039 Chú Giải Khải Huyền 11:15-19 Tiếng Loa Thứ Bảy: Cơn Khốn Thứ Ba – Nước Trời Được Công Bố

5,417 views

YouTube: https://youtu.be/0b1GbNEcFwI

039 Chú Giải Khải Huyền 11:15-19
Tiếng Loa Thứ Bảy: Cơn Khốn Thứ Ba
Nước Trời Được Công Bố

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
039_ChuGiaiKhaiHuyen_11_15-19.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 11:15-19

15 Thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng nói lớn trên trời rằng: Các quốc gia của thế gian đã thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài. Ngài sẽ cai trị cho đến đời đời.

16 Hai mươi bốn trưởng lão đang ngồi trên những ngai của họ trước Đức Chúa Trời, liền hạ mình xuống, thờ phượng Đức Chúa Trời.

17 Họ thưa rằng: Cảm tạ Chúa! Lạy Đức Chúa Trời: Đấng Toàn Năng; Đấng Hiện Có, Đã Có và Còn Đến; vì Ngài đã nắm quyền lực vĩ đại và đã cai trị.

18 Các quốc gia nổi giận nhưng cơn thịnh nộ của Ngài đang đến. Giờ phán xét những kẻ chết đã đến. Giờ Ngài ban thưởng cho các tôi tớ Ngài là các tiên tri, các thánh đồ, và họ là những người kính sợ danh Ngài, nhỏ hoặc lớn, đã đến. Giờ hủy diệt những kẻ hủy diệt đất đã đến.

19 Rồi, Đền Thờ của Đức Chúa Trời được mở ra ở trên trời. Rương Giao Ước của Ngài được thấy trong Đền Thờ của Ngài. Có những chớp nhoáng, những âm thanh, và những sấm vang, cùng cơn động đất và mưa đá lớn.

Năm câu còn lại của Khải Huyền đoạn 11 mở đầu cho cơn khốn thứ ba với lời công bố sự thiết lập Vương Quốc Trời.

15 Thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng nói lớn trên trời rằng: Các quốc gia của thế gian đã thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài. Ngài sẽ cai trị cho đến đời đời.

Mệnh đề: “Có những tiếng nói lớn trên trời” khiến cho chúng ta liên tưởng đến sự kiện toàn thể thiên đàng, bao gồm các sinh vật chầu ngai Chúa, các thiên sứ, Hội Thánh của Chúa, các thánh đồ thời Cựu Ước và trước Cựu Ước đều đồng thanh hô to: “Các quốc gia của thế gian đã thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài. Ngài sẽ cai trị cho đến đời đời.” Danh từ “Chúa” dùng trong câu này, với ý nghĩa Đấng cầm quyền trên muôn loài thọ tạo, là chỉ về thân vị Đức Chúa Trời. Điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời cũng là Chúa của Ngôi Lời và Đức Thánh Linh. Tương tự như vậy, danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” dùng cho Ngôi Lời cũng không có nghĩa Ngôi Lời là vua và chúa của Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh, mà chỉ là vua và chúa của muôn loài thọ tạo. I Cô-rinh-tô 15:27 giúp cho chúng ta hiểu rằng, quyền vị vua và chúa khi được dùng cho Đức Chúa Trời hay Ngôi Lời, đều nói về thẩm quyền trên muôn loài tạo vật chứ không phải thẩm quyền giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: “Vì Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Ngài. Nhưng khi Ngài phán rằng, muôn vật bị bắt phục thì chứng tỏ rằng, ngoại trừ Đấng bắt muôn vật phục Ngài.”

Danh từ “Đấng Christ của Ngài” được dùng để nói đến con người xác thịt Jesus đã được Đức Chúa Trời ban quyền, ban ơn, ban thánh linh để đảm nhận các chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, và nhà vua. Chúng ta đã biết “Christ” có nghĩa là người được xức dầu, và nghi thức xức dầu được dùng để tỏ ra sự Đức Chúa Trời công nhận và ban quyền cho những người được Đức Chúa Trời chọn làm tiên tri, thầy tế lễ, hoặc làm vua. Trong lịch sử của loài người, Đức Chúa Jesus là người đầu tiên được Đức Chúa Trời xức dầu để cùng một lúc đảm nhận cả ba chức vụ, và Ngài vẫn giữ cả ba chức vụ đó cho đến đời đời. Kế tiếp là Hội Thánh của Ngài. Mỗi người trong Hội Thánh cũng là một tiên tri, một thầy tế lễ, và một nhà vua cho đến đời đời.

  • Đức Chúa Jesus Christ là tiên tri vì Ngài là Ngôi Lời, giãi bày Cha cho Hội Thánh biết. Trong cõi đời đời, chúng ta vẫn tiếp tục học biết về Cha qua Đức Chúa Jesus Christ. Mỗi người trong Hội Thánh là tiên tri vì mỗi người trong Hội Thánh sẽ rao truyền những điều đã biết về Cha cho các thiên sứ và muôn dân trên đất.
  • Đức Chúa Jesus Christ là thầy tế lễ vì Ngài dâng thân thể và mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho nhân loại và Ngài cầu thay cho con dân của Thiên Chúa. Mỗi người trong Hội Thánh là thầy tế lễ vì mỗi người dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1) và cầu thay cho con dân Chúa.
  • Đức Chúa Jesus Christ là vua vì Ngài cai trị muôn loài thọ tạo với danh xưng “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa”. Mỗi người trong Hội Thánh là vua vì được đồng ngồi trong các nơi trên trời với Đức Chúa Jesus Christ và được đồng cai trị với Ngài (Ê-phê-sô 2:6; II Ti-mô-thê 2:12).

Mệnh đề: “Các quốc gia của thế gian đã thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài”; có nghĩa là các quốc gia vẫn tồn tại, nhưng sẽ không còn chính quyền do loài người lập ra. Một chính quyền toàn cầu sẽ được thiết lập và đặt dưới quyền cai trị đời đời của Đức Chúa Jesus Christ. Mặc dù Vương Quốc Ngàn Năm chỉ tồn tại một ngàn năm nhưng quyền cai trị của Đức Chúa Jesus Christ sẽ còn lại đời đời, bởi vì, kế tiếp Vương Quốc Ngàn Năm là Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới. Sẽ không bao giờ có một quyền cai trị nào khác hơn là quyền cai trị của Đức Chúa Jesus Christ.

Chúng ta cần chú ý đến chi tiết này, Ngôi Lời là Thiên Chúa và Ngôi Lời đã nhập thế làm người. Từ đó, Ngôi Lời vừa là Thiên Chúa vừa là người. Trước khi Ngôi Lời mang thân vị người thì Ngài cai trị muôn loài thọ tạo trong thân vị Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của câu “muôn vật được đứng vững trong Ngài” (Cô-lô-se 1:17). Hiện nay, Ngài vẫn cai trị muôn loài thọ tạo trong thân vị Thiên Chúa. Nhưng khi Vương Quốc Ngàn Năm được thiết lập, thì quyền cai trị sẽ được giao cho thân vị người của Ngôi Lời. Chính trong thân vị người đó mà Đức Chúa Trời ban cho Ngài danh hiệu Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa. Nói cách khác, kể từ khi Vương Quốc Ngàn Năm được thành lập, thì quyền cai trị cơ nghiệp của Thiên Chúa được giao cho loài người, đứng đầu là Đức Chúa Jesus Christ.

Chúng ta nhớ lại Ê-sai 9:6 đã tiên tri về sự “quyền cai trị sẽ ở trên vai của Ngài” và chữ “Ngài” đó là chỉ về “một con trẻ được sinh ra, một con trai ban cho chúng ta”, tức là một người. Trước khi Con Người Jesus nhận quyền cai trị muôn loài thọ tạo, thì muôn loài thọ tạo là cơ nghiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa, vì do Ba Ngôi Thiên Chúa sáng tạo. Nhưng khi Vương Quốc Ngàn Năm được thiết lập thì cơ nghiệp đó được chuyển giao cho Hội Thánh vì Hội Thánh là con kế tự của Đức Chúa Trời:

Tít 3:4-7

4 Nhưng khi lòng từ ái, tình yêu loài người của Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu chúng ta, đã được tỏ ra,

5 không phải bởi những việc làm công chính mà chúng ta đã làm, nhưng theo lòng thương xót của Ngài mà Ngài cứu chúng ta, bởi sự rửa của sự tái sinh và sự đổi mới của thánh linh,

6 là sự Ngài đã đổ ra trên chúng ta cách dư dật qua Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu của chúng ta,

7 để được xưng công chính bởi ân điển của Ngài, mà chúng ta trở nên những con kế tự theo sự trông cậy của sự sống vĩnh cửu. 

Vì Đức Chúa Jesus Christ là thân vị người đứng đầu Hội Thánh, nên Ngài đương nhiên nhận lãnh chức vụ và danh hiệu Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa! Còn Hội Thánh là các vua và các chúa đồng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ cho đến đời đời.

16 Hai mươi bốn trưởng lão đang ngồi trên những ngai của họ trước Đức Chúa Trời, liền hạ mình xuống, thờ phượng Đức Chúa Trời.

Lời công bố Vương Quốc Trời được tuyên xưng thì lập tức đại diện của Hội Thánh là hai mươi bốn trưởng lão hạ mình thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng đã ban cơ nghiệp của Thiên Chúa cho Hội Thánh.

17 Họ thưa rằng: Cảm tạ Chúa! Lạy Đức Chúa Trời: Đấng Toàn Năng; Đấng Hiện Có, Đã Có và Còn Đến; vì Ngài đã nắm quyền lực vĩ đại và đã cai trị.

Sự thờ phượng của Hội Thánh qua các trưởng lão, bao gồm: lời cảm tạ, lời tôn vinh, và lời đầu phục. Danh xưng “Đấng Toàn Năng; Đấng Hiện Có, Đã Có và Còn Đến” được dùng để gọi Đức Chúa Trời cũng chính là danh xưng được dùng để gọi Ngôi Lời trong Khải Huyền 1:8 “Chúa là Đấng Hiện Có, Đã Có, và Còn Đến, là Đấng Toàn Năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga!” Quyền lực vĩ đại đã do Đức Chúa Trời nắm lấy và cai trị sẽ được giao cho Con Người Jesus trong ngày Vương Quốc Ngàn Năm được thiết lập.

18 Các quốc gia nổi giận nhưng cơn thịnh nộ của Ngài đang đến. Giờ phán xét những kẻ chết đã đến. Giờ Ngài ban thưởng cho các tôi tớ Ngài là các tiên tri, các thánh đồ, và họ là những người kính sợ Danh Ngài, nhỏ hoặc lớn, đã đến. Giờ hủy diệt những kẻ hủy diệt đất đã đến.

Chính trong thời điểm Vương Quốc Trời được công bố (vào giữa của bảy năm đại nạn) thì các quốc gia trên đất dưới quyền thống trị của AntiChrist đang nổi giận vì các tai họa giáng xuống trên họ, vì những lời chứng và những lời tiên tri của hai nhân chứng. Tuy nhiên, cơn giận của các quốc gia sẽ phải đối diện với cơn giận của Đức Chúa Trời. Các quốc gia nổi giận thì chỉ có thể phỉ báng Chúa, bách hại con dân của Chúa và dân I-sơ-ra-ên, nhưng Đức Chúa Trời nổi giận thì họ sẽ bị hủy diệt bởi các thiên tai kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.

“Giờ phán xét những kẻ chết đã đến” là giờ phán xét những kẻ chết thuộc linh, chứ không phải giờ phán xét những kẻ chết thuộc thể, bởi vì, giờ phán xét những kẻ chết thuộc thể sẽ xảy ra hơn một ngàn năm sau đó (Khải Huyền 20:11-15). Trong Ma-thi-ơ 8:22 và Lu-ca 9:60, Đức Chúa Jesus Christ gọi những người đang sống mà không ăn năn tội, không tin nhận sự cứu rỗi của Ngài là “những kẻ chết!”

“Giờ Ngài ban thưởng cho các tôi tớ Ngài là các tiên tri, các thánh đồ, và họ là những người kính sợ Danh Ngài, nhỏ hoặc lớn, đã đến”: Đây là nói đến sự ban thưởng cho những người thuộc về Chúa trong thời Đại Nạn. Các tiên tri là 144.000 người I-sơ-ra-ên. Các thánh đồ là tất cả những ai đã tin nhận Chúa trong Kỳ Đại Nạn. Tất cả họ, dù lớn hay nhỏ đều là những người kính sợ danh Chúa.

“Giờ hủy diệt những kẻ hủy diệt đất đã đến”: Những kẻ hủy diệt đất bao gồm Sa-tan, các tà linh của Sa-tan, và tất cả những ai cứ tiếp tục gây ra tội ác mà không chịu ăn năn tội. Sự chậm giận giàu ơn của Đức Chúa Trời đã đến lúc kết thúc để mở đầu cho sự hình phạt công chính của Ngài. Giờ phút cuối cùng của Sa-tan và các tà linh của Sa-tan đã đến. Giờ phút cuối cùng của thế hệ loài người cứng lòng, dầm mình trong tội cũng đã đến. Có lẽ, trong suốt lịch sử của nhân loại, chưa bao giờ loài người gian ác như trong những ngày cuối cùng này. Ngay cả thế hệ loài người thời Nô-ê, dù cũng phạm tội đến mức bị Thiên Chúa hủy diệt nhưng sự phạm tội của họ vẫn chưa nghiêm trọng như sự phạm tội của thế hệ loài người ngày nay. Vì ngày nay, người ta mang danh Chúa mà phạm tội; vì ngày nay, người ta tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ rồi trở lại giày đạp Ngài và làm ô uế máu của Ngài, khinh thường Đức Thánh Linh là Đấng đã ban ơn cho họ (Hê-bơ-rơ 10:29).

19 Rồi, Đền Thờ của Đức Chúa Trời được mở ra ở trên trời. Rương Giao Ước của Ngài được thấy trong Đền Thờ của Ngài. Có những chớp nhoáng, những âm thanh, và những sấm vang, cùng cơn động đất và mưa đá lớn.

Đây là một câu Thánh Kinh rất đáng cho chúng ta dành nhiều thời gian để suy ngẫm.

“Đền Thờ của Đức Chúa Trời được mở ra ở trên trời”: Nơi Chúa ngự trong tầng trời thứ ba được gọi là thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời. Trong thành Giê-ru-sa-lem đó, có Đền Thờ của Đức Chúa Trời. Sau thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm trên đất, Thiên Chúa sẽ tái tạo trời mới đất mới và thành Giê-ru-sa-lem trên trời sẽ di chuyển xuống đất và ở lại trên đất cho đến đời đời. Giăng đang đứng trên đất làm công việc đo Đền Thờ trên đất thì ông nhìn thấy Đền Thờ trên trời mở ra.

“Rương Giao Ước của Ngài được thấy trong Đền Thờ của Ngài”: Rương Giao Ước, còn gọi là Rương Bảng Chứng, được đóng bằng gỗ của cây si-tim, bọc vàng dát mỏng để chứa đựng hai bảng đá do chính ngón tay của Đức Chúa Trời ghi chép mười lời phán của Ngài, tức Mười Điều Răn. Xuất Ê-díp-tô Ký 25:10-15 ghi lại mệnh lệnh của Thiên Chúa về việc đóng Rương Giao Ước, như sau:

10 Vậy, chúng hãy đóng một cái rương bằng cây si-tim; bề dài hai cu-bít rưỡi, bề ngang một cu-bít rưỡi, và bề cao cũng một cu-bít rưỡi, [Một cu-bít = 18 inches hoặc 45,72 cm.]

11 lấy vàng ròng bọc trong, bọc ngoài, và chạy đường viền chung quanh Rương bằng vàng.

12 Ngươi cũng hãy đúc bốn khoen bằng vàng để tại bốn góc Rương: hai cái bên hông này, hai cái bên hông kia,

13 cùng làm hai cây đòn bằng cây si-tim, bọc vàng;

14 rồi luồn đòn vào khoen hai bên hông Rương, để dùng đòn khiêng Rương.

15 Đòn sẽ ở trong khoen luôn, không nên rút ra.

Hê-bơ-rơ 9:4 mô tả những vật được để trong Rương Giao Ước, như sau: “…Rương Giao Ước, toàn bọc bằng vàng. Trong đó có một cái bình bằng vàng đựng ma-na, cây gậy trổ nụ của A-rôn, và các bảng giao ước.” Gọi là Rương Giao Ước vì trong rương ấy chứa hai bảng đá do chính Thiên Chúa ghi lại Mười Điều Răn của Ngài mà Ngài hứa rằng, hễ ai vâng giữ các điều răn ấy thì sẽ được Ngài ban phước, còn hễ ai vi phạm thì sẽ bị Ngài giáng họa.

Sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị thất thủ trước quân lực của Ba-bi-lôn, Đền Thờ Thiên Chúa bị cướp và bị thiêu hủy vào năm 587 TCN, thì Thánh Kinh không còn nói đến Rương Giao Ước. Năm 536 TCN dân I-sơ-ra-ên được Vua Si-ru của vương quốc Phe-rơ-sơ (I-ran ngày nay) ra chiếu chỉ cho phép quay về, xây dựng lại tường thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ. Năm 515 TCN việc tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa được hoàn tất và Đền Thờ được gọi là Đền Thờ Thứ Nhì [1], nhưng Đền Thờ Thứ Nhì không có Rương Giao Ước trong nơi chí thánh. Có nhiều giả thuyết đưa ra về sự mất tích của Rương Giao Ước. Riêng chúng tôi thì cho rằng, trước khi Đền Thờ Thứ Nhất bị quân lính Ba-bi-lôn phá hủy, thì Thiên Chúa đã đem Rương Giao Ước vào trong Đền Thờ trên trời. Nếu chúng ta có thể chấp nhận sự kiện một ngày kia Đức Chúa Jesus Christ sẽ ném AntiChrist cùng tiên tri giả đang còn sống trong thân thể xác thịt vào trong hỏa ngục, là cõi thuộc linh (Khải Huyền 19:20), thì sự kiện Thiên Chúa đem Rương Giao Ước từ trong thế giới vật chất vào trong thiên đàng là điều có thể chấp nhận. Nên nhớ là ngay khi trời cũ, đất cũ nổ tung, bị thiêu đốt bởi lửa (II Phi-e-rơ 3:10-12), thì hỏa ngục vẫn còn. Vì thế, hỏa ngục thuộc về thế giới thuộc linh.

Rương Giao Ước hiện ra ở trên trời là vì Đức Chúa Trời sẽ dùng Mười Điều Răn để phán xét muôn dân trên đất. Trong Ê-sai 24:5 chép: “Đất bị ô uế dưới chân các dân cư, vì họ đã phạm luật pháp, thay đổi sắc lệnh, phá bỏ giao ước đời đời.” Rõ ràng là Thánh Kinh cho chúng ta biết, toàn thể dân cư trên đất chứ không riêng gì dân I-sơ-ra-ên, đã phạm luật pháp và trái điều răn của Đức Chúa Trời. Vì thế, Ngài sẽ dùng chính các điều răn của Ngài để phán xét họ trong Kỳ Tận Thế. Đó chính là lý do cửa Đền Thờ trên trời mở ra và Rương Giao Ước hiện ra.

Tất cả những ai trên đất vi phạm dù chỉ một lần bất cứ điều răn nào của Đức Chúa Trời mà không ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì họ sẽ bị phán xét bởi các hình phạt từ trời giáng xuống trong ba năm rưỡi sau cùng của bảy năm đại nạn.

Chúng tôi tin rằng, Rương Giao Ước này sẽ được thầy tế lễ thượng phẩm đời đời là Đức Chúa Jesus Christ đem vào trong Đền Thờ Đức Chúa Trời trên đất, là Đền Thờ sẽ được tái xây dựng trong Vương Quốc Ngàn Năm.

“Có những chớp nhoáng, những âm thanh, và những sấm vang, cùng cơn động đất và mưa đá lớn”: Đây là những hiện tượng sẽ xảy ra trong thế giới vật chất, trong ngày Vương Quốc Trời được công bố và chuẩn bị cho sự phán xét toàn thế gian bằng Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

Chúng tôi rất là ngạc nhiên khi thấy Thánh Kinh Tân Ước luôn luôn nhắc đến sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Thế mà, ngày nay, các giáo sư giả trong các giáo hội mang danh Chúa lại giảng dạy rằng, con dân Chúa không cần phải vâng giữ Mười Điều Răn, đặc biệt là điều răn thứ tư: tôn thánh ngày Sa-bát Thứ Bảy. Vì thế, chúng tôi xin trích dẫn dưới đây, một số câu Thánh Kinh Tân Ước dạy về các điều răn của Đức Chúa Trời, để con dân Chúa đối diện với lẽ thật của Lời Chúa, mà khước từ sự giảng dạy của các giáo sư giả và của những kẻ mà Thánh Kinh gọi là: “những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.” (II Phi-e-rơ 3:16). Những kẻ ấy sẽ nhận lấy sự hư mất dành riêng cho họ, nhưng những người nghe theo họ cũng sẽ cùng rơi vào sự hư mất như họ. Vì chính Đức Chúa Jesus Christ đã truyền lệnh cho con dân của Ngài, hãy coi chừng những kẻ giả mạo làm người rao giảng Lời Chúa (Ma-thi-ơ 7:15-23). Đức Chúa Jesus Christ gọi họ là: “những kẻ mù làm người dẫn đưa” và Ngài kết luận: “nếu kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, cả hai sẽ cùng ngã xuống hố.” (Ma-thi-ơ 15:14; Lu-ca 6:39).

Ma-thi-ơ 5:19 “Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy các điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.”

Ma-thi-ơ 15:3 “Nhưng Ngài đáp lời và phán {với} họ: Sao các ngươi cũng phạm điều răn của Đức Chúa Trời bởi những lời truyền khẩu của các ngươi?”

Ma-thi-ơ 19:17 “…Nếu ngươi muốn vào trong sự sống, thì hãy giữ các điều răn.”

Rô-ma 7:12 “Vậy, luật pháp là thánh, điều răn {là} thánh, công chính, và tốt lành.”

I Cô-rinh-tô 7:19 “Sự chịu cắt bì chẳng là gì, sự không chịu cắt bì cũng chẳng là gì; mà là sự giữ các điều răn của Thiên Chúa.”

I Ti-mô-thê 6:14 “Con hãy giữ điều răn cho không vết tích, không chỗ trách được, cho tới kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.”

I Giăng 2:3 “Này tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài.”

I Giăng 2:4 “Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy.”

I Giăng 5:2 “Chúng ta biết mình yêu con cái của Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài.”

I Giăng 5:3 “Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.”

II Giăng 1:4 “Tôi vui mừng nhiều lắm, khi biết các con cái bà bước đi trong lẽ thật, theo điều răn chúng ta đã nhận từ Đức Cha.”

Khải Huyền 12:17 “Con rồng nổi giận với người đàn bà và đi gây chiến với những kẻ còn lại thuộc dòng dõi người, là những kẻ vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ. Nó đứng trên bãi cát biển.”

Khải Huyền 14:12 “Đây là sự nhẫn nại của các thánh đồ. Đây là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus.”

Nếu Đức Chúa Trời sẽ dùng chính Mười Điều Răn của Ngài để làm tiêu chuẩn phán xét toàn thế gian, thì đối với những con dân Chúa trong Hội Thánh, xem thường và không vâng giữ các điều răn của Ngài, sự phán xét còn nghiêm khắc chừng nào?

Mọi người nên nhớ:

  • Tội lỗi là sự không vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.
  • Ăn năn tội là từ bỏ sự vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời.

Người nào vẫn cố tình vi phạm bất cứ điều răn nào của Đức Chúa Trời, là người chưa ăn năn. Mà chưa ăn năn thì không có sự cứu rỗi.

Bên cạnh Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, còn có điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ. Điều răn mới là con dân Chúa phải yêu thương lẫn nhau, như chính Chúa đã yêu thương họ. Tình yêu thương ấy phải được thể hiện bởi hành động sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người mình yêu.

“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, ấy là: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy.” (Giăng 13:34).

“Đây là điều răn của Ta, rằng: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau như Ta đã yêu các ngươi. Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống của mình cho các bạn hữu của mình.” (Giăng 15:12-13).

Cuối của bảy năm đại nạn, khi tất cả những người theo AntiChrist đã bị tiêu diệt, trên đất chỉ còn những người tin nhận Chúa và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một cuộc phán xét sẽ được mở ra, tất cả những ai vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời nhưng không vâng giữ điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ cũng sẽ bị hư mất. Họ sẽ bị ném vào trong hỏa ngục. Ma-thi-ơ 25:31-46 đã chép rõ lời phán của Đức Chúa Jesus Christ, như sau:

31 Khi Con Người ngự trong sự vinh quang mình mà đến với các thiên sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh quang của Ngài.

32 Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người này với người khác ra, như người chăn chiên chia chiên với dê ra;

33 để chiên ở bên phải và dê ở bên trái.

34 Bấy giờ, Vua sẽ phán với những người ở bên phải rằng: Hỡi các ngươi được Cha Ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy vương quốc đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên thế gian.

35 Vì Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi tiếp đón Ta;

36 Ta trần truồng, các ngươi mặc cho Ta; Ta bệnh, các ngươi thăm Ta; Ta bị tù, các ngươi viếng Ta.

37 Lúc ấy, những người công chính sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Ngài đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống?

38 Lại khi nào chúng tôi đã thấy Ngài là khách lạ mà tiếp đón; hoặc trần truồng mà mặc cho?

39 Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Ngài bệnh, hoặc bị tù, mà đến với Ngài?

40 Vua sẽ đáp lời, phán với họ rằng: Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, các anh chị em của Ta, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã làm cho Ta.

41 Kế đó, Ngài cũng sẽ phán với những người ở bên trái rằng: Hỡi những kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào lửa vĩnh hằng đã sắm sẵn cho Ma Quỷ và những sứ giả của nó.

42 Vì Ta đã đói, các ngươi đã không cho Ta thức ăn; Ta đã khát, các ngươi đã không cho uống;

43 Ta đã là khách lạ, các ngươi đã không tiếp đón; Ta đã trần truồng, các ngươi đã không mặc cho Ta; Ta đã bệnh và đã bị tù mà các ngươi đã không thăm viếng Ta.

44 Rồi họ cũng sẽ đáp lời Ngài, thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Ngài, hoặc đói, hoặc khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, hoặc bệnh, hoặc bị tù mà không phục vụ Ngài?

45 Thì Ngài sẽ trả lời họ, phán rằng: Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã không làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã không làm cho Ta.

46 Và những kẻ này sẽ đi vào hình phạt vĩnh cửu, còn những người công chính sẽ vào sự sống vĩnh cửu.

Điều đau buồn và kinh khủng nhất là ngày nay, vô số người xưng mình là Cơ-đốc nhân nhưng vừa không vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời vừa không vâng giữ điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ. Họ đang ở trong sự hư mất đời đời mà họ cứ tưởng rằng họ có sự cứu rỗi! Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri về sự đến của Ngài, như sau:

“Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công chính cho những người đã được chọn của Ngài, là những người đêm ngày kêu xin Ngài, và Ngài khoan nhẫn với họ? [Khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại; tha thứ và bền lòng chịu đựng.] Ta nói với các ngươi rằng, trong sự vội vàng, Ngài sẽ làm sự bênh vực họ. Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:7-8).

Nguyện Hội Thánh chân thật của Chúa luôn hết lòng giữ vững Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

[1] 003 Tóm Lược Lịch Sử Loài Người – Kỳ Tận Thế (kytanthe.net)

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/