058 Chú Giải Khải Huyền 22:01-09 Sông Nước Sự Sống và Cây Sự Sống

6,353 views

YouTube: https://youtu.be/-yww1TDFhSg 

058 Chú Giải Khải Huyền 22:1-9
Sông Nước Sự Sống và Cây Sự Sống

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
058_ChuGiaiKhaiHuyen_22_1-9.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Khải Huyền 22:1-9

1 Thiên sứ chỉ cho tôi sông tinh khiết của nước sự sống, trong như thủy tinh, từ nơi ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra.

2 Ở giữa, đường phố của thành phía bên này và con sông phía bên kia, có Cây Sự Sống trổ mười hai loại trái, ra trái mỗi tháng. Những lá của cây được dùng trong sự phục vụ của các quốc gia.

3 Sẽ không còn nguyền rủa nữa. Ngai của Đức Chúa Trời và của Chiên Con sẽ ở trong thành; và các tôi tớ Ngài sẽ phụng sự Ngài.

4 Họ sẽ thấy mặt Ngài và tên Ngài sẽ ở trên trán họ.

5 Tại đó, sẽ không còn có ban đêm nữa. Họ sẽ không cần đèn, không cần ánh sáng của mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời chiếu sáng họ; và họ sẽ cai trị đời đời.

6 Thiên sứ phán với tôi rằng: Những lời này là thành tín và chân thật. Chúa, là Đức Chúa Trời của các tiên tri thánh, đã sai thiên sứ Ngài tỏ ra cho các tôi tớ Ngài những sự sắp hoàn thành.

7 Này, Ta đến cách mau chóng! Phước cho kẻ giữ những lời tiên tri trong sách này.

8 Tôi, Giăng, thấy những việc ấy và nghe. Khi tôi đã nghe và thấy xong, tôi phủ phục để thờ phượng trước chân của thiên sứ đã tỏ ra cho tôi những sự ấy.

9 Thì người nói với tôi: Hãy coi chừng, đừng làm vậy. Vì ta là tôi tớ đồng công với ngươi và với anh em ngươi, là các tiên tri, cùng những kẻ giữ lời trong sách này. Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời.


1 Thiên sứ chỉ cho tôi sông tinh khiết của nước sự sống, trong như thủy tinh, từ nơi ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra.

Vẫn là vị thiên sứ đang chỉ cho Giăng thấy sự uy nghi, xinh đẹp của thành thánh Giê-ru-sa-lem, chỉ cho ông thấy Sông Nước Sự Sống chảy ra từ ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con.

Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng, Chiên Con là danh từ được dùng để gọi con người xác thịt Jesus. Con người xác thịt ấy hoàn toàn là người như chúng ta. Bởi thánh ý của Đức Chúa Trời, bởi năng lực của Đức Thánh Linh, bởi sự tình nguyện của Ngôi Lời (Phi-líp 2:6-8), mà Ngôi Lời đã được trinh nữ Ma-ri sinh ra làm người để chịu chết vì sự phạm tội của toàn thể nhân loại. Chính vì mục đích của sự Ngôi Lời trở nên xác thịt, là để chịu chết chuộc tội cho nhân loại, mà danh xưng Chiên Con được dùng cho con người xác thịt Jesus.

Con người xác thịt ấy, được cùng mang danh “Đức Chúa Trời” với Đức Chúa Trời, vì Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, qua thân vị Chiên Con, cầm quyền tể trị. Con người xác thịt ấy, đồng ngồi trên ngai với Đức Chúa Trời, cai trị như Đức Chúa Trời cai trị, và được thờ phượng như Đức Chúa Trời được thờ phượng. Vì, bên trong con người xác thịt ấy, là Thiên Chúa Ngôi Lời.

Trong cõi đời đời, danh xưng Chiên Con vẫn tiếp tục được dùng để gọi thân thể xác thịt của Ngôi Lời, để loài người mãi mãi nhớ đến tình yêu và sự hy sinh của Ngôi Lời dành cho loài người.

Trong khi học về Khải Huyền 21:6 chúng ta đã nói đến Nguồn Nước Sống là Ngôi Lời, như Giăng 1:4 và 11:25 đã xác định. Ở đây, chúng ta gặp từ ngữ “Sông Nước Sống” và Thánh Kinh cho chúng ta biết, “Sông Nước Sống” là chỉ về Ngôi Ba Thiên Chúa: Đấng Thần Linh:

“Ai tin nơi Ta thì những dòng nước của sự sống sẽ chảy ra từ trong lòng của người ấy, như Thánh Kinh đã nói. Ngài phán điều này về Đấng Thần Linh mà những ai tin nơi Ngài sẽ nhận lấy, vì bấy giờ chưa có thánh linh được ban cho, bởi Đức Chúa Jesus chưa được vinh hiển.” (Giăng 7:38-39).

Ở đây chúng ta cần phân biệt các thuật ngữ được dùng trong Thánh Kinh, để có thể hiểu đúng điều Thánh Kinh mô tả.

  • Thánh linh của Đức Chúa Trời chính là sự sống của Thiên Chúa, được ban cho loài người qua thân vị Đấng Thần Linh, bởi sự chết chuộc tội của Ngôi Lời.
  • Đấng Thần Linh được tiêu biểu như dòng sông của sự sống.
  • Ngôi Lời được tiêu biểu như nguồn của sự sống, vì qua sự chết chuộc tội của Ngài mà loài người mới nhận lãnh được Đức Thánh Linh, là dòng sông của sự sống.
  • Cũng qua Khải Huyền 22:1 mà chúng ta thấy sự hiện diện của Ngôi Ba Thiên Chúa, tức Đấng Thần Linh, phát xuất từ ngai Thiên Chúa, qua hình ảnh của Sông Nước Sự Sống! Đấng Thần Linh là năng động và hình ảnh của một dòng sông nói lên tính năng động của Ngài. Chính Ngài cũng từng hiện ra trong hình dáng của một chim bồ câu, ngự trên thân thể Chiên Con, trong ngày Chiên Con chịu báp-tem vào trong chức vụ. Chim bồ câu tiêu biểu cho sự bình an và tin vui từ dữ kiện lịch sử trong Sáng Thế Ký 8:11.

2 Ở giữa, đường phố của thành phía bên này và con sông phía bên kia, có Cây Sự Sống trổ mười hai loại trái, ra trái mỗi tháng. Những lá của cây được dùng trong sự phục vụ của các quốc gia.

Trong phiên bản cũ của Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, Khải Huyền 22:2 được dịch là: “Ở giữa đường và hai bên bờ sông đó có Cây Sự Sống trổ mười hai trái, ra trái mỗi tháng. Lá của cây dùng để chữa lành các quốc gia.” Dịch như vậy có nghĩa là: Ở giữa đường phố có Cây Sự Sống và hai bên bờ sông cũng có Cây Sự Sống. Tuy nhiên, danh từ “Cây Sự Sống” trong câu văn được dùng với số ít, tức là chỉ có một cây. Vì thế, câu văn trở thành tối nghĩa. Sau khi tham khảo sách giải kinh của John Gill: “Exposition of the Entire Bible”; chúng tôi đồng ý với cách dịch của ông, và sửa lại Khải Huyền 22:2 như trên. Xin ghi lại nguyên ngữ Hy-lạp của Khải Huyền 22:2 dưới đây để quý bạn đọc tham khảo và suy ngẫm:

εν (trong) G1722 PREP μεσω (chính giữa) G3319 A-DSN της (mạo từ xác định) G3588 T-GSF πλατειας (đường) G4113 N-GSF αυτης (của nó) G846 P-GSF και (và) G2532 CONJ του (mạo từ xác định) G3588 T-GSM ποταμου (sông)G4215 N-GSM εντευθεν (một bên) G1782 ADV και (và) G2532 CONJ εντευθεν (một bên) G1782 ADV ξυλον (cây) G3586 N-NSN ζωης (sự sống) G2222 N-GSF ποιουν (làm ra) G4160 V-PAP-NSN καρπους (những trái) G2590 N-APM δωδεκα (mười hai) G1427 A-NUI κατα (tùy theo) G2596 PREP μηνα (tháng) G3376 N-ASM ενα (một) G1520 A-ASM εκαστον (mỗi) G1538 A-ASM αποδιδουν (sinh ra) G591 V-PAP-NSN τον (mạo từ xác định) G3588 T-ASM καρπον (trái) G2590 N-ASM αυτου (của nó) G846 P-GSN και (và) G2532 CONJ τα (mạo từ xác định) G3588 T-NPN φυλλα (những lá) G5444 N-NPN του (mạo từ xác định) G3588 T-GSN ξυλου (của cây) G3586 N-GSN εις (vào trong) G1519 PREP θεραπειαν (sự chữa lành/sự phục vụ) G2322 N-ASF των (mạo từ xác định) G3588 T-GPN εθνων (của các quốc gia) G1484 N-GPN

Dịch diễn ý sẽ là: Chính giữa con đường của thành và con sông, tức là con đường một bên, con sông một bên, có Cây Sự Sống ra mười hai trái, mỗi tháng ra trái một lần. Những lá của cây được dùng trong sự phục vụ (hoặc chữa lành) của các quốc gia!

Cây Sự Sống trong thành thánh Giê-ru-sa-lem mới chắc chắn là một với Cây Sự Sống của vườn Ê-đen trong buổi đầu sáng thế.

Trước khi Thiên Chúa dựng nên loài người, Ngài đã định rằng, loài người sẽ được dựng nên giống như Ngài và sống đời đời trong tình yêu của Ngài. Tuy nhiên, Ngài không dùng quyền tể trị của Ngài để buộc loài người phải yêu Ngài và vâng phục Ngài, nhưng Ngài ban cho loài người quyền tự do lựa chọn. Bài học và cũng là thử thách đầu tiên Thiên Chúa ban cho loài người là: sử dụng quyền tự do để tin cậy Chúa, yêu kính Chúa, vâng phục Chúa hay là nghi ngờ Chúa, yêu bản thân hơn Chúa, và bội nghịch Chúa.

Vì thế, Cây Sự Sống cùng Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác được Thiên Chúa dựng nên giữa vườn Ê-đen, là nơi cư ngụ của loài người. Sáng Thế Ký 2:9 và 15-17 chép rằng:

9 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu khiến đất mọc lên mọi thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon. Giữa vườn lại có Cây Sự Sống cùng Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác.

15 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đem loài người đặt vào trong vườn, tại Ê-đen, để lao động và chăm sóc vườn.

16 Rồi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu truyền lệnh cho loài người. Ngài phán: Ngươi được tự do ăn từ mọi thứ cây trong vườn;

17 nhưng về Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác thì ngươi sẽ không ăn đến; vì trong ngày ngươi ăn thì ngươi chắc sẽ chết.

Chúng ta nhận thấy hai điểm quan trọng sau đây:

  1. Loài người được dựng nên và được Thiên Chúa ban cho sự sống, nhưng sự sống đó là sự sống đến từ Thiên Chúa, có thể bị cắt đứt bởi sự chết. Cây Sự Sống đem lại cho loài người sự sống của Thiên Chúa, tức là sự đời đời ở trong hạnh phúc với Ngài. Thánh Kinh gọi sự sống đời đời là sự nhìn biết Thiên Chúa (Giăng 17:3). Vì thế, Cây Sự Sống có thể được gọi là Cây Biết Đấng Thiện. Hậu quả của sự ăn trái của Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác là sự chết, vì thế, cây ấy có thể được gọi là Cây Sự Chết!
  2. Cây Sự Sống đối nghịch với Cây Sự Chết. Cây Biết Đấng Thiện đối nghịch với Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Hành động ăn trái của Cây Sự Sống tiêu biểu cho sự tự nguyện vâng lời Thiên Chúa, dẫn đến sự hiểu biết Ngài càng hơn, tin cậy Ngài càng hơn, yêu kính Ngài càng hơn, và mãi mãi được hạnh phúc trong tình yêu của Ngài. Hành động ăn trái của Cây Sự Chết tiêu biểu cho sự nghịch lời Thiên Chúa, dẫn đến sự thiếu sự thông biết về Ngài, nghi ngờ Ngài, xem thường Ngài, và mãi mãi bị phân rẽ khỏi Ngài trong đau khổ, tủi nhục.

Nếu loài người chọn ăn trái của Cây Sự Sống thì loài người cũng sẽ đương nhiên biết phân biệt sự thiện và sự ác mà không cần ăn trái của Cây Sự Chết. Bởi vì:

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự khôn sáng; bất cứ người nào làm như vậy thì có trí hiểu. Sự tôn vinh Ngài còn mãi.” (Thi Thiên 111:10).

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự tri thức.” (Châm Ngôn 1:7a).

Ngụ ngôn dưới đây sẽ giúp cho chúng ta hiểu ý nghĩa của sự Thiên Chúa dùng Cây Sự Sống và Cây Sự Chết để thử thách loài người.

Có một người giàu có kia, một hôm, gọi đứa con trai duy nhất của mình đến và nói: Cha có việc phải vắng mặt một thời gian và cha giao cho con toàn quyền quản trị mọi sự. Đây là chiếc chìa khóa có thể mở được cửa của tất cả các căn phòng trong lâu đài. Con được phép mở cửa và sử dụng tất cả các phòng ngoại trừ phòng có cánh cửa màu đỏ, nếu con mở nó, thì con sẽ không còn là con của cha nữa. Riêng phòng có cánh cửa màu xanh, ở tầng trên cùng, là căn phòng quan trọng nhất cha dành cho con.

Sau khi người cha lên đường, người con vui mừng mở cửa những căn phòng trong các tầng lầu và tìm thấy đủ những sự giàu có, sang trọng, vui thú… Anh ta ngẫm nghĩ: Tại sao cha không cho phép mình mở căn phòng có cửa màu đỏ? Phải chăng, trong căn phòng đó có những sự vui thú mà cha muốn hưởng một mình? Người con bị giằng co giữa trí tò mò, lòng nghi ngờ cha, và lòng muốn vâng lời cha. Cuối cùng, trí tò mò đã thắng, người con rón rén, đi lên tầng lầu cuối cùng, là tầng chỉ có hai cánh cửa: một xanh, một đỏ. Anh run run đưa chìa khóa vào ổ khóa để mở cánh cửa màu đỏ, rồi đẩy cửa, bước vào.

Trước mặt người con là một bàn làm việc. Đàng sau bàn làm việc là một chiếc ghế. Ngồi trên chiếc ghế đó, là cha của anh đang nghiêm khắc nhìn anh. Trong đôi mắt và trên khuôn mặt ông lộ rõ nét thất vọng và nỗi đau đớn.

Người cha nói: Kể từ giờ phút này, con không còn là con của cha nữa, vì con đã không tin cậy cha, đã không yêu cha, đã không vâng lời cha.

Người cha đưa cho người con một phong thư, và nói tiếp: Nếu con mở cánh cửa màu xanh, thì con sẽ nhìn thấy trong căn phòng đó chỉ có một bàn làm việc, và trên bàn làm việc chỉ có một phong thư với lá thư có nội dung giống y như nội dung của lá thư trong phong thư này. Bây giờ, con hãy ra khỏi tòa lâu đài này.

Người con bàng hoàng, đưa tay run run nhận lấy phong thư từ tay cha, rồi thất thểu ra khỏi tòa lâu đài. Ra đến bên ngoài, anh dừng lại, mở phong thư ra. Trong đó, có một lá thư do chính cha anh viết: Cha chúc mừng con đã thắng được sự thử thách để bày tỏ lòng tin cậy, yêu kính, và vâng phục cha. Bây giờ, con hãy mở cánh cửa màu đỏ để gặp cha!

Nhiều người, khi đọc câu chuyện ghi lại sự sa ngã của loài người đã ngang nhiên lên án Thiên Chúa. Dưới đây là một vài câu lên án điển hình:

  1. “Thiên Chúa là Đấng biết hết mọi sự, cần gì phải thử thách loài người để biết loài người có vâng phục Ngài hay không?”

Vấn đề không phải là Thiên Chúa thử thách loài người mới biết loài người có vâng phục Ngài hay không, mà là, mọi thử thách Thiên Chúa mang đến cho một người là để loài người, các thiên sứ, và ma quỷ nhận biết người ấy tin cậy, yêu kính, và vâng phục Chúa đến mức độ nào. Chính sự thử thách kinh khủng Thiên Chúa cho phép xảy ra với Gióp, như đã ghi chép trong sách Gióp đoạn 1 và 2, mà bản thân Gióp, loài người, các thiên sứ, và ma quỷ mới được nghe lời tuyên xưng của Gióp: “Mặc dù xảy đến cho ta điều gì… Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài!” (Gióp 13:13, 15).

  1. “Không cha mẹ nào lại đem để thuốc độc và thuốc bổ trong tủ thuốc, rồi dặn con là đừng uống thuốc độc, chỉ uống thuốc bổ mà thôi.”

Dĩ nhiên, cha mẹ sẽ không làm như vậy với các con trẻ thiếu hiểu biết, nhưng A-đam và Ê-va không phải là con trẻ thiếu hiểu biết. Họ là đôi vợ chồng trưởng thành, được Thiên Chúa ban cho quyền vị cai quản muôn loài vạn vật trên đất. Họ phải biết quyết định khôn sáng trong mọi sự và phải chứng tỏ rằng họ hết lòng vâng phục Thiên Chúa.

  1. “Thiên Chúa đã biết trước loài người sẽ không vâng lời, mà sao Thiên Chúa vẫn để cho Cây Sự Chết ở trong vườn?”

Thiên Chúa biết trước loài người sẽ không vâng lời, nhưng Thiên Chúa dựng nên loài người có ý chí tự do như Ngài. Vì thế, sự thử thách phải có để loài người thể hiện ý chí tự do chọn tin cậy Chúa, yêu kính Chúa, và vâng phục Chúa.

Thiên Chúa biết trước loài người sẽ phạm tội nhưng Thiên Chúa cũng biết trước rằng, khi được ban cho cơ hội ăn năn tội, thì sẽ có một số người tiếp nhận cơ hội ấy và sẽ tự nguyện tin cậy Ngài, yêu kính Ngài, và vâng phục Ngài. Vì thế, chương trình đời đời của Thiên Chúa vẫn được hoàn tất đúng theo thánh ý của Ngài.

Theo Thánh Kinh, Cây Sự Sống vẫn còn ở trong vườn Ê-đen một thời gian, và Thiên Chúa sai các Chê-ru-bim, là một loài thần linh phục vụ Ngài, canh giữ con đường dẫn đến cây ấy. Thánh Kinh không cho chúng ta biết khi nào thì Cây Sự Sống không còn ở trên đất.

Trong trời mới đất mới, Cây Sự Sống sẽ xuất hiện trong thành thánh Giê-ru-sa-lem mới trên đất. Tất cả công dân trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời đều được hưởng sự sống đời đời qua hình thức ăn trái của Cây Sự Sống.

Sự sống đời đời trước hết là sự tri thức về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là Đấng Đời Đời nên sự tri thức về Thiên Chúa của loài người sẽ cứ gia tăng mãi mãi; và được biểu tượng bằng sự ăn trái của Cây Sự Sống. Kế tiếp, sự sống đời đời tức là sự được mãi mãi ở trong tình yêu của Thiên Chúa, là tâm thần luôn thông công với Thiên Chúa. Sau cùng, sự sống đời đời là nói đến thân thể vật chất của loài người sẽ mãi mãi vinh quang và kết hiệp với tâm thần, linh hồn.

Cây Sự Sống trong thành thánh Giê-ru-sa-lem mới có thể còn cao hơn chiều cao 2.220 km của thành, và tàn lá xum xuê của nó có thể toả ra bao phủ khắp khuôn viên rộng gần năm triệu km2 của thành (2.220 km X 2.220 km = 4.928.400 km2). Cứ mỗi tháng Cây Sự Sống ra trái một lần, một năm thì ra 12 loại trái khác nhau; và muôn dân được hưởng các trái ấy. Có thể là trong dịp lễ hội ngày trăng mới mỗi tháng. Hương vị của trái ấy có thể khác nhau tùy theo tháng.

Sự bài tiết trong cõi trời mới đất mới sau khi ăn uống cũng sẽ khác hẳn với sự bài tiết trong trời cũ đất cũ. Có thể, không cần có nhà vệ sinh, mà là, sự bài tiết có thể thoát ra ngoài thân thể chúng ta qua hình thức các chất hơi có hương thơm như các loài hoa.

“Những lá của cây được dùng trong sự phục vụ của các quốc gia”: Trước hết, chúng ta cần biết là từ ngữ “therapeia” G2322 /thê-ra-bai-a/ được dùng trong câu này có thể dịch là “phục vụ” hoặc “chữa lành”. Trong phiên bản cũ của Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, chúng tôi đã dịch là “chữa lành”; nhưng trong phiên bản mới, chúng tôi sửa lại là “phục vụ”, vì thấy hợp lý hơn. Trong cõi trời mới đất mới tất cả những sự cũ đều qua đi, cho nên, không còn bệnh tật thuộc linh hay thuộc thể, không cần có sự chữa lành.

Phải chăng, sự phục vụ của các quốc gia được nói đến ở đây là sự dân chúng của các quốc gia sẽ cầm những nhánh lá của Cây Sự Sống trong tay, để tung hô Thiên Chúa trong các ngày lễ hội Sa-bát và trăng mới? Chúng ta không biết chắc. Chúng ta hãy chờ đến ngày chúng ta ở trong cõi trời mới đất mới để biết những lá của Cây Sự Sống được dùng để làm gì.

Xin nghe thêm ba bài giảng về Cây Sự Sống và Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác [1].

3 Sẽ không còn nguyền rủa nữa. Ngai của Đức Chúa Trời và của Chiên Con sẽ ở trong thành; và các tôi tớ Ngài sẽ phụng sự Ngài.

4 Họ sẽ thấy mặt Ngài và tên Ngài sẽ ở trên trán họ.

Từ ngữ “nguyền rủa” bao gồm: sự đáng gớm ghiếc, sự đáng bị phỉ nhổ, sự đáng ghét. Trong Vương Quốc Đời Đời sẽ không còn những sự ấy nữa, vì chúng đã bị giam lại trong hỏa ngục.

Một lần nữa, lời khẳng định về ngai của Đức Chúa Trời và của Chiên Con sẽ ở trong thành thánh Giê-ru-sa-lem mới. Đức Chúa Trời là Thiên Chúa trên cả muôn loài, Chiên Con là Thiên Chúa trong thể xác loài người, đồng ngự trên cùng một ngai. Chúng ta chú ý là danh từ ngai luôn luôn được dùng với số ít. Sẽ có người hỏi rằng, Thiên Chúa Ngôi Đức Thánh Linh ngự ở đâu? Ngài ngự giữa Đức Chúa Trời và Chiên Con qua hình thức Sông Sự Sống, và Ngài ngự trong thân thể của con dân Thiên Chúa.

“Các tôi tớ Ngài sẽ phụng sự Ngài”: Thứ nhất là nói đến Hội Thánh trong chức vụ những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và trong chức vụ những vua đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ:

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:9).

“…Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài; Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!” (Khải Huyền 1:5-6).

Thứ nhì: tất cả muôn dân trên đất cũng sẽ là tôi tớ hầu việc Thiên Chúa, vì họ quản trị địa cầu, và mỗi ngày Sa-bát, mỗi ngày trăng mới họ sẽ vào thành thánh, ra mắt Thiên Chúa và thờ phượng Thiên Chúa.

Danh của Thiên Chúa sẽ ở trên trán của mỗi người và mỗi người sẽ được mặt đối mặt với Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.

Chúng ta để ý thấy danh xưng Đức Chúa Trời và danh xưng Chiên Con cùng được nói đến nhưng bốn lần chữ “Ngài” được dùng trong Khải Huyền 22:3 và 4 đều là hình thức số ít. Vì thế, chữ “Ngài” đó là đại danh từ chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa.

5 Tại đó, sẽ không còn có ban đêm nữa. Họ sẽ không cần đèn, không cần ánh sáng của mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời chiếu sáng họ; và họ sẽ cai trị đời đời.

Một lần nữa, sự kiện tại thành thánh Giê-ru-sa-lem mới sẽ không có ban đêm được nhắc đến. Vì sự vinh quang tuyệt đối của Đức Chúa Trời sẽ chiếu sáng ngày đêm cho thành. Hội Thánh sẽ từ nơi thành thánh, cùng với Chiên Con cai trị đời đời cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

6 Thiên sứ phán với tôi rằng: Những lời này là thành tín và chân thật. Chúa, là Đức Chúa Trời của các tiên tri thánh, đã sai thiên sứ Ngài tỏ ra cho các tôi tớ Ngài những sự sắp hoàn thành.

“Những lời này” tức là tất cả những gì Giăng được nghe. Thành tín là sẽ ứng nghiệm hoàn toàn. Chân thật là hoàn toàn đúng với thánh ý Thiên Chúa.

“Chúa là Đức Chúa Trời của các tiên tri thánh”: Danh từ Chúa ở đây được dùng cho Chiên Con, tức Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta đã biết, chính Đức Chúa Trời đã ban cho Đức Chúa Jesus Christ danh xưng của Đức Chúa Trời:

“Và con không ở trong thế gian nữa nhưng họ ở trong thế gian, và con về với Ngài. Lạy Cha Thánh! Xin giữ gìn họ trong danh của Ngài mà Ngài đã ban cho con, để họ cũng là một như Chúng Ta. Khi Con còn với họ trong thế gian, Con đã giữ họ trong danh của Ngài mà Ngài đã ban cho Con. Con đã giữ họ và không một ai trong họ bị hư mất, trừ đứa con của sự hư mất, để Thánh Kinh được ứng nghiệm.” (Giăng 17:11-12).

Và chính Đức Chúa Trời đã gọi Đức Chúa Jesus Christ là Đức Chúa Trời:

“Nhưng về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời! Ngai của Ngài còn tới đời đời. Vương trượng công chính là vương trượng của vương quyền Ngài. Ngài yêu sự công chính và Ngài ghét sự phạm pháp. Bởi cớ ấy, hỡi Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời của Ngài xức dầu cho Ngài với dầu vui mừng, bên cạnh những người cùng dự phần của Ngài.” (Hê-bơ-rơ 1:8-9).

Danh xưng Đức Chúa Trời được dùng cho Đức Chúa Jesus Christ để nói lên quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời đã được trao cho con người xác thịt Jesus, để chính con người xác thịt ấy cai trị như Đức Chúa Trời cai trị, phán xét như Đức Chúa Trời phán xét. Con người xác thịt ấy cũng là Đấng Chủ Tể của các tiên tri thánh, và chính con người xác thịt ấy đã sai các thiên sứ tỏ ra cho các tôi tớ Ngài những sự sắp hoàn thành. Mà Sứ Đồ Giăng đã được chọn làm người ghi chép lại.

7 Này, Ta đến cách mau chóng! Phước cho kẻ giữ những lời tiên tri trong sách này.

Đó là lời phán của con người xác thịt Đức Chúa Jesus Christ trong thẩm quyền và trong danh của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ đến cách mau chóng với Hội Thánh của Ngài. Ngài cũng sẽ đến cách mau chóng với con dân Chúa của thời Đại Nạn. “Đến cách mau chóng” là đến một cách bất ngờ. Tiến trình của sự Chúa đến chỉ trong nháy mắt.

Những ai giữ những lời tiên tri trong sách Khải Huyền sẽ được phước. Đối với Hội Thánh là nghe và làm theo những gì được chép trong sách Khải Huyền trong đoạn 2 và đoạn 3, là những lời phán dành riêng cho Hội Thánh:

  • Hãy nhớ lại đã sa sút từ đâu mà ăn năn và làm lại những công việc lúc ban đầu.
  • Chớ ngại chịu khổ vì danh Chúa! Mà hãy trung tín cho đến chết!
  • Hãy vững lòng tôn cao danh Chúa, không chối bỏ đức tin nơi Chúa.
  • Hãy siêng năng hầu việc Chúa càng hơn trong những ngày sau rốt; đừng dung túng tà giáo.
  • Hãy tỉnh thức và làm sống lại những việc đã sắp chết! Mà hầu việc Chúa cách trọn vẹn.
  • Hãy tiếp tục nhẫn nại giữ lấy Lời Chúa và những điều đã được Chúa ban.
  • Hãy sốt sắng ăn năn, từ bỏ những sự thuộc về thế gian mà tìm kiếm sự giàu có và khôn sáng thật trong Chúa.

Đối với những người sống trong thời Đại Nạn là nghe và làm theo toàn bộ những sự dạy dỗ trong sách Khải Huyền.

8 Tôi, Giăng, thấy những việc ấy và nghe. Khi tôi đã nghe và thấy xong, tôi phủ phục để thờ phượng trước chân của thiên sứ đã tỏ ra cho tôi những sự ấy.

9 Thì người nói với tôi: Hãy coi chừng, đừng làm vậy. Vì ta là tôi tớ đồng công với ngươi và với anh em ngươi, là các tiên tri, cùng những kẻ giữ lời trong sách này. Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời.

Một lần nữa, Giăng long trọng tuyên bố chính ông đích thân thấy và nghe những gì mà Đức Chúa Jesus Christ đã sai các thiên sứ của Ngài tỏ ra cho ông trong khải tượng. Thế rồi, choáng ngợp trước sự vĩ đại, lạ lùng, uy nghiêm của khải tượng, ông lại hạ mình xuống để thờ phượng Chúa qua sứ giả của Ngài, là vị thiên sứ đang đứng trước ông. Trước đó, ông cũng đã hạ mình xuống để thờ phượng Thiên Chúa qua vị thiên sứ này, khi ông nhìn thấy khải tượng về Lễ Cưới Chiên Con (Khải Huyền 19:10).

So sánh hai trường hợp, thì chúng ta thấy dường như Giăng bị xúc động mạnh, muốn hạ mình thờ phượng Thiên Chúa mỗi khi ông nghe thiên sứ nói rằng, những lời ông nghe, là những lời chân thật của Đức Chúa Trời!

Lời cam kết đó của thiên sứ làm cho Giăng cảm động và biết ơn Đức Chúa Trời, là Đấng sẽ làm thành những điều tốt lành mà Ngài đã phán hứa. Mặc dù chúng ta biết là Giăng muốn tỏ lòng thờ phượng Đức Chúa Trời; nhưng sự kiện ông hạ mình trước thiên sứ không được thiên sứ chấp nhận.

Trái ngược với vị thiên sứ có vinh quang rực rỡ cả đất ấy, ngày nay, nhiều người tự xưng là người chăn dắt bầy chiên của Chúa trong các giáo hội, bản thân đang sống nghịch lại các điều răn của Chúa, đã tự xưng bằng nhiều danh hiệu phạm thượng: từ danh xưng Đức Thánh Cha, đến danh xưng cha, và danh xưng mục sư, nghĩa là “thầy chăn”, cho đến danh xưng reverend (nghĩa là “đáng tôn kính”). Họ muốn con dân Chúa phải trọng vọng họ như là một giai cấp tối cao trong tổ chức giáo hội của họ. Con dân Chúa cần thức tỉnh và bước ra khỏi những Ba-bi-lôn thuộc linh ấy, đừng quỵ lụy trước những con sói đội lốt chiên, đừng cung phụng tiền bạc, tài sản vật chất cho chúng trong khi chúng ngạo mạn xưng mình là cha là thầy của con dân Chúa!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

[1] http://www.timhieutinlanh.net/?p=377 hoặc các bài 10107, 10108, và 10109 tại đây: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/101_toiloiductinsucaunguyen

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/