054 Chú Giải Khải Huyền 20:01-10 Vương Quốc Ngàn Năm

7,260 views

YouTube: https://youtu.be/qPyzg9–MJA

054 Chú Giải Khải Huyền 20:1-10
Vương Quốc Ngàn Năm

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
054_ChuGiaiKhaiHuyen_20_1-10.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 20:1-10

1 Tôi thấy một thiên sứ xuống từ trời, có chìa khóa của vực sâu không đáy và một dây xích lớn trong tay.

2 Người bắt con rồng, là con rắn xưa, tức là Ma Quỷ, là Sa-tan, xích nó lại trong một ngàn năm.

3 Người ném nó xuống vực sâu không đáy và niêm ấn trên nó, nhốt nó lại để nó không còn lừa dối các quốc gia nữa, cho đến khi mãn hạn một ngàn năm. Sau đó, nó phải được thả ra trong ít lâu.

4 Và tôi thấy có nhiều ngai và những người ngồi trên chúng. Quyền phán xét được ban cho họ. Tôi thấy những linh hồn của những người đã bị chém đầu bởi sự làm chứng về Đức Chúa Jesus và về Lời của Đức Chúa Trời, là những người đã không thờ phượng con thú hoặc tượng của nó, cũng đã không nhận dấu hiệu của nó trên trán hoặc trên tay của họ. Họ được sống và được cai trị với Đấng Christ một ngàn năm.

5 Đây là sự sống lại thứ nhất. Tuy nhiên, những kẻ chết còn lại sẽ không được phục sinh cho đến khi mãn hạn một ngàn năm.

6 Phước thay và thánh thay cho người có phần trong sự sống lại thứ nhất. Sự chết thứ nhì chẳng có quyền lực trên người như vậy. Họ sẽ làm những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và thuộc về Đấng Christ; họ sẽ cai trị với Ngài một ngàn năm.

7 Khi một ngàn năm đã mãn, Sa-tan sẽ được thả ra khỏi ngục của nó.

8 Nó sẽ đi ra, lừa dối các quốc gia trong bốn góc đất – Gót và Ma-gót – để nhóm chúng lại cho chiến trận. Chúng đông như cát biển.

9 Chúng tràn ra khắp đất, bao vây quân trại của các thánh đồ và thành yêu dấu. Rồi, lửa từ Đức Chúa Trời ra từ trời thiêu nuốt chúng.

10 Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và Tiên Tri Giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.

Khải Huyền 20 ghi lại hai sự kiện quan trọng trong tương lai. Đó là sự kiện Vương Quốc Ngàn Năm được thiết lập và sự kiện cuộc phán xét chung cuộc của toàn thể nhân loại. Nội dung của Khải Huyền 20 cho chúng ta thấy: Quyền tể trị tuyệt đối của Thiên Chúa trên muôn loài thọ tạo, đặc biệt là đối với các thiên sứ và loài người là hai loài thọ tạo được Thiên Chúa ban cho ý chí tự do lựa chọn. Mặc dù Thiên Chúa ban cho các thiên sứ và loài người quyền tự quyết nhưng Thiên Chúa sẽ dựa trên sự tự quyết của họ để có thái độ và hành động thích ứng.

Lịch sử 6000 năm tự trị của loài người sẽ kết thúc với cuộc chiến tại A-ma-ghê-đôn. Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Jesus Christ sẽ tiêu diệt tất cả các thế lực chống nghịch Thiên Chúa của loài người. Tất cả những ai chống nghịch Thiên Chúa sẽ bị giết, Sa-tan sẽ bị giam lại trong âm phủ, và Đức Chúa Jesus Christ sẽ thiết lập Vương Quốc của Đức Chúa Trời trên đất, do chính Ngài là “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” cai trị trong suốt một ngàn năm. Những người thuộc về Đức Chúa Trời đang sống trên đất sẽ đi vào Vương Quốc Ngàn Năm. Cuối một ngàn năm, Sa-tan được thả ra để dấy loạn lần cuối cùng, và bị ném vào hỏa ngục. Kế tiếp là sự phán xét toàn thể thế giới vật chất bao gồm các tầng trời và đất; rồi đến sự phán xét chung cuộc dành riêng cho loài người.

1 Tôi thấy một thiên sứ xuống từ trời, có chìa khóa của vực sâu không đáy và một dây xích lớn trong tay.

2 Người bắt con rồng, là con rắn xưa, tức là Ma Quỷ, là Sa-tan, xích nó lại trong một ngàn năm.

Sau khi toàn thể những người chống nghịch Thiên Chúa đã bị tiêu diệt thì đến phiên Sa-tan, kẻ đứng đầu mọi sự chống nghịch Thiên Chúa cũng sẽ bị tạm giam. Vị thiên sứ từ trời xuống để bắt giữ Sa-tan có thể là Thiên Sứ Trưởng Mi-chen. Trong Giu-đe câu 9 chúng ta thấy ghi lại chính Thiên Sứ Trưởng Mi-chen đã từng chiến đấu với Ma Quỷ để giành xác của Môi-se:

“Khi Thiên Sứ Trưởng Mi-chen đối nghịch Ma Quỷ để giành xác Môi-se, người chẳng dám dùng lời kết tội nặng nề, mà chỉ nói rằng: Nguyện Chúa phạt ngươi!”

Trong Khải Huyền 12:7 chúng ta cũng thấy Thiên Sứ Trưởng Mi-chen đứng đầu các thiên sứ trong cuộc chiến với Sa-tan và các sứ giả của nó:

“Có một cuộc chiến trên trời. Mi-chen và các thiên sứ của người chiến cự với con rồng. Con rồng và các sứ giả nó chiến đấu…”

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu rằng: Sa-tan chỉ là loài thọ tạo và Thiên Chúa có toàn quyền trên Sa-tan. Nếu Đức Chúa Trời muốn, thì Ngài sẽ cất đi mọi năng lực của Sa-tan, và thậm chí một đứa trẻ cũng có thể bắt giữ Sa-tan! Vì thế, cũng có thể chỉ là một thiên sứ bình thường chứ không cần đến Thiên Sứ Trưởng Mi-chen, sẽ thi hành việc bắt nhốt Sa-tan.

Hình ảnh của chìa khóa và dây xích tiêu biểu cho quyền đóng mở và trói buộc. Chỉ những ai được Thiên Chúa ban cho quyền đóng mở vực sâu mới có thể đóng và mở nó. Dây xích để trói buộc Sa-tan và các tà linh là một năng lực siêu nhiên giới hạn sự tự do của chúng, được thể hiện qua hình dạng của dây xích trong thế giới vật chất.

Sa-tan có nghĩa là “kẻ chống nghịch” [1], là danh hiệu được Thánh Kinh dùng để gọi tất cả những ai chống nghịch Thiên Chúa, được dùng như là một danh từ riêng để chỉ kẻ đứng đầu mọi sự chống nghịch Thiên Chúa.

Ma quỷ có nghĩa là “kẻ vu khống” [2], là danh hiệu được Thánh Kinh dùng để gọi tất cả những ai nói ra những điều không thật về Thiên Chúa và con dân của Ngài, được dùng như là một danh từ riêng để chỉ kẻ đứng đầu mọi sự chống nghịch Thiên Chúa.

“Con rồng, là con rắn xưa”: Câu này không hàm ý con rắn từng cám dỗ loài người vẫn còn sống và biến dạng thành con rồng. Nhưng có nghĩa là: Sa-tan trong hình thể của con rồng chính là Sa-tan đã nhập vào con rắn ngày xưa. Thánh Kinh cho chúng ta biết các tà linh có thể nhập vào thú vật, như cả một đội quân tà linh từng nhập vào một bầy heo (Ma-thi-ơ 8:32).

Thánh Kinh Cựu Ước trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có nhiều chỗ dùng từ ngữ “tanniyn” [3] có nghĩa là “con rồng”, mà Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống không dịch là “con rồng”. Từ ngữ “tanniyn” phiên âm sang tiếng Việt là /than-nim/ có nghĩa là: con rồng, con rắn lớn, loài thủy quái nơi sông hoặc biển: thuồng luồng. Có thể đó là một loài khủng long đã bị diệt chủng. Các câu Thánh Kinh sau đây có từ ngữ “tanniyn” trong nguyên ngữ đã được hiệu đính trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 (https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/): Nê-hê-mi 2:13; Thi Thiên 91:13; Ê-sai 27:1; 51:9; Giê-rê-mi 51:34; Ê-xê-chi-ên 29:3.

Rất có thể một con rồng màu đỏ với bảy đầu mười sừng là một hình thể do chính Sa-tan tạo ra để tiêu biểu cho tham vọng và chương trình của hắn.

Nội dung của Khải Huyền 20:2 nhấn mạnh đến bản tính dối trá, vu khống, chống nghịch lẽ thật, chống nghịch Thiên Chúa của Sa-tan từ buổi đầu của lịch sử. Thiên Chúa đã dùng Sa-tan để thử thách các thiên sứ và loài người. Sự cám dỗ của Sa-tan là yếu tố để các thiên sứ và loài người thể hiện đức tin của họ nơi Thiên Chúa và sự vâng phục trọn vẹn của họ đối với Thiên Chúa.

Ngày nay, chúng ta thường nói đến sự cám dỗ của Sa-tan và các tà linh như là một sức tác động từ bên ngoài lên chúng ta, kéo chúng ta vào sự phạm tội; nhưng thật ra, trong mỗi người đều có tinh thần sa-tan, tức là khuynh hướng chống nghịch Thiên Chúa. Vấn đề là chúng ta có dùng đức tin và lòng vâng phục của chúng ta đối với Thiên Chúa để đánh tan cái tinh thần sa-tan ấy hay không. Con người cũ luôn luôn thất bại trước tinh thần sa-tan (Rô-ma 7:14-24) nhưng con người được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ (II Cô-rinh-tô 5:17) thì có năng lực của Thiên Chúa để có thể vừa muốn, vừa làm theo thánh ý của Thiên Chúa (Phi-líp 2:13), và làm được mọi sự qua Đức Chúa Jesus Christ (Phi-líp 4:13).

Sa-tan, kẻ cầm đầu mọi sự dối trá và chống nghịch Thiên Chúa, sẽ bị giam lại suốt một ngàn năm trong vực sâu không đáy tại âm phủ. Từ ngữ “vực sâu không đáy” là lối nói thậm xưng để nói đến sự rất sâu thẳm.

3 Người ném nó xuống vực sâu không đáy và niêm ấn trên nó, nhốt nó lại để nó không còn lừa dối các quốc gia nữa, cho đến khi mãn hạn một ngàn năm. Sau đó, nó phải được thả ra trong ít lâu.

Trong suốt thời Vương Quốc Ngàn Năm, không còn có sự cám dỗ của Sa-tan và các tà linh. Muôn dân muôn nước sống trong thanh bình, phước hạnh, trong sự hiểu biết Thiên Chúa đầy dẫy như nước che lấp biển. Ê-sai 11:6-9 là lời tiên tri về thời Vương Quốc Ngàn Năm:

6 Bấy giờ muông sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư tử con với bò nuôi mập cùng chung một chỗ, một đứa con trẻ sẽ dắt chúng nó đi.

7 Bò cái sẽ ăn với gấu; các con nhỏ chúng nó nằm chung, sư tử ăn cỏ khô như bò.

8 Trẻ con đang bú sẽ chơi kề hang rắn hổ mang, trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang rắn độc.

9 Chúng nó sẽ chẳng làm hại, chẳng hủy diệt trong cả núi thánh của Ta. Vì thế gian sẽ đầy dẫy sự tri thức về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, như nước che lấp biển.

Và Ê-sai 65:19-25:

19 Ta sẽ vui vì Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ mừng vì dân Ta; tại đó sẽ chẳng còn nghe tiếng khóc lóc kêu la nữa.

20 Tại đó, sẽ không còn nữa trẻ con chỉ sống vài ngày, cũng chẳng có người lớn nào chẳng trọn đời mình. Vì trẻ con sẽ chết lúc trăm tuổi là kẻ có tội lúc trăm tuổi, bị rủa sả.

21 Dân Ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái.

22 Họ chẳng xây nhà cho người khác ở, chẳng trồng vườn nho cho người khác ăn; vì tuổi dân Ta sẽ như tuổi cây, những kẻ lựa chọn của Ta sẽ hằng hưởng công việc tay mình làm.

23 Họ sẽ không lao nhọc cách vô ích nữa, cũng không sinh con ra cho sự họa, vì họ là dòng dõi của người được ban phước bởi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và con cháu của họ cùng hưởng phước với họ.

24 Ta sẽ nhận lời họ trước khi họ kêu cầu Ta. Họ còn nói, Ta đã nghe rồi.

25 Muông sói với chiên con sẽ ăn chung, sư tử ăn rơm như bò, rắn ăn bụi đất. Sẽ chẳng có ai làm tổn hại hay là hủy phá trong khắp núi thánh Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán vậy.

Thế nhưng, vẫn có những người chống nghịch sự yêu thương, công chính, và thánh khiết của Thiên Chúa. Họ chỉ muốn sống thỏa mãn ý riêng của mình, bất chấp luật pháp của Thiên Chúa. Theo Ê-sai 65:20 chúng ta có thể hiểu rằng: Trong vòng 900 năm đầu của thời Vương Quốc Ngàn Năm, những kẻ có tội mà không ăn năn sẽ chết lúc trăm tuổi, nếu quá trăm tuổi mới phạm tội, thì sẽ chết ngay mà không còn cơ hội để ăn năn. Theo Khải Huyền 20:8-9 thì chúng ta có thể hiểu rằng, thế hệ phản nghịch Thiên Chúa vào cuối của thời Vương Quốc Ngàn Năm sẽ bị tiêu diệt trong trận chiến cuối cùng của mọi thời đại.

4 Và tôi thấy có nhiều ngai và những người ngồi trên chúng. Quyền phán xét được ban cho họ. Tôi thấy những linh hồn của những người đã bị chém đầu bởi sự làm chứng về Đức Chúa Jesus và về Lời của Đức Chúa Trời, là những người đã không thờ phượng con thú hoặc tượng của nó, cũng đã không nhận dấu hiệu của nó trên trán hoặc trên tay của họ. Họ được sống và được cai trị với Đấng Christ một ngàn năm.

Nhiều ngai với những kẻ ngồi trên ngai được ban cho quyền phán xét là chỉ về Hội Thánh. Sự Hội Thánh đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ (II Ti-mô-thê 2:12) bao gồm cả quyền phán xét. I Cô-rinh-tô 6:3 nói rõ về sự Hội Thánh sẽ cầm quyền phán xét, kể cả phán xét các thiên sứ có tội:

“Các anh chị em chẳng biết rằng, chúng ta sẽ phán xét các thiên sứ sao? Huống chi những việc đời này?”

Sự phán xét được nói đến ở đây có lẽ là sự phán xét về các việc lành của các thánh đồ tử Đạo trong thời Đại Nạn, để ban thưởng cho họ. Cũng không ngoại trừ sự phán xét việc làm công chính các thánh đồ trước thời Cựu Ước và trong thời Cựu Ước. Cũng không ngoại trừ việc phán xét các tà linh, tức các thiên sứ phạm tội.

Thân thể xác thịt của những người chịu chết vì danh Chúa trong thời Đại Nạn sẽ được phục sinh. Họ sẽ là các bậc cầm quyền trong chính quyền của Vương Quốc Ngàn Năm. Họ đã từ bỏ mọi quyền lợi trong thời Đại Nạn để chịu khổ và chịu chết vì danh Chúa. Chúa ban cho họ quyền cai trị thế gian trong một ngàn năm với Ngài.

5 Đây là sự sống lại thứ nhất. Tuy nhiên, những kẻ chết còn lại sẽ không được phục sinh cho đến khi mãn hạn một ngàn năm.

“Sự sống lại thứ nhất” là cách gọi tất cả các sự sống lại của những người thuộc về Chúa, để phân biệt với sự sống lại của tất cả những kẻ không thuộc về Chúa trong ngày phán xét chung cuộc. Có ít nhất là ba giai đoạn sống lại được kể là sự sống lại thứ nhất:

  1. Sự sống lại của các thánh đồ của thời Hội Thánh trong ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian:

“Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa.” (I Cô-rinh-tô 15:52).

“Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16).

  1. Sự sống lại của hai chứng nhân vào giữa bảy năm đại nạn:

“Sau ba ngày rưỡi, linh sự sống từ Đức Chúa Trời nhập vào họ và họ đứng dậy trên chân mình. Sự kinh khủng giáng xuống trên những người nhìn thấy họ. Họ nghe có tiếng lớn từ trời, phán với họ rằng: “Hãy lên đây!” Và họ được cất lên trời trong một đám mây. Những kẻ thù của họ đều trông thấy.” (Khải Huyền 11:11-12).

  1. Sự sống lại của các thánh đồ tử Đạo trong thời Đại Nạn mà chúng ta đang học đến ở đây, cùng với sự sống lại của các thánh đồ trước thời Cựu Ước và trong thời Cựu Ước, để bước vào Vương Quốc Ngàn Năm.

Chúng ta không có chi tiết về thời điểm các thánh đồ trước thời Cựu Ước và trong thời Cựu Ước được sống lại. Tuy nhiên, họ không thể được sống lại trước Hội Thánh, vì Hội Thánh là trái đầu mùa trong Đấng Christ:

“Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; sau đó, là những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 15:23).

“Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng Lời của lẽ thật sinh chúng ta, để cho chúng ta trở nên những trái đầu mùa của những tạo vật của Ngài.” (Gia-cơ 1:18).

Họ cũng không thể sống lại sau thời Vương Quốc Ngàn Năm, vì họ sẽ cùng cai trị trong Vương Quốc Ngàn Năm, đặc biệt là Vua Đa-vít sẽ cai trị quốc gia I-sơ-ra-ên.

6 Phước thay và thánh thay cho người có phần trong sự sống lại thứ nhất. Sự chết thứ nhì chẳng có quyền lực trên người như vậy. Họ sẽ làm những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và thuộc về Đấng Christ; họ sẽ cai trị với Ngài một ngàn năm.

Câu Thánh Kinh này hàm ý: Người được dự phần trong sự sống lại thứ nhất sẽ không bao giờ bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, tức là bị chết cái chết thứ nhì. Sự chết thứ nhất là sự phân rẽ linh hồn ra khỏi thân thể xác thịt. Sự chết thứ nhì là sự cả linh hồn và thân thể phục sinh bị phân rẽ đời đời khỏi Thiên Chúa. Chúng ta chú ý đến mệnh đề: “người có phần trong sự sống lại thứ nhất.” Bởi vì, tất cả những kẻ có phần trong sự sống lại thứ nhì trong ngày phán xét chung cuộc, cũng sẽ có một thân thể phục sinh siêu nhiên, nhưng linh hồn và thân thể của họ sẽ bị quyền lực của sự chết thứ nhì giam giữ trong hỏa ngục cho đến đời đời.

Thời Vương Quốc Ngàn Năm là giai đoạn loài người tiếp tục sinh sôi, phát triển trong môi trường thanh bình, hạnh phúc, dưới sự cai trị công chính của Đức Chúa Jesus Christ, không có sự cám dỗ của ma quỷ. Thiên Chúa dành thời gian này để gia tăng dòng dõi loài người. Chúng ta thật khó mà biết được, vào cuối của thời Vương Quốc Ngàn Năm thì dân số thế giới sẽ gia tăng đến mức độ nào; khoa học và kỹ thuật sẽ tiến bộ đến đâu. Có lẽ, trong thời Vương Quốc Ngàn Năm loài người sẽ nhận quyền quản trị các hành tinh như Lời Chúa phán, được ghi chép trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19:

“Và hãy giữ, kẻo ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quỳ xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã chia phân cho muôn dân dưới trời chăng.”

Và như vậy, rất có thể loài người sẽ có những chuyến bay liên hành tinh, khai thác các hành tinh mà Thiên Chúa cũng đã phục hồi.

Tuy nhiên, vào cuối của thời Vương Quốc Ngàn Năm Sa-tan sẽ được thả ra để đón nhận án phạt chung cuộc dành cho nó, và nó sẽ cám dỗ nhiều người trên đất theo nó, để chống nghịch Thiên Chúa.

7 Khi một ngàn năm đã mãn, Sa-tan sẽ được thả ra khỏi ngục của nó.

8 Nó sẽ đi ra, lừa dối các quốc gia trong bốn góc đất – Gót và Ma-gót – để nhóm chúng lại cho chiến trận. Chúng đông như cát biển.

Mệnh đề: “các quốc gia trong bốn góc đất” bao gồm tất cả các quốc gia trên đất. Từ ngữ: Gót và Ma-gót nói đến người lãnh đạo dân Nga và nước Nga. Xin xem bài “Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39 (1)” [3]. Mặc dù Sa-tan đến với mọi quốc gia trên đất để cám dỗ muôn dân, nhưng trong số những kẻ theo Sa-tan, nổi bật nhất sẽ là người cầm đầu nước Nga, gọi là Gót. Lãnh thổ phía tây của nước Nga được gọi là vùng đất Ma-gót.

Nhân vật tên Gót được nói đến ở đây khác với nhân vật tên Gót được nói đến trong cuộc chiến Ê-xê-chi-ên 38-39 của hơn ngàn năm trước đó. Bởi vì, nhân vật Gót trong cuộc chiến Ê-xê-chi-ên 38-39 sẽ bị tử trận trong cuộc chiến ấy. Vì sao có sự trùng hợp tên của hai nhân vật cầm đầu hai cuộc chiến chống nghịch Đấng Christ thì chúng ta không biết.

Số người theo Sa-tan sẽ rất là nhiều. Thánh Kinh dùng thành ngữ “đông như cát biển” để diễn tả một số lượng rất lớn. Đây là điều đáng ngạc nhiên. Được sống trong một thời đại huy hoàng, phước hạnh, với sự hiểu biết Thiên Chúa đầy dẫy đất, thế mà vẫn có rất nhiều người phản nghịch Thiên Chúa. Lý do duy nhất là: Họ chỉ muốn sống theo ý riêng của họ. Đối với họ, cho dù Vương Quốc của Đức Chúa Trời có tốt đẹp đến đâu thì cũng không bằng được tự do hành động theo ý riêng của họ, là những điều nghịch lại thuộc tính yêu thương, công chính, và thánh khiết của Thiên Chúa.

9 Chúng tràn ra khắp đất, bao vây quân trại của các thánh đồ và thành yêu dấu. Rồi, lửa từ Đức Chúa Trời ra từ trời thiêu nuốt chúng.

Chúng ta không có chi tiết nào về vũ khí mà những kẻ chống nghịch Thiên Chúa sẽ dùng trong cuộc chiến cuối cùng của sự ác chống sự thiện này. Tuy nhiên, con dân Chúa và ngay cả các thiên sứ cũng không cần phải bận tâm hay nhọc sức để chiến đấu với họ. Chính Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt họ với lửa từ trời. Thân xác của họ sẽ bị cháy tan. Linh hồn của họ vào trong âm phủ.

10 Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và Tiên Tri Giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.

Sa-tan bị ném vào hỏa ngục để chịu khổ đời đời cả ngày lẫn đêm, không phải để làm vua trong hỏa ngục, cầm đầu các tà linh hành hạ những linh hồn có tội. AntiChrist và Tiên Tri Giả sau một ngàn năm vẫn còn đó trong hỏa ngục. AntiChrist và Tiên Tri Giả là người cho nên cũng sẽ bị phán xét trong ngày phán xét chung cuộc. Tuy nhiên, vì tội ác quá lớn của họ, mà linh hồn của họ bị tạm giam trong hỏa ngục, thay vì bị tạm giam trong âm phủ như bao nhiêu người khác.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G4567

[2] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G1228

[3] https://kytanthe.net/?p=99

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/