020 Chú Giải Khải Huyền 01:01-03 Đấng Christ và Hội Thánh: Lời Giới Thiệu

10,089 views

YouTube: https://youtu.be/iEZer1fJ7yk

020 Chú Giải Khải Huyền 1:1-3
Đấng Christ và Hội Thánh: Lời Giới Thiệu

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
020_ChuGiaiKhaiHuyen_01_1-3.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Chương Một: Đấng Christ và Hội Thánh (1:1 – 3:22)

I. Dẫn nhập (1:1-8)

1. Lời giới thiệu (1:1-3)

2. Lời chào thăm và chúc phước các Hội Thánh (1:4-8)


Lời Giới Thiệu

Khải Huyền 1:1-3

1 Sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài để tỏ ra cho các tôi tớ Ngài những điều sắp phải xảy đến; Ngài đã sai thiên sứ Ngài tỏ ra cho tôi tớ Ngài là Giăng,

2 là người đã mang chứng tích cho Lời của Đức Chúa Trời, cho chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ và cho mọi điều ông đã chứng kiến.

3 Phước cho người đọc cùng những người nghe các lời tiên tri này và giữ những điều đã viết trong ấy, vì thì giờ đã gần!


1 Sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài để tỏ ra cho các tôi tớ Ngài những điều sắp phải xảy đến; Ngài đã sai thiên sứ Ngài tỏ ra cho tôi tớ Ngài là Giăng,

Sự mạc khải: Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, từ ngữ “sự mạc khải” là một danh từ ghép: apokalypsis, G602, /a-bô-cá-lúp-sít/ [1], gồm động từ apo có nghĩa là “lấy đi” và danh từ kalypsis có nghĩa là “tấm màn che”, như tấm màn che sân khấu hoặc tấm màn phủ lên đồ vật. Nghĩa đen là vén màn, mở màn, như sự mở màn để trình diễn một vở kịch trong hý viện. Nghĩa bóng là phơi bày một điều gì được che giấu trước đó; hoặc phơi bày một lẽ thật; hoặc giảng giải những nghĩa lý sâu kín của một vấn đề. “Sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ” bao hàm hai ý: (1) sự mạc khải về Đức Chúa Jesus Christ, tức là sự bày tỏ về chính Ngài, về những sự Ngài sẽ làm; và (2) sự mạc khải đến từ Đức Chúa Jesus Christ, tức là sự mạc khải do Ngài ban ra.

Đức Chúa Jesus Christ: Một trong các danh xưng của Thiên Chúa Ngôi Con, khi Ngài nhập thế làm người: (1) để giãi bày cho nhân loại về Đức Chúa Trời và rao giảng về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, trong chức vụ tiên tri; (2) để hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại ra khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi, trong chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm đời đời; và (3) khi Ngài tái lâm trên đất để đánh bại Sa-tan cùng các thế lực gian ác của loài người, rồi cai trị nhân loại đời đời trong chức vụ Vua của muôn vua. Xem định nghĩa chi tiết về danh xưng “Jesus Christ” trong phần “Lời Nói Đầu” [2].

Mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài: Dù là sự mạc khải do Đức Chúa Jesus Christ ban ra và bày tỏ về những sự Ngài sẽ làm, nhưng tất cả đều bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. Đức Chúa Cha bày tỏ với Đức Chúa Con những sự Ngài muốn Đức Chúa Con sẽ làm cho loài người.

Tôi tớ: Trong nguyên ngữ Hy-lạp là doulos, G1401, /đu-lót/ [3], có nghĩa là “nô lệ”, là người tự nguyện bán mình, hoặc bị cưỡng bách, để lao động phục vụ người khác. Nô lệ khác với đày tớ hoặc tôi tớ. Đày tớ hoặc tôi tớ là người làm công hay làm thuê, có quyền tự do thôi việc bất kỳ lúc nào. Chủ không có quyền trên sự sống của đày tớ hoặc tôi tớ. Trong khi đó, sự sống của nô lệ hoàn toàn thuộc về chủ và nô lệ không lãnh tiền công.

Thánh Kinh dùng danh từ doulos để gọi những người đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Họ là những người tự nguyện đầu phục Chúa, sống cho Chúa, sống vì Chúa, sống theo ý muốn của Ngài:

“Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Họ tình nguyện làm tôi tớ của Chúa, nhưng Ngài gọi họ là bạn và đối xử với họ như bạn:

“Các ngươi là những bạn hữu của Ta, nếu các ngươi làm những gì Ta truyền cho các ngươi. Ta chẳng gọi các ngươi là những tôi tớ nữa, vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta đã gọi các ngươi là các bạn hữu, vì mọi điều mà Ta đã nghe từ Cha của Ta, Ta đã tỏ cho các ngươi biết.” (Giăng 15:14-15).

Để tỏ ra cho các tôi tớ Ngài: Sự mạc khải đó được Đức Chúa Jesus Christ tỏ ra cho các tôi tớ của Ngài. Chúng ta chú ý đến từ ngữ “tôi tớ” được dùng dưới hình thức số nhiều. Tất cả những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ đều là tôi tớ của Đức Chúa Trời và tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ. Vì họ được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ để làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới. Nhưng mọi sự bởi Đức Chúa Trời, Đấng đã phục hòa chúng tôi với chính Ngài qua Đức Chúa Jesus Christ, và đã giao cho chúng tôi chức vụ của sự giảng hòa.” (II Cô-rinh-tô 5:17-18).

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Mỗi con dân Chúa trong thời kỳ Hội Thánh là một tôi tớ của Đức Chúa Trời trong chức vụ thầy tế lễ của Đức Chúa Trời; và tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ trong chức vụ khiến cho muôn dân trở thành môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ:

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:9).

“Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài; Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho tới đời đời. A-men!” (Khải Huyền 1:5-6).

“Đức Chúa Jesus đến và phán với họ. Ngài phán: Hết thảy thẩm quyền ở trên trời và dưới đất đã được giao cho Ta. Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:18-20).

Thời kỳ Hội Thánh bắt đầu từ khi Đức Thánh Linh giáng lâm, Hội Thánh được thành lập vào Thứ Sáu ngày 30 tháng 5 năm 27 [4], và kéo dài cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ hiện ra giữa chốn không trung, để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, trước thời Đại Nạn. Vì thế, mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh từ suốt gần 2.000 năm nay, đều là một tôi tớ của Đức Chúa Trời và của Đức Chúa Jesus Christ, và là đối tượng nhận lãnh nội dung của sách Khải Huyền.

Những điều sắp phải xảy đến: Có nhiều điều sẽ xảy ra cho nhân loại được bày tỏ trong sách Khải Huyền. Chữ “sắp” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là tachos, G5034, /tá-khơ/ [5], có nghĩa là “một cách nhanh chóng”. Chữ “phải” là dei, G1163, /đai/ [6], có nghĩa là “đương nhiên”, là sự ắt phải xảy ra. Thí dụ như, một cây được trồng và vun bón, chăm sóc tốt, thì “phải” ra hoa, kết trái.

Chúng ta có thể hiểu “những điều sắp phải xảy đến” là: một thời gian ngắn, sau khi Giăng nhìn thấy khải tượng, thì những điều Giăng nhìn thấy đó đương nhiên sẽ xảy ra. Sự băng hoại trong tội lỗi của thế gian phải chấm dứt bằng sự đoán phạt công chính của Đức Chúa Trời. Sự nhẫn nại, sống thánh khiết, và trung tín phục vụ Chúa cho đến chết của những con dân Chúa phải được khen thưởng.

Thật vậy, những điều Đức Chúa Jesus Christ sai thiên sứ Ngài mạc khải cho Giăng đã được bắt đầu, với sự phán xét của Chúa thi hành trên Hội Thánh, như Sứ Đồ Phi-e-rơ đã khẳng định trong I Phi-e-rơ 4:17:

“Vì thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét bắt đầu từ nhà của Đức Chúa Trời; và nếu từ chúng ta trước, thì sự cuối cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin Lành của Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào?”

Có thể nói là không bao lâu, sau khi Giăng nhận được sự mạc khải của Chúa, thì những điều Chúa phán trong Khải Huyền 2 và 3 đã xảy ra cho bảy Hội Thánh tại A-si-a. Vì bảy Hội Thánh tại A-si-a cũng là hình ảnh tiêu biểu cho các Hội Thánh địa phương khắp nơi trong thế gian, trong mọi thời đại, cho nên, sự phán xét đó vẫn tiếp tục xảy ra trên Hội Thánh trong suốt gần hai ngàn năm nay. Sự phán xét đó sẽ chấm dứt trong ngày Chúa hiện ra giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Khi đó, những sự mạc khải được ghi từ đoạn 4 trở đi mới lần lượt hiện thực.

Thiên sứ: Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là aggelos, G32, /ắn-gơ-lót/ [7], có nghĩa là người được sai đi để loan tin. Nếu dịch cho sát nghĩa thì phải dịch là: “sứ giả”, tức là người được sai đi. Trong Thánh Kinh, danh từ này thường được dùng:

(1) Chỉ chung các thần linh được Đức Chúa Trời dựng nên để phục vụ Ngài, thường được gọi là các thiên sứ.

(2) Chỉ về người hay thần linh được Đức Chúa Trời sai đi làm việc cho Ngài.

(3) Chỉ về người thay mặt cho người khác (Ma-thi-ơ 11:10; Mác 1:2; Lu-ca 7:24, 27; 9:52; Gia-cơ 2:25).

Trong tiếng Việt, danh từ này có thể được dịch thành thiên sứ, tức là sứ giả từ trời, để chỉ các thiên sứ không phạm tội; dịch thành sứ giả để chỉ một người được sai đi báo tin; dịch thành quỷ sứ, tức sứ giả của quỷ, để gọi những tà linh là những thiên sứ phạm tội, theo Sa-tan chống nghịch Thiên Chúa, hoặc gọi các việc dữ do Sa-tan làm ra, với sự cho phép của Đức Chúa Trời, để thử thách con dân Chúa (II Cô-rinh-tô 12:7).

Giăng: Tên của người nhận và ghi lại sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ trong sách Khải Huyền. Xin xem tiểu sử của Giăng trong phần “Giới Thiệu Sách Khải Huyền”.


2 là người đã mang chứng tích cho Lời của Đức Chúa Trời, cho chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ và cho mọi điều ông đã chứng kiến.

Mang chứng tích: Giăng được Đức Chúa Trời dùng làm nơi ghi dấu cho Lời của Ngài, cho chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ, và cho tất cả những gì ông đã chứng kiến, tức là sự hình thành và phát triển của Hội Thánh cùng với những sự bách hại mà Hội Thánh lúc bấy giờ đang trải qua. Tâm trí của Giăng và ngay cả nếp sống của ông chứa đầy những lẽ thật về những điều Đức Chúa Jesus Christ giảng dạy và làm ra. Ông đã ghi chép những điều ấy trong sách Tin Lành Giăng, trong các thư tín. Ông đã giảng dạy qua môi miệng và qua nếp sống của chính ông. Ông trung tín với vai trò chứng nhân đến nỗi phải chịu tù khổ sai trên đảo Bát-mô. Thân thể của ông đã ghi hằn những dấu vết chịu khổ vì đã rao giảng Lời của Đức Chúa Trời rao giảng chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ, và vì đã trải qua mọi điều ông đã chứng kiến (Giăng 19:35; 21:24; I Giăng 1:2; 4:14; III Giăng 12).

Lời của Đức Chúa Trời: Bao gồm hai nghĩa: (1) Mọi lời phán của Đức Chúa Trời qua các thiên sứ, các tiên tri, các sứ đồ, và qua Đức Chúa Jesus Christ, mà ngày nay chúng ta có được trong Thánh Kinh (II Ti-mô-thê 3:16; II Phi-e-rơ 1:20-21; Hê-bơ-rơ 1:1-2; Khải Huyền 1:11). (2) Đức Chúa Jesus Christ. Ngài chính là Lời của Đức Chúa Trời: Lời đã tạo dựng nên muôn vật (Sáng Thế Ký 1; Giăng 1:3; Cô-lô-se 1:16); Lời đã trở nên xác thịt để giãi bày Đức Chúa Cha cho chúng ta (Giăng 1:1, 14, 18); Lời để phán xét những kẻ có tội bao gồm loài người và thiên sứ (Giăng 5:22, 27; Giu-đe 15; Khải Huyền 11:18); Lời để cai trị muôn vật cho đến đời đời (Khải Huyền 19:11-16).

Chứng cớ: Sự trung thực thuật lại những gì tai nghe, mắt thấy hoặc những gì được mạc khải, được thần cảm, kèm theo lời cam kết của người thuật chịu trách nhiệm rằng những điều được trình bày là sự thật. Chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ: là tất cả những lời phán dạy và việc làm của Đức Chúa Jesus Christ như đã được ghi lại trong bốn sách Tin Lành, sách Công Vụ Các Sứ Đồ, và sách Khải Huyền. Những lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ đến từ Đức Chúa Cha (Giăng 8:28); những việc làm của Đức Chúa Jesus Christ là theo ý muốn của Đức Chúa Cha (Giăng 5:19, 30); cho nên, lời nói và việc làm của Đức Chúa Jesus Christ là chứng cớ của Ngài về Đức Chúa Cha. Nói cách khác, đó là những điều chân thật về Đức Chúa Cha được Đức Chúa Jesus Christ bày tỏ (làm chứng) và thực hiện cho nhân loại (Giăng 1:18). Những chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ được xác định bởi nhiều chứng nhân như đã ghi rõ trong Giăng 5:31-39; 8:18.


3 Phước cho người đọc cùng những người nghe các lời tiên tri này và giữ những điều đã viết trong ấy, vì thì giờ đã gần!

Phước: là sự thịnh vượng từ vật chất đến tâm linh, được vui tươi và thỏa lòng trong cuộc sống. Thế gian có thể đem lại cho chúng ta những thịnh vượng, vui tươi và thỏa lòng tạm bợ nhưng phước vĩnh cửu chỉ có thể đến từ Đức Chúa Trời là Đấng Vĩnh Cửu. Để nhận được phước từ Đức Chúa Trời một người phải “nghe và giữ Lời của Đức Chúa Trời” (Lu-ca 11:28).

Người đọc cùng những người nghe: Theo sự tổ chức của người Do-thái thì trong mỗi nhà Hội có một nhóm người chuyên trách việc đọc Lời Chúa cho hội chúng cùng nghe trong các buổi nhóm họp. Trong buổi đầu mới thành lập, Hội Thánh cũng giữ theo hình thức này, vì thời đó, sách vở, thư tín hoàn toàn được viết tay, chép tay trên các cuộn giấy da hoặc giấy chỉ thảo mà giá thành rất mắc, không phải ai cũng có riêng một cuốn Thánh Kinh như chúng ta ngày nay. Bên cạnh đó, việc tuyên đọc Lời Chúa nơi công cộng là một vinh dự và là một công tác thánh, chỉ những người được Hội Thánh xác nhận là gương mẫu trong nếp sống đạo mới được đảm nhận, (xem điều kiện để được chọn làm chấp sự hầu bàn ăn trong Công Vụ Các Sứ Đồ 6:1-6). Rất có thể, Giăng đã viết ra bảy bản của toàn bộ sách Khải Huyền, để gửi cho bảy Hội Thánh theo như mệnh lệnh của Chúa; và mỗi Hội Thánh đã cử người đọc cho cả Hội Thánh cùng nghe. Chúa hứa ban phước cho người tuyên đọc lẫn những người nghe và giữ những điều đã viết trong sách Khải Huyền.

Giữ: Trong nguyên ngữ là tereo, G5083, /tê-rế-ô/ [8], bao gồm các nghĩa: “bảo tồn, thực thi, và rao truyền”. Giữ những điều đã viết: nghĩa là trong khi giữ gìn sự trung thực của những điều được ghi chép trong sách, thì làm theo các mệnh lệnh trong đó, và rao truyền nội dung của sách cho những người khác.

Thì giờ đã gần: Hiểu một cách tổng quát thì thời điểm để những điều được bày tỏ trong sự mạc khải bắt đầu ứng nghiệm, đã gần. Có nghĩa là sẽ bắt đầu ngay trong thời đại sách được viết ra, tức là ngay trong cuối thế kỷ thứ nhất.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng, sự phán xét Hội Thánh đã bắt đầu từ những năm cuối cùng của thế kỷ thứ nhất và kéo dài cho đến hiện tại, những năm đầu tiên của thế kỷ 21. Kế tiếp sẽ là thời Đại Nạn kéo dài bảy năm. Rồi, đến thời Vương Quốc Ngàn Năm. Sau cùng là sự phán xét chung cuộc và Vương Quốc Đời Đời. Nhiều người hiểu lầm, cho rằng, mệnh đề “thì giờ đã gần” là chỉ về biến cố tận thế. Nhưng thực tế là mệnh đề ấy chỉ về sự Đức Chúa Trời phán xét Hội Thánh, là sự phải xảy ra trước Kỳ Tận Thế. Đối với các Hội Thánh có lỗi thì điều này có nghĩa sự đoán phạt của Chúa đã gần, nếu họ không cải hối. Đối với các Hội Thánh không có lỗi thì thời gian họ phải nhẫn nại, trung tín, chịu khổ vì danh Chúa sắp chấm dứt, và họ sắp được nhận sự ban thưởng của Chúa.

Chúng ta cần ghi nhớ, những lời tiên tri trong sách Khải Huyền là sự bày tỏ công việc của Đức Chúa Trời xuyên qua lịch sử của loài người từ ngày bảy Hội Thánh tại A-si-a nhận được sách Khải Huyền cho đến khi trời mới, đất mới hiện ra. Đó là một khoảng thời gian kéo dài trên 3.000 năm.


Lời Kêu Gọi

Bạn là người đang đọc hay đang nghe giảng về sách Khải Huyền, bạn có muốn nội dung của sách Khải Huyền là những gì Đức Chúa Jesus Christ phán truyền cho chính bạn hay không? Bạn chỉ có thể tiếp nhận nội dung của sách Khải Huyền như là sứ điệp của Đức Chúa Jesus Christ ban truyền cho bạn, và nhận được phước từ nơi Ngài, khi bạn đã là người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chuộc tội mà Ngài đã làm ra cho bạn. Nếu bạn đọc sách Khải Huyền chỉ để thỏa mãn sự tò mò, thì bạn sẽ không nhận được một ích lợi gì.

Trang web kytanthe.net đang mở ra trước mặt bạn, hay cuốn sách Kỳ Tận Thế bạn đang cầm trên tay, hay hồ sơ mp3 về Kỳ Tận Thế mà bạn đang nghe, đều là “thiên sứ” của Đức Chúa Trời được Ngài dùng để đem sứ điệp vô cùng quan trọng, liên quan đến số phận đời đời của bạn, đến cho bạn.

Nếu bạn nhận được sứ điệp này trước ngày Đức Chúa Jesus Christ đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian, và bạn tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, thì bạn sẽ được thoát khỏi thời Đại Nạn. Nếu bạn không tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, thì bạn sẽ chịu khổ trong thời Đại Nạn. Mong rằng, đến lúc đó, bạn sẽ lập tức tin nhận sự cứu rỗi của Chúa.

Nếu bạn nhận được sứ điệp này sau khi cơn đại nạn đã xảy ra, thì bạn hãy nhanh chóng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, trước khi quá trễ, trước khi bạn bị chết vì một trong các thiên tai. Vì nếu bạn chết mà không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì bạn sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Điều đó còn đau đớn và kinh khủng hơn là sự đau đớn và kinh khủng của thời Đại Nạn.

Nếu bạn thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, dù là trước thời Đại Nạn hay trong thời Đại Nạn, thì bạn cũng cần trung tín vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, và chỉ tin cậy một mình sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà thôi. Mời bạn ghé lại trang web: www.timhieuthanhkinh.net để tìm hiểu thêm về nếp sống trong Chúa. Chúng tôi trả tiền thuê mướn hosting và domain name trước ba năm, để khi Chúa đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian, thì ba trang web: timhieuthanhkinh.net, kytanthe.net, và thanhkinhvietngu.net vẫn tiếp tục hoạt động thêm ba năm. Điều quan trọng là bạn cần tải các bài vở trên ba trang web này xuống máy điện toán của bạn, để phòng khi có biến cố nào đó xảy ra, khiến cho ba trang web không còn hoạt động nữa, thì bạn vẫn có được các tài liệu trong tay.

Nếu bạn thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì bạn đương nhiên trở thành một chứng nhân cho Lời Đức Chúa Trời và cho chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ, gọi cách ngắn gọn là chứng nhân của Đức Chúa Jesus Christ. Vì chính Đức Chúa Jesus Christ đã bị thế gian ghét bỏ và bách hại, cho nên, chứng nhân của Ngài cũng sẽ bị thế gian ghét bỏ và bách hại (Giăng 15:18-21). Nhiều khi chứng nhân của Đức Chúa Jesus Christ phải trả giá bằng sự chịu sỉ nhục, tù đày, tra tấn… thậm chí, chịu mất mạng sống của mình và của những người thân yêu, để giữ vững đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ. Lời hứa của Chúa dành cho những ai chịu khổ vì danh Ngài được ghi trong Ma-thi-ơ 5:11-12; I Phi-e-rơ 4:12-19; Khải Huyền 2:10.

Bạn có thể giúp người khác nhận biết sứ điệp của sách Khải Huyền bằng cách đọc cho họ nghe trong các buổi nhóm họp; in ra giấy; ghi âm vào băng, đĩa, thẻ nhớ, thanh USB, điện thoại di động… phân phối đến từng người để họ tự nghe, tự đọc. Bạn cũng nên dự phần trong việc phiên dịch sách Khải Huyền sang các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam, để họ cũng được biết thánh ý của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại trong những ngày cuối cùng này.

Nếu bạn là người đọc được tài liệu này sau khi Hội Thánh của Đức Chúa Jesus Christ đã được Ngài cất ra khỏi thế gian và AntiChrist đang cầm quyền, thì bạn hãy tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, và tìm đủ cách để giúp cho mọi người chung quanh bạn nhận biết sứ điệp của sách Khải Huyền. Bạn sẽ nhận được phước “sự sống đời đời” và được “đồng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ” trong Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài. Dù bạn có bị sát hại vì chối bỏ AntiChrist mà tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, thì Đức Chúa Jesus Christ sẽ làm cho bạn được sống lại ( Khải Huyền 20:4) như hai chứng nhân của Chúa được tiên tri trong Khải Huyền đoạn 11.

Chúng tôi chúc cho mỗi bạn đọc sẽ là một “Giăng” thời đại, tức là: Mỗi bạn là một sự ban cho rời rộng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Trong mỗi bạn chứa đầy ân điển, tình yêu, và sự sống từ Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G602

[2] “Lời Nói Đầu”: https://kytanthe.net/?p=13

[3] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G1401

[4] “Tóm Lược Lịch Sử Loài Người Theo Thánh Kinh”: http://timhieuthanhkinh.net/?p=67

[5] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G5034

[6] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G1163

[7] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G32

[8] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G5083

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/