037 Chú Giải Khải Huyền 10:01-11 Thiên Sứ Mạnh Sức và Cuộn Sách Nhỏ – Giăng Nuốt Cuộn Sách Nhỏ

6,584 views

YouTube: https://youtu.be/iGvNPem_Uso

037 Chú Giải Khải Huyền 10:1-11
Thiên Sứ Mạnh Sức và Cuộn Sách Nhỏ
Giăng Nuốt Cuộn Sách Nhỏ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
037_ChuGiaiKhaiHuyen_10_1-11.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 10:1-11

1 Tôi thấy một thiên sứ mạnh mẽ khác, từ trời xuống; có mây bao phủ và có một cầu vồng trên đầu; mặt như mặt trời và chân như trụ lửa.

2 Trong tay người có một cuộn sách nhỏ mở ra. Chân phải người đặt trên biển còn chân trái người đặt trên đất.

3 Người kêu lớn tiếng như sư tử rống. Khi người kêu xong, có bảy tiếng sấm vang phát ra những tiếng nói của chúng.

4 Khi bảy tiếng sấm vang phát ra những tiếng nói của chúng, tôi định ghi lại thì nghe có tiếng từ trời phán với tôi: Hãy niêm phong những điều mà bảy tiếng sấm vang đã nói. Đừng ghi lại!

5 Thiên sứ mà tôi thấy đứng trên biển và đất, đưa tay mình lên trời

6 và thề bởi Đấng Sống Đời Đời: Đấng dựng nên trời cùng mọi vật trên trời, đất và mọi vật trên đất, biển và mọi vật trong biển, rằng: Không còn có thì giờ nữa!

7 Nhưng trong những ngày mà tiếng loa của thiên sứ thứ bảy bắt đầu thổi, sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành như Ngài đã phán với các tiên tri, là những tôi tớ Ngài.

8 Tiếng mà tôi nghe từ trời lại phán với tôi rằng: Hãy đi, lấy cuộn sách nhỏ mở ra trong tay thiên sứ đứng trên biển và đất.

9 Tôi đi đến thiên sứ đó, nói với người: Hãy đưa cho tôi cuộn sách nhỏ. Người trả lời tôi rằng: Hãy lấy và ăn đi! Nó sẽ làm cho bụng ngươi đắng nhưng nó sẽ ngọt như mật trong miệng ngươi.

10 Tôi lấy cuộn sách nhỏ khỏi tay thiên sứ và nuốt nó. Trong miệng tôi nó ngọt như mật và vừa khi tôi nuốt nó thì bụng tôi đắng.

11 Có lời phán với tôi: Ngươi còn phải nói tiên tri trước nhiều dân, nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua.

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa của Khải Huyền đoạn 10 cho đến đoạn 15, chúng ta cần nhận biết rằng, những điều được ghi chép trong các đoạn này tóm lược những sự kiện chính xảy ra từ khi Ngôi Lời nhập thế làm người cho đến khoảng giữa của bảy năm đại nạn. Những sự kiện được tóm lược trong các đoạn này không phải là những sự xảy ra theo thứ tự, tiếp liền nạn hai trăm triệu tà linh tàn sát một phần ba dân số địa cầu.

1. Khải Huyền 10: Công việc được giao phó cho Giăng. Sự kiện này xảy ra vào năm 95, khi Giăng được ban cho khải tượng để viết sách Khải Huyền.

2. Khải Huyền 11: Hai chứng nhân của Thiên Chúa được sai đến thế gian trong khoảng ba năm rưỡi đầu của Kỳ Đại Nạn. Sự kiện này sẽ xảy ra trong tương lai.

3. Khải Huyền 12: Tóm lược nhiều sự kiện xảy ra cách nhau hàng ngàn năm:

  • Ngôi Lời nhập thế làm người qua dân tộc I-sơ-ra-ên. Sự kiện này đã xảy ra vào khoảng năm 7 trước Công Nguyên [1].
  • Sa-tan trước kia đã kéo theo một số thiên sứ phản nghịch Chúa, và khi Ngôi Lời nhập thế làm người thì nó tìm cách tiêu diệt Ngôi Lời trong thân thể xác thịt. Sự kiện này xảy ra vào khoảng năm 5 hay 4 trước Công Nguyên.
  • Thân thể xác thịt của Ngôi Lời thăng thiên, vào trong thiên đàng. Sự kiện này xảy ra vào năm 27.
  • Dân I-sơ-ra-ên sẽ được Đức Chúa Trời đem vào đồng hoang lánh nạn AntiChrist trong ba năm rưỡi sau cùng của Kỳ Đại Nạn. Sự kiện này sẽ xảy ra trong tương lai.

4. Khải Huyền 13: Tóm lược sự xuất hiện và cầm quyền của AntiChrist và một tiên tri giả, gây dựng một tôn giáo toàn cầu thờ phượng AntiChrist và Sa-tan. Sự kiện này xảy ra trước Kỳ Đại Nạn và kéo dài cho đến cuối của bảy năm đại nạn.

5. Khải Huyền 14 và 15: Sự chuẩn bị cho ba năm rưỡi sau của Kỳ Đại Nạn.

Và bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của Khải Huyền đoạn 10, ghi lại công việc được giao phó cho Giăng.

1 Tôi thấy một thiên sứ mạnh mẽ khác, từ trời xuống; có mây bao phủ và có một cầu vồng trên đầu; mặt như mặt trời và chân như trụ lửa.

Có một số nhà giải kinh cho rằng, vị thiên sứ mạnh mẽ được nói đến trong Khải Huyền đoạn 10 là Đức Chúa Jesus Christ đang cầm cuộn sách đã tháo sáu dấu ấn trong tay. Họ so sánh lời mô tả “mặt như mặt trời và chân như trụ lửa” với lời mô tả Đức Chúa Jesus Christ trong Khải Huyền 1:15-16, và cho rằng đó là sự mô tả chỉ dành riêng cho Đức Chúa Jesus Christ. Tuy nhiên, Thánh Kinh không hề nói sự mô tả đó chỉ dành riêng cho Đức Chúa Jesus Christ. Khải Huyền đã nói đến một “thiên sứ mạnh mẽ” trong 5:2, và giờ đây nói rõ “một thiên sứ mạnh mẽ khác”. Vì thế, không thể nào cho rằng danh xưng “một thiên sứ mạnh mẽ khác” đó được dùng để chỉ về Đức Chúa Jesus Christ.

Từ trời xuống”, tức là từ trời giáng xuống trên đất. “Mây bao phủ” với mục đích che bớt sự vinh quang để con mắt xác thịt của loài người có thể nhìn thấy được. “Cầu vồng trên đầu” tiêu biểu cho sự thành tín của Đức Chúa Trời. Những gì Đức Chúa Trời phán, Ngài sẽ làm trọn. “Mặt như mặt trời và chân như trụ lửa” tiêu biểu cho sự oai nghi của Thiên Chúa và sự phán xét nghiêm khắc của Ngài.

2 Trong tay người có một cuộn sách nhỏ mở ra. Chân phải người đặt trên biển còn chân trái người đặt trên đất.

Cuộn sách nhỏ mở ra trên tay của thiên sứ không phải là cuộn sách có các dấu ấn đang ở trên tay của Chiên Con, và Chiên Con thì vẫn đang đứng giữa ngai, trên thiên đàng. Danh từ “cuộn sách nhỏ” chỉ được dùng trong Khải Huyền 10. Cuộn sách này nhỏ đến nỗi nằm gọn trên bàn tay của thiên sứ và sau đó, Giăng có thể nuốt lấy. Chúng tôi tin rằng, cuộn sách nhỏ này tức là tất cả những gì mà trong Khải Huyền 1:10-11 và 1:19-20 Đức Chúa Jesus Christ đã truyền cho Giăng phải ghi chép lại:

“Tôi đã ở trong thần linh vào ngày của Chúa và nghe phía sau tôi có một tiếng lớn như tiếng loa phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng. Những điều ngươi thấy, hãy chép vào một cuộn sách và gửi đến bảy Hội Thánh tại A-si-a; gửi cho Ê-phê-sô, cho Si-miệc-nơ, cho Bẹt-găm, cho Thi-a-ti-rơ, cho Sạt-đe, cho Phi-la-đen-phi và cho Lao-đi-xê.” (Khải Huyền 1:10-11).

“Hãy chép những sự ngươi thấy: những sự hiện có và những sự sẽ đến sau những sự ấy; sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao ngươi thấy trong tay phải Ta và bảy chân đèn bằng vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội Thánh và bảy chân đèn ngươi thấy là bảy Hội Thánh.” (Khải Huyền 1:19-20).

Nói cách khác, cuộn sách nhỏ này chính là sách Khải Huyền. Hình ảnh cuộn sách được mở ra tiêu biểu cho sự kiện nội dung của sách Khải Huyền được công bố.

Vị thiên sứ đứng một chân trên đất và một chân trên biển. Rất có thể đất là vùng A-ma-ghê-đôn trên lãnh thổ I-sơ-ra-ên, sẽ là bãi chiến trường trong trận chiến cuối cùng của AntiChrist, chiến cự Đức Chúa Jesus Christ; còn biển là Địa Trung Hải, tiếp liền với vùng đất A-ma-ghê-đôn. Trong thế đứng chân phải đặt trên biển và chân trái đặt trên đất như vậy, thiên sứ sẽ đối diện với thành Giê-ru-sa-lem. Biển còn được tiêu biểu cho các dân ngoại và đất còn được tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên. Chân của thiên sứ như trụ lửa, tiêu biểu cho sự phán xét sẽ giáng xuống trên cả dân ngoại, lẫn dân I-sơ-ra-ên. Dân ngoại sẽ bị phán xét nặng hơn (chân phải) dân I-sơ-ra-ên.

3 Người kêu lớn tiếng như sư tử rống. Khi người kêu xong, có bảy tiếng sấm vang phát ra những tiếng nói của chúng.

4 Khi bảy tiếng sấm vang phát ra những tiếng nói của chúng, tôi định ghi lại thì nghe có tiếng từ trời phán với tôi: Hãy niêm phong những điều mà bảy tiếng sấm vang đã nói. Đừng ghi lại!

Tiếng kêu của thiên sứ lớn như tiếng sư tử rống, có lẽ là một âm thanh được phát ra làm dấu hiệu cho giờ phán xét, tương tự như tiếng người chỉ huy một đội quân ra lệnh tiến quân. Tiếp theo tiếng kêu của thiên sứ thì có bảy tiếng sấm vang rền phát ra những tiếng nói. Sứ Đồ Giăng có thể nghe và hiểu những tiếng nói đó, và ông có ý ghi lại nội dung của những tiếng nói đó; nhưng từ trên trời có một tiếng phán với ông, không cho phép ông ghi lại những gì mà bảy tiếng sấm vang đã nói. Chúng ta thật sự không có cách gì để biết điều mà Thiên Chúa không muốn cho chúng ta biết. Chỉ một mình Giăng biết được nội dung của những tiếng nói đó. Chúng ta cũng không nên tốn thời gian để phỏng đoán những điều mà Thiên Chúa đã không cho phép chúng ta biết. Tuy nhiên, trong ngày mà khải tượng Giăng thấy ở đây trở thành hiện thực, cả thế gian sẽ nghe và biết ý nghĩa lời nói của bảy tiếng sấm vang.

5 Thiên sứ mà tôi thấy đứng trên biển và đất, đưa tay mình lên trời

6 và thề bởi Đấng Sống Đời Đời: Đấng dựng nên trời cùng mọi vật trên trời, đất và mọi vật trên đất, biển và mọi vật trong biển, rằng: Không còn có thì giờ nữa!

Thề bởi Đấng Sống Đời Đời tức là thề trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, là Đấng Ê-lô-him đã dựng nên các tầng trời và đất, như Sáng Thế Ký 1:1 đã khẳng định! “Không còn có thì giờ nữa” bao gồm các nghĩa sau đây:

  • Không còn có thì giờ để những người còn lại trên đất ăn năn và tin nhận Tin Lành.
  • Không còn có thì giờ để cho tội ác tiếp tục xảy ra.
  • Không còn có thì giờ để con dân Chúa tiếp tục chịu khổ vì danh Chúa.

Nghĩa là, đã đến thời điểm để Thiên Chúa hình phạt và kết thúc thế gian tội lỗi, để Đức Chúa Jesus Christ mở ra Vương Quốc Ngàn Năm hòa bình trên đất.

Lời thề có thể là một lời cam kết, một lời hứa, hay một lời tuyên bố một sự thật trong danh của một thân vị đáng tôn, đáng kính. Trong thời Cựu Ước, dân I-sơ-ra-ên thường lập lời thề trong danh của Thiên Chúa. Vì đó là mạng lệnh của Thiên Chúa:

“Nếu như người nào giao lừa, bò, chiên, hoặc súc vật nào khác cho kẻ lân cận mình giữ và bị chết, gãy một giò hay là bị đuổi đi, không ai thấy, thì hai bên phải lấy danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà thề, để cho biết rằng người giữ súc vật có đặt tay trên tài vật của kẻ lân cận mình chăng. Người chủ con vật phải nhận lời thề, và người kia chẳng bồi thường.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:10-11).

Chính Thiên Chúa cũng thề, và Ngài lấy chính mình Ngài mà thề:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, Ta lấy chính mình Ta mà thề rằng…” (Sáng Thế Ký 22:16).

Tuy nhiên, trong thời Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ truyền cho các môn đồ của Ngài tránh việc thề để thuyết phục người khác tin nơi sự vô tội của mình:

Ma-thi-ơ 5:33-37

33 Các ngươi còn nghe những người xưa nói rằng: Ngươi chớ thề dối, nhưng đối với Chúa, phải làm trọn lời thề của mình. [Lê-vi Ký 19:12; Dân Số Ký 30:2; Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:21]

34 Nhưng Ta phán với các ngươi: Đừng thề gì hết. Đừng chỉ trời (mà thề), vì là ngôi của Đức Chúa Trời;

35 cũng đừng chỉ đất (mà thề), vì là bệ chân của Ngài; cũng đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem (mà thề), vì là thành của vua lớn.

36 Ngươi cũng đừng chỉ đầu mình mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay là đen được.

37 Nhưng lời nói của các ngươi hãy là: phải, phải; không, không. Còn những điều gì khác hơn như vậy thì đến từ kẻ dữ.

Và Đức Thánh Linh, qua Gia-cơ, đã lập lại mệnh lệnh ấy:

“Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, trên hết mọi sự chớ có thề. Chớ chỉ trời, chỉ đất, cũng chớ chỉ vật gì khác mà thề; nhưng phải thì nói phải, không thì nói không, để các anh chị em không bị ngã vào trong sự giả hình.” (Gia-cơ 5:12).

Ngày nay, con dân Chúa không cần phải thề như con dân Chúa thời Cựu Ước để khiến cho người khác tin rằng mình vô tội. Con dân Chúa chỉ cần xác nhận mình có làm hoặc phủ nhận mình không làm một điều gì đó.

Nghi thức gọi là “tuyên thệ” trước tòa án, chỉ là một hình thức cam kết nói lên sự thật, không phải là một lời thề, vì không nhân danh ai cả, mà chỉ là một lời hứa sẽ nói đúng sự thật và cam kết chịu trách nhiệm về những lời được nói ra.

Trong các nước mà người dân tin vào Thánh Kinh, các viên chức chính quyền, khi nói lời nhậm chức, thường đặt tay phải trên cuốn Thánh Kinh. Đó chính là một hình thức nhân danh Lời Chúa để cam kết làm tròn bổn phận được Thiên Chúa và nhân dân giao phó. Nghi thức đó không vi phạm lời dạy của Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh, mà là một hình thức nhân danh Lời Chúa để nhận bổn phận và hứa chịu trách nhiệm hoàn thành bổn phận.

7 Nhưng trong những ngày mà tiếng loa của thiên sứ thứ bảy bắt đầu thổi, sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành như Ngài đã phán với các tiên tri, là những tôi tớ Ngài.

“Trong những ngày mà tiếng loa của thiên sứ thứ bảy bắt đầu thổi” có nghĩa là khoảng thời gian nhiều ngày, theo sau thời điểm thiên sứ thứ bảy thổi loa, tức là khoảng thời gian ba năm rưỡi sau của Kỳ Đại Nạn. Sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời được nói đến ở đây chính là sự mầu nhiệm về sự phán xét muôn dân trên đất, sự phán xét và phục hồi vương quốc I-sơ-ra-ên, và sự thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm trên đất, là những điều đã được Đức Chúa Trời phán từ nhiều ngàn năm trước và được ghi lại trong Thánh Kinh.

8 Tiếng mà tôi nghe từ trời lại phán với tôi rằng: Hãy đi, lấy cuộn sách nhỏ mở ra trong tay thiên sứ đứng trên biển và đất.

9 Tôi đi đến thiên sứ đó, nói với người: Hãy đưa cho tôi cuộn sách nhỏ. Người trả lời tôi rằng: Hãy lấy và ăn đi! Nó sẽ làm cho bụng ngươi đắng nhưng nó sẽ ngọt như mật trong miệng ngươi.

Từ trên thiên đàng, Giăng đã bằng cách nào đó, đi đến trước mặt vị thiên sứ đang đứng trên biển và đất. Thiên sứ bảo Giăng hãy ăn cuộn sách nhỏ và cho biết, nó có vị ngọt như mật ong khi ở trong miệng, nhưng sẽ có vị đắng khi đã được nuốt vào bụng.

10 Tôi lấy cuộn sách nhỏ khỏi tay thiên sứ và nuốt nó. Trong miệng tôi nó ngọt như mật và vừa khi tôi nuốt nó thì bụng tôi đắng.

Giăng nhận lấy cuộn sách, tức toàn bộ nội dung của sách Khải Huyền và nuốt nó. Vị ngọt tiêu biểu cho sự chân thật và phước hạnh của Lời Chúa. Vị đắng tiêu biểu cho lẽ thật của Lời Chúa phán xét những sự kín nhiệm trong lòng người.

“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng. Chẳng có tạo vật nào không hiện ra trước mặt Ngài, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Ngài, Đấng mà chúng ta phải thưa trình.” (Hê-bơ-rơ 4:12-13).

Trong Thánh Kinh có nhiều câu ví sánh Lời Chúa ngọt hơn mật, và dùng sự ăn, nuốt làm hình bóng về sự tiếp nhận Lời Chúa:

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là trong sạch, còn mãi; các sự phán xét của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là chân thật, hết thảy đều công chính cả. Các điều ấy đáng chuộng hơn vàng, thật hơn vàng ròng; lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong.” (Thi Thiên 19:9-10).

“Lời Ngài ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!” (Thi Thiên 119:103).

“Lời Ngài được tìm gặp, thì tôi đã ăn nuốt chúng. Lời Ngài là niềm vui cho tôi và sự mừng rỡ trong lòng tôi, vì tôi được xưng bằng danh Ngài! Ôi! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa Vạn Quân!” (Giê-rê-mi 15:16).

Tuy nhiên sự kiện Giăng nuốt cuộn sách nhỏ ở đây là một hình ảnh được nhìn thấy và hiểu theo nghĩa đen, tương tự như sự kiện Tiên Tri Ê-xê-chi-ên cũng ăn nuốt một cuộn sách:

“Ta nhìn xem, này, có một cái tay giơ đến ta, cầm một cuộn sách. Cuộn sách ấy mở ra trước mặt ta, có chữ đã chép, cả trong và ngoài; ấy là những lời ca thương, than thở, khốn khổ đã chép vào đó.” (Ê-xê-chi-ên 2:9-10).

Ê-xê-chi-ên 3:1-4

1 Ngài phán với ta rằng: Hỡi con người, hãy ăn vật ngươi thấy; hãy ăn cuộn sách này, rồi đi, và nói với nhà I-sơ-ra-ên.

2 Ta mở miệng ra, và Ngài khiến ta ăn cuộn sách ấy.

3 Ngài phán: Hỡi con người, hãy lấy cuộn sách Ta cho ngươi mà khiến bụng ăn và làm đầy ruột. Vậy ta ăn lấy, thì trong miệng ngọt như mật.

4 Ngài lại phán: Hỡi con người, hãy đi, hãy đến với nhà I-sơ-ra-ên, đem những lời Ta, thuật lại cho chúng nó.

Dù hình ảnh trong khải tượng là sự kiện thật sự ăn nuốt một cuộn sách, nhưng ý nghĩa rõ ràng của nó là: Tôi tớ của Chúa phải hoàn toàn tiếp nhận và kinh nghiệm Lời Chúa trước khi công bố cho con dân của Chúa.

11 Có lời phán với tôi: Ngươi còn phải nói tiên tri trước nhiều dân, nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua.

Tiếp theo, Giăng nhận được mệnh lệnh phải nói tiên tri trước nhiều dân, nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ, và nhiều vua. Nội dung của lời tiên tri mà Giăng phải nói, chính là nội dung của sách Khải Huyền. Giăng đã thi hành mệnh lệnh ấy. Ông đã chép lại sách Khải Huyền, trước hết là gửi cho bảy Hội Thánh tại miền Tiểu Á, và sau đó, sứ điệp của ông cứ được sao chép và gửi đến hàng tỉ người trong thế gian, bao gồm nhiều dân tộc, nhiều quốc gia, nhiều tiếng nói, và cả nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia trong suốt khoảng thời gian gần hai ngàn năm qua.

Ngày nay, linh hồn của Giăng yên nghỉ trong thiên đàng, bên Đức Chúa Jesus Christ, thân thể xác thịt của ông đã tan rã thành bụi đất, chờ ngày sống lại, nhưng sứ điệp của ông trong sách Khải Huyền, việc làm của ông từ gần hai ngàn năm trước vẫn còn lại trong thế gian và sẽ còn lại cho đến đời đời. Vì, Lời của Thiên Chúa còn lại đời đời.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] 003 Tóm Lược Lịch Sử Loài Người – Kỳ Tận Thế (kytanthe.net)

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/