057 Chú Giải Khải Huyền 21:12-27 Thành Thánh Giê-ru-sa-lem Mới

6,954 views

YouTube: https://youtu.be/w8gz8EYWhJc

057 Chú Giải Khải Huyền 21:12-27
Thành Thánh Giê-ru-sa-lem Mới

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
057_ChuGiaiKhaiHuyen_21_12-27.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

 

Khải Huyền 21:12-27

12 Thành có tường lớn và cao với mười hai cổng. Tại các cổng có mười hai thiên sứ. Trên những cổng có viết các tên là tên của mười hai chi tộc thuộc con cháu của I-sơ-ra-ên.

13 Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, phía nam có ba cổng và phía tây có ba cổng.

14 Tường thành có mười hai nền, trên chúng là tên mười hai sứ đồ của Chiên Con.

15 Thiên sứ phán với tôi đó có một cây thước bằng vàng để đo thành: các cổng và tường thành.

16 Thành nằm vuông vức, chiều dài bằng chiều rộng. Người đo thành bằng cây thước, được mười hai ngàn phu-lông. Chiều dài, chiều rộng và chiều cao của thành đều bằng nhau.

17 Người đo tường được một trăm bốn mươi bốn cu-bít theo cách đo của loài người cũng là của thiên sứ.

18 Tường được xây bằng ngọc thạch anh, thành được xây bằng vàng ròng, như thủy tinh tinh khiết.

19 Các nền tường thành được trang hoàng bằng đủ loại bảo thạch. Nền thứ nhất bằng ngọc thạch anh, nền thứ nhì bằng ngọc lam bảo, nền thứ ba bằng ngọc lục mã não, nền thứ tư bằng ngọc lục cẩm,

20 nền thứ năm bằng ngọc hồng mã não, nền thứ sáu bằng ngọc hoàng thạch, nền thứ bảy bằng ngọc hoàng bích, nền thứ tám bằng ngọc thủy thương, nền thứ chín bằng ngọc hồng bích, nền thứ mười bằng ngọc phỉ túy, nền thứ mười một bằng ngọc hồng bảo, nền thứ mười hai bằng ngọc tử bảo.

21 Mười hai cổng là mười hai hạt châu. Mỗi một cổng làm bằng một hạt châu. Lối đi của thành là vàng ròng, trong suốt như thủy tinh.

22 Tôi thấy không có đền thờ trong thành; vì Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng, và Chiên Con là Đền Thờ của thành.

23 Thành không cần mặt trời cũng không cần mặt trăng để chiếu sáng. Sự vinh quang của Đức Chúa Trời chiếu sáng nó và Chiên Con là đèn của thành.

24 Các quốc gia đã được cứu sẽ bước đi trong ánh sáng của thành. Các vua trên đất sẽ đem sự vinh quang và sự oai nghi của họ vào trong thành.

25 Ban ngày, các cổng thành không hề đóng. Tại đó, không còn có ban đêm.

26 Họ sẽ đem sự vinh quang và sự oai nghi của các quốc gia vào trong thành.

27 Bất cứ một sự ô uế nào cũng sẽ không thể vào được trong thành. Cũng không một việc làm gớm ghiếc nào hoặc một lời nói dối nào được vào trong thành; nhưng chỉ những kẻ được ghi trong Sách Sự Sống của Chiên Con.

Trước khi đi vào chi tiết mô tả thành thánh Giê-ru-sa-lem từ trên trời giáng xuống đất chúng ta cần xem xét Khải Huyền 21:16 trước:

16 Thành nằm vuông vức, chiều dài bằng chiều rộng. Người đo thành bằng cây thước, được mười hai ngàn phu-lông. Chiều dài, chiều rộng và chiều cao của thành đều bằng nhau.

Theo lời diễn tả trong câu này thì thành Giê-ru-sa-lem mới có hình dáng của một khối vuông, mỗi bề: dài, rộng, cao đều là mười hai ngàn phu-lông. Phu-lông (còn được phiên âm là ếch-ta-đơ) là một đơn vị đo lường của người Hy-lạp, tương đương 1/8 dặm Anh hay 185 mét [1].

Mười hai ngàn phu-lông tương đương hai triệu hai trăm hai chục ngàn mét, tức là thành Giê-ru-sa-lem mới có chiều dài 2.220 km, chiều rộng 2.220 km, và chiều cao cũng là 2.220 km. Đất nước Việt Nam có chiều dài là 1.650 km. Như vậy, mỗi chiều của thành Giê-ru-sa-lem mới còn dài hơn chiều dài của đất nước Việt Nam đến 570 km.

Trong khi chúng ta có thể hình dung ra một thành phố dài và rộng mỗi bề 2.220 km, thì khó mà hình dung ra thành phố ấy cũng có bề cao là 2.220 km. Ngày nay, độ cao của các phi cơ trong khi bay là từ 25.000 feet đến 40.000 feet, tương đương từ 7,62 km đến 12,19 km. Ngọn núi cao nhất trên địa cầu ngày nay là ngọn E-vơ-rét (Everest) thuộc dãy núi Hi-mã-lạp, (Himalaya) chỉ cao có 8.848 mét, chưa đầy 9 km. Thế mà, thành Giê-ru-sa-lem mới lại có chiều cao đến 2.220 km. Điều này vượt quá sức tưởng tượng của loài người. Nhưng chính chi tiết này giúp chúng ta tin rằng, địa cầu mới phải lớn gấp hàng ngàn lần địa cầu hiện tại để có thể làm nền cho một thành phố vĩ đại như vậy. Và như vậy, chắc chắn là trong thành Giê-ru-sa-lem mới có núi, có đồi, có sông, có hồ… vì diện tích của thành Giê-ru-sa-lem mới lớn gần bằng 2/3 diện tích cả nước Mỹ.

Trở lại với Khải Huyền 21:10 nói về việc một thiên sứ mang Giăng đến một ngọn núi cao và lớn để quan sát thành Giê-ru-sa-lem mới:

“Người mang tôi, trong thần linh, đến một ngọn núi cao và lớn; chỉ cho tôi thành lớn là Giê-ru-sa-lem thánh, từ trên trời, từ nơi Đức Chúa Trời, giáng xuống.”

Chúng ta cũng có thể hiểu rằng, ngọn núi này có thể có chiều cao tương xứng với thành Giê-ru-sa-lem mới, tức là cao khoảng 2.220 km, gấp 246 lần chiều cao của đỉnh núi E-vơ-rét.

Nhiều người dựa vào Khải Huyền 21:16 để bác bỏ Thánh Kinh, cho rằng Thánh Kinh không hợp lý, không thể là Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng họ không biết rằng ý tưởng của Thiên Chúa và đường lối của Thiên Chúa cao hơn ý tưởng và đường lối của họ. Đấng có thể dựng nên cả vũ trụ mênh mông kia lại không thể dựng nên một trái đất đủ lớn để chứa một thành phố có chiều dài, rộng, và cao mỗi chiều tương đương 2.220 km hay sao?

Ngoài ra, chắc chắn là các định luật vật lý trong trời mới đất mới sẽ khác xa và vượt cao hơn các định luật vật lý trong trời cũ đất cũ.

Và bây giờ chúng ta lần lượt tìm hiểu ý nghĩa các câu còn lại trong Khải Huyền 21, mô tả về thành Giê-ru-sa-lem mới.

12 Thành có tường lớn và cao với mười hai cổng. Tại các cổng có mười hai thiên sứ. Trên những cổng có viết các tên là tên của mười hai chi tộc thuộc con cháu của I-sơ-ra-ên.

Ngoài mỗi bề khoảng 2.220 km, thành Giê-ru-sa-lem mới còn có một tường lớn và cao chung quanh thành, với 12 cổng. Tại mỗi cổng có sự hiện diện của một thiên sứ. Có lẽ, công việc chính của mỗi thiên sứ tại cổng thành là chào mừng những người ra vào thành hơn là bảo vệ an ninh, vì trong Vương Quốc Đời Đời sẽ không còn những sự phạm pháp. Chúng ta cũng nên nhớ chi tiết này, thành Giê-ru-sa-lem mới là nơi ngự của Đức Chúa Trời, Chiên Con, và Hội Thánh. Còn những thánh đồ không thuộc về Hội Thánh thì đều sống trên đất, bên ngoài thành. Vào những kỳ lễ hội thì các vua và muôn dân trên đất mới được vào thành.

13 Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, phía nam có ba cổng và phía tây có ba cổng.

Trong cõi trời mới đất mới các phương hướng đông, tây, nam, bắc vẫn còn. Mỗi phía tường thành đều có ba cổng thành.

14 Tường thành có mười hai nền, trên chúng là tên mười hai sứ đồ của Chiên Con.

Tường thành được xây dựng trên mười hai nền, mỗi nền là tên một sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta có thể hiểu mười hai nền chồng lên nhau hoặc mười hai nền tiếp nối nhau. Có thể là mười hai nền tiếp nối nhau, mỗi nền ở dưới một cổng thành. Tên của vị sứ đồ thứ mười hai phải là Sứ Đồ Phao-lô, thế chỗ cho Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Bởi vì Thánh Kinh không xác nhận người được các sứ đồ bốc thăm thế chỗ cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là sứ đồ do Chúa chọn; nhưng Đức Chúa Jesus Christ xác nhận Ngài kêu gọi và chuẩn bị Phao-lô cho chức vụ sứ đồ:

“…Vì người là một đồ dùng được chọn cho Ta, để mang danh Ta trước các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15).

Chính Phao-lô cũng nhiều lần công nhận ông là một trong các sứ đồ của Chúa. Chúng ta có thể thấy, Sứ Đồ Phao-lô tiêu biểu cho tất cả các sứ đồ khác, được chính Chúa kêu gọi vào chức vụ sứ đồ sau khi Chúa phục sinh, thăng thiên. Thực tế, Phao-lô là sứ đồ đầu tiên được Chúa kêu gọi, sau khi Hội Thánh được thành lập trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Tất cả mười hai sứ đồ trước đó được kêu gọi trước khi Hội Thánh được thành lập, kể cả người được các sứ đồ bốc thăm, bổ sung chỗ của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Mười hai sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ được kêu gọi làm sứ đồ để giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên trước khi Hội Thánh được thành lập. Nhưng sau khi Hội Thánh được thành lập thì các sứ đồ được kêu gọi để giảng Tin Lành cho muôn dân, mà Phao-lô là người đầu tiên được kêu gọi.

15 Thiên sứ phán với tôi đó có một cây thước bằng vàng để đo thành: các cổng và tường thành.

16 Thành nằm vuông vức, chiều dài bằng chiều rộng. Người đo thành bằng cây thước, được mười hai ngàn phu-lông. Chiều dài, chiều rộng và chiều cao của thành đều bằng nhau.

17 Người đo tường được một trăm bốn mươi bốn cu-bít theo cách đo của loài người cũng là của thiên sứ.

Vị thiên sứ mang Giăng đến trên một hòn núi lớn trên đất để nhìn xem thành thánh Giê-ru-sa-lem mới, có trong tay một cây thước bằng vàng, và chính thiên sứ dùng thước đó để đo tường thành. Cây thước bằng vàng mang ý nghĩa đó là vật dụng thuộc về vương quyền, và vương quyền ở đây tức là vương quyền của Đức Chúa Trời.

Một cu-bít là chiều dài của một cánh tay người lớn, từ cùi chỏ đến đầu ngón tay giữa, trung bình là 18 inches hoặc 45,72 cm. Một trăm bốn mươi bốn cu-bít tương đương 65 mét. Chúng ta chú ý: con số 144 là bình phương của số 12. Số 12 có nghĩa là trọn vẹn trong sự cai trị, điều hành, quản lý…

Mệnh đề: “theo cách đo của loài người cũng là của thiên sứ”, hàm ý, mặc dù là thước đo của vương quyền Thiên Chúa và được chính thiên sứ đo, nhưng chiều dài của thước và cách đo cũng giống như của loài người mà thôi. Có lẽ, Giăng viết ra chi tiết này để tránh sự kiện có người cho rằng cách đo của thiên sứ khác với cách đo của loài người, tức là thiên sứ dùng một đơn vị cu-bít khác với cu-bít của loài người.

Con số 144 cu-bít, tương đương 65 mét là chiều cao của tường thành. Còn chiều dài của tường thành đương nhiên phải tương ứng với chu vi của thành.

18 Tường được xây bằng ngọc thạch anh, thành được xây bằng vàng ròng, như thủy tinh tinh khiết.

Trong Khải Huyền 21:11 chúng ta đã biết ánh sáng của thành như ngọc thạch anh. Ở đây, chúng ta thấy tường thành được xây bằng ngọc thạch anh, còn thành thì được xây bằng vàng ròng. Cả hai chất liệu đều có tính trong suốt như thủy tinh, cho dù chúng có màu sắc khác nhau. Và như vậy, chúng không mang đặc tính như ngọc thạch anh và vàng ròng trong thế giới vật chất này của chúng ta.

19 Các nền tường thành được trang hoàng bằng đủ loại bảo thạch. Nền thứ nhất bằng ngọc thạch anh, nền thứ nhì bằng ngọc lam bảo, nền thứ ba bằng ngọc lục mã não, nền thứ tư bằng ngọc lục cẩm,

20 nền thứ năm bằng ngọc hồng mã não, nền thứ sáu bằng ngọc hoàng thạch, nền thứ bảy bằng ngọc hoàng bích, nền thứ tám bằng ngọc thủy thương, nền thứ chín bằng ngọc hồng bích, nền thứ mười bằng ngọc phỉ túy, nền thứ mười một bằng ngọc hồng bảo, nền thứ mười hai bằng ngọc tử bảo.

Mỗi nền tường thành được làm bằng một loại ngọc. Dù tên các loại ngọc này được ghi chép ra nhưng chắc chắn rằng đặc tính của chúng khác xa với các loại ngọc cùng tên trong thế giới vật chất hiện tại của chúng ta.

Chúng tôi liệt kê tên của mười hai loại ngọc này trong tiếng Anh để quý độc giả tra tìm thông tin về chúng trên Internet: thạch anh (jasper), lam bảo (sapphire), lục mã não (chalcedony), lục cẩm (emerald), hồng mã não (sardonyx), hoàng thạch (sardius), hoàng bích (chrysolite), thủy thương (beryl), hồng bích (topaz), phỉ túy (chrysoprase), hồng bảo (jacinth), và tử bảo (amethyst).

Các loại ngọc này có ý nghĩa thuộc linh gì thì chúng ta không biết, vì Thánh Kinh không nói đến. Nhưng chắc chắn là trong cõi trời mới đất mới chúng ta sẽ biết ý nghĩa và đặc tính thuộc linh của chúng. Chúng ta cũng không biết là tên của sứ đồ nào được viết trên nền ngọc nào.

Trong Cựu Ước cũng có nói đến mười hai loại ngọc trên bảng đeo ngực của thầy tế lễ thượng phẩm, tiêu biểu cho 12 chi phái I-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, chỉ có sáu loại ngọc trong Khải Huyền 21:19-20 trùng hợp với các loại ngọc được liệt kê trong Xuất Ê-díp-tô Ký 28:17-20.

21 Mười hai cổng là mười hai hạt châu. Mỗi một cổng làm bằng một hạt châu. Lối đi của thành là vàng ròng, trong suốt như thủy tinh.

Trên mười hai nền tường thành là mười hai cổng thành, mà mỗi cổng là một hạt châu. Hạt châu ở đây tức là hạt ngọc trai. Chúng ta có thể tưởng tượng ra mười hai hạt châu có kích thước lớn, tương xứng với chiều cao 65 mét của tường thành, được cẩn vào trong tường thành, và được cắt trống ở giữa để làm cửa. Chúng ta biết, các hạt trai là sản phẩm của một loài sò (oyster). Khi có một hạt cát hay một vật lạ nào kẹt lại trong vòm của con sò, thì nó tiết ra một chất nhờn, là chất tạo ra vỏ sò, để bao phủ vật lạ lại, tạo thành hạt châu hay ngọc trai. Hạt châu có nhiều hình thể và màu sắc khác nhau. Các màu thường gặp là trắng, đen, xám, đỏ, xanh dương, và xanh lá cây.

Chẳng những thành được xây cất bằng vàng ròng mà lối đi trong thành cũng được làm bằng vàng ròng. Một lần nữa, chúng ta được nhắc cho nhớ là: loại vàng ròng này có đặc tính trong suốt như thủy tinh. Từ ngữ thủy tinh (glass) và pha lê (crystal) đều được dùng để gọi chất cát (silica) được nấu chảy để làm thành các vật dụng khác nhau. Thủy tinh không có pha chì. Pha-lê có chứa trên 24% chất chì. Khi gõ vào vật dụng làm bằng pha-lê chúng ta sẽ nghe phát ra âm thanh ngân nga như tiếng nhạc. Cả hai đều có đặc tính trong suốt.

22 Tôi thấy không có đền thờ trong thành; vì Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng, và Chiên Con là Đền Thờ của thành.

Thành thánh Giê-ru-sa-lem khi còn ở trên trời thì có đền thờ, nhưng khi giáng xuống trên đất thì đền thờ không còn nữa, vì Đức Cha và Đức Con đều là Đền Thờ của thành.

Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện, tách biệt với loài người, vì cớ sự phạm tội của loài người. Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa hiện diện trong Nơi Rất Thánh của Đền Tạm nơi đồng vắng hoặc Đền Thờ Thứ Nhất tại Giê-ru-sa-lem. Trong thời Tân Ước, Thiên Chúa hiện diện trong thân thể của con dân Thiên Chúa qua thân vị Đức Thánh Linh. Trong thời Vương Quốc Ngàn Năm Thiên Chúa hiện diện tại Giê-ru-sa-lem qua thân vị Đức Con, và Đền Thờ được tái xây dựng tại Giê-ru-sa-lem tiêu biểu cho sự phân rẽ giữa Thiên Chúa và loài người vẫn còn tiếp diễn vì sự phạm tội của loài người. Nhưng trong thời Vương Quốc Đời Đời, tội lỗi không còn nữa, loài người hoàn toàn thánh khiết, và Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha lẫn Đức Con đều hiện diện giữa loài người, trong khi Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh hiện diện trong thân thể của loài người. Vì thế, không còn đền thờ. Hễ ai bước vào thành thánh là bước vào sự hiện diện của Đức Cha và Đức Con, là trực tiếp ở trong sự thờ phượng Thiên Chúa.

23 Thành không cần mặt trời cũng không cần mặt trăng để chiếu sáng. Sự vinh quang của Đức Chúa Trời chiếu sáng nó và Chiên Con là đèn của thành.

Mặc dù trong cõi trời mới đất mới vẫn có mặt trời và mặt trăng để phân định thời tiết, ngày tháng (Ê-sai 66:22-23); nhưng thành thánh không cần đến sự chiếu sáng của mặt trời và mặt trăng. Ánh sáng của thành thánh là sự vinh quang của Đức Cha và Đức Con. Trong khi sự vinh quang của Đức Cha chiếu sáng khuôn viên của thành thánh thì sự vinh quang của Đức Con chiếu sáng bên trong từng chỗ ở trong thành. Và, sự vinh quang của Đức Thánh Linh chiếu sáng bên trong mỗi một công dân của Vương Quốc Trời.

24 Các quốc gia đã được cứu sẽ bước đi trong ánh sáng của thành. Các vua trên đất sẽ đem sự vinh quang và sự oai nghi của họ vào trong thành.

Tất cả những người được cứu trong mọi thời đại sẽ giữ nguyên quốc tịch của mình. Mặc dù sự cứu rỗi là quyết định của mỗi cá nhân, nhưng chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho từng dân tộc, từng quốc gia. Thi Thiên 33:12 chép:

“Phước cho nước nào có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp của Ngài.”

Thành thánh là nơi cư ngụ của các thánh đồ thuộc về Hội Thánh, những người khác sẽ sống trên mặt đất, bên ngoài thành; nhưng các dân tộc và các vua cai trị họ sẽ được vào thành thánh để thờ phượng Thiên Chúa và tham dự các kỳ lễ hội mỗi đầu tháng và mỗi ngày Sa-bát Thứ Bảy:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì như trời mới đất mới mà Ta sẽ dựng, sẽ cứ còn trước mặt Ta thế nào, thì dòng giống và danh hiệu các ngươi cũng sẽ cứ còn thể ấy. Sẽ xảy ra thường xuyên từ ngày trăng mới đến ngày trăng mới và thường xuyên từ ngày Sa-bát đến ngày Sa-bát, mọi xác thịt sẽ đến thờ phượng trước mặt Ta. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán.” (Ê-sai 66:22-23).

Qua hai câu Thánh Kinh trên đây mà chúng ta biết rằng ngày Sa-bát thánh của Thiên Chúa vẫn còn trong trời mới đất mới và sẽ còn lại cho đến đời đời. Thật đáng run sợ thay cho những người nghe theo sự dạy dỗ sai trái của các giáo hội mà bác bỏ sự giữ ngày Sa-bát của Thiên Chúa, theo điều răn thứ tư.

Nhiều người ngày hôm nay cho rằng họ giữ ngày Sa-bát Chủ Nhật, nhưng đó là sự giữ ngày Sa-bát theo điều răn của loài người, không phải theo điều răn của Thiên Chúa. Đức Chúa Jesus Christ không phục sinh vào ngày Thứ Nhất trong tuần lễ [2], để biến ngày Sa-bát thành ngày Thứ Nhất. Cho dù Đức Chúa Jesus Christ có phục sinh vào ngày Thứ Nhất thì Thánh Kinh cũng không hề có mệnh lệnh đổi ngày Sa-bát Thứ Bảy thành ngày Thứ Nhất. Đức Chúa Trời không hề ban phước cho ngày Thứ Nhất, biệt riêng làm ngày thánh, làm ngày Sa-bát của Thiên Chúa.

25 Ban ngày, các cổng thành không hề đóng. Tại đó, không còn có ban đêm.

Câu này cho biết cổng thành không bao giờ đóng và tại thành thánh thì không có ban đêm. Điều này không hàm ý là khắp địa cầu không còn ban đêm. Nếu không còn ban đêm thì làm sao phân biệt được ngày trăng mới? Trạng từ “tại đó” là chỉ riêng về khu vực thuộc thành thánh. Tại thành thánh, ngày đêm giống nhau vì luôn được chiếu sáng bởi vinh quang của Đức Cha và Đức Con.

26 Họ sẽ đem sự vinh quang và sự oai nghi của các quốc gia vào trong thành.

Vào mỗi ngày Sa-bát và mỗi kỳ trăng mới, muôn dân trên đất cùng với các vua của họ sẽ đem những của lễ dâng hiến vào thành thánh để thờ phượng Thiên Chúa cùng với sự vinh quang và oai nghi của những dân tộc thuộc về Thiên Chúa.

27 Bất cứ một sự ô uế nào cũng sẽ không thể vào được trong thành. Cũng không một việc làm gớm ghiếc nào hoặc một lời nói dối nào được vào trong thành; nhưng chỉ những kẻ được ghi trong Sách Sự Sống của Chiên Con.

Câu này không hàm ý là lúc bấy giờ ngoài thành thánh thì có những sự ô uế, gớm ghiếc, dối trá. Nhưng câu này là lời cảnh cáo dành cho những con dân Chúa trong trời cũ đất cũ, tức là những con dân Chúa trong thời Hội Thánh, thời Đại Nạn, và thời Vương Quốc Ngàn Năm. Mặc dù một người đã thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, nhưng nếu trở lại sống trong tội, làm ra những việc ô uế, gớm ghiếc, hoặc nói dối thì sẽ bị xóa tên trong Sách Sự Sống đời đời.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ phu-lông (G4712) được dùng để chỉ một đơn vị đo lường của Hy-lạp có chiều dài tương đương từ 185 mét đến 192 mét. Chúng tôi chọn dùng con số 185 mét, theo định nghĩa của từ điển Thayer’s Greek Definitions.

Dưới đây là định nghĩa của danh từ “stadia” từ khu mạng mysite.du.edu (https://mysite.du.edu/~jcalvert/astro/stadia.htm):

“Thuật ngữ stadia đến từ danh từ số nhiều stadion của tiếng Hy-lạp, là chữ dùng cho một khoảng cách từ 185 đến 192 mét (607-630 feet). Là một chiều dài rất giống như phu-lông thời nay, hay là một phần tám của một dặm, 660 feet. Một “stadion” cũng là một đại lộ thể thao với những lối dài đặt ra cho cuộc thi và những chỗ ngồi cho những khán giả. Tiếng La-tinh stadium, stadia là sự vay mượn trực tiếp (từ tiếng Hy-lạp) với cùng một nghĩa.”

Nguyên văn: “The term stadia comes from the plural of the Greek stadion, the word for a distance of 185 to 192 metres (607-630 ft). A very similar length is the modern furlong, or eighth of a mile, 660 ft. A “stadion” was also an athletic venue, with lengths laid out for competition and seats for spectators. The Latin stadium, stadia was a direct borrowing with the same meaning.”

[2] Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh – Thánh Kinh Thần Học (timhieutinlanh.com)

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/