078 Chú Giải Ê-sai 19 – Phần 1: Lời Tiên Tri Nghịch Lại Ê-díp-tô

158 views

YouTube: https://youtu.be/lwSw-dqZfxM

Chú Giải Ê-sai 19 – Phần 1
Lời Tiên Tri Nghịch Lại Ê-díp-tô
Ê-sai 19:1-15

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ê-sai 19:1-15

1 Gánh nặng về Ê-díp-tô. Này, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cưỡi trên đám mây lướt nhanh. Ngài sẽ đến trong Ê-díp-tô; những thần tượng của Ê-díp-tô sẽ run rẩy trước mặt Ngài, lòng của Ê-díp-tô sẽ tan chảy giữa nó.

2 Ta sẽ khiến người Ê-díp-tô nghịch lại người Ê-díp-tô. Chúng sẽ đánh nhau, mỗi người sẽ nghịch lại anh em mình, mỗi người sẽ nghịch lại người lân cận mình. Thành nghịch lại thành, nước nghịch lại nước.

3 Thần trí của Ê-díp-tô sẽ trở nên trống không giữa nó. Ta sẽ phá tan mưu kế của nó. Chúng nó sẽ cầu hỏi nơi những thần tượng, nơi những thầy bùa, nơi những kẻ cầu hồn, và nơi những thầy bói.

4 Ta sẽ phó dân Ê-díp-tô trong tay của bạo chúa. Một vua bạo ngược sẽ cai trị chúng nó. Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, tuyên phán.

5 Các dòng nước của biển sẽ cạn. Sông sẽ bị hoang phế và khô đi.

6 Các dòng sông sẽ trở nên hôi thối. Sông Ni-lơ sẽ xuống thấp và bị hoang phế. Những sậy và những lau sẽ héo úa.

7 Những bãi trống bên sông Ni-lơ, bên miệng sông Ni-lơ, cùng hết thảy đồng ruộng bên sông Ni-lơ sẽ héo khô, bị thổi đi, không còn nữa.

8 Những người đánh cá sẽ than vãn, mọi kẻ buông câu nơi sông Ni-lơ sẽ rên siết, và những kẻ thả lưới trên các dòng nước sẽ âu sầu.

9 Những kẻ làm vải gai mịn và những kẻ dệt vải trắng sẽ bị xấu hổ.

10 Các cột trụ sẽ bị đánh hạ. Hết thảy những kẻ làm công sẽ sầu thảm trong linh hồn.

11 Thật, các quan trưởng của Xô-an là ngu dại. Mưu kế của những mưu sĩ rất khôn sáng của Pha-ra-ôn bị thiêu rụi. Sao các ngươi nói với Pha-ra-ôn rằng: Tôi là con cháu của những người khôn sáng, con cháu của các vua đời xưa?

12 Vậy, những người khôn sáng của ngươi ở đâu? Họ hãy nói đi! Họ hãy cho biết điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đã định cho Ê-díp-tô.

13 Các quan trưởng của Xô-an là ngu dại. Các quan trưởng của Nốp đã bị lừa dối. Những khối đá góc nhà của các chi phái đã làm cho Ê-díp-tô lầm lạc.

14 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã trộn lẫn linh biến thái vào giữa chúng nó nên chúng nó đã làm cho Ê-díp-tô sai lầm trong mọi việc, như kẻ say đi nghiêng ngả trong cơn ói mửa của nó.

15 Chẳng có việc gì cho Ê-díp-tô dù đầu hay đuôi, tán lá kè hay cọng lác, để nó có thể làm được.

Chúng tôi đã trình bày trong bài giảng “Chú Giải Ê-sai 17” [1] rằng, Ê-sai đoạn 13 đến đoạn 24 là lời tiên tri về các dân tộc thù nghịch I-sơ-ra-ên bao quanh I-sơ-ra-ên và chính dân I-sơ-ra-ên, trong những ngày cuối cùng, từ trước Kỳ Tận Thế cho tới sau Kỳ Tận Thế. Vì thế, tương tự như Ê-sai 17, Ê-sai 19 là lời tiên tri về những sự sẽ xảy đến trong những ngày sau cùng, là khoảng thời gian không bao lâu trước Kỳ Tận Thế cho tới khi Đấng Christ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm. Lời tiên tri này liên quan đến sự hình phạt Ê-díp-tô và sau đó là sự phục hồi ba sắc dân: Ê-díp-tô, A-si-ri, và I-sơ-ra-ên. Toàn bộ các lời tiên tri trong Ê-sai 19 chưa hề có lời nào ứng nghiệm trong lịch sử của Ê-díp-tô.

Xứ Ê-díp-tô ngày nay là Cộng hòa Ả Rập Ai-cập (The Arabic Republic of Egypt). Xứ A-si-ri ngày nay không còn nhưng lãnh thổ xưa kia của nó bao gồm các quốc gia: Iraq, Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Tất cả các quốc gia ấy hiện nay cũng như Ê-díp-tô đều theo Hồi Giáo và thù nghịch I-sơ-ra-ên. Chúng tôi nghĩ rằng, dân A-si-ri được nói trong Ê-sai 19 thuộc về Iraq ngày nay.

Tổ phụ của dân Ê-díp-tô là Cham, con thứ của Nô-ê (Sáng Thế Ký 10:6). Dân Ê-díp-tô ra từ Mích-ra-im. Chữ “Ê-díp-tô” trong tiếng Hê-bơ-rơ chính là chữ “Mích-ra-im” (H4714).

Dân A-si-ri có cùng tổ phụ với dân I-sơ-ra-ên, là Sem, con trai út của Nô-ê. Sáng Thế Ký 10:22 chép: “Các con trai của Sem là: Ê-lam, A-su-rơ, A-bác-sát, Lút, và A-ram.”

  • Ê-lam là tổ phụ của dân Phe-rơ-sơ và dân Mê-đi. Ngày nay là Iran.

  • A-su-rơ là tổ phụ của dân A-si-ri. Ngày nay là Iraq.

  • A-bác-sát là tổ phụ của dân Canh-đê. Dân Canh-đê, tức Ba-by-lôn, về sau bị đồng hóa với dân Phe-rơ-sơ và Mê-đi. Áp-ra-ham thuộc dân Canh-đê, trở thành tổ phụ của dân Hê-bơ-rơ. Ngày nay là I-sơ-ra-ên.

  • Lút là tổ phụ của dân Li-đi miền Tiểu Á. Dân Li-đi về sau bị đồng hóa với dân Phe-rơ-sơ và dân Mê-đi. Ngày nay không còn dân Li-đi.

  • A-ram là tổ phụ của dân Syria [2].

Trong khi Ê-sai 17 nói về kết quả của cuộc chiến theo Thi Thiên 83, là cuộc chiến sẽ xảy ra trước Kỳ Tận Thế, và rất có thể đã được bắt đầu bằng sự quân khủng bố Hồi Giáo Ha-mác (Hamas) tấn công lãnh thổ I-sơ-ra-ên, vào ngày bảy tháng Mười vừa qua, thì Ê-sai 19 lại tiên tri về tình trạng của Ê-díp-tô trong Kỳ Tận Thế, là lúc AntiChrist đã lên cầm quyền. Và tiên tri về sự Ê-díp-tô sẽ được Đức Chúa Trời phục hồi sau đó, cùng với A-si-ri và I-sơ-ra-ên trở thành nguồn phước cho thế gian.

Thánh Kinh dùng I-sơ-ra-ên tiêu biểu cho Vương Quốc Trời và dùng Ê-díp-tô tiêu biểu cho thế gian. Vì thế, ý nghĩa chính của lời tiên tri về Ê-díp-tô cũng có thể áp dụng chung cho thế gian. Thế gian chống nghịch Thiên Chúa và chống nghịch dân được chọn của Ngài là dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, Thiên Chúa sẽ hình phạt toàn thế gian trong khi Ngài sửa trị dân I-sơ-ra-ên, trong suốt bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế.

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu phần thứ nhất của Ê-sai 19, từ câu 1 đến câu 15, là lời tiên tri nghịch cùng Ê-díp-tô.

1 Gánh nặng về Ê-díp-tô. Này, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cưỡi trên đám mây lướt nhanh. Ngài sẽ đến trong Ê-díp-tô; những thần tượng của Ê-díp-tô sẽ run rẩy trước mặt Ngài, lòng của Ê-díp-tô sẽ tan chảy giữa nó.

Danh từ “gánh nặng” (H4853) vừa có nghĩa là sự mang, vác nặng nề vừa có nghĩa là lời tiên tri. Vì thế, “gánh nặng về Ê-díp-tô” vừa có nghĩa là lời tiên tri về Ê-díp-tô, vừa có nghĩa là những sự khốn khó của Ê-díp-tô.

Chúng ta đã biết, các danh xưng: Chúa, Thiên Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đều được dùng để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa. Theo văn mạch của Ê-sai 19, chúng ta hiểu rằng, danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong đoạn này được dùng để chỉ về Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời. Trong câu 20 nói rằng, Ngài sẽ ban một Đấng Cứu Rỗi Lớn cho họ và Đấng ấy sẽ giải cứu họ. Vì thế, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong đoạn này chỉ về Đức Chúa Trời và Đấng Cứu Rỗi Lớn là Đấng Christ.

Câu “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cưỡi trên đám mây lướt nhanh” cần được hiểu là sự hiện diện của Đức Chúa Trời đến trên đất nước Ê-díp-tô một cách nhanh chóng. Ngài không hiện ra cho mọi người nhìn thấy, Ngài không thực tế di chuyển từ thiên đàng đến trên vùng đất của Ê-díp-tô. Nhưng Ngài thể hiện sự hiện diện của Ngài trên vùng đất đó. Chúng ta đã biết, Thiên Chúa có mặt khắp nơi. Vì thế, Đức Chúa Trời trong thể trạng Thiên Chúa không cần phải di chuyển từ thiên đàng đến Ê-díp-tô. Ngài đã có mặt tại Ê-díp-tô trong sự toàn tại của Ngài (toàn tại có nghĩa là cùng lúc có mặt khắp nơi). Cách nói “Ngài đến” là cách diễn đạt sự chú ý của Ngài vào một đối tượng nào đó và khiến cho đối tượng ấy cảm nhận sự hiện diện của Ngài, dù không nhìn thấy Ngài.

Có thể ví sự tôi ngồi nhìn vào bản đồ thế giới trên màn ảnh máy vi tính như sự tôi hiện diện với tất cả các khu vực của các quốc gia được tiêu biểu trên bản đồ. Và khi tôi chú ý nhìn vào khu vực của một quốc gia nào đó thì ví như tôi đến với khu vực của quốc gia ấy trên bản đồ.

Toàn thế gian ở trước mặt của Đức Chúa Trời và khi Ngài chú ý đến một quốc gia nào hay một người nào để tiến hành ý định của Ngài, thì Thánh Kinh dùng cách nói “Ngài đến”.

Mệnh đề “cưỡi trên đám mây” hàm ý, sự hiện diện của Ngài từ trời đến với Ê-díp-tô một cách nhanh chóng, khi thời điểm đến.

Những thần tượng của Ê-díp-tô sẽ run rẫy trước mặt Ngài” hàm ý, tất cả những tà linh ở đàng sau những thần tượng được dân Ê-díp-tô thờ lạy sẽ run sợ trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chúng biết rằng, thời điểm Đức Chúa Trời kết thúc sự tự do của chúng trên đất đã đến. Dù Thánh Kinh không nói ra chi tiết này nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, khi Đức Chúa Trời giam Sa-tan vào vực sâu không đáy trong âm phủ thì Ngài cũng giam toàn thể các thiên sứ phạm tội, tức là các ma quỷ đi theo Sa-tan, vào đó. Vì thế, trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm sẽ không có sự cám dỗ đến từ ma quỷ. Dù vậy, rất nhiều người được sinh ra trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm sẽ sống theo ý riêng mà phạm tội.

Dù hiện nay Hồi Giáo là quốc giáo của dân Ê-díp-tô nhưng các hình thức mê tín dị đoan và thờ lạy các tà thần vẫn tồn tại. Khi thiên tai và chiến tranh ập đến, dân Ê-díp-tô càng tìm đến với các thần tượng càng hơn.

Lòng của Ê-díp-tô sẽ tan chảy giữa nó” hàm ý, dân Ê-díp-tô sẽ mất hết sự can đảm lẫn hy vọng khi các thiên tai và chiến tranh giáng xuống trên họ.

2 Ta sẽ khiến người Ê-díp-tô nghịch lại người Ê-díp-tô. Chúng sẽ đánh nhau, mỗi người sẽ nghịch lại anh em mình, mỗi người sẽ nghịch lại người lân cận mình. Thành nghịch lại thành, nước nghịch lại nước.

Hiện nay, phần lớn dân Ê-díp-tô là dân Ả-rập, con cháu của Áp-ra-ham, ra từ Ích-ma-ên. Nhưng cũng có dân gốc Ê-díp-tô và các sắc dân khác sống chung trong quốc gia Ê-díp-tô. Các sắc dân này sẽ nghịch lẫn nhau. Hiện tại, Ê-díp-tô được chia thành 27 tỉnh, mỗi tỉnh được cai trị bởi tỉnh trưởng do tổng thống bổ nhiệm. Mệnh đề “nước nghịch lại nước” hàm ý, các tỉnh như là các nước nhỏ trong Ê-díp-tô sẽ nghịch lại nhau. Nhưng ngay trong các tỉnh thì các thành phố, các thôn làng cũng sẽ nghịch lẫn nhau. Thậm chí, người trong gia đình cũng sẽ nghịch lẫn nhau.

Có lẽ, đây là khoảng thời gian ba năm rưởi đầu của Kỳ Tận Thế. Là thời điểm mà thiên tai giáng xuống khắp nơi, trong khi chiến tranh cũng xảy ra giữa các quốc gia. Sự thiếu thốn lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, nhiên liệu sẽ khiến cho xảy ra tình trạng hỗn loạn, dân chúng trộm cướp lẫn nhau.

3 Thần trí của Ê-díp-tô sẽ trở nên trống không giữa nó. Ta sẽ phá tan mưu kế của nó. Chúng nó sẽ cầu hỏi nơi những thần tượng, nơi những thầy bùa, nơi những kẻ cầu hồn, và nơi những thầy bói.

Thần trí của Ê-díp-tô sẽ trở nên trống không giữa nó” hàm ý, mọi sự khôn sáng, mọi ý chí sẽ không giúp gì được cho dân Ê-díp-tô. Mọi kế hoạch, sách lược của Ê-díp-tô đều bị chính Đức Chúa Trời phá tan. Có lẽ dân Ê-díp-tô sẽ kêu cầu A-la (Allah, tà thần của Hồi Giáo) nhưng không có sự đáp trả, thậm chí các đền thờ Hồi Giáo cũng bị các thiên tai đánh sập nên họ sẽ xoay qua các tà thần khác. Từ dân chúng đến những kẻ cầm quyền sẽ cầu hỏi các thần tượng, tìm đến các thầy bùa, thậm chí cầu hỏi những kẻ cầu hồn và những thầy bói. Nhưng tất cả chỉ là vô ích, vì không ai có thể cứu giúp Ê-díp-tô. Sự chạy đến với thần tượng và mê tín dị đoan chỉ càng khiến cho Ê-díp-tô bị hình phạt càng hơn. Nhưng đó cũng là cách mà Đức Chúa Trời khiến cho dân Ê-díp-tô nhận biết, không một ai là chân thần, ngoài Đức Chúa Trời của I-sơ-ra-ên.

4 Ta sẽ phó dân Ê-díp-tô trong tay của bạo chúa. Một vua bạo ngược sẽ cai trị chúng nó. Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, tuyên phán.

Bạo Chúa” được nói đến ở đây chính là AntiChrist. Vào khoảng giữa của Kỳ Tận Thế, AntiChrist sẽ đem quân tiến đánh I-sơ-ra-ên. AntiChrist chiếm đóng Giê-ru-sa-lem, vào ngồi trong Đền Thờ của Đức Chúa Trời, lúc ấy đã được I-sơ-ra-ên tái xây dựng, tự xưng mình là Thiên Chúa, như lời Phao-lô đã tiên tri:

Chớ để bất cứ ai lừa gạt các anh chị em bằng bất cứ cách nào. Vì trừ khi có sự bỏ Đạo đến trước, và có người tội lỗi, con của sự hư mất, được tỏ ra, tức là kẻ chống nghịch, tự tôn mình lên trên mọi sự được xưng là thần hoặc được thờ phượng, đến nỗi ngồi trong Đền Thờ của Đức Chúa Trời như Thiên Chúa, tỏ ra mình là Thiên Chúa. [Đa-ni-ên 11:36; Ê-xê-chi-ên 28:2]” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-4).

Sau đó, AntiChrist sẽ tiến công Ê-díp-tô. Mặc dù Ê-díp-tô đem quân chống trả nhưng sẽ thua trận và bị AntiChrist chinh phục, như đã tiên tri trong Đa-ni-ên:

Đa-ni-ên 11:40-43

40 Vào kỳ cuối cùng, vua phương nam sẽ chinh chiến cùng người. Vua phương bắc sẽ như cơn gió lốc đến với chiến xa, lính kỵ và nhiều tàu. Người sẽ vào trong các vùng đất, tràn tới và đi qua.

41 Người sẽ vào trong đất vinh quang, và nhiều nước sẽ bị đổ. Nhưng các dân này sẽ thoát khỏi tay người: Ê-đôm, Mô-áp và những kẻ đứng đầu con cháu của Am-môn.

42 Người sẽ dang tay mình trên các nước, và đất Ê-díp-tô sẽ không được thoát khỏi.

43 Người sẽ có quyền trên các kho tàng vàng và bạc, cùng hết thảy những vật quý báu của Ê-díp-tô. Li-bi và Ê-thi-ô-bi sẽ theo sau bước người.

Ê-đôm và Mô-áp thuộc về vương quốc Giô-đanh ngày nay. Những kẻ đứng đầu con cháu của Am-môn thuộc về hoàng gia của Giô-đanh. Li-bi ở về phía tây và Ê-thi-ô-bi ở về phía nam của Ê-díp-tô. Có lẽ vì Giô-đanh, Li-bi, và Ê-thi-ô-bi đã quy phục AntiChrist trước đó nên được AntiChrist để yên.

Câu “Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, tuyên phán” hàm ý, chính Đức Chúa Trời, Đấng cầm quyền trên mọi binh lực đã định cho Ê-díp-tô phải thua trận và bị cai trị cách hà khắc bởi AntiChrist.

5 Các dòng nước của biển sẽ cạn. Sông sẽ bị hoang phế và khô đi.

6 Các dòng sông sẽ trở nên hôi thối. Sông Ni-lơ sẽ xuống thấp và bị hoang phế. Những sậy và những lau sẽ héo úa.

7 Những bãi trống bên sông Ni-lơ, bên miệng sông Ni-lơ, cùng hết thảy đồng ruộng bên sông Ni-lơ sẽ héo khô, bị thổi đi, không còn nữa.

Các dòng nước của biển sẽ cạn” hàm ý, hai nhánh Biển Đỏ ở hai bên bờ đông và tây của bán đảo Si-na-i thuộc Ê-díp-tô sẽ cạn. Có thể một cơn động đất lớn, nâng đáy biển lên, khiến cho vùng Biển Đỏ của Ê-díp-tô sẽ bị khô cạn.

Sông sẽ bị hoang phế và khô đi” hàm ý, sông Ni-lơ sẽ bị bỏ hoang và nước sẽ cạn.

Các dòng sông sẽ trở nên hôi thối” hàm ý, sông Ni-lơ và bảy nhánh sông chính của nó sẽ bị ô nhiễm đến nỗi cá bị chết, nước sông trở nên hôi thối và cạn dần, người ta sẽ bỏ hoang sông Ni-lơ. Có lẽ cơn động đất khiến cho lòng sông vừa nâng cao, vừa khiến cho thán khí trong lòng đất bị rò rĩ, nhiễm vào nước sông. Những bãi sậy và những bãi lau, những đồng cỏ và ruộng lúa, ruộng cây công nghiệp hai bên bờ sông và khu vực đồng bằng của sông Ni-lơ sẽ héo khô. Các loài thực vật sẽ bị chết héo, bị gió thổi bay đi.

8 Những người đánh cá sẽ than vãn, mọi kẻ buông câu nơi sông Ni-lơ sẽ rên siết, và những kẻ thả lưới trên các dòng nước sẽ âu sầu.

9 Những kẻ làm vải gai mịn và những kẻ dệt vải trắng sẽ bị xấu hổ.

Cá chết, sông cạn khiến cho những người sống bằng nghề đánh cá và buông câu không còn công việc làm ăn, kiếm sống. Những kẻ thả lưới trên các dòng nước có thể là những người đánh cá trên hai nhánh Biển Đỏ, đã không còn biển để đánh cá. Điều này cũng góp phần làm khan hiếm thực phẩm. Vào thời của Ê-sai, hai động từ “đánh cá” và “buông câu” cũng như động từ “thả lưới” được dùng để chỉ việc đánh bắt thủy sản nơi sông Ni-lơ và hải sản nơi Biển Đỏ. Nhưng vào thời hiện tại thì ngoài việc đánh cá, buông câu, và thả lưới còn có những trung tâm nuôi cá trên sông Ni-lơ. Thủy sản từ sông Ni-lơ là một nguồn thu nhập và nguồn thực phẩm quan trọng của Ê-díp-tô.

Hai bên bờ sông Ni-lơ còn có những cánh đồng trồng loại cây gai để lấy sợi làm vải. Sự khô cạn của sông Ni-lơ khiến cho những cánh đồng trồng cây gai cũng bị thiệt hại ngiêm trọng, dẫn đến sự thất nghiệp của những người chế biến sợi gai và dệt vải.

10 Các cột trụ sẽ bị đánh hạ. Hết thảy những kẻ làm công sẽ sầu thảm trong linh hồn.

Các cột trụ” là tất cả các nền tảng kinh tế, chính trị, quân sự, kỹ thuật, và đạo đức của Ê-díp-tô đều sẽ bị đánh hạ. Những người lao động bình dân sẽ khốn khổ vì không còn công ăn việc làm, không còn thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm, trong khi loạn lạc, cướp bóc nổi lên khắp nơi.

11 Thật, các quan trưởng của Xô-an là ngu dại. Mưu kế của những mưu sĩ rất khôn sáng của Pha-ra-ôn bị thiêu rụi. Sao các ngươi nói với Pha-ra-ôn rằng: Tôi là con cháu của những người khôn sáng, con cháu của các vua đời xưa?

12 Vậy, những người khôn sáng của ngươi ở đâu? Họ hãy nói đi! Họ hãy cho biết điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đã định cho Ê-díp-tô.

Xô-an” và “Nốp” đều là kinh đô của đế quốc Ê-díp-tô xưa. Nốp còn được gọi là Mem-phi trong Ô-sê 9:6, (Memphis trong tiếng Anh). Trong lời tiên tri này, Xô-an và Nốp tiêu biểu cho trung tâm quyền lực của Ê-díp-tô. Ngày nay, thủ đô của Ê-díp-tô là Cairo. Cairo được xây dựng trên nền của Nốp, tức Mem-phi.

Các quan trưởng” là những người cầm quyền của Ê-díp-tô. Đức Chúa Trời gọi họ là những kẻ ngu dại vì họ đã không biết kính sợ Ngài và tôn thờ Ngài. Vì thế, họ đã đưa dân Ê-díp-tô vào trong sự băng hoại và bị Đức Chúa Trời hình phạt.

Những mưu sĩ rất khôn sáng” là những nhà cố vấn chuyên môn cho từng ban ngành, cho từng vấn đề của bậc cầm quyền. Họ là những người có học và thông thái.

Pha-ra-ôn” là danh hiệu tiêu biểu cho người đứng đầu trong chính quyền của Ê-díp-tô, ngày nay là danh hiệu “tổng thống”.

Hội đồng cố vấn của tổng thống Ê-díp-tô khoe rằng, họ là con cháu của những người khôn sáng trong dân Ê-díp-tô. Họ thuộc về dòng dõi hoàng gia, vì tổ tiên của họ đều là vua chúa của Ê-díp-tô. Tuy nhiên, mọi mưu kế khôn sáng nhất của họ đưa ra cho tổng thống Ê-díp-tô đều như bị lửa bốc cháy, trở nên không thể dùng được, không giải quyết được nan đề mà còn làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn.

Đức Chúa Trời thách thức những kẻ khôn sáng của Ê-díp-tô hãy nói ra điều Ngài đã định cho Ê-díp-tô. Dĩ nhiên là họ không thể nói gì hết vì họ không biết gì về ý định của Đức Chúa Trời dành cho Ê-díp-tô. Một lần nữa, danh xưng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân” được nhắc đến để nhấn mạnh sự kiện Đức Chúa Trời sẽ khiến cho binh lực của Ê-díp-tô bị đánh bại, không thể bảo vệ nó.

13 Các quan trưởng của Xô-an là ngu dại. Các quan trưởng của Nốp đã bị lừa dối. Những khối đá góc nhà của các chi phái đã làm cho Ê-díp-tô lầm lạc.

Một lần nữa, Đức Chúa Trời gọi những kẻ cầm quyền trên dân Ê-díp-tô là ngu dại. Xô-an là kinh đô của Ê-díp-tô trong khoảng thời gian từ năm 1069 TCN đến năm 715 TCN. Nốp là kinh đô của Ê-díp-tô trong khoảng thời gian từ năm 2500 TCN đến năm 641. Hai thành phố lớn này luân phiên là kinh đô qua các triều đại xưa của Ê-díp-tô. Nốp bị bỏ hoang sau khi dân Ả-rập chinh phục Ê-díp-tô vào năm 641. Thủ đô Cairo hiện nay của Ê-díp-tô do dân Ả-rập Hồi Giáo xây dựng trên khu vực của Nốp vào năm 969.

Các quan trưởng của Xô-an tiêu biểu cho các nhà cầm quyền thuở xưa của Ê-díp-tô. Họ đã ngu dại không tin kính và không thờ phượng Thiên Chúa, nên đã đem tai họa đến cho dân Ê-díp-tô, điển hình là Pha-ra-ôn vào thời Môi-se. Các quan trưởng của Nốp tiêu biểu cho các nhà cầm quyền cận đại và hiện nay của Ê-díp-tô, kể từ năm 641, là từ khi dân Ả-rập Hồi Giáo cầm quyền trên Ê-díp-tô. Những kẻ cầm quyền đã bị lừa dối bởi Hồi Giáo.

Những khối đá góc nhà của các chi phái” là những kẻ đứng đầu trong Ê-díp-tô ra từ các bộ tộc trong xứ Ê-díp-tô vì ngu dại và bị lừa dối nên đã dẫn dắt dân Ê-díp-tô đi vào con đường lầm lạc. Đó là con đường tin cậy và thờ lạy một Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của Thánh Kinh, dù họ tin nhận năm sách đầu tiên của Thánh Kinh.

14 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã trộn lẫn linh biến thái vào giữa chúng nó nên chúng nó đã làm cho Ê-díp-tô sai lầm trong mọi việc, như kẻ say đi nghiêng ngả trong cơn ói mửa của nó.

Linh biến thái” (H5773 H7307) là thần trí của sự sai lầm, biến trắng thành đen, biến đen thành trắng, biến thật thành giả, biến giả thành thật; ngoan cố, cứng lòng, không chịu ăn năn. Ngày nay, chúng ta thấy linh biến thái này xuất hiện khắp nơi trong thế gian, trong mọi dân tộc, qua những phong trào, qua những biến động trong xã hội. Vì dân Ê-díp-tô tự ý chọn sống theo ý riêng nên Đức Chúa Trời đã để cho khuynh hướng biến thái cứ ở trong thần trí của họ. Đức Chúa Trời không đem linh biến thái vào thần trí họ mà Ngài trộn lẫn thần trí biến thái đã có sẵn trong họ với hoàn cảnh thực tế trong đời sống của họ. Thần trí ấy khiến cho họ ngày càng sai lạc càng hơn trong mọi phương diện; đặc biệt là trong vòng những người lãnh đạo Ê-díp-tô. Hình ảnh người say rượu ói mửa trong khi bước đi nghiêng ngả vì cơn say được dùng để chỉ hậu quả của sự sống theo ý riêng, làm ra những sự vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời.

Nói cách khác, Đức Chúa Trời bỏ mặc họ trong sự phạm tội của họ, vì họ vốn không có lòng ăn năn tội và tìm kiếm Ngài. Dù vậy, trong những ngày cuối cùng, Đức Chúa Trời vẫn ban cho họ cơ hội ăn năn, bằng cách đánh hạ mọi sự trông cậy của họ và tỏ ra quyền thế của Ngài, để họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất của Thánh Kinh. Đây cũng là sự tiêu biểu cách thức Đức Chúa Trời đối xử với toàn thể các dân tộc khác trong thế gian, trong suốt Kỳ Tận Thế.

15 Chẳng có việc gì cho Ê-díp-tô dù đầu hay đuôi, tán lá kè hay cọng lác, để nó có thể làm được.

Trong ngày các lời tiên tri trên đây được ứng nghiệm, dân Ê-díp-tô sẽ không thể làm được bất cứ việc gì để tự cứu mình. Từ những kẻ đứng đầu trong xã hội đến những người thấp kém nhất trong xã hội, từ những kẻ giàu có, sang trọng được ví như tán lá kè đến những kẻ bình dân nghèo khó được ví như cọng lác, không ai có thể làm được gì để cứu mình. Cho đến khi Đức Chúa Trời sai Đấng Cứu Rỗi Lớn đến cứu họ (Ê-sai 19:20).

Khi nhìn vào không ảnh lãnh thổ của Ê-díp-tô, chúng ta thấy, sông Ni-lơ là mạch sống chính của Ê-díp-tô. Toàn bộ lãnh thổ của Ê-díp-tô là đồng vắng khô hạn, chỉ trừ lưu vực và đồng bằng của sông Ni-lơ. Màu xanh lá cây trên bản đồ là lưu vực và đồng bằng của sông Ni-lơ. Khoảng 95% dân Ê-díp-tô sống trong các khu vực này. Dân số Ê-díp-tô hiện nay vào khoảng 113 triệu người. Khoảng 95% dân số là vào khoảng 107 triệu người. Điều này cho thấy, sông Ni-lơ là vô cùng quan trọng đối với đời sống và kinh tế của Ê-díp-tô.

Sông Ni-lơ bắt nguồn từ vùng Đông Phi, chảy qua 11 quốc gia và là con sông dài nhất thế giới. Độ dài toàn bộ sông Ni-lơ là khoảng 6.650 km. Đoạn chảy qua Ê-díp-tô dài khoảng 1.550 km, gần bằng suốt chiều dài của Việt Nam (khoảng 1.650 km), bề rộng trung bình khoảng 2-3km.

Trước khi đổ ra Địa Trung Hải, sông Ni-lơ chia thành bảy nhánh tạo thành vùng châu thổ phì nhiêu ở phía bắc của Ê-díp-tô. Khu vực châu thổ này rộng khoảng 22.000 km2, làm thành vùng trồng trọt, chăn nuôi rất màu mỡ cho Ê-díp-tô.

Khi sông Ni-lơ bị ô nhiễm và khô cạn thì đó là bản án chết cho khoảng 107 triệu người Ê-díp-tô đang sống trong các vùng lưu vực và đồng bằng sông Ni-lơ. Đó là chưa nói đến tác hại của việc Biển Đỏ bị khô cạn.

Sự kiện Biển Đỏ và sông Ni-lơ bị khô cạn thuộc về các thiên tai lớn chỉ xảy ra trong Kỳ Tận Thế. Đó là các thiên tai chưa từng có và sẽ chẳng bao giờ lặp lại trong lịch sử. Rất có thể hai sự kiện này sẽ xảy ra sau khi AntiChrist đánh chiếm Ê-díp-tô.

Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu phần còn lại của Ê-sai 19 trong bài kế tiếp.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/11/2023

Hình minh họa lưu vực và đồng bằng sông Ni-lơ của Ê-díp-tô
Nguồn: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/11/SongNile.png

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-e-sai-17-e-sai-17-va-cuoc-chien-theo-thi-thien-83/

[2] Artscroll’s Bereishis, vol. I, pp. 308-332

Karaoke Thánh Ca: “Con Vững Lòng Tin”
https://karaokethanhca.net/con-vung-long-tin/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.