034 Chú Giải Khải Huyền 07:01-17 144.000 Người I-sơ-ra-ên Được Tuyển Chọn

7,995 views

YouTube: https://youtu.be/aKizgjHiB4s

034 Chú Giải Khải Huyền 7:1-17
144.000 Người I-sơ-ra-ên Được Tuyển Chọn

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
034_ChuGiaiKhaiHuyen_07_1-17.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

 

Khải Huyền 7:1-17

1 Sau những sự đó, tôi thấy bốn thiên sứ đang đứng tại bốn góc đất, giữ bốn hướng gió của đất, khiến gió không thổi trên đất hoặc trên biển hoặc trên cây cối.

2 Tôi thấy một thiên sứ khác, lên từ phía mặt trời mọc, có con dấu của Thiên Chúa Hằng Sống và kêu lớn tiếng đến bốn thiên sứ, là những vị được ban cho quyền làm hại đất và biển,

3 rằng: Chớ làm hại đất hoặc biển hoặc cây cối cho đến khi chúng ta đã đóng dấu ấn các tôi tớ của Đức Chúa Trời chúng ta trên trán họ.

4 Tôi nghe con số những người được đóng ấn đã được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn, thuộc tất cả các chi tộc con cháu của I-sơ-ra-ên.

5 Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Giu-đa được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Ru-bên được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Gát được đóng ấn.

6 Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc A-se được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Nép-ta-li được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Ma-na-se được đóng ấn.

7 Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Si-mê-ôn được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Lê-vi được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc I-sa-ca được đóng ấn.

8 Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Sa-bu-lôn được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Giô-sép được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Bên-gia-min được đóng ấn.

9 Sau đó, tôi nhìn xem, và này, một đám đông vĩ đại, không đếm được, thuộc mọi quốc gia, mọi chi tộc, mọi dân, và mọi ngôn ngữ, đứng trước ngai và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, trong tay họ có những nhánh chà là.

10 Họ kêu lớn tiếng rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta: Đấng ngự trên ngai và thuộc về Chiên Con!

11 Tất cả các thiên sứ đứng chung quanh ngai, chung quanh các trưởng lão và chung quanh bốn sinh vật, đều hạ mình xuống trước ngai và thờ phượng Đức Chúa Trời.

12 Họ nói rằng: A-men! Lời ca tụng, sự vinh quang, sự khôn sáng, lời cảm tạ, sự tôn quý, quyền lực, sức mạnh đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta đời đời. A-men!

13 Một trong các trưởng lão khởi sự nói với tôi, người hỏi: Những người mặc áo dài trắng đó là ai? Họ từ đâu đến?

14 Tôi đáp: Thưa chúa, người biết điều đó! Người đáp lời tôi: Đó là những người đến, xa khỏi cơn đại nạn; đã giặt áo dài mình và làm áo nên trắng trong máu của Chiên Con.

15 Bởi đó, họ được ở trước ngai Đức Chúa Trời, ngày đêm phụng sự Ngài trong Đền Thờ của Ngài và Đấng ngự trên ngai sẽ ở giữa họ.

16 Họ sẽ không còn đói, không còn khát, không còn bị mặt trời hay sức nóng nào chiếu trên họ.

17 Vì Chiên Con, Đấng ở giữa ngai, sẽ chăn họ và sẽ dẫn họ đến những nguồn nước sống. Đức Chúa Trời sẽ lau ráo mọi giọt lệ từ nơi mắt họ.

Trong bài này, chúng ta bước vào chương thứ III của sách Khải Huyền, mở đầu với đoạn 7 và kết thúc với đoạn 8, từ câu 1 đến câu 6. Nội dung chương III của sách Khải Huyền là sự chuẩn bị thế gian cho bảy năm đại nạn. Vì thế, những gì được trình bày trong chương này, đều là những sự sẽ xảy ra trước ngày AntiChrist tái cam kết một hòa ước với I-sơ-ra-ên và các quốc gia, cũng là ngày mở đầu cho bảy năm đại nạn.

1 Sau những sự đó, tôi thấy bốn thiên sứ đang đứng tại bốn góc đất, giữ bốn hướng gió của đất, khiến gió không thổi trên đất hoặc trên biển hoặc trên cây cối.

“Sau những sự đó” là sau sự Chiên Con tháo sáu dấu ấn và Giăng nhìn thấy tình hình chung của thế gian trong Kỳ Đại Nạn. Bây giờ, Giăng hướng nhìn về phía địa cầu và thấy có bốn thiên sứ chịu trách nhiệm giáng các hình phạt trên đất và trên biển, đang đứng tại bốn góc đất. Từ ngữ “bốn góc đất” là cách nói quen thuộc của loài người để chỉ về bốn hướng địa bàn: đông, tây, nam, bắc. Dĩ nhiên, trái đất có hình cầu và không có một chỗ nào trên mặt địa cầu thật sự là “góc đất”. Chúng ta có thành ngữ: “chân trời, góc biển”, được dùng để chỉ nơi xa nhất của mặt biển so với chỗ đứng của người quan sát, là nơi dường như bầu trời hạ xuống để tiếp xúc với mặt biển. Thành ngữ ấy không hề mang nghĩa bầu trời có chân và biển thì có góc. Cũng vậy, thành ngữ “bốn góc đất” và thành ngữ “nơi tận cùng đất” được dùng để chỉ các điểm xa nhất trên mặt đất, so với chỗ đứng của người quan sát.

“Bốn hướng gió của đất” là bốn chiều di chuyển chính của không khí trên bề mặt của địa cầu: đông sang tây và ngược lại, bắc xuống nam và ngược lại. Hiện tượng gió ngừng thổi trên đất hoặc trên biển sẽ là một hiện tượng gây chú ý cho mọi người. Hãy tưởng tượng, không gian bỗng nhiên im vắng, mọi cây cỏ đều đứng yên, bất động, ngoại trừ sự khuấy động của không khí do chim đập cánh, do loài người, loài vật di chuyển, thì cả bầu khí quyển đứng im!

Chúng ta đã biết, gió là sự di chuyển của không khí từ nơi có áp suất không khí cao (vùng lạnh) đến nơi có áp suất không khí thấp (vùng nóng). Vì thế, khi mặt đất và mặt biển không có gió thổi, thì một phép lạ đã xảy ra để khiến cho nhiệt độ khắp nơi trên mặt đất và mặt biển bằng nhau!

2 Tôi thấy một thiên sứ khác, lên từ phía mặt trời mọc, có con dấu của Thiên Chúa Hằng Sống và kêu lớn tiếng đến bốn thiên sứ, là những vị được ban cho quyền làm hại đất và biển,

Giăng lại nhìn thấy một thiên sứ khác, xuất hiện từ hướng đông, là vị thiên sứ có con dấu của Thiên Chúa Hằng Sống. Danh xưng Thiên Chúa Hằng Sống là một hình thức diễn dịch danh xưng “Ta Là” do chính Thiên Chúa tự xưng với Môi-se, khi ông hỏi tên Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14). Chúng ta không biết con dấu của Thiên Chúa là gì, hình dáng ra sao. Chúng ta chỉ có thể hiểu rằng, vị thiên sứ này có thẩm quyền và năng lực của Thiên Chúa, để đánh dấu những người được Thiên Chúa chọn. Vị thiên sứ này truyền lệnh cho bốn vị thiên sứ có quyền làm hại biển và đất.

3 rằng: Chớ làm hại đất hoặc biển hoặc cây cối cho đến khi chúng ta đã đóng dấu ấn các tôi tớ của Đức Chúa Trời chúng ta trên trán họ.

Chúng ta không biết thời gian đóng dấu ấn các tôi tớ của Đức Chúa Trời là bao lâu. Chúng ta chỉ biết rằng, trong suốt thời gian đó, gió ngừng thổi trên mặt đất và mặt biển. Trong lời nói của vị thiên sứ có dấu ấn của Thiên Chúa, chúng ta thấy vị ấy dùng đại danh từ số nhiều, ngôi thứ nhất: “chúng ta”. Điều này cho phép chúng ta hiểu rằng, rất có thể bốn vị thiên sứ đang cầm giữ gió, cũng dự phần trong sự đóng dấu các tôi tớ của Đức Chúa Trời. Bằng một cách nào đó, trên trán của những tôi tớ của Đức Chúa Trời sẽ có một dấu hiệu để tỏ ra, họ là những người hầu việc Đức Chúa Trời. Dấu hiệu này có thể là một danh xưng, có thể là một ký hiệu, có thể là một con số.

Chúng ta cũng cần chú ý đến chi tiết này: Trong câu 2 nói đến “con dấu của Thiên Chúa”; trong câu 3 nói đến sự kiện con dấu ấy được dùng để đóng dấu ấn của Thiên Chúa trên trán của các “tôi tớ Đức Chúa Trời”. Điều ấy có nghĩa là: thẩm quyền và năng lực từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh được ban cho những người được Ba Ngôi Thiên Chúa chọn ra để làm một công việc nào đó hầu việc Ba Ngôi Thiên Chúa qua thân vị Đức Chúa Trời.

Trong cuộc sống hiện tại của chúng ta, là những người thuộc về Chúa, trên trần gian này, chúng ta thờ phượng Thiên Chúa qua sự thờ phượng Đức Thánh Linh trong thân thể của chúng ta (I Cô-rinh-tô 6:19); chúng ta hầu việc Thiên Chúa, tức là hoàn thành những công việc mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta, còn gọi là hầu việc Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:10); và chúng ta hoàn thành việc công bố Tin Lành Cứu Rỗi của Chiên Con (Ma-thi-ơ 28:19-20), còn gọi là hầu việc Đức Chúa Jesus Christ. Sau khi chúng ta được cất ra khỏi thế gian, thì Đức Chúa Trời sẽ đem dân I-sơ-ra-ên về lại cùng Ngài và chọn ra một số người trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên để hầu việc Ngài trong Kỳ Đại Nạn. Sứ Đồ Phao-lô đã tiên tri về sự kiện ấy từ gần hai ngàn năm trước:

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết đến sự mầu nhiệm này, kẻo các anh chị em tự cho mình là khôn sáng chăng. Ấy là sự đui mù đã xảy ra cho một phần của dân I-sơ-ra-ên, cho đến chừng sự đầy trọn của các dân ngoại đến. Rồi thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép: Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự không tin kính ra khỏi Gia-cốp.” (Rô-ma 11:25-26).

Những câu tiếp theo, từ câu 4 đến câu 8, cho chúng ta biết, tổng cộng có 144.000 người I-sơ-ra-ên được chọn ra từ trong 12 chi phái của I-sơ-ra-ên, mỗi chi phái 12.000 người.

4 Tôi nghe con số những người được đóng ấn đã được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn, thuộc tất cả các chi tộc con cháu của I-sơ-ra-ên.

5 Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Giu-đa được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Ru-bên được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Gát được đóng ấn.

6 Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc A-se được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Nép-ta-li được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Ma-na-se được đóng ấn.

7 Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Si-mê-ôn được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Lê-vi được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc I-sa-ca được đóng ấn.

8 Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Sa-bu-lôn được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Giô-sép được đóng ấn. Có mười hai ngàn người thuộc chi tộc Bên-gia-min được đóng ấn.

Tên của 12 chi phái I-sơ-ra-ên được liệt kê trên đây, có một chỗ khác biệt với tên của 12 chi phái I-sơ-ra-ên lúc ban đầu. Đó là, trong Khải Huyền, tên Ma-na-se thay thế cho tên của Đan. Ma-na-se là trưởng nam của Giô-sép, đã được Gia-cốp nhận làm con nuôi (Sáng Thế Ký 48:5). Dưới đây là bảng đối chiếu:

Danh sách theo
Sáng Thế Ký 49:1-26
Danh sách theo
Khải Huyền 7:5-8
Giu-đa Giu-đa
Ru-bên Ru-bên
Gát Gát
A-se A-se
Nép-ta-li Nép-ta-li
Đan Ma-na-se
Si-mê-ôn Si-mê-ôn
Lê-vi Lê-vi
I-sa-ca I-sa-ca
Sa-bu-lôn Sa-bu-lôn
Giô-sép Giô-sép
Bên-gia-min Bên-gia-min

Vì Gia-cốp đã nhận hai con trai của Giô-sép là Ma-na-se và Ép-ra-im làm con nuôi, nên khi dân I-sơ-ra-ên vào đến Ca-na-an, thì lãnh thổ Ca-na-an được chia cho cả dòng dõi của Ma-na-se lẫn dòng dõi của Ép-ra-im. Tên Ép-ra-im được thay thế cho tên Giô-sép, mặc dù Ép-ra-im là thứ nam, vì Gia-cốp xem trọng Ép-ra-im hơn Ma-na-se. Và như vậy, trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên, ngoài việc chi phái Lê-vi được biệt riêng làm thầy tế lễ, không được chia đất, thì chi phái Giô-sép được nhận hai phần, do hai tộc Ma-na-se và Ép-ra-im đứng tên.

Tuy nhiên, trong Khải Huyền, chi phái Đan và chi phái Ép-ra-im bị xóa tên, vì cả hai chi phái này phạm tội thờ thần tượng. Con cháu của họ không được dự phần trong sự hầu việc Thiên Chúa trong những ngày cuối cùng. Và cũng rất có thể, tên của họ cũng không có trên các cửa thành Giê-ru-sa-lem từ thiên đàng giáng xuống trên đất (Khải Huyền 21:12).

“Kế đó, người Đan dựng tượng chạm, rồi Giô-na-than, con trai Ghẹt-sôn, cháu Môi-se, và hết thảy hậu tự của người, đều làm thầy tế lễ trong chi phái Đan cho đến ngày chúng bị lưu đày khỏi xứ. Chúng giữ tượng chạm của Mi-ca làm nên trọn trong lúc Đền của Đức Chúa Trời ở tại Si-lô” (Các Quan Xét 18:30-31).

“Ép-ra-im say mê thần tượng, hãy để mặc nó!” (Ô-sê 4:17).

Trong 12 chi phái của I-sơ-ra-ên, chỉ có chi phái Đan và chi phái Ép-ra-im, ra từ chi phái Giô-sép, phạm tội thờ thần tượng một cách tập thể. Có lẽ vì thế, mà hai chi phái này đã trật phần ân điển trong chương trình của Thiên Chúa dành cho I-sơ-ra-ên.

Chúng ta cũng lưu ý thêm chi tiết, chi phái Lê-vi được liệt kê trong sách Khải Huyền, và cũng có 12.000 người được chọn từ chi phái này như các chi phái khác. Điều đó giúp chúng ta hiểu rằng, trong những ngày cuối cùng, chi phái Lê-vi không còn được biệt riêng làm thầy tế lễ, nhưng cùng dự phần với các chi phái khác để rao giảng Tin Lành cho muôn dân. Khi Vương Quốc Ngàn Năm được thành lập, thì toàn thể dân I-sơ-ra-ên đều trở thành thầy tế lễ, hướng dẫn muôn dân trên đất thờ lạy Thiên Chúa:

“Các ngươi sẽ là một vương quốc thầy tế lễ và một dân thánh cho Ta. Đó là những lời mà ngươi sẽ nói cho con cháu của I-sơ-ra-ên.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6).

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán như vầy: Sẽ xảy ra trong những ngày đó, có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở cùng các ngươi.” (Xa-cha-ri 8:23).

Lời của Chúa rất là rõ ràng, con số 144.000 người được đóng ấn này là ra từ 12 chi phái I-sơ-ra-ên, và Lời Chúa liệt kê ra tên của 12 chi phái, mỗi chi phái có 12.000 người được chọn. Thế nhưng, tà giáo Chứng Nhân Giê-hô-va, một trong các tà giáo chối bỏ thần tính và thân vị của Đức Thánh Linh, chối bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, chối bỏ sự kiện những linh hồn không thuộc về Chúa sẽ phải chịu khổ đời đời trong hỏa ngục, đã ngang nhiên công bố rằng: Con số 144.000 người ấy là các trưởng lão thuộc đủ chủng tộc trong Giáo Hội Chứng Nhân Giê-hô-va! Ngoài họ ra, cũng có một vài tà giáo khác cho rằng, con số 144.000 người được nói đến trong Khải Huyền 7, là các trưởng lão trong giáo hội của họ. Điều buồn cười là, họ bao gồm luôn những người sáng lập các giáo phái của họ đã qua đời. Trong khi, sự kiện trong Khải Huyền 7 chưa được ứng nghiệm.

Tiếp liền theo sự đóng ấn 144.000 người I-sơ-ra-ên trên đất, thì trên thiên đàng, Hội Thánh vừa được Đức Chúa Jesus Christ cất lên, nhóm hiệp trước ngai và trước Chiên Con:

9 Sau đó, tôi nhìn xem, và này, một đám đông vĩ đại, không đếm được, thuộc mọi quốc gia, mọi chi tộc, mọi dân, và mọi ngôn ngữ, đứng trước ngai và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, trong tay họ có những nhánh chà là.

“Sau đó” là sau sự kiện 144.000 người I-sơ-ra-ên được đóng ấn, thì Giăng lại hướng mắt về thiên đàng. Ông nhìn thấy Hội Thánh của Chúa, trong thân thể phục sinh hoặc thân thể biến hóa vinh hiển, đứng trước ngai và trước Chiên Con.

Gần hai ngàn năm qua, biết bao nhiêu thánh đồ từ trong mọi quốc gia, mọi chi tộc, mọi dân, và mọi ngôn ngữ… đã trung tín vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ, cho đến chết. Thậm chí, hàng chục triệu người đã chịu khổ và chịu chết vì danh Chúa. Tuy nhiên, trong những ngày cuối cùng này, ngay trong thế hệ của chúng ta, là thế hệ rất có thể sẽ chứng kiến sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ, thì lại không có bao nhiêu người thật sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ. Bởi vì, lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ chắc chắn sẽ ứng nghiệm:

“Ta nói với các ngươi rằng, trong sự vội vàng, Ngài sẽ làm sự bênh vực họ. Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Sự thật đau lòng là, chúng ta đang sống trong thời kỳ bội Đạo lớn, liền ngay trước khi AntiChrist xuất hiện. Trên thế giới có hơn hai tỉ người xưng nhận mình là Cơ-đốc nhân; có hơn hai ngàn giáo hội, giáo phái mang danh Chúa, nhưng lại rao giảng đủ loại tà giáo; không giữ trọn Mười Điều Răn; đem đồng tính luyến ái vào trong Hội Thánh; phủ nhận thẩm quyền của Thánh Kinh; phủ nhận thân vị và thần tính của Đức Thánh Linh; phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ; ghét bỏ dân I-sơ-ra-ên là tuyển dân của Thiên Chúa!

10 Họ kêu lớn tiếng rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta: Đấng ngự trên ngai và thuộc về Chiên Con!

Hội Thánh tung hô lớn tiếng để tôn vinh Đức Chúa Trời và Chiên Con. Đối diện với Hội Thánh lúc bấy giờ, Đức Chúa Trời đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa, đang ngự trên ngai; Chiên Con đang đứng giữa ngai, trong tư thế chuẩn bị hình phạt thế gian, vì thế gian chối bỏ sự chuộc tội của Ngài. Ý nghĩa lời tung hô của Hội Thánh là: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời, vì đó là ý muốn của Thiên Chúa qua thân vị Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi thuộc về Chiên Con, vì đó là hành động của Thiên Chúa qua thân vị Ngôi Lời đã nhập thế làm người.

Trước giờ, Hội Thánh trực tiếp thờ phượng Đức Thánh Linh trong thân thể mình, và gián tiếp thờ phượng Đức Chúa Trời cùng Chiên Con trong tâm thần. Nhưng nay, lần đầu tiên, Hội Thánh được đối diện với Đức Chúa Trời và Chiên Con, để trực tiếp thờ phượng Đức Cha và Đức Con.

Nhánh chà là trong tay mỗi người tiêu biểu cho sự chiến thắng khải hoàn, dùng trong cuộc tung hô người đắc thắng. Thời xưa, các dân vùng Trung Đông có thói quen dùng nhánh lá chà là trong các cuộc diễu hành, tung hô các lực sĩ thắng cuộc trong những cuộc thi đấu. Ngày Đức Chúa Jesus Christ tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trước khi chịu chết trên thập tự giá, dân chúng cũng đã cầm nhánh chà là tung hô Ngài. Chúng ta thật sự không biết nguồn gốc số lượng khổng lồ của các nhánh chà là mà Hội Thánh sẽ dùng đến trong thiên đàng. Loài cây duy nhất được nói đến trong thiên đàng theo nghĩa đen là Cây Sự Sống.

11 Tất cả các thiên sứ đứng chung quanh ngai, chung quanh các trưởng lão và chung quanh bốn sinh vật, đều hạ mình xuống trước ngai và thờ phượng Đức Chúa Trời.

12 Họ nói rằng: A-men! Lời ca tụng, sự vinh quang, sự khôn sáng, lời cảm tạ, sự tôn quý, quyền lực, sức mạnh đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta đời đời. A-men!

Sau lời tung hô của Hội Thánh, thì các thiên sứ hạ mình xuống, thờ phượng Đức Chúa Trời. Sự thờ phượng của các thiên sứ vào thời điểm này, có thể hàm ý rằng: Trước sự Hội Thánh ra mắt Đức Chúa Trời và Chiên Con, tung hô Đức Chúa Trời và Chiên Con về sự cứu rỗi mà Hội Thánh đã nhận được, thì các thiên sứ tận mắt nhìn thấy kết quả thực tế các “trái đầu mùa” (Gia-cơ 1:18) trong công cuộc thiết lập một dòng dõi thánh của Thiên Chúa, như đã ghi trong Ma-la-chi 2:15, như sau:

“Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh…”

Dòng dõi thánh ấy chính là dòng dõi loài người, mà từ trong chương trình và ý định đời đời của Thiên Chúa, sẽ là con của Đức Chúa Trời, anh em với Đức Chúa Jesus Christ, ngập tràn năng lực của Đức Thánh Linh, để thừa hưởng và cai trị cơ nghiệp của Thiên Chúa.

“Hãy tạ ơn Đức Cha! Ngài đã khiến chúng ta dự phần hưởng cơ nghiệp của các thánh đồ trong sự sáng láng.” (Cô-lô-se 1:12).

“Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. Bởi lòng thương xót lớn của Ngài mà Ngài khiến cho chúng ta được tái sinh vào trong sự trông cậy sống, qua sự sống lại từ trong những kẻ chết của Đức Chúa Jesus Christ, vào trong cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, và không suy tàn, được để dành trong các tầng trời cho các anh chị em, là những người bởi đức tin, nhờ năng lực của Thiên Chúa giữ gìn cho sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ cuối cùng!” (I Phi-e-rơ 1:3-5).

“Ai thắng sẽ được hưởng mọi sự làm cơ nghiệp. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con trai Ta.” (Khải Huyền 21:7).

Phần lớn các thiên sứ được Thiên Chúa sai xuống thế gian để giúp việc cho con dân của Chúa trong Hội Thánh. Họ nhìn thấy từng chi tiết về sự trung tín của con dân Chúa khi con dân Chúa còn sống trên đất, trong thân thể xác thịt hay chết! Thánh Kinh chép rõ:

“Ngài có bao giờ phán với các thiên sứ nào rằng: Hãy ngồi bên phải Ta, cho đến khi Ta đặt những kẻ thù nghịch của ngươi làm bệ cho chân của ngươi? [Thi Thiên 110:1] Chẳng phải hết thảy họ là những thần linh phụng sự, đã được sai vào trong sự phục vụ cho những người sẽ hưởng cơ nghiệp của sự cứu rỗi sao?” (Hê-bơ-rơ 1:13-14).

Vì thế, trong ngày Hội Thánh đứng chầu trước Đức Chúa Trời và Chiên Con trên thiên đàng, chính các thiên sứ cũng thấy được thành quả hầu việc Thiên Chúa của họ, qua công tác giúp việc cho từng con dân Chúa, khi Hội Thánh còn ở trên đất. Khi chúng ta ý thức được điều này, chúng ta được an ủi và khích lệ rất nhiều, vì biết rằng, vô số các thiên sứ của Thiên Chúa được sai đến thế gian, để bảo vệ và giúp đỡ Hội Thánh của Ngài. Đó là điều hiển nhiên, vì thế gian đang ở dưới quyền của Sa-tan và các thiên sứ phản nghịch Chúa (I Giăng 5:18). Loài người chúng ta cần sự bảo vệ của Thiên Chúa qua các thiên sứ. Con mắt thuộc thể của chúng ta không nhìn thấy các thiên sứ, nhưng nếu Chúa cho phép, chúng ta có thể nhìn thấy sự hiện diện của họ chung quanh con dân của Chúa, chung quanh Hội Thánh, như ngày xưa, kẻ tôi tớ của Tiên Tri Ê-li-sê được Chúa mở mắt cho nhìn thấy các thiên sứ của Chúa đóng trại chung quanh Ê-li-sê (II Các Vua 6:16-17).

13 Một trong các trưởng lão khởi sự nói với tôi, người hỏi: Những người mặc áo dài trắng đó là ai? Họ từ đâu đến?

14 Tôi đáp: Thưa chúa, người biết điều đó! Người đáp lời tôi: Đó là những người đến, xa khỏi cơn đại nạn; đã giặt áo dài mình và làm áo nên trắng trong máu của Chiên Con.

Chúng ta không biết rõ là Sứ Đồ Giăng không biết câu trả lời hay ông biết mà ông khiêm nhường, không trả lời, nhường cho vị trưởng lão nói tiếp. Cũng có thể, sự biết của Giăng không được hoàn toàn. Ông có thể nhìn ra đó là con dân của Chúa, vì họ là loài người và họ tung hô Đức Chúa Trời và Chiên Con là nguồn của sự cứu rỗi, nhưng có thể ông không rõ họ từ đâu đến.

Qua lời giải thích của vị trưởng lão, chúng ta có thể ghi nhận được các điểm sau đây:

  • Hội Thánh không ở lại trong Kỳ Đại Nạn, mà Hội Thánh được Đức Chúa Jesus Christ cất ra khỏi cơn đại nạn, trước khi cơn đại nạn giáng xuống trên toàn thế gian. Như Hê-nóc ra khỏi Cơn Nước Lụt đoán phạt toàn thế gian, trước khi Cơn Nước Lụt xảy ra. Tất cả các ý tưởng Thần học cho rằng, Hội Thánh được cất lên giữa thời Đại Nạn hoặc cuối thời Đại Nạn, đều là không đúng.
  • Theo Khải Huyền 19:8 thì áo trắng của các thánh đồ là việc làm công chính của họ, cho nên, hành động giặt áo, làm cho áo nên trắng trong máu của Chiên Con, là hành động mọi việc làm công chính do Hội Thánh làm, đều làm trong danh Chúa, làm theo ý Chúa, sau khi Hội Thánh được thánh hóa bởi máu chuộc tội của Chúa.
  • Chỉ có ở trong máu chuộc tội của Chúa, thì mọi việc làm của chúng ta mới là thánh khiết, và trở thành vinh quang của chúng ta. Người đã tin nhận sự chuộc tội của Chúa rồi, mà vẫn sống trong tội, thì không thể là người ở trong máu của Chúa, mà là người làm nhục máu của Chúa:

Hê-bơ-rơ 10:26-29

26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi.

27 Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.

28 Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, thì chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba chứng nhân.

29 Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước bởi đó kẻ ấy được nên thánh là ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.

Chúng ta cần ghi nhớ lẽ thật này: Một khi chúng ta đã tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà chúng ta còn quay về sống trong tội, thì chúng ta chắc chắn sẽ bị hư mất đời đời. Lời Chúa phán rất rõ, là “không còn được chừa lại… sinh tế chuộc những tội lỗi” cho những người như vậy!

15 Bởi đó, họ được ở trước ngai Đức Chúa Trời, ngày đêm phụng sự Ngài trong Đền Thờ của Ngài và Đấng ngự trên ngai sẽ ở giữa họ.

16 Họ sẽ không còn đói, không còn khát, không còn bị mặt trời hay sức nóng nào chiếu trên họ.

17 Vì Chiên Con, Đấng ở giữa ngai, sẽ chăn họ và sẽ dẫn họ đến những nguồn nước sống. Đức Chúa Trời sẽ lau ráo mọi giọt lệ từ nơi mắt họ.

Hội Thánh là những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trong suốt khoảng thời gian, từ khi Ngài chịu chết trên thập tự giá, cho đến khi Ngài trở lại để đem những người tin Ngài ra khỏi thế gian. Người thật lòng ăn năn tội, là người không còn cố ý sống trong tội, nhưng biết dùng năng lực của Thiên Chúa, tức là thánh linh của Ngài ban cho, để thắng mọi thử thách, mọi cám dỗ, và sống thánh khiết theo Lời Chúa. Hội Thánh có một địa vị vô cùng đặc biệt và quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa.

Hội Thánh là thành phần đặc biệt trong tất cả những người được cứu chuộc, hưởng quyền đồng với Đức Chúa Jesus Christ cai trị mọi cơ nghiệp của Thiên Chúa. Trong khi các thánh đồ thời Cựu Ước và các thánh đồ tử Đạo thời Đại Nạn đồng cai trị các quốc gia trên đất với Đức Chúa Jesus Christ, thì Hội Thánh được đồng cai trị với Ngài trên tất cả mọi công trình sáng tạo của Thiên Chúa, từ thuộc thể đến thuộc linh, từ thế giới vật chất mà chúng ta nhìn thấy cho đến các thế giới siêu nhiên mà chúng ta không nhìn thấy. Hội Thánh sẽ từ trong Đền Thờ của Đức Chúa Trời mà cai trị mọi cơ nghiệp của Thiên Chúa.

Hội Thánh sẽ không còn đói, không còn khát, không còn bị tổn hại về phần thuộc thể đã đành, nhưng Hội Thánh cũng sẽ được no đủ về thuộc linh, trong sự hiểu biết Thiên Chúa cách đầy trọn. Cũng không một quyền lực nào có thể làm tổn hại Hội Thánh về phần thuộc linh.

Chiên Con, là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, là Sự Sống (Giăng 14:6) sẽ dẫn Hội Thánh đến những nguồn sự sống. Hình thức số nhiều của từ ngữ nguồn sự sống, cho chúng ta hiểu là: Sự Sống của Thiên Chúa vô cùng đa dạng và phong phú. Không phải Hội Thánh chỉ được sống lại, được sống đời đời, mà Hội Thánh còn được hiểu biết sự sống, và thậm chí, có thể cai trị sự sống và làm ra sự sống của nhiều sinh vật trong Vương Quốc Đời Đời. Đó cũng là ý nghĩa của sự Hội Thánh được ban cho Mão Sự Sống (mão nói đến quyền cai trị).

Chính Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha, sẽ lau khô mọi giọt lệ cho Hội Thánh. Vì thế, tất cả những đau khổ mà chúng ta chịu đựng trong cuộc đời này vì danh Chúa, một ngày kia, sẽ được chính Đức Chúa Trời an ủi, khen thưởng chúng ta.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/