046 Chú Giải Khải Huyền 15:01-08 Bài Ca của Những Người Thắng AntiChrist

5,179 views

YouTube: https://youtu.be/lyi5CKnnYQM

046 Chú Giải Khải Huyền 15:1-8
Bài Ca của Những Người Thắng AntiChrist

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
046_ChuGiaiKhaiHuyen_15.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

 

 

Khải Huyền 15:1-8

1 Tôi thấy một dấu lạ khác trên trời, lớn và lạ lùng. Có bảy thiên sứ với bảy tai họa sau cùng; vì các tai họa này làm trọn cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.

2 Tôi thấy như một biển thủy tinh trộn với lửa. Những kẻ đã thắng con thú và tượng nó, thắng dấu của nó và con số của tên nó, đứng trên biển thủy tinh và có những hạc cầm của Đức Chúa Trời.

3 Họ hát bài ca của Môi-se, tôi tớ của Đức Chúa Trời, và bài ca của Chiên Con rằng: Lạy Chúa! Đức Chúa Trời; Đấng Toàn Năng: công chính và chân thật trong các đường lối Ngài; Vua của các thánh đồ. Vĩ đại và lạ lùng thay những việc Ngài làm!

4 Lạy Chúa! Ai sẽ không kính sợ Ngài và sẽ không tôn vinh Danh Ngài? Vì chỉ mình Ngài là Thánh! Vì mọi quốc gia sẽ đến và thờ phượng trước Ngài. Vì những sự phán xét Ngài đã được thể hiện.

5 Sau đó, tôi nhìn, và kìa, Đền Thờ của Đền Tạm Chứng Cớ ở trên trời mở ra.

6 Bảy thiên sứ mặc trang phục trắng và tinh sạch, ngực thắt đai vàng ra khỏi Đền Thờ với bảy tai họa.

7 Một trong bốn sinh vật trao bảy cái chén bằng vàng chứa đầy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, Đấng Sống Đời Đời, cho bảy thiên sứ.

8 Rồi, Đền Thờ tràn ngập khói từ sự vinh quang Đức Chúa Trời và từ quyền lực Ngài. Không một ai có thể vào Đền Thờ cho đến khi bảy tai họa từ bảy thiên sứ được hoàn thành.

Nội dung của Khải Huyền 15 ghi lại bài ca của những người thắng AntiChrist trong Kỳ Đại Nạn. Họ thắng bằng cách chấp nhận bị bắt bớ, bị tra tấn, và bị giết. Đối với con mắt của thế gian thì họ là những kẻ chiến bại, bị AntiChrist tiêu diệt. Nhưng trong thực tế, họ là những người chiến thắng AntiChrist. Tất cả những quyền lực hung bạo của AntiChrist, tất cả những nhục hình giáng xuống trên họ… vẫn không khiến cho họ đầu phục AntiChrist và chối bỏ Thiên Chúa.

Mặc dù Khải Huyền 15 nói đến những thánh đồ của Thiên Chúa trong thời Đại Nạn chiến thắng AntiChrist bằng sự chết của họ; nhưng ý nghĩa của Khải Huyền 15 có thể được áp dụng cho mỗi con dân Chúa trong mọi thời đại. Tất cả những quyền lực nào bách hại con dân Chúa, buộc họ phải chối bỏ đức tin thì đều là AntiChrist. Tất cả những ai thà chịu khổ, chịu chết để giữ vững đức tin trong Chúa, thì đều là những người chiến thắng những quyền lực chống nghịch Đấng Christ.

Đau buồn thay, nhiều khi quyền lực chống nghịch Đấng Christ không hung hãn như thời Đại Nạn, mà chỉ là những giọt nước mắt của một người thân trong gia đình, lại có sức mạnh đánh gục nhiều con dân Chúa. Khi chúng ta vì áp lực nào đó từ những người thân yêu trong gia đình, chối bỏ đức tin hoặc làm ra những điều vi phạm luật pháp của Thiên Chúa, là chúng ta đã đầu hàng các thế lực chống nghịch Đấng Christ. Và như vậy, chúng ta không trung tín với Chúa. Nếu chúng ta đã vấp ngã như vậy mà không sớm ăn năn, thì chắc chắn chúng ta sẽ ngày càng xa cách Chúa, ngày càng phạm nhiều tội hơn, và đến một lúc Chúa sẽ mửa chúng ta ra. Một khi Chúa đã mửa chúng ta ra, thì chúng ta sẽ không còn cơ hội để được cứu rỗi.

1 Tôi thấy một dấu lạ khác trên trời, lớn và lạ lùng. Có bảy thiên sứ với bảy tai họa sau cùng; vì các tai họa này làm trọn cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.

2 Tôi thấy như một biển thủy tinh trộn với lửa. Những kẻ đã thắng con thú và tượng nó, thắng dấu của nó và con số của tên nó, đứng trên biển thủy tinh và có những hạc cầm của Đức Chúa Trời.

Tiếp theo khải tượng về án phạt toàn thế gian và án phạt đặc biệt dành cho những kẻ theo AntiChrist, thì Giăng nhìn thấy một khải tượng bao gồm bảy thiên sứ với bảy tai họa sau cùng của thời Đại Nạn và các thánh đồ chịu chết dưới tay AntiChrist đang đứng trên thiên đàng.

Sự kiện các thánh đồ tử Đạo có mặt trên thiên đàng trước khi bảy thiên sứ giáng bảy tai họa sau cùng trên đất giúp cho chúng ta hiểu rằng:

  • Con số người chịu chết vì danh Chúa trong thời Đại Nạn đã đủ: “Khi Ngài tháo dấu ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có linh hồn những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ mà họ đã giữ lấy. Họ kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, Đấng Thánh và Chân Thật! Ngài không phán xét và báo trả cư dân trên đất về máu của chúng tôi cho đến khi nào? Mỗi người trong họ được ban cho áo dài trắng và có lời phán với họ rằng, hãy yên nghỉ thêm một thời gian ngắn cho đến khi những tôi tớ đồng công với họ cũng là anh em với họ sẽ bị giết như họ, được đủ số.” (Khải Huyền 6:9-11).
  • Vào thời điểm đó, AntiChrist sẽ không còn thời gian để bách hại con dân Chúa.
  • Và như vậy, con dân Chúa sẽ được Chúa bảo vệ khỏi bảy tai họa mà bảy thiên sứ sẽ giáng xuống trên vương quốc của AntiChrist.

Biển thủy tinh được nói đến trong câu 2 chính là biển thủy tinh đã được nói đến trong Khải Huyền 4:6 “Trước ngai có một biển thủy tinh trong như pha lê…” Lần này, thì Giăng mô tả biển thủy tinh ấy giống như được trộn với lửa. Có thể là qua mặt biển trong suốt, Giăng nhìn thấy lửa bên dưới bề mặt của biển; và lửa ở đây tiêu biểu cho sự thử thách đức tin mà con dân Chúa trong thời Đại Nạn đã trải qua và trả giá bằng chính mạng sống của họ. Họ đứng trên mặt biển và trong tay có hạc cầm của Đức Chúa Trời. Nhóm chữ “hạc cầm của Đức Chúa Trời” cho biết khí cụ âm nhạc này thuộc về Đức Chúa Trời, được ban cho họ. Nghĩa bóng là họ được Đức Chúa Trời ban cho ân tứ ca ngợi, tôn vinh Thiên Chúa.

3 Họ hát bài ca của Môi-se, tôi tớ của Đức Chúa Trời, và bài ca của Chiên Con rằng: Lạy Chúa! Đức Chúa Trời; Đấng Toàn Năng: công chính và chân thật trong các đường lối Ngài; Vua của các thánh đồ. Vĩ đại và lạ lùng thay những việc Ngài làm!

4 Lạy Chúa! Ai sẽ không kính sợ Ngài và sẽ không tôn vinh Danh Ngài? Vì chỉ mình Ngài là Thánh! Vì mọi quốc gia sẽ đến và thờ phượng trước Ngài. Vì những sự phán xét Ngài đã được thể hiện.

Bài ca các thánh đồ tử Đạo thời Đại Nạn cùng nhau tôn vinh Đức Chúa Trời được gọi là bài ca của Môi-se và bài ca của Chiên Con. Tuy nhiên, chúng ta không tìm thấy trong Thánh Kinh ghi lại bài ca nào của Môi-se hay của Chiên Con có nội dung tương tự như câu 3 và 4 trên đây. Điều đó khiến cho chúng ta có thể suy diễn rằng, rất có thể, đây là bài ca do chính Môi-se và Đức Chúa Jesus Christ cùng sáng tác cho cơ hội này.

Môi-se dẫn con dân Chúa vượt qua biển Đỏ làm biểu tượng cho sự Đức Chúa Jesus Christ dẫn con dân Chúa vượt qua sự chết. Nội dung của bài ca trong câu 3 và 4 trên đây có thể là do Môi-se và Chiên Con đồng sáng tác sau khi Chiên Con đã hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại. Trong Lu-ca 9:30-31 ghi lại sự kiện Môi-se và Ê-li hiện ra trên núi hóa hình với Đức Chúa Jesus Christ để nói về sự chết chuộc tội của Ngài. Điều đó giúp cho chúng ta có thể suy diễn rằng, sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh và thăng thiên, thì rất có thể Môi-se đã cùng Ngài sáng tác bài thánh ca trên đây. Qua nội dung của bài thánh ca này, chúng ta học được các điều sau đây:

1. Mặc dù trong I Cô-rinh-tô 8:6 khẳng định rằng: “…nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa. Đức Cha là Đấng mà muôn vật ra từ Ngài, và chúng ta hướng về Ngài. Một Chúa Jesus Christ mà muôn vật bởi Ngài và chúng ta cũng bởi Ngài.” Nhưng trong Khải Huyền 14:3 và 4 lại dùng danh xưng “Chúa” cho Thiên Chúa Ngôi Một, tức Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta hiểu rằng, danh xưng “Chúa” tương tự như danh xưng “Thiên Chúa” hoặc tên riêng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” được dùng để gọi chung ba thân vị Thiên Chúa hoặc gọi riêng từng thân vị.

2. Mặc dù Thánh Kinh gọi Ngôi Lời là “Vua của các vua và Chúa của các chúa” (Khải Huyền 19:16); nhưng trong Khải Huyền 15:3 lại gọi Đức Chúa Trời là “Vua của các thánh đồ!” Điều đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời là vua của các thánh đồ còn Ngôi Lời là vua của Đức Chúa Trời. Mà chỉ có nghĩa là vương quyền đồng thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Chúa Trời là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, là Cha, là Vua trên chúng ta! Ngôi Lời là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, là Cha, là Vua ở giữa chúng ta! Đấng Thần Linh là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, là Cha, là Vua ở trong chúng ta!

3. Mặc dù Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, không ai có thể chống cự được Ngài, nhưng Ngài “công chính và chân thật trong các đường lối Ngài.” Ngài không dùng sức toàn năng của Ngài để làm ra những sự giả dối và bất công. Ngài không dùng sức toàn năng của Ngài để ép các thiên sứ và loài người phải vâng phục Ngài. Trái lại, Ngài ban cho họ quyền tự do lựa chọn. Từ ngữ “đường lối” bao gồm mọi ý nghĩ, lời nói, và hành động. Nói cách khác, bản tính của Đức Chúa Trời là công chính và chân thật.

4. Mỗi một việc làm của Đức Chúa Trời đều là vĩ đại và lạ lùng. Từ ngữ vĩ đại được dùng ở đây không phải để chỉ về kích thước vật chất, như sự vĩ đại của vũ trụ, mà là chỉ về sự vĩ đại trong sự khôn ngoan, trong năng lực, trong sự khéo léo, trong thẩm mỹ… và trên hết là vĩ đại vì tình yêu của Đức Chúa Trời được thể hiện qua mỗi việc làm của Ngài.

“Ai sẽ không kính sợ Ngài và sẽ không tôn vinh Danh Ngài?” Trong thực tế, cho đến hiện tại, có rất nhiều người và rất nhiều thiên sứ không kính sợ và không tôn vinh danh Chúa. Tuy nhiên, sẽ đến một thời điểm mà ngay cả Sa-tan cũng phải cúi đầu, kính sợ và tôn vinh danh Chúa:

“Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem Ta và được cứu! Vì Ta là Thiên Chúa, chẳng có Chúa nào khác. Ta đã chỉ Ta mà thề, lời công chính ra từ miệng Ta sẽ chẳng bị thu hồi: Trước Ta, mọi đầu gối sẽ quỳ, mọi lưỡi sẽ tuyên thệ.” (Ê-sai 45:22-23).

“…để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống…” (Phi-líp 2:10).

Trong cõi trời mới đất mới, muôn loài thọ tạo, kể cả Sa-tan, các quỷ sứ, những người bị hư mất đời đời trong hỏa ngục cũng phải quỳ xuống khi nghe đến danh của Thiên Chúa tức là danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” và danh Jesus, tức là danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi!” Rất có thể, khi họ nghe đến danh Chúa và quỳ xuống thờ phượng Ngài, thì sự đau khổ tạm thời lìa khỏi họ. Bởi vì, khi một tạo vật chân thành tôn kính, thờ phượng Thiên Chúa thì đương nhiên sự bình an và phước hạnh của Ngài tuôn tràn trong tạo vật ấy. Điều đáng tiếc là, những ai bị giam vào hỏa ngục thì không còn cơ hội để nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa.

Mệnh đề: “Vì chỉ mình Ngài là Thánh!” không chỉ dành cho Đức Chúa Trời. Bởi vì Thánh Kinh gọi Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Thánh và Ngài tự xưng Ngài là Đấng Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:35; Khải Huyền 3:7). Thánh Kinh gọi Đấng Thần Linh là Đức Thánh Linh. Sự thánh khiết được nói đến ở đây là sự thánh khiết của Ba Ngôi Thiên Chúa, thuộc riêng về Ba Ngôi Thiên Chúa, như cách nói: “chỉ có một Chúa” được dùng để gọi Đức Chúa Jesus Christ, nhưng trong thực tế, thì cả ba thân vị Thiên Chúa đều được gọi là “Chúa!”

Thánh Kinh cũng gọi các con dân Chúa là “thánh” nhưng sự thánh của loài thọ tạo khác với sự thánh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là thánh, vì Ngài tự có và có mãi. Loài người là thánh vì được dựng nên giống như Thiên Chúa. Ngoài ra, từ ngữ thánh còn có nghĩa là được biệt riêng ra cho Thiên Chúa sử dụng.

Trong Vương Quốc Ngàn Năm, mọi quốc gia sẽ đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Chúa Trời qua thân vị Đức Chúa Jesus Christ. Mọi sự phán xét của Đức Chúa Trời trên thế giới vật chất đều được thể hiện trước khi Vương Quốc Ngàn Năm được thiết lập.

5 Sau đó, tôi nhìn, và kìa, Đền Thờ của Đền Tạm Chứng Cớ ở trên trời mở ra.

“Sau đó”, tức là sau khi các thánh đồ tử Đạo trong thời Đại Nạn tôn vinh Chúa, Giăng nhìn thấy “Đền Thờ của Đền Tạm Chứng Cớ ở trên trời mở ra.” Từ ngữ “Đền Thờ” được dùng trong câu này chỉ về Nơi Rất Thánh của Đền Tạm Chứng Cớ ở trên trời. Đền Tạm Chứng Cớ còn được gọi là “Đền Tạm” trong Cựu Ước, là một căn lều lớn được dựng nên, tạm thời làm chỗ cho dân I-sơ-ra-ên thờ phượng Thiên Chúa trong suốt cuộc hành trình về vùng Đất Hứa. Lều được chia làm Nơi Thánh và Nơi Rất Thánh. Rương Giao Ước chứa hai bảng đá do ngón tay Đức Chúa Trời chép Mười Điều Răn được để trong Nơi Rất Thánh. Mười Điều Răn là chứng cớ của sự giao ước giữa Đức Chúa Trời và dân I-sơ-ra-ên. Hê-bơ-rơ 9:24 cho chúng ta biết Đền Tạm trên đất là theo kiểu mẫu của Đền Tạm trên trời.

Trong Khải Huyền 11:19 chúng ta thấy Đền Thờ trên trời mở ra và Rương Giao Ước hiện ra. Chúng ta không biết sau đó thì Đền Thờ đóng lại khi nào. Ở đây, chúng ta thấy một lần nữa Đền Thờ được mở ra.

6 Bảy thiên sứ mặc trang phục trắng và tinh sạch, ngực thắt đai vàng ra khỏi Đền Thờ với bảy tai họa.

7 Một trong bốn sinh vật trao bảy cái chén bằng vàng chứa đầy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, Đấng Sống Đời Đời, cho bảy thiên sứ.

Từ trong Đền Thờ, bảy vị thiên sứ bước ra. Họ mặc trang phục trắng, tinh sạch tiêu biểu cho sự thánh khiết trọn vẹn của Thiên Chúa bao phủ họ. Họ có đai vàng thắt ngang ngực tiêu biểu cho sự họ phục vụ trong vương quyền của Thiên Chúa. Họ mang theo thẩm quyền giáng họa trên đất.

Một trong bốn sinh vật chầu chung quanh ngai của Đức Chúa Trời trao cho bảy thiên sứ, mỗi vị một cái chén bằng vàng. Trong mỗi chén chứa đầy sự giận của Đức Chúa Trời đối với thế gian tội lỗi. Danh hiệu Đấng Sống Đời Đời được nhắc đến ở đây, hàm ý, vì Đức Chúa Trời là Đấng có mãi nên không một việc làm tội lỗi nào mà không bị Ngài phán xét.

8 Rồi, Đền Thờ tràn ngập khói từ sự vinh quang Đức Chúa Trời và từ quyền lực Ngài. Không một ai có thể vào Đền Thờ cho đến khi bảy tai họa từ bảy thiên sứ được hoàn thành.

Sau khi bảy vị thiên sứ nhận bảy chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời thì Đền Thờ tràn ngập khói bởi sự vinh quang và quyền lực của Đức Chúa Trời. Đó chính là sự vinh quang và quyền lực của Đức Chúa Trời tỏ ra trong cơn phán xét công chính của Ngài. Khi hình phạt đã bắt đầu thi hành thì không còn có sự cầu thay, van xin, hay thương xót.

Vì thế, Thánh Kinh cho chúng ta biết:

“Kìa, hiện nay là thì thuận tiện! Kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!” (II Cô-rinh-tô 6:2).

“…Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng của Ngài, thì chớ làm cứng lòng của các ngươi.” (Hê-bơ-rơ 4:7).

Tiếng của Chúa kêu gọi loài người, hãy ăn năn và đừng phạm tội nữa, được vang ra từ các trang Thánh Kinh, được con dân Chúa công bố bằng nhiều phương tiện.

“Hiện nay” là khoảnh khắc mỗi người đang còn hơi thở. Người ta vẫn xôn xao bàn tán về ngày tận thế nhưng ít có ai nhận thức rằng, ngay trong giây phút một người thở ra hơi thở cuối cùng, thì đó là thời điểm tận thế đối với người ấy. Một cơn trụy tim, một tai nạn, một viên đạn, một nhát dao, một cơn bạo bệnh… có thể chấm dứt cuộc sống của một người bất kỳ lúc nào. Không ai biết chắc mình sẽ sống được bao lâu. Không ai biết chắc mình có thể có thêm một hơi thở kế tiếp hay không! Thế nhưng, rất nhiều người không hề quan tâm đến sự kiện mình phải đối diện với Thiên Chúa, và phải trả lời về mọi điều mình đã làm ra trong cuộc đời này.

Thiên Chúa là tình yêu, Ngài muốn cho mọi người được thoát khỏi án phạt mọi tội lỗi, được phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa, sống đời đời trong hạnh phúc với Ngài. Vì thế, Thiên Chúa Ngôi Hai đã nhập thế làm người, mang tên là Jesus, chịu chết để đền tội thay cho nhân loại. Một người chỉ cần thật lòng cải hối những việc làm tội lỗi của mình, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, thì người ấy lập tức được Thiên Chúa tha tội và làm cho sạch tội, được ban cho năng lực của Thiên Chúa để có thể sống một đời sống thánh khiết không phạm tội.

Hãy thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ trước khi quá trễ. Không phải là bạn theo tôn giáo nào, sinh hoạt trong nhà thờ nào, mà là, bạn có thật lòng hối tiếc những việc làm tội lỗi, tức là những việc làm nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa, và hoàn toàn tin cậy nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ hay không. Nếu có, thì bạn ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và sẽ nhận được sự sống đời đời và quyền cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

Nếu bạn vẫn còn cố ý phạm bất cứ một điều răn nào của Thiên Chúa, thì bạn chưa thật sự ăn năn. Chưa thật sự ăn năn thì chưa có sự cứu rỗi và không có năng lực của Thiên Chúa để thắng mọi sự cám dỗ. Có nghĩa là bạn sẽ gánh lấy án phạt bị đời đời xa cách Thiên Chúa, chịu khổ trong hỏa ngục.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/