043 Chú Giải Khải Huyền 14:01-07 Một Trăm Bốn Mươi Bốn Ngàn Người Được Tuyển Chọn Từ Muôn Dân – Tin Lành Vĩnh Cửu Được Giảng cho Muôn Dân

8,516 views

043 Chú Giải Khải Huyền 14:1-7
Một Trăm Bốn Mươi Bốn Ngàn Người Được Tuyển Chọn Từ Muôn Dân
Tin Lành Vĩnh Cửu Được Giảng cho Muôn Dân

 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://od.lk/f/MV82MzUxNjU0MF8

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 14:1-7

1 Tôi nhìn xem, và kìa, Chiên Con đứng trên Núi Si-ôn, với Ngài là một trăm bốn mươi bốn ngàn người có tên của Cha Ngài viết trên trán.

2 Tôi nghe một tiếng từ trời như tiếng của nhiều dòng nước, như tiếng sấm vang lớn. Tôi nghe tiếng của những người khảy hạc cầm đang khảy hạc cầm của họ.

3 Họ hát một bài ca mới trước ngai, trước bốn sinh vật và trước các trưởng lão mà không ai có thể học được bài ca ấy, ngoại trừ một trăm bốn mươi bốn ngàn người đã được cứu chuộc khỏi đất.

4 Họ là những người chưa bị ô uế với đàn bà vì họ còn trinh khiết. Họ là những người đi theo Chiên Con bất cứ nơi nào Ngài đi. Họ được cứu chuộc giữa loài người, là những trái đầu mùa của Đức Chúa Trời và của Chiên Con.

5 Trong miệng của họ đã không tìm thấy lời dối trá; vì họ không tì vết trước ngai của Đức Chúa Trời.

6 Tôi thấy một thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin Lành Vĩnh Cửu giảng cho cư dân trên đất, cho mỗi quốc gia, mỗi chi tộc, mỗi ngôn ngữ, và mỗi dân tộc.

7 Người lớn tiếng truyền: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và dâng sự vinh quang lên Ngài vì giờ phán xét của Ngài đã đến. Hãy thờ phượng Đấng làm nên trời, đất, biển, và các nguồn nước.

Trước hết, chúng ta cần chú ý đến sự kiện này, trong Khải Huyền 14 và nhiều đoạn khác, Thánh Kinh gọi Ngôi Hai Thiên Chúa là Chiên Con để nhấn mạnh đến nhân tính và công việc của Ngài trong bản thể loài người. Khác với Khải Huyền 19:11-16 gọi Ngài là “Đấng Thành Tín và Chân Thật”, “Lời của Đức Chúa Trời”, và “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa”, để nhấn mạnh đến thần tính và công việc của Ngài trong bản thể Thiên Chúa. Khi chúng ta biết phân biệt hành động của Ngôi Lời trong thân vị loài người với hành động của Ngôi Lời trong thân vị Thiên Chúa, thì chúng ta mới hiểu rõ ý nghĩa và mục đích mỗi hành động của Ngài; và qua đó, chúng ta hiểu được sự mầu nhiệm Thiên Chúa thành người mà những kẻ phủ nhận Ngôi Lời là Thiên Chúa không thể nào hiểu được. Họ không thể nào hiểu được ý nghĩa của sự kiện Ngôi Lời tự bỏ hình Thiên Chúa để mang lấy hình loài người (Phi-líp 2:6-7), vì họ không nhận Ngài là Thiên Chúa.

Khải Huyền 14 ghi lại các khải tượng sau:

  • 144.000 thánh đồ được tuyển chọn từ trong Hội Thánh.
  • Một thiên sứ rao giảng Tin Lành cho muôn dân trong những ngày cuối cùng.
  • Lời công bố sự hủy diệt Ba-bi-lôn thuộc linh.
  • Lời công bố án phạt những người mang dấu của AntiChrist.
  • Sự hình phạt muôn dân trên đất.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của câu 1 đến câu 7.

1 Tôi nhìn xem, và kìa, Chiên Con đứng trên Núi Si-ôn, với Ngài là một trăm bốn mươi bốn ngàn người có tên của Cha Ngài viết trên trán.

Vào lúc Giăng nhìn thấy các khải tượng được ghi lại trong Khải Huyền 14, thì ông vẫn còn đang ở trên mặt đất, gần bên Đền Thờ Thứ Ba mà ông đã được lệnh đo. Trước hết, ông hướng tầm nhìn của mình lên trời và nhìn thấy Đức Chúa Jesus Christ với 144.000 người, được tuyển chọn giữa muôn dân, cùng đứng với Chiên Con trên Núi Si-ôn.

Núi Si-ôn là nơi mà thành Giê-ru-sa-lem được xây cất. Vì thế, hai danh từ Giê-ru-sa-lem và Si-ôn thường được dùng để chỉ về dân I-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Núi Si-ôn được nói đến ở đây là Núi Si-ôn trên thiên đàng. Hê-bơ-rơ 12:22 chép: “Nhưng các anh chị em đến gần Núi Si-ôn; gần thành của Thiên Chúa Hằng Sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời; gần muôn vàn các thiên sứ…” Khải Huyền 14:3 cho chúng ta biết, vào thời điểm 144.000 người đứng trên Núi Si-ôn với Chiên Con, thì họ đã được cứu chuộc khỏi đất. Vì thế, Núi Si-ôn được nói đến trong câu 1 phải là Núi Si-ôn ở trên trời.

Một trăm bốn mươi bốn ngàn người cùng đứng chung với Chiên Con trên Núi Si-ôn trong thiên đàng là những người có tên của Cha Ngài viết trên trán của họ. Tên của Cha Ngài là “Đức Chúa Trời”. Như vậy, danh “Đức Chúa Trời” được viết trên trán của 144.000 người, mà chúng ta biết họ không phải là 144.000 người được chọn từ 12 chi phái I-sơ-ra-ên đã được nói đến trong Khải Huyền 7. Bởi vì Khải Huyền 14:4 cho biết, họ là những người được cứu chuộc giữa loài người, hàm ý, bao gồm mọi dân tộc.

Danh của Đức Cha được viết trên trán để chứng tỏ 144.000 người này là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 12:17; 14:12).

Thánh Kinh gọi toàn thể Hội Thánh là trái đầu mùa: “Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng Lời của lẽ thật sinh chúng ta, để cho chúng ta trở nên những trái đầu mùa của những tạo vật của Ngài.” (Gia-cơ 1:18). Vì thế, có thể, họ là những người đặc biệt trong Hội Thánh của Chúa, hoàn toàn sống cho Chúa trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh. Nếu là vậy, thì rất có thể nhiều người trong số họ đang sống trong thời đại của chúng ta.

2 Tôi nghe một tiếng từ trời như tiếng của nhiều dòng nước, như tiếng sấm vang lớn. Tôi nghe tiếng của những người khảy hạc cầm đang khảy hạc cầm của họ.

3 Họ hát một bài ca mới trước ngai, trước bốn sinh vật và trước các trưởng lão mà không ai có thể học được bài ca ấy, ngoại trừ một trăm bốn mươi bốn ngàn người đã được cứu chuộc khỏi đất.

“Một tiếng từ trời như tiếng của nhiều dòng nước, như tiếng sấm vang lớn” là tiếng đàn và tiếng hát của 144.000 người hợp xướng, tôn vinh Thiên Chúa. Bài ca của họ cũng được gọi là một bài ca mới, như bài ca mà 24 trưởng lão đã tôn vinh Chúa, được ghi lại trong Khải Huyền 5. Tuy nhiên, đây là một bài ca rất đặc biệt, không ai khác ngoài họ có thể hát được.

4 Họ là những người chưa bị ô uế với đàn bà vì họ còn trinh khiết. Họ là những người đi theo Chiên Con bất cứ nơi nào Ngài đi. Họ được cứu chuộc giữa loài người, là những trái đầu mùa của Đức Chúa Trời và của Chiên Con.

Câu “Họ là những người chưa bị ô uế với đàn bà vì họ còn trinh khiết” có thể được hiểu theo hai nghĩa:

1. Nghĩa đen: Họ là nam giới, chưa bao giờ có quan hệ tà dâm với phụ nữ. Ở đây, chúng ta cần phải nhận biết, sự quan hệ tính dục của vợ chồng không phải là sự ô uế, vì đó là chức năng và mệnh lệnh của Thiên Chúa ban cho loài người. Tuy nhiên, có những hình thức quan hệ tính dục không đẹp lòng Chúa mà lương tâm của chúng ta cũng nhận biết. Đó là những hình thức quan hệ tính dục của thế gian tội lỗi, như nói những lời thô tục khiêu dâm, sử dụng những món đồ chơi tình dục, sử dụng những phim ảnh, sách báo, dụng cụ khiêu dâm… mà Thánh Kinh gọi là tà dâm, làm cho phòng ngủ của vợ chồng bị ô uế (Hê-bơ-rơ 13:4). Một người nam hay nữ có gia đình, không ngoại tình, không tà dâm, vẫn được gọi là một người trinh khiết.

2. Nghĩa bóng: Họ là những con dân chân thật của Chúa không hề bị ô uế bởi sự thờ lạy thần tượng. Trong II Cô-rinh-tô 11:2, Lời Chúa ví các thánh đồ như là trinh nữ được gả cho Đấng Christ: “Vì tôi nóng cháy về các anh chị em với sự nóng cháy của Thiên Chúa. Bởi tôi đã đính hôn các anh chị em cho một chồng mà thôi. Tôi trình dâng các anh chị em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ.” Trước khi là thánh đồ của Chúa, ít nhiều gì thì các thánh đồ tại Cô-rinh-tô cũng phạm tội thờ lạy thần tượng. Tuy nhiên, từ khi họ tin nhận Đức Chúa Jesus Christ nếu họ không trở lại thờ lạy thần tượng, thì họ là trinh khiết thuộc linh đối với Chúa. Điều đó được áp dụng chung cho toàn Hội Thánh. Vì thế, Khải Huyền 14:4 cần phải được hiểu theo nghĩa đen.

5 Trong miệng của họ đã không tìm thấy lời dối trá; vì họ không tì vết trước ngai của Đức Chúa Trời.

Nếp sống Đạo của 144.000 người này thật là trọn vẹn. Từ khi họ được cứu cho đến khi họ ra khỏi cuộc đời này, họ không hề nói ra một lời dối trá. Một người có thể giữ cho miệng mình không nói lời dối trá là người có năng lực sống đúng theo Lời Chúa, đẹp lòng Ngài. Gia-cơ 3:2 chép: “Chúng ta đều vấp phạm trong nhiều sự. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói, thì người ấy là trọn vẹn, có thể bắt phục cả thân thể.” Họ là những người đạt đến mức độ giống như Đức Chúa Jesus Christ ngay trong cuộc đời này (Rô-ma 8:29): “Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá.” (I Phi-e-rơ 2:22).

6 Tôi thấy một thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin Lành Vĩnh Cửu giảng cho cư dân trên đất, cho mỗi quốc gia, mỗi chi tộc, mỗi ngôn ngữ, và mỗi dân tộc.

7 Người lớn tiếng truyền: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và dâng sự vinh quang lên Ngài vì giờ phán xét của Ngài đã đến. Hãy thờ phượng Đấng làm nên trời, đất, biển, và các nguồn nước.

Lời phán của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 24:14: “Tin Lành này của Vương Quốc Trời sẽ được giảng trong khắp đất, để làm lời chứng cho muôn dân. Bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến”; thường bị hiểu lầm. Nhiều người cho rằng, vì Tin Lành chưa được giảng ra khắp đất nên ngày Chúa trở lại vẫn còn xa. Tuy nhiên, Chúa không phán là khi Tin Lành được giảng ra khắp đất thì Ngài mới đến. Ngài phán, khi Tin Lành được giảng ra khắp đất thì sự cuối cùng sẽ đến. Sự cuối cùng tức là sự kết thúc thế gian tội lỗi để thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm. Trước khi sự cuối cùng đến, thì Chúa có thể trở lại bất kỳ lúc nào để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Sau khi Chúa đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì Tin Lành mới được một thiên sứ giảng ra khắp đất vào khoảng giữa của bảy năm đại nạn.

Ý nghĩa của danh từ “Tin Lành Vĩnh Cửu” rất là đặc biệt.

Thứ nhất: nội dung và mục đích của Tin Lành không hề thay đổi theo thời gian. Từ ngày chính Đức Chúa Jesus Christ đi lại trên đất và rao giảng Tin Lành, cho đến mãi mãi, nội dung và mục đích của Tin Lành vẫn y nguyên như đã được công bố trong Giăng 3:16 “Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” Và chúng ta cần ghi nhớ, chữ “tin” được dùng với thời hiện tại. Nghĩa là, không phải hễ ai “đã tin” hay “sẽ tin” nơi Đức Chúa Jesus Christ thì không bị hư mất. Mà là, người ấy lúc nào cũng phải ở trong trạng thái “tin” nơi Đấng Christ. Và “tin” Ngài có nghĩa là làm theo ý muốn và lời phán của Ngài, bắt đầu với lời phán: “Hãy ăn năn!” Và tiếp theo là lời phán “Đừng phạm tội nữa!”

Thứ nhì: năng lực cứu rỗi của Tin Lành cũng không hề thay đổi theo thời gian. Có nghĩa là, nếu một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy được cứu, bất kể là người ấy thuộc về thời đại nào.

Chúng ta khó mà hình tưởng sự thiên sứ sẽ giảng Tin Lành như thế nào. Có lẽ, vị thiên sứ ấy bay giữa trời khiến cho muôn dân trên đất có thể nhìn thấy và nghe được lời rao giảng. Lời rao giảng đó sẽ khiến cho bất cứ dân tộc nào, nói loại ngôn ngữ nào cũng có thể nghe và hiểu. Tiếp theo lời rao giảng về Tin Lành, vị thiên sứ ấy: (1) Truyền cho muôn dân trên đất phải tôn kính và dâng vinh quang lên Đức Chúa Trời. (2) Công bố giờ Đức Chúa Trời phán xét thế gian đã đến. (3) Kêu gọi muôn dân thờ lạy Ngôi Lời, là Đấng đã “làm nên trời, đất, biển, và các nguồn nước.” Giăng 1:1-3 chép rõ: “Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.” Và Cô-lô-se 1:16 “Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.”

Chắc chắn là những ai đã tin nhận Tin Lành, khi nhìn thấy cảnh tượng thiên sứ bay giữa trời rao giảng Tin Lành, thì họ sẽ được an ủi và vui mừng rất nhiều. Còn những người vẫn cứng lòng, không chịu tin nhận Tin Lành, thì thật sự chúng ta khó mà hiểu được họ. Ngày nay, trong thời đại của Hội Thánh, vẫn có những người biết Chúa có thật, biết Lời Chúa là chân thật, thậm chí họ tự nhận là người rao giảng Lời Chúa, nhưng họ vẫn thản nhiên sống trong tội và rao giảng những điều sai nghịch Lời Chúa. Những người như vậy, đã tôn chính họ làm Đức Chúa Trời của họ. Họ chỉ làm theo sự ưa thích của xác thịt, mà II Phi-e-rơ 2 đã nói rất rõ về họ.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/