng dâu là Hội Thánh, bạn của nàng dâu là dân I-sơ-ra-ên. Lễ cưới Chiên Con đã được hoàn tất trên thiên đàng, nhưng tiệc cưới sẽ được mở ra trên đất và toàn dân I-sơ-ra-ên sẽ được mời tham dự. Tuy nhiên, chỉ có những người I-sơ-ra-ên tin nhận Cựu Ước lẫn Tân Ước mới được tham dự tiệc cưới; còn những người I-sơ-ra-ên chỉ tin nhận Cựu Ước, dù có chân thành đến đâu, cũng sẽ không được vào tiệc cưới. Khi họ chịu tìm hiểu và tin nhận Tân Ước thì đã quá muộn để họ có thể tham dự tiệc cưới của Chiên Con và Hội Thánh.

5 Nếu ai làm hại họ thì lửa ra từ miệng họ sẽ thiêu nuốt những kẻ thù nghịch họ. Nếu ai làm hại họ, kẻ đó sẽ bị giết như vậy.

6 Họ có quyền lực đóng trời, khiến không có mưa trong những ngày họ nói tiên tri. Họ có quyền lực trên nước, khiến nước trở thành máu và làm hại đất bằng đủ loại tai họa bất kỳ lúc nào họ muốn.

Trong suốt ba năm rưỡi đầu của Kỳ Đại Nạn, không ai có thể làm hại được hai chứng nhân của Đức Chúa Trời. Ngài ban cho họ thẩm quyền và năng lực để làm ra các phép lạ tự bảo vệ họ và hình phạt thế gian. Lửa sẽ thật sự từ miệng của họ phun ra để thiêu đốt những kẻ tấn công họ. Trong suốt thời gian hai chứng nhân thi hành mục vụ, cả thế gian sẽ không có mưa, nước uống sẽ trở nên khan hiếm vì một phần ba nguồn nước sẽ bị hóa đắng bởi ngôi sao Khổ Thảo. Số nước ngọt còn lại chưa bị ô nhiễm thì có thể bị biến thành máu bởi phép lạ do hai chứng nhân làm ra. Ngoài ra, hai chứng nhân còn có thể làm hại đất bằng đủ loại tai họa khác khi họ muốn. Vì thế, họ sẽ trở nên kẻ thù đáng sợ và đáng ghét của những ai không thuộc về Chúa. Tuy nhiên, đối với những người thuộc về Chúa thì sứ điệp của họ đem lại niềm an ủi và hy vọng.

7 Khi họ làm chứng xong rồi, thì con thú lên từ vực sâu không đáy sẽ gây chiến với họ, sẽ thắng họ và sẽ giết họ.

Con thú từ vực sâu không đáy có thể là tà linh cầm đầu các thiên sứ phạm tội bị giam trong vực sâu, đã được Sa-tan thả ra trước đó (Khải Huyền 9:11), tên trong tiếng Hê-bơ-rơ là A-ba-đôn, trong tiếng Hy-lạp là A-bô-li-ôn, có nghĩa là Kẻ Hủy Diệt!

8 Xác chết họ sẽ ở trên đường phố của thành lớn (mà tên thuộc linh là Sô-đôm và Ê-díp-tô, cũng là nơi mà Chúa của chúng ta đã bị đóng đinh).

Thành lớn này chính là thành Giê-ru-sa-lem, thủ đô của quốc gia I-sơ-ra-ên, vì thành ấy cũng chính là nơi mà Chúa đã bị đóng đinh. Tên thuộc linh là Sô-đôm có nghĩa là sự tà dâm thuộc linh, tức là sự thờ lạy tà thần. Tà thần bao gồm các hình tượng do tay người làm ra, các chủ nghĩa chính trị, các ý tưởng triết học, các khuynh hướng Thần học, các tôn giáo, các phong trào… được người ta ưa thích, tôn thờ, kêu cầu, sống chết cho. Nói chung, là bất cứ ai hay điều gì chiếm lấy sự vinh quang chỉ được dành riêng cho Thiên Chúa. Tên thuộc linh là Ê-díp-tô có nghĩa là sự bị nô lệ cho tội lỗi.

Mặc dù quốc gia I-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời tái lập, nhưng dân I-sơ-ra-ên nói chung vẫn còn thờ lạy hình tượng và bị nô lệ cho tội lỗi, vì họ không tin nhận Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và là Đấng giải cứu họ. Ngày nay, ngay tại Giê-ru-sa-lem những chỗ vui chơi trụy lạc được công khai mở ra và hàng năm lễ hội của những người đồng tính luyến ái cũng được công khai tổ chức tại Giê-ru-sa-lem [1].

9 Người thuộc các dân, các chi tộc, các ngôn ngữ, các quốc gia sẽ thấy xác họ ba ngày rưỡi. Xác họ không được phép chôn vào mộ.

10 Cư dân trên đất sẽ vui mừng về họ, sẽ hớn hở gửi quà cho nhau vì hai tiên tri này đã làm khổ cư dân trên đất.

Cách nay 100 năm, không ai có thể hiểu được vì sao người thuộc các dân, các chi tộc, các ngôn ngữ, các quốc gia có thể thấy được xác của hai chứng nhân trong ba ngày rưỡi. Nhưng ngày nay, với phương tiện truyền thông qua TV và Internet, rõ ràng là vô số người khắp nơi trên thế giới có thể cùng lúc nhìn thấy được xác chết của hai chứng nhân. Xác chết của hai chứng nhân bị phơi ra trên đường phố Giê-ru-sa-lem vừa có tính cách trả thù hèn hạ của chính quyền AntiChrist, vừa có tính cách răn đe những ai có ý định kháng cự AntiChrist. Những kẻ vui mừng về sự chết của hai chứng nhân là những kẻ đã chịu mang con dấu của AntiChrist và sẽ tôn thờ hắn, khi hắn làm ra các dấu kỳ, phép lạ, tự xưng mình là Đức Chúa Trời.

11 Sau ba ngày rưỡi, linh sự sống từ Đức Chúa Trời nhập vào họ và họ đứng dậy trên chân mình. Sự kinh khủng giáng xuống trên những người nhìn thấy họ.

12 Họ nghe có tiếng lớn từ trời, phán với họ rằng: “Hãy lên đây!” và họ được cất lên trời trong một đám mây. Những kẻ thù của họ đều trông thấy.

Thời gian ba ngày rưỡi là để chứng minh hai chứng nhân đã thật sự chết. Nếu sự kiện này sẽ xảy ra vào mùa hè, thì rất có thể, xác chết của họ đã bắt đầu trương phình trước mắt thế gian.

Lần sống lại thứ nhất xảy ra trong ngày Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian (I Cô-rinh-tô 15:52; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16). Lần sống lại thứ nhì chính là sự sống lại của hai chứng nhân. Lần sống lại thứ ba sẽ là sự sống lại của các thánh đồ thời Đại Nạn và các thánh đồ thời Cựu Ước và trước Cựu Ước, trong ngày Đức Chúa Jesus Christ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm (Đa-ni-ên 12:2; Khải Huyền 20:4-6). Lần sống lại sau cùng sẽ là sự sống lại để chịu phán xét của những người không có sự cứu rỗi (Khải Huyền 20:11-15).

Hãy tưởng tượng sự kinh sợ và tuyệt vọng của những người đi theo AntiChrist khi họ chứng kiến hai chứng nhân được sống lại và thăng thiên.

13 Cùng trong một giờ ấy, có cơn động đất lớn và một phần mười thành bị đổ xuống. Có bảy ngàn người bị giết trong cơn động đất. Những người còn lại khiếp sợ và dâng sự vinh quang lên Đức Chúa Trời trên trời.

14 Cơn khốn thứ nhì đã qua. Này, cơn khốn thứ ba sẽ đến mau chóng!

Cơn khốn thứ nhất là nạn các châu chấu tà linh lên từ vực sâu. Cơn khốn thứ nhì là nạn đoàn quân hai trăm triệu tà linh. Trước khi cơn khốn thứ ba xảy ra, thì hai chứng nhân của Đức Chúa Trời bị giết, được sống lại, thăng thiên, rồi một cơn động đất lớn xảy ra tại Giê-ru-sa-lem, làm cho một phần mười thành phố bị sụp đổ và giết chết 7.000 người. Những người chết, có lẽ là những người vui mừng về sự chết của hai chứng nhân. Những người còn lại, là những người tiếp nhận lời rao giảng của hai nhân chứng và họ dâng lời tôn vinh Đức Chúa Trời. Họ sẽ được Đức Chúa Trời đem vào đồng hoang lánh nạn, khi AntiChrist kéo quân đánh chiếm Giê-ru-sa-lem.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

[1] http://www.nydailynews.com/news/world/thousands-israelis-celebrate-pride-parade-gay-friendly-tel-aviv-article-1.1828571

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/