073 Tình Trạng của Hội Thánh Trước Ngày Chúa Đến

844 views

YouTube: https://youtu.be/FxvRUsBw_gI

Tình Trạng của Hội Thánh Trước Ngày Chúa Đến

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Khi chúng ta học về Khải Huyền đoạn 2 và đoạn 3 thì chúng ta đã hiểu rằng, bảy Hội Thánh tại miền Tiểu Á, vào cuối thế kỷ thứ nhất, được Đấng Christ gửi thư cho, là bảy Hội Thánh có thật vào thời ấy. Tình trạng của bảy Hội Thánh ấy, được chính Đấng Christ kể ra trong bảy lá thư, là tình trạng thực tế bấy giờ của mỗi Hội Thánh ấy mà cũng là sự tiêu biểu cho tình trạng của các Hội Thánh địa phương trong suốt thời kỳ Hội Thánh. Nói cách khác, từ khi Hội Thánh được Đấng Christ thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần của năm 27 cho tới ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, tình trạng của bảy Hội Thánh ấy cũng chính là tình trạng của các Hội Thánh địa phương trong khắp thế gian.

1. Tình trạng đã bỏ tình yêu ban đầu đối với Chúa và đối với các anh chị em cùng Cha, như Hội Thánh tại Ê-phê-sô.

2. Tình trạng sẵn sàng chịu khổ cho đến chết vì danh Chúa, khi bị bách hại đức tin, như Hội Thánh tại Si-miệc-nơ.

3. Tình trạng tiêm nhiễm hoặc thỏa hiệp với ngoại giáo, với mê tín dị đoan, như Hội Thánh tại Bẹt-găm.

4. Tình trạng dung túng kẻ theo tà giáo, như Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ.

5. Tình trạng có việc làm gần chết, như Hội Thánh tại Sạt-đe.

6. Tình trạng trung tín, như Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi.

7. Tình trạng có việc làm hâm hẩm, như Hội Thánh tại Lao-đi-xê.

Hội Thánh địa phương là tập thể của con dân Chúa sống trong cùng một địa phương, cụ thể là trong cùng một thành phố, huyện, hoặc thị xã, cho dù trong địa phương ấy có thể có nhiều điểm nhóm họp khác nhau của con dân Chúa. Vì thế, tình trạng của một Hội Thánh địa phương cũng chính là tình trạng của hầu hết con dân Chúa trong địa phương ấy. Nếu một Hội Thánh địa phương ở trong tình trạng đã bỏ tình yêu ban đầu thì có nghĩa là đa số con dân Chúa trong địa phương ấy đã bỏ tình yêu ban đầu. Nếu một Hội Thánh địa phương ở trong tình trạng trung tín thì có nghĩa là đa số con dân Chúa trong địa phương ấy đang trung tín.

Trong những ngày đầu của năm mới 2022 Dương Lịch này, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về các tình trạng có thể có của một Hội Thánh địa phương. Rồi, chúng ta hãy xem xét chính tình trạng của bản thân mình và Hội Thánh địa phương của mình. Bản thân của chúng ta và Hội Thánh địa phương của chúng ta đang ở trong tình trạng nào? Có điều gì cần ăn năn? Có điều gì cần giữ vững?

Trước hết, chúng ta sẽ suy ngẫm về năm tình trạng xấu. Đó là sự bỏ tình yêu ban đầu; sự thỏa hiệp với ngoại giáo hoặc sự bị tiêm nhiễm bởi ngoại giáo; sự dung túng kẻ theo tà giáo; sự có việc làm gần chết; và sự có việc làm hâm hẩm.

Kế tiếp, chúng ta sẽ suy ngẫm về hai tình trạng tốt. Đó là sự sẵn sàng chịu khổ cho đến chết vì danh Chúa và sự trung tín.

Sự Bỏ Tình Yêu Ban Đầu

Tình yêu ban đầu của con dân Chúa là tình yêu dành cho Chúa và tình yêu dành cho Hội Thánh, tức là những anh chị em cùng Cha, vào buổi đầu, khi một người tin nhận Tin Lành.

Buổi ban đầu mới đến với Chúa, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, được dự phần trong Hội Thánh của Ngài, ai nấy đều vui mừng, lòng rộn rã, biết ơn Chúa, và yêu quý Ngài, yêu quý anh chị em trong Hội Thánh. Nhưng rồi dần dần sự nồng thắm đối với Chúa không còn nữa. Một người có thể vẫn tin Chúa, vẫn giữ các điều răn của Chúa, vẫn hầu việc Chúa; nhưng không có mối tương giao mật thiết mỗi ngày với Chúa, không thấy lòng tha thiết muốn được đối diện với Ngài. Người ấy cũng không còn tình yêu thương đối với các anh chị em trong Hội Thánh. Dù có thể người ấy vẫn sẵn sàng tiếp trợ, cứu giúp những người cần được tiếp trợ, cứu giúp.

Hội Thánh tại Ê-phê-sô chịu khó nhọc và nhẫn nại hầu việc Chúa, không chấp nhận kẻ sống trong tội hoặc sứ đồ giả trong Hội Thánh, ghét sự chuyên quyền (đảng Ni-cô-la). Nhưng đã bỏ tình yêu ban đầu của Hội Thánh dành cho Chúa và dành cho lẫn nhau. Sự chịu khó nhọc và nhẫn nại hầu việc Chúa hoặc phục vụ lẫn nhau không còn xuất phát từ tình yêu; mà chỉ là những việc làm một cách máy móc cho xong bổn phận.

Chắc chắn chúng ta đều thấy rõ có sự khác biệt giữa việc một người chồng cố thu xếp công việc, đến tiệm hoa, tự tay chọn những cành hoa, gom thành một bó hoa, mua và mang về nhà tặng cho vợ với việc gọi điện thoại cho tiệm hoa, đặt mua một bó hoa và nhờ tiệm hoa cho người giao đến tận nhà cho vợ.

Động từ “bỏ” bao gồm các ý: không còn quan tâm đến; không còn giữ lại; phân rẽ khỏi. Nguyên cớ của sự con dân Chúa bỏ tình yêu ban đầu là vì thiếu sự thông công với Chúa và với nhau.

Thông công với Chúa là sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, và ngoài sự cầu nguyện thành lời, còn là sự thường xuyên trò chuyện với Chúa trong thần trí.

Thông công với nhau không chỉ có nghĩa là gặp nhau, trò chuyện với nhau, cùng nhau làm việc. Thông công là lắng nghe nhau, cảm thông nhau, cùng chia sẻ mọi cảnh ngộ với nhau, cùng tương tác với nhau trong cuộc sống để gây dựng Hội Thánh, như các chi thể của cùng một thân.

Chúa không chấp nhận tình trạng con dân Chúa hầu việc Chúa hoặc phục vụ lẫn nhau mà việc làm không xuất phát từ tình yêu. Ngài đã kêu gọi Hội Thánh tại Ê-phê-sô hãy nhớ lại đã sa sút từ đâu; hãy cải hối và làm những việc ban đầu, tức là những việc làm xuất phát từ tình yêu. Lời kêu gọi đó cũng dành cho Hội Thánh địa phương nào và người nào đang bỏ mất tình yêu ban đầu đối với Chúa và đối với anh chị em cùng Cha của mình, trong đó, có chồng hay vợ của mình.

Sự Tiêm Nhiễm Hoặc Thỏa Hiệp với Ngoại Giáo, với Mê Tín Dị Đoan

Ngoại giáo là các tôn giáo hoặc các tín ngưỡng trong thế gian, không thờ phượng Thiên Chúa của Thánh Kinh. Tôn giáo là sự thờ phượng thần linh một cách có tổ chức, có luật lệ, có lễ nghi, theo sự quy định của loài người. Tín ngưỡng là đức tin vào bất cứ một ai hay bất cứ một sự gì; hoặc sự tin và thờ phượng thần linh không theo tôn giáo.

Sự thỏa hiệp với ngoại giáo là sự đem giáo lý, lễ nghi, hoặc sinh hoạt của ngoại giáo, của tín ngưỡng dân gian vào trong Hội Thánh. Ngày nay, điển hình là sự tổ chức Christmas [1], [2], Easter [3], đem phong thủy, thiền định, Yoga, và Pháp Luân Công vào trong Hội Thánh. Một số con dân Chúa vẫn còn xem tử vi, xem ngày tốt xấu, hoặc kiêng cữ theo mê tín dị đoan, trị bệnh theo mê tín dị đoan.

Có một số con dân Chúa dù không mê tín dị đoan nhưng khi mua lịch thì lại mua các loại lịch phổ biến mê tín dị đoan, tức là các loại lịch gọi tên ngày tháng năm theo tên của 12 con giáp, ghi ngày tốt xấu. Những loại lịch đó là ô uế, không nên đem vào nhà của chúng ta. Tà linh có thể viện cớ để theo các loại lịch đó vào nhà của chúng ta; vì các loại lịch đó được dùng để tôn vinh chúng và phổ biến mê tín dị đoan. Các loại lịch đó là ô uế trước Chúa. Có một số con dân Chúa lại mua những loại lịch in hình các ca sĩ, các tài tử điện ảnh, các người mẫu mà nhiều khi trang phục rất là hở hang. Sự mua dùng các loại lịch như vậy rõ ràng là không đem lại ích lợi, không làm gương tốt, không làm tôn vinh danh Chúa; mà còn mở ra cơ hội cho ma quỷ quấy phá và cám dỗ con dân Chúa.

Trên mạng có những nơi cho tải xuống miễn phí các mẫu lịch để in ra giấy, kèm theo các câu Thánh Kinh, trong tiếng Anh. Chúng tôi mong rằng, các thanh niên trong Hội Thánh giỏi về thiết kế và đồ họa hãy cùng nhau lập ra một ban thiết kế lịch. Mỗi năm, thiết kế các mẫu lịch tiếng Việt, có kèm theo các câu Thánh Kinh cho mỗi ngày, dùng trên computer hoặc trên điện thoại. Đồng thời thiết kế các mẫu lịch 12 tháng mà người dùng có thể tải xuống và in ra giấy. Có thể bắt đầu ngay từ năm nay. Đó sẽ là một mục vụ vừa phục vụ con dân Chúa, vừa giới thiệu Lời Chúa đến cho những người không tin Chúa. Sau khi hoàn thành mẫu lịch tiếng Việt thì có thể dùng mẫu đó cho các ngôn ngữ khác. Đặc biệt, khi làm mẫu lịch trong tiếng Anh hay tiếng Pháp thì không dùng tên gọi ngày và tháng theo thế gian. Vì đó là tên gọi của các tà thần. Nhưng dùng số thứ tự, từ ngày Thứ Nhất đến ngày Thứ Bảy và từ tháng 01 đến tháng 12.

Chúa không chấp nhận sự Hội Thánh của Ngài, con dân của Ngài bị ô uế bởi ngoại giáo và sự mê tín dị đoan. Ngài đã kêu gọi Hội Thánh tại Bẹt-găm hãy cải hối. Lời kêu gọi đó cũng dành cho Hội Thánh địa phương nào và người nào đang bị tiêm nhiễm hoặc đang thỏa hiệp với ngoại giáo, với mê tín dị đoan.

Sự Dung Túng Kẻ Theo Tà Giáo

Tà giáo là sự nhân danh Chúa giảng dạy bất cứ điều gì không đúng với Lời Chúa. Từ xưa cho tới nay, lúc nào Hội Thánh cũng phải đối phó với tà giáo. Vì đó là một trong những cách thức hữu hiệu nhất mà Sa-tan dùng để đánh phá Hội Thánh. Thậm chí, Sa-tan còn dựng lên các giáo hội mang danh Chúa chuyên rao giảng về một tà giáo nào đó. Điển hình là Giáo Hội “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành” chuyên giảng dạy tà giáo “Đức Chúa Trời Mẹ”.

Ngoài ra, hiện nay, các tà giáo sau đây đã được các giáo sư giả và các tiên tri giả nhân danh Chúa, rao giảng khắp thế gian:

  • Tà giáo “Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã” trong các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần [4].

  • Tà giáo “Tin Lành Thịnh Vượng” trong các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.

  • Tà giáo “Được Cứu Một Lần Được Cứu Vĩnh Viễn” trong một số Giáo Hội Báp-tít.

  • Tà giáo bác bỏ giáo lý Ba Ngôi Thiên Chúa trong Giáo Hội Giê-hô-va Chứng Nhân và trong Giáo Hội Nhất Thể Ngũ Tuần (Oneness Pentecostalism).

  • Tà giáo buộc con dân Chúa phải gọi danh Chúa theo cách phát âm trong tiếng Hê-bơ-rơ, phải giữ các ngày lễ hội thời Cựu Ước, và phải kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước trong phong trào Cội Nguồn Hê-bơ-rơ (Hebrew Roots).

Nhưng các tà giáo lâu đời nhất do Giáo Hội Công Giáo giảng dạy là: Đổi ngày Sa-bát Thứ Bảy sang Chủ Nhật; thờ lạy và cầu nguyện với hình tượng của bà Ma-ri và các người được giáo hội phong thánh; bà Ma-ri đồng công với Đấng Christ trong sự cứu chuộc loài người; sự chết của Đấng Christ không hoàn toàn rửa sạch tội của một người mà còn phải thêm vào sự người có tội phải chịu khổ một thời gian trong ngục luyện tội; giáo hoàng của Công Giáo là vô ngộ, nghĩa là không sai lầm.

Sự dung túng kẻ theo tà giáo là sự chấp nhận cho những kẻ tin theo tà giáo, giảng dạy tà giáo vẫn được sinh hoạt trong Hội Thánh.

Chúa không chấp nhận sự Hội Thánh của Ngài, con dân của Ngài dung túng tà giáo. Thực tế, Đức Thánh Linh đã dạy rằng:

Sau khi đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì con hãy tránh xa.” (Tít 3:10).

Bất cứ ai nghịch lại, chẳng ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì kẻ ấy không có Thiên Chúa. Còn ai ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì người ấy có cả Đức Cha lẫn Đức Con. Nếu ai đến với các anh chị em mà không đem giáo lý ấy theo, thì chớ đón kẻ ấy vào nhà, và cũng đừng chào hỏi kẻ ấy.” (II Giăng câu 9-10).

Chúa sẽ đánh phạt những kẻ theo tà giáo. Nhưng bởi sự từ ái của Ngài, trước đó, Ngài sẽ ban cho những kẻ theo tà giáo cơ hội để ăn năn.

Sự Có Việc Làm Gần Chết

Việc làm của con dân Chúa là nếp sống phụng sự Chúa và phục vụ lẫn nhau, cùng nhau làm những việc lành cho mọi người.

Tôi nói theo cách của loài người, vì sự yếu đuối trong xác thịt của các anh chị em: Vậy, như các anh chị em từng đặt các chi thể của mình làm những nô lệ của sự ô uế, gian ác để phạm luật pháp thế nào, thì bây giờ, hãy đặt các chi thể của các anh chị em làm những nô lệ của sự công chính cho sự thánh khiết cũng thế ấy.” (Rô-ma 6:19).

Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).

Chớ mệt nhọc về sự làm lành; vì nếu chúng ta không chậm trễ, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết là cho những người nhà trong đức tin của chúng ta.” (Ga-la-ti 6:9-10).

Nhưng mỗi việc làm của con dân Chúa phải là bởi sự tác động của Chúa, theo thánh ý của Chúa, chứ không bởi ý riêng. Ý riêng của chúng ta nhiều khi không phạm điều răn của Chúa; nhưng nếu ý riêng đó không đúng với ý Chúa hoặc không đúng với thời điểm của Chúa mà chúng ta vẫn thực hiện, thì việc làm theo ý riêng đó trở thành sự phạm tội.

Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để các anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Chúng ta đã biết, mệnh lệnh của Chúa là con dân Chúa phải giảng Tin Lành cho mọi người. Nhưng có một thời điểm Đức Thánh Linh đã cấm Phao-lô và các bạn của ông giảng Tin Lành trong miền A-si (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:6-7). Nếu lúc đó Phao-lô vẫn vào miền A-si để giảng Tin Lành thì việc làm của ông trở thành sự phạm tội.

Việc làm sống là việc làm bởi năng lực của Đức Thánh Linh và làm theo thánh ý của Chúa. Việc làm chết là việc làm bởi sức riêng và làm theo ý riêng. Việc làm gần chết là việc làm khởi đầu theo ý Chúa, bởi năng lực của Chúa, nhưng dần dần dựa vào sức riêng và theo ý riêng.

Ngày nay, nhìn vào các giáo hội mang danh Chúa, chúng ta thấy họ tổ chức thờ phượng Chúa, học Lời Chúa, truyền giảng, làm các việc lành… rất là ồn ào, náo nhiệt. Nhưng có bao nhiêu là việc làm sống; có bao nhiêu là việc làm chết; và có bao nhiêu là việc làm gần chết?

Chúa không chấp nhận sự Hội Thánh của Ngài, con dân của Ngài có những việc làm gần chết. Ngài đã kêu gọi Hội Thánh tại Sạt-đe hãy tỉnh thức và làm cho vững những sự còn lại là những sự sắp chết. Lời kêu gọi đó cũng dành cho Hội Thánh địa phương nào và người nào đang có những việc làm gần chết.

Sự Có Việc Làm Hâm Hẩm

Hâm hẩm có nghĩa là không nóng cũng không lạnh. Nóng tiêu biểu cho sự sốt sắng. Lạnh tiêu biểu cho sự thờ ơ.

Tình trạng hâm hẩm thuộc linh là tình trạng biết Chúa, tin Chúa, nhưng không sống cho Chúa, mà chỉ sống cho chính mình. Nóng là biết Chúa và hết lòng yêu Chúa, sống cho Chúa. Lạnh là không biết Chúa, không tin Chúa, chỉ biết sống cho mình. Không nóng cũng không lạnh về đức tin có nghĩa là không sốt sắng với Chúa nhưng cũng không chối bỏ Chúa.

Tình trạng hâm hẩm thuộc linh xảy ra khi con dân Chúa được sống trong cảnh bình an và thịnh vượng về vật chất, thì không còn sốt sắng trong sự hầu việc Chúa. Họ không hiểu rằng, Chúa ban cho họ cuộc sống bình an và thịnh vượng về vật chất là để họ sốt sắng trong sự hầu việc Chúa để gây dựng Hội Thánh chung. Trái lại, họ chỉ chuyên tâm vào việc chạy theo sự thịnh vượng về vật chất, khoe khoang sự giàu có vật chất của mình, xem như đó là thành quả bởi sức riêng của mình.

Tình trạng hâm hẩm thuộc linh dẫn đến sự hầu việc Chúa hâm hẩm. Sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa, sự học Lời Chúa, sự rao giảng Lời Chúa… đều trở thành các việc làm cho có làm, và bị giới hạn đến mức tối đa.

Chúa không chấp nhận sự Hội Thánh của Ngài, con dân của Ngài có những việc làm hâm hẩm. Ngài đã kêu gọi Hội Thánh tại Lao-đi-xê hãy sốt sắng và cải hối. Lời kêu gọi đó cũng dành cho Hội Thánh địa phương nào và người nào đang hầu việc Chúa một cách hâm hẩm.

Sự Sẵn Sàng Chết vì Chúa, Chết cho Chúa

Từ khi Hội Thánh được thành lập cho tới ngày Đấng Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, Hội Thánh vẫn luôn bị bách hại bởi những người không tin Chúa, là những người theo các tôn giáo của thế gian hoặc những kẻ vô thần. Sự bách hại lớn vẫn là sự bách hại đến từ các nhà cầm quyền một cách có tổ chức, có hệ thống, với đầy đủ phương tiện và quyền lực. Khải Huyền 2:10 giúp cho chúng ta hiểu rằng, đàng sau các thế lực bách hại Hội Thánh, ít nhiều gì cũng có sự tác động của Sa-tan.

Khi sự bách hại đến từ nhà cầm quyền, con dân Chúa bị cấm tuyên xưng đức tin; bị cấm sở hữu và đọc Thánh Kinh; bị cấm nhóm họp thờ phượng Chúa; bị cấm rao giảng về Chúa; bị buộc phải lên tiếng chối bỏ Chúa. Hình phạt dành cho con dân Chúa bao gồm: bị đánh đập, bị tịch thu tài sản, bị bỏ tù, bị lao động khổ sai; thậm chí bị giết chết.

Vào cuối thế kỷ thứ nhất, con dân Chúa trong Hội Thánh tại Si-miệc-nơ đã trải qua sự bách hại đức tin từ những người theo Do-thái Giáo lẫn từ nhà cầm quyền của đế quốc La-mã. Chúa đã để cho họ chịu thiếu thốn về vật chất và chịu chết vì đức tin. Suốt từ đó đến nay, con dân Chúa trong nhiều Hội Thánh địa phương ở khắp nơi trên thế giới vẫn chịu khổ cho đến chết vì danh Chúa. Sự bách hại lớn nhất là sự bách hại đến từ Giáo Hội Công Giáo, kéo dài gần một ngàn năm, với hàng chục triệu hoặc hàng trăm triệu con dân Chúa bị tàn sát [5]. Tiếp theo là sự bách hại đến từ các thế lực Ấn Giáo, Hồi Giáo, và từ các nhà cầm quyền Cộng Sản. Hiện nay, các Hội Thánh địa phương tại Bắc Hàn đang chịu sự bách hại tàn bạo nhất. Chính phủ Hoa Kỳ ước tính dân số Bắc Hàn vào giữa năm 2020 là vào khoảng 25.600.000 người. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc thì số con dân Chúa tại Bắc Hàn vào khoảng từ 200.000 đến 400.000 người. Trong số đó, vào cuối năm 2000, có khoảng từ 50.000 đến 70.000 con dân Chúa bị cưỡng bức lao động khổ sai trong các trại tù [6].

Để có thể sẵn sàng chịu khổ cho đến chết vì danh Chúa thì một người chắc chắn phải giữ vững tình yêu ban đầu đối với Chúa và trung tín đối với Chúa. Những người sẵn sàng chịu khổ cho đến chết vì danh Chúa chắc chắn sẽ được Chúa ban cho những địa vị cao trọng trong vương quốc của Ngài.

Lời kêu gọi của Chúa dành cho Hội Thánh tại Si-miệc-nơ và cho những ai chịu khổ vì danh Chúa đã được ghi lại như sau:

Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.” (Khải Huyền 2:10).

Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ”. Là vì Chúa sẽ không cho phép bất cứ sự cám dỗ hay thử thách nào vượt quá sức chịu đựng của con dân Chúa. Ngài luôn mở đường cho con dân Chúa ra khỏi những sự cám dỗ và thử thách. Mà có thể sự mở đường đó chính là sự chết của thân thể xác thịt.

Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách”. Nghĩa là Sa-tan sẽ lợi dụng các thế lực cầm quyền trong các quốc gia, nhốt tù một số con dân Chúa. Chúa cho phép sự bách hại đó xảy ra để thử thách đức tin của họ.

Các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn”. Con số “mười ngày” có thể hiểu theo nghĩa đen là mười ngày mà mỗi ngày là 24 tiếng đồng hồ. Vì trong suốt sách Khải Huyền, một ngày được hiểu là một ngày gồm 24 tiếng đồng hồ. Như sự kiện hai chứng nhân của Chúa bị giết trong thành Giê-ru-sa-lem vào giữa Kỳ Tận Thế; sau ba ngày rưỡi thì họ sống lại (Khải Huyền 11:3-12). Nhưng “mười ngày hoạn nạn” cũng có thể được hiểu là thời gian của sự hoạn nạn đến một cách đầy trọn, bất kể là kéo dài bao lâu. Vì số mười là số tiêu biểu cho sự trọn vẹn về số lượng. Như vậy, “mười ngày hoạn nạn” có nghĩa là “trọn vẹn thời gian của sự hoạn nạn”. Và khoảng thời gian của “mười ngày hoạn nạn” đối với mỗi người hay mỗi Hội Thánh địa phương có thể khác nhau.

Trung tín cho tới chết”. Đó là điều kiện để được ở lại trong sự cứu rỗi của Chúa. Cho dù có phải trải qua sự bách hại hay không, người đã tin nhận sự cứu rỗi của Chúa thì phải trung tín cho tới chết. Trung tín là không thay đổi về sự ăn năn tội, tức là không phạm các điều răn của Thiên Chúa; không thay đổi đức tin vào sự chết chuộc tội của Đấng Christ, tức là không dựa vào bất cứ một điều gì khác để được tha tội, ngoài máu chuộc tội của Đấng Christ.

Mão sự sống”. Mão sự sống khác với sự sống đời đời. Tất cả những người được vào Nước Trời đều có sự sống đời đời mà không cần phải làm gì hết, ngoại trừ tin nhận Đấng Christ, nghĩa là thật lòng từ bỏ tội và tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, qua cái chết của Đấng Christ trên thập tự giá. Sự sống đời đời là ân điển, tức là ơn thương xót của Đức Chúa Trời ban cho những ai tin nhận Đấng Christ. Nhưng mão sự sống là phần thưởng của Đức Chúa Trời ban cho những ai trung tín, giữ vững đức tin trong mọi nghịch cảnh, mọi thử thách. Muốn nhận được mão sự sống một người phải chịu khổ vì danh Chúa đến nỗi sẵn sàng hy sinh mọi phương tiện sống và chính mạng sống của mình.

Sự sống đời đời trở thành nội tại tính của người tin nhận Đấng Christ nhưng mão của sự sống trở thành ngoại tại tính của người trung tín với Chúa trong mọi sự thử thách. Rất có thể những người được Chúa ban cho mão sự sống là những người được Ngài ban cho sự hiểu biết những mầu nhiệm của sự sống và được đồng trị với Đấng Christ về phương diện điều hành các nguyên tắc bí ẩn của sự sống [7].

Mong rằng, khi Chúa đặt để chúng ta vào hoàn cảnh phải chịu khổ vì danh Chúa, thì chúng ta và các anh chị em trong Hội Thánh địa phương của chúng ta đều sẽ cùng nhau trung tín, chịu khổ vì danh Chúa cho đến chết.

Sự Trung Tín với Chúa

Sự trung tín với Chúa chính là sự không quay lại sống nếp sống tội lỗi, không vi phạm các điều răn của Thiên Chúa; nhưng luôn luôn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ và hết lòng sống theo Lời Chúa. Sống theo Lời Chúa là yêu Chúa trên hết mọi sự; yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình; yêu người khác như chính mình; sốt sắng làm trọn mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người.

Sự trung tín với Chúa là điều phải có để có thể chịu khổ vì danh Chúa cho đến chết, khi bị bách hại đức tin. Nhưng sự trung tín với Chúa cũng là điều phải có cho tất cả những con dân của Chúa, cho dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Có những người suốt cuộc đời đi theo Chúa không trải qua sự thử thách bởi sự bị bách hại đức tin nhưng lại trải qua các sự thử thách khác. Người thì bị cha mẹ, vợ chồng, con cái không tin Chúa dùng tình cảm gây áp lực, xui khiến người ấy không sống theo Lời Chúa. Người thì bị đau yếu, tật bệnh về thể xác, không được Chúa chữa lành. Người thì thiếu kém về học thức, về kỹ năng, không có việc làm tốt, không có địa vị cao trọng trong xã hội. Người thì cứ ở mãi trong cảnh nghèo vật chất, lao động vất vả mà chỉ đủ ăn, đủ mặc… Đã thế, trong các trường hợp ấy, có khi còn bị những người tự xưng là con dân Chúa chê cười.

Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi vào cuối thế kỷ thứ nhất đã được Đấng Christ khen là “có ít sức” mà vẫn giữ được Lời Chúa và không chối bỏ danh Chúa. Giữ Lời Chúa có nghĩa là sống đúng theo lời dạy của Chúa; là yêu Chúa, yêu người, phụng sự Chúa, phục vụ người. Không chối bỏ danh Chúa là không phủ nhận mình là con dân Chúa, cũng không làm ra những gì sai trái để giải quyết những nan đề và nhu cầu trong cuộc sống.

Có ít sức vừa là có ít năng lực của bản thân mà cũng vừa có ít sự ban cho của Chúa. Con dân Chúa trong Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi có hoàn cảnh sống khó nghèo, không giàu có vật chất như con dân Chúa trong Hội Thánh tại Lao-đi-xê. Nhưng họ sốt sắng, nóng cháy sống theo Lời Chúa và tôn cao danh Chúa. Chúa đã không yêu cầu gì hơn ở họ, ngoài việc họ cứ tiếp tục trung tín sống theo Lời Chúa.

Lời hứa của Chúa dành cho Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi cũng là lời hứa dành cho tất cả Hội Thánh địa phương nào và người nào trung tín với Chúa cho tới ngày Chúa đến.

Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất. Này, Ta đến mau chóng! Hãy giữ vững những điều ngươi có thì không ai có thể lấy mão của ngươi.” (Khải Huyền 3:10-11).

Mão” là sự ban thưởng về quyền đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời mà Ngài sẽ ban cho những ai trung tín sống theo Lời của Ngài, không chối bỏ danh Ngài.

Ngày Đấng Christ đến không còn bao xa nữa và có thể là bất kỳ lúc nào. Điều quan trọng đối với chúng ta, những con dân Chúa, là chúng ta có đang giữ vững tình yêu ban đầu với Chúa, với các anh chị em cùng Cha của chúng ta; có đang trung tín với Chúa, sống theo Lời Chúa, không chối danh Ngài; có sẵn sàng chịu khổ cho tới chết vì danh Chúa; có dẹp khỏi chúng ta những gì liên quan đến ngoại giáo, mê tín dị đoan, và tà giáo; có sốt sắng, nóng cháy trong mọi mục vụ?

Đối với những con dân chân thật của Chúa, đã quyết tâm sống cho Chúa, chết cho Chúa, thì chỉ có một câu trả lời cho các câu hỏi trên đây. Đó là: “Có”. Đối với tất cả những ai xưng nhận mình là con dân Chúa nhưng lại không quyết tâm sống cho Chúa, chết cho Chúa, thì họ sẽ sa ngã và rơi trở lại vào trong nếp sống tội. Lời Chúa đã cảnh cáo từ gần hai ngàn năm trước:

Sự gì không công chính vẫn không công chính. Sự gì ô uế vẫn ô uế. Sự gì công chính vẫn công chính. Sự gì thánh khiết vẫn thánh khiết.” (Khải Huyền 22:11).

Nguyện quý ông bà anh chị em đều là những con dân chân thật của Chúa, đã quyết tâm sống cho Chúa, chết cho Chúa. Nguyện quý ông bà anh chị em luôn vững vàng trong nếp sống yêu thương, thánh khiết, và công chính; chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự bình an từ Thiên Chúa luôn bao phủ quý ông bà anh chị em.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/01/2022

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/christmas-su-that-hien-nhien-ve-christmas/

[2] https://timhieutinlanh.com/christmas-su-that-ve-christmas/

[3] https://timhieutinlanh.com/easter-huyen-thoai-ve-easter/

[4] https://od.lk/f/NV8xNDIxODIyNzFf

[5] https://od.lk/f/NV8xNDI0MzI1MTJf

[6] https://www.state.gov/reports/2020-report-on-international-religious-freedom/north-korea/

[7] https://timhieutinlanh.com/mao-trieu-thien/

Karaoke Thánh Ca: “Tôi Muốn”
https://karaokethanhca.net/toi-muon/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/