022 Chú Giải Khải Huyền 01:09-20 Mạc Khải về Đấng Christ

7,816 views

YouTube: https://youtu.be/5AiMASsiSsU

022 Chú Giải Khải Huyền 1:9-20
Mạc Khải về Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Phần A:
Phần B: 

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Phần A:

Phần B:

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
Phần A:
022_ChuGiaiKhaiHuyen_01_9-20a.mp3 – OpenDrive (od.lk)
Phần B: 022_ChuGiaiKhaiHuyen_01_9-20b.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Chương Một: Đấng Christ và Hội Thánh (1:1 – 3:22)

II. Mạc Khải về Đấng Christ (1:9-20)

1. Giăng Nhận Mạc Khải (1:9-11)

2. Vinh Quang của Đấng Christ (1:12-16)

3. Lời Giao Phó của Đấng Christ (1:17-20)

Khải Huyền 1:9-20

9 Tôi là Giăng, anh em của các anh chị em và kẻ dự phần với các anh chị em trong sự hoạn nạn, trong vương quốc và sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ. Tôi đã ở trên đảo gọi là Bát-mô vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ.

10 Tôi đã ở trong thần linh vào ngày của Chúa và nghe phía sau tôi có một tiếng lớn như tiếng loa

11 phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng. Những điều ngươi thấy, hãy chép vào một cuộn sách và gửi đến bảy Hội Thánh tại A-si; gửi cho Ê-phê-sô, cho Si-miệc-nơ, cho Bẹt-găm, cho Thi-a-ti-rơ, cho Sạt-đe, cho Phi-la-đen-phi và cho Lao-đi-xê.

12 Bấy giờ, tôi quay lại để xem tiếng đã phán với tôi. Khi quay lại, tôi nhìn thấy bảy chân đèn bằng vàng.

13 Ở giữa các chân đèn, có ai giống như con người. Ngài mặc áo dài phủ tận chân và có đai vàng thắt ngang ngực.

14 Đầu và tóc Ngài trắng như len, trắng tựa tuyết; đôi mắt Ngài như ngọn lửa.

15 Đôi chân Ngài như đồng sáng đã được luyện trong lò và tiếng nói Ngài như tiếng của nhiều dòng nước.

16 Trong tay phải Ngài có bảy ngôi sao và từ miệng Ngài ra một thanh gươm bén, hai lưỡi. Khuôn mặt Ngài như mặt trời lúc cực sáng.

17 Khi thấy Ngài, tôi ngã xuống tại chân Ngài như chết. Ngài đặt tay phải Ngài trên tôi, phán rằng: Đừng sợ! Ta là Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng.

18 Ta là Đấng Sống mà đã chết, và kìa, nay Ta sống đời đời! A-men! Ta giữ các chìa khóa của sự chết và âm phủ.

19 Hãy chép những sự ngươi thấy: những sự hiện có và những sự sẽ đến sau những sự ấy;

20 sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao ngươi thấy trong tay phải Ta và bảy chân đèn bằng vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội Thánh và bảy chân đèn ngươi thấy là bảy Hội Thánh.


Giăng Nhận Mạc Khải

9 Tôi là Giăng, anh em của các anh chị em và kẻ dự phần với các anh chị em trong sự hoạn nạn, trong vương quốc và sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ. Tôi đã ở trên đảo gọi là Bát-mô vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ.

Tôi là Giăng: Trong sách Giăng và ba thư tín của Giăng (I Giăng, II Giăng, III Giăng), Sứ Đồ Giăng đã không xưng tên, có lẽ vì sách Giăng và các thư tín được viết ra tại Hội Thánh Ê-phê-sô được nhiều người biết ông là tác giả. Nhưng sách Khải Huyền được viết ra trong khi Giăng bị lưu đày trên đảo Bát-mô, xa cách Hội Thánh. Có lẽ vì thế mà Giăng cố ý xưng tên để các Hội Thánh nhận biết là sách Khải Huyền do ông viết ra.

Anh em: Trong nguyên ngữ là “người anh hoặc em trai”.

Các anh chị em: Trong nguyên ngữ là đại danh từ ngôi thứ nhì số nhiều, không phân biệt phái tính, nên chúng tôi chọn dịch là “anh chị em”.

Trong Hội Thánh của Chúa, mọi người là anh chị em với nhau, cùng chung một Cha ở trên trời, cho nên, Giăng xưng mình là một anh hoặc em trai giữa các con dân Chúa. Ngày nay, trong các giáo hội, những người có chức vụ muốn người khác phải trọng vọng mình như thầy, như cha, là không đúng với tinh thần của con dân Chúa.

Kẻ dự phần với các anh chị em trong sự hoạn nạn, trong vương quốc và sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ: Chẳng những Giăng cùng đức tin với con dân Chúa trong các Hội Thánh, mà ông còn cùng họ dự phần trong sự hoạn nạn vì danh Chúa; dự phần trong vương quốc của Ngài; và dự phần trong sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ. Dự phần trong sự hoạn nạn có nghĩa là chịu sự bắt bớ, bách hại của thế gian vì đức tin nơi Chúa. Bản thân Giăng khi viết câu này, thì ông đang bị tù khổ sai. Sáu mươi tám năm trước đó, ông cũng từng chịu nhục, chịu tù chung với Sứ Đồ Phi-e-rơ vì rao giảng Tin Lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 4). Dự phần trong vương quốc của Chúa vừa có nghĩa là được sống trong vương quốc của Ngài mà còn là được đồng trị với Chúa trong vương quốc của Ngài:

“Ngài làm cho chúng ta cùng sống lại và đặt chúng ta cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus…” (Ê-phê-sô 2:6).

“Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với Ngài. Nếu chúng ta chối bỏ Ngài thì Ngài cũng sẽ chối bỏ chúng ta.” (II Ti-mô-thê 2:12).

Dự phần trong sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là yên lặng, trốn tránh và hứng chịu sự bách hại của thế gian mà không bạo động chống lại thế gian. Chính Đức Chúa Jesus vẫn đang nhẫn nại cho thêm thế gian cơ hội để ăn năn, thì con dân Chúa không thể bạo động chống nghịch hoặc trả thù thế gian. Tuy nhiên, điều đó không ngoại trừ quyền tự vệ của con dân Chúa khi có thể tự vệ, bao gồm hình thức thụ động như trốn tránh (Ma-thi-ơ 10:23), lẫn hình thức chủ động như dùng vũ lực để chống trả. Trước khi Chúa bị bắt, Ngài phán dạy các môn đồ hãy bán áo để mua gươm tự vệ (Lu-ca 22:36). Khải Huyền 13:10 nhấn mạnh đến sự con dân Chúa trong thời Đại Nạn phải nhẫn nại, không được bạo động chống lại thế lực của AntiChrist:

“Ai bắt người cầm tù sẽ bị cầm tù. Ai giết người bằng gươm phải bị giết bằng gươm. Đây là sự nhẫn nại và đức tin của các thánh đồ.”

Sự trả thù thuộc về Đức Chúa Trời:

“Hỡi những người yêu dấu! Chớ tự mình trả thù nhưng hãy nhường chỗ cho sự giận của Đức Chúa Trời; vì có chép rằng, Chúa phán: Sự trả thù thuộc về Ta! Ta sẽ báo trả! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35]” (Rô-ma 12:19).

Tôi đã ở trên đảo gọi là Bát-mô: Đảo Bát-mô là một hòn đảo nhỏ thuộc Hy-lạp, nằm trong vùng biển Địa Trung Hải giữa Hy-lạp và Thổ-nhĩ-kỳ. Đảo là vùng núi đá chớn chở với chiều dài khoảng 15 km và chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 9 km. Vào thế kỷ thứ nhất, đảo Bát-mô là một trong những địa điểm đế quốc La-mã lưu đày những tù nhân chính trị và những Cơ-đốc nhân. Nơi đó, tù nhân phải làm việc trong các mỏ đá. Giăng bị tù tại Bát-mô vào khoảng năm 94 đến năm 96. Có lẽ, Giăng nhận được khải tượng và viết sách Khải Huyền vào cuối năm 95.

Đối diện với đảo Bát-mô, về phía đông, khoảng 60 km là vùng A-si với bảy Hội Thánh.

Vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ: Lý do Giăng bị lưu đày là vì ông rao giảng Tin Lành tại Ê-phê-sô. Vì Lời của Đức Chúa Trời vừa là: vì Thánh Kinh, mà cũng vừa là: vì Đức Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Jesus Christ được xưng là “Lời của Đức Chúa Trời”. Vì chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ là: vì thuật lại những gì Đức Chúa Jesus Christ đã phán dạy và đã làm ra.

10 Tôi đã ở trong thần linh vào ngày của Chúa và nghe phía sau tôi có một tiếng lớn như tiếng loa

Tôi đã ở trong thần linh: Loài người là linh hồn sống cùng lúc ở trong một thân thể vật chất là xác thịt và ở trong một thân thể thiêng liêng là thần linh. Khi Giăng viết “tôi đã ở trong thần linh” là ông muốn nói rằng, tất cả những khải tượng mà ông nhận được và chép lại trong sách Khải Huyền, không bởi các giác quan của thân thể vật chất, mà là bởi các giác quan của thân thể thiêng liêng [1].

Vào ngày của Chúa: Nhiều nhà giải kinh thuộc các giáo hội không vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy theo điều răn thứ tư, đã giải thích rằng, từ ngữ “ngày của Chúa” tức là ngày Thứ Nhất, còn gọi là Chủ Nhật hay Chúa Nhật. Họ cho rằng, vì Chúa sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần lễ, nên ngày đó trở thành ngày của Chúa. Tuy nhiên, Chúa đã không sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần lễ. Ngài sống lại sau ba ngày ba đêm ở trong lòng đất, nhằm vào trước khi mặt trời lặn cuối ngày Thứ Bảy. Rồi, Ngài hiện ra cho bà Ma-ri Ma-đơ-len vào sáng sớm ngày Thứ Nhất [2]. Thánh Kinh không bao giờ gọi ngày thứ nhất trong tuần lễ là “ngày của Chúa”. Nhưng Thánh Kinh gọi Chúa là Chúa của ngày Sa-bát Thứ Bảy (Ma-thi-ơ 12:8; Mác 2:28; Lu-ca 6:5) và nhiều lần trong Thánh Kinh tuyên bố ngày Sa-bát Thứ Bảy là ngày của Chúa, như:

“Nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10).

“Ai nấy phải tôn kính cha mẹ mình và giữ những ngày Sa-bát của Ta…” (Lê-vi Ký 19:3).

Chúa cũng không hề gọi một ngày nào khác hơn ngày Thứ Bảy Sa-bát là “ngày của Ta!” Vì thế, “ngày của Chúa” phải là một ngày Sa-bát Thứ Bảy. Các giáo hội dạy rằng, Hội Thánh lúc ban đầu đã chọn ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật làm ngày Sa-bát, nhưng lịch sử chứng minh ngược lại. Xin tham khảo thêm các bài: “Chủ Nhật và Chúa Nhật” [3], “Lịch Sử Giữ Ngày Sa-bát của Hội Thánh” [4], và nhiều bài khác liên quan đến ngày Sa-bát [5].

Nghe phía sau tôi có một tiếng lớn như tiếng loa: Trong thân thể thần linh, Giăng nghe phía sau lưng mình có một tiếng nói, vang rền như tiếng loa.

11 phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng. Những điều ngươi thấy, hãy chép vào một cuộn sách và gửi đến bảy Hội Thánh tại A-si; gửi cho Ê-phê-sô, cho Si-miệc-nơ, cho Bẹt-găm, cho Thi-a-ti-rơ, cho Sạt-đe, cho Phi-la-đen-phi và cho Lao-đi-xê.

Những điều ngươi thấy: Là những điều mà Chúa sẽ tỏ ra cho ông trong khải tượng.

Hãy chép vào một cuộn sách: Giăng phải chép những điều ấy vào trong một cuộn sách. Cuộn sách ở đây là những tờ giấy chỉ thảo (làm bằng ruột cây sậy, cán mỏng, ép vào với nhau), được dán thành một tờ dài, cuộn lại thành cuộn.

Gửi đến bảy Hội Thánh tại A-si: Cuộn sách đó cần được sao chép ra và gửi đến bảy Hội Thánh tại vùng A-si.

Gửi cho Ê-phê-sô, cho Si-miệc-nơ, cho Bẹt-găm, cho Thi-a-ti-rơ, cho Sạt-đe, cho Phi-la-đen-phi và cho Lao-đi-xê: Tên riêng của bảy Hội Thánh tại A-si được tiếng phán liệt kê theo một thứ tự nhất định. Đó cũng là thứ tự được nhắc đến trong đoạn 2 và đoạn 3. Chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của thứ tự này ở cuối đoạn 3.


Vinh Quang của Đấng Christ

12 Bấy giờ, tôi quay lại để xem tiếng đã phán với tôi. Khi quay lại, tôi nhìn thấy bảy chân đèn bằng vàng.

Bấy giờ, tôi quay lại để xem tiếng đã phán với tôi: Trong thân thể thần linh, Giăng quay lại để tìm xem tiếng mới vừa phán với ông. Chúng ta chú ý: Những gì Giăng nghe, thấy, chạm đến… đều là bởi thân thể thiêng liêng của ông, còn gọi là tâm linh, tâm thần, hoặc linh thể.

Bảy chân đèn bằng vàng: Theo 1:20 thì bảy chân đèn bằng vàng tiêu biểu cho bảy Hội Thánh địa phương tại A-si như đã nêu tên trên đây. Chúng ta cần chú ý đến hai điểm sau đây:

  • Bảy chân đèn, chứ không phải một chân đèn với bảy ngọn. Một số người minh hoạ bảy Hội Thánh được nói đến trong Khải Huyền bằng một ngọn đèn có bảy ngọn. Minh họa như vậy là không đúng.

  • Chúng ta không rõ là mỗi chân đèn có một ngọn hay có bảy ngọn. Tuy nhiên, mỗi chân đèn có bảy ngọn thì hợp lý hơn. Hình ảnh chân đèn bằng vàng có bảy ngọn trong Đền Tạm là một hình ảnh tiêu biểu cho Hội Thánh của Chúa được ban trọn vẹn năng lực của Chúa để chiếu sáng Lời Ngài ra giữa thế gian.

Xuất Ê-díp-tô Ký 25:31-36 mô tả chân đèn bằng vàng trong Đền Tạm như sau:

31 Ngươi cũng hãy làm chân đèn bằng vàng ròng. Cái chân, cái thân, cái đài, cái nụ cùng cái hoa của đèn đều làm bằng vàng đánh dát.

32 Hai bên thân đèn sẽ có sáu nhánh chia ra, ba nhánh ở bên này và ba nhánh ở bên kia.

33 Trong sáu nhánh chia ra trên chân đèn, mỗi nhánh đều sẽ có ba cái đài hình như hạt hạnh nhân cùng nụ và hoa.

34 Trên thân chân đèn, lại cũng sẽ có bốn cái đài hình hạt hạnh nhân, nụ và hoa.

35 Trong sáu nhánh từ thân chân đèn chia ra, cứ mỗi hai nhánh thì dưới có một cái nụ.

36 Nụ cùng nhánh của chân đèn đều bằng vàng ròng nguyên miếng đánh dát.

Vàng là kim loại quý, tiêu biểu cho sự thuộc về hoàng tộc, nói lên sự kiện Hội Thánh thuộc về Vua của muôn vua là Đức Chúa Jesus Christ. Chân đèn tiêu biểu cho sự chiếu sáng, nói lên nhiệm vụ chiếu sáng Lời Chúa giữa thế gian của Hội Thánh. Bảy ngọn đèn tiêu biểu cho sự sáng trọn vẹn, nói lên sự kiện Hội Thánh làm tròn nhiệm vụ chiếu sáng Lời Chúa giữa thế gian là nhờ bảy công vụ của Đức Thánh Linh. Bảy công vụ của Đức Thánh Linh là: an ủi, giảng dạy, hướng dẫn, cáo trách, làm chứng, cầu thay, và ban các ân tứ. Dù Hội Thánh của Chúa được thể hiện ở địa phương nào, trong thời điểm nào, tình trạng thuộc linh có ra sao, thì:

  • Hội Thánh vẫn thuộc về Chúa;

  • Hội Thánh vẫn có nhiệm vụ chiếu sáng Lời Chúa;

  • Hội Thánh vẫn được Đức Thánh Linh ở cùng, ban cho năng lực, khích lệ, an ủi, cáo trách và kêu gọi ăn năn cho đến khi sự phán xét được hoàn tất trên Hội Thánh.

Hình minh họa chân đèn bảy ngọn
Nguồn: http://www.3dtabernacle.com/images/lampstandbk.JPG

13 Ở giữa các chân đèn, có ai giống như con người. Ngài mặc áo dài phủ tận chân và có đai vàng thắt ngang ngực.

Con người: Trong nguyên ngữ là “con trai của loài người”, với ý nghĩa là một con người hoàn toàn. Từ ngữ “con người” được viết hoa khi có mạo từ xác định đi trước và dùng như một danh xưng của Đức Chúa Jesus Christ. Ngài là Thiên Chúa nhập thế, được sinh ra bởi loài người, để trở thành người như mọi người. Từ ngữ “con trai của loài người” để khẳng định Ngài thật sự là người 100%. Có trở nên người 100% thì Ngài mới có thể gánh hình phạt của tội lỗi thay cho loài người. Dù vậy, trong Con Người Jesus, lại có 100% thần tính Thiên Chúa, nên Ngài có thể chết thay cho mọi người. Vì Thiên Chúa là vô hạn mà loài người dù có nhiều bao nhiêu cũng chỉ là con số giới hạn, có thể đếm được. Đó cũng chính là lý do, không ai, ngay cả một thiên sứ trưởng, có thể chết thay cho toàn thể nhân loại, mà phải là Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thành người. Vì thiên sứ cũng chỉ là loài thọ tạo, có giới hạn, chỉ có thể chết thay cho một người mà thôi! Sự huyền nhiệm của tình yêu, công chính, và thánh khiết trong sự Thiên Chúa chuộc tội cho nhân loại, và sức mạnh của sự cứu chuộc ấy thật vượt ngoài sự hiểu biết của chúng ta.

Câu này có thể hiểu là: Giăng nhìn thấy có ai đó giống như hình dạng của loài người. Tiên Tri Đa-ni-ên cũng có sự hiện thấy về một Đấng giống như con trai của loài người mà chúng ta hiểu rằng, Đấng ấy chính là Đức Chúa Jesus Christ. Vì Ngài là Vua của muôn vua và vương quốc Ngài còn đến đời đời:

“Ta nhìn thấy trong những khải tượng ban đêm, này, có một Đấng giống như con người, đến với những đám mây trời. Đấng ấy đến với Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại, và họ đem Người đến trước mặt Ngài. Người được ban cho quyền cai trị, vinh quang, và vương quốc, mà mọi dân, mọi nước, mọi thứ tiếng đều phụng sự Người. Quyền cai trị của Người là quyền cai trị không dứt, sẽ chẳng qua đi, và vương quốc của Người sẽ không bị diệt.” (Đa-ni-ên 7:13-14).

Cả hai câu kinh văn trong Đa-ni-ên và Khải Huyền đều dùng từ ngữ “giống như con người”. Vì trong sự hiện thấy của Đa-ni-ên và Giăng, Đức Chúa Jesus Christ không ở trong tư cách loài người mà là ở trong tư cách Thiên Chúa, thể hiện qua hình dáng của loài người.

Ngài mặc áo dài phủ tận chân: Đấng mà Giăng nhìn thấy đó, mặc áo dài phủ tận chân. Chúng ta thật sự không biết chất liệu của loại áo này. Theo Khải Huyền 19:8 thì trang phục của các thánh đồ, khi họ vào trong thiên đàng, tức là những việc làm công chính của họ. Như vậy, rất có thể chữ “áo” được dùng trong câu này và “trang phục” trong Khải Huyền 19:8 đều để chỉ về một sự vinh quang bao phủ thực thể của các thánh đồ, của các thiên sứ, và của cả Thiên Chúa trong thế giới thuộc linh.

Nếu chiếc áo của con dân Chúa là những việc làm công chính của họ, thì chiếc áo của Đấng Christ có thể được hiểu là sự công chính của Thiên Chúa. Sự vinh quang của sự công chính của Thiên Chúa bao phủ Đấng Christ như là một chiếc áo.

Hội Thánh được ví là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, câu “Ngài mặc áo dài phủ tận chân” còn có thể được hiểu rằng: Sự công chính của Đức Chúa Jesus Christ bao phủ trọn vẹn Hội Thánh của Ngài. Ê-phê-sô 6:14 còn gọi đó là “giáp của sự công chính!” Sự công chính của Đức Chúa Jesus Christ bảo vệ con dân của Ngài khỏi mọi lời cáo buộc của Sa-tan. Mỗi khi Sa-tan kiện cáo về tội lỗi của con dân Chúa, thì bàn tay mang dấu đinh của Ngài làm cho hắn phải im miệng. Ngài đã trả giá cho tội lỗi của họ và họ đã tiếp nhận ân điển của Ngài. Họ được bao phủ bởi sự công chính của Ngài và tội lỗi của họ đã được rửa sạch bởi máu của Ngài, như Khải Huyền 1:5 đã khẳng định.

Trong Ê-sai 6:1 ghi lại khải tượng về Đức Chúa Jesus Christ như sau:

“Về năm Vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy Đền Thờ.”

Chúng ta hiểu rằng, sự vinh quang tỏa ra từ thực thể của Chúa, lan tỏa khắp Đền Thờ như là một chiếc áo dài. Đấng mà Tiên Tri Ê-sai nhìn thấy đó, chính là Đức Chúa Con. Chúng ta biết như vậy, vì trong Giăng 12:41 chép:

“Ê-sai nói các điều đó, khi ông nhìn thấy sự vinh quang của Ngài và nói về Ngài.”

Chữ “Ngài” ở đây là chỉ về Đức Chúa Jesus Christ đã được Giăng nói đến trong câu 35-36, trước đó.

Trở lại với Ê-sai đoạn 6, chúng ta thấy xuống đến câu 5, Tiên Tri Ê-sai đã kêu lên:

“Bấy giờ tôi nói: Khốn thay cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!”

Ê-sai gọi Đấng mà ông nhìn thấy ngồi trên ngai cao sang đó là: “Vua, tức là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân”. Và Sứ Đồ Giăng, bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, đã ghi rõ trong Giăng 12:41 rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân mà Ê-sai nhìn thấy đó, chính là Đức Chúa Jesus. Chính câu này đã hỗ trợ cho Giăng 1:1 cách mạnh mẽ:

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.”

Nhân đây cũng xin nói luôn sự kiện chính Thánh Kinh bày tỏ: Đức Thánh Linh cũng chính là Thiên Chúa. Chỉ cần so sánh hai phân đoạn dưới đây, chúng ta sẽ thấy được lẽ thật “Một Thiên Chúa Thể Hiện Trong Ba Thân Vị”:

Ê-sai 6:8-13

8 Kế đó, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho Chúng Ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi.

9 Ngài phán: Đi đi! Nói với dân này rằng: Các ngươi hãy nghe, nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem, nhưng chẳng thấy gì.

10 Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, kẻo mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa lành chăng!

11 Tôi lại nói: Lạy Chúa, cho đến chừng nào? Ngài đáp rằng: Cho đến chừng các thành bị hoang vu, không có dân ở, nhà không có người, và đất đã nên hoang vu cả;

12 cho đến chừng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dời dân đi xa, và trong xứ rất là tiêu điều.

13 Giả sử còn lại một phần mười dân cư tại đó, họ sẽ lại bị thiêu nuốt. Nhưng, như khi người ta hạ cây thông cây dẻ, chừa gốc nó lại, thì cũng vậy, giống thánh là gốc của nó.

“Bởi vì họ không đồng ý với nhau và ra về, nên Phao-lô chỉ nói thêm lời này: Đức Thánh Linh đã phán phải lắm, khi Ngài dùng đấng Tiên Tri Ê-sai mà phán với tổ phụ các ngươi rằng: Hãy đến nơi dân này và nói rằng: Các ngươi lấy lỗ tai nghe mà chẳng hiểu chi; lấy mắt xem mà không thấy gì. Vì lòng dân này đã nặng nề. Họ bịt lỗ tai, nhắm mắt lại, ngại rằng, mắt mình tự thấy, tai mình tự nghe, lòng mình tự hiểu, và họ trở lại mà Ta chữa cho lành được chăng.(Công Vụ Các Sứ Đồ 28:25-27).

Đai vàng thắt ngang ngực: Tiêu biểu cho phẩm cách cao quý và chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Ngài. Đồng thời cũng nói lên sự kiện, Ngài đang ở trong tư thế sẵn sàng cho mọi hành động.

Thánh Kinh cũng cho biết, khi Đức Chúa Jesus Christ ở trong chức vụ của nhà vua thì:

“Sự công chính sẽ làm dây thắt lưng của Ngài, sự thành tín sẽ làm dây ràng hông.” (Ê-sai 11:5).

Trong khải tượng, Giăng nhìn thấy Ngài đang đi lại giữa Hội Thánh trong tư cách của thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, Đấng dâng tế lễ chuộc tội và cầu thay cho Hội Thánh trước Đức Chúa Trời. Cho nên, Ngài thắt đai ngang ngực. Trong thời Cựu Ước, thầy tế lễ thượng phẩm có một cái đai thắt ngang ngực (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:8). Vòng tròn của đai nói đến sự trọn vẹn, chất vàng nói đến sự cao quý, đai được thắt ngang ngực, là nơi gần trái tim, tiêu biểu cho nguồn của mọi tình cảm, để nói lên tình yêu của Ngài dành cho Hội Thánh trong chức vụ cầu thay cho Hội Thánh.

14 Đầu và tóc Ngài trắng như len, trắng tựa tuyết; đôi mắt Ngài như ngọn lửa.

Đầu và tóc Ngài trắng như len, trắng tựa tuyết: Chữ “len” trong Thánh Kinh được dùng để gọi loại chỉ được làm ra từ lông chiên. Màu trắng của len hay của lông chiên và màu trắng của tuyết được tiêu biểu cho sự tinh sạch. Màu trắng của tóc nói lên sự khôn ngoan của bậc trưởng lão, là những người sống lâu, kinh nghiệm nhiều. Thánh Kinh gọi Đức Chúa Trời là “Đấng Thượng Cổ”, nghĩa là Đấng đã có từ xa xưa trong quá khứ vô cùng:

“Ta nhìn xem cho đến khi các ngai đã được đặt xuống, và Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại đã ngồi. Áo Ngài trắng như tuyết, và tóc trên đầu Ngài như len tinh sạch. Ngai của Ngài như những ngọn lửa, và các bánh xe của nó như lửa cháy.” (Đa-ni-ên 7:9).

“Đầu và tóc Ngài trắng như len, trắng tựa tuyết” tiêu biểu cho sự khôn ngoan, thánh khiết trong ý tưởng của Ngài.

Đôi mắt Ngài như ngọn lửa: tiêu biểu cho sự “vô sở bất tri” (biết hết mọi sự) của Đức Chúa Jesus Christ. Lửa chiếu sáng, lửa thiêu đốt, và lửa sưởi ấm. Ánh mắt của Đức Chúa Jesus Christ nhìn thấu mọi sự, thiêu đốt những điều ô uế, tội lỗi, an ủi những tâm hồn cô đơn, thống hối.

15 Đôi chân Ngài như đồng sáng đã được luyện trong lò và tiếng nói Ngài như tiếng của nhiều dòng nước.

Đôi chân Ngài như đồng sáng đã được luyện trong lò: Từ ngữ “đồng sáng đã được luyện trong lò” được dùng để gọi một hợp chất kim loại, gồm chất đồng và một hay hai chất kim loại khác, như vàng và bạc, được nung chảy và hòa trộn lẫn nhau. Khi nguội lại thì hợp chất ấy có màu chiếu sáng. Chúng ta không biết thành phần của hợp chất đồng sáng được nói đến trong câu này. Chân của Đức Chúa Jesus Christ được ví như đồng sáng, tiêu biểu cho sức mạnh giày đạp kẻ thù:

“Vậy, hỡi con gái Si-ôn, hãy trỗi dậy, hãy giày đạp! Vì Ta sẽ làm cho sừng ngươi nên sắt, móng ngươi nên đồng; ngươi sẽ nghiền nát nhiều dân, và Ta sẽ dâng lợi của chúng nó cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, của cải chúng nó cho Chúa trên khắp đất.” (Mi-chê 4:13).

Tiếng nói Ngài như tiếng của nhiều dòng nước: tiêu biểu cho sự mạnh mẽ, oai nghi của tiếng phán Ngài. Ai đã từng đứng bên chân những ngọn thác lớn, nghe tiếng khối lượng lớn của nước tuôn đổ từ trên cao, mới có thể cảm nhận được phần nào lời diễn tả này. Sức mạnh của Lời Chúa sáng tạo muôn loài và sức mạnh của Lời Chúa cũng sẽ gọi những kẻ chết sống lại.

16 Trong tay phải Ngài có bảy ngôi sao và từ miệng Ngài ra một thanh gươm bén, hai lưỡi. Khuôn mặt Ngài như mặt trời lúc cực sáng.

Trong tay phải Ngài có bảy ngôi sao: Thánh Kinh xem trọng tay phải hơn là tay trái, vì thông thường, tay phải có sức mạnh hơn là tay trái. Phía bên phải được tôn trọng hơn phía bên trái. Trong sự chào hỏi, tay phải cũng được dùng để chào hay để bắt tay nhau. Từ ngữ “ngôi sao” trong nguyên ngữ Hy-lạp được dùng để gọi bất cứ vật chiếu sáng nào trên bầu trời, từ những mẩu vẫn thạch bé nhỏ, cháy sáng khi bay vào khí quyển của trái đất, cho đến các hành tinh to lớn trong vũ trụ. Từ ngữ ngôi sao còn được dùng để chỉ về các thiên sứ, như chúng ta sẽ gặp trong Khải Huyền 12:4. Bảy ngôi sao trong câu này được 1:20 giải thích là bảy thiên sứ của bảy Hội Thánh địa phương vùng A-si. Chúng ta sẽ luận thêm chi tiết trong phần giải thích câu 1:20.

Từ miệng Ngài ra một thanh gươm bén, hai lưỡi: Thánh Kinh gọi Lời Chúa là gươm của Đấng Thần Linh, và ví Lời Chúa như thanh gươm hai lưỡi. Gươm hai lưỡi là loại gươm mà hai bề đều được mài bén nên có thể chém bằng bên nào cũng được. Loại gươm này, sau khi đâm thủng vào đối phương có thể được kéo mạnh qua lại theo hai bề của lưỡi gươm, để mở rộng vết thương và tàn phá các cơ quan nội tạng. Từ miệng Chúa sẽ phán ra lời phán xét Hội Thánh:

“…gươm của Đấng Thần Linh, là Lời phán của Thiên Chúa.” (Ê-phê-sô 6:17).

“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng. Chẳng có tạo vật nào không hiện ra trước mặt Ngài, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Ngài, Đấng mà chúng ta phải thưa trình.” (Hê-bơ-rơ 4:12-13).

Khuôn mặt Ngài như mặt trời lúc cực sáng: Đây là cách nói diễn tả sự vinh quang tột cùng của Đức Chúa Jesus Christ. Mặt trời lúc cực sáng là mặt trời không bị mây che khuất, và đang chiếu thẳng vào mặt đất. Chúng ta đã biết, mắt thường không thể nào nhìn vào mặt trời lúc cực sáng. Trong sự kiện hóa hình trên núi, khuôn mặt của Đức Chúa Jesus Christ cũng sáng rực như mặt trời:

“Ngài biến hóa trước mặt các người ấy mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng.” (Ma-thi-ơ 17:2).

Sự kiện hóa hình ấy, giúp cho các sứ đồ nhìn thấy trước sự vinh quang của Đức Chúa Jesus Christ, khi Ngài hiện đến trong vương quốc của Ngài. Sự kiện ấy giúp cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa lời phán của Chúa trong Ma-thi-ơ 16:28:

“Thật vậy! Ta nói với các ngươi: Có mấy người đang đứng đây sẽ không nếm sự chết cho đến khi họ nhìn thấy Con Người đến trong vương quốc của Ngài.”

Theo cấu trúc văn phạm của tiếng Hy-lạp, câu ấy có thể được dịch như sau: “Thật vậy, Ta nói với các ngươi, trong vòng các ngươi đứng đây, có vài người sẽ không chết, trước khi được nhìn thấy Con Người như khi Ngài đến trong vương quốc của Ngài.” Sáu ngày sau đó, lời phán của Chúa đã thành sự thật.


Lời Giao Phó của Đấng Christ

17 Khi thấy Ngài, tôi ngã xuống tại chân Ngài như chết. Ngài đặt tay phải Ngài trên tôi, phán rằng: Đừng sợ! Ta là Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng.

Khi thấy Ngài, tôi ngã xuống tại chân Ngài như chết: Sự vinh quang, uy nghi của Chúa khiến cho Giăng, dù đang ở trong linh thể, không thể đứng nổi trước mặt Ngài. Ông đã ngã xuống tại chân Ngài, bất động. Từ ngữ “như chết” được dùng ở đây để nói đến sự bất động của Giăng, chứ không có nghĩa là Giăng trở nên như một xác chết, không còn ý thức. Bởi vì, ông vẫn cảm nhận được bàn tay của Chúa đặt trên ông, ý thức được đó là bàn tay phải của Chúa, bàn tay đang nắm bảy ngôi sao. Ông cũng nghe được tiếng phán của Chúa.

Đừng sợ: Đây là tiếng phán quen thuộc của Chúa với các môn đồ. Giăng đã nhiều lần được nghe tiếng phán thân thương nhưng đầy uy quyền này của Chúa. Tiếng phán khiến cho bình an tràn ngập lòng người nghe.

Ta là Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng: Một lần nữa, câu này được lập lại. Đây là lời giải thích cho ý nghĩa của câu: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga!” Hàm ý của nó là: tất cả mọi sự, mọi vật đều bởi Ngài mà có và đều nằm trong sự tể trị của Ngài. Ngay cả ý chí tự do của các thiên sứ và loài người cũng được Ngài ban cho và nằm trong sự tể trị của Ngài.

18 Ta là Đấng Sống mà đã chết, và kìa, nay Ta sống đời đời! A-men! Ta giữ các chìa khóa của sự chết và âm phủ.

Ta là Đấng Sống mà đã chết: Đấng Sống, có nghĩa chính Ngài là sự sống. Tất cả mọi hình thức sống đều ra từ Ngài. Ngài là nguồn của mọi sự sống; cả sự sống thuộc thể lẫn sự sống thuộc linh; sự sống có ý thức và sự sống vô thức. Sống có nghĩa là thực hữu và hoạt động hoặc sinh sản cho một mục đích. Chết là thực hữu trong thụ động, không có mục đích. Đấng Sống đã thành người và kinh nghiệm sự chết như loài người để chuộc tội cho loài người.

Và kìa, nay Ta sống đời đời: Vì Ngài là Đấng Sống nên sự chết không có quyền trên Ngài. Ngài đã chết, nhưng Ngài lại đang sống đời đời. Điều đó hàm ý: Ngài đã phục sinh sau khi chết và sẽ không bao giờ chết nữa.

A-men! Ta giữ các chìa khóa của sự chết và âm phủ: Thật như vậy! Ngài cầm quyền trên sự chết và âm phủ. Sự chết không thể giam giữ những kẻ chết, vì Ngài sẽ khiến tất cả kẻ chết đều sống lại. Âm phủ là nơi giam giữ những linh hồn đã chết cũng không thể giữ họ lại trong ngày Chúa gọi những kẻ chết sống lại. Ngày đó, mọi xác thịt loài người sẽ sống lại và tái hợp với những linh hồn được ra khỏi âm phủ, để ra trước toà phán xét của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết của sự kiện này, khi tìm hiểu ý nghĩa của Khải Huyền đoạn 20.

19 Hãy chép những sự ngươi thấy: những sự hiện có và những sự sẽ đến sau những sự ấy;

Một lần nữa, tiếng phán của Chúa nhắc cho Giăng, rằng ông phải ghi chép lại tất cả những gì ông nhìn thấy trong khải tượng. Bao gồm những sự xảy ra cho các Hội Thánh ngay trong thời điểm ông đang sống, và những sự sẽ xảy ra sau khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian. Mệnh lệnh chung là như vậy. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, cũng sẽ có biệt lệ, tức là sẽ có những điều mà Chúa không muốn cho Giăng ghi chép lại. Qua đó, chúng ta học được bài học quan trọng này: Chúng ta cứ hết lòng làm đúng theo lời phán dạy của Chúa, cho đến khi Chúa bảo chúng ta làm khác đi. Khi Chúa bảo chúng ta làm khác đi, thì Ngài cũng chỉ thị cho chúng ta một cách rõ ràng.

Những sự hiện có: Bao gồm những sự đang xảy ra cho Hội Thánh trong thời điểm Giăng nhận được mạc khải và sẽ kéo dài cho đến khi Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian. Đó là thời Hội Thánh, và được ghi chép từ Khải Huyền đoạn 1 đến đoạn 4.

Những sự sẽ đến sau những sự ấy: Bao gồm những sự sẽ xảy ra sau khi Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian cho đến khi Vương Quốc Đời Đời được thiết lập trong trời mới đất mới, và được ghi chép từ Khải Huyền đoạn 5 đến đoạn 22.

20 sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao ngươi thấy trong tay phải Ta và bảy chân đèn bằng vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội Thánh và bảy chân đèn ngươi thấy là bảy Hội Thánh.

Chúa cũng nhắc cho Giăng viết về sự mầu nhiệm của bảy người chăn và bảy Hội Thánh. Bảy người chăn tiêu biểu cho tất cả những người được Chúa giao cho nhiệm vụ chăn dắt bầy chiên của Chúa trong từng địa phương. Họ là những người chăn chân thật đến từ Chúa và được Ngài nắm giữ trong bàn tay phải của Ngài. Họ nhận lãnh thẩm quyền và năng lực từ chính Đức Chúa Jesus Christ, Đấng đứng đầu những kẻ chăn và là đầu của Hội Thánh, để làm công tác cho chiên của Chúa ăn. Bảy Hội Thánh tiêu biểu cho tất cả các Hội Thánh địa phương trong mọi nơi, mọi lúc, với các tình trạng thuộc linh đáng khen hoặc đáng trách.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] Xem thêm các bài về “Loài Người” tại đây: http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?page_id=103

[2] “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh”: http://timhieuthanhkinh.net/?p=38

[3] “Hỏi & Đáp: Chủ Nhật và Chúa Nhật”: http://www.timhieutinlanh.net/?p=578

[4] “Lịch Sử Giữ Ngày Sa-bát của Hội Thánh”: http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=9

[5] Các bài liên quan đến ngày Sa-bát: http://www.timhieutinlanh.net/?p=3112

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.