084 Sự Dâng Sinh Tế Con Bò Cái Sắc Hoe Trong Năm 2024

173 views

YouTube: https://youtu.be/1avtbv7_HOM

084 Sự Dâng Sinh Tế Con Bò Cái Sắc Hoe
Trong Năm 2024

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Có một sự dâng sinh tế rất quan trọng trong thời Cựu Ước. Đó là sự dâng một con bò cái con sắc hoe làm của lễ thiêu, rồi tro của nó được cất vào một nơi tinh sạch. Khi cần thì tro ấy được pha với nước đang chảy, rảy trên người bị ô uế để khiến cho người ấy được tinh sạch. Nước đang chảy là nước lấy trực tiếp từ một dòng nước đang chảy. Trong tiếng Hê-bơ-rơ gọi là “nước sống”.

Điều luật về việc dâng sinh tế này được ghi lại trong Dân Số Ký đoạn 19. Con sinh phải là một con bò cái con sắc hoe, không tật, không vết, và chưa mang ách. Nó được mang ra bên ngoài trại quân và bị giết trước mặt Thầy Tế Lễ Ê-lê-a-sa. Vào lúc đó, A-rôn là thầy tế lễ thượng phẩm, còn Ê-lê-a-sa là con trai của A-rôn, làm thầy tế lễ phụ trách về dầu thắp đèn, hương liệu, của lễ chay thường dâng, dầu xức, cả Đền Tạm, và hết thảy mọi vật trong Nơi Thánh với đồ phụ tùng của Nơi Thánh. Ê-lê-a-sa dùng ngón tay nhúng máu nó, rảy bảy lần về phía lều trại của hội chúng. Rồi, người ta sẽ thiêu con bò đó: thịt, da, máu, và phân, trước mặt Ê-lê-a-sa. Ê-lê-a-sa sẽ lấy nhánh hương nam, chùm kinh giới, và chỉ len màu đỏ sậm, ném vào giữa đám lửa thiêu. Ê-lê-a-sa và người thiêu con bò phải giặt y phục, tắm mình trong nước, bị ô uế đến tối. Một người tinh sạch hốt tro của con bò cái con, đổ bên ngoài trại quân, trong một nơi tinh sạch. Tro ấy được giữ lại để khi cần đến thì pha với nước đang chảy, làm nghi thức tẩy uế cho những người và đồ vật bị ô uế.

Một người bị ô uế khi đụng vào xác chết, hoặc hài cốt của loài người, hoặc mồ mả. Khi có người chết trong lều trại thì ai bước vào đó sẽ bị ô uế. Mọi vật ở trong lều trại đó đều bị ô uế. Thời gian bị ô uế là bảy ngày. Tro của con bò cái con sắc hoe được cho vào một cái bình và pha với nước đang chảy. Trong ngày thứ ba và trong ngày thứ bảy, kể từ khi bị ô uế, một người tinh sạch sẽ lấy chùm kinh giới, nhúng vào nước đó, rồi rảy trên lều trại có người chết, trên các bình trong lều trại, trên những người có mặt tại đó, trên người đã đụng xác chết, hoặc đã đụng hài cốt, hoặc đã đụng mồ mả. Ngày thứ bảy, người đang được thanh tẩy phải giặt y phục của mình, tắm mình trong nước, và đến tối mới được tinh sạch.

Về ý nghĩa Thần học của việc dâng con bò cái con sắc hoe làm sinh tế thì quý ông bà, anh chị em có thể đọc, nghe bài giảng: “Bò Cái Sắc Hoe và Sự Tái Thiết Đền Thờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” đã được chúng tôi đăng trên khu mạng: timhieuthanhkinh.com [1].

Trong bài này, chúng tôi chỉ nói về mục đích và ý nghĩa của sự dân I-sơ-ra-ên đã quyết định dâng sinh tế con bò cái sắc hoe, vào ngày Lễ Vượt Qua năm nay, nhằm ngày 22/04/2024.

Theo tin thời sự thì tổ chức Núi Đền Thờ (Temple Mount), một tổ chức tư nhân tại I-sơ-ra-ên, đã nộp đơn với văn phòng cảnh sát I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem, xin được dâng sinh tế con bò cái sắc hoe, vào ngày Lễ Vượt Qua, tại Đền Thờ Hồi Giáo Al-Aqsa, trên Núi Đền Thờ [2]. Đền thờ này ở về phía nam và đối diện với Đền Thờ Hồi Giáo Vòm Đá nổi tiếng (Dome of the Rock) có mái vòm màu vàng. Không có bản tin nào cho biết, chính quyền I-sơ-ra-ên có cho phép hay không. Và nếu như chính quyền I-sơ-ra-ên cho phép thì liệu những người Hồi Giáo có để yên cho dân I-sơ-ra-ên dâng sinh tế, ngay tại Đền Thờ Hồi Giáo, hay không. Chúng tôi nghĩ rằng, đây chỉ là cách những người I-sơ-ra-ên bảo thủ đánh lạc hướng dân Ả-rập Hồi Giáo để họ có thể bất ngờ dâng sinh tế tại bàn thờ vừa được xây dựng trên Núi Ô-li-ve, đối ngang Núi Đền Thờ [3]. Con bò cái sắc hoe và một số của lễ khác vẫn có thể được dâng trên bàn thờ mới được xây dựng này. Dân Hồi Giáo ngăn cản việc dân I-sơ-ra-ên dâng sinh tế bằng con bò cái sắc hoe, là vì họ xem đó là sự dân I-sơ-ra-ên hăm dọa về sự hủy phá hai Đền Thờ Hồi Giáo trên Núi Đền Thờ của họ.

Hiện tại, trong năm con bò cái sắc hoe được đưa từ Texas, Hoa Kỳ sang I-sơ-ra-ên hồi tháng 9/2022, có một con bị loại vì có hơn một sợi lông khác màu. Bốn con còn lại đang được nuôi dưỡng tại Si-lô, trong một khu định cư của I-sơ-ra-ên, và đã sẵn sàng cho sự dâng làm sinh tế. Chúng được chăm sóc chu đáo và được canh giữ để không bị quân khủng bố sát hại. Chúng phải được dâng trong năm 2024, trước khi quá hạn tuổi. Truyền thống của Do-thái Giáo dựa vào Sáng Thế Ký 15:9 mà quy định con bò cái sắc hoe phải từ 3 tuổi cho tới dưới 4 tuổi. Vì thế, nếu qua hết năm 2024 mà việc dâng sinh tế không thể xảy ra, thì dân I-sơ-ra-ên phải chờ cho có một con bò cái sắc hoe mới, đủ tiêu chuẩn, theo quy định của Thánh Kinh.

Thánh Kinh không ấn định thời điểm dâng con bò cái sắc hoe. Từ sau khi con bò cái sắc hoe thứ nhất được dâng theo lời phán của Đức Chúa Trời, như được ghi lại trong Dân Số Ký đoạn 19, thì mỗi khi số tro gần hết, các thầy tế lễ lại dâng một sinh tế mới. Cũng theo truyền thống của Do-thái Giáo, từ thời Môi-se cho tới khi Đền Thờ thứ nhì bị lính La-mã hủy diệt vào năm 70, có chín con bò cái sắc hoe đã được dâng làm sinh tế. Như vậy, lần dâng con bò cái sắc hoe sắp tới sẽ là lần thứ mười.

Người I-sơ-ra-ên bảo thủ mong muốn sớm tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa để tiếp đón Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ. Họ không tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ và họ vẫn mong chờ Đấng Christ. Chỉ khi Đấng Christ đến thì I-sơ-ra-ên mới có sự bình an. Chúng ta cần nhớ rằng, ngay từ ngày đầu tái lập quốc cho tới nay, dân I-sơ-ra-ên vẫn đang sống trong chiến tranh. Họ trông chờ vào lời phán của Chúa, đã được Tiên Tri A-ghê ghi lại.

A-ghê 2:6-9

6 Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán như vầy: Còn một lần, ít lâu nữa, Ta sẽ làm rúng động các tầng trời và đất, biển và đất khô.

7 Ta cũng sẽ làm rúng động hết thảy các quốc gia và sự ham muốn của hết thảy các quốc gia sẽ đến. Ta sẽ làm cho vinh quang đầy dẫy nhà này. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán.

8 Bạc là của Ta, vàng là của Ta. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán.

9 Vinh quang của nhà này về sau sẽ lớn hơn vinh quang trước đó. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán. Và trong chốn này, Ta sẽ ban sự bình an. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán.

Muốn tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa thì có hai nan đề mà dân I-sơ-ra-ên cần giải quyết. Nan đề thứ nhất là phá hủy hai Đền Thờ Hồi Giáo trên Núi Đền Thờ. Vì hai đền thờ này đã được xây dựng trên nền của Đền Thờ Thiên Chúa. Nan đề thứ nhì là phải có tro của con bò cái sắc hoe để làm nghi thức thanh tẩy Núi Đền Thờ, trước khi tái xây dựng Đền Thờ. Sau đó, còn làm nghi thức thanh tẩy cho các thầy tế lễ, trước khi họ có thể bước vào Đền Thờ để phụng sự Thiên Chúa.

Một số người I-sơ-ra-ên bảo thủ tin rằng, chỉ cần dâng con bò cái sắc hoe thì Đức Chúa Trời sẽ hành động để phá hủy hai Đền Thờ Hồi Giáo. Khi đó, họ có thể tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa. Chính vì vậy mà họ đã cho xây một bàn thờ dâng của lễ trên Núi Ô-li-ve, đối ngang Núi Đền Thờ, để có thể sớm tiến hành việc dâng con bò cái sắc hoe.

Thực tế, Viện Đền Thờ (The Temple Institute), một tổ chức tư nhân, đã tái chế đầy đủ các vật dụng cần thiết trong Đền Thờ [4]. Họ đã huấn luyện những người Lê-vi cho chức vụ thầy tế lễ và phụng sự trong Đền Thờ. Họ cũng đã có đủ phương tiện, nhân lực, và tài vật để tái xây dựng Đền Thờ. Nói cách khác, chỉ cần có tro của con bò cái sắc hoe để làm nghi thức thanh tẩy và hai Đền Thờ Hồi Giáo trên Núi Đền Thờ bị san bằng, thì dân I-sơ-ra-ên có thể tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa trong vòng ba tháng, phục hồi sự phụng sự Thiên Chúa trong Đền Thờ, theo sự quy định thời Cựu Ước.

Đối với con dân Chúa trong Hội Thánh thì những sự dâng tế lễ theo các quy định thời Cựu Ước và xây dựng một Đền Thờ Thiên Chúa bằng vật chất là không cần thiết. Vì Đấng Christ đã hoàn thành sự chuộc tội cho loài người và thân thể của mỗi con dân Chúa cùng Hội Thánh chung là Đền Thờ của Thiên Chúa. Nhưng đối với dân I-sơ-ra-ên không tin nhận Đấng Christ, họ vẫn chịu sự ràng buộc của Giao Ước Cũ. Vì thế, lòng tin và niềm khao khát về sự tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa, phục hồi các nghi thức thờ phượng Thiên Chúa theo sự quy định của Cựu Ước, vẫn nóng cháy trong lòng những người I-sơ-ra-ên bảo thủ, từ năm 70 cho tới nay.

Sự kiện dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc trên miền Đất Hứa Ca-na-an một cách độc lập, có đầy đủ chủ quyền, được quốc tế công nhận, sau hơn 2.500 năm vong quốc. Sự kiện dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem sau Cuộc Chiến Sáu Ngày. Sự kiện I-sơ-ra-ên vẫn đứng vững trước sự tấn công của các sắc dân theo Hồi Giáo, ngay từ ngày đầu tái lập quốc. Sự kiện I-sơ-ra-ên được các quốc gia tây phương theo Cơ-đốc Giáo, nhất là Hoa Kỳ, yểm trợ. Sự kiện I-sơ-ra-ên đã khiến cho sa-mạc trổ hoa. Sự kiện các con bò cái sắc hoe xuất hiện. Sự kiện dân I-sơ-ra-ên đã sẵn sàng cho sự tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa. Cùng với tình hình thời sự tại Trung Đông gần đây, khiến cho chúng ta hiểu rằng, Đức Chúa Trời đã bắt đầu hành động để đưa dân I-sơ-ra-ên vào tuần lễ năm cuối cùng của 70 tuần lễ năm, mà Ngài đã định cho họ:

Có bảy mươi tuần năm định trên dân ngươi và thành thánh ngươi, để đóng lại sự phạm pháp, kết thúc sự phạm tội, làm sự chuộc tội, và đem sự công chính đời đời vào, để kết thúc khải tượng và lời tiên tri, và để xức dầu cho sự rất thánh.” (Đa-ni-ên 9:24).

Quý ông bà, anh chị em có thể đọc, nghe bài giảng: “Bảy Mươi Tuần Lễ Năm của Đa-ni-ên” đã được chúng tôi đăng trên khu mạng kytanthe.net [5].

Một tuần lễ năm bao gồm bảy năm. Tuần lễ năm cuối cùng Đức Chúa Trời định cho dân I-sơ-ra-ên cũng chính là bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế. Kỳ Tận Thế sẽ bắt đầu ngay sau khi Đức Chúa Trời đóng ấn 144.000 người trong 12 chi phái của I-sơ-ra-ên (Khải Huyền 7:4). Trước đó, có thể Đền Thờ Thiên Chúa sẽ được dân I-sơ-ra-ên tái xây dựng. Trước khi dân I-sơ-ra-ên tái xây dựng Đền Thờ thì có thể cuộc chiến theo Thi Thiên 83 sẽ xảy ra, khiến cho hai Đền Thờ Hồi Giáo trên Núi Đền Thờ bị hủy diệt.

Vào ngày 01/04/2024, quân lực I-sơ-ra-ên đã dùng chiến đấu cơ F-35 bắn sáu hỏa tiễn vào Lãnh Sự Quán của Iran tại Syria, giết chết 16 người. Trong số người chết có viên tướng chỉ huy Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo khu vực Syria-Lebanon và bảy sĩ quan cao cấp của Iran. Phía I-sơ-ra-ên cho biết, căn nhà bị không kích không phải là Lãnh Sự Quán của Iran mà là bộ chỉ huy quân sự của lực lượng quân sự Iran, ngụy trang như nhà của thường dân.

Vào ngày 13/04/2024, quân lực Iran đã trả đũa, bằng cách tiến hành một cuộc tấn công trên không. Iran đã bắn hơn 300 vũ khí tầm xa vào I-sơ-ra-ên, bao gồm ít nhất 170 máy bay không người lái, 30 tên lửa hành trình, và 120 tên lửa đạn đạo. Cuộc tấn công đó là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất trong lịch sử, được Iran mô tả là một thành công của Iran và là một thất bại của I-sơ-ra-ên. Nhưng I-sơ-ra-ên cho biết, lực lượng phòng không của họ, được hỗ trợ bởi lực lượng của các đồng minh, đã phá hủy tất cả máy bay không người lái và hầu hết các hỏa tiễn. Một quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố rằng, 5 tên lửa đạn đạo của Iran đã rơi xuống căn cứ không quân Nevatim, gây hư hại cho một máy bay vận tải C-130, một đường băng không được sử dụng và các kho chứa trống. Ngoài ra, bốn tên lửa đạn đạo khác đã rơi xuống căn cứ không quân Ramon. Tổng thiệt hại gây ra trong cuộc tấn công là tối thiểu và không có tổn thất về nhân mạng.

Vào ngày 19/04/2024, theo nguồn tin từ Hoa Kỳ và Anh, quân lực I-sơ-ra-ên đã tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp có giới hạn vào bảy mục tiêu trên lãnh thổ Iran, đặc biệt là các căn cứ ra-đa bảo vệ các cơ sở hạt nhân của Iran. Không quân I-sơ-ra-ên đã từ không phận của Iraq và Syria bắn hỏa tiễn vào các mục tiêu trên lãnh thổ Iran. I-sơ-ra-ên không chính thức xác nhận cuộc không kích. Iran cũng chưa chính thức cáo buộc I-sơ-ra-ên là thủ phạm. Cũng chưa có thông tin chính xác về mức độ thiệt hại, nhưng Iran tuyên bố sự thiệt hại không đáng kể và sẽ không phản ứng trả đũa. Giới quan sát quốc tế cho rằng, Iran dằn lòng, chịu đựng để không mở rộng cuộc chiến trực tiếp giữa Iran và I-sơ-ra-ên. Trong khi đó, I-sơ-ra-ên đang nghiên cứu kết quả để rút kinh nghiệm cho đợt tấn công kế tiếp. Vì I-sơ-ra-ên đã nói rõ, là sẽ đáp trả sự Iran trực tiếp tấn công vào lãnh thổ của I-sơ-ra-ên một cách thích đáng.

Rất có thể cuộc chiến trực tiếp giữa Iran và I-sơ-ra-ên sẽ mở rộng và trở thành cuộc chiến theo Thi Thiên 83. Rất có thể trong lần Iran phản công sắp tới thì các hỏa tiễn từ Iran sẽ phá hủy hai Đền Thờ Hồi Giáo, giúp cho I-sơ-ra-ên nhanh chóng tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa. Nhưng cũng có thể Đức Chúa Trời sẽ khiến cho một cơn động đất xảy ra và phá sập hai đền thờ đó.

Điều đáng nói là, nếu dân I-sơ-ra-ên có thể tiến hành dâng con bò cái sắc hoe vào ngày Lễ Vượt Qua sắp tới, ngày 22/04/2024, hoặc vào ngày Lễ Ngũ Tuần sắp tới, ngày 12/06/2024 thì chúng ta có thể hiểu rằng, đó là dấu hiệu Đền Thờ Thiên Chúa sắp được dân I-sơ-ra-ên tái xây dựng.

Năm 2024 là một năm sẽ mang đến nhiều dấu hiệu giúp cho con dân Chúa nhận biết, ngày Chúa đến đã rất gần. Dù rằng các dấu hiệu đó không phải là điều kiện phải xảy ra trước khi Chúa đến. Chúa có thể đến bất kỳ lúc nào và chúng ta chính là thế hệ nhìn thấy cây vả I-sơ-ra-ên được trồng trở lại trên vùng Đất Hứa Ca-na-an đã đâm chồi lá mới. Thế hệ chúng ta sẽ không qua đi, trước khi Đấng Christ đến và Kỳ Tận Thế hoàn tất. Lời Chúa đã khẳng định như vậy:

Ma-thi-ơ 24:32-35

32 Hãy học ngụ ngôn về cây vả. Khi nhánh của nó còn non, lá mới đâm, thì các ngươi biết rằng, mùa hạ gần đến.

33 Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng, sự ấy là gần, ngay trước các cửa. [Sự ấy tức là sự Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất. Một số bản dịch Anh ngữ dịch rằng: Ngài đã gần, ngay trước các cửa!]

34 Thật! Ta nói với các ngươi, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho tới khi mọi điều ấy được ứng nghiệm! [Thế hệ này là thế hệ của những người nhìn thấy sự kiện nhành non của cây vả ra lá, biểu tượng cho sự dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc rồi chiếm lại quyền làm chủ thành thánh Giê-ru-sa-lem.]

35 Trời đất sẽ qua nhưng lời Ta nói chẳng bao giờ qua đi.

Khi ôn lại tình hình thời sự trên thế giới, kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay, chúng tôi nhận thấy, mọi biến chuyển đều là dấu hiệu cho thấy, Đức Chúa Trời sắp kết thúc sự tự trị của loài người, sau khoảng 6.000 năm, bằng Kỳ Tận Thế. Đó là giai đoạn Đức Chúa Trời hình phạt toàn thế gian và những người I-sơ-ra-ên cứng lòng, trước khi Đấng Christ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm trên đất. Chúng tôi tin rằng, Đấng Christ sẽ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế, như lời Ngài đã hứa trong Khải Huyền 3:10. Hội Thánh chắc chắn sẽ không phải đi qua bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế. Vì đó là sự thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất không thuộc về Hội Thánh.

Là con dân Chúa, chúng ta đã được Chúa báo cho biết trước chương trình, ý định của Ngài dành cho loài người, báo trước những gì sẽ xảy ra trong những ngày cuối cùng này. Vì thế, chúng ta không cần phải hoang mang, lo lắng, hoặc sợ hãi, dù có thể chúng ta sẽ phải chịu khổ một thời gian ngắn, trước khi Chúa đến (Khải Huyền 2:10). Chúng ta cần dự trữ thức ăn, nước uống, chất đốt, và các nhu yếu phẩm khác, cùng các phương tiện tự vệ. Thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, loạn lạc, cướp bóc… có thể xảy ra liền ngay trước ngày Chúa đến. Sự bách hại đức tin có thể sẽ xảy ra và chúng ta sẽ phải trốn tránh từ nơi này sang nơi khác, kể cả con dân Chúa đang sống trong các nước thuộc tây phương. Nhưng chính Chúa sẽ giữ gìn chúng ta trong cánh bóng toàn năng của Ngài. Chúng ta hãy hết lòng giữ vững đức tin. Chúng ta hãy hết lòng sống theo Lời Chúa. Chúng ta hãy khích lệ lẫn nhau, cùng nhau sẵn sàng đón chờ Đấng Christ.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/04/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/than-hoc-bo-cai-sac-hoe-va-su-tai-thiet-den-tho-dang-tu-huu-hang-huu/

[2] https://blazingpress.com/breaking-red-heifer-sacrifice-confirmation-date-confirmed-documents-submitted-officially-for-22nd-of-april/

[3] https://opentheword.org/2024/03/22/are-orthodox-jews-about-to-sacrifice-a-red-heifer/

[4] https://templeinstitute.org/gallery/

[5] https://kytanthe.net/006-bay-muoi-tuan-le-nam-cua-da-ni-en/

Karaoke Thánh Ca: “Con Ước Nguyện”
https://karaokethanhca.net/con-uoc-nguyen/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.