031 Chú Giải Khải Huyền 04:01-11 Vinh Quang của Thiên Đàng: Ngai của Đức Chúa Trời

7,738 views

YouTube: https://youtu.be/zTJTnWWDEek

031 Chú Giải Khải Huyền 4:1-11
Vinh Quang của Thiên Đàng: Ngai của Đức Chúa Trời

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
031_ChuGiaiKhaiHuyen_04_1-11.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Chương Hai: Đấng Christ và Thời Đại Nạn: từ đoạn 4:1 đến đoạn 18:24. Chương này nói về sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với thế gian và dân tộc I-sơ-ra-ên trong khoảng thời gian bảy năm.

I. Vinh quang của thiên đàng (4:1-5:14)

1. Ngai của Đức Chúa Trời (4:1-11)

2. Chiên Con và cuộn sách (5:1-7)

3. Bài ca tôn vinh Chiên Con (5:8-14)

Vinh Quang của Thiên Đàng: Ngai của Đức Chúa Trời

Khải Huyền 4:1-11

1 Sau những sự này, tôi nhìn xem, và này, một cái cửa mở ra trên trời. Tiếng đầu tiên mà tôi nghe như một tiếng loa, phán với tôi rằng: Hãy lên đây và Ta sẽ cho ngươi thấy những gì sẽ xảy ra sau những sự này.

2 Liền theo đó, trong thần linh, tôi nhìn thấy một ngai được đặt trên trời, có một Đấng ngự trên ngai.

3 Đấng ngồi đó trông rực rỡ như ngọc thạch anh và ngọc mã não. Có cầu vồng, nhìn như là ngọc lục cẩm thạch, bao chung quanh ngai.

4 Chung quanh ngai ấy lại có hai mươi bốn ngai và tôi thấy hai mươi bốn trưởng lão mặc áo trắng, trên đầu đội mão bằng vàng, đang ngồi trên các ngai ấy.

5 Từ nơi ngai chính phát ra chớp nhoáng, sấm vang và âm thanh. Bảy ngọn đèn lửa đang cháy trước ngai là Bảy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời.

6 Trước ngai có một biển thủy tinh trong như pha lê. Giữa và chung quanh ngai có bốn sinh vật mà phía trước và phía sau đầy những mắt.

7 Sinh vật thứ nhất giống như sư tử, sinh vật thứ nhì giống như bò đực, sinh vật thứ ba có mặt như người và sinh vật thứ tư giống như đại bàng đang bay.

8 Mỗi sinh vật trong bốn sinh vật ấy có sáu cánh bao phủ và bên trong cánh có đầy những mắt. Ngày đêm chúng nói không ngừng nghỉ: Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay! Chúa, Đức Chúa Trời Toàn Năng; Đấng Đã Có, Hiện Có, và Còn Đến!

9 Khi các sinh vật dâng sự vinh quang, sự tôn quý và lời cảm tạ lên Đấng đang ngự trên ngai: Đấng Sống Đời Đời;

10 thì hai mươi bốn trưởng lão hạ mình xuống trước Đấng đang ngự trên ngai mà thờ phượng Đấng Sống Đời Đời. Họ ném mão mình trước ngai, thưa rằng:

11 Lạy Chúa, Ngài đáng nhận sự vinh quang, sự tôn quý và quyền lực vì Ngài đã tạo dựng muôn vật. Vì ý muốn Ngài mà muôn vật hiện hữu và đã được tạo thành.


1 Sau những sự này, tôi nhìn xem, và này, một cái cửa mở ra trên trời. Tiếng đầu tiên mà tôi nghe như một tiếng loa, phán với tôi rằng: Hãy lên đây và Ta sẽ cho ngươi thấy những gì sẽ xảy ra sau những sự này.

Sau những sự này tức là sau tất cả những gì mà Giăng đã thấy và nghe, đã được ghi lại trong Khải Huyền từ đoạn 1 đến đoạn 3. Tức là sự ông được Đức Thánh Linh thần cảm trong một ngày Sa-bát, cho ông được nhìn thấy khải tượng Đức Chúa Jesus Christ đang đi lại giữa Hội Thánh, và truyền cho ông ghi lại bảy lá thư của Chúa gửi cho bảy Hội Thánh.

Giăng tiếp tục quan sát và ông thấy một cái cửa mở ra ở trên trời. Rồi, ông nghe có một tiếng phán rõ và lớn như một tiếng loa phán với ông: “Hãy lên đây và Ta sẽ cho ngươi thấy những gì sẽ xảy ra sau những sự này.” Đấng phán với Giăng chính là Đức Chúa Jesus Christ. Bởi vì, Ngài vừa phán cho ông ghi chép nội dung của bảy lá thư, và Ngài là Đấng ban cho ông khải tượng về tương lai của Kỳ Tận Thế (Khải Huyền 1:19). Lên đây tức là lên trên trời, là vào trong thiên đàng. Giăng đang ở trên mặt đất trong thân thể thiêng liêng của ông, và tiếp theo lời phán đó của Chúa, thì Giăng và thân thể thiêng liêng của ông được vào ngay thiên đàng.

Thiên đàng còn được Thánh Kinh gọi là tầng trời thứ ba (II Cô-rinh-tô 12:2), và dựa theo khoa học, thì chúng ta có thể nói: Tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển của địa cầu, tầng trời thứ nhì là không gian bao la của vũ trụ, tầng trời thứ ba ở bên ngoài thế giới vật chất, là thiên đàng, là nơi ngự của Thiên Chúa. Muốn vào đến tầng trời thứ ba thì phải vượt qua tầng trời thứ nhất và tầng trời thứ nhì. Muốn vượt qua tầng trời thứ nhì bằng vận tốc ánh sáng, thì phải mất đến khoảng 78 tỉ năm, nếu địa cầu nằm ở trung tâm của vũ trụ, khác với con số 13,7 tỉ năm ánh sáng từng được đưa ra trước đây. Tin khoa học vào ngày 24/5/2004 cho chúng ta biết bề rộng của vũ trụ được ước tính là 156 tỉ năm ánh sáng [1]. Thế mà, chỉ trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn của thời gian, Giăng đã từ mặt đất vào tận trong thiên đàng. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu thế giới thuộc linh hoàn toàn khác với thế giới thuộc thể và có năng lực khống chế thế giới thuộc thể.

Sự kiện Giăng nhìn thấy một cái cửa mở ra ở trên trời cũng cần được chúng ta hiểu là ông thấy cánh cửa của thiên đàng, cánh cửa của thế giới thuộc linh dẫn vào nơi Thiên Chúa ngự. Lúc Giăng nhìn thấy cánh cửa ấy, ông vẫn còn ở trên mặt đất, trong thân thể thiêng liêng của ông. Và như vậy, khoảng cách của không gian vật chất dường như là vô nghĩa đối với thế giới thuộc linh.

2 Liền theo đó, trong thần linh, tôi nhìn thấy một ngai được đặt trên trời, có một Đấng ngự trên ngai.

Nhóm chữ “liền theo đó” cho thấy khoảng cách không gian và thời gian trong thế giới vật chất của chúng ta hoàn toàn vô nghĩa đối với thế giới thuộc linh. Bởi vì, ngay lập tức Giăng và thân thể thiêng liêng của ông, tức tâm thần, tức thể thần linh, vượt qua một khoảng cách vô cùng lớn trong một thời lượng vô cùng nhỏ, để từ mặt đất vào tận trong thiên đàng, nhìn thấy ngai của Đức Chúa Trời. Giăng nhắc lại rằng, “trong thần linh, tôi nhìn thấy” giúp cho chúng ta hiểu, Giăng ý thức được ông đang nhìn thấy khải tượng, và ông ý thức mọi sự ông thấy và nghe là ông đang ở trong thế giới thuộc linh mà nhận thức. Có nghĩa là, cho dù sau đó ông nghe và thấy những điều xảy ra trên đất, thì sự nghe và thấy của ông vẫn là từ trong thế giới thuộc linh. Nói cách khác, sau này, mỗi chúng ta sẽ được nhìn thấy những cảnh tượng thực sự xảy ra trên đất trong Kỳ Tận Thế, y như Giăng đã nhìn thấy trong khải tượng của ông.

3 Đấng ngồi đó trông rực rỡ như ngọc thạch anh và ngọc mã não. Có cầu vồng, nhìn như là ngọc lục cẩm thạch, bao chung quanh ngai.

Giăng diễn tả sự vinh quang của Thiên Chúa Ngôi Cha như sự rực rỡ của ngọc thạch anh (jasper) và ngọc mã não (sardine/carmelian). Ngọc thạch anh thường có nhiều màu sắc khác nhau, nhưng có lẽ ngọc thạch anh được nói đến ở đây là loại ngọc thạch anh có màu đỏ sậm như trang phục của những nhà vua, nói lên sự vinh quang của Đấng Chủ Tể Muôn Loài. Mà cũng có thể là loại ngọc thạch anh hiếm và quý, trong như thủy tinh, hình thức của một loại kim cương quý, tiêu biểu cho sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Ngọc mã não thì luôn có màu đỏ như máu, tiêu biểu cho công cuộc cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người, bởi sự đổ máu của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, và như vậy, tiêu biểu cho sự yêu thương của Ngài. Cầu vồng tiêu biểu cho sự thành tín của Đức Chúa Trời về mọi lời hứa của Chúa (tham khảo Sáng Thế Ký 9:12-17). Màu xanh lá cây của ngọc lục cẩm thạch (emerald) tiêu biểu cho sự công chính của Ngài. Trong thiên nhiên, màu xanh lá cây là màu của sự sống, sự sống chỉ có khi sự công chính của Đức Chúa Trời không bị vi phạm, vì thế màu xanh lá cây vừa tiêu biểu cho sự sống vừa tiêu biểu cho sự công chính. Hễ ở trong sự công chính của Chúa thì có sự sống.

Từ ngữ “bao chung quanh ngai” cho thấy cầu vồng này có thể là một hình tròn hào quang màu xanh lá cây phát ra chung quanh ngai của Đức Chúa Trời, chứ không phải là một hình bán nguyệt từ bên này ngai, vòng lên phía trên, qua phía bên kia ngai.

4 Chung quanh ngai ấy lại có hai mươi bốn ngai và tôi thấy hai mươi bốn trưởng lão mặc áo trắng, trên đầu đội mão bằng vàng, đang ngồi trên các ngai ấy.

Từ ngữ “chung quanh” khiến cho chúng ta hiểu rằng, ngai của Đức Chúa Trời được đặt ở giữa 24 ngai của các trưởng lão. Các ngai của các trưởng lão tạo thành một hình tròn, chung quanh ngai của Đức Chúa Trời. Có một điều khó cho chúng ta suy tưởng, nhưng có thể xảy ra; đó là, rất có thể, dù cho ở tại bất cứ vị trí nào từ 24 ngai của các trưởng lão, thì mỗi trưởng lão cũng đều đối diện với Đấng Ngồi trên ngai. Mỗi người đều ở trước mặt Đức Chúa Trời. Hiểu như vậy thì nhóm chữ “trước mặt Thiên Chúa” hay “trước mặt Đức Chúa Trời” hoàn toàn mang một ý nghĩa đặc biệt. Đó là: Ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào thì muôn loài thọ tạo cũng đều ở trước mặt Thiên Chúa, trước mặt Đức Chúa Trời.

Từ ngữ “hai mươi bốn ngai” được dùng trong câu này, cho thấy các trưởng lão ngồi trên 24 ngai ấy cầm quyền cai trị. Mão vàng trên đầu của mỗi trưởng lão cũng nói lên thẩm quyền cai trị được ban cho họ. Hai mươi bốn trưởng lão không phải là các thiên sứ mà là loài người. Bởi vì dựa vào Khải Huyền 5:9, thì các trưởng lão này xưng nhận họ thuộc về những người đã được cứu chuộc “từ mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân, và mọi quốc gia cho Đức Chúa Trời.”

Chúng ta không biết chính xác 24 trưởng lão này là ai. Có quan điểm cho rằng đó là 12 tộc trưởng của 12 chi phái I-sơ-ra-ên và 12 sứ đồ của Chúa. Khải Huyền 21:12 và 14 cho chúng ta biết, tên của 12 chi phái I-sơ-ra-ên được viết trên 12 cửa và tên 12 sứ đồ được viết trên 12 nền của thành thánh Giê-ru-sa-lem, sẽ từ thiên đàng giáng xuống đất trong Vương Quốc Đời Đời. Tuy nhiên, có vài điểm dưới đây khiến cho chúng ta khó mà chấp nhận quan điểm ấy:

  • 12 tổ phụ của I-sơ-ra-ên không thuộc về Hội Thánh. Họ là những thánh đồ thời Cựu Ước.

  • 12 tổ phụ của I-sơ-ra-ên và 12 sứ đồ của Chúa đều là dân I-sơ-ra-ên thì không thể tự xưng nhận họ là những người được cứu “từ mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân, và mọi quốc gia cho Đức Chúa Trời” (Khải Huyền 5:9).

  • Nếu Giăng là một sứ đồ của Chúa cũng có mặt trong số 24 trưởng lão đang ngồi trên ngai, thì tại sao lại có một trong 24 trưởng lão ấy an ủi Giăng, khi ông khóc vì không thấy ai mở ấn của cuộn sách có bảy dấu ấn (Khải Huyền 5:4-5)?

Chúng tôi tin rằng, 12 tổ phụ I-sơ-ra-ên và 12 sứ đồ của Chúa đã có địa vị tôn trọng trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời, khi tên của họ được viết trên 12 cửa và 12 nền của thành thánh. Còn 24 trưởng lão ngồi trên ngai là đại diện cho con dân Chúa trong Hội Thánh từ ngày Hội Thánh được thành lập vào năm 27 cho đến khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian. Cả Hội Thánh đều được Đức Chúa Jesus Christ ban cho địa vị làm vua và thầy tế lễ trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, như I Phi-e-rơ 2:9 và Khải Huyền 1:6 đã cho chúng ta biết. Hai mươi bốn trưởng lão đại diện cho Hội Thánh làm công việc tế lễ thờ phượng Đức Chúa Trời và cai trị vương quốc của Ngài. Con số 24 được chia theo phiên thứ của các thầy tế lễ thời Cựu Ước hầu việc Chúa trong Đền Thờ của Đức Chúa Trời (I Sử Ký 24). Còn ai là 24 trưởng lão thì không có chi tiết nào khác trong Thánh Kinh giúp cho chúng ta biết. Chúng ta phải chờ cho đến ngày Chúa đem chúng ta ra khỏi thế gian, vào trong thiên đàng. Tuy nhiên, chắc chắn 24 trưởng lão của Hội Thánh là những người xuất sắc nhất trong lịch sử Hội Thánh.

5 Từ nơi ngai chính phát ra chớp nhoáng, sấm vang và âm thanh. Bảy ngọn đèn lửa đang cháy trước ngai là Bảy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời.

Từ nơi ngai chính tức là từ nơi ngai của Đức Chúa Trời, phát ra những tia chớp, tiếng sấm vang, và các âm thanh.

Chúng ta biết hiện tượng chớp nhoáng trong thế giới vật chất xảy ra khi có mưa giông là do các tinh thể nước đá, tức những hạt nước mưa bị đông lạnh, va chạm lẫn nhau trong các đám mây, tạo thành một sự tích tụ điện tử, tức là các hạt chứa điện âm hoặc dương (electrons and protons) trong các khối mây. Các dương điện tử ở phần trên của khối mây và các âm điện tử ở phần dưới của khối mây. Vì sự hấp dẫn giữa các điện tử nghịch chiều đối với nhau nên các dương điện tử trên mặt đất sẽ dồn lại phía dưới khối mây để gặp các âm điện tử ở tầng dưới của khối mây. Các dương điện tử sẽ tập trung chung quanh những vật nhô lên cao khỏi mặt đất, như một thân cây, một người, v.v.. Khi các âm điện tử từ khối mây thòng xuống chạm vào các dương điện tử từ mặt đất vươn lên, thì một sự nổ xảy ra, tạo thành chớp nhoáng gọi là sét và tiếng nổ lớn gọi là sấm, tiếng nổ đó âm vang trong không khí tạo thành một chuỗi âm thanh kéo dài. Tuy nhiên, chúng ta không biết sự gì tạo ra chớp nhoáng, sấm vang và âm thanh từ nơi ngai của Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ có thể hiểu đây là biểu hiện sự oai nghi của Thiên Chúa.

Bảy ngọn đèn lửa đang cháy trước ngai là Bảy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời: Trong Khải Huyền 1:4 đã nói đến Bảy Đấng Thần Linh ở trước ngai của Đức Chúa Trời. Ý nghĩa của danh xưng “Bảy Đấng Thần Linh” đã được giải thích trong phần chú giải Khải Huyền 1:4. Xin nhắc lại cách ngắn gọn ở đây [2]:

Từ ngữ “Bảy Đấng Thần Linh”, được đặt ngang hàng với các danh xưng Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ, chính là một danh xưng của Đức Thánh Linh, được dùng theo phép ngoa dụ để nhấn mạnh đến bảy phương diện công vụ của Ngài đối với loài người:

1. Đức Thánh Linh an ủi: Giăng 14:16.

2. Đức Thánh Linh giảng dạy: Giăng 14:26; 16:13-15.

3. Đức Thánh Linh hướng dẫn: Giăng 16:13a; Rô-ma 8:14.

4. Đức Thánh Linh cáo trách về tội lỗi: Giăng 16:8.

5. Đức Thánh Linh làm chứng: Rô-ma 8:16; Ê-phê-sô 1:13; 4:30; I Giăng 5:9.

6. Đức Thánh Linh cầu thay: Rô-ma 8:26-27.

7. Đức Thánh Linh ban ân tứ: I Cô-rinh-tô 12:1-11.

Qua Khải Huyền 1:4, chúng ta nhận thấy, Đức Thánh Linh chính là Thiên Chúa, vì ân điển và bình an cũng đến từ Ngài.

Thiên Chúa Ngôi Cha ngự trên ngai. Thiên Chúa Ngôi Con ngự bên hữu Thiên Chúa Ngôi Cha. Thiên Chúa Ngôi Đức Thánh Linh hiện diện trước ngai và ngự trong thân thể con dân Chúa.

Trong Khải Huyền 4:5 chúng ta biết thêm một chi tiết nữa về Bảy Đấng Thần Linh tiêu biểu cho Đức Thánh Linh. Đó là, Ngài được thể hiện như bảy ngọn đèn lửa đang cháy trước ngai của Đức Chúa Trời. Đèn lửa tiêu biểu cho sự soi sáng, chiếu ra lẽ thật, và đem lại hơi ấm thuộc linh cho con dân Chúa. Con số bảy tiêu biểu cho sự đầy đủ và trọn vẹn của năng lực Thiên Chúa được thể hiện qua Đức Thánh Linh.

6 Trước ngai có một biển thủy tinh trong như pha lê. Giữa và chung quanh ngai có bốn sinh vật mà phía trước và phía sau đầy những mắt.

Trước ngai có một biển thủy tinh trong như pha lê: Chúng ta thật sự không biết biển thủy tinh được nói đến ở đây là gì. Biển nói đến sự lớn rộng, thủy tinh nói đến sự trong suốt. Biển thủy tinh là biển trong suốt như thủy tinh, như pha lê hay biển thủy tinh là một vật thể rộng mênh mông được tạo thành bởi chất thủy tinh. Có thể nào, đó chính là cái sàn rộng mênh mông bằng thủy tinh để con dân Chúa ra mắt Chúa? Tính chất trong suốt của thủy tinh và pha lê nói đến sự không có gì che giấu, tất cả đều lộ ra trước mặt Chúa như Hê-bơ-rơ 4:13 đã chép:

“Chẳng có tạo vật nào không hiện ra trước mặt Ngài, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Ngài, Đấng mà chúng ta phải thưa trình.”

Biển thủy tinh còn được nhắc lại trong Khải Huyền 15:2 như là chỗ đứng của các con dân Chúa trong thời Đại Nạn, là những người đã thắng được AntiChrist, giữ vững đức tin.

Giữa và chung quanh ngai có bốn sinh vật mà phía trước và phía sau đầy những mắt: Thánh Kinh không diễn tả nhiều về các sinh vật này, cũng không dùng danh xưng thiên sứ để gọi họ. Chúng ta có thể hiểu đó là những thần linh cùng đẳng cấp với các thiên sứ, được Thiên Chúa tạo ra để tôn vinh Ngài, phục vụ chung quanh ngai của Ngài. Đây cũng có thể là các sinh vật được gọi là Sê-ra-phim (Ê-sai 6) và Chê-ru-bim (Ê-xê-chi-ên 10). Rất có thể thân hình của bốn sinh vật này ở chính giữa và phía dưới của ngai, còn đầu thì vươn ra bốn phía chung quanh ngai. Chúng ta khó mà hình dung ra một sinh vật mà phía trước và phía sau đầu đều có nhiều con mắt. Sự diễn tả của Giăng giúp cho chúng ta hiểu là bốn sinh vật này nhìn thấy tất cả những gì xảy ra chung quanh ngai của Đức Chúa Trời.

7 Sinh vật thứ nhất giống như sư tử, sinh vật thứ nhì giống như bò đực, sinh vật thứ ba có mặt như người và sinh vật thứ tư giống như đại bàng đang bay.

Sư tử là vua của các loài thú rừng, tiêu biểu cho sức mạnh, quyền cai trị. Bò đực là vua của các loài gia súc, tiêu biểu cho sức làm việc bền bỉ. Người tiêu biểu cho sự khôn sáng, thông sáng hơn hết trong muôn loài trên đất. Đại bàng là vua các loài chim, với sức bay cao và bay nhanh, đại bàng đang bay tiêu biểu cho sự nhanh nhẹn. Bốn sinh vật này nói lên bốn đặc tính sự cai trị của Đức Chúa Trời: Vương quốc của Ngài được cai trị bởi sự khôn sáng, thông sáng, bởi thẩm quyền tuyệt đối, bởi năng lực bền bỉ, và thánh ý của Ngài được hoàn thành cách nhanh nhẹn, chính xác.

8 Mỗi sinh vật trong bốn sinh vật ấy có sáu cánh bao phủ và bên trong cánh có đầy những mắt. Ngày đêm chúng nói không ngừng nghỉ: Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay! Chúa, Đức Chúa Trời Toàn Năng; Đấng Đã Có, Hiện Có, và Còn Đến!

Mỗi sinh vật trong bốn sinh vật ấy có sáu cánh bao phủ và bên trong cánh có đầy những mắt: Chẳng những các sinh vật có mắt phía trước và phía sau đầu, mà còn có mắt trong ba đôi cánh. Theo Ê-sai 6:2 thì các Sê-ra-phim có hai cánh che mặt, hai cánh phủ chân, và hai cánh dùng để bay. Cánh che mặt có thể hiểu là bày tỏ sự khiêm nhường trước sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Cánh phủ chân có thể hiểu là bày tỏ sự tôn nghiêm trước mặt Đức Chúa Trời. Cánh để bay có thể hiểu là chức năng di chuyển ngai của Đức Chúa Trời theo thánh ý Ngài. Nhiều mắt trong cánh tiêu biểu cho sự quan sát trọn vẹn để làm thành chức vụ được Đức Chúa Trời giao phó.

Bốn sinh vật ngày đêm nói không ngừng nghỉ: “Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay!” để tôn vinh sự thánh khiết của Thiên Chúa. Sự kiện lời tôn vinh “Thánh thay!” được lập lại ba lần cũng là một gợi ý cho chúng ta biết lời tôn vinh này hướng về cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Mặc dù không phải lúc nào Đức Chúa Con cũng ngự bên tay hữu của Đức Chúa Cha, còn Đức Thánh Linh thì luôn hiện diện trước ngai và ngự trong thân thể của con dân Chúa.

Danh xưng Chúa, cũng như danh xưng Thiên Chúa, hoặc danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được dùng để gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa, hoặc để gọi riêng từng thân vị Thiên Chúa. Ở đây, danh xưng này được dùng để gọi Đức Chúa Cha, và Ngài là Đức Chúa Trời Toàn Năng, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Cách gọi “Đấng Đã Có, Hiện Có, và Còn Đến” là một cách nói khác của danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

9 Khi các sinh vật dâng sự vinh quang, sự tôn quý và lời cảm tạ lên Đấng đang ngự trên ngai: Đấng Sống Đời Đời;

Bên cạnh chức năng nâng đỡ và bảo vệ ngai của Đức Chúa Trời, bốn sinh vật còn có chức năng dâng sự vinh quang, sự tôn quý, và lời cảm tạ lên Đức Chúa Trời. Và, danh “Đấng Sống Đời Đời” được nói đến ở đây là một hình thức của danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”.

10 thì hai mươi bốn trưởng lão hạ mình xuống trước Đấng đang ngự trên ngai mà thờ phượng Đấng Sống Đời Đời. Họ ném mão mình trước ngai, thưa rằng:

Hai mươi bốn trưởng lão cũng dự phần trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Hành động ném mão vàng trước Ngai của Đức Chúa Trời nói lên sự họ dâng lên Chúa quyền cai trị và sự vinh quang Chúa đã ban cho họ.

11 Lạy Chúa, Ngài đáng nhận sự vinh quang, sự tôn quý và quyền lực vì Ngài đã tạo dựng muôn vật. Vì ý muốn Ngài mà muôn vật hiện hữu và đã được tạo thành.

Thánh Kinh cho chúng ta biết, Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài vạn vật. Thiên Chúa Ngôi Đức Chúa Trời thể hiện ý chí của Thiên Chúa. Thiên Chúa Ngôi Lời thể hiện hành động của Thiên Chúa. Thiên Chúa Ngôi Thần Linh thể hiện năng lực của Thiên Chúa. Lời ca tụng của các trưởng lão ở đây là lời ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa về sự vinh quang, sự tôn quý, và quyền lực của Thiên Chúa đã thể hiện qua công cuộc sáng tạo. Lời tôn vinh ấy, được các trưởng lão thay cho Hội Thánh, dâng lên Đức Chúa Trời, là Đấng đại diện của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

[1] http://www.cnn.com/2004/TECH/space/05/24/universe.wide/

[2] https://kytanthe.net/?p=114

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/