062 Những Ngày Sau Cùng

5,680 views

062 Những Ngày Sau Cùng

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

MediaFire: http://www.mediafire.com/file/z9fdibabnc9ug42/201703_NhungNgaySauCung.mp3

OpenDrive:

062_NhungNgaySauCung.mp3 – OpenDrive (od.lk)

SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201703-nhung-ngay-sau-cung

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Vào khoảng giữa thế kỷ 20, khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, thì sự tận thế được tiên tri trong Thánh Kinh cũng bắt đầu được nói đến nhiều trong các câu chuyện thường ngày. Trong mọi dân tộc, không riêng gì con dân Chúa mà cả những người không tin Chúa cũng rất quen thuộc với nhóm chữ: “những ngày sau cùng”. Nhiều người hiểu rằng, những ngày sau cùng là khoảng thời gian gần kề sự tận thế. Hiểu như vậy chỉ đúng một phần. Bởi vì, theo Thánh Kinh, khoảng thời gian gần kề sự tận thế không phải chỉ kéo dài trong vài năm, hay vài chục năm, hay thậm chí vài trăm năm, mà là trên hai ngàn năm. Ngoài ra, thuật ngữ “những ngày sau cùng” của Thánh Kinh còn bao gồm thời kỳ tận thế, kéo dài suốt bảy năm, còn gọi là thời bảy năm đại nạn, và thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Tính từ “sau cùng” được dùng để chỉ thời kỳ cuối cùng trong lịch sử của loài người và cũng là thời kỳ cuối cùng trong chương trình của Đức Chúa Trời đối với loài người trong đời này.

Thuật ngữ “những ngày sau cùng” được dùng trong Thánh Kinh bao gồm một khoảng thời gian kéo dài trên ba ngàn năm. Thời khoảng ấy bắt đầu từ khi Ngôi Lời nhập thế làm người và kết thúc với sự phán xét chung cuộc những người không tin Chúa. Liền sau đó là Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới.

Cách nay gần hai ngàn năm, trong ngày Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh giáng lâm trên Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, thì Sứ Đồ Phi-e-rơ đã trích dẫn lời tiên tri của Tiên Tri Giô-ên, được chép trong sách tiên tri Giô-ên 2:28-32 để công bố sự kiện con dân Chúa được đầy dẫy thánh linh chính là sự ứng nghiệm của lời tiên tri ấy. Lời công bố của Sứ Đồ Phi-e-rơ được Lu-ca ghi lại trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17-21, như sau:

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17-21

17 Đức Chúa Trời phán, sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng, Ta sẽ ban phát Đấng Thần Linh của Ta trên mọi xác thịt. Những con trai của các ngươi và những con gái của các ngươi sẽ nói tiên tri. Những người trẻ của các ngươi sẽ thấy những khải tượng. Những người già của các ngươi sẽ mơ những giấc mơ.

18 Thật vậy! Trên những đầy tớ trai của Ta và trên những đầy tớ gái của Ta, trong những ngày đó, Ta sẽ ban phát Đấng Thần Linh của Ta. Chúng nó sẽ nói tiên tri.

19 Ta sẽ ban cho những phép lạ trong trời cao và những dấu kỳ trên đất thấp: máu và lửa, và đám khói.

20 Mặt trời sẽ trở nên sự tối tăm và mặt trăng nên máu, trước khi ngày lớn và đáng nhớ của Chúa đến.

21 Và sẽ xảy ra: Hết thảy những người nào kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu [Giô-ên 2:28-32].

Đối chiếu với:

Giô-ên 2:28-32

28 Sẽ xảy ra sau đó, Ta sẽ tuôn đổ Thần Ta trên mọi xác thịt. Những con trai và những con gái của các ngươi sẽ nói tiên tri; những người già của các ngươi sẽ mơ những giấc mơ; những người trẻ của các ngươi sẽ thấy những khải tượng.

29 Trong những ngày đó, trên những đầy tớ trai và trên những đầy tớ gái, Ta cũng sẽ tuôn đổ Thần Ta.

30 Ta sẽ tỏ những sự lạ ra trong các tầng trời và trên đất: Máu và lửa, và những cột khói.

31 Mặt trời sẽ trở nên tối tăm và mặt trăng sẽ trở nên như máu, trước khi ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đến, vĩ đại và kinh khiếp!

32 Bấy giờ sẽ xảy ra, hết thảy những người nào gọi danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì sẽ được thoát khỏi, như Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán; vì Núi Si-ôn và Giê-ru-sa-lem sẽ có sự giải cứu cho những người còn sót lại mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ gọi.

Chúng ta thấy rõ, Sứ Đồ Phi-e-rơ khẳng định những điều Tiên Tri Giô-ên tiên tri và chép lại trong Giô-ên 2:28-29 đã bắt đầu ứng nghiệm cách nay gần hai ngàn năm, trong ngày Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh giáng lâm. Nhưng đó không phải là thời điểm khởi đầu của những ngày sau cùng. Thời điểm khởi đầu cách trước đó hơn ba mươi năm, vào một ngày thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus được hình thành trong lòng trinh nữ Ma-ri. Hê-bơ-rơ 1:1-2 xác định những ngày sau cùng bao gồm khoảng thời gian Đức Chúa Jesus Christ giảng dạy trên đất, vì thế những ngày sau cùng phải bao gồm khoảng thời gian Ngôi Lời nhập thế làm người:

“Thuở xưa, Đức Chúa Trời đã nhiều lần và nhiều cách phán với các tổ phụ bởi những tiên tri. Vào những ngày sau cùng này, Ngài phán với chúng ta bởi Con, Đấng mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật. Cũng qua Đấng ấy, Ngài đã dựng nên các thế giới.

Những điều được tiên tri trong Giô-ên 2:30-31 sẽ xảy ra trong Kỳ Tận Thế, tức là bảy năm đại nạn trên đất. Cùng lúc đó, những điều được tiên tri trong Giô-ên 2:28-29 vẫn tiếp diễn.

Ngày nay có nhiều người cho rằng, các cuộc nhật thực và nguyệt thực toàn phần trong vài năm qua là sự kiện lời tiên tri “mặt trời trở nên tối tăm và mặt trăng trở nên như máu” trong Giô-ên 2:31 được ứng nghiệm. Đó là sự hiểu lầm tai hại, dẫn đến những sự giải nghĩa sai các lời tiên tri khác về sự tận thế. Lời tiên tri trong Giô-ên 2:30-31 chỉ ứng nghiệm trong giai đoạn cuối của Kỳ Tận Thế, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 6:12 [1].

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của những câu Thánh Kinh có thuật ngữ “những ngày sau cùng” theo thứ tự xuất hiện trong Thánh Kinh và theo văn mạch của Thánh Kinh.

Trước hết là Ê-sai 2:1-5:

1 Lời mà Ê-sai, con trai của A-mốt, đã thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.

2 Sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng, núi của nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi. Mọi quốc gia sẽ trẩy hội về đó.

3 Nhiều dân tộc sẽ đến và nói: Hãy đến! Chúng ta hãy lên trên núi của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nơi nhà Thiên Chúa của Gia-cốp. Ngài sẽ dạy chúng ta về các đường lối của Ngài. Chúng ta sẽ đi trong các nẻo của Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn và lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem.

4 Ngài sẽ phán xét giữa các quốc gia, sẽ quở trách nhiều dân tộc. Họ sẽ rèn những gươm của họ thành lưỡi cày và những giáo của họ thành lưỡi liềm. Nước này sẽ chẳng còn giơ gươm lên nghịch lại nước khác. Họ cũng sẽ chẳng còn học tập sự chiến tranh.

5 Hỡi nhà Gia-cốp, hãy đến! Chúng ta hãy bước đi trong sự sáng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Ê-sai 2 ghi lại các lời tiên tri về những điều sẽ xảy ra trong Kỳ Tận Thế và trong thời Vương Quốc Ngàn Năm. Từ câu 1 đến câu 5 là lời tiên tri về thời Vương Quốc Ngàn Năm. Từ câu 6 đến câu 22 là lời tiên tri về Kỳ Tận Thế.

Trong thời Vương Quốc Ngàn Năm dân Do-thái (Giu-đa) và thủ đô Giê-ru-sa-lem sẽ được vinh quang vượt trên các dân, các nước, các thủ đô.

Những ngày sau cùng được nói đến trong câu 2 chỉ về thời Vương Quốc Ngàn Năm, theo sau bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế. Núi của nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Núi Si-ôn, nơi Đền Thờ Thiên Chúa và phía tây của thành Giê-ru-sa-lem tọa lạc. Nhà của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem. Vào cuối của Kỳ Tận Thế mọi núi đồi đều bị san bằng, mọi hải đảo đều bị chìm trong biển (Khải Huyền 16:20). Tuy nhiên Núi Si-ôn vẫn còn, Đền Thờ Thiên Chúa (sẽ được tái thiết trong một ngày rất gần đây, trễ lắm là trong ba năm rưỡi đầu của bảy năm đại nạn) vẫn còn, mặc dù thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị chia làm ba trong cơn động đất lớn cuối cùng (Khải Huyền 16:19). Có thể cơn động đất ấy sẽ nâng Núi Si-ôn và 1/3 của thành Giê-ru-sa-lem lên cao hơn. Chính vì mọi núi đồi khác trong thế gian đều sẽ bị san bằng vào cuối của Kỳ Tận Thế mà lời tiên tri: “núi của nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi” sẽ được ứng nghiệm theo nghĩa đen. Ngoài ra, núi của nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cũng có nghĩa là lãnh thổ của quốc gia I-sơ-ra-ên, và nhà của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là dân tộc I-sơ-ra-ên. “Mọi quốc gia sẽ trẩy hội về đó” có nghĩa là dân chúng từ các quốc gia trên thế giới sẽ tấp nập đổ về I-sơ-ra-ên, đến Giê-ru-sa-lem, để ra mắt Đức Chúa Jesus Christ tại Đền Thờ, trên Núi Si-ôn. Từ Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem, Đức Chúa Jesus Christ sẽ cai trị toàn thế gian trong thời Vương Quốc Ngàn Năm. Động từ “trẩy hội” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là tuôn chảy như một dòng nước.

Trong thời Vương Quốc Ngàn Năm, mọi dân tộc đều nhìn biết Thiên Chúa và hàng năm, vào các kỳ lễ hội, tức là bảy kỳ lễ hội của Thiên Chúa được ghi chép trong Lê-vi Ký 23, họ sẽ đổ về Giê-ru-sa-lem, lên Núi Si-ôn để thờ phượng Thiên Chúa, tức thờ phượng Đức Chúa Jesus Christ. Họ sẽ được nghe Đức Chúa Jesus Christ phán dạy trực tiếp. Mọi vấn đề liên quan đến luật pháp trong thời Vương Quốc Ngàn Năm sẽ được tuyên phán bởi Đức Chúa Jesus Christ từ Giê-ru-sa-lem và được thi hành bởi vương quyền của Ngài từ trên Núi Si-ôn.

Trong Vương Quốc Ngàn Năm, loài người vẫn có thể phạm tội và thực tế sẽ có nhiều người phạm tội. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ trong cương vị Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa sẽ quở trách và phán xét dân các nước. Khải Huyền 20:7-9 tiên tri rằng, vào cuối của thời Vương Quốc Ngàn Năm, Sa-tan được thả ra từ vực sâu trong âm phủ, sẽ dụ dỗ muôn dân trên đất theo nó tấn công Giê-ru-sa-lem. Số người nghe theo Sa-tan sẽ nhiều như cát bờ biển. Tuy nhiên, các dân tộc trên thế giới sẽ sống trong hoà bình, hạnh phúc suốt thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Những ai không phạm tội thì sẽ sống mãi cho đến khi Vương Quốc Ngàn Năm kết thúc thì thân thể được biến hóa để bước vào Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới. Những ai phạm tội thì sẽ không sống quá 100 tuổi:

“Tại đó, sẽ không còn nữa trẻ con chỉ sống vài ngày, cũng chẳng có người lớn nào chẳng trọn đời mình. Vì trẻ con sẽ chết lúc trăm tuổi là kẻ có tội lúc trăm tuổi, bị rủa sả.(Ê-sai 65:20).

Thời Vương Quốc Ngàn Năm cũng là thời kỳ để Thiên Chúa chứng minh cho loài người lẫn các thiên sứ thấy rằng, cho dù được sống trong cảnh thanh bình, thịnh trị do chính Đấng Christ cai trị trong trời đất đã được làm mới trở lại như vào buổi đầu sáng thế, và lòng người đầy dẫy tri thức về Thiên Chúa, vẫn có nhiều người chọn phạm tội. Trong Vương Quốc Ngàn Năm, ai nấy cũng sẽ đều biết về Thiên Chúa như chính A-đam và Ê-va đã từng biết, mà không cần ai dạy cho:

Chúng nó sẽ chẳng làm hại, chẳng hủy diệt trong cả núi thánh của Ta. Vì thế gian sẽ đầy dẫy sự tri thức về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, như nước che lấp biển.” (Ê-sai 11:9).

Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy người lân cận mình hay là anh em mình, nói rằng: Hãy nhìn biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì hết thảy chúng nó đều sẽ nhìn biết Ta, người nhỏ cũng như người lớn. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta sẽ tha sự gian ác của chúng nó, và Ta sẽ chẳng nhớ tội lỗi của chúng nó nữa.” (Giê-rê-mi 31:34).

sự nhận biết vinh quang Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ đầy dẫy khắp đất như nước đầy tràn biển.” (Ha-ba-cúc 2:14).

Câu 5 là lời kêu gọi dân I-sơ-ra-ên hãy đáp ứng lời kêu gọi của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu và bước đi trong sự sáng của Ngài, tức là bước đi trong chính Ngài, vì Ngài là đường đi và sự sáng (Giăng 14:6; 12:46).

Kế tiếp là Giê-rê-mi 30:24; 48:47 và 49:39. Giê-rê-mi 30 ghi lại lời tiên tri về sự Thiên Chúa sẽ đem dân I-sơ-ra-ên sau 70 năm bị lưu đày khắp nơi, về lại đất hứa; đồng thời cũng là lời tiên tri về sự Thiên Chúa sẽ đem dân I-sơ-ra-ên từ khắp nơi về lại đất hứa vào cuối Kỳ Tận Thế, sau khi Ngài đã đánh phạt các dân tộc theo chân AntiChrist bách hại dân I-sơ-ra-ên.

Sự nóng giận của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ chẳng trở về cho đến khi Ngài đã làm, cho đến khi ý định của lòng Ngài được thiết lập. Trong những ngày sau cùng, các ngươi sẽ hiểu điều đó.” (Giê-rê-mi 30:24).

Cơn thịnh nộ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trên các dân tộc sẽ chẳng ngưng cho đến khi ý định của Ngài đã hoàn thành, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 19:11-21. Giê-rê-mi 30:7 chép: “Ôi! Ngày đó thật lớn, đến nỗi chưa có ngày nào giống như vậy. Ấy là kỳ hoạn nạn của Gia-cốp! Nhưng nó sẽ được cứu thoát khỏi.”

Thuật ngữ “những ngày sau cùng” trong Giê-rê-mi 30:24 chỉ về những ngày tiếp liền sau Kỳ Tận Thế.

Cùng một lúc với sự đem dân I-sơ-ra-ên về lại đất hứa vào cuối Kỳ Tận Thế thì Thiên Chúa cũng đem các dân Mô-áp và Ê-lam trở về các vùng đất của họ.

Nhưng, trong những ngày sau cùng, Ta sẽ đem các phu tù Mô-áp trở về. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán vậy. Sự phán xét về Mô-áp chỉ đến đây.” (Giê-rê-mi 48:47).

Nhưng sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng, Ta sẽ đem các phu tù của Ê-lam trở về. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán vậy.” (Giê-rê-mi 49:39).

Dân Mô-áp là con cháu của Lót (Sáng Thế Ký 19:36-37), vốn sống trên vùng đất phía đông Biển Chết. Vùng đất ấy ngày nay thuộc miền trung của nước Giô-đanh. Ru-tơ, một trong các tổ mẫu của Đức Chúa Jesus Christ là người Mô-áp (Ru-tơ 1:4). Mặc dù Thi Thiên 83 liệt kê dân Mô-áp là một trong mười dân sẽ tiến đánh I-sơ-ra-ên, nhưng Đức Chúa Trời vẫn ban ơn thương xót cách đặc biệt cho họ. Có lẽ họ bị chính quyền Giô-đanh buộc phải tham dự cuộc tấn công I-sơ-ra-ên. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 388.000 Cơ-đốc nhân tại Giô-đanh. Trong Kỳ Tận Thế có thể sẽ có nhiều người tin Chúa thuộc dân Mô-áp. Họ sẽ là những người được Thiên Chúa đem về lại vùng đất cũ của họ và tái lập quốc gia Mô-áp.

Dân Ê-lam là con cháu của Sem, anh em cùng tổ phụ với dân I-sơ-ra-ên (Sáng Thế Ký 10:22), hiện nay là dân I-răn (Iran). Rất có thể trong cuộc chiến tại Trung Đông theo Thi Thiên 83 [2], ngoài thủ đô Đa-mách của Si-ri, thì các kho vũ khí cùng lò phản ứng hạt nhân của I-răn cũng sẽ bị I-sơ-ra-ên tấn công bằng đầu đạn nguyên tử, khiến cho dân I-răn phải đi tị nạn khắp nơi trên đất để tránh bị nhiễm độc phóng xạ. Giê-rê-mi 49:36 đã tiên tri như sau:

Ta sẽ khiến bốn cơn gió từ bốn phương trời đến trên Ê-lam. Ta sẽ làm tan lạc chúng nó theo các cơn gió đó; chẳng có nước nào mà những kẻ bị xua đuổi của Ê-lam chẳng đến.”

Sức mạnh tên lửa của I-răn sẽ bị hủy diệt hoàn toàn (Giê-rê-mi 49:35). Chính phủ của I-răn cũng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn (Giê-rê-mi 49:38). Tuy nhiên, con dân Chúa tại I-răn lúc bấy giờ, tức là những người tin Chúa trong Kỳ Tận Thế, sẽ được Chúa cứu, đem đi tị nạn khắp nơi, và sau Kỳ Tận Thế sẽ được Thiên Chúa đem về, tái lập quốc. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 380.000 Cơ-đốc nhân tại I-răn.

Thuật ngữ “những ngày sau cùng” trong Giê-rê-mi 48:47 và 49:39 chỉ về những ngày liền sau Kỳ Tận Thế.

Kế tiếp là Ê-xê-chi-ên 38:16. Vào những ngày đầu của Kỳ Tận Thế, sau khi AntiChrist đã ký hòa ước bảy năm với I-sơ-ra-ên thì nước Nga cùng các đồng minh Hồi Giáo Châu Âu sẽ bất ngờ tấn công I-sơ-ra-ên một cách vũ bão. Ê-xê-chi-ên 38 và 39 ghi lại lời tiên tri về cuộc chiến ấy [3], [4]. Tuy nhiên, chính Thiên Chúa sẽ ra tay đánh tan quân lực của liên minh Nga và các nước Hồi Giáo Châu Âu.

Hỡi Gót! Ngươi sẽ lên nghịch lại dân I-sơ-ra-ên của Ta, như một đám mây che phủ đất. Sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng. Ta sẽ đem ngươi nghịch lại đất của Ta, để cho các dân ngoại quốc sẽ biết Ta, khi Ta sẽ được tỏ ra thánh bởi ngươi, trước mắt chúng nó.” (Ê-xê-chi-ên 38:16).

Thuật ngữ “những ngày sau cùng” trong Ê-xê-chi-ên 38:16 chỉ về Kỳ Tận Thế.

Kế tiếp, ba câu còn lại trong Cựu Ước dùng thuật ngữ “những ngày sau cùng”, ngoài Đa-ni-ên 10:14 bao gồm Kỳ Tận Thế, hai câu trong Ô-sê 3:5 và Mi-chê 4:1 đều chỉ về thời Vương Quốc Ngàn Năm.

Ta đến để khiến ngươi hiểu sự sẽ xảy đến cho dân ngươi trong những ngày sau cùng; vì khải tượng này là cho nhiều ngày về sau.” (Đa-ni-ên 10:14).

Sau đó, con cái I-sơ-ra-ên sẽ trở lại tìm kiếm Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Thiên Chúa của chúng nó, và Đa-vít vua của chúng nó; và sẽ kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và sự từ ái của Ngài trong những ngày sau cùng.” (Ô-sê 3:5).

Sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng, núi của nhà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được thiết lập trên đỉnh các núi, và sẽ được nhấc cao hơn các đồi. Các dân sẽ trẩy hội về đó…” (Mi-chê 4:1).

Sang đến thời Tân Ước thì trước hết là trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17-21, Sứ Đồ Phi-e-rơ đã nhắc lại lời tiên tri của Giô-ên và công bố một phần của lời tiên tri ấy đang được ứng nghiệm trước mắt đám đông tại Giê-ru-sa-lem.

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17-21

17 Đức Chúa Trời phán, sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng, Ta sẽ ban phát Đấng Thần Linh của Ta trên mọi xác thịt. Những con trai của các ngươi và những con gái của các ngươi sẽ nói tiên tri. Những người trẻ của các ngươi sẽ thấy những khải tượng. Những người già của các ngươi sẽ mơ những giấc mơ.

18 Thật vậy! Trên những đầy tớ trai của Ta và trên những đầy tớ gái của Ta, trong những ngày đó, Ta sẽ ban phát Đấng Thần Linh của Ta. Chúng nó sẽ nói tiên tri.

19 Ta sẽ ban cho những phép lạ trong trời cao và những dấu kỳ trên đất thấp: máu và lửa, và đám khói.

20 Mặt trời sẽ trở nên sự tối tăm và mặt trăng nên máu, trước khi ngày lớn và đáng nhớ của Chúa đến.

21 Và sẽ xảy ra: Hết thảy những người nào kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu [Giô-ên 2:28-32].

Sự kiện Thiên Chúa đổ thần linh của Ngài trên loài người, con trai và con gái loài người nói tiên tri, những người trẻ thấy khải tượng, những người già mơ những giấc mơ đã ứng nghiệm từ khi Hội Thánh được thành lập cách nay gần 2.000 năm và Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh ngự vào thân thể của con dân Chúa. Nói tiên tri vừa bao gồm nói những lời tiên tri công bố sự trở lại của Đấng Christ, sự tận thế, sự thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm, sự phán xét chung cuộc, sự tái lập một trời mới đất mới, vừa bao gồm những lời kêu gọi những kẻ có tội ăn năn. Thấy khải tượng là đang lúc còn thức, nhìn thấy những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai, y theo các lời tiên tri trong Thánh Kinh. Mơ những giấc mơ là trong khi ngủ thì nằm mơ thấy những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai, y theo các lời tiên tri trong Thánh Kinh. Sự thấy khải tượng và nằm mơ này nhằm gây dựng đức tin cho con dân Chúa.

Lời tiên tri được nhắc đến trong câu 19 và 20 sẽ ứng nghiệm liền trước và trong Kỳ Tận Thế.

Thuật ngữ “những ngày sau cùng” trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17-21 chỉ về một khoảng thời gian dài chừng 2.000 năm, bắt đầu từ khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người và kết thúc khi Ngài tái lâm trên đất, tiêu diệt AntiChrist rồi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm.

Các câu Thánh Kinh còn lại trong Tân Ước dùng thuật ngữ “những ngày sau cùng” đều chỉ về thời kỳ của Hội Thánh, từ khi Hội Thánh được thành lập cho đến khi Hội Thánh được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế.

Hãy biết điều này: Trong những ngày sau cùng, những thời kỳ khó khăn sẽ đến.” (II Ti-mô-thê 3:1).

“Vào những ngày sau cùng này, Ngài phán với chúng ta bởi Con, Đấng mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật. Cũng qua Đấng ấy, Ngài đã dựng nên các thế giới.(Hê-bơ-rơ 1:2).

Vàng bạc của các anh chị em bị hoen gỉ. Sự hoen gỉ của chúng sẽ là chứng cớ nghịch lại các anh chị em và sẽ như lửa ăn thịt các anh chị em. Các anh chị em đã thu trữ cho những ngày sau cùng!” (Gia-cơ 5:3).

Trước hết, hãy biết rằng, trong những ngày sau cùng, sẽ có những kẻ nhạo báng, đi theo sự tham muốn của chúng nó…” (II Phi-e-rơ 3:3).

Chúng ta thấy, tùy theo văn mạch của Thánh Kinh mà thuật ngữ “những ngày sau cùng” được dùng để chỉ những khoảng thời gian khác nhau. Cách dùng thông dụng nhất là chỉ về thời kỳ Hội Thánh, dài khoảng 2.000 năm. Tuy nhiên, “những ngày sau cùng” bắt đầu từ khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người cho đến khi kết thúc sự phán xét chung cuộc. Đó là một khoảng thời gian dài trên 3.000 năm, gọi chung là thời kỳ Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi cho loài người.

Lịch sử loài người được chia làm ba thời kỳ chính, như sau:

  • Thời kỳ loài người được dựng nên và vô tội: Bắt đầu từ khi A-đam và Ê-va được dựng nên và kết thúc với sự kiện cả hai bị đuổi ra khỏi cảnh vườn tại Ê-đen, vì phạm tội. Chúng ta không biết chính xác thời kỳ này kéo dài bao lâu, nhưng rất ngắn. Có thể từ vài ngày đến vài tháng.

  • Thời kỳ loài người sống trong tội, chờ đợi ân điển cứu chuộc của Thiên Chúa: Bắt đầu từ khi A-đam và Ê-va bị đuổi ra khỏi cảnh vườn tại Ê-đen và kết thúc với sự Thiên Chúa hoàn toàn yên lặng đối với loài người trong suốt khoảng 400 năm. Thời kỳ này kéo dài khoảng bốn ngàn năm, chia thành các giai đoạn chính như sau:

  1. Giai đoạn loài người phát triển thành mười bộ tộc, kết thúc bởi Cơn Lụt Lớn.

  2. Giai đoạn phát triển của ba sắc dân chính ra từ ba người con trai của Nô-ê, kết thúc với sự ngôn ngữ bị xáo trộn.

  3. Giai đoạn Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời kêu gọi làm nguồn phước cho muôn dân, kết thúc với việc mười hai chi phái I-sơ-ra-ên định cư tại xứ Ê-díp-tô.

  4. Giai đoạn dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời kêu gọi ra khỏi xứ Ê-díp-tô làm một dân tộc thánh cho Ngài, kết thúc với việc dân I-sơ-ra-ên lập quốc tại Ca-na-an.

  5. Giai đoạn dân I-sơ-ra-ên bị lưu đày biệt xứ bảy mươi năm vì phạm tội, kết thúc với việc dân I-sơ-ra-ên được trở về xây dựng lại Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa.

  6. Giai đoạn dân I-sơ-ra-ên nguội lạnh trong sự tin kính Thiên Chúa, kết thúc với việc Đức Chúa Trời im lặng đối với loài người.

  • Thời kỳ Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi và phán xét loài người: Bắt đầu từ khi Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, nhập thế làm người để mang sự cứu chuộc đến cho loài người, và kết thúc với sự phán xét chung cuộc của Thiên Chúa trên những ai không tin nhận Ngài. Thời kỳ này kéo dài hơn ba ngàn năm, chia thành các giai đoạn chính, như sau:

  1. Giai đoạn Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri, kết thúc khi Ngài được sinh ra trong thế gian, mang tên là Jesus.

  2. Giai đoạn Thiên Chúa trong thân vị loài người hoàn toàn sống như một người, kết thúc khi Ngài chịu báp-tem vào trong sự hình phạt tội lỗi thay cho nhân loại, và nhận lãnh thánh linh để thi hành chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, vua.

  3. Giai đoạn Đức Chúa Jesus Christ chuẩn bị cho chức vụ, kết thúc khi Ngài thắng sự cám dỗ của Ma Quỷ.

  4. Giai đoạn Đức Chúa Jesus Christ thi hành chức vụ, kết thúc với sự chết của Ngài trên thập tự giá.

  5. Giai đoạn chuẩn bị cho sự thành lập Hội Thánh, kết thúc với sự Đức Chúa Jesus Christ thăng thiên.

  6. Giai đoạn thuộc về thời kỳ Hội Thánh, kết thúc khi Đức Chúa Jesus Christ trở lại, đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Đây là giai đoạn dài nhất, gần hai ngàn năm. Chúng ta đang sống vào những ngày cuối của giai đoạn này. Đức Chúa Jesus Christ có thể trở lại bất kỳ lúc nào. Hội Thánh phải tỉnh thức, chờ trông Chúa đến, sẵn sàng để ra đi với Ngài.

  7. Giai đoạn thuộc thời kỳ tận thế, kéo dài suốt bảy năm, kết thúc khi Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất, tiêu diệt AntiChrist cùng những kẻ tin theo AntiChrist, và nhốt Sa-tan vào vực sâu trong âm phủ.

  8. Giai đoạn thuộc thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, do Đức Chúa Jesus Christ cầm quyền cai trị từ Giê-ru-sa-lem, kết thúc khi trận chiến cuối cùng xảy ra với những người không tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, và Sa-tan bị ném vào hỏa ngục. Trong giai đoạn này, ai không phạm tội thì cứ sống mãi cho đến khi bước vào Vương Quốc Đời Đời. Ai phạm tội thì sẽ không sống quá 100 tuổi.

  9. Giai đoạn Thiên Chúa thi hành sự phán xét chung cuộc trên toàn thể những người không tin nhận Thiên Chúa trong mọi thời đại, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15.

Sau đó là sự Thiên Chúa tái lập trời mới đất mới và thiết lập Vương Quốc Đời Đời.

Như vậy, chúng ta thấy rõ, qua sự trình bày của Thánh Kinh, trọn thời kỳ Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi cho loài người được Thánh Kinh gọi chung là “những ngày sau cùng”. Sau cùng là sau cùng trong chương trình của Thiên Chúa đối với loài người trong cuộc đời này. Thời kỳ ấy bắt đầu từ khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người và kết thúc với sự phán xét chung cuộc những người không có tên trong Sách Sự Sống.

Chúng ta cần ghi nhớ điều quan trọng này: Sự phán xét thế gian đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử loài người, bao gồm sự phán xét cá nhân, sự phán xét một gia đình, một nhóm người, hay cả một dân tộc, và sự phán xét chung toàn thể loài người như sự phán xét toàn thế gian bằng Cơn Lụt Lớn. Trong Kỳ Tận Thế toàn thế gian cũng sẽ bị phán xét trong suốt bảy năm bằng các thiên tai, chiến tranh, đói kém, dịch bệnh, và bằng sự tấn công của các tà linh vô cùng khủng khiếp, chưa từng thấy trong lịch sử của loài người. Sự phán xét trong Kỳ Tận Thế là lớn nhất vì Rương Giao Ước chứa hai bảng đá, ghi chép Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, sẽ hiện ra ở trên trời, để làm nền tảng cho sự phán xét:

“Rồi, Đền Thờ của Đức Chúa Trời được mở ra ở trên trời. Rương Giao Ước của Ngài được thấy trong Đền Thờ của Ngài. Có những chớp nhoáng, những âm thanh, và những sấm vang, cùng cơn động đất và mưa đá lớn. (Khải Huyền 11:19).

Chắc chắn là hai bảng đá do chính ngón tay của Thiên Chúa ghi chép Mười Điều Răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18) vẫn có đủ Mười Điều Răn chứ không thiếu điều răn thứ tư. Chắc chắn, điều răn thứ tư cũng không hề có sự sửa ngày Sa-bát từ ngày Thứ Bảy thành ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật hoặc Chúa Nhật, hay là thành bất cứ ngày nào khác trong tuần lễ, tùy ý lựa chọn của loài người.

Tuy nhiên, sau những sự phán xét loài người phải chịu trong đời này, bất cứ ai không ở trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa, không có tên trong Sách Sự Sống của Thiên Chúa, thì những người ấy còn phải chịu sự phán xét chung cuộc, như đã tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15, sau khi thân thể xác thịt của họ được sống lại.

Các câu Thánh Kinh sau đây cho biết thế gian đang chịu sự phán xét:

“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu. Vì Đức Chúa Trời đã sai Con của Ngài vào trong thế gian, chẳng phải để định tội thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con ấy mà được cứu. Ai tin nơi Ngài thì chẳng bị định tội nhưng ai không tin thì đã bị định tội rồi, vì đã không tin nơi danh Con Một của Đức Chúa Trời.(Giăng 3:16-18).

Hiện giờ, là sự phán xét thế gian này, và hiện nay, kẻ cầm đầu của thế gian này sẽ bị ném ra ngoài.” (Giăng 12:31).

Tôi mong rằng bất cứ ai nghe bài giảng này sẽ được Đức Thánh Linh cáo trách để họ thức tỉnh, thật lòng ăn năn tội, thật lòng tin nhận hoàn toàn sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và thật lòng sống thánh khiết, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, để họ được thoát khỏi sự phán xét chung cuộc, mà vui hưởng sự sống đời đời trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời muốn cứu rỗi chúng ta và ban ơn cứu rỗi cho chúng ta. Đức Chúa Jesus Christ thi hành và trả giá cho sự cứu rỗi chúng ta. Đức Thánh Linh biến cho sự cứu rỗi của chúng ta thành hiện thực và giúp chúng ta bảo tồn sự cứu rỗi ấy. Nhưng mỗi người trong chúng ta phải tự mình quyết định nhận hay không nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi có điều kiện chứ không phải hoàn toàn vô điều kiện như một số giáo hội giảng dạy. Điều kiện ấy bao gồm hai phương diện, như hai mặt của một đồng tiền, không thể thiếu một phương diện nào. Thiếu một trong hai thì không đáp ứng đủ điều kiện để được cứu rỗi:

  • Người muốn được cứu phải thật lòng ăn năn tội, tức là chán ghét tội, hối hận vì đã phạm tội, và quyết tâm không tiếp tục sống trong tội.

  • Người muốn được cứu rỗi phải thật lòng tin nhận hoàn toàn sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, không thêm bất cứ một điều gì vào.

Tuy nhiên, được cứu rỗi chỉ là cơ hội và phương tiện để một người có đủ tư cách tiếp nhận sự sống đời đời, chứ sự cứu rỗi không đương nhiên khiến cho chúng ta được nhận sự sống đời đời. Sự sống đời đời do Đức Chúa Trời ban cho những ai đã ở trong sự cứu rỗi và vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, được gọi là những thánh đồ của Đức Chúa Trời. Khải Huyền 14:12 đã nói rõ: “…thánh đồ… là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus.”

Sự sống đời đời được Đức Chúa Trời ban cho qua Đức Chúa Jesus Christ với một điều kiện duy nhất: Vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa (Ma-thi-ơ 19:16-19; Mác 10:17-19; Lu-ca 10:25-28). Một số người biện luận là Thánh Kinh nói chỉ cần nhìn biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ thì được sự sống đời đời, và họ trưng dẫn Giăng 17:3. Nhưng nhìn biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là gì? Cũng chính Sứ Đồ Giăng đã định nghĩa sự biết Chúa như sau:

Và bởi điều này mà chúng ta biết mình đã biết Ngài: ấy là chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy.” (I Giăng 2:3-4).

Người thật sự biết Chúa là người hết lòng vâng giữ các điều răn của Chúa.

Chúng ta được cứu rỗi nhờ ân điển, tức là ơn thương xót của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta và bởi đức tin tức là đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, chứ không phải bởi sự chúng ta vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Nhưng sau khi được cứu mà chúng ta không vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, thì chúng ta lại trở về tình trạng phạm tội. Nếu không kịp thời ăn năn trước khi qua đời thì chúng ta sẽ bị hư mất. Cũng có thể người trở lại sống trong tội sau khi đã được cứu sẽ không còn được Đức Chúa Trời ban thêm cơ hội để ăn năn, như Hê-bơ-rơ 6:4-8 và 10:26-29. Sứ Đồ Phi-e-rơ nói về những người ấy như sau:

Vì nếu sau khi chúng nó đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, nhờ sự tri thức về Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, rồi chúng nó lại vướng mắc những sự đó và bị bắt phục, thì sự kết thúc sau này của chúng nó sẽ xấu hơn lúc đầu. Vì thà chúng nó không biết đường công chính, thì tốt cho chúng nó hơn là sau khi chúng nó biết rồi, lại lui đi về điều răn thánh đã ban truyền cho chúng nó. Nhưng, đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ chân thật: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-rơ 2:20-22).

Mỗi người chúng ta hãy nhìn lại chính mình, xem mình có phải thật sự đã được cứu và có đang thật sự vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa để được sự sống đời đời.

Hãy đến với lẽ thật của Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Đừng tin theo những sự giảng dạy nghịch Thánh Kinh của các giáo sư giả và các giáo hội mang danh Chúa. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phi-e-rơ đã cảnh cáo con dân Chúa:

Nhưng trong dân chúng cũng đã có những tiên tri giả, và ngay cả trong các anh chị em cũng sẽ có những giáo sư giả, là những kẻ sẽ đem vào những tà giáo đáng diệt, đến nỗi chối bỏ Chúa đã chuộc chúng nó, tự đem cho chúng nó sự hủy diệt thình lình.” (II Phi-e-rơ 2:1).

Hãy đọc lại II Phi-e-rơ 2 để nhận diện các giáo sư giả và những tín đồ giả hình trong Hội Thánh.

Đừng trở nên một trong những kẻ mà Đức Thánh Linh đã lên án trong II Ti-mô-thê 4:3-4, như sau:

“Vì sẽ có một thời, khi họ không giữ lấy giáo lý lành, nhưng theo sự ham muốn bất chính của họ, nhóm hiệp cho mình các giáo sư giảng nghe sướng lỗ tai. Thực tế, họ sẽ xoay lỗ tai khỏi lẽ thật, mà hướng về những chuyện nhảm nhí.

Nguyện Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật luôn dẫn dắt chúng ta vào mọi lẽ thật của Thánh Kinh. Nguyện Đức Chúa Trời, Cha kính yêu ở trên trời của chúng ta, thánh hóa chúng ta và bảo vệ chúng ta bằng lẽ thật mỗi ngày. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ, Đấng đứng đầu những người chăn, ban cho chúng ta sự vui thỏa ăn nuốt và tiêu hóa Lời Chúa trong mọi nơi mọi lúc. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/01/2017

Ghi Chú

[1] https://kytanthe.net/?p=147

[2] Cuộc Chiến tại Trung Đông Theo Thi Thiên 83: https://kytanthe.net/?p=88

[3] Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39 (1) https://kytanthe.net/?p=99

[4] Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39 (2) https://kytanthe.net/?p=108

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/