023 Ý Nghĩa Tổng Quát Khải Huyền Đoạn 2-3

10,112 views

YouTube: https://youtu.be/E89VAPfyPK4

023 Ý Nghĩa Tổng Quát Khải Huyền Đoạn 2-3

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
023_YNghiaTongQuatKhaiHuyen_2-3.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Chương Một: Đấng Christ và Hội Thánh (1:1 – 3:22)

III. Lời Đấng Christ Phán với Hội Thánh (2:1 – 3:22)

1. Thư gửi Hội Thánh tại Ê-phê-sô: Hội Thánh đã bỏ tình yêu ban đầu (2:1-7)

2. Thư gửi Hội Thánh tại Si-miệc-nơ: Hội Thánh chịu khổ và chịu chết vì Chúa (2:8-11)

3. Thư gửi Hội Thánh tại Bẹt-găm: Hội Thánh thỏa hiệp với ngoại giáo (2:12-17)

4. Thư gửi Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ: Hội Thánh dung túng tà giáo (2:18-29)

5. Thư gửi Hội Thánh tại Sạt-đe: Hội Thánh có việc làm gần chết (3:1-6)

6. Thư gửi Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi: Hội Thánh trung tín (3:7-13)

7. Thư gửi Hội Thánh tại Lao-đi-xê: Hội Thánh hâm hẩm, thiếu phước (3:14-22) 

Minh họa: Vị trí bảy Hội Thánh tại vùng Tiểu Á và đảo Bát-mô

Trước khi đi vào chi tiết ý nghĩa của bảy lá thư Đức Chúa Jesus Christ gửi cho bảy Hội Thánh tại miền Tiểu Á, chúng ta hãy cùng nhau lướt qua một số đặc điểm và ý nghĩa tổng quát của chúng. Nội dung của bảy lá thư được chia vào toàn đoạn 2 và đoạn 3 của sách Khải Huyền.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, trong nguyên tác, Thánh Kinh không hề được chia thành đoạn và câu như trong những bản dịch mà chúng ta có ngày nay. Sự phân chia toàn bộ các sách trong Thánh Kinh thành đoạn và câu, để giúp cho việc tìm kiếm một câu Thánh Kinh được dễ dàng, do Tổng Giám Mục Stephen Langton thực hiện vào năm 1227. Sự phân chia này cũng không được hoàn hảo lắm, vì có nhiều câu văn bị ngắt thành hai hay ba câu khác nhau. Đến năm 1382, bản dịch Thánh Kinh Anh Ngữ của Wycliffe là bản dịch đầu tiên được in ra với hệ thống phân chia đoạn và câu. Từ ấy đến nay, hầu hết các bản dịch Thánh Kinh đều sử dụng hệ thống phân chia đoạn và câu.

Bảy Hội Thánh

Vào thời điểm Giăng viết sách Khải Huyền (khoảng năm 95), thì hầu như Hội Thánh của Chúa đã có mặt tại khắp các thành phố của vùng Tiểu Á. Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus Christ chỉ chọn ra bảy Hội Thánh với bảy đặc tính khác nhau, để gửi thư an ủi và quở trách. Chúng ta cần nhớ, con số bảy tiêu biểu cho sự trọn vẹn thuộc linh. Trong văn mạch của sách Khải Huyền, bảy Hội Thánh có nghĩa là toàn bộ Hội Thánh ở khắp các địa phương.

Thánh Kinh luôn luôn dùng nhóm chữ: “Hội Thánh tại” trước tên của một thành phố để gọi sự hiện diện của Hội Thánh tại thành phố đó. Cách nói “bảy Hội Thánh” tương tự như cách nói “Bảy Đấng Thần Linh”. Cách nói đó hàm ý sự hiện diện của Hội Thánh ở nhiều địa phương khác nhau, chứ không có nghĩa là có bảy thực thể gọi là Hội Thánh; vì Đức Chúa Jesus Christ chỉ lập nên có một thực thể Hội Thánh, còn được Thánh Kinh gọi là thân thể của Ngài.

Bảy chân đèn tiêu biểu cho sự hiện diện trọn vẹn của Hội Thánh ở khắp các địa phương trong suốt lịch sử của Hội Thánh. Hay nói cách khác, bảy chân đèn tiêu biểu cho tất cả các Hội Thánh địa phương trong mọi lúc. Dù Hội Thánh của Thiên Chúa do Đức Chúa Jesus Christ lập ra chỉ có một, nhưng sự hiện diện của Hội Thánh ở mỗi thành phố được xem như những Hội Thánh địa phương. Chúng ta cần chú ý đến sự diễn đạt này: “Sự hiện diện của Hội Thánh ở thành phố nào, được xem là Hội Thánh ở tại địa phương ấy.” Vì thế, khi nói Đức Chúa Jesus Christ gửi thư cho bảy Hội Thánh của miền Tiểu Á là nói: Đức Chúa Jesus Christ gửi thư cho bảy sự hiện diện của Hội Thánh tại bảy địa phương. Trong giới hạn của ngôn ngữ loài người, chúng ta gọi là bảy Hội Thánh tại bảy địa phương, cho dễ hiểu. Cũng một thể ấy, chúng ta gọi sự hiện diện của Hội Thánh ở một địa phương là “Hội Thánh địa phương”.

Ý nghĩa thiêng liêng của số bảy áp dụng cho Hội Thánh là:

  • Hội Thánh trọn vẹn trong năng lực của Thiên Chúa là sự làm được mọi sự trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Đó là đức tin của Hội Thánh.

  • Hội Thánh trọn vẹn trong sự nên thánh là sự trở nên giống như Đức Chúa Trời và được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời. Đó là hy vọng của Hội Thánh.

  • Hội Thánh trọn vẹn trong sự vâng phục Đức Chúa Trời là sự vâng phục cho đến chết. Đó là tình yêu của Hội Thánh.

Hội Thánh là tập thể, là cộng đồng của tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, trong suốt khoảng thời gian từ ngày Đức Thánh Linh giáng lâm cho đến ngày Đức Chúa Jesus Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Hội Thánh không phân biệt chủng tộc, phái tính, tuổi tác, giai cấp, học thức, địa vị, quyền thế, tài sản, hoặc năng lực… Tất cả mọi người bình đẳng và hiệp một trong Hội Thánh:

Tuy nhiên, như thân là một mà có nhiều chi thể, nhưng hết thảy các chi thể của một thân dù là nhiều, chỉ là một thân; Đấng Christ cũng vậy. Bởi vì chúng ta, hoặc người Do-thái, hoặc người Hy-lạp, hoặc nô lệ, hoặc tự chủ, đều đã trong một linh, chịu báp-tem vào trong một thân; và hết thảy được uống trong một linh.(I Cô-rinh-tô 12:12-13).

“Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.” (Ga-la-ti 3:28).

“Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả.” (Cô-lô-se 3:11).

Hội Thánh do chính Đức Chúa Jesus Christ cầm đầu và Ngài đi lại giữa Hội Thánh. Ngài ở với Hội Thánh luôn, từ khi Hội Thánh được thành lập cho đến Kỳ Tận Thế:

“Bắt muôn vật phục dưới chân Đấng ấy và ban cho Đấng ấy làm đầu Hội Thánh trong mọi sự.” (Ê-phê-sô 1:22).

“…Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, và Ngài là Đấng Giải Cứu của thân thể.” (Ê-phê-sô 5:23).

“Ngài là đầu của thân thể, của Hội Thánh…” (Cô-lô-se 1:18).

“Vì nơi nào có hai hay ba người nhóm hiệp trong danh Ta, thì Ta ở giữa họ tại đó.” (Ma-thi-ơ 18:20).

“…Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20).

Đức Chúa Jesus Christ không hề trao cho ai quyền thay Ngài cầm đầu Hội Thánh. Những người xưng mình là giáo chủ, giáo hoàng, giáo trưởng… chỉ là những kẻ cầm đầu một tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, do loài người lập ra. Họ và các tổ chức tôn giáo ấy không liên quan gì đến Hội Thánh của Thiên Chúa.

Danh xưng của Hội Thánh do chính Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh đặt ra, được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Con dân Chúa không nên gọi Hội Thánh bằng một danh xưng nào khác hơn các danh xưng trong Thánh Kinh. Có mười danh xưng được dùng cho Hội Thánh:

1. “Hội Thánh của Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28; I Cô-rinh-tô 1:2; 10:32; 11:16, 22; 15:9; II Cô-rinh-tô 1:1; Ga-la-ti 1:13; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:14).

2. “Hội Thánh của Đấng Christ” (Rô-ma 16:16).

3. “Hội Thánh của Các Thánh Đồ” (I Cô-rinh-tô 14:33).

4. “Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:14; Ga-la-ti 1:22).

5. “Hội Thánh trong Thiên Chúa Đức Cha” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1).

6. “Hội Thánh của Thiên Chúa” (I Ti-mô-thê 3:5).

7. “Hội Thánh của Thiên Chúa Hằng Sống” (I Ti-mô-thê 3:15).

8. “Hội Thánh của Những Con Đầu Lòng Được Ghi Tên trong Các Tầng Trời” (Hê-bơ-rơ 12:23).

9. “Hội Thánh của Những Người Được Chọn” (I Phi-e-rơ 5:13).

10. “Hội Thánh tại…” (tên của địa phương, thí dụ: Cô-rinh-tô, Ê-phê-sô, Hà Nội, Sài Gòn… – Khải Huyền 1:11).

Trong Thánh Kinh, con số 10 tiêu biểu cho sự trọn vẹn về số lượng. Có mười thế hệ, từ A-đam đến Nô-ê, trước khi Đức Chúa Trời dùng Cơn Nước Lụt tiêu diệt thế gian tội lỗi [1]. Có mười tai vạ giáng xuống trên xứ Ê-díp-tô trước khi Chúa đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ (Xuất Ê-díp-tô Ký 7-12). Có Mười Điều Răn làm nền tảng cho luật pháp của Đức Chúa Trời trước khi Chúa phán xét toàn thế gian bằng sự tận thế (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17). Dân I-sơ-ra-ên mười lần phạm tội chống nghịch Chúa trong đồng vắng trước khi đặt chân vào Đất Hứa Ca-na-an (Dân Số Ký 14:22). Có mười ngụ ngôn về Vương Quốc của Đức Chúa Trời trong sách Ma-thi-ơ trước khi vương quốc của Ngài sẽ được thành lập trên đất (Ma-thi-ơ 13, 22, 25)… Vì thế, không lạ gì khi Chúa đặt mười danh xưng cho Hội Thánh của Ngài.

Con dân Chúa trong Hội Thánh hãy tập gọi đúng tên của Hội Thánh. Thật là vô lý khi chúng ta không xưng và gọi đúng tên của mình. Không ai có quyền đặt một tên nào khác cho Hội Thánh. Cố ý gọi Hội Thánh bằng một tên nào khác hơn là các tên do Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh đặt cho Hội Thánh là phạm thượng.

Có nhiều nhà giải kinh danh tiếng đã cho rằng: Đặc tính của bảy Hội Thánh trong Khải Huyền tiêu biểu cho bảy giai đoạn thuộc linh của Hội Thánh trong suốt chiều dài lịch sử. Điển hình là cách giải thích của Tim LaHaye; chúng tôi ghi lại dưới đây:

1. Từ năm 30 đến năm 100: Hội Thánh trong giai đoạn các sứ đồ đã bỏ đi tình yêu ban đầu với Chúa.

2. Từ năm 100 đến năm 312: Hội Thánh trong giai đoạn bị bách hại, chịu khổ và chịu chết vì Chúa.

3. Từ năm 312 đến năm 606: Hội Thánh trong giai đoạn say mê thế gian, thỏa hiệp với ngoại giáo.

4. Từ năm 606 đến Kỳ Tận Thế: Hội Thánh trong giai đoạn tiêm nhiễm ngoại giáo và dung túng tà giáo.

5. Từ năm 1520 đến Kỳ Tận Thế: Hội Thánh trong giai đoạn gần chết, chỉ có hình thức hoạt động bên ngoài mà không có sức sống của Chúa.

6. Từ năm 1750 đến Kỳ Tận Thế: Hội Thánh sốt sắng sống theo Lời Chúa, tích cực rao giảng Tin Lành, được Chúa yêu.

7. Từ năm 1900 đến Kỳ Tận Thế: Hội Thánh bội Đạo.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy quan điểm ấy không chính xác. Bởi vì, lúc nào và nơi đâu, Hội Thánh cũng luôn có các đặc tính của bảy Hội Thánh trong Khải Huyền. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ và lịch sử cho chúng ta biết, ngay từ khi Hội Thánh được thành lập trong ngày Lễ Ngũ Tuần vào năm 27, cho đến năm 96, thì Hội Thánh đã bị bách hại cách khốc liệt bởi Do-thái Giáo và chính quyền La-mã. Con dân Chúa phải rời bỏ thành Giê-ru-sa-lem, chỉ các sứ đồ còn ở lại trong thành mà thôi (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1). Mười một sứ đồ của Chúa, trong đó có Phao-lô, đều bị giết vì danh Chúa. Thế mà, không cho rằng từ năm 30 đến năm 100 là giai đoạn Hội Thánh bị bách hại, mà cho rằng, đó là giai đoạn Hội Thánh bỏ mất tình yêu ban đầu, thì thật là vô lý. Trong 70 năm đầu tiên của lịch sử Hội Thánh, Hội Thánh yêu Chúa trên tất cả mọi sự, chịu khổ, chịu chết vì danh Chúa, và trung tín với mệnh lệnh giảng Tin Lành khắp đất, môn đồ hóa muôn dân. Còn về sự Hội Thánh bị tiêm nhiễm ngoại giáo, thì đã bắt đầu từ năm 312 chứ không chờ đến năm 606.

Con dân Chúa không nên chấp nhận quan điểm giải kinh, cho rằng: Đặc tính của bảy Hội Thánh trong Khải Huyền tiêu biểu cho bảy giai đoạn thuộc linh của Hội Thánh trong suốt chiều dài lịch sử. Thực tế và lịch sử cho chúng ta thấy: Bảy Hội Thánh trong Khải Huyền tiêu biểu cho tình trạng thuộc linh của những Hội Thánh địa phương trong mọi nơi, mọi lúc. Lúc nào và nơi đâu cũng có những Hội Thánh địa phương mang một trong bảy đặc tính:

1. đã bỏ tình yêu ban đầu như Hội Thánh tại Ê-phê-sô;

2. sẵn sàng chết vì Chúa, chết cho Chúa như Hội Thánh tại Si-miệc-nơ;

3. thỏa hiệp với ngoại giáo như Hội Thánh tại Bẹt-găm;

4. dung túng tà giáo như Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ;

5. việc làm gần chết như Hội Thánh tại Sạt-đe;

6. trung tín như Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi;

7. hâm hẩm như Hội Thánh tại Lao-đi-xê.

Bảy Hội Thánh trong Khải Huyền còn tiêu biểu cho tình trạng thuộc linh của mỗi con dân Chúa. Mỗi con dân Chúa nên tự xét mình, xem nếp sống của mình có nồng thắm trong mối quan hệ giữa mình với Chúa, yêu Chúa trên tất cả mọi sự, đến nỗi sẵn sàng chết vì Chúa, chết cho Chúa mỗi ngày? Hay là mình đang thỏa hiệp với ngoại giáo, với triết lý, với các tôn giáo và những sự mê tín dị đoan của thế gian? Mình đang trung tín, tận tụy chiếu sáng Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa cho thế gian qua nếp sống, qua sự rao giảng của mình; hay mình đang sống cho chính mình, không tha thiết gì đến sự hầu việc Chúa, hoặc chỉ hầu việc Chúa cho có hình thức?

Đối với con dân Chúa khắp nơi trong Hội Thánh ngày nay, bảy tình trạng thuộc linh của bảy Hội Thánh trong Khải Huyền là tiêu chuẩn để đo lường đức tin của họ. Chỉ những ai cùng một tâm tình, cùng một nếp sống như Hội Thánh tại Si-miệc-nơ hay Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi, thì mới được cất ra khỏi thế gian trong ngày Chúa đến.

Đối với con dân Chúa sống trong thời Đại Nạn, là lúc Hội Thánh đã được Chúa cất ra khỏi thế gian, bảy tình trạng thuộc linh của bảy Hội Thánh trong Khải Huyền vẫn là tiêu chuẩn để đo lường đức tin của họ. Chỉ những ai cùng một tâm tình, cùng một nếp sống như Hội Thánh tại Si-miệc-nơ hay Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi, thì mới được vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Bảy Thiên Sứ của Bảy Hội Thánh

Chúng ta đã biết, thiên sứ tức là sứ giả của Đức Chúa Trời, được sai đi, thay mặt Ngài làm một công việc gì đó cho Ngài. Thiên sứ có thể là một thần linh, mà cũng có thể là loài người. Nhóm chữ “thiên sứ của Hội Thánh”, được dùng trong bảy lá thư Đức Chúa Jesus Christ gửi cho bảy Hội Thánh của miền Tiểu Á, để gọi người thay mặt Chúa chăm sóc bầy chiên của Ngài trong Hội Thánh, tức là: người cho chiên ăn Lời Chúa, người chăn bầy chiên thuộc linh của Đức Chúa Jesus Christ.

Đức Chúa Trời lập ra các chức vụ trong Hội Thánh, Đức Chúa Jesus Christ giao phó các chức vụ cho một số người, để họ cai trị và chăm sóc Hội Thánh của Ngài. Đức Thánh Linh ban ơn, thêm sức, giúp những người có chức vụ trong Hội Thánh làm tròn thiên chức của họ. Thiên sứ của Hội Thánh là người giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, do chính Đức Chúa Jesus Christ ban cho chức vụ và Ngài nắm giữ họ trong bàn tay phải của Ngài. Họ không phải là các thiên sứ thần linh, vì thiên sứ thần linh không đảm nhận nhiệm vụ cai trị và chăn dắt Hội Thánh.

Các “thiên sứ của Hội Thánh” lại càng không phải là những người do các tổ chức tôn giáo đào tạo và phong chức. Cho dù họ có nhân danh Chúa để xưng mình là sứ đồ, tiên tri, giám mục, trưởng lão, người chăn, giáo sư dạy Thánh Kinh… hay mục sư, giáo sĩ, thầy truyền đạo… thì họ cũng không có phần gì trong Hội Thánh của Chúa.

“Thiên sứ của Hội Thánh” hay người chăn bầy của Hội Thánh có trách nhiệm về tình trạng thuộc linh của Hội Thánh. Chính vì thế mà thư gửi cho mỗi Hội Thánh lại được viết cho từng thiên sứ của mỗi Hội Thánh! Từng lời khen, lời an ủi, lời quở trách, và lời cảnh cáo trong mỗi lá thư đều trước hết là dành cho người chăn bầy tại Hội Thánh địa phương ấy.

Ngày nay, tất cả những người ở trong chức vụ chăn bầy của Chúa cần phải thường xuyên đọc và suy ngẫm bảy lá thư gửi cho bảy Hội Thánh trong sách Khải Huyền. Rồi đối chiếu với tình trạng thuộc linh của chính mình và của Hội Thánh mà mình đang chăn dắt, để áp dụng Lời Chúa một cách thích đáng.

Bảy Lá Thư Gửi đến Bảy Hội Thánh

Lời của Đức Chúa Jesus Christ phán, được ghi lại trong Khải Huyền 1:11, giúp cho chúng ta hiểu rằng: Sứ điệp của Chúa, do Giăng chép vào trong một cuộn sách, sẽ được gửi cho Hội Thánh ở từng địa phương.

“…Những điều ngươi thấy, hãy chép vào một cuộn sách và gửi đến bảy Hội Thánh tại A-si; gửi cho Ê-phê-sô, cho Si-miệc-nơ, cho Bẹt-găm, cho Thi-a-ti-rơ, cho Sạt-đe, cho Phi-la-đen-phi và cho Lao-đi-xê.”

Như vậy, không phải chỉ vài câu trong đoạn 2 hay đoạn 3 là nội dung của bảy lá thư gửi đến bảy Hội Thánh, mà là: Toàn sách Khải Huyền là nội dung của lá thư Đức Chúa Jesus Christ gửi cho các Hội Thánh. Trong đó, có một số câu nhấn mạnh cách riêng cho Hội Thánh được gọi tên; nhưng cũng là nội dung để các Hội Thánh khác học tập.

Chưa bao giờ có ai viết lá thư dài như lá thư của Đức Chúa Jesus Christ gửi cho Hội Thánh! Lá thư đó gửi cho một tập thể nhưng cũng là gửi cho từng cá nhân trong tập thể. Nói cách khác, sách Khải Huyền là lá thư của Đức Chúa Jesus Christ gửi cho Hội Thánh nói chung và từng con dân Chúa trong Hội Thánh nói riêng.

Dù là thư gửi cho Hội Thánh, nhưng lại được viết cho người chăn bầy của Hội Thánh. Chúng ta thấy câu: “Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại…” được dùng để mở đầu cho mỗi bức thư. Điều đó có nghĩa là: Nội dung của bức thư, tức là nội dung của sách Khải Huyền, phải được người chăn bầy của Hội Thánh đọc và giải thích cho con dân Chúa trong Hội Thánh.

Chúng ta lại thấy phần kết của mỗi lá thư đều bắt đầu bằng câu: “Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh…” Điều đó có nghĩa là, mặc dù nội dung của mỗi lá thư có phần viết riêng cho mỗi Hội Thánh, nhưng nội dung của nó, vẫn áp dụng chung cho các Hội Thánh và áp dụng chung cho mỗi con dân Chúa. Chúng ta thấy lời kêu gọi của Đức Thánh Linh trực tiếp đến với mỗi người trong Hội Thánh: “Ai có tai, người ấy hãy nghe…” Điều mà Đức Thánh Linh muốn cho mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh lắng nghe là điều mà Ngài phán với các Hội Thánh, hay nói cách khác, điều mà Ngài phán với Hội Thánh trong từng tình trạng thuộc linh của Hội Thánh, được tiêu biểu bởi bảy tình trạng thuộc linh của bảy Hội Thánh địa phương tại Tiểu Á.

Chúng ta hãy đón nhận nội dung của sách Khải Huyền như là sứ điệp của Đức Chúa Jesus Christ dành riêng cho chính mình, trong hoàn cảnh thuộc linh đặc biệt của mình. Điều này không phải chỉ áp dụng cho con dân Chúa trong Hội Thánh, mà còn áp dụng cho con dân Chúa trong thời Đại Nạn. Sách Khải Huyền được viết cho Hội Thánh của Chúa trong gần 2.000 năm qua và viết cho các thánh đồ của Chúa trong thời Đại Nạn. Ba đoạn cuối cùng của sách Khải Huyền từ đoạn 20 đến đoạn 22 còn là lời tiên tri dành cho con dân Chúa trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] A-đam, Sết, Ê-nót, Kê-nan, Ma-ha-la-le, Giê-rệt, Hê-nóc, Mê-tu-sê-la, Lê-méc, Nô-ê (Sáng Thế Ký 5).

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.