035 Chú Giải Khải Huyền 08:01-13 Bảy Năm Đại Nạn Bắt Đầu – Bốn Tiếng Loa Đầu Tiên

6,873 views

YouTube: https://youtu.be/R0kkrIPCfK4

035 Chú Giải Khải Huyền 8:1-13
Bảy Năm Đại Nạn Bắt Đầu
Bốn Tiếng Loa Đầu Tiên

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://od.lk/f/MV81NTc0MDMzMl8

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 8:1-13

1 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ bảy, có sự yên lặng trên trời chừng nửa giờ.

2 Tôi thấy bảy thiên sứ đứng trước Đức Chúa Trời và họ được ban cho bảy cái loa.

3 Một thiên sứ khác có bình xông hương bằng vàng, đến, đứng tại bàn thờ và được ban cho rất nhiều hương để dâng lên trên bàn thờ bằng vàng trước ngai, với những lời cầu nguyện của tất cả các thánh đồ.

4 Khói hương từ tay thiên sứ bay lên trước Đức Chúa Trời với những lời cầu nguyện của các thánh đồ.

5 Thiên sứ lấy bình xông hương, đổ đầy lửa của bàn thờ vào và quăng xuống đất. Có những âm thanh, những sấm vang, những chớp nhoáng và động đất.

6 Bảy thiên sứ có bảy cái loa chuẩn bị để thổi.

7 Thiên sứ thứ nhất thổi loa thì khiến cho mưa đá và lửa trộn với máu, chúng bị ném xuống trên đất: Một phần ba cây cối bị cháy và tất cả cỏ xanh bị cháy.

8 Thiên sứ thứ nhì thổi loa thì một vật giống như một hòn núi lớn cháy rực lửa bị ném xuống biển: Một phần ba biển trở thành máu.

9 Một phần ba những tạo vật có sự sống trong biển bị chết. Một phần ba những tàu thuyền bị hủy diệt.

10 Thiên sứ thứ ba thổi loa thì một ngôi sao lớn từ trời rơi xuống, cháy như một ngọn đuốc. Nó rơi xuống trên một phần ba các dòng sông và các nguồn nước.

11 Tên của ngôi sao được gọi là Khổ Thảo: Một phần ba nước trở thành khổ thảo và nhiều người chết bởi uống nước, vì nước đã trở nên đắng.

12 Thiên sứ thứ tư thổi loa, một phần ba mặt trời bị đánh, một phần ba mặt trăng và một phần ba các ngôi sao cũng vậy, khiến cho một phần ba của chúng trở nên tối tăm: Ngày bị mất đi một phần ba ánh sáng, đêm cũng vậy.

13 Tôi nhìn xem và nghe một thiên sứ bay ngang giữa trời, rao lớn tiếng: Khốn thay! Khốn thay! Khốn thay! Hỡi những cư dân trên đất, vì những tiếng loa sắp thổi của ba thiên sứ khác.

Sáu dấu ấn đầu tiên trình bày sáu lần tình hình thế gian biến chuyển trong suốt Kỳ Đại Nạn. Mỗi dấu ấn được tháo ra thì tình hình trên thế gian càng bi thảm hơn. Dấu ấn thứ bảy là dấu ấn báo hiệu cho sự bắt đầu của Kỳ Đại Nạn. Chúng ta cần phân biệt điều này: Nội dung của sáu dấu ấn nói đến tình hình của thế gian trong bảy năm đại nạn, bắt đầu từ sự hòa bình thịnh trị giả tạo của chính quyền toàn cầu AntiChrist, dẫn đến sự bách hại những người tin nhận Tin Lành trong Kỳ Đại Nạn, và kết thúc với sự hình phạt của Thiên Chúa trên toàn vương quốc của AntiChrist. Trong khi đó, dấu ấn thứ bảy được tháo ra để bắt đầu cho các hình phạt từ Thiên Chúa được giáng xuống thế gian ngay từ đầu của bảy năm đại nạn, qua các thiên tai.

1 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ bảy, có sự yên lặng trên trời chừng nửa giờ.

2 Tôi thấy bảy thiên sứ đứng trước Đức Chúa Trời và họ được ban cho bảy cái loa.

Sau khi Chiên Con tháo dấu ấn thứ bảy, và cũng là dấu ấn cuối cùng trên cuộn sách, thì toàn bộ nội dung cuộn sách ghi chép về tất cả những gì mà Đức Chúa Trời sẽ làm ra trên thế gian trong suốt Kỳ Đại Nạn, được lần lượt thể hiện trước mắt của Sứ Đồ Giăng. Khi dấu ấn thứ bảy đã được tháo, thì “có sự yên lặng trên trời chừng nửa giờ”. Đây là sự yên lặng lạ lùng trên thiên đàng, không phải chỉ là sự yên lặng trong nơi Đức Chúa Trời ngự, mà là sự yên lặng trong toàn cõi thiên đàng. Chúng ta thật sự không biết nhiều về thiên đàng. Nhưng chúng ta có thể hình dung ra, địa cầu được Thiên Chúa dựng nên cho loài người ở tạm còn xinh đẹp như chúng ta đã biết, thì chắc chắn, thiên đàng là nơi có thành thánh Giê-ru-sa-lem thật, Đền Thờ thật, ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con, cùng là chỗ ở của vô số thiên sứ, lại không có dấu vết của tội lỗi, thì phải là phong phú và xinh đẹp tuyệt vời. Chắc chắn, âm thanh của muôn loài tạo vật trong cõi thuộc linh ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa lúc nào cũng tràn ngập thiên đàng. Thế nhưng, trước giây phút Thiên Chúa thi hành công cuộc đoán phạt toàn thế gian, cả thiên đàng đã yên lặng chừng nửa giờ!

Sự yên lặng đó nói lên tính nghiêm trọng của hình phạt. Sự yên lặng đó cũng nói lên nỗi đau lòng của cả thiên đàng, khi sắp phải chứng kiến sự kiện loài người chống nghịch Thiên Chúa bị hình phạt nặng nề trong thân thể xác thịt. Bảy thiên sứ chịu trách nhiệm thi hành các hình phạt đầu tiên sẵn sàng với bảy chiếc loa, được dùng để báo hiệu cho từng hình phạt. Từ ngữ được dịch là “loa” ở đây, cũng có thể dịch là “kèn”. Tuy nhiên, chúng tôi chọn dịch là “loa”, một dụng cụ phát ra âm thanh, thay vì dịch là “kèn”, một dụng cụ dùng để trình bày âm nhạc. Các dân tộc Trung Đông thường dùng sừng của loài thú để làm loa, mà trong tiếng Việt còn gọi là “tù và”. Loại loa này khi được thổi lên, có thể dùng làm âm thanh báo động hay âm thanh mời gọi dân chúng nhóm hiệp; hoặc dùng để thúc quân hay thu quân; hoặc dùng để ra dấu thời điểm thi hành các lễ nghi trong sự thờ phượng…

3 Một thiên sứ khác có bình xông hương bằng vàng, đến, đứng tại bàn thờ và được ban cho rất nhiều hương để dâng lên trên bàn thờ bằng vàng trước ngai, với những lời cầu nguyện của tất cả các thánh đồ.

Trong khi bảy thiên sứ chuẩn bị thổi loa, giáng các hình phạt đầu tiên trên đất, thì một thiên sứ khác đã cầm bình xông hương với rất nhiều hương để dâng lên Thiên Chúa, trên bàn thờ bằng vàng. Bàn thờ là nơi đặt các của lễ dâng hiến. Bình xông hương là một loại dụng cụ dùng để đốt hương, khiến cho hương ngún cháy từ từ và bốc lên mùi thơm. Trong thế gian, hương có thể là các chất nhựa hay chất gỗ thơm của một số loài cây. Trên thiên đàng, hương có khi được dùng làm biểu tượng cho lời cầu nguyện của con dân Chúa, như đã được nói đến trong Khải Huyền 5:8; nhưng cũng có khi được hiểu theo nghĩa đen, như trong Khải Huyền 8:3 mà chúng ta đang đọc ở đây; vì hương và lời cầu nguyện của các thánh đồ được cùng lúc dâng trên bàn thờ. Và như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, những sự vật trên thiên đàng, trong cõi thuộc linh, cũng tương tự như những sự vật trong thế giới vật chất của chúng ta. Hay nói cách khác, thế giới vật chất của chúng ta đã được Đức Chúa Trời sáng tạo theo kiểu mẫu các sự vật trên thiên đàng. Trong đó, loài người của chúng ta thì được đặc biệt sáng tạo theo hình và tượng của Thiên Chúa. Hê-bơ-rơ 9:24 cho chúng ta biết Đền Thờ Đức Chúa Trời trên đất do tay người làm ra, được phỏng theo kiểu mẫu của Đền Thờ trên thiên đàng:

“Vì Đấng Christ chẳng vào các nơi thánh bởi tay người làm ra theo các kiểu mẫu của Nơi Thánh thật, mà là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời.”

Dù chúng ta không có thêm chi tiết cụ thể trong Thánh Kinh, dạy cho chúng ta biết những sự vật trên thiên đàng, trong thế giới thuộc linh, được Thiên Chúa sáng tạo như thế nào; nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, mọi sự trong thế giới thuộc thể của chúng ta, rất có thể đã được Thiên Chúa sáng tạo theo mọi sự mà Ngài đã sáng tạo trong thế giới thuộc linh.

4 Khói hương từ tay thiên sứ bay lên trước Đức Chúa Trời với những lời cầu nguyện của các thánh đồ.

Lời cầu nguyện của con dân Chúa được dâng lên Chúa cùng lúc với khói thơm của hương. Hình ảnh đó, dạy cho chúng ta các lẽ thật sau:

1. Chính Đức Thánh Linh dùng hình ảnh dâng hương tiêu biểu cho sự con dân Chúa dâng lời cầu nguyện lên Chúa. Khải Huyền 5:8 gọi lời cầu nguyện của con dân Chúa là hương thơm.

2. Bình xông hương, có than lửa để đốt hương. Bình xông hương tiêu biểu cho thân thể con dân Chúa. Than lửa trong bình tiêu biểu cho thánh linh của Thiên Chúa ở trong lòng con dân Chúa tác động vào lời cầu nguyện của con dân Chúa, để lời cầu nguyện ấy được Thiên Chúa vui nhận.

3. Khói hương mang theo mùi thơm của hương bay lên trước Đức Chúa Trời tiêu biểu cho những lời cầu nguyện của con dân Chúa được thần cảm bởi Đức Thánh Linh, sẽ được Đức Chúa Trời, đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa, vui nhận.

Sự con dân Chúa tiếp trợ nhu cầu vật chất cho những người hầu việc Chúa trong chức vụ rao giảng Lời Chúa cũng được Thánh Kinh ví như là một thứ hương thơm dâng lên Đức Chúa Trời được Ngài vui nhận: “Vậy, tôi đã nhận được hết, và đang dư dật. Tôi được đầy dẫy vì đã nhận nơi Ép-ba-phô-đích những vật từ các anh chị em, như một thứ hương có mùi thơm, một của lễ đáng nhận và đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:18).

Thánh Kinh cũng so sánh sự Đức Chúa Jesus Christ dâng thân thể làm của lễ chuộc tội cho loài người như là sự dâng một thức hương thơm lên Đức Chúa Trời. Nghĩa là một của lễ được Đức Chúa Trời vui nhận: “Hãy bước đi trong tình yêu như Đấng Christ cũng đã yêu chúng ta, vì chúng ta mà phó chính mình Ngài làm của dâng và sinh tế lên Đức Chúa Trời, thành một thức hương thơm.” (Ê-phê-sô 5:2). Vì thế, sự con dân Chúa dâng thân thể mình lên Đức Chúa Trời cũng đáng để xem là một thức hương thơm, đẹp lòng Ngài: “Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

5 Thiên sứ lấy bình xông hương, đổ đầy lửa của bàn thờ vào và quăng xuống đất. Có những âm thanh, những sấm vang, những chớp nhoáng và động đất.

Lửa được tiêu biểu cho hoạn nạn mà Thiên Chúa dùng để thánh hóa con dân của Ngài. Lửa được dùng để đốt tan các tạp chất trong vàng hay bạc, khiến cho vàng hay bạc được trở nên tinh ròng, nguyên chất, như thế nào, thì hoạn nạn cũng được Thiên Chúa dùng để tinh luyện con dân Chúa như thế ấy. Câu chuyện cuộc đời của Giô-sép, câu chuyện về Gióp là hai thí dụ điển hình cho sự Thiên Chúa dùng hoạn nạn để thánh hóa con dân Ngài.

Lửa được tiêu biểu cho thánh linh của Đức Thánh Linh vận hành trong con dân Chúa và tác động lên mọi việc làm của họ, để những việc làm ấy được Đức Chúa Trời vui nhận. Lửa đốt hương thành khói thơm, là hình ảnh thánh linh của Chúa tác động vào những lời cầu nguyện của con dân Chúa. Lửa thiêu đốt sinh tế là hình ảnh quyền năng của Thiên Chúa hình phạt tội nhân và hủy diệt tội ác.

Lửa cũng được tiêu biểu cho thánh linh của Đức Thánh Linh, là năng lực của Thiên Chúa, trong sự hình phạt tội nhân và thánh hóa trời cũ, đất cũ:

“Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.” (II Phi-e-rơ 3:10).

“Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì. Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa.” (Khải Huyền 20:14-15).

Bình xông hương trên thiên đàng tiêu biểu cho thiên sứ của Thiên Chúa làm nhiệm vụ dâng trình các lời cầu nguyện của con dân Chúa lên Đức Chúa Trời; nhưng vào thời điểm được nói đến trong Khải Huyền 8:5 thì vị thiên sứ đó được đầy dẫy thánh linh của Thiên Chúa để làm hành động khai mở sự hình phạt của Thiên Chúa trên toàn thế gian.

Lửa của bàn thờ là lửa thiêu đốt sinh tế, tiêu biểu cho sự hình phạt tội nhân và hủy diệt tội ác. Sự đổ đầy lửa của bàn thờ vào bình xông hương là sự đổ đầy thẩm quyền thi hành cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vào thiên sứ. Sự ném bình xông hương có đầy lửa xuống đất là sự thiên sứ của Chúa sẽ toàn quyền thi hành đầy trọn sự hình phạt của Đức Chúa Trời trên đất. “Những âm thanh, những sấm vang, những chớp nhoáng và động đất”, thể hiện sự rúng động trong thế giới vật chất về cơn hình phạt của Đức Chúa Trời. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, từ ngữ được dịch là “những âm thanh” là một danh từ dùng để chỉ: tiếng nói, tiếng ồn, tiếng nhạc, hoặc một ngôn ngữ. Chúng ta không có chi tiết nào khác trong Thánh Kinh để có thể biết những âm thanh được nói đến ở đây là những âm thanh gì? Phải chăng đó là những tiếng kêu la của loài người trong cơn hình phạt?

6 Bảy thiên sứ có bảy cái loa chuẩn bị để thổi.

Chúng ta không biết khoảng cách thời gian từ tiếng loa này đến tiếng loa khác là bao lâu, hoặc các thời khoảng ấy có dài bằng nhau hay không. Có lẽ sáu tiếng loa đầu khiến cho sáu thiên tai giáng xuống địa cầu xảy ra trong khoảng ba năm rưỡi đầu của Kỳ Đại Nạn. Chính các thiên tai ấy góp phần cho việc củng cố thế lực chính phủ toàn cầu của AntiChrist. Đối diện với hàng loạt thiên tai khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử, loài người phải hiệp ý và hiệp sức với nhau để giải quyết mọi nan đề.

7 Thiên sứ thứ nhất thổi loa thì khiến cho mưa đá và lửa trộn với máu, chúng bị ném xuống trên đất: Một phần ba cây cối bị cháy và tất cả cỏ xanh bị cháy.

Hiện tượng cùng một lúc có mưa đá và lửa đã là hiếm có, vậy mà lại còn có máu, tức là cùng một lúc, những khối nước đá, những khối lửa theo nhau rơi xuống trên địa cầu trong một cơn mưa máu. Chúng ta đã biết, khi tầng không khí chứa các đám mây bị giảm nhiệt độ đột ngột, xuống còn không độ C, hoặc dưới không độ C, thì hơi nước, tức các đám mây, bị đông lại thành nước đá và chúng ta có mưa đá. Chúng ta đã biết, khi một núi lửa bùng nổ thì phún thạch từ trong lòng đất, tức là những khối lửa nóng, bị bắn tung lên cao và rơi xuống chung quanh khu vực của núi lửa, như là một cơn mưa lửa. Chúng ta đã biết, nếu địa cầu di chuyển ngang qua một vùng có nhiều đá trời, những đá trời sẽ bị hút vào trái đất, khi chúng băng ngang vùng khí quyển của địa cầu, chúng sẽ phát nóng và bùng cháy. Những đá trời có kích thước nhỏ thì sẽ bị cháy tan trong không khí, tạo ra hiện tượng sao băng. Nhưng những đá trời có kích thước lớn thì sẽ bùng cháy như những khối lửa và rơi xuống mặt đất, nổ tung khi chạm mặt đất và tác hại như những trái đạn của pháo binh. Nhưng chúng ta không biết điều gì khiến cho có hiện tượng mưa máu.

Vì Thánh Kinh dùng từ ngữ “máu” chứ không dùng từ ngữ “như máu”, và vì Thánh Kinh dùng các từ ngữ “mưa đá”, “lửa”, và “cây cối bị cháy”, cho nên chúng ta phải hiểu từ ngữ máu được dùng theo nghĩa đen. Còn làm sao để giải thích hiện tượng “mưa máu” thì điều đó vượt ngoài sự hiểu biết của chúng ta.

Hiện tượng mưa máu kèm theo nước đá và lửa sẽ giáng xuống trên một phần ba diện tích đất trên địa cầu và làm cho cháy hết một phần ba cây cối trên địa cầu. Sự kiện này sẽ khiến cho thán khí các-bon đi-ô-xít (CO2) bị gia tăng và dưỡng khí ô-xy (O) bị giảm đi, vì cây cối là những nhà máy thiên nhiên hấp thụ thán khí rồi nhả ra dưỡng khí.

8 Thiên sứ thứ nhì thổi loa thì một vật giống như một hòn núi lớn cháy rực lửa bị ném xuống biển: Một phần ba biển trở thành máu.

9 Một phần ba những tạo vật có sự sống trong biển bị chết. Một phần ba những tàu thuyền bị hủy diệt.

“Một vật giống như một hòn núi lớn cháy rực lửa”, có thể là một thiên thạch quá lớn trong số các thiên thạch tạo ra cơn mưa lửa sau tiếng loa thứ nhất. Thiên thạch này cũng bị bốc cháy khi vượt qua tầng khí quyển của địa cầu, và rơi xuống biển, khiến cho một phần ba biển trở thành máu. Chi tiết “biển trở thành máu” giúp cho chúng ta có thể hiểu rằng, những thiên thạch đến từ không gian có chứa các nguyên tố hóa học giống như các nguyên tố hóa học trong máu. Khi các nguyên tố ấy tiếp xúc với nước thì biến nước thành máu. Đó là lý do có hiện tượng mưa máu và hiện tượng biển biến thành máu. Trong máu có huyết sắc tố gọi là hi-mô-lô-bin (hemoglobin), là một nguyên tố có chứa chất sắt, mà khi thu nhận chất ô-xy thì tạo ra màu đỏ của máu. Rất có thể, trong những thiên thạch rơi vào địa cầu có chứa nhiều hi-mô-lô-bin.

Tổng diện tích của năm đại dương trên địa cầu là khoảng chừng 360.000.000 km2. Một phần ba biển tương đương với 120.000.000 km2. Điều đó khiến cho Thái Bình Dương với diện tích 165.250.000 km2 có thể là biển mà thiên thạch lớn rơi xuống [1]. Khi thiên tai này xảy ra, các sinh vật trong biển sẽ bị chết vì nước biển biến thành máu và các tàu thuyền bị hủy diệt vì cơn sóng thần do thiên thạch chạm vào mặt biển.

10 Thiên sứ thứ ba thổi loa thì một ngôi sao lớn từ trời rơi xuống, cháy như một ngọn đuốc. Nó rơi xuống trên một phần ba các dòng sông và các nguồn nước.

11 Tên của ngôi sao được gọi là Khổ Thảo: Một phần ba nước trở thành khổ thảo và nhiều người chết bởi uống nước, vì nước đã trở nên đắng.

Tiếp theo đó, có lẽ một thiên thạch khác rơi vào địa cầu, bốc cháy trong bầu khí quyển, và có lẽ bị nổ tung thành nhiều mảnh nhỏ, trước khi chạm mặt đất. Các mảnh vụn của nó rơi xuống trên một phần ba các dòng sông và các nguồn nước của địa cầu. Chúng ta cần nhớ, danh từ “ngôi sao” trong tiếng Hy-lạp được dùng để chỉ bất cứ một vật phát sáng nào trong không gian, bất kể kích thước. Ngôi sao nhỏ này có thể chứa nhiều hóa chất độc hại, và khi các mảnh vụn của nó rơi vào các nguồn nước thì khiến cho các nguồn nước bị nhiễm độc. Chất độc ra từ ngôi sao này có vị đắng như vị đắng của một loài cỏ được dùng làm thuốc, thường được gọi là “ngải cứu”, nên tên của loài cỏ ấy được dùng để gọi nó. Chúng tôi chọn dùng từ “khổ thảo”, nghĩa là “cỏ đắng”, để tránh danh từ “ngải” thường được dùng chung với danh từ “bùa”. Nhiều người sẽ chết sau khi cố uống chất nước đã bị nhiễm độc từ các mảnh vụn của ngôi sao Khổ Thảo.

Một phần ba các dòng sông và các nguồn nước có thể là sông A-ma-dôn (Amazon) ở Nam Mỹ và các con sông con, các hồ nước lớn liên kết với nó. Sông A-ma-dôn là sông lớn nhất trên thế giới có sức thải 209.000 mét khối nước (209 triệu lít) trong một giây đồng hồ [2]. Chỗ rộng nhất của sông vào mùa khô khoảng 11km, vào mùa mưa thì lên đến 40 km, và cửa sông có thể rộng đến 325 km.

12 Thiên sứ thứ tư thổi loa, một phần ba mặt trời bị đánh, một phần ba mặt trăng và một phần ba các ngôi sao cũng vậy, khiến cho một phần ba của chúng trở nên tối tăm: Ngày bị mất đi một phần ba ánh sáng, đêm cũng vậy.

Chúng ta khó mà xác định điều gì khiến cho mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao bị mất đi một phần ba sức phát sáng của chúng. Giải thích đầu tiên đến với tâm trí của chúng ta có lẽ là một thiên tai nào đó trên địa cầu, như những núi lửa lớn đồng loạt phun lửa, khiến cho tro bụi của núi lửa che mất đi một phần ba ánh sáng của các vì tinh tú. Tuy nhiên, Thánh Kinh nói rõ là mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao “bị đánh”, tức là có một sự biến động lớn trong chính các vì tinh tú, khiến cho chúng bị giảm đi một phần ba sức chiếu sáng.

Chúng ta cần nhớ rằng, trong Kỳ Đại Nạn, Đức Chúa Trời không chỉ hình phạt loài người tội lỗi trên đất, mà Ngài còn hình phạt cả Sa-tan và các thiên sứ phạm tội khác. Những câu Thánh Kinh trích dẫn dưới đây cho chúng ta thấy, Thánh Kinh gọi các vì tinh tú là thiên binh và cũng gọi các thiên sứ là thiên binh, tức quân đội ở trên trời của Thiên Chúa:

“Và hãy giữ, kẻo ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quỳ xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã chia phân cho muôn dân dưới trời chăng.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19).

“Bỗng có muôn vàn thiên binh cùng với thiên sứ đó tôn vinh Đức Chúa Trời…” (Lu-ca 2:13).

Ngoài ra, Thánh Kinh cũng cho biết Sa-tan và các tà linh đang cầm quyền cai trị ở chốn không trung, ở các miền trên trời, tức là tầng trời thứ nhất và thứ nhì trong thế giới vật chất của chúng ta:

“Còn các anh chị em đã chết vì những lỗi lầm và những tội lỗi của mình, những sự mà trước kia các anh chị em đã bước đi theo cuộc sống của đời này, theo kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian, là đấng thần linh hiện đang tác động trong những con cái bội nghịch. (Ê-phê-sô 2:1-2).

“Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời. (Ê-phê-sô 6:12).

Vì thế, sự kiện Thiên Chúa đánh vào mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao là điều đương nhiên! Trong thực tế, Khải Huyền 12:7-8 ghi lại cuộc chiến giữa các thiên sứ do Thiên Sứ Trưởng Mi-chen cầm đầu, với Sa-tan và các thiên sứ phạm tội. Kết cuộc, Sa-tan và các thiên sứ phạm tội bị quăng xuống đất, không còn quyền hành động trong chốn không trung.

Chúng ta cũng cần ghi nhớ là, các sự kiện được ghi chép trong Khải Huyền từ đoạn 11 đến đoạn 13 không phải là các sự kiện tiếp theo sáu tiếng loa, mà là những chi tiết về các sự kiện đã xảy ra trong khoảng thời gian sáu tiếng loa được thổi.

13 Tôi nhìn xem và nghe một thiên sứ bay ngang giữa trời, rao lớn tiếng: Khốn thay! Khốn thay! Khốn thay! Hỡi những cư dân trên đất, vì những tiếng loa sắp thổi của ba thiên sứ khác.

Sau khi vị thiên sứ thứ tư thổi loa và các vì tinh tú bị hại thì Giăng nhìn thấy một thiên sứ bay ngang giữa trời, thông báo về ba tiếng loa còn lại, tiêu biểu cho ba thiên tai lớn sẽ giáng xuống trên đất. Nhóm chữ “bay ngang giữa trời” gợi ý vị thiên sứ này sẽ bay từ đông sang tây, vòng quanh địa cầu, để thông báo cho muôn dân, muôn nước.

Ba lần cảm thán: “Khốn thay!” tiêu biểu cho sự kinh hoàng của mỗi cơn đại nạn sẽ xảy ra. Trong ba tiếng loa còn lại, mỗi tiếng loa đều liên quan đến một đại nạn do chính các tà linh gây ra, làm khổ và giết hại những người không thuộc về Chúa trên thế gian. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết của ba tiếng loa ấy trong bài kế tiếp.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

[1] http://www.enchantedlearning.com/subjects/ocean/

[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%B4ng_Amazon

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/