070 Cơn Bão Lửa từ Mặt Trời và Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39

2,259 views

YouTube: https://youtu.be/6DEqgLWJhcQ

Cơn Bão Lửa từ Mặt Trời
và Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Nguồn: https://gizmodo.com

Thuật ngữ “the solar flare” trong tiếng Anh, được dịch sang tiếng Việt là “cơn bão lửa từ mặt trời”, là một thuật ngữ khoa học dùng để gọi hiện tượng bùng nổ trên bề mặt của mặt trời [1].

Cả mặt trời là một khối cầu lửa bao gồm những nguyên tố hóa học ở nhiệt độ rất cao. Chất khí hydro chiếm 91%. Trong lõi, tức khu vực trung tâm của mặt trời, lực hấp dẫn tạo ra áp suất và nhiệt độ cực lớn. Nhiệt độ của mặt trời trong lõi này là khoảng 27 triệu độ F (15 triệu độ C). Các nguyên tử hydro bị nén và hợp nhất với nhau, tạo ra khí heli. Quá trình này được gọi là phản ứng tổng hợp hạt nhân (nuclear fusion). Khi các chất khí (gases) nóng lên, các nguyên tử vỡ ra thành các hạt tích điện (charged particles), biến chất khí thành chất tương (plasma). Chúng ta biết rằng, tùy theo nhiệt độ, vật chất thay đổi trạng thái từ thể rắn sang thể lỏng, rồi thể khí, và sau cùng là thể tương.

Bề mặt của mặt trời là một lớp điện tương (plasma – electrified gas) với nhiệt độ khoảng 9.900 độ F (5.500 độ C). Cơn bão lửa từ mặt trời xảy ra khi từ trường ở phía trên bề mặt của mặt trời trở nên xoắn lại, vỡ ra rồi kết nối trở lại, tạo thành một vụ nổ lớn, phóng ra những lưỡi lửa khổng lồ mà chiều cao của nó gấp hơn 35 lần chiều cao của trái đất [2].

Cùng lúc, cơn bão lửa từ mặt trời phóng ra vô số những hạt tích điện vào trong không gian. Nhưng phần lớn năng lượng được giải phóng trực tiếp bởi một cơn bão lửa từ mặt trời là dưới dạng bức xạ điện từ (electromagnetic radiation), còn gọi là cơn bão điện từ, bao gồm sóng vô tuyến, ánh sáng cực tím, ánh sáng nhìn thấy, bức xạ hồng ngoại, vi sóng, tia X, và tia gamma. Trong khi các dạng bức xạ khác nhau này có những đặc điểm riêng biệt, chúng có chung một điểm là tốc độ di chuyển của chúng bằng nhau. Vì tất cả các hạt đều di chuyển với vận tốc của ánh sáng, 300.000 km trong một giây đồng hồ, nên năng lượng của cơn bão lửa từ mặt trời chỉ mất khoảng 500 giây để đến trái đất, chỉ hơn tám phút một chút, sau khi nó rời khỏi mặt trời.

Bức xạ điện từ phát ra bởi cơn bão lửa từ mặt trời, nếu chạm đến địa cầu có thể gây tác hại rất lớn cho địa cầu. Nhẹ thì làm cho các bình biến áp điện bị nổ tung, khiến cho bị mất điện, nặng thì xung điện từ (EMP – electromagnetic pulse) sẽ làm cháy tan toàn bộ hệ thống điện tử của các vệ tinh nhân tạo, của bất cứ công cụ, vật dụng, hay vũ khí nào sử dụng điện hoặc hệ thống điện tử. Nói chung, toàn bộ vật dụng điện hoặc điện tử đều bị hủy diệt. Vệ tinh nhân tạo, máy bay, tàu thuyền, xe hơi, hãng xưởng, nhà máy phát điện, nhà máy bơm nước… sẽ không thể hoạt động [3]. Loài người sẽ trở về với lối sống không có điện, không có xăng dầu của đầu thế kỷ 19, cách nay hơn 200 năm.

Từ thế kỷ 17, các nhà thiên văn học đã khám phá ra mỗi chu kỳ hoạt động từ lực của mặt trời kéo dài 11 năm và đánh dấu bằng sự chuyển cực từ trường bắc nam của mặt trời. Hiện nay, chúng ta đang ở trong chu kỳ hoạt động từ lực thứ 25 của mặt trời, kéo dài từ tháng 12 năm 2019 cho đến tháng 12 năm 2030. Điều đáng chú ý là chu kỳ này bao gồm ba năm rưỡi đầu của Kỳ Tận Thế, nếu Kỳ Tận Thế xảy ra vào đầu năm 2027 [4]. Và như vậy, thiên tai liền trước hoặc mở đầu cho Kỳ Tận Thế có thể sẽ là cơn bão lửa lớn nhất từ mặt trời đánh thẳng vào địa cầu. Sự tác hại toàn cầu của nó giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của Ê-xê-chi-ên 39:9-10, liên quan đến cuộc chiến sắp tới tại Trung Đông theo nghĩa đen.

Qua các lời tiên tri trong Thánh Kinh, chúng ta biết rằng, từ nay cho tới cuối Kỳ Tận Thế sẽ có ba cuộc chiến tranh lớn, xảy ra tại Trung Đông, liên quan đến quốc gia I-sơ-ra-ên:

  • Cuộc Chiến Theo Thi Thiên 83 [5], bao gồm mười sắc dân Ả-rập sống trong các quốc gia chung quanh I-sơ-ra-ên, cùng nhau tấn công I-sơ-ra-ên.

  • Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39 [6], [7], bao gồm nước Nga, các đồng minh của Nga là các quốc gia Hồi Giáo ở Châu Âu và Châu Phi, cùng nhau tấn công I-sơ-ra-ên.

  • Cuộc chiến theo Khải Huyền 19:11-21 [8], bao gồm quân lực các nước trong thế gian, dưới quyền của AntiChrist, kéo về I-sơ-ra-ên để đối địch với Đấng Christ và Hội Thánh. Khi đó, Đấng Christ và Hội Thánh, cùng các thiên sứ đã giáng lâm trên đỉnh Núi Ô-li-ve (Xa-cha-ri 14:4; Khải Huyền 16:12-16; 19:11-21).

Cuộc Chiến Theo Thi Thiên 83 do mười sắc dân Ả-rập Hồi Giáo liên minh với nhau tấn công I-sơ-ra-ên, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, mở đường cho sự kiện thành lập một chính quyền toàn cầu và sự cầm quyền của AntiChrist. Nhân vật đứng đầu chính quyền toàn cầu dù được gọi bằng danh xưng nào: tổng thống, tổng thư ký, chủ tịch… cũng chính là AntiChrist, tức là con thú thứ nhất được nói đến trong Khải Huyền đoạn 13.

Trong cuộc chiến này, I-sơ-ra-ên sẽ toàn thắng, dù cũng bị thiệt hại khá nặng (Ê-sai 17:1-4). I-sơ-ra-ên sẽ hoàn toàn tiêu diệt các thế lực khủng bố Hồi Giáo: Hamas, Hezbollah; hủy diệt thủ đô Đa-mách của Si-ri (Syria); chiếm đóng toàn bộ Le-ba-non (Lebanon), Si-ri, Giô-đanh (Jordan), một phần Ai-cập (Egypt), một phần Ả-rập Sau-đi (Saudi Arabia), và rất có thể một phần I-rắc (Iraq). Rất có thể, I-sơ-ra-ên cũng sẽ nhân cơ hội, dùng đầu đạn nguyên tử tấn công luôn các cơ sở điều chế uranium của I-răn (Iran).

Mặc dù xưa nay thế giới luôn đối xử bất công với I-sơ-ra-ên để lấy lòng các nước Ả-rập Hồi Giáo, là các chủ nhân của những mỏ dầu hỏa. Nhưng khi I-sơ-ra-ên đã tiêu diệt các khối khủng bố Hồi Giáo, chiếm các mỏ dầu hỏa và đe dọa dùng vũ khí hạt nhân hủy diệt các mỏ dầu hỏa, thì thế giới sẽ phải nhượng bộ. Một chính quyền toàn cầu sẽ được thành lập để đối phó với I-sơ-ra-ên. Một hòa ước bảy năm sẽ được AntiChrist đại diện cho thế giới, ký kết với I-sơ-ra-ên để vãn hồi sự sản xuất và vận chuyển dầu hỏa.

Hội Thánh có thể được Đấng Christ cất ra khỏi thế gian trước hoặc sau cuộc chiến này. Nếu cuộc chiến này xảy ra trước khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian, thì đó là sự thương xót rất lớn Chúa dành cho Hội Thánh. Vì sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Thi Thiên 83 sẽ làm thức tỉnh nhiều người trong Hội Thánh lẫn trong các giáo hội mang danh Chúa, khiến họ ăn năn kịp thời để được ra đi với Chúa, khi Ngài đến, đón Hội Thánh.

Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39 sẽ xảy ra bất ngờ đối với dân I-sơ-ra-ên; và quân thù sẽ tràn ngập lãnh thổ phía bắc của I-sơ-ra-ên. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ dùng thiên tai và dịch bệnh để tiêu diệt các đạo quân thù nghịch I-sơ-ra-ên:

Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán: Ta sẽ gọi gươm đến nghịch lại nó ở trên mọi núi của Ta. Ai nấy sẽ xoay gươm nghịch lại anh em mình. Ta sẽ làm sự phán xét nghịch lại nó bởi dịch lệ và bởi máu. Ta sẽ khiến những trận mưa dầm, mưa đá, lửa và lưu huỳnh đổ xuống trên nó, trên đạo binh nó, và dân đông đi với nó.” (Ê-xê-chi-ên 38:21-22).

Dân I-sơ-ra-ên sẽ không đánh mà thắng, và sẽ mất bảy tháng để đi ra chôn cất vô số xác chết của kẻ thù. Vũ khí do dân I-sơ-ra-ên thu nhặt được sẽ dùng làm chất đốt trong suốt bảy năm.

Cuộc chiến này sẽ xảy ra sau Cuộc Chiến Theo Thi Thiên 83 và có thể xảy ra trước hoặc không bao lâu sau khi Kỳ Tận Thế bắt đầu. Nó có thể xảy ra trong vòng sáu tháng đầu của năm 2027, nếu Kỳ Tận Thế xảy ra vào đầu năm 2027 [4]. Lời tiên tri trong Ê-xê-chi-ên đoạn 39 có một chi tiết đáng chú ý như sau:

Bấy giờ những dân cư các thành của I-sơ-ra-ên sẽ đi ra, để đốt và phó cho lửa những khí giới, những thuẫn lớn và nhỏ, những cung và tên, những giáo và sào, chúng nó đem chụm lửa được bảy năm. Chúng nó sẽ không tìm củi trong đồng, không đốn củi trong rừng, vì lấy khí giới mà chụm lửa. Chúng nó sẽ bóc lột những kẻ đã bóc lột mình, và cướp giật những kẻ đã cướp giật mình, Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán vậy.” (Ê-xê-chi-ên 39:9-10).

Chúng ta biết rằng, khí giới làm bằng gỗ như cung, tên, thuẫn, giáo, và côn hay sào là thuộc về thời xưa. Nhưng lịch sử của dân I-sơ-ra-ên cho thấy, chưa bao giờ dân I-sơ-ra-ên bị kẻ thù từ cực bắc tràn ngập lãnh thổ; rồi một cơn động đất lớn, cùng nạn núi lửa, cùng dịch bệnh lớn xảy ra, khiến cho các đạo quân thù nghịch I-sơ-ra-ên bị tiêu diệt hoàn toàn. Sau đó, dân I-sơ-ra-ên chôn cất xác chết của kẻ thù trong bảy tháng và thu nhặt vũ khí của kẻ thù làm chất đốt trong bảy năm. Nói cách khác, cho tới nay, lời tiên tri trong Ê-xê-chi-ên đoạn 38 và 39 chưa ứng nghiệm.

Điều này khiến cho chúng ta có thể hiểu rằng, giữa Cuộc Chiến Theo Thi Thiên 83 và Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39, có thể một cơn bão lửa từ mặt trời rất lớn sẽ đánh thẳng vào trái đất, làm thiêu hủy tất cả các hệ thống điện và điện tử trên toàn thế giới. Nếu là vậy thì loài người phải dùng ngựa để di chuyển và dùng gươm, giáo, côn, thuẫn… để gây chiến tranh như thời xưa. Bởi đó mà dân I-sơ-ra-ên có thể thu lượm vũ khí của kẻ thù để làm chất đốt. Khi đó cũng sẽ không còn bao nhiêu than đá, khí đốt, hoặc xăng dầu để làm chất đốt. Việc khai thác mỏ mà không có điện và xăng dầu để vận hành máy móc, phương tiện vận chuyển cũng trở nên khó khăn. Ngay cả một phần điện lực có thể sớm được phục hồi bởi những cánh quạt gió và đập nước nhưng cũng khó mà phân phối điện khi hệ thống đường dây điện và các bình biến áp điện đã bị thiêu hủy hoàn toàn. Loài người phải trở về với sự dùng củi để làm chất đốt chính trong ít nhất từ ba đến bảy năm. Và nếu là vậy thì lời chú giải Ê-xê-chi-ên 39:14 trong bài “Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39 (2)” đăng trên kytanthe.net, được trích dẫn dưới đây, cần phải được bỏ đi hai câu cuối (được in đậm trong bài này):

Sau bảy tháng chôn cất những xác chết của đạo binh Gót, dân I-sơ-ra-ên sẽ lập ra những đội tuần tra có những đội chôn cất theo sau. Công tác của họ là tìm xem còn hài cốt nào bị sót lại, thì tiếp tục đem chôn. Tiêu chí được dựng bên cạnh các hài cốt, có lẽ là các cọc nhựa có gắn bộ phận phát ra tín hiệu dò tìm định vị toàn cầu. Những đội chôn cất cứ dò theo tín hiệu mà đến tận nơi thu thập các hài cốt.

Một cơn bão lửa lớn đến từ mặt trời sẽ khiến cho cuộc sống trên địa cầu trở về giống như thời kỳ chưa có điện, chưa có máy móc chạy bằng xăng, bằng điện, và nhất là chưa có các loại công cụ và vũ khí được điều khiển bằng hệ thống điện và điện tử. Khi đó:

  • Sẽ không có các dịch vụ cung cấp điện, khí đốt, nước, xăng, dầu… vì tất cả các nhà máy đều bị ngưng hoạt động.

  • Sẽ không có thức ăn trong những siêu thị vì toàn bộ hệ thống công nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm bị ngưng hoạt động.

  • Những nhà máy không thể hoạt động vì không có điện và vì các thiết bị điện tử điều khiển máy đều bị hư hỏng.

  • Những phương tiện vận chuyển cũng không thể khởi động vì không có xăng và vì các thiết bị điện tử điều khiển chúng đều bị hư hỏng. Mà cho dù các phương tiện vận chuyển có thể khởi động thì cũng không có thực phẩm để mà phân phối.

  • Đó là chưa kể xung điện từ của cơn bão lửa từ mặt trời có thể làm nổ tung các bình biến áp điện, làm cháy các dây dẫn điện, làm nổ tung các đường ống dẫn khí đốt, tạo ra những đám cháy lớn trong các thành phố. Nhiều thành phố lớn sẽ bị san bằng khi những đường ống dẫn khí đốt đến từng nhà bị nổ tung.

  • Mọi bệnh viện sẽ không thể hoạt động. Số người thương vong sẽ rất lớn.

  • Dân thành phố sẽ đổ xô về vùng thôn quê để tìm và cướp lương thực, nước uống. Loạn lạc, cướp bóc sẽ nổi lên. Xã hội sẽ hoàn toàn vô trật tự, vô luật pháp một thời gian, trước khi các nhà cầm quyền có thể tái lập trật tự.

  • Hầu hết nông sản trong năm đó sẽ không thể thu hoạch vì không có máy móc thu hoạch. Hầu hết gia súc trong ngành chăn nuôi sẽ được thả cho đi hoang vì các trang trại không có khả năng nuôi ăn chúng và cũng không có máy móc công nghiệp để làm thịt chúng.

  • Toàn bộ hệ thống vệ tinh nhân tạo sẽ bị hủy diệt. Mạng lưới thông tin toàn cầu, điện thoại vô tuyến, các chương trình phát thanh và phát hình (ra-đi-ô, truyền hình) sẽ bị cắt đứt. Điện thoại hữu tuyến (điện thoại nối dây, để bàn), các chương trình phát thanh và phát hình có thể sẽ được phục hồi vào khoảng giữa của Kỳ Tận Thế.

  • Toàn bộ các khí cụ chiến tranh hiện đại sẽ trở thành vô dụng, trừ các loại súng cá nhân, không bị ảnh hưởng của xung điện từ. Tuy nhiên, các loại súng cá nhân sẽ không có đủ đạn để dùng trong một cuộc chiến lớn, ít nhất là vài năm, vì các kho chứa đạn bị nổ tung, vì các nhà máy chế tạo đạn đều ngưng hoạt động.

Có lẽ chính vì thế mà trong Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39, liên quân Nga và các nước Hồi Giáo sẽ tiến công I-sơ-ra-ên bằng kỵ binh và các loại vũ khí thô sơ như: cung, tên, thuẫn, giáo, và côn hay sào.

Cũng có thể chính cơn bão lửa từ mặt trời, hủy diệt nền văn minh hiện đại sẽ là lý do chính khiến cho các quốc gia trên thế giới nhanh chóng thành lập một chính quyền toàn cầu. Chính quyền ấy sẽ thống nhất các quốc gia để cùng nhau tận dụng xăng dầu còn chứa trong kho, ưu tiên cho việc khôi phục các nhà máy sản xuất công cụ, khôi phục việc khai thác dầu mỏ, khôi phục các thiết bị sản xuất điện và cung cấp điện, khôi phục các cơ sở sản xuất dược phẩm, khôi phục các cơ sở sản xuất các phương tiện thông tin và giao thông, khôi phục các máy móc phục vụ nông nghiệp…

Cũng có thể cơn bão lửa từ mặt trời khiến cho Nga và các đồng minh của Nga không còn e dè vũ khí hạt nhân của I-sơ-ra-ên sẽ phá hủy các mỏ dầu hỏa nữa. Vì thế, sau vài tháng âm thầm trang bị cung tên, giáo mác, họ sẽ cùng nhau tấn công I-sơ-ra-ên. Mục đích của cuộc chiến là để cướp đoạt các mỏ dầu hỏa mà I-sơ-ra-ên đã thu thập được trong Cuộc Chiến Theo Thi Thiên 83, cùng những sản vật trù phú của I-sơ-ra-ên. Nhưng họ sẽ bị chính Đức Chúa Trời ra tay tiêu diệt, làm ứng nghiệm từng chi tiết lời tiên tri trong Ê-xê-chi-ên 38-39.

Nếu cơn bão lửa từ mặt trời đánh thẳng vào địa cầu trước Kỳ Tận Thế, khiến cho thế giới văn minh hiện đại lui về nền văn minh của đầu thế kỷ 19, trước khi Hội Thánh được Đấng Christ cất ra khỏi thế gian, thì đó cũng có thể là khoảng thời gian mười ngày hoạn nạn đến trên Hội Thánh chung, như đã được tiên tri trong Khải Huyền:

Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.” (Khải Huyền 2:10).

Lời tiên tri này trước hết là dành cho Hội Thánh tại Si-miệc-nơ vào cuối thế kỷ thứ nhất, một Hội Thánh bị sự bách hại về đức tin. Nhưng lời tiên tri này cũng ứng nghiệm cho con dân Chúa trong mọi thời đại, những người chịu khổ vì danh Chúa, bị bách hại vì trung tín trong đức tin. Và cũng là lời tiên tri cho Hội Thánh chung trong những ngày cuối cùng, trước Kỳ Tận Thế, khi con dân Chúa bị xã hội và các nhà cầm quyền đàn áp, bách hại đức tin. Qua những diễn tiến tại Mỹ từ khi bầu cử tổng thống năm 2020 cho tới nay, chúng ta đã thấy rõ, ngay trên đất nước Mỹ, một đất nước được mang danh là thành đồng của thế giới tự do, thế mà giờ đây, bất cứ ai muốn sống theo Lời Chúa, đều bị giới truyền thông dòng chính và nhà cầm quyền đàn áp.

Có lẽ, con dân Chúa sẽ phải chịu khổ chỉ mười ngày, sau khi cơn bão lửa từ mặt trời làm tê liệt mọi tiện ích sinh hoạt trên đất. Rồi, Hội Thánh sẽ được Chúa cất ra khỏi thế gian, trước khi Cuộc Chiến Theo Ê-xê-chi-ên 38-39 xảy ra.

Lời tiên tri trong Khải Huyền 3:10 trước hết là dành cho Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi vào cuối thế kỷ thứ nhất, một Hội Thánh bé nhỏ về số lượng nhưng sống đúng theo Lời Chúa. Hội Thánh bị những kẻ theo giáo hội Do-thái Giáo sỉ nhục, bách hại, nhưng vẫn trung tín, nhẫn nại và sốt sắng hầu việc Chúa với nhiều kết quả:

Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.” (Khải Huyền 3:10).

Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi thời bấy giờ đã được Chúa giữ gìn trong cơn bách hại bởi đế quốc La-mã. Lời tiên tri trong Khải Huyền 3:10 cũng áp dụng cho con dân Chúa trong mọi thời đại, những người dù số lượng rất ít, nhưng liên kết với nhau trong tình yêu của Đấng Christ để phụng sự Ngài. Họ là những người giữ vững các điều răn của Chúa và bị những kẻ thuộc các giáo hội mang danh Chúa bách hại họ. Họ được Chúa giữ gìn họ không bị án phạt chung với người thế gian. Lời tiên tri trong Khải Huyền 3:10 cũng là lời hứa phước hạnh dành cho Hội Thánh chung trong những ngày cuối cùng, rằng Hội Thánh sẽ không phải trải qua giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian, là bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế.

Lời tiên tri trong Khải Huyền 2:10 liên kết với lời tiên tri trong Khải Huyền 3:10 để nói lên đặc tính của Hội Thánh chân thật của Chúa trong những ngày cuối cùng trước Kỳ Tận Thế:

  • Hội Thánh là số ít người.

  • Hội Thánh sống trong khó nghèo vật chất vì danh Chúa.

  • Hội Thánh bị những kẻ thuộc các giáo hội mang danh Chúa vu khống và bách hại.

  • Hội Thánh bị ma quỷ lợi dụng các nhà cầm quyền để bách hại.

  • Hội Thánh trung tín, nhẫn nại và sốt sắng hầu việc Chúa có kết quả.

  • Hội Thánh sẽ chịu khổ một cách có giới hạn trong thiên tai.

  • Nhưng Hội Thánh sẽ không chịu khổ trong Kỳ Tận Thế, vì Hội Thánh sẽ được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế.

Để chuẩn bị cho sự chịu khổ khi Hội Thánh bị thế gian đàn áp, bách hại hoặc sự chịu khổ trong thiên tai mà Chúa sẽ cho phép xảy ra đối với Hội Thánh, con dân Chúa nên tìm cách sống xa thành phố. Hãy tìm cách tự lực về thực phẩm và nước uống. Hãy dự bị thức ăn, nước uống, nước dùng, phương tiện cứu thương khẩn cấp, các loại nhu yếu phẩm khác, và phương tiện tự vệ. Ở những nơi người dân không được phép sở hữu súng thì có thể dùng những ống dẫn nước bằng sắt, dài chừng hai mét, cắt xéo và mài bén một đầu, khoảng hai tấc, dùng như thương, như giáo [9]. Sự tự vệ là điều Chúa cho phép và khuyến khích (Lu-ca 22:36). Sự dự trữ, phòng bị là điều Chúa dạy trong Thánh Kinh. Nổi bật nhất là câu chuyện Giô-sép dự trữ thực phẩm trong suốt bảy năm được mùa để có thức ăn cho suốt bảy năm đói kém (Sáng Thế Ký 41). Lời Chúa cũng dạy những kẻ biếng nhác hãy học nơi loài kiến, mà loài kiến là loài luôn dự trữ thực phẩm (Châm Ngôn 6:6).

Chắc chắn đời sống của con dân Chúa càng gần sát với ngày Chúa đến thì càng bị đàn áp, bách hại, càng phải chịu nhiều nỗi khó khăn càng hơn. Nhưng Lời Chúa an ủi chúng ta và thêm sức cho chúng ta:

Ta để lại sự bình an cho các ngươi. Ta ban cho các ngươi sự bình an của Ta. Ta ban cho các ngươi chẳng phải như thế gian cho. Đừng để lòng của các ngươi bối rối, cũng đừng để nó sợ hãi.” (Giăng 14:27).

Chúng tôi mong rằng, bài giảng này sẽ giúp cho con dân Chúa luôn tỉnh thức, sống thánh khiết, vâng giữ các điều răn của Chúa, trông chờ sự đến của Đấng Christ; nhưng cũng biết xem xét thời sự mà chuẩn bị đối phó những khó khăn ắt sẽ đến.

Nguyện Đức Chúa Trời luôn quan phòng quý ông bà anh chị em. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ luôn thêm sức mới cho quý ông bà anh chị em. Và nguyện Đức Thánh Linh luôn soi dẫn quý ông bà anh chị em trong từng ý tưởng. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/03/2021

Ghi Chú

[1] https://sciencing.com/solar-flares-affect-earth-4567146.html

[2] Chiều cao của địa cầu từ bắc cực tới nam cực là 12.713,6 km (7.899,86 mi)
https://www.universetoday.com/15055/diameter-of-earth/

[3] https://www.livescience.com/38848-emp-solar-storm-danger.html

[4] https://kytanthe.net/067-ky-tan-the-va-nam-2027/

[5] https://kytanthe.net/014-bay-bien-co-quan-trong-truoc-ky-tan-the-phan-5/

[6] https://kytanthe.net/017-cuoc-chien-theo-e-xe-chi-en-38-39-1/

[7] https://kytanthe.net/018-cuoc-chien-theo-e-xe-chi-en-38-39-2/

[8] https://kytanthe.net/053-chu-giai-sach-khai-huyen-1911-21/

[9] Tham khảo cách dùng ống nước bằng sắt tại đây:
https://homeoffice.com.vn/y-tuong-do-noi-that-bang-ong-nuoc-sat.html

Karaoke Thánh Ca: “Con Đợi Mong Ngài”
https://karaokethanhca.net/con-doi-mong-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/