048 Chú Giải Khải Huyền 16:12-21 Bảy Tai Họa Cuối Cùng (2)

7,205 views

YouTube: https://youtu.be/E8MYi9FZfNQ

048 Chú Giải Khải Huyền 16:12-21
Bảy Tai Họa Cuối Cùng (2)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
048_ChuGiaiKhaiHuyen_16_12-21.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 16:12-21

12 Thiên sứ thứ sáu trút chén mình trên sông lớn Ơ-phơ-rát: Nước liền khô cạn để dọn đường cho các vua từ phương đông.

13 Tôi thấy ba uế linh giống như ếch nhái ra từ miệng của con rồng, ra từ miệng của con thú, và ra từ miệng của tiên tri giả.

14 Chúng là những linh của Ma Quỷ làm được các phép lạ, đến cùng các vua trên đất của toàn thế gian, để nhóm họ lại trong chiến trận vào ngày lớn của Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng.

15 – Này, Ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh thức và giữ gìn áo xống mình để không bước đi lõa lồ và bị người ta nhìn thấy sự hổ thẹn mình. –

16 Chúng nhóm họ vào với nhau trong một chỗ gọi là A-ma-ghê-đôn theo tiếng Hê-bơ-rơ.

17 Thiên sứ thứ bảy trút chén mình trên khoảng không: Có một tiếng lớn ra từ ngai, từ Đền Thờ trên trời rằng: Xong rồi!

18 Có những âm thanh, những sấm vang, và những chớp nhoáng. Rồi, có một cơn động đất lớn chưa từng có, kể từ khi có loài người ở trên đất. Cơn động đất thật lớn, thật mạnh.

19 Thành lớn bị chia làm ba phần. Thành của các quốc gia đều bị sụp đổ. Ba-bi-lôn bị nhắc lại trước Đức Chúa Trời để được ban cho chén rượu của cơn thịnh nộ Ngài.

20 Mọi hải đảo đều trốn đi và không còn tìm thấy những núi nữa.

21 Một cơn mưa đá lớn từ trời giáng xuống trên loài người, mỗi tảng nặng chừng một ta-lâng. Loài người phạm thượng Đức Chúa Trời vì họa mưa đá, bởi nó quá lớn.

Trong hai tai họa cuối cùng giáng xuống trên đất, chúng ta thấy tai họa thứ sáu dường như không phải là tai họa, vì chỉ là làm cho sông Ơ-phơ-rát cạn khô, dọn đường cho các vua phương đông đem quân về trung đông để tiến công I-sơ-ra-ên.

12 Thiên sứ thứ sáu trút chén mình trên sông lớn Ơ-phơ-rát: Nước liền khô cạn để dọn đường cho các vua từ phương đông.

Tuy nhiên, khi xét rằng, chính sự kiện sông Ơ-phơ-rát khô cạn khiến cho quân lực của các vua phương đông có thể nhanh chóng tiến vào lãnh thổ I-sơ-ra-ên, để rồi toàn bộ bị hủy diệt trên lãnh thổ I-sơ-ra-ên, thì rõ ràng, sự cạn khô của sông Ơ-phơ-rát là một tai họa. Vì nó mở đường cho hàng triệu người đi vào chỗ bị hủy diệt. Ngoài ra, sự cạn khô của sông Ơ-phơ-rát còn làm cho tất cả các nhà máy thủy điện dọc theo sông này cũng phải ngưng hoạt động, và như vậy, nguồn cung cấp điện lực cũng bị cắt.

Các vua phương đông có thể là chính phủ liên minh của Trung Quốc, Hồi Quốc, Ấn-độ, và các nước Đông Nam Á. Các xa lộ chạy từ Thái Lan, Lào, Việt Nam, Nam Hàn và Bắc Hàn vào Trung Quốc và từ Trung Quốc băng ngang Miến Điện, Ấn Độ, Hồi Quốc, I-răn, vào I-rắc đã được hoàn thành, mà phần lớn là vốn đầu tư của Trung Quốc. Khi các xa lộ vào đến I-rắc thì phải vượt qua các cầu bắc ngang sông Ơ-phơ-rát để có thể tiếp tục băng ngang Giô-đanh để tiến vào lãnh thổ của I-sơ-ra-ên. Thiên Chúa sẽ khiến cho sông Ơ-phơ-rát cạn khô để toàn bộ quân lực của các vua phương đông có thể nhanh chóng hành quân đến I-sơ-ra-ên.

13 Tôi thấy ba uế linh giống như ếch nhái ra từ miệng của con rồng, ra từ miệng của con thú, và ra từ miệng của tiên tri giả.

14 Chúng là những linh của Ma Quỷ làm được các phép lạ, đến cùng các vua trên đất của toàn thế gian, để nhóm họ lại trong chiến trận vào ngày lớn của Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng.

Trong khi sông Ơ-phơ rát bị cạn khô thì ba uế linh ra từ Sa-tan, AntiChrist, và Tiên Tri Giả đi đến với các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên đất để thuyết phục họ đưa quân đội vào lãnh thổ I-sơ-ra-ên. Các vua trên đất được nói đến ở đây có thể là bảy vị vua còn lại, phụ trách bảy khu vực của thế gian. Trong bài “005 Giấc Mơ của Một Tiên Tri” [1] chúng ta đã nói đến sự kiện thế giới có thể sẽ được chia thành mười khu vực như sau:

  1. Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Bắc Hàn, Nam Hàn, và các nước Đông Nam Á: Việt Nam, Miến Điện (Myanmar), Thái Lan, Lào, Mã-lai-á (Malaysia), Tân-gia-ba (Singapore).
  2. Nga, Ka-dắc-xtan (Kazakhstan), U-bét-kít-xtan (Uzbekistan), và Thổ-mơ-nít-tan (Turkmenistan).
  3. Khối Liên Hiệp Châu Âu và các nước còn lại ở Châu Âu, bao gồm Cyprus.
  4. Ấn Độ, Pakistan, A-phú-hãn (Afghanistan), Tajikistan, Kyrgyzstan, Bangladesh, Tích Lan (Sri Lanka), Bhutah, và Nepa.
  5. Nhật Bản, Úc Đại Lợi (Australia), Tân Tây Lan (New Zeland), Nam Dương (Indonesia), Papua New Guinea, và các Hải Đảo Thái Bình Dương.
  6. Thổ-nhĩ-kỳ (Turkey), Georgia, Azerbaijan, Armenia, Si-ri, I-rắc, I-răn, Lê-ba-non, I-sơ-ra-ên, Giô-đanh, Ả-rập Sau-đi, United Arab Emirates, Kuwait, Bahrain, Qatar, Oman, và Yemen.
  7. Ai-cập, và các nước thuộc bắc Phi Châu.
  8. Các nước thuộc nam Phi Châu và Madagascar.
  9. Gia-nã-đại (Canada) và Hoa Kỳ.
  10. Mễ Tây Cơ (Mexico), các nước ở Nam Mỹ, và các Đảo Ca-ri-bê (Caribbean Islands).

Vào khoảng giữa của bảy năm đại nạn, sau khi tiêu diệt Va-ti-căng và dẹp tan hệ thống liên hiệp các tôn giáo, thì AntiChrist sẽ cướp quyền của ba vua đứng đầu các khối: (2), (3) và (6). Vào thời điểm khi Khải Huyền 16:12-21 được ứng nghiệm, có lẽ qua các thiên tai, các phương tiện chiến tranh hiện đại sẽ không còn, loài người phải trở lại chiến đấu với gươm, giáo và dùng các phương tiện vận chuyển thô sơ. Vì thế, AntiChrist cần một số quân đông để đánh chiếm I-sơ-ra-ên. Vào lúc này đây, AntiChrist đã xưng mình là Đức Chúa Trời và đang ở tại Giê-ru-sa-lem, nhưng không đủ quân lực để chiếm đóng toàn thể lãnh thổ I-sơ-ra-ên, mà sau cuộc chiến Thi Thiên 83 đã trở nên lớn rộng gấp nhiều lần: Phía tây và tây nam giáp bờ sông Ni-lơ của Ai-cập và bao gồm vùng bán đảo Si-na-i. Phía bắc bao gồm Lê-ba-non và toàn bộ lãnh thổ của Si-ri. Phía đông và đông nam bao gồm toàn bộ lãnh thổ của Giô-đanh và một phần lãnh thổ của Ả-rập Sau-đi. Đó là chưa nói đến xác suất, rất có thể I-sơ-ra-ên sẽ chiếm luôn phần lãnh thổ phía tây của I-rắc, đến tận bờ sông Ơ-phơ-rát. Xin đọc và nghe lại bài “014 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 5” [2]. Trong đó có nói về “Cuộc Chiến Thi Thiên 83.”

Rất có thể, quân lực của các nước sẽ dồn quân đội I-sơ-ra-ên lui dần về Petra, thuộc phía nam của Giô-đanh, để rồi, cuối cùng, họ sẽ rút vào trong hẻm núi tại Petra [3], [4] là nơi mà Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng họ suốt ba năm rưỡi sau cùng của bảy năm đại nạn. Tại đó, phần lớn dân chúng I-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời đưa vào trú ẩn trong ngày AntiChrist xâm nhập Đền Thờ của Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem.

Thánh Kinh không chính thức nói Đức Chúa Trời sẽ đưa dân I-sơ-ra-ên vào Petra. Tuy nhiên, dựa trên một số câu Thánh Kinh và tình hình sẽ xảy ra theo các lời tiên tri, mà chúng ta biết rằng, địa điểm thích hợp nhất cho dân I-sơ-ra-ên trú ẩn trong suốt ba năm rưỡi còn lại của Kỳ Đại Nạn sẽ là Petra.

Trong Ma-thi-ơ 24:15-16 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ:

Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong Nơi Thánh, mà đấng Tiên Tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý), thì kẻ ở trong xứ Giu-đê bỏ trốn lên núi.”

Vùng núi duy nhất mà dân I-sơ-ra-ên trong xứ Giu-đê có thể trốn lên là vùng núi của khu vực Petra, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 200 km, về phía đông nam, vì lúc bấy giờ, quân lực của AntiChrist sẽ tiến xuống từ các vùng núi phía bắc và đông bắc.

Trong Thi Thiên 60:9 chép:

Ai sẽ đưa tôi vào thành vững bền? Ai sẽ dẫn tôi đến Ê-đôm?”

Petra thuộc về xứ Ê-đôm, và không một thành phố nào trên thế gian có thể sánh với Petra về mức độ vững bền, vì đó là thành phố được xây dựng trong các hang núi.

Theo Xa-cha-ri 13:8-9 thì trong những ngày cuối cùng, 2/3 tổng dân số I-sơ-ra-ên sẽ bị diệt. Còn lại 1/3 sẽ được Đức Chúa Trời bảo vệ:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Xảy ra trong khắp đất, hai phần của nó sẽ bị diệt và mất nhưng một phần ba sẽ được còn lại. Ta sẽ đem một phần ba ấy vào lửa, Ta sẽ luyện nó như luyện bạc, thử nó như thử vàng; chúng nó sẽ kêu cầu danh Ta, và Ta sẽ nhận lời nó; Ta sẽ phán rằng: Ấy là dân Ta đây. Và nó sẽ nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa tôi.”

Dân số I-sơ-ra-ên hiện nay (2014) vào khoảng 8.200.000 người tại I-sơ-ra-ên, trong đó có khoảng 6.000.000 người là dân I-sơ-ra-ên chính gốc, số còn lại thuộc gốc Ả-rập và các giống dân khác. Riêng tại Hoa Kỳ có khoảng 6.000.000 người I-sơ-ra-ên chính gốc. Như vậy, trong ngày cuối cùng, sẽ có khoảng 4.000.000 người I-sơ-ra-ên còn sống để bước vào Vương Quốc Ngàn Năm.

15 – Này, Ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh thức và giữ gìn áo xống mình để không bước đi lõa lồ và bị người ta nhìn thấy sự hổ thẹn mình. –

Đây là lời cảnh tỉnh dành cho các thánh đồ trong thời Đại Nạn, bao gồm dân I-sơ-ra-ên và các dân ngoại. Vào lúc này đây, khi sông Ơ-phơ-rát cạn khô, thì thời điểm Chúa tái lâm trên đất để tiêu diệt AntiChrist và các thế lực theo AntiChrist chống nghịch Ngài đã rất gần. Người ta có thể tính chính xác ngày Chúa tái lâm trên đất. Kể từ ngày AntiChrist đặt bút ký bản tái cam kết hòa ước, mở đầu cho bảy năm đại nạn, cho đến ngày Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên núi Ô-li-ve, là 2.520 ngày. Tuy nhiên, không ai biết Chúa sẽ tái lâm vào giờ phút nào. Vì thế, Ngài phán rằng, Ngài sẽ đến như kẻ trộm, để nhấn mạnh tính cách bất ngờ.

Người tin nhận Chúa luôn phải tỉnh thức để đón chờ Chúa. Giữ gìn áo xống để không bị lõa lồ tức là giữ gìn sự vinh quang, thánh khiết mà Chúa đã ban cho người được tái sinh. Sự vinh quang thánh khiết đó chính là cái áo công chính mà Đức Chúa Jesus Christ mặc lên cho mỗi người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, dù ở trong bất kỳ thời đại nào. Thánh Kinh gọi đó là “mặc lấy sự sáng”, “mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ” và “mặc lấy người mới”:

“Đêm đã khuya, ngày gần đến! Vậy, chúng ta hãy lột bỏ những việc của sự tối tăm mà mặc lấy áo giáp của sự sáng. Hãy bước đi cách phải lẽ như giữa ban ngày! Không bước đi trong sự thác loạn và say sưa! Không bước đi trong sự dâm loạn và phóng đãng. Không bước đi trong sự cãi lẫy và ganh tị. Nhưng các anh chị em hãy mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ; chớ làm sự chu cấp cho xác thịt trong sự tham muốn của nó.” (Rô-ma 13:12-14).

“Và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:24).

“Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng đã trừ bỏ những sự đó: sự giận, sự thịnh nộ, sự độc ác, sự phạm thượng, sự tục tĩu ra từ miệng của các anh chị em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng mọi việc làm của nó, mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!” (Cô-lô-se 3:8-10).

Người tin Chúa mà bước đi lõa lồ tức là người sống một nếp sống không thánh khiết, đến nỗi người thế gian cũng chê cười!

Điều đau buồn và đáng tiếc lúc nào cũng xảy ra, đó là, có nhiều người biết Chúa, tin Chúa, nhưng không sống thánh khiết theo Lời Chúa. Cuối cùng, sự tin Chúa của họ là vô ích, không dẫn đến sự cứu rỗi, mà còn khiến cho họ sẽ bị hình phạt nặng hơn đối với những người không tin nhận Chúa. Lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 7:21-27 đáng cho mọi người ghi nhớ và áp dụng:

21 Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.

22 Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao?

23 Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.

24 Vậy, bất cứ ai nghe những lời phán này của Ta và làm theo chúng, thì người ấy sẽ giống như một người khôn sáng, là người xây nhà của mình trên vầng đá.

25 Mưa lớn sa xuống, nước lụt đến, cuồng phong thổi, xô động nhà ấy, nhưng nó không sụp đổ, vì nền đã được đặt trên vầng đá.

26 Ai nghe những lời phán này của Ta mà không làm theo chúng, thì người ấy sẽ giống như một người dại, là người xây nhà của mình trên cát.

27 Mưa lớn sa xuống, nước lụt đến, cuồng phong thổi, xô động nhà ấy, thì nó sụp đổ và sự sụp đổ của nó là lớn.

Những lời trên đây giúp cho chúng ta nhận định chính mình và những người mang danh là con dân Chúa, cùng những người rao giảng Lời Chúa.

16 Chúng nhóm họ vào với nhau trong một chỗ gọi là A-ma-ghê-đôn theo tiếng Hê-bơ-rơ.

Ba tà linh ra từ Sa-tan, AntiChrist, và Tiên Tri Giả sẽ nhóm hiệp các binh lực của các vua trên thế gian vào khu vực phía bắc của lãnh thổ I-sơ-ra-ên, là đồng bằng A-ma-ghê-đôn. Vào thời điểm này đây, 2/3 dân số I-sơ-ra-ên sẽ bị tàn sát, còn lại 1/3 sẽ được Đức Chúa Trời đưa vào đồng vắng để lánh nạn. Các đơn vị quân đội của các nước trên thế gian tập trung về đồng bằng A-ma-ghê-đôn, vì đó là khu vực lớn rộng nhất tại Ca-na-an. Điều quan trọng, đó là nơi chính Đức Chúa Trời đã chỉ định để làm chỗ tiêu diệt các thế lực chống nghịch Ngài trong những ngày cuối cùng. Từ ngữ A-ma-ghê-đôn, còn được phiên âm là Ha-ma-ghê-đôn, có nghĩa là: “Đồi nhóm hiệp”.

17 Thiên sứ thứ bảy trút chén mình trên khoảng không: Có một tiếng lớn ra từ ngai, từ Đền Thờ trên trời rằng: Xong rồi!

18 Có những âm thanh, những sấm vang, và những chớp nhoáng. Rồi, có một cơn động đất lớn chưa từng có, kể từ khi có loài người ở trên đất. Cơn động đất thật lớn, thật mạnh.

19 Thành lớn bị chia làm ba phần. Thành của các quốc gia đều bị sụp đổ. Ba-bi-lôn bị nhắc lại trước Đức Chúa Trời để được ban cho chén rượu của cơn thịnh nộ Ngài.

20 Mọi hải đảo đều trốn đi và không còn tìm thấy những núi nữa.

Tiếng kêu “xong rồi” phát ra từ ngai, có thể là tiếng kêu của Đức Chúa Jesus Christ.

Lần thứ nhất, trong tư cách Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc, Ngài kêu “xong rồi” trên thập tự giá, sau khi Ngài gánh lấy án chết thay cho toàn thể nhân loại, hoàn thành công cuộc cứu chuộc mỗi một tội nhân. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch Giăng 19:30 như sau: “Khi Đức Chúa Jesus chịu lấy giấm ấy rồi, phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút hơi thở.” Nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì Chúa chỉ kêu lên có một tiếng: “Tê-lế-ô” (G5055) dùng với thời quá khứ, có nghĩa là “xong rồi” với ý nghĩa là đã trả xong nợ! Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 đã dịch lại Giăng 19:30 như sau: “Khi Đức Chúa Jesus đã chịu lấy giấm thì Ngài phán: “Đã được hoàn tất!” Rồi, Ngài gục đầu và trút hơi thở. [Có nghĩa là sự cứu chuộc nhân loại đã được hoàn tất.]”

Ở đây, trong Khải Huyền 16:17, từ ngữ “xong rồi” được dịch từ chữ “ghế-nô-mai” (G1096) trong nguyên ngữ Hy-lạp, với thời quá khứ hoàn thành. Tiếng kêu ấy do Đức Chúa Jesus Christ trong tư cách Thiên Chúa là Đấng Thẩm Phán kêu lên, có nghĩa là, mọi hình phạt Đức Chúa Trời định sẵn cho thế gian đã hiện thực theo đúng thánh ý Ngài.

Rất có thể, hơn một ngàn năm sau, chúng ta sẽ nghe tiếng Đức Chúa Jesus Christ trong tư cách Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và Đấng Phục Hồi, kêu lên lần thứ ba: “Xong rồi!” Khi trời mới đất mới xuất hiện.

Tiếng kêu “xong rồi” vừa chấm dứt thì một cơn động đất toàn cầu, lớn nhất trong lịch sử vũ trụ, xảy ra. Thành lớn tức là Giê-ru-sa-lem, bị chia làm ba. Mọi thành phố khác đều bị sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên Ba-bi-lôn tại I-rắc vừa được tái thiết xong và trở thành trụ sở của AntiChrist, sẽ bị hủy diệt hoàn toàn, và vị trí của nó sẽ bị bỏ hoang trong suốt Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, làm ứng nghiệm các lời tiên tri trong Thánh Kinh.

Chúng ta nên nhớ, Ba-bi-lôn thuộc thể tại I-rắc khác với Ba-bi-lôn thuộc linh tại Va-ti-căng. Ba-bi-lôn thuộc linh bị AntiChrist và mười vua của hắn triệt hạ vào khoảng giữa của bảy năm đại nạn, mà chi tiết được tiên tri trong Khải Huyền 17 và 18. Còn Ba-bi-lôn thuộc thể tại I-rắc là tổng hành dinh của AntiChrist thì sẽ bị hủy diệt vào cuối của bảy năm đại nạn, trong tai vạ thứ bảy.

Cơn động đất lớn toàn cầu khiến cho mọi núi trên bề mặt của địa cầu đều bị san bằng, và mọi đảo trong biển đều bị chìm. Chính chi tiết này giúp cho chúng ta hiểu rằng, sáu dấu ấn được ghi chép trong Khải Huyền 6 không phải là các tai họa sẽ xảy ra trong ba năm rưỡi đầu của bảy năm đại nạn, mà chỉ là tình hình chung của suốt bảy năm đại nạn. Vì nếu sáu dấu ấn là sáu tai họa xảy ra trong ba năm rưỡi đầu của bảy năm đại nạn, thì khi ấy, mọi núi và hải đảo đã bị biến mất trong tai họa thứ sáu: “Bầu trời lui đi như một cuộn sách bị cuộn lại, mỗi một ngọn núi và hải đảo bị dời khỏi chỗ của chúng. (Khải Huyền 6:14); thì làm gì có chuyện mọi núi và hải đảo bị biến mất trong cơn động đất lớn toàn cầu của tai họa cuối cùng vào cuối của bảy năm đại nạn?

Cho tới nay, tôi vẫn chưa thấy có nhà giải kinh nào hiểu rằng, sáu dấu ấn chỉ là hình ảnh chung của tình hình trên thế gian trong suốt bảy năm đại nạn, không phải là sáu tai họa xảy ra trong ba năm rưỡi đầu. Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết này! A-men!

21 Một cơn mưa đá lớn từ trời giáng xuống trên loài người, mỗi tảng nặng chừng một ta-lâng. Loài người phạm thượng Đức Chúa Trời vì họa mưa đá, bởi nó quá lớn.

Tai họa cuối cùng kết thúc bằng một cơn mưa đá. Đá ở đây là nước đá. Từng khối nước đá lớn, từ trời giáng xuống trên loài người. Một ta-lâng bạc nặng tương đương 45 kg (100 pounds). Một ta-lâng vàng nặng tương đương 90 kg (200 pounds). Chúng ta không biết một ta-lâng nước đá nặng khoảng bao nhiêu kg. Rất có thể, đây chính là một sao chổi lớn đến gần địa cầu, bị nổ tung và các mảnh vụn của nó rơi xuống địa cầu trong thời điểm ấy. Chúng ta biết, phần lớn của sao chổi là nước đá.

Và phản ứng không thay đổi của loài người trước tai họa mưa đá vẫn là phạm thượng Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể hình dung ra nhiều người bị những tảng nước đá đè dập thân thể của họ. Trước khi chết, họ chỉ biết buông lời phỉ báng Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://kytanthe.net/?p=53

[2] https://kytanthe.net/?p=88

[3] Xem video về Petra tại đây: http://www.youtube.com/watch?v=JXcF2AAkGVo

[4] Đọc chi tiết về Petra tại đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Petra

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/