056 Chú Giải Khải Huyền 21:01-11 Trời Mới Đất Mới

7,436 views

YouTube: https://youtu.be/KpBJsy3ZUlc

056 Chú Giải Khải Huyền 21:1-11
Trời Mới Đất Mới

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
056_ChuGiaiKhaiHuyen_21_1-11.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 21:1-11

1 Rồi, tôi thấy trời mới và đất mới vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã qua rồi. Biển không còn nữa.

2 Tôi, Giăng, nhìn thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời, từ nơi Đức Chúa Trời hạ xuống, chuẩn bị như vợ mới cưới trang điểm cho chồng mình.

3 Tôi nghe một tiếng lớn từ trời, phán: Này, lều của Đức Chúa Trời ở với loài người và Ngài sẽ ở với họ. Họ sẽ là dân của Ngài và chính mình Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, làm Đức Chúa Trời của họ.

4 Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi.

5 Đấng ngự trên ngai phán rằng: Này, Ta làm mới mọi sự! Ngài lại phán với tôi: Hãy chép, vì những lời này là chân thật và thành tín.

6 Ngài phán với tôi: Xong rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Đầu Tiên và Đấng Cuối Cùng. Ta sẽ ban cho kẻ nào khát được tự do uống từ Nguồn Nước Sống.

7 Ai thắng sẽ được hưởng mọi sự làm cơ nghiệp. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con trai Ta.

8 Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.

9 Một trong bảy thiên sứ có bảy chén chứa đầy bảy tai họa cuối cùng đến và nói với tôi: Hãy đến đây, ta sẽ chỉ cho ngươi người vợ mới cưới, là vợ của Chiên Con.

10 Người mang tôi, trong thần linh, đến một ngọn núi cao và lớn; chỉ cho tôi thành lớn là Giê-ru-sa-lem thánh, từ trên trời, từ nơi Đức Chúa Trời, giáng xuống,

11 rực rỡ sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Ánh sáng của thành như một bửu thạch, giống như ngọc thạch anh, trong như pha lê.

Cảm tạ Thiên Chúa Toàn Năng! Ngài đã có một chương trình tái tạo trời mới và đất mới dành cho những người đã được tái sinh. Gọi là tái tạo tức là tạo trở lại, bởi vì, khác với trời cũ đất cũ được sáng tạo từ không ra có, trời đất mới được Thiên Chúa tái tạo từ các hạt vật chất đã được lửa tinh luyện, sau cơn bùng nổ của vũ trụ như đã tiên tri trong II Phi-e-rơ 3:10.

Trong vũ trụ được tái tạo này, không còn phân biệt tầng trời thứ nhất và tầng trời thứ nhì. Toàn bộ khoảng không trong vũ trụ được gọi chung là trời và địa cầu được gọi là đất. Vì thế, trong Khải Huyền 21:1 chúng ta thấy danh từ trời được dùng với số ít:

1 Rồi, tôi thấy trời mới và đất mới vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã qua rồi. Biển không còn nữa.

Khi trời mới đất mới xuất hiện, thì trời cũ đất cũ đã qua và mọi sự cũ cũng đã qua. Mọi sự cũ bao gồm: tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi là bất cứ điều gì chống nghịch Thiên Chúa. Hậu quả của tội lỗi là sự đau khổ và sự bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Trong trời mới đất mới chỉ có sự sống đời đời, sự vinh quang, và hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

Trên đất mới sẽ không còn có biển, nhưng có thể vẫn có những hồ nước rộng lớn. Hãy tưởng tượng, thay vì ¾ địa cầu là biển với ¼ địa cầu là đất, thì giờ đây, ¾ địa cầu là đất và ¼ địa cầu là hồ. Đó là chúng ta chưa biết, trái đất mới sẽ có kích thước lớn như thế nào. Rất có thể, kích thước mới của trái đất còn lớn hơn cả kích thước của mặt trời, tức hơn kích thước hiện tại của trái đất nhiều ngàn lần. Chúng ta sẽ trở lại chi tiết này khi học đến Khải Huyền 21:16.

Điều chắc chắn là trên đất mới sẽ có đủ đất để ban cho mỗi con dân Chúa, vì trong Thi Thiên 37:29 đã tiên tri rằng:

“Người công chính sẽ thừa hưởng đất, và ở tại đó mãi mãi.”

Đức Chúa Jesus Christ cũng đã hứa và lời hứa ấy được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5:5 rằng:

“Phước cho những ai nhu mì, vì họ sẽ thừa hưởng đất!”

Những người công chính và nhu mì sẽ hưởng được đất và ở tại đó mãi mãi bao gồm: các thánh đồ trước thời Cựu Ước, trong thời Cựu Ước, thuộc về Hội Thánh, trong thời Đại Nạn, và trong thời Vương Quốc Ngàn Năm. Riêng các thánh đồ thuộc Hội Thánh còn có chỗ trong thành thánh Giê-ru-sa-lem mới.

2 Tôi, Giăng, nhìn thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời, từ nơi Đức Chúa Trời hạ xuống, chuẩn bị như vợ mới cưới trang điểm cho chồng mình.

Khi Sứ Đồ Giăng nhìn thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem từ trời giáng xuống đất, sự xinh đẹp, vĩ đại, và vinh quang của thành đã khiến cho ông có những cảm xúc khó tả. Thay vì chép: “Tôi nhìn thấy…” Ông chép: “Tôi, Giăng, nhìn thấy…” Người môn đồ được Chúa yêu nhìn thấy biểu tượng của Hội Thánh, người vợ mới cưới của Đức Chúa Jesus Christ. Tại đây, chúng ta học được mấy điều như sau:

  1. Thành Giê-ru-sa-lem trên trời là nơi ngự của Thiên Chúa, được ban làm cơ nghiệp cho Hội Thánh. Vì thế, thành ấy trở thành biểu tượng cho Hội Thánh.
  2. Hội Thánh rao giảng Tin Lành của Chúa khắp nơi, khiến cho nhiều người được cứu nên Hội Thánh là mẹ thuộc linh của mỗi tín đồ: “Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ của tất cả chúng ta.” (Ga-la-ti 4:26).
  3. Thành Giê-ru-sa-lem trên đất tiêu biểu cho Do-thái Giáo, sinh ra những đứa con nô lệ: “Vì A-ga ấy là núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi, tương ứng với thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm nô lệ.” (Ga-la-ti 4:25). Vì Do-thái Giáo dạy cho người ta vâng giữ luật pháp để được cứu. Chúng ta cần phải hiểu lẽ thật này: “Vậy, luật pháp là thánh, điều răn là thánh, công chính, và tốt lành.” (Rô-ma 7:12). Nhưng không ai có thể vâng giữ luật pháp để được cứu. Người ta cần được cứu ra khỏi sức mạnh của tội lỗi và hình phạt của luật pháp, rồi mới có thể sống một đời sống vâng giữ luật pháp bởi năng lực của Thiên Chúa.

Thiên Chúa không tạo ra Do-thái Giáo. Thiên Chúa dạy cho con dân Ngài có đức tin vào sinh tế chuộc tội để được tha tội và mong chờ cho Đấng Cứu Rỗi đến. Loài người đã tạo ra Do-thái Giáo với nhiều luật lệ do chính loài người đặt ra, là những điều không có trong Thánh Kinh. Đức Chúa Jesus Christ cũng không tạo ra Cơ-đốc Giáo, Ngài chỉ lập Hội Thánh của Ngài. Cơ-đốc Giáo là tôn giáo mang danh Đấng Christ, do loài người lập ra và chia thành hàng ngàn giáo phái khác nhau, mà giáo phái nào cũng giảng dạy sai trật Lời Chúa. Trong khi thành Giê-ru-sa-lem trên đất tiêu biểu cho người mẹ nô lệ Do-thái Giáo thì thành Va-ti-căng tiêu biểu cho người mẹ nô lệ Cơ-đốc Giáo.

Từ đầu thế kỷ 20, Sa-tan thấy nhiều con dân Chúa quay về vâng giữ ngày Sa-bát thì nó lại tạo ra một số giáo hội cũng dạy cho người ta vâng giữ ngày Sa-bát, như giáo hội “Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật”, và gần đây nhất là giáo hội “Đức Chúa Trời Mẹ” (World Mission Society Church of God) ra từ Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật… nhưng thật ra, ngoài việc dạy người ta giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy thì các giáo hội này chỉ dạy cho người ta các tà thuyết. Điển hình là giáo hội Đức Chúa Trời Mẹ dạy rằng, người sáng lập giáo hội tên là An Xang Hồng (Ahnsahnghong, Nam Hàn) vừa là Đức Chúa Jesus Christ vừa là Đức Thánh Linh, và thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời là Đức Chúa Trời Mẹ. An Xang Hồng đã qua đời năm 1985 nhưng hàng triệu người trên thế giới vẫn tin ông ta là Đức Chúa Jesus Christ tái lâm và cũng là Đức Thánh Linh! Giáo hội Đức Chúa Trời Mẹ đã đến Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 và đang phát triển mạnh.

Thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời là nơi ngự của Thiên Chúa. Thánh Kinh dùng từ ngữ các tầng trời trong Sáng Thế Ký 1:1 để chỉ về tầng khí quyển của địa cầu, tức là tầng trời thứ nhất, và khoảng không gian của vũ trụ, tức là tầng trời thứ nhì. Trong II Cô-rinh-tô 12:2 Sứ Đồ Phao-lô gọi thiên đàng là tầng trời thứ ba, tức là thế giới thuộc linh, có Đền Thờ Thiên Chúa và là nơi ngự của Thiên Chúa.

Khi thành thánh Giê-ru-sa-lem còn ở trong tầng trời thứ ba thì có Đền Thờ của Đức Chúa Trời trong thành ấy, như Khải Huyền 11:19; 14:15, 17; 15:6, 8; 16:1, 17 đã cho chúng ta biết. Nhưng khi thành thánh Giê-ru-sa-lem hạ xuống đất mới thì được gọi là thành mới, vì trong thành ấy không còn Đền Thờ của Đức Chúa Trời, mà chính Đức Chúa Trời và Chiên Con là Đền Thờ của thành (Khải Huyền 21:22).

Câu: “Từ nơi Đức Chúa Trời hạ xuống”, có nghĩa là do thánh ý của Đức Chúa Trời mà thành thánh Giê-ru-sa-lem sẽ rời khỏi tầng trời thứ ba để giáng xuống đất mới và ở lại trên đất cho đến đời đời.

Câu: “Chuẩn bị như vợ mới cưới trang điểm cho chồng mình”, ví sánh sự xinh đẹp, vinh quang của thành thánh Giê-ru-sa-lem như sự xinh đẹp, vinh quang của một người vợ mới cưới trang điểm cho chồng mình. Đây là một câu rất có ý nghĩa, vì thành Giê-ru-sa-lem trên trời là nơi ở của Hội Thánh, mà Hội Thánh vừa được kết hôn với Đấng Christ, như đã diễn tả trong Khải Huyền 19, cho nên, thành Giê-ru-sa-lem trên trời được tiêu biểu cho Hội Thánh. Sự xinh đẹp và vinh quang của thành ấy được gia tăng khác thường.

3 Tôi nghe một tiếng lớn từ trời, phán: Này, lều của Đức Chúa Trời ở với loài người và Ngài sẽ ở với họ. Họ sẽ là dân của Ngài và chính mình Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, làm Đức Chúa Trời của họ.

Chúng ta không biết tiếng phán lớn từ trời là của một thiên sứ, hay của các sinh vật chung quanh ngai, hay của chính Chiên Con. Rất có thể, đây là tiếng phán của Chiên Con để công bố kết quả cuối cùng của công cuộc Thiên Chúa cứu rỗi loài người.

Từ ngữ “lều của Đức Chúa Trời” nhắc đến Đền Tạm là một căn lều lớn, làm nơi cất giữ Rương Giao Ước và nơi thờ phượng Chúa của dân I-sơ-ra-ên trong suốt 40 năm họ lang thang trong đồng vắng. Ý nghĩa của từ ngữ này là: Nơi Đức Chúa Trời ngự, chỗ ở của Ngài.

“Lều của Đức Chúa Trời ở với loài người” có nghĩa là chính Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời sẽ ở chung với loài người.

Hơn ba ngàn năm trước đó, Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã nhập thế làm người, ở giữa loài người, để bày tỏ về Đức Chúa Trời cho loài người:

“Ngôi Lời đã chịu trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài; sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha, đầy dẫy ân điển và lẽ thật.” (Giăng 1:14).

“Chẳng có ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, ngoại trừ Đấng Con Một, Đấng ở trong lòng của Đức Cha. Ngài đã giãi bày về Thiên Chúa. [“Ở trong lòng” là một thành ngữ, có nghĩa: rất gần gũi, thân mật. Xem Lu-ca 16:22-23.]” (Giăng 1:18).

Trong suốt khoảng ba ngàn năm đó, hễ những ai tin nhận sự rao giảng của Ngôi Lời, thì sẽ được cứu rỗi và được vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, được sống đời đời bên cạnh Đức Chúa Trời và Chiên Con. Không có một con đường nào khác để một người có thể đến với Đức Chúa Trời, ngoài con đường Jesus Christ:

“Đức Chúa Jesus phán với ông: Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống. Không ai đến cùng Cha nếu chẳng bởi Ta.” (Giăng 14:6).

“Chẳng có sự cứu rỗi trong ai khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho trong loài người, để chúng ta phải được cứu trong danh ấy.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

“Vậy, nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jesus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại từ những kẻ chết, thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi trong lòng tin mà được sự công chính, và bởi miệng tuyên xưng mà được sự cứu rỗi.” (Rô-ma 10:9-10).

Tất cả những người tin nhận sự rao giảng của Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đều được địa vị làm con dân của Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời.

4 Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi.

Câu: “Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ”, không có nghĩa là con dân Chúa bước vào trong trời mới đất mới với nước mắt của sự đau khổ trên mặt họ và Đức Chúa Trời lau nước mắt cho họ. Bởi vì, ngay trong thời Vương Quốc Ngàn Năm thì sự bình an và phước hạnh của Thiên Chúa đã bao phủ họ rồi. Nhưng câu này hàm ý: Sẽ không bao giờ còn có sự đau khổ nào xảy đến cho con dân của Đức Chúa Trời trong Vương Quốc Đời Đời. Bởi vì, tất cả những sự cũ thuộc về trời cũ đất cũ đã qua rồi. Và, Đức Chúa Trời sẽ không cho phép bất cứ một điều xấu nào xảy ra trong trời mới đất mới.

5 Đấng ngự trên ngai phán rằng: Này, Ta làm mới mọi sự! Ngài lại phán với tôi: Hãy chép, vì những lời này là chân thật và thành tín.

“Đấng ngự trên ngai” chính là Đức Chúa Trời. Ngài khẳng định hành động làm mới mọi sự của Ngài; và Ngài phán bảo Giăng hãy ghi chép những lời mà Giăng nghe, là những lời chắc chắn sẽ ứng nghiệm.

6 Ngài phán với tôi: Xong rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Đầu Tiên và Đấng Cuối Cùng. Ta sẽ ban cho kẻ nào khát được tự do uống từ Nguồn Nước Sống.

Đức Chúa Trời tiếp tục phán với Giăng: “Xong rồi!” Có nghĩa là tiết mục cuối cùng trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại đã được hoàn tất. Ngài nhắc lại lời tuyên xưng “Ta là An-pha và Ô-mê-ga”, có nghĩa: “Đấng Đầu Tiên và Đấng Cuối Cùng”; để tỏ ra sự toàn năng và tể trị của Ngài. Ngài hứa ban sự sống cách dư dật cho những ai khao khát được sống. Sự sống ở đây được tiêu biểu bằng “nước sống”. Còn “Nguồn Nước Sống” chính là Ngôi Lời:

“Trong Ngài, hằng có sự sống. Sự sống hằng là sự sáng của loài người.” (Giăng 1:4).

“Đức Chúa Jesus phán với bà: Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin nơi Ta, dù người ấy đã chết thì cũng sẽ sống.” (Giăng 11:25).

Sự sống Thiên Chúa ban cho loài người khi dựng nên loài người là sự sống từ Thiên Chúa. Sự sống ấy có thể mất đi; nhưng sự sống Thiên Chúa ban cho loài người trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời là sự sống của chính Thiên Chúa, là sự sống còn lại cho đến đời đời. Sự sống ấy được chính Thiên Chúa Ngôi Lời trong thân vị Đức Chúa Jesus Christ ban cho những ai tin nhận Ngài, bằng cách, khiến họ được dự phần trong bản thể của Ngài qua hình ảnh của Tiệc Thánh. Giăng 6:51-58 ghi lại lời phán của Ngài như sau:

51 Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Nếu người nào ăn bánh này, người ấy sẽ sống cho đến vĩnh cửu. Bánh mà Ta sẽ ban cho là thịt của Ta mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian.

52 Vậy, những người Do-thái tranh cãi giữa họ, nói rằng: Làm thế nào người này có thể cho chúng ta ăn thịt của người?

53 Vậy, Đức Chúa Jesus phán với họ: Thật sự! Thật sự! Ta nói với các ngươi, trừ khi các ngươi ăn thịt của Con Người và uống máu của Ngài, các ngươi chẳng có sự sống trong các ngươi.

54 Ai ăn thịt của Ta và uống máu của Ta thì được sự sống vĩnh cửu. Ta sẽ khiến người ấy sống lại trong ngày cuối cùng.

55 Vì thịt của Ta là thức ăn thật, máu của Ta là thức uống thật.

56 Người ăn thịt của Ta và uống máu của Ta thì ở lại trong Ta, và Ta ở trong người ấy.

57 Như Cha Hằng Sống đã sai Ta đến, và Ta sống bởi Cha, cũng vậy, người ăn Ta người ấy cũng sẽ sống bởi Ta.

58 Đây là bánh từ trời xuống, chẳng phải như các tổ phụ của các ngươi đã ăn ma-na và chết, người ăn bánh này sẽ sống cho đến vĩnh cửu.

Thánh Kinh đã ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ trong bữa Tiệc Thánh đầu tiên, như sau:

“Khi họ đang ăn, Đức Chúa Jesus lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra, đưa cho các môn đồ, phán rằng: Hãy lấy và ăn! Này là thân thể Ta! Ngài lại lấy chén, tạ ơn, rồi đưa cho họ, phán rằng: Hết thảy các ngươi hãy uống đi! Vì đây là máu của Ta, của giao ước mới, đổ ra cho nhiều người về sự tha thứ những tội lỗi.” (Ma-thi-ơ 26:26-28).

Khi đang ăn, Đức Chúa Jesus lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra trao cho các môn đồ, mà phán rằng: Hãy lấy, này là thân thể Ta. Ngài lại cầm chén, tạ ơn, rồi trao cho các môn đồ, và ai nấy đều uống. Ngài phán rằng: Này là máu của Ta, máu của sự giao ước đổ ra cho nhiều người.” (Mác 14:22-24).

“Kế đó, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Này là thân thể Ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều này để nhớ đến Ta. Bữa ăn tối đã xong, Ngài cũng làm như vậy với chén, phán rằng: Chén này là giao ước mới trong máu Ta, vì các ngươi mà đổ ra.” (Lu-ca 22:19-20).

“Vì tôi có nhận nơi Chúa điều tôi cũng đã trao cho các anh chị em. Ấy là Đức Chúa Jesus, trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã lấy bánh và đã tạ ơn. Ngài đã bẻ ra và phán rằng: Các ngươi hãy nhận! Các ngươi hãy ăn! Đây là thân thể của Ta, vì các ngươi mà vỡ ra. Các ngươi hãy làm điều này để nhớ đến Ta. Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối, Ngài lấy chén và phán: Chén này là sự giao ước mới trong máu Ta; các ngươi hãy làm điều này mỗi khi các ngươi uống, để nhớ đến Ta.” (I Cô-rinh-tô 11:23-25).

Bánh không men tiêu biểu cho thân thể xác thịt không tội lỗi của Đức Chúa Jesus Christ và cũng tiêu biểu cho Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Loài người phải nhờ sự hình phạt tội lỗi trên thân thể của Đức Chúa Jesus Christ mà được sự tha tội. Loài người phải nhờ sự tiếp nhận Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, tức là tiếp nhận mọi sự dạy dỗ của Đức Chúa Jesus Christ để được nên thánh (Giăng 17:17).

Nước trái nho tiêu biểu cho máu vô tội của Đức Chúa Jesus Christ và cũng tiêu biểu cho sự sống, vì máu là sự sống (Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:23). Loài người phải nhờ máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch bản chất tội lỗi (I Giăng 1:7) và đem lại sự sống của chính Thiên Chúa cho họ.

7 Ai thắng sẽ được hưởng mọi sự làm cơ nghiệp. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con trai Ta.

Lời của Đức Chúa Trời tiếp tục phán truyền cho Sứ Đồ Giăng ghi chép lại. Ngài khẳng định rằng: “Ai thắng sẽ được hưởng mọi sự làm cơ nghiệp.” Thắng tức là thắng mọi cám dỗ, thử thách trên bước đường theo Chúa. Có nghĩa là trung tín cho đến chết, giữ vững đức tin về sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ và vâng giữ mọi điều răn của Đức Chúa Trời. “Mọi sự” tức là tất cả những gì thuộc về cơ nghiệp của Thiên Chúa; tức là toàn bộ trời mới đất mới, các thiên sứ được chọn, và ngay cả Ba Ngôi Thiên Chúa:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi. Ngài  giữ gìn phần đã định cho tôi.” (Thi Thiên 16:5).

Cảm tạ Thiên Chúa, Ngài ban chính mình Ngài làm cơ nghiệp cho những ai thuộc về Ngài và Ngài cũng chọn họ làm cơ nghiệp của Ngài. Sự mầu nhiệm này thật vượt quá sự hiểu biết và suy tưởng của loài người.

8 Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.

“Những kẻ hèn nhát”: Ngoài Hội Thánh là những kẻ không dám tin Chúa vì sợ bị gia đình, xã hội, hay chính quyền bắt bớ. Trong Hội Thánh là những kẻ không dám chịu khổ vì danh Chúa, không dám bênh vực lẽ phải, không dám cứu giúp người lành, vì sợ mang họa vào thân. Ngày nay, trong Hội Thánh có những kẻ hèn nhát không dám nói lên sự giảng dạy sai trật Thánh Kinh và nếp sống tội của những người rao giảng Lời Chúa. Ngày nay, trong Hội Thánh có những người chăn hoặc trưởng lão không dám nói đến nếp sống tội của những tín đồ giàu có.

“Những kẻ không tin”: Ngoài Hội Thánh là những kẻ vô thần hoặc những kẻ tin vào các tôn giáo hay triết học. Trong Hội Thánh là những kẻ phủ nhận các lẽ thật căn bản của Thánh Kinh, như phủ nhận sự vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, phủ nhận thần tính và thân vị của Đức Chúa Jesus Christ và của Đức Thánh Linh, phủ nhận hình phạt đời đời trong hỏa ngục…

“Những kẻ đáng gớm ghiếc” là những kẻ ô uế. Nghĩa đen: Ngoài Hội Thánh lẫn trong Hội Thánh đều là những kẻ nghiện ngập bất cứ một thứ gì, nô lệ cho bất cứ một thứ tội lỗi nào. Nghĩa bóng: Những kẻ không vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa, làm ô uế ngày ấy:

“Các con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, và giữ lời giao ước của Ta…” (Ê-sai 56:6).

“Những kẻ giết người”: Ngoài Hội Thánh lẫn trong Hội Thánh đều là những kẻ phạm tội giết người theo nghĩa đen hoặc là thù ghét người khác (I Giăng 3:15).

“Những đĩ đực”: Ngoài Hội Thánh lẫn trong Hội Thánh là những người đàn ông có quan hệ tính dục với đàn ông. Trong thế kỷ 21 này, nhiều giáo hội mang danh Chúa đã công khai nhân danh Chúa làm lễ kết hôn cho những người đồng tính luyến ái. Mặc dù những kẻ phạm tội tà dâm và những người đồng tính luyến ái nữ không được nhắc đến ở đây, nhưng điều đó không có nghĩa là họ được vào thành; vì họ cũng thuộc về những kẻ đáng gớm ghiếc.

“Những kẻ phù phép”: Ngoài Hội Thánh là những kẻ cậy danh Ma Quỷ làm bùa làm phép. Trong Hội Thánh là những kẻ nhân danh Chúa làm ra các dấu kỳ phép lạ bởi quyền lực của Ma Quỷ, như các hiện tượng “dấu kỳ, phép lạ, chữa bệnh, đuổi quỷ… trong các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.

“Những kẻ thờ thần tượng”: Ngoài Hội Thánh lẫn trong Hội Thánh là những kẻ tôn thờ bất cứ một ai khác, một điều gì khác hơn là Thiên Chúa. Trong Hội Thánh thì người ta thường tôn thờ giáo hội, giáo phái, bằng cấp Thần học, địa vị, chức vụ do giáo hội đặt ra. Thần tượng được tôn thờ nhất vẫn là bản ngã của mỗi người.

“Tất cả những kẻ nói dối”: Ngoài Hội Thánh lẫn trong Hội Thánh đều có những kẻ nói dối với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí nói dối cho vui, nói dối để giúp người khác, nói dối để an ủi người khác… Nhưng Lời Chúa rất rõ ràng ở đây: Tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.” Hãy chú ý đến chữ “tất cả”. Chữ ấy bao gồm cả những kẻ nói dối cho vui, nói dối để giúp người khác, nói dối để an ủi người khác… Bởi vì, nói dối là bản tính của Ma Quỷ và những kẻ nói dối thuộc về con cái của Ma Quỷ:

“Các ngươi là ra từ cha Ma Quỷ của các ngươi. Các ngươi sẽ làm theo sự tham muốn của cha các ngươi. Nó đã là kẻ giết người từ lúc ban đầu; chẳng đứng vững trong lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó. Khi nó nói dối, nó nói bởi chính nó, vì nó là kẻ nói dối và là cha của sự nói dối.” (Giăng 8:44).

Mục đích của đời sống con dân Chúa là: trở nên “giống như Con của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:29) mà trong miệng của “Con Đức Chúa Trời” thì không tìm thấy điều gian trá (I Phi-e-rơ 2:22). Rô-ma 3:7 đặt ra câu hỏi: “Nhưng, nếu lẽ thật của Đức Chúa Trời bởi sự nói dối của tôi mà được sự vinh quang lớn hơn, thì sao tôi còn bị phán xét như kẻ có tội?” Cho chúng ta thấy, dù mục đích lời nói dối của chúng ta là để tôn vinh Chúa, đem lại sự vinh quang cho Chúa, thì chúng ta vẫn bị phán xét như kẻ có tội.

9 Một trong bảy thiên sứ có bảy chén chứa đầy bảy tai họa cuối cùng đến và nói với tôi: Hãy đến đây, ta sẽ chỉ cho ngươi người vợ mới cưới, là vợ của Chiên Con.

10 Người mang tôi, trong thần linh, đến một ngọn núi cao và lớn; chỉ cho tôi thành lớn là Giê-ru-sa-lem thánh, từ trên trời, từ nơi Đức Chúa Trời, giáng xuống,

11 rực rỡ sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Ánh sáng của thành như một bửu thạch, giống như ngọc thạch anh, trong như pha lê.

Chúng ta không biết rằng, vào thời điểm này đây, trong khải tượng của Sứ Đồ Giăng, ông đang đứng ở đâu. Có thể là ông đang đứng trong thiên đàng và nhìn thấy trời mới đất mới xuất hiện, nhìn thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem từ thiên đàng giáng xuống đất mới. Ông nhìn thấy khải tượng về Vương Quốc Đời Đời sẽ đến trong thời tương lai, cách xa thời đại của ông trên ba ngàn năm. Một trong bảy vị thiên sứ phụ trách việc hình phạt thế gian vào cuối Kỳ Đại Nạn mang Giăng đến một ngọn núi cao và lớn trên đất, để ông có thể nhìn thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem đã từ trời giáng xuống trên đất.

Sự vinh quang của thành là sự vinh quang của Đức Chúa Trời, tức là sự vinh quang tuyệt đối, không còn gì có thể vinh quang hơn. Chính Đức Chúa Trời ban sự vinh quang của Ngài cho thành thánh Giê-ru-sa-lem. Gọi là thành thánh vì thành được biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Chúng ta luôn nhớ rằng, mặc dù thành thánh Giê-ru-sa-lem được nói đến ở đây là một thành phố theo nghĩa đen nhưng cũng luôn luôn là biểu tượng cho Hội Thánh. Vì thế, khi nói đến thành thánh Giê-ru-sa-lem là cũng cùng lúc nói đến Hội Thánh. Vì thế, vinh quang của Hội Thánh chính là vinh quang của Đức Chúa Trời, và Hội Thánh được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời để Ngài chăm sóc, yêu thương Hội Thánh cho đến đời đời. Cảm tạ Đức Chúa Trời!

Ánh sáng của thành cũng chính là sự vinh quang của Đức Chúa Trời và Chiên Con, vì trong Khải Huyền 21:23 cho chúng ta biết: Sự vinh quang của Đức Chúa Trời là ánh sáng của thành và Chiên Con là đèn của thành. Sự vinh quang đó giống như sự chiếu sáng của một viên đá quý, có màu sắc như ngọc thạch anh (jasper), và trong suốt như pha-lê.

Ngọc thạch anh có nhiều màu khác nhau: tím, xanh dương, xanh lá cây, và màu vàng của đồng sáng. Rất có thể, ánh sáng của thành lần lượt thay đổi với các màu trên đây.

Chắc chắn, ánh sáng thật của thành thánh Giê-ru-sa-lem mà chúng ta sẽ được nhìn thấy trong cõi trời mới đất mới, sẽ vượt xa tất cả những màu sắc đẹp nhất mà chúng ta từng thấy trong cuộc đời này.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/