040 Chú Giải Khải Huyền 12:01-17 Dân I-sơ-ra-ên và Sa-tan

7,806 views

YouTube: https://youtu.be/zf9Jk6nlYK4

040 Chú Giải Khải Huyền 12:1-17
Dân I-sơ-ra-ên và Sa-tan

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://od.lk/f/MV82MDc5NjkyOF8

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 12:1-17

1 Trên trời hiện ra một dấu lạ lớn: Một người đàn bà được bao phủ bởi mặt trời; dưới chân có mặt trăng và trên đầu có mão là mười hai ngôi sao.

2 Người mang thai, kêu la trong cơn đau thai nghén và quặn đẻ.

3 Lại xuất hiện một dấu lạ khác trên trời. Này, một con rồng đỏ có bảy đầu, mười sừng với bảy cái mão trên những đầu của nó.

4 Đuôi nó kéo một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Con rồng đứng trước người đàn bà sắp đẻ để vừa khi con của người được sinh ra thì nó nuốt lấy.

5 Người sinh ra một bé trai, là Đấng sẽ cai trị mọi quốc gia bằng một cây gậy sắt. Con trai người được cất lên tới Đức Chúa Trời, tới ngai Ngài.

6 Rồi, người đàn bà trốn vào đồng hoang, nơi Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một chỗ cho người và người được nuôi trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.

7 Có một cuộc chiến trên trời. Mi-chen và các thiên sứ của người chiến cự với con rồng. Con rồng và các sứ giả nó chiến đấu

8 nhưng không thắng được. Chỗ của chúng cũng không còn tìm thấy trên trời.

9 Con rồng lớn tức là con rắn xưa, có tên là Ma Quỷ và Sa-tan, là kẻ lừa gạt khắp đất, bị quăng xuống đất cùng với các sứ giả nó.

10 Tôi nghe một tiếng lớn trên trời nói: Bây giờ sự cứu rỗi, sức mạnh, Vương Quốc của Đức Chúa Trời chúng ta và thẩm quyền của Đấng Christ Ngài đã đến; vì kẻ kiện cáo các anh em chúng ta, là kẻ đã ngày đêm kiện cáo họ trước Đức Chúa Trời, đã bị quăng xuống.

11 Họ đã thắng nó bởi máu của Chiên Con và bởi lời làm chứng của họ. Họ đã không tiếc mạng sống mình, dù phải chết.

12 Vậy nên, hỡi các tầng trời và những kẻ cư trú trong chúng hãy vui mừng. Khốn thay cho những cư dân trên đất và biển vì Ma Quỷ đang đến cùng các ngươi với cơn giận lớn, biết rằng nó chỉ còn một thời gian ngắn.

13 Khi con rồng thấy mình đã bị quăng xuống đất, nó rượt bắt người đàn bà đã sinh con trai.

14 Người đàn bà được ban cho đôi cánh của một đại bàng lớn để bay vào trong đồng hoang, vào trong chỗ của người, là nơi người được nuôi dưỡng một thì, các thì, và nửa thì, lánh khỏi mặt con rắn. [Tức là 3 năm rưỡi.]

15 Con rắn phun nước từ miệng nó ra như một cơn lụt lớn theo sau người đàn bà để khiến người bị cuốn đi bởi cơn lụt.

16 Đất giúp người đàn bà. Đất mở miệng ra nuốt hết cơn lụt mà con rồng đã phun ra từ miệng nó.

17 Con rồng nổi giận với người đàn bà và đi gây chiến với những kẻ còn lại thuộc dòng dõi người, là những kẻ vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ. Nó đứng trên bãi cát biển.

Khải Huyền 12 tóm lược những sự kiện xảy ra trong lịch sử, cách nhau hàng ngàn năm, cả trong thế giới thuộc linh lẫn thế giới thuộc thể.

  • Sự hình thành của dân tộc I-sơ-ra-ên vào khoảng năm 1446 TCN.
  • Ngôi Lời nhập thế làm người qua dân tộc I-sơ-ra-ên. Sự kiện này đã xảy ra vào khoảng năm 7 trước Công Nguyên.
  • Sa-tan trước kia đã kéo theo một số thiên sứ phản nghịch Chúa, và khi Ngôi Lời nhập thế làm người thì nó tìm cách tiêu diệt Ngôi Lời trong thân thể xác thịt. Sự kiện này xảy ra vào khoảng năm 5 hay 4 trước Công Nguyên, khi Sa-tan dùng tay Vua Hê-rốt để mưu sát hài nhi Jesus.
  • Thân thể xác thịt của Ngôi Lời thăng thiên, vào trong thiên đàng. Sự kiện này xảy ra vào năm 27.
  • Dân I-sơ-ra-ên sẽ được Đức Chúa Trời đem vào đồng hoang lánh nạn AntiChrist trong ba năm rưỡi sau cùng của Kỳ Đại Nạn. Sự kiện này sẽ xảy ra trong tương lai.
  • Sa-tan tấn công những thánh đồ người I-sơ-ra-ên.

1 Trên trời hiện ra một dấu lạ lớn: Một người đàn bà được bao phủ bởi mặt trời; dưới chân có mặt trăng và trên đầu có mão là mười hai ngôi sao.

2 Người mang thai, kêu la trong cơn đau thai nghén và quặn đẻ.

Giăng vẫn còn đang ở trên mặt đất, sau khi đo Đền Thờ, đo bàn thờ, đo những người thờ lạy trong Đền Thờ, và nhìn thấy Rương Giao Ước hiện ra trên trời, thì ông nhìn thấy một khải tượng khác liên quan đến các thời điểm quan trọng của dân I-sơ-ra-ên. Các khải tượng đó hiện ra như các dấu lạ ở trên trời. Người đàn bà được bao phủ bởi mặt trời tiêu biểu cho dân tộc I-sơ-ra-ên. Từ ngữ “bao phủ” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là được che chở, được mặc lấy như là mặc quần áo. Thành ngữ “được bao phủ bởi mặt trời” có nghĩa là được chiếu sáng bởi ánh sáng của mặt trời, phản chiếu rực rỡ các tia sáng của mặt trời.

Sáng Thế Ký 37:9 ghi lại giấc mơ lạ lùng của Giô-sép, một trong mười hai con trai của Gia-cốp. Trong giấc mơ, Giô-sép thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đều sấp mình trước mặt ông. Đó là khải tượng về sự một ngày kia, Giô-sép trở thành tể tướng của xứ Ai-cập, cha mẹ và các anh em của ông nhờ ông mà được cứu đói và định cư tại Ai-cập. Vì thế, người đàn bà được nói trong Khải Huyền 12 phải là biểu tượng của dân tộc I-sơ-ra-ên, bao gồm mười hai chi phái.

Nhiều nhà giải kinh cho rằng người đàn bà trong Khải Huyền 12 tiêu biểu cho Hội Thánh và 12 ngôi sao tiêu biểu cho 12 sứ đồ. Tuy nhiên, Sáng Thế Ký 37:9 và Khải Huyền 12:2 và 5-6 giúp cho chúng ta hiểu rằng, người đàn bà trong Khải Huyền 12 phải là biểu tượng về dân tộc I-sơ-ra-ên. Các chi tiết về mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao hoàn toàn ứng với giấc chiêm bao của Giô-sép. Từ trong dân tộc I-sơ-ra-ên, Đấng Cứu Thế được sinh ra.

3 Lại xuất hiện một dấu lạ khác trên trời. Này, một con rồng đỏ có bảy đầu, mười sừng với bảy cái mão trên những đầu của nó.

4 Đuôi nó kéo một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Con rồng đứng trước người đàn bà sắp đẻ để vừa khi con của người được sinh ra thì nó nuốt lấy.

Tiếp theo khải tượng về một người đàn bà đang mang thai, thì Giăng nhìn thấy khải tượng về một con rồng đỏ có bảy đầu. Từ ngữ “rồng” (ra-côn, G1404) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ dùng để gọi một con thú chỉ có trong huyền thoại, to lớn và mạnh sức, thân dài như rắn, có cánh để bay, và có thể phun ra lửa. Từ ngữ này chỉ xuất hiện 13 lần trong 12 câu của sách Khải Huyền. Rất có thể, đây là một loài khủng long. Vì là loài vật hung hãn nên con rồng được tiêu biểu cho Sa-tan. Màu đỏ là màu của lửa và máu. Lửa tiêu biểu cho sự tàn phá và hủy diệt. Máu đi chung với lửa tiêu biểu cho sự tàn sát. Ngoài ra, màu đỏ cũng là màu của tội lỗi (Ê-sai 1:18). Tàn sát, hủy diệt, và tội lỗi đầy trọn là bản tính của Sa-tan.

Bảy đầu với bảy mão tiêu biểu cho bảy đế quốc lần lượt cai trị thế gian dưới quyền lực của Sa-tan. Mười sừng tiêu biểu cho mười vua đồng cai trị thế gian bởi quyền lực của Sa-tan trong Kỳ Đại Nạn. Hình ảnh của một con thú bảy đầu, mười sừng, được nói đến trong Khải Huyền 13 cũng chính là hình ảnh thể hiện quyền lực và bản tính của Sa-tan qua AntiChrist và chính quyền toàn cầu của AntiChrist.

Bảy đế quốc thuộc quyền Sa-tan là:

1. Ai-cập.

2. A-si-ri.

3. Ba-bi-lôn.

4. Mê-đi và Phe-rơ-sơ.

5. Hy-lạp.

6. La-mã.

7. Chính quyền toàn cầu AntiChrist.

Sa-tan đã kéo theo một phần ba các thiên sứ của Thiên Chúa theo nó mà phản nghịch Thiên Chúa. Khi Sa-tan, qua sự thông báo của thiên sứ trong đêm Đức Chúa Jesus được sinh ra, và qua sự tôn thờ của các nhà thông thái đông phương, mà nhận biết Đức Chúa Jesus là dòng dõi của người nữ đã được Thiên Chúa tiên tri trong Sáng Thế Ký 3:15, thì nó tìm cách giết Ngài. Sự kiện đó được tiêu biểu bằng hình ảnh con rồng muốn nuốt lấy đứa con sẽ được sinh ra bởi người đàn bà.

5 Người sinh ra một bé trai, là Đấng sẽ cai trị mọi quốc gia bằng một cây gậy sắt. Con trai người được cất lên tới Đức Chúa Trời, tới ngai Ngài.

6 Rồi, người đàn bà trốn vào đồng hoang, nơi Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một chỗ cho người và người được nuôi trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.

Đức Chúa Jesus đã được sinh ra giữa lòng dân tộc I-sơ-ra-ên. Ngài sẽ trở thành Vua của các vua và Chúa của các chúa, cai trị mọi quốc gia cách nghiêm khắc bằng luật pháp của Thiên Chúa. Con người xác thịt Jesus đó đã được cất lên thiên đàng, cùng ngự trên ngai với Đức Chúa Trời. Đó là các sự kiện đã xảy ra khoảng hai ngàn năm trước.

Trong vài năm tới đây, I-sơ-ra-ên sẽ được Đức Chúa Trời đem vào đồng hoang để lánh nạn AntiChrist. Điều đó sẽ xảy ra vào giữa của bảy năm đại nạn, khi AntiChrist vào ngồi trong Đền Thờ Thứ Ba, xưng mình làm Đức Chúa Trời, buộc muôn dân trên đất phải thờ phượng hắn, và đem quân tấn công I-sơ-ra-ên, vì I-sơ-ra-ên không công nhận hắn là Đức Chúa Trời. Một ngàn hai trăm sáu mươi ngày tức là đúng ba năm rưỡi sau cùng của bảy năm đại nạn. Trong suốt thời gian đó, Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ và chăm sóc dân I-sơ-ra-ên như Ngài đã làm trong suốt 40 năm họ lang thang trong đồng vắng. Có lẽ, họ sẽ được kinh nghiệm phép lạ về ma-na và chim cút, về nước uống chảy ra từ trong các vầng đá, về quần áo và giày dép không bị hao mòn, về trụ mây và trụ lửa ngăn cách họ với sự truy đuổi của quân lực AntiChrist.

7 Có một cuộc chiến trên trời. Mi-chen và các thiên sứ của người chiến cự với con rồng. Con rồng và các sứ giả nó chiến đấu

8 nhưng không thắng được. Chỗ của chúng cũng không còn tìm thấy trên trời.

9 Con rồng lớn tức là con rắn xưa, có tên là Ma Quỷ và Sa-tan, là kẻ lừa gạt khắp đất, bị quăng xuống đất cùng với các sứ giả nó.

Giăng lại nhìn thấy khải tượng về một cuộc chiến xảy ra ở trên trời giữa các thiên sứ không phạm tội, được lãnh đạo bởi Thiên Sứ Trưởng Mi-chen (còn được phiên âm là Mi-ca-in), với Sa-tan và các thiên sứ phạm tội. Trời ở đây tức là tầng trời thứ nhất, bầu khí quyển của địa cầu, và tầng trời thứ nhì, khoảng không gian giữa các hành tinh, là nơi Sa-tan và các thiên sứ phạm tội đang cư trú. Ê-phê-sô 2:2 gọi Sa-tan là kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian. Ê-phê-sô 6:12 cho chúng ta biết Sa-tan và các thiên sứ phạm tội, được gọi là “các thần dữ”, đang ở trong các miền trên trời. Kết quả của cuộc chiến là Sa-tan và các sứ giả của nó bị đánh bại và bị rơi xuống đất. Hình ảnh Sa-tan bị đánh bại và bị rơi xuống đất như một tia chớp đã được Đức Chúa Jesus Christ nhìn thấy từ gần hai ngàn năm trước (Lu-ca 10:18).

Cuộc chiến này có lẽ xảy ra vào giữa của bảy năm đại nạn. Sau khi Sa-tan cùng các thiên sứ phạm tội bị đánh bại và rơi xuống đất, thì có lẽ Sa-tan sẽ nhập vào thân thể của AntiChrist, và xưng mình là Đức Chúa Trời. Khải Huyền 12:9 xác định hình ảnh con rồng trong khải tượng của Giăng chính là hình ảnh tiêu biểu cho Sa-tan. Ngày xưa, trong vườn Ê-đen, Sa-tan đã từng nhập vào một con rắn để cám dỗ Ê-va phạm tội. Từ đó, Sa-tan vẫn lừa gạt nhân loại khắp thế gian.

10 Tôi nghe một tiếng lớn trên trời nói: Bây giờ sự cứu rỗi, sức mạnh, Vương Quốc của Đức Chúa Trời chúng ta và thẩm quyền của Đấng Christ Ngài đã đến; vì kẻ kiện cáo các anh em chúng ta, là kẻ đã ngày đêm kiện cáo họ trước Đức Chúa Trời, đã bị quăng xuống.

Sau cuộc chiến, có một tiếng lớn từ trên trời thông báo một lần nữa, sự đến của Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Tiếng nói lớn này có lẽ là của một trong 24 trưởng lão hoặc là của cả 24 trưởng lão. Bởi vì, tiếp theo đó, tiếng nói gọi các thánh đồ của Chúa là “các anh em chúng ta!” Các thiên sứ là “tôi tớ đồng công” hầu việc Chúa với các thánh đồ (Khải Huyền 19:10) nhưng không phải là “các anh em” với các thánh đồ. Qua lời tuyên bố này, chúng ta cũng biết Sa-tan ngày đêm kiện cáo trước Đức Chúa Trời về sự phạm tội của con dân Chúa. Nghĩa là, Sa-tan cùng các quỷ sứ của nó cám dỗ cho con dân Chúa phạm tội. Sau đó, Sa-tan kiện cáo trước Đức Chúa Trời về sự phạm tội của con dân Chúa để nó được quyền hãm hại, làm khổ con dân Chúa, mà Đức Chúa Trời không thể can thiệp. Vì thế, con dân Chúa cần phải lập tức ăn năn, xưng tội khi nhận biết mình phạm tội, đồng thời luôn xin Đức Thánh Linh chỉ ra cho mình các tội mà mình không biết, để xưng nhận và được tha thứ. Có như vậy, chúng ta mới thoát khỏi sự kiện cáo của Sa-tan và không bị Sa-tan có lý do chính đáng để bách hại chúng ta.

Sự cứu rỗi, sức mạnh, Vương Quốc của Đức Chúa Trời, và thẩm quyền của Đấng Christ vẫn luôn thể hiện trong thế gian kể từ khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại. Tuy nhiên, sự thể hiện đó chưa được trọn vẹn, vì quyền lực của Sa-tan vẫn còn trong thế gian. Nhưng, đã đến thời điểm để sự cứu rỗi, sức mạnh, Vương Quốc của Đức Chúa Trời, và thẩm quyền của Đấng Christ được thể hiện trọn vẹn trên đất, qua sự Thiên Chúa hình phạt thế gian trong ba năm rưỡi sau cùng của Kỳ Đại Nạn, và qua sự cai trị của Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc Ngàn Năm.

11 Họ đã thắng nó bởi máu của Chiên Con và bởi lời làm chứng của họ. Họ đã không tiếc mạng sống mình, dù phải chết.

Tất cả những con dân chân thật của Thiên Chúa là những người chiến thắng Sa-tan bởi máu của Chiên Con và bởi lời làm chứng của họ. Dù Sa-tan cám dỗ họ phạm tội và sống trong tội, nhưng họ đã tin nhận sự đổ máu chuộc tội mà Đức Chúa Jesus Christ đã làm ra cho họ; và họ đã tuyên xưng lòng ăn năn thống hối của họ về sự phạm tội, tuyên xưng đức tin của họ trong máu của Đức Chúa Jesus Christ. Họ sẵn sàng chịu chết để giữ vững lòng ăn năn và đức tin của họ. Họ thà chịu khổ hoặc chịu chết hơn là phạm tội hoặc chối bỏ đức tin nơi máu của Đức Chúa Jesus Christ.

12 Vậy nên, hỡi các tầng trời và những kẻ cư trú trong chúng hãy vui mừng. Khốn thay cho những cư dân trên đất và biển vì Ma Quỷ đang đến cùng các ngươi với cơn giận lớn, biết rằng nó chỉ còn một thời gian ngắn.

Chính vì Sa-tan và các quỷ sứ của nó đã bị đánh bại, đã bị đuổi ra khỏi các tầng trời, cho nên, đó là sự vui mừng lớn cho muôn loài thọ tạo trong các tầng trời, tức là các hành tinh. Đã đến lúc để các hành tinh được phục hồi, được tràn đầy sự sống và vinh quang của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Sa-tan sẽ đem lại sự khốn khổ cho cư dân trên đất và trên biển. Cư dân trên biển là những người sinh sống trên các đảo và di chuyển trên các tàu. Sa-tan biết rất rõ, ngày tàn của nó đang đến, vì Sa-tan hiểu rõ các lời tiên tri trong Thánh Kinh về số phận của nó đang ứng nghiệm. Vì thế, Sa-tan sẽ tận sức hành động để hủy diệt những gì mà nó có thể hủy diệt được trên đất, trong những ngày tháng còn lại của nó trên đất.

13 Khi con rồng thấy mình đã bị quăng xuống đất, nó rượt bắt người đàn bà đã sinh con trai.

14 Người đàn bà được ban cho đôi cánh của một đại bàng lớn để bay vào trong đồng hoang, vào trong chỗ của người, là nơi người được nuôi dưỡng một thì, các thì, và nửa thì, lánh khỏi mặt con rắn.

Trước hết, qua AntiChrist, Sa-tan sẽ tìm cách tiêu diệt dân tộc I-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, chính Đức Chúa Trời sẽ đem dân tộc I-sơ-ra-ên vào trong đồng hoang để lánh nạn. Một thì, những thì, và nửa thì tức là: một năm, hai năm, và nửa năm, cộng chung là ba năm rưỡi. Hình ảnh đôi cánh của một đại bàng lớn tiêu biểu cho sức mạnh, sự nhanh chóng của Đức Chúa Trời trong sự giải cứu. Đại bàng còn được gọi là chim ưng. Một số nhà giải kinh cho rằng đây là hình ảnh tiêu biểu cho các chiếc máy bay vận tải khổng lồ sẽ đem dân I-sơ-ra-ên vào đồng vắng. Tuy nhiên, trong Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4 nói đến sự Thiên Chúa dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập cũng dùng hình ảnh cánh chim ưng: “Các ngươi đã thấy điều Ta làm cho người Ê-díp-tô, Ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao, và dẫn các ngươi đến với Ta thế nào.” Thời ấy, hoàn toàn không có máy bay, và dân I-sơ-ra-ên thực tế đã đi bộ trên đất, ra khỏi xứ Ai-cập. Vì thế, chúng ta phải dựa vào chính Thánh Kinh để giải thích Thánh Kinh. Cánh của đại bàng hay chim ưng là hình ảnh tiêu biểu cho sức mạnh, sự nhanh chóng của Đức Chúa Trời trong sự giải cứu.

15 Con rắn phun nước từ miệng nó ra như một cơn lụt lớn theo sau người đàn bà để khiến người bị cuốn đi bởi cơn lụt.

16 Đất giúp người đàn bà. Đất mở miệng ra nuốt hết cơn lụt mà con rồng đã phun ra từ miệng nó.

Nước ra từ miệng con rắn, tức là quân lực của AntiChrist được Sa-tan dùng để truy đuổi dân I-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, một cơn động đất lớn sẽ xảy ra và chôn vùi toàn bộ đạo quân của AntiChrist.

17 Con rồng nổi giận với người đàn bà và đi gây chiến với những kẻ còn lại thuộc dòng dõi người, là những kẻ vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ. Nó đứng trên bãi cát biển.

Sa-tan, qua AntiChrist, dù giận ghét muốn hủy diệt dân I-sơ-ra-ên nhưng không thể làm gì được họ, vì họ đã được Đức Chúa Trời bảo vệ, cho nên, quay sang tấn công những người I-sơ-ra-ên thuộc linh. Người I-sơ-ra-ên thuộc linh là bất cứ ai vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Thánh Kinh gọi những người như vậy là con cháu thật của Áp-ra-ham:

“Vậy, các anh chị em hãy nhận biết rằng, những người có đức tin thì họ là con cháu của Áp-ra-ham.” (Ga-la-ti 3:7).

“Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.” (Ga-la-ti 3:29).

Nhóm chữ “những kẻ còn lại thuộc dòng dõi người” cũng có thể bao gồm 144.000 người I-sơ-ra-ên đã được nói đến trong Khải Huyền đoạn 7 và những người I-sơ-ra-ên Cơ-đốc nhân không sống trong lãnh thổ I-sơ-ra-ên. Nghĩa là, nhóm chữ “dòng dõi người” có thể được hiểu theo cả nghĩa thuộc linh lẫn thuộc thể.

Về câu cuối cùng trong câu 17, thì trong một số bản chép tay tiếng Hy-lạp, nó được đem qua đoạn 13 và có khi đổi thành “Tôi đứng (εσταθην) trên bãi cát biển.”

Như chúng ta đã biết, Thánh Kinh trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp thì không có dấu chấm câu và cũng không được chia thành đoạn, thành câu. Vì thế, nếu là “Tôi đứng trên bãi cát biển” thì câu ấy phải thuộc về đoạn 13, để chỉ về Giăng; còn nếu là “Nó đứng trên bãi cát biển” thì phải thuộc về đoạn 12 để chỉ về Sa-tan. Xét về văn mạch thì có lẽ câu “Nó đứng trên bãi cát biển” là đúng, được dùng để chỉ sự kiện Sa-tan chờ đợi sự xuất hiện của AntiChrist. Khó mà chấp nhận câu “Tôi đứng trên bãi cát biển” là đúng nguyên bản của Thánh Kinh. Bởi vì, Giăng chỉ di chuyển khi ông phải làm một công việc gì đó. Thí dụ, Giăng đang ở trên thiên đàng thì ông phải di chuyển xuống đất, vì ông được lệnh phải đo Đền Thờ, bàn thờ, và những người thờ phượng trong Đền Thờ. Không có lý do gì Giăng phải ra đứng bên bờ biển để nhìn thấy sự xuất hiện của AntiChrist.

Cho dù câu cuối cùng là “Nó đứng (εσταθη) trên bãi cát biển” để chỉ sự kiện Sa-tan chờ đợi AntiChrist xuất hiện giữa lòng các dân ngoại; hay là “Tôi đứng (εσταθην) trên bãi cát biển” để chỉ sự kiện Giăng chờ đợi nhìn thấy sự xuất hiện của AntiChrist từ giữa lòng các dân ngoại; thì cũng không làm thay đổi ý nghĩa của Khải Huyền 12 hoặc 13. Đó chỉ là một lỗi chính tả trong một số bản chép tay của sách Khải Huyền trong nguyên ngữ Hy-lạp, mà thôi. So sánh “Nó đứng (εσταθη)” với “Tôi đứng (εσταθην)” thì chúng ta sẽ thấy sự nhầm lẫn trong khi sao chép rất dễ xảy ra.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/