081 Các Quan Điểm về Kỳ Đấng Christ Đến

182 views

YouTube: https://youtu.be/behH4Z_L_y4

Các Quan Điểm về Kỳ Đấng Christ Đến

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Hôm nay là ngày Tết Dương Lịch của năm 2024, là ngày mở đầu cho năm mới 2024 theo Dương Lịch. Cứ mỗi một năm qua đi và một năm mới đến là chúng ta càng gần với sự đến của Đấng Christ càng hơn. Đấng Christ có thể đến bất kỳ lúc nào. Vì chúng ta đang sống trong những ngày liền ngay trước Kỳ Tận Thế. Bất cứ ai là con dân chân thật của Chúa thì chắc chắn người ấy sẽ rất mong chờ sự đến của Đấng Christ. Vì sự đến của Đấng Christ là phép lạ và phước hạnh lớn nhất mà một người có thể kinh nghiệm, đang khi người ấy còn sống trong thân thể xác thịt hiện tại. Sự đến của Đấng Christ là chắc chắn nhưng thời điểm Đấng Christ đến so với Kỳ Tận Thế là điều mà con dân Chúa trong Hội Thánh của Chúa và trong các giáo hội mang danh Chúa có các quan điểm khác nhau.

Hội Thánh của Chúa là tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, hết lòng sống theo Lời Chúa qua sự vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, và làm ra những việc lành trong danh Chúa. Hội Thánh của Chúa kéo dài từ ngày Hội Thánh được thành lập cho tới ngày Đấng Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Hội Thánh của Chúa không phân biệt phái tính, tuổi tác, địa vị xã hội, trình độ học thức, giàu nghèo, màu da, tiếng nói, chủng tộc…

Vì hết thảy các anh chị em đều là con cái của Đức Chúa Trời bởi đức tin trong Đấng Christ Jesus. Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp-tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ. Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.” (Ga-la-ti 3:26-28).

Tại đây, không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả.” (Cô-lô-se 3:11).

Các giáo hội mang danh Chúa không phải là Hội Thánh mà chỉ là các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa. Sự hình thành và tổ chức các giáo hội nghịch lại Lời Chúa.

Ấy là tôi nói rằng, mỗi người thuộc các anh chị em nói: Ta thật thuộc về Phao-lô! Ta thuộc về A-bô-lô! Ta thuộc về Sê-pha! Ta thuộc về Đấng Christ! Đấng Christ bị phân rẽ sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh thay cho các anh chị em? Hay là các anh chị em đã chịu báp-tem vào trong danh của Phao-lô?” (I Cô-rinh-tô 1:12-13).

Vì các anh chị em vẫn là tính xác thịt. Vì giữa nơi các anh chị em có sự ganh tị, tranh cãi, và chia rẽ. Chẳng phải các anh chị em là tính xác thịt, bước đi theo người thế gian sao? Có người nói: Ta thật là môn đồ của Phao-lô. Người khác nói: Ta thuộc về A-bô-lô. Chẳng phải các anh chị em là tính xác thịt sao?” (I Cô-rinh-tô 3:3-4).

Cũng với các câu Thánh Kinh trên, thay thế “Phao-lô” bằng “CMA”, thay thế “A-bô-lô” bằng “Báp-tít”, và thay thế “Sê-pha” bằng “Hội Thánh Tư Gia” hay thay thế tên của ba người ấy bằng bất cứ danh xưng của một giáo hội nào, chúng ta sẽ thấy rõ tinh thần chia rẽ, bè phái của Cô-rinh-tô đang có trong các giáo hội mang danh Chúa.

Hầu hết các giáo hội không giảng dạy đúng theo Lời Chúa. Họ chỉ giảng dạy các tư tưởng Thần học sai nghịch Thánh Kinh của mỗi giáo hội. Người trong giáo hội không sống theo Lời Chúa, vì họ không được học những lẽ thật của Lời Chúa. Nếp sống của họ quay cuồng theo các nghi thức, giáo điều do các giáo hội đề ra và theo các sự ham muốn riêng của mỗi người. Họ không được Lời Chúa thánh hóa mỗi ngày.

Đặc biệt, Giáo Hội Công Giáo không dạy về sự Đấng Christ sẽ đến giữa chốn không trung, cất Hội Thánh ra khỏi thế gian. Họ cũng không tin Đấng Christ sẽ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm theo nghĩa đen. Họ chỉ giảng dạy chung chung về sự Đấng Christ tái lâm trên đất, về sự phán xét chung cuộc, về sự sống lại của người lành và người dữ. Các giáo hội Chính Thống Giáo cũng tương tự như vậy. Chỉ riêng các giáo hội: Kháng Cách (Protestant Church), Cải Chánh (Reformed Church), Tin Lành (Evangelical Church) thì có môn Thần học giảng dạy về sự Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Thiết tưởng chúng ta cũng cần khẳng định rằng, sự tái lâm, tức là sự Đấng Christ từ thiên đàng trở lại thế gian, bao gồm hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là Đấng Christ tái lâm giữa chốn không trung, trước Kỳ Tận Thế, để gọi Hội Thánh cùng lên với Ngài, như đã chép trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17:

Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.”

Chính nhóm chữ: “được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung”, đã khẳng định sự Đấng Christ sẽ tái lâm giữa chốn không trung và gọi Hội Thánh lên với Ngài.

Giai đoạn thứ nhì, cách giai đoạn thứ nhất khoảng hơn bảy năm một chút. Đó là lúc Đấng Christ cùng Hội Thánh giáng lâm trên đất, vào cuối Kỳ Tận Thế, như đã chép trong Xa-cha-ri 14:3-4:

Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài sẽ đi ra và Ngài sẽ đánh trận với các nước đó, như Ngài đã đánh trong ngày chiến trận. Trong ngày đó, đôi chân của Ngài sẽ đứng trên Núi Ô-li-ve, là núi đối mặt Giê-ru-sa-lem về phía đông. Và Núi Ô-li-ve sẽ bị xé ra chính giữa từ đông sang tây, thành ra một trũng rất lớn. Phân nửa núi sẽ dời về phương bắc và phân nửa núi sẽ dời về phương nam.”

Nhóm chữ “đôi chân của Ngài sẽ đứng trên Núi Ô-li-ve”, đã khẳng định sự Đấng Christ sẽ tái lâm trên đất để tiêu diệt thế lực của AntiChrist và những kẻ theo hắn. Chi tiết về sự Đấng Christ giáng lâm trên đất được ghi trong Ma-thi-ơ 24:29-31 và Khải Huyền 19:11-21.

Có ba quan điểm chính về thời điểm Đấng Christ tái lâm giữa chốn không trung so với Kỳ Tận Thế:

  • Quan điểm thứ nhất cho rằng, Đấng Christ sẽ tái lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, vào một thời điểm trước Kỳ Tận Thế. Trong tiếng Anh gọi là Pre-Tribulation, gọi tắt là Pre-Trib. Dịch sang tiếng Hán Việt là “Tiền Đại Nạn”. Tiếp đầu ngữ “pre” có nghĩa là: sớm hơn, trước khi, phía trước. Danh từ “tribulation” có nghĩa là tai ương, hoạn nạn. Vì là nói đến tai ương, hoạn nạn trong Kỳ Tận Thế nên được dịch là “đại nạn”. Thời điểm này có thể trước Kỳ Tận Thế từ vài năm cho tới chỉ một khoảnh khắc ngắn như một nháy mắt.

  • Quan điểm thứ nhì cho rằng, Đấng Christ sẽ tái lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, vào giữa Kỳ Tận Thế. Trong tiếng Anh gọi là Mid-Tribulation, gọi tắt là Mid-Trib. Dịch sang tiếng Hán Việt là “Trung Đại Nạn”. Giới từ “mid” có nghĩa là: chính giữa, ở giữa. Thời điểm này được cho là vào giữa Kỳ Tận Thế, nhằm lúc hai chứng nhân của Chúa sau khi bị giết, được sống lại, và được cất ra khỏi thế gian.

  • Quan điểm thứ ba cho rằng, Đấng Christ sẽ tái lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, vào cuối Kỳ Tận Thế. Trong tiếng Anh gọi là Post-Tribulation, gọi tắt là Post-Trib. Dịch sang tiếng Hán Việt là “Hậu Đại Nạn”. Tiếp đầu ngữ “post” có nghĩa là: muộn hơn, sau khi, phía sau. Thời điểm này được cho là xảy ra ngay sau khi Đức Chúa Jesus giáng lâm trên đất.

Ngoài ba quan điểm chính đó còn có một quan điểm hoàn toàn sai lạc lẽ thật của Thánh Kinh. Đó là quan điểm Hậu Ngàn Năm (Postmillennialism).

Tiếp theo đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu và nhận định về từng quan điểm.

Quan Điểm Tiền Đại Nạn

Sự Đấng Christ sẽ tái lâm giữa chốn không trung để cất Hội Thánh ra khỏi thế gian phải xảy ra trước Kỳ Tận Thế, vì các lý do sau đây:

Thánh Kinh phân biệt rõ giữa Hội Thánh và dân I-sơ-ra-ên. Hội Thánh bao gồm mọi dân tộc, kể cả dân I-sơ-ra-ên, như đã nói trên. Vì thế, Hội Thánh không bị phán xét trong Kỳ Tận Thế như dân I-sơ-ra-ên. Lời Chúa khẳng định:

Cho nên, hiện nay chẳng có án phạt cho những người ở trong Đấng Christ Jesus, là những người không bước theo xác thịt nhưng bước theo thần trí.” (Rô-ma 8:1).

Chính Đức Chúa Jesus đã hứa với Hội Thánh:

Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.” (Khải huyền 3:10).

Trong sách Khải Huyền, kể từ đoạn 8 trở đi, là khi Kỳ Tận Thế bắt đầu, thì Hội Thánh không còn được nhắc tới. Vì Hội Thánh đã có mặt trong thiên đàng, cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời, như đã chép trong Khải Huyền 7:9-10.

Sau đó, tôi nhìn xem, và này, một đám đông vĩ đại, không đếm được, thuộc mọi quốc gia, mọi chi tộc, mọi dân, và mọi ngôn ngữ, đứng trước ngai và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, trong tay họ có những nhánh chà là. Họ kêu lớn tiếng rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta: Đấng ngự trên ngai và thuộc về Chiên Con!”

Đây là sự kiện xảy ra liền sau khi 144.000 người trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên được chọn ra và được các thiên sứ đóng con dấu của Đức Chúa Trời trên họ. Điều đó có nghĩa là Hội Thánh đã được cất lên thiên đàng trước khi Kỳ Tận Thế bắt đầu.

Thời điểm Đấng Christ tái lâm để cất Hội Thánh ra khỏi thế gian là bất ngờ, không ai biết trước. Còn thời điểm Đấng Christ tái lâm trên đất thì được biết rõ là sau 42 tháng AntiChrist hoàn toàn cầm quyền trên toàn thế gian, tức là 1.260 ngày, sau khi dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời đưa vào lánh nạn AntiChrist trong đồng vắng, tức là sau ngày cuối cùng của Kỳ Tận Thế:

Rồi, người đàn bà trốn vào đồng hoang, nơi Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một chỗ cho người và người được nuôi trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.” (Khải Huyền 12:6).

Điều quan trọng là không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng, Hội Thánh phải chịu khổ trong Kỳ Tận Thế. Khoảng thời gian bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế được gọi là “kỳ hoạn nạn của Gia-cốp” (Giê-rê-mi 30:7). Nhưng không nói đó là kỳ hoạn nạn của Hội Thánh. Tên Gia-cốp được dùng để gọi chung dân I-sơ-ra-ên. Nhưng bất cứ người I-sơ-ra-ên nào tin nhận Đấng Christ thì sẽ được cất ra khỏi thế gian cùng Hội Thánh.

Không một chỗ nào trong Thánh Kinh cảnh báo cho con dân Chúa trong Hội Thánh về sự phải chịu khổ suốt bảy năm, trong Kỳ Tận Thế. Thực tế, Đức Chúa Jesus đã cảnh báo con dân Chúa trong một số Hội Thánh địa phương sẽ phải chịu khổ trong mười ngày, trước Kỳ Tận Thế:

Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.” (Khải Huyền 2:10).

Không thể nào Đức Chúa Jesus cảnh báo con dân Chúa trong Hội Thánh về mười ngày hoạn nạn mà Ngài lại không có một lời cảnh báo nào cho họ, nếu họ phải chịu khổ trong ba năm rưỡi đầu của Kỳ Tận Thế, theo quan điểm Trung Đại Nạn; hoặc trong cả bảy năm của Kỳ Tận Thế, theo quan điểm Hậu Đại Nạn.

Lễ Cưới Chiên Con là sự kết hiệp mầu nhiệm giữa Đấng Christ và Hội Thánh sẽ xảy ra trước khi Đấng Christ tái lâm trên đất. Vì thế, Hội Thánh không thể ở trong cơn đại nạn.

Sự kiện Hê-nóc được cất ra khỏi thế gian đang khi ông còn sống trong thân thể xác thịt, trước khi Đức Chúa Trời giáng Cơn Lụt Lớn để phán xét toàn thế gian, tiêu biểu cho sự Hội Thánh sẽ được cất ra khỏi thế gian, trước khi Đức Chúa Trời giáng cơn Đại Nạn trong Kỳ Tận Thế để phán xét toàn thế gian. Trong khi đó, gia đình Nô-ê được cứu trong Cơn Lụt Lớn tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên và những người tin nhận Tin Lành trong Kỳ Tận Thế, được Đức Chúa Trời bảo vệ trong Kỳ Tận Thế.

Chúng tôi tin rằng, quan điểm Tiền Đại Nạn là hoàn toàn đúng với Thánh Kinh. Chúng tôi tin rằng, Đấng Christ có thể tái lâm giữa chốn không trung bất kỳ lúc nào để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, vào trong thiên đàng với Ngài, vì không cần có một lời tiên tri nào khác phải được ứng nghiệm, trước khi Đấng Christ đến. Lời tiên tri cuối cùng cần phải được ứng nghiệm trước khi Đấng Christ đến chính là sự dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc trên Đất Hứa Ca-na-an và tái chiếm chủ quyền trên toàn thành Giê-ru-sa-lem.

Quốc gia I-sơ-ra-ên đã được tái lập chỉ trong một ngày, vào Thứ Sáu ngày 14/05/1948. Đó chính là cây vả I-sơ-ra-ên được trồng trở lại vào Đất Hứa. Dân I-sơ-ra-ên đã chiếm lại chủ quyền trên toàn thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 07/06/1967. Đó chính là cây vả I-sơ-ra-ên đã đâm chồi, nứt lộc, sẵn sàng cho mùa hạ, tức là kỳ Chúa đến. Quý ông bà anh chị em có thể đọc và nghe bài “Cây Vả I-sơ-ra-ên: Điềm Chúa Đến” [1] trên khu mạng kytanthe.net. Xin cũng đọc và nghe thêm bài “Kỳ Tận Thế và Các Năm 2030, 2040” [2].

Quan Điểm Trung Đại Nạn

Có một số người cho rằng, sự tái lâm của Đấng Christ để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian phải xảy ra vào giữa Kỳ Tận Thế. Đó là lúc hai chứng nhân của Chúa đã làm chứng suốt 1.260 ngày, tức là sau ba năm rưỡi đầu của Kỳ Tận Thế.

Ta sẽ ban quyền lực cho hai chứng nhân của Ta. Họ sẽ mặc áo tang, nói tiên tri trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.” (Khải Huyền 11:3).

Sau 1.260 ngày thì hai chứng nhân sẽ bị giết, nhưng sau ba ngày rưỡi thì họ được sống lại và được cất ra khỏi thế gian. Những người tin theo quan điểm Trung Đại Nạn tin rằng, Hội Thánh sẽ cùng được cất lên với hai chứng nhân đó.

Nhưng nếu Hội Thánh sẽ được cất lên vào lúc ấy thì tại sao Khải Huyền 11:12 không nói gì về Hội Thánh, mà chỉ nói đến sự được cất lên trời của hai chứng nhân?

Những người theo quan điểm Trung Đại Nạn dùng Ma-thi-ơ 24:29-30 để chứng minh rằng, vào giữa Kỳ Tận Thế, ngay sau khi AntiChrist vào ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa, làm ô uế Đền Thờ, thì Đức Chúa Jesus mới tái lâm để đón Hội Thánh.

Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời sẽ tối tăm, mặt trăng sẽ không sáng, các ngôi sao từ trên trời sẽ sa xuống, và quyền lực của các tầng trời sẽ bị rúng động. Khi ấy, điềm của Con Người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con Người đến giữa mây trời với quyền lực và sự vinh quang lớn.” (Ma-thi-ơ 24:29-30).

Họ cho rằng, “sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua” là sự tai nạn trong ba năm rưỡi đầu của Kỳ Tận Thế, như đã được Đức Chúa Jesus nói đến trước đó, trong Ma-thi-ơ 24:4-24.

Tuy nhiên, mệnh đề “sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua” trong Ma-thi-ơ 24:29-30 là chỉ về toàn bộ khoảng thời gian của Kỳ Tận Thế. Thực tế, sự kiện “mặt trời sẽ tối tăm, mặt trăng sẽ không sáng, các ngôi sao từ trên trời sẽ sa xuống” sẽ xảy ra vào cuối Kỳ Tận Thế, sau khi chén thịnh nộ thứ năm, thứ sáu, và thứ bảy được trút xuống trên đất (Khải Huyền 16:10-21). Các sự kiện này không xảy ra vào giữa Kỳ Tận Thế.

Quan Điểm Hậu Đại Nạn

Có một số người cho rằng, sự tái lâm của Đấng Christ để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian phải xảy ra vào cuối Kỳ Tận Thế. Luận điểm chính của họ được dựa vào Ma-thi-ơ 24:29-31, Mác 13:14-27, và Lu-ca 21:25-28. Nhưng các phân đoạn đó là nói về sự Đức Chúa Jesus tái lâm trên đất, không phải nói về sự Ngài tái lâm giữa chốn không trung. Nói cách khác, họ lầm lẫn sự Đấng Christ tái lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian với sự Đấng Christ tái lâm trên đất để chấm dứt chính quyền toàn cầu của AntiChrist, rồi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài.

Lời tiên tri của Đức Chúa Jesus về sự Đền Thờ bị hủy diệt cùng sự tận thế và sự Chúa đến được ghi trong ba sách Tin Lành cần phải được đặt trong bố cục sau đây:

  • Đức Chúa Jesus tiên tri về tình hình tổng quát trên thế giới trong những ngày cuối cùng: Ma-thi-ơ 24:4-14; Mác 13:5-13; Lu-ca 21:8-19.

  • Đức Chúa Jesus phán về sự tận thế: Ma-thi-ơ 24:15-31; Mác 13:14-27; Lu-ca 21:25-28.

  • Đức Chúa Jesus phán về sự Chúa đến: Ma-thi-ơ 24:32-42; Mác 13:28-37; Lu-ca 17:26-37; và Lu-ca 21:29-36.

Lời phán của Chúa là để trả lời cho câu hỏi của các môn đồ. Họ đã hỏi Ngài về sự Đền Thờ bị phá hủy, về sự tận thế, và về sự Chúa đến.

Khi Đức Chúa Jesus ra khỏi Đền Thờ, đang đi, thì các môn đồ của Ngài đến, để chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về Đền Thờ. Ngài phán với họ: Các ngươi có thấy mọi sự đó chăng? Thật, Ta nói với các ngươi, sẽ không còn một khối đá nào chồng trên một khối khác mà không bị đổ xuống. Ngài đang ngồi trên Núi Ô-li-ve, các môn đồ đến với Ngài cách riêng tư, thưa rằng: Xin phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có dấu hiệu gì chỉ về sự đến của Ngài và sự tận thế?” (Ma-thi-ơ 24:1-3).

Những sự đó sẽ xảy ra” là những sự liên quan đến sự Đền Thờ bị phá hủy. Câu trả lời của Chúa được Lu-ca ghi lại trong Lu-ca 21:20-24.

Sự đến của Ngài” là sự Đức Chúa Jesus đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Sự tận thế” là Kỳ Tận Thế bao gồm sự Đức Chúa Jesus tái lâm trên đất để kết thúc Kỳ Tận Thế.

Khi Đức Chúa Jesus tái lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian, trước Kỳ Tận Thế, thì thế gian vẫn mải mê ăn uống, cưới gả. Nhưng khi Đức Chúa Jesus tái lâm trên đất, vào cuối Kỳ Tận Thế, thì thế gian đã trải qua bảy năm đầy thiên tai, chiến nạn, dịch bệnh, và đói kém kinh hoàng, với khoảng 1/2 dân số bị hủy diệt, mọi thành phố lớn bị sụp đổ, mọi hải đảo đều chìm mất trong biển… mọi người lo ẩn mình trong các hang hố để tránh cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, thì không thể có chuyện ăn uống, cưới gả như thường.

Nếu sự cất lên xảy ra vào cuối Kỳ Tận Thế thì sẽ không thể có chuyện Lễ Cưới Chiên Con được cử hành trên thiên đàng, trước khi Đấng Christ tái lâm trên đất. Vì Kỳ Tận Thế chưa kến thúc thì Hội Thánh vẫn còn đang ở trên đất.

Nếu sự cất lên xảy ra vào cuối Kỳ Tận Thế thì sẽ không còn con dân Chúa trên đất để bước vào Vương Quốc Ngàn Năm và sinh con trong vương quốc. Vì thân thể xác thịt của ai nấy đều được biến hóa thành thân thể thiêng liêng bất tử, không còn kết hôn, không còn sinh con.

Quan Điểm Hậu Ngàn Năm

Quan điểm Hậu Ngàn Năm được phần lớn những người thuộc Giáo Hội Ân Tứ và Giáo Hội Ngũ Tuần tin. Quan điểm này xuất phát từ tư tưởng “Thần Học Thống Trị” (Dominion Theology). Theo Thần Học Thống Trị thì các giáo hội sẽ dùng những dấu kỳ và phép lạ để nắm quyền kiểm soát các lĩnh vực xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… tiến đến việc các giáo hội sẽ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm trên đất, trước khi Đức Chúa Jesus tái lâm.

Thần Học Thống Trị được dựa trên các câu Thánh Kinh sau:

  • Sáng Thế Ký 1:26-28, nói về mạng lệnh loài người phải cai trị đất và muôn vật trên đất.

  • Ma-thi-ơ 6:10, nói về sự vương quốc của Đức Chúa Trời phải đến trên đất.

  • Ma-thi-ơ 28:19-20, nói về sự Tin Lành bắt phục muôn dân trên đất.

Dĩ nhiên, đây là sự giảng giải sai lạc ý nghĩa của Lời Chúa để phục vụ cho mục đích của giáo hội. Tương tự như vậy là Thần học về sự nói tiếng lạ, đặt tay té ngã, say thánh linh, cười trong thánh linh của những người thuộc Giáo Hội Ân Tứ và Giáo Hội Ngũ Tuần.

Cũng có một số người thuộc các giáo hội: Cải Chánh, Báp-tít, và Giám Lý tin theo Thần Học Thống Trị.

Kính thưa Hội Thánh,

Sự Đấng Christ sẽ tái lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh vào thiên đàng, trước khi Kỳ Tận Thế xảy ra và sự Đấng Christ sẽ tái lâm trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế là hai sự kiện khác nhau. Thực tế, Lời Chúa rất rõ ràng, dễ hiểu, khi tiên tri về hai sự kiện này. Con dân Chúa chỉ cần có tấm lòng tin kính Chúa, hết lòng sống theo Lời Chúa, khao khát được hiểu biết Lời Chúa thì Đức Thánh Linh sẽ dẫn họ vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa. Chúng tôi mong rằng, những gì chúng tôi chia sẻ hôm nay sẽ khích lệ quý ông bà anh chị em sống nếp sống thánh khiết, sẵn sàng cho sự đến của Đấng Christ, trong suốt năm mới 2024 này.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/01/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://kytanthe.net/060-cay-va-i-so-ra-en-diem-chua-den/

[2] https://kytanthe.net/075-ky-tan-the-va-cac-nam-2030-2040/

Karaoke Thánh Ca: “Cùng Nhau Vui Xuân Mới”
https://karaokethanhca.net/cung-nhau-vui-xuan-moi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.