045 Chú Giải Khải Huyền 14:09-20 Bản Án và Hình Phạt Dành cho Thế Gian Cùng Những Kẻ Thờ Phượng AntiChrist

5,991 views

YouTube: https://youtu.be/7uR2VrqKSwQ

045 Chú Giải Khải Huyền 14:9-20
Bản Án và Hình Phạt Dành cho Thế Gian
Cùng Những Kẻ Thờ Phượng AntiChrist

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://od.lk/d/MV8xMTUyMDYxNzVf/11548_ChuGiaiKhaiHuyen_14_9-20.mp3045_ChuGiaiKhaiHuyen_14_9-20.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

 

Khải Huyền 14:9-20

9 Thiên sứ thứ ba, theo sau, lớn tiếng truyền: Kẻ nào thờ phượng con thú và tượng nó, nhận dấu nó trên trán hay trên tay mình,

10 sẽ uống rượu giận không pha của Đức Chúa Trời, được rót vào trong chén thịnh nộ của Ngài. Nó sẽ bị khổ bởi lửa và diêm sinh trước sự hiện diện của các thiên sứ thánh và trước sự hiện diện của Chiên Con.

11 Ai thờ phượng con thú cùng tượng của nó và bất cứ ai nhận dấu của tên nó, thì cả ngày lẫn đêm sẽ không được yên nghỉ. Khói của sự đau khổ của chúng sẽ bay lên cho đến đời đời.

12 Đây là sự nhẫn nại của các thánh đồ. Đây là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus.

13 Tôi nghe một tiếng từ trời phán với tôi: Hãy viết: Từ nay, phước cho những kẻ chết, chết trong Chúa. Đấng Thần Linh phán: Phải, vì họ được yên nghỉ khỏi những sự lao nhọc của họ và những việc làm của họ sẽ theo họ.

14 Rồi, tôi nhìn xem, và kìa, có một đám mây trắng và ngự trên đám mây có ai giống như con người. Trên đầu Ngài có kim miện, trong tay Ngài có một vòng gặt bén.

15 Một thiên sứ khác, ra từ Đền Thờ, kêu lớn tiếng đến Đấng đang ngồi trên mây: Hãy quơ vòng gặt của Ngài và gặt đi! Vì đã đến giờ để Ngài gặt, vì mùa gặt của đất đã chín.

16 Đấng ngồi trên đám mây quơ vòng gặt của Ngài trên đất và đất bị gặt.

17 Một thiên sứ khác ra từ Đền Thờ ở trên trời. Người cũng có một vòng gặt bén.

18 Một thiên sứ khác có quyền lực trên lửa, ra từ bàn thờ và kêu lớn tiếng đến thiên sứ có vòng gặt bén trong tay rằng: Hãy quơ vòng gặt bén ngươi và gom những nhánh nho trên đất vì những trái nho đã chín trọn.

19 Thiên sứ quơ vòng gặt mình trên đất và gom các nhánh nho của đất, ném vào trong thùng ép rượu lớn của cơn thịnh nộ Đức Chúa Trời.

20 Thùng ép rượu bị giày đạp ngoài thành và máu ra từ thùng ép rượu lên cao bằng chỗ khớp cương ngựa, kéo dài một ngàn sáu trăm phu-lông.

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ lẽ thật này: “Thiên Chúa từ ái, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ, và chân thật; ban ơn đến nhiều ngàn đời, tha thứ sự gian ác, sự phản nghịch, và tội lỗi; nhưng chẳng bỏ qua tội lỗi; và phạt tội của tổ phụ trên con và cháu đến đời thứ ba và đời thứ tư.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6-7). Vì thế, mỗi một việc làm tội lỗi của từng người đều sẽ bị lên án và hình phạt trong đời này, lẫn đời sau, nếu người ấy không ở trong sự cứu rỗi của Ngài.

Trong lịch sử của loài người đã có một lần Thiên Chúa hình phạt tập thể muôn dân trên đất. Đó là Cơn Lụt Lớn, xảy ra cách nay khoảng 4472 năm. Trong cơn hình phạt ấy, toàn thế gian chỉ có gia đình của Nô-ê gồm tám người được ở trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Theo Thánh Kinh, chỉ còn một thời gian ngắn nữa, sự tận thế sẽ đến, và đó là lần Thiên Chúa sẽ hình phạt tập thể muôn dân trên đất lần thứ hai. Chi tiết của sự hình phạt này đã được ghi chép trong sách Khải Huyền, là nội dung được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành rộng khắp nhất trên thế giới.

Những tai nạn xảy ra trong ba năm rưỡi đầu của bảy năm đại nạn ngoài những sự do chính loài người tự gây ra, như: chiến tranh, dịch bệnh, đói kém… còn lại là kết quả của sự Thiên Chúa hình phạt các thế lực tà linh đang cai trị trong các tầng trời và sự các tà linh tấn công loài người:

  • Mưa đá và lửa pha với máu trên đất khiến 1/3 thảo mộc bị cháy;
  • Thiên thạch rơi xuống biển khiến 1/3 biển hóa thành máu, 1/3 sinh vật trong biển bị chết, 1/3 tàu thuyền bị hủy diệt;
  • Thiên thạch tên là “Khổ Thảo” nổ tung, rơi xuống trên 1/3 các nguồn nước, khiến cho nước hóa đắng, làm cho nhiều người chết;
  • Mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao bị mất 1/3 ánh sáng;
  • Tà linh từ vực sâu trong âm phủ mang hình châu chấu, có đuôi như đuôi bọ cạp, chích loài người trong năm tháng, khiến cho loài người bị đau đớn mà không thể chết;
  • Đoàn quân tà linh 200 triệu dùng lửa, khói, và lưu huỳnh giết 1/3 loài người.

Nhưng trong ba năm rưỡi sau cùng của bảy năm đại nạn, sau khi vị thiên sứ thứ bảy thổi loa, thì là bảy hình phạt trực tiếp từ Thiên Chúa giáng xuống trên đất, được mô tả trong Khải Huyền 16.

Khải Huyền 14:9-20 tóm lược bản án và sự thi hành án phạt của Thiên Chúa dành cho muôn dân trên đất trong những ngày cuối cùng của lịch sử tự trị của loài người.

9 Thiên sứ thứ ba, theo sau, lớn tiếng truyền: Kẻ nào thờ phượng con thú và tượng nó, nhận dấu nó trên trán hay trên tay mình,

10 sẽ uống rượu giận không pha của Đức Chúa Trời, được rót vào trong chén thịnh nộ của Ngài. Nó sẽ bị khổ bởi lửa và diêm sinh trước sự hiện diện của các thiên sứ thánh và trước sự hiện diện của Chiên Con.

Thiên sứ thứ nhất rao giảng Tin Lành cho muôn dân trên đất: Lẽ thật về Thiên Chúa, sự yêu thương, công chính, và thánh khiết của Thiên Chúa được công bố một lần đủ cả.

Thiên sứ thứ nhì công bố sự hình phạt Ba-bi-lôn thuộc linh, thế lực liên kết các tôn giáo trên thế gian: Hệ thống tôn giáo của loài người, dẫn dắt người ta thờ lạy chính mình, thờ lạy các hình tượng, thờ lạy các tà thần và các giả thần, mạo danh thờ phượng Thiên Chúa, bị hủy diệt.

Thiên sứ thứ ba công bố hình phạt trên vương quốc của AntiChrist và Sa-tan: Sa-tan sẽ nỗ lực để thành lập vương quốc của nó trên đất trong suốt ba năm rưỡi còn lại của bảy năm đại nạn. Tuy nhiên, trong suốt ba năm rưỡi đó, thì hình phạt của Thiên Chúa lại giáng xuống trên vương quốc của nó. Vì thế, vương quốc của Sa-tan là tối tăm, hận thù, loạn lạc, hỗn độn, đau khổ, và chết chóc trong sự thịnh nộ của Thiên Chúa.

Những kẻ thờ phượng AntiChrist, thờ phượng tượng của AntiChrist hoặc nhận dấu của hắn sẽ gánh sự hình phạt trọn vẹn từ Đức Chúa Trời. Rượu giận không pha tiêu biểu cho hình phạt đúng y như luật pháp quy định, không có sự giảm miễn, không có sự khoan hồng hay ân xá. Chén thịnh nộ tiêu biểu cho sự thi hành án phạt. Lửa và diêm sinh (lưu huỳnh, Kali Nitrat KNO3) là chất liệu chính trong sự hình phạt được nói đến ở đây là thuộc về hỏa ngục, tức là hồ lửa được nói đến trong Khải Huyền 19:20; 20:10, 14, 15; 21:8.

11 Ai thờ phượng con thú cùng tượng của nó và bất cứ ai nhận dấu của tên nó, thì cả ngày lẫn đêm sẽ không được yên nghỉ. Khói của sự đau khổ của chúng sẽ bay lên cho đến đời đời.

Hình phạt dành cho những người thờ phượng AntiChrist, thờ phượng tượng AntiChrist và nhận dấu của hắn là hình phạt đời đời. Đây là bản án và hình phạt tiêu biểu cho tất cả những ai không ở trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, chứ không riêng gì những người thuộc về AntiChrist. Khải Huyền 20:11-15 cho chúng ta biết rõ như vậy.

12 Đây là sự nhẫn nại của các thánh đồ. Đây là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus.

Trong khi hình phạt từ Đức Chúa Trời giáng xuống trên đất trong ba năm rưỡi sau cùng của bảy năm đại nạn, thì con dân Chúa chắc chắn sẽ được sự bảo vệ của Thiên Chúa. Họ có thể bị AntiChrist bách hại và giết chết nhưng họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi các hình phạt của Đức Chúa Trời chỉ dành riêng cho những kẻ thuộc về AntiChrist. Chúng ta nhớ lại, trong thời dân I-sơ-ra-ên còn làm nô lệ trong xứ Ai-cập, thì mười tai vạ từ Thiên Chúa giáng xuống trên dân Ai-cập không hề ảnh hưởng đến dân I-sơ-ra-ên, miễn là họ tin cậy và vâng phục Thiên Chúa.

13 Tôi nghe một tiếng từ trời phán với tôi: Hãy viết: Từ nay, phước cho những kẻ chết, chết trong Chúa. Đấng Thần Linh phán: Phải, vì họ được yên nghỉ khỏi những sự lao nhọc của họ và những việc làm của họ sẽ theo họ.

Chúng ta nhận thấy, trong các lễ an táng con dân Chúa, Khải Huyền 14:13 thường được nhắc đến. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận xét xem, có thật người chết là người hết lòng hầu việc Chúa, tận dụng các ta-lâng Chúa ban hay không. Hay đó chỉ là “đầy tớ biếng nhác” đem giấu ta-lâng Chúa ban và sẽ bị Chúa phạt!

Trạng từ “từ nay” được dùng chung với động từ “chết” thời hiện tại trong câu này giúp cho chúng ta hiểu rằng, ý nghĩa của câu này được áp dụng chung cho tất cả những ai chết trong Chúa, kể từ khi Giăng nhìn thấy khải tượng. Chết trong Chúa tức là chết trong khi tin và làm theo mọi lời phán dạy của Chúa, là những lời đã được tóm gọn như sau: “Hãy ăn năn! Đừng phạm tội nữa!” (Ma-thi-ơ 4:17; Khải Huyền 2:5; Giăng 5:14; 8:11). Đừng phạm tội nữa có nghĩa là đừng làm nghịch lại các điều răn và mệnh lệnh của Chúa.

Điều này không có nghĩa là những người chết trong Chúa trước thời điểm Giăng nhận khải tượng, thì không được yên nghỉ. Vì đây là lời phán dành cho những người đang sống cùng thời với Giăng cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ giáng lâm trên đất, cho nên, có trạng từ “từ nay”. Những người đã chết trong Chúa trước thời điểm Giăng nhận khải tượng thì không cần được nhắc tới, vì đó là việc quá khứ.

Chính câu này cho chúng ta biết, sự an nghỉ trọn vẹn của thể xác chỉ xảy ra khi thân thể này chết đi. Vì thế, ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt chưa được biến hóa, chưa được phục sinh này, thì chúng ta cần phải để cho nó được nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát mà Thiên Chúa đã dựng nên cho chúng ta (Mác 2:27). Chỉ khi chúng ta qua đời trong Chúa thì thân thể xác thịt của chúng ta mới được hoàn toàn yên nghỉ để chờ ngày sống lại; và mọi việc làm của chúng ta trong Chúa sẽ theo chúng ta vào trong cõi đời đời. Mọi việc làm ấy phát xuất từ sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm và cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8).

Nhiều người, cho rằng, con dân Chúa ngày nay không cần phải giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, nghỉ ngơi lao động, vì ngày Sa-bát Thứ Bảy tiêu biểu cho sự an nghỉ thuộc linh khỏi gánh nặng của tội lỗi trong Chúa. Tuy nhiên, không một chỗ nào trong Thánh Kinh nói rằng, ngày Sa-bát Thứ Bảy tiêu biểu cho sự an nghỉ thuộc linh khỏi gánh nặng tội lỗi. Hê-bơ-rơ 4 dạy cho chúng ta biết có sự yên nghỉ thuộc thể và có sự yên nghỉ thuộc linh. Hê-bơ-rơ 4 không hề dạy sự yên nghỉ Sa-bát Thứ Bảy là hình bóng cho sự yên nghỉ thuộc linh. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã nhắc đến ngày Sa-bát Thứ Bảy vẫn còn trong thời điểm AntiChrist đem quân tấn công I-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 24:20). Thực tế, ngày Sa-bát có trước khi tội lỗi vào thế gian và vì loài người mà Thiên Chúa dựng nên ngày Sa-bát để loài người có một ngày nghỉ ngơi thể xác và cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa.

Thử hỏi, Đức Chúa Jesus Christ có bị gánh nặng tội lỗi hay không mà Ngài vẫn giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy? Chúa giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, vì trước hết, đó là điều răn của Đức Chúa Trời ban cho loài người, truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong ngày Sa-bát để thờ phượng Thiên Chúa, mà Đức Chúa Jesus Christ đang trong bản thể người thì Ngài phải tuân giữ. Kế tiếp, vì Chúa sống trong xác thịt loài người, có sự mỏi mệt của thân thể xác thịt, nên cần để cho thân thể xác thịt được nghỉ ngơi. Có người lý luận, miễn sao tôi làm việc trong sáu ngày thì nghỉ ngơi một ngày, không cần biết là ngày nào. Tuy nhiên, không giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là vi phạm điều răn của Chúa. Bên cạnh sự nghỉ ngơi thân thể xác thịt trong ngày Sa-bát Thứ Bảy, còn là mệnh lệnh con dân Chúa phải nhóm hiệp. Nếu mạnh ai nấy chọn cho mình một ngày Sa-bát, thì con dân Chúa sẽ nhóm hiệp vào ngày nào?

I Cô-rinh-tô 10:31 dạy: “Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” Nếu một người tùy ý chọn bất kỳ một ngày nào khác với ngày Thứ Bảy để làm ngày Sa-bát, thì người đó có vì sự vinh quang của Chúa hay không? Hay là vì sự kiêu ngạo và lợi vật chất của chính người ấy? Không có một lý do nào để cho loài người vi phạm các điều răn của Thiên Chúa đã được chép thành lời bằng chính ngón tay của Thiên Chúa.

14 Rồi, tôi nhìn xem, và kìa, có một đám mây trắng và ngự trên đám mây có ai giống như con người. Trên đầu Ngài có kim miện, trong tay Ngài có một vòng gặt bén.

Giăng vẫn còn đang đứng trên đất và ông nhìn thấy khải tượng về sự Đức Chúa Jesus Christ hiện ra trên một đám mây, chuẩn bị cho mùa gặt cuối cùng trên đất. Ở đây, trong Khải Huyền 14:14 chúng ta gặp lại cùng một sự mô tả như trong Khải Huyền 1:13: “có ai giống như con người” để chỉ về Đức Chúa Jesus Christ. Có lẽ, bởi vì Ngài vẫn mang các nét tổng quát của hình dáng loài người nhưng sự vinh quang của hình thể Ngài vượt xa bất cứ một hình thể nào xinh đẹp và oai nghi nhất của loài người trên đất, nên Giăng dùng cách nói: “giống như con người.” Cái mão vàng trên đầu của Ngài tiêu biểu cho vương quyền của Ngài trong Vương Quốc Trời. Vòng gặt bén trong tay Ngài tiêu biểu cho quyền giáng hình phạt trên đất.

Ma-thi-ơ 9:37 chép: “Rồi, Ngài phán với các môn đồ: Mùa gặt thì thật trúng, nhưng người làm thì ít.” Mùa gặt được nói đến trong Ma-thi-ơ là sự thu hoạch những người sẵn lòng tin nhận Tin Lành vào trong Vương Quốc Trời. Người gặt là những người rao giảng Tin Lành. Nhưng mùa gặt được nói đến trong Khải Huyền 14 là sự thu hoạch những kẻ chối bỏ Tin Lành, và những kẻ theo chân AntiChrist tiến công dân I-sơ-ra-ên trong những ngày cuối cùng, để đưa họ vào trong sự hình phạt trên đất trước khi họ phải chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Người gặt là các thiên sứ (Ma-thi-ơ 13:39-41).

Sự hình phạt những kẻ theo chân AntiChrist tiến công lãnh thổ I-sơ-ra-ên đã được tiên tri trong Giô-ên 3:12-13: “Các nước hãy dấy lên, hãy lên trong đồng bằng Giô-sa-phát, vì ở đó là nơi Ta sẽ ngồi để phán xét hết thảy các dân tộc xung quanh. Hãy tra lưỡi lái, vì mùa gặt đã chín. Hãy đến, hãy đạp, vì bàn ép đã đầy; các thùng đã tràn, vì tội ác chúng nó là lớn.” Danh từ Giô-sa-phát là tên của một vị vua của dân I-sơ-ra-ên, nhưng ý nghĩa của nó là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ phán xét”. Vì thế, rất có thể, đây chính là thung lũng A-ma-ghê-đôn được nói đến trong Khải Huyền 16:16.

15 Một thiên sứ khác, ra từ Đền Thờ, kêu lớn tiếng đến Đấng đang ngồi trên mây: Hãy quơ vòng gặt của Ngài và gặt đi! Vì đã đến giờ để Ngài gặt, vì mùa gặt của đất đã chín.

16 Đấng ngồi trên đám mây quơ vòng gặt của Ngài trên đất và đất bị gặt.

Khi thời điểm ban hành án phạt đến, một thiên sứ sẽ từ Đền Thờ trên trời bước ra công bố thời điểm ấy, và Đức Chúa Jesus Christ sẽ ra hiệu lệnh cho các thiên sứ thi hành án phạt. Hành động quơ vòng gặt của Đức Chúa Jesus Christ là hành động ban hành mệnh lệnh. Chi tiết của mùa gặt trên đất được ghi lại trong Khải Huyền 16.

17 Một thiên sứ khác ra từ Đền Thờ ở trên trời. Người cũng có một vòng gặt bén.

Đây là vị thiên sứ phụ trách hình phạt giáng xuống những người theo lệnh AntiChrist hội tụ về lãnh thổ I-sơ-ra-ên.

18 Một thiên sứ khác có quyền lực trên lửa, ra từ bàn thờ và kêu lớn tiếng đến thiên sứ có vòng gặt bén trong tay rằng: Hãy quơ vòng gặt bén ngươi và gom những nhánh nho trên đất vì những trái nho đã chín trọn.

19 Thiên sứ quơ vòng gặt mình trên đất và gom các nhánh nho của đất, ném vào trong thùng ép rượu lớn của cơn thịnh nộ Đức Chúa Trời.

20 Thùng ép rượu bị giày đạp ngoài thành và máu ra từ thùng ép rượu lên cao bằng chỗ khớp cương ngựa, kéo dài một ngàn sáu trăm phu-lông.

Trong Khải Huyền 7:1 chúng ta được biết đến các thiên sứ có quyền trên gió. Tại đây, chúng ta biết đến một thiên sứ có quyền trên lửa. Điều đó cho chúng ta biết rằng, các sức mạnh thiên nhiên đều được cai trị bởi các thiên sứ của Thiên Chúa. Điều đó cũng cho phép chúng ta suy diễn rằng, một ngày kia, trong Vương Quốc Đời Đời, khi quyền cai trị cơ nghiệp của Thiên Chúa sẽ được giao lại cho Hội Thánh, thì mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh sẽ có quyền lực trong một lĩnh vực nào đó của trời mới đất mới.

Những nhánh nho tiêu biểu cho những người theo AntiChrist. Như nho được thu hoạch và đưa vào thùng ép để ép lấy nước nho làm rượu, những kẻ theo AntiChrist sẽ bị đưa vào thùng thịnh nộ của Đức Chúa Trời để bị giết.

Chính Chúa sẽ làm ra một phép lạ, khiến cho quân lực của AntiChrist đều rút ra bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Có thể vì một cơn động đất lớn khiến cho quân lực của AntiChrist phải rút ra ngoài thành, và bị giết phía bên ngoài thành.

Một phu-lông tương đương 185 mét. Một ngàn sáu trăm phu-lông tương đương 296 km và tương đương chiều dài của lãnh thổ I-sơ-ra-ên. Chỗ khớp cương ngựa là hàm của ngựa, trung bình là 1,4 mét. Chúng ta thật khó mà hình dung ra số lượng máu nhiều như vậy. Trung bình một người có khoảng năm lít máu. Và như vậy, hàng trăm triệu người sẽ bị giết trên lãnh thổ I-sơ-ra-ên trong những ngày cuối cùng.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/