024 Chú Giải Khải Huyền 02:01-07 Ê-phê-sô: Hội Thánh Đã Bỏ Tình Yêu Ban Đầu

9,547 views

YouTube: https://youtu.be/wYxcfvXTP3k

024 Chú Giải Khải Huyền 2:1-7
Ê-phê-sô: Hội Thánh Đã Bỏ Tình Yêu Ban Đầu

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
024_ChuGiaiKhaiHuyen_02_1-7.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Khải Huyền 2:1-7

1 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Ê-phê-sô: Đây là những lời phán của Đấng giữ bảy ngôi sao trong tay phải Ngài; Đấng bước đi giữa bảy chân đèn bằng vàng:

2 Ta biết những việc làm của ngươi, sự khó nhọc ngươi, sự nhẫn nại ngươi, và ngươi đã không dung túng những kẻ ác như thế nào. Ngươi đã thử những kẻ tự xưng là các sứ đồ mà không phải, và đã tìm ra chúng là những kẻ dối trá;

3 đã vững vàng và nhẫn nại; đã vì danh Ta lao nhọc mà không mòn mỏi.

4 Tuy nhiên, Ta trách ngươi, vì ngươi đã bỏ tình yêu ban đầu của ngươi.

5 Vậy, hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu. Hãy cải hối và làm những việc ban đầu; nếu không, Ta sẽ mau chóng đến với ngươi và sẽ cất chân đèn ngươi khỏi chỗ nó, trừ khi ngươi cải hối.

6 Tuy nhiên, ngươi có điều này, đó là ngươi ghét việc làm của bọn Ni-cô-la mà Ta cũng ghét.

7 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh. Người nào thắng, Ta sẽ cho ăn từ Cây Sự Sống ở giữa Lạc Viên của Đức Chúa Trời.


1 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Ê-phê-sô: Đây là những lời phán của Đấng giữ bảy ngôi sao trong tay phải Ngài; Đấng bước đi giữa bảy chân đèn bằng vàng:

Ê-phê-sô: Danh từ Ê-phê-sô có nghĩa là: “đáng yêu”. Ê-phê-sô (Ephesus) là một thành phố cổ, thuộc đế quốc Hy-lạp, nằm về phía cực tây của vùng đất A-si, trên bờ biển I-chiên (Aegean Sea). Ê-phê-sô được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ mười trước Công Nguyên. Năm 129 TCN, Ê-phê-sô thuộc quyền cai trị của đế quốc La-mã và trở nên rất phồn thịnh. Theo phỏng đoán, dân số của Ê-phê-sô thời bấy giờ vào khoảng từ 33.000 người đến 56.000 người và là thành phố đông dân đứng hàng thứ ba trong miền A-si. Hai thành phố đông dân nhất là Sạt-đe (Sardis) và Trô-ách (Alexandria Troas).

Ê-phê-sô có đất đai màu mỡ khác thường, khí hậu ôn hòa, và là một thương cảng có nhiều xa lộ kết nối với các thành phố lớn tại Tiểu Á, nên đã trở thành một trung tâm mua bán sầm uất, vô cùng thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, chính trị và tôn giáo.

Ê-phê-sô nổi tiếng với đền thờ Nữ Thần A-tơ-mít (Artemis), Thánh Kinh gọi là Nữ Thần Đi-anh (Diana). Đền thờ Đi-anh được xây dựng vào thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên. Sau đó, đền thờ bị hư hại vì một cơn lụt lớn và được tái thiết vào khoảng năm 550 TCN, trở thành một trong bảy kỳ quan của thế giới thời bấy giờ. Đi-anh là nữ thần săn bắn trong truyền thuyết Hy-lạp [1].

Chúng ta không biết rõ Hội Thánh tại Ê-phê-sô được thành lập từ khi nào. Rất có thể, cũng như nhiều Hội Thánh địa phương khác, Hội Thánh tại Ê-phê-sô đã được thành lập bởi những người Do-thái từ Ê-phê-sô về Giê-ru-sa-lem, dự Lễ Ngũ Tuần vào năm 27. Họ thuộc trong số khoảng 3.000 người được Đức Thánh Linh thêm vào Hội Thánh, trong ngày Hội Thánh được thành lập (Công Vụ Các Sứ Đồ 2).

Công Vụ Các Sứ Đồ 18 ghi lại cuộc viếng thăm ngắn ngủi của Sứ Đồ Phao-lô tại Ê-phê-sô trong một chuyến đi cùng với Bê-rít-sin và A-qui-la. Kế đến là cuộc truyền giảng của A-bô-lô. Công Vụ Các Sứ Đồ 19 ghi lại sự kiện Phao-lô trở lại thành Ê-phê-sô, rao giảng suốt ba tháng và mở trường dạy Lời Chúa suốt hai năm. Hội Thánh tại Ê-phê-sô ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tại Ê-phê-sô, nhiều người vốn theo nghề phù phép, bùa chú, sau khi tin nhận Tin Lành, đã đem sách vở ngoại giáo của mình ra đốt trước công chúng. Giá trị các sách ấy lên đến khoảng 50.000 lượng bạc, tương đương hàng triệu Mỹ kim ngày nay. Sự lớn mạnh của Hội Thánh tại Ê-phê-sô đã khiến cho Đê-mê-triu, một tay thợ bạc, xúi giục dân chúng nổi loạn, chống nghịch Phao-lô. Lý do của cuộc nổi loạn do Đê-mê-triu đưa ra, là vì sự giảng dạy của Phao-lô khiến cho nhiều người tại Ê-phê-sô tin nhận Chúa, từ bỏ sự thờ lạy Nữ Thần Đi-anh. Và như vậy, làm thiệt hại cho thương vụ chạm tượng và khám thờ Nữ Thần Đi-anh của Đê-mê-triu cùng các thợ bạc khác.

Khi Phao-lô rời khỏi Ê-phê-sô thì Ti-mô-thê là người chăm sóc Hội Thánh Ê-phê-sô, và Ti-mô-thê đã theo lời dạy của Phao-lô (các thư I Ti-mô-thê và II Ti-mô-thê) mà giải quyết các vấn đề tà giáo trong Hội Thánh. Trong khoảng bốn thập niên cuối của thế kỷ thứ nhất, Sứ Đồ Giăng là một trong các trưởng lão tại Hội Thánh Ê-phê-sô.

Phao-lô có viết cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô một lá thư giải thích ý muốn của Đức Chúa Trời và ý nghĩa của sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Ông cũng dạy cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô về sự mầu nhiệm của Hội Thánh, địa vị dân ngoại trong Hội Thánh, nếp sống mới trong Chúa, và nguyên tắc chống cự ma quỷ.

Có thể nói, Hội Thánh tại Ê-phê-sô được chăm sóc, dạy dỗ rất là chu đáo, con dân Chúa có sự hiểu biết sâu nhiệm về mọi lẽ Đạo, và tình yêu của con dân Chúa tại Ê-phê-sô dành cho Chúa rất là nồng thắm. Nhưng theo thời gian và các biến động trong cuộc sống, sự nồng thắm lúc ban đầu trong tình yêu dành cho Chúa của Hội Thánh tại Ê-phê-sô đã bị nguội lạnh!

Đức Chúa Jesus Christ đã mở đầu lá thư gửi cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô, bằng cách nhắc cho con dân Chúa biết rằng: Ngài vẫn đi lại giữa Hội Thánh; Ngài vẫn ban ơn cho những người chăn bầy trong Hội Thánh. Nghĩa là: Tình yêu và sự chăm sóc của Ngài dành cho Hội Thánh không hề thay đổi. Thật vậy, Thánh Kinh đã khẳng định rằng: Ngài là Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài; Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài…” (Khải Huyền 1:5-6). Và Ngài đã yêu những người thuộc về mình, là những người trong thế gian, Ngài vẫn yêu họ cho đến cuối cùng.” (Giăng 13:1). Vì Đức Chúa Jesus Christ Đấng y nguyên hôm qua, hôm nay, và cho đến mãi mãi.” (Hê-bơ-rơ 13:8).

Đức Chúa Jesus Christ yêu Hội Thánh của Ngài và Ngài gọi Hội Thánh của Ngài là “đáng yêu”.

2 Ta biết những việc làm của ngươi, sự khó nhọc ngươi, sự nhẫn nại ngươi, và ngươi đã không dung túng những kẻ ác như thế nào. Ngươi đã thử những kẻ tự xưng là các sứ đồ mà không phải, và đã tìm ra chúng là những kẻ dối trá;

Ta biết những việc làm của ngươi: Chúa biết mọi việc làm của Hội Thánh, của từng con dân Chúa trong Hội Thánh. “Mọi việc làm” bao gồm tất cả những gì con dân Chúa làm ra trong Hội Thánh của Ngài. Việc làm của mỗi con dân Chúa cũng chính là việc làm của Hội Thánh. Vì mỗi con dân Chúa là một chi thể trong cùng một thân.

Sự khó nhọc ngươi: Chúa cũng biết sự khó nhọc của con dân Chúa trong nếp sống hầu việc Chúa. Từ ngữ “khó nhọc” trong nguyên ngữ hàm ý làm một việc lao động rất là nặng nề, khó khăn.

Sự nhẫn nại ngươi: Chúa cũng biết sự nhẫn nại, chịu đựng những khó khăn, gian khổ của con dân Chúa trong sự hầu việc Ngài. Sự nhẫn nại trước khó khăn và nghịch cảnh là cần thiết cho những ai làm những công việc khó nhọc.

Ngươi đã không dung túng những kẻ ác: Kẻ ác là kẻ có nếp sống chống nghịch lại Lời Chúa, là kẻ gây ra thiệt hại cho chính mình và người khác. Kẻ ác được dùng ở đây là chỉ về những kẻ giả hình trong Hội Thánh. Tức là những kẻ nhân danh Chúa làm rất nhiều điều, nhưng họ chỉ là những kẻ giả hình, như Lời Chúa đã phán, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 7:22-23:

“Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.”

Hội Thánh tại Ê-phê-sô đã không dung túng những kẻ giả hình như vậy. Đó là điểm đáng khen của Hội Thánh.

Ngươi đã thử những kẻ tự xưng là các sứ đồ mà không phải, và đã tìm ra chúng là những kẻ dối trá: Câu này giải thích cho câu trước đó. Nhiều người đến với Hội Thánh tại Ê-phê-sô, tự xưng là sứ đồ của Chúa. Rất có thể, họ đã nhân danh Chúa nói tiên tri, trừ quỷ, và làm nhiều phép lạ… nhưng Hội Thánh vẫn nhìn ra họ là những kẻ giả hình. Sự thử được nói đến ở đây là dựa vào Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 7:15-21 mà xem xét nếp sống của những kẻ ấy xem có đúng với Lời Chúa dạy hay không.

Ngày nay, hầu hết con dân Chúa chỉ biết chạy theo các dấu kỳ, phép lạ mà rơi vào cạm bẫy của Ma Quỷ. Tất cả các phong trào sứ đồ, phong trào tiên tri, phong trào nói tiếng lạ, phong trào chữa bệnh, đuổi quỷ… đều không đến từ Chúa. Con dân Chúa cần đối chiếu lời giảng của bất cứ ai với Thánh Kinh, xem có đúng với Thánh Kinh hay không, như con dân Chúa tại thành Bê-rê đã làm:

“Những người này là đáng quý hơn những người ở Tê-sa-lô-ni-ca. Họ đã tiếp nhận Lời với mọi sự sẵn sàng của tâm trí, tra xem Thánh Kinh suốt ngày, để xét xem những lời giảng ấy có đúng như vậy hay không.(Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11).

Sau khi Hội Thánh của Chúa được cất ra khỏi thế gian, con dân Chúa trong thời Đại Nạn càng cần phải cẩn thận trong sự phân biệt thật giả những người mang danh là tiên tri của Chúa. Vì trong thời khoảng đó, sẽ có nhiều tiên tri giả làm ra những dấu kỳ, phép lạ lớn, để lừa gạt con dân Chúa. Thậm chí, họ sẽ tung tin rằng, Chúa đã giáng lâm trên đất tại nơi này, nơi kia:

Ma-thi-ơ 24:23-26

23 Khi ấy, nếu có ai nói với các ngươi rằng: Kìa Đấng Christ ở đây, hay là: Ở đó, thì đừng tin.

24 Vì những Christ giả và những tiên tri giả sẽ nổi lên. Chúng sẽ làm ra những dấu kỳ và những phép lạ lớn, đến nỗi, nếu được thì chúng cũng sẽ dẫn lạc lối những người được chọn.

25 Này, Ta đã bảo trước cho các ngươi.

26 Vậy nếu người ta nói với các ngươi rằng: Này, Ngài ở trong đồng vắng, thì đừng đi đến; này, Ngài ở trong nhà thì đừng tin.

Dấu hiệu của người thuộc về Chúa là sự thể hiện các phẩm chất của người thật sự thuộc về Chúa như Ga-la-ti 5:22-23 đã chép:

“Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.”

Và, như I Cô-rinh-tô 13:4-8 đã chép:

4 Tình yêu khoan nhẫn; nhân từ. Tình yêu không ganh tị. Tình yêu không khoác lác; không kiêu ngạo; [khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại, là tha thứ và bền lòng chịu đựng;]

5 không làm điều trái phép; không tìm kiếm chính mình; không dễ nóng giận; không suy nghĩ sự dữ;

6 không vui về điều không công chính; nhưng vui trong lẽ thật;

7 che chở mọi sự; tin mọi sự; trông cậy mọi sự; chịu đựng mọi sự.

8 Tình yêu không hề thất bại. Nhưng dù là những sự nói tiên tri, chúng sẽ qua đi; dù là những sự nói các ngôn ngữ, chúng sẽ chấm dứt; dù là sự hiểu biết, nó sẽ qua đi.

Điều quan trọng mà con dân Chúa cần ghi nhớ là: Nếu một người thực sự là anh chị em chân thật trong Chúa, thì Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ cho chúng ta biết, khi chúng ta tiếp xúc với người ấy.

3 đã vững vàng và nhẫn nại; đã vì danh Ta lao nhọc mà không mòn mỏi.

Đã vững vàng và nhẫn nại: Nhờ hiểu biết Lời Chúa mà Hội Thánh có thể thử những kẻ giả mạo làm sứ đồ của Chúa và nhận thấy họ sống nghịch lại Lời Chúa. Nhờ hiểu biết Lời Chúa mà Hội Thánh được đứng vững trong mọi sự thử thách và tấn công của thế gian; vì biết rằng, Chúa không cho phép sự thử thách nào quá sức chịu đựng xảy đến cho con dân Chúa và trong Đấng Christ con dân Chúa có thể làm được mọi sự. Nhờ hiểu biết Lời Chúa mà Hội Thánh có sức nhẫn nại chịu đựng; vì biết rằng sẽ nhận được phần thưởng lớn từ nơi Chúa.

Đã vì danh Ta lao nhọc mà không mòn mỏi: Con đường đi theo Chúa, hầu việc Chúa là con đường quên mình, làm việc lao nhọc trong danh Chúa, cho Hội Thánh của Chúa, cho vương quốc của Ngài. Có nghĩa là con dân Chúa không màng đến những sự thuộc về thế gian, mà chỉ chuyên tâm sống theo Lời Chúa để danh Chúa được chiếu sáng giữa thế gian. Lời Chúa dạy rõ:

“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy.” (I Giăng 2:15).

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

“Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.” (Cô-lô-se 3:23).

Sự sống theo Lời Chúa, tức là vâng giữ các điều răn của Ngài, thể hiện sự vâng phục Chúa trong mọi ý nghĩ, lời nói, và việc làm, sẽ khiến cho con dân Chúa vất vả, mệt nhọc, nhưng họ không hề mòn mỏi vì chính Ngài ban thêm sức cho họ.

Hội Thánh tại Ê-phê-sô chẳng những có sự thông hiểu Lời Chúa, vững vàng trong đức tin, mà còn nhẫn nại hầu việc Chúa không hề mòn mỏi.

4 Tuy nhiên, Ta trách ngươi, vì ngươi đã bỏ tình yêu ban đầu của ngươi.

Thế nhưng, trải qua khoảng thời gian gần 70 năm, thì tấm lòng yêu kính Chúa của Hội Thánh tại Ê-phê-sô đã không còn nữa. Có thể, họ vẫn vững vàng trong sự thông hiểu Lời Chúa, vẫn nhẫn nại hầu việc Ngài, nhưng động cơ không còn là vì tình yêu nồng thắm dành cho Chúa, mà chỉ là làm cho xong việc.

Chúa nhìn thấy mọi việc làm khôn ngoan, nhẫn nại, chịu khó, chịu khổ vì danh Chúa của họ; nhưng Ngài cũng nhìn thấy tình yêu của họ đối với Ngài đã phai nhạt, không còn như thuở ban đầu, khi họ mới đến với Chúa!

Đây cũng chính là tình trạng thuộc linh chung của hầu hết các con dân Chúa. Buổi ban đầu mới đến với Chúa, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, được dự phần trong Hội Thánh của Ngài, ai nấy đều vui mừng, lòng rộn rã, biết ơn Chúa, và yêu quý Ngài. Nhưng theo dòng thời gian, dần dần sự nồng thắm đối với Chúa không còn nữa! Vẫn tin Chúa, vẫn sống theo Lời Chúa, vẫn hầu việc Chúa, nhưng không có mối tương giao mật thiết mỗi ngày với Chúa, không thấy lòng tha thiết muốn được đối diện với Ngài; nhất là, không có tình yêu thương đối với các anh chị em trong Hội Thánh.

Đây cũng sẽ là tình trạng chung của nhiều con dân Chúa trong khoảng ba năm rưỡi đầu của thời Đại Nạn. Liền sau khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian, sẽ có rất nhiều người ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Chúa. Tuy nhiên, đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, tình yêu ban đầu họ dành cho Chúa sẽ phai nhạt.

5 Vậy, hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu. Hãy cải hối và làm những việc ban đầu; nếu không, Ta sẽ mau chóng đến với ngươi và sẽ cất chân đèn ngươi khỏi chỗ nó, trừ khi ngươi cải hối.

Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu: Sự sa sút này không phải trong hành động, mà là trong tấm lòng, trong mối tình đối với Chúa. Người ta có thể làm việc một cách tích cực vì bổn phận hay vì bị ép buộc chứ không phải vì ưa thích làm việc hay vì yêu quý người mà mình phục vụ. Sự sa sút tình yêu đối với Chúa là điều dễ dàng xảy ra, khi người ta không có mối tương giao mật thiết với Chúa mỗi ngày qua sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa, cẩn thận làm theo, và trò chuyện với Ngài qua sự cầu nguyện. Chúa muốn con dân Chúa hãy nhớ lại giây phút nồng thắm của buổi ban đầu khi họ mới đến với Chúa.

Hãy cải hối và làm những việc ban đầu: Cải hối có nghĩa là hối tiếc việc làm sai trái và làm lại cho đúng. Chúa muốn con dân Chúa cải hối khi họ đã quên đi tình yêu lúc ban đầu đối với Ngài. Có cải hối thì mới có thể làm lại những việc ban đầu, tức là những việc được làm ra bởi lòng biết ơn Chúa, yêu Chúa, tha thiết muốn phục vụ Chúa.

Ta sẽ mau chóng đến với ngươi và sẽ cất chân đèn ngươi khỏi chỗ nó: Lời cảnh cáo rất là nghiêm trọng. Chúa ban cho con dân Chúa cơ hội ăn năn, nhưng cơ hội đó không kéo dài, vì Chúa sẽ đến mau chóng để thi hành hình phạt, nếu con dân Chúa không ăn năn.

Hình phạt được nói đến ở đây là hình phạt tập thể, chung cho cả Hội Thánh. Dĩ nhiên, những người trung tín với Chúa trong Hội Thánh sẽ không bị phạt, nhưng Hội Thánh bị phạt với tính cách tập thể. Cất chân đèn ra khỏi chỗ có nghĩa là Hội Thánh bị đem ra khỏi địa phương. Rất có thể, địa phương mà Chúa đặt để mỗi Hội Thánh trong cuộc đời này cũng chính là phần đất Chúa sẽ ban cho những người thuộc Hội Thánh ấy trong vương quốc của Ngài. Nếu thật vậy, thì bị “cất chân đèn khỏi chỗ nó” còn có nghĩa là mất phần cơ nghiệp trên đất trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

6 Tuy nhiên, ngươi có điều này, đó là ngươi ghét việc làm của bọn Ni-cô-la mà Ta cũng ghét.

Bọn Ni-cô-la: Bọn Ni-cô-la là những người đi theo Ni-cô-la. Từ ngữ Ni-cô-la trong nguyên ngữ Hy-lạp là một danh từ ghép, gồm chữ “Ni-cô” có nghĩa là đắc thắng và “la” có nghĩa là dân chúng. Ni-cô-la có nghĩa là kẻ đắc thắng dân chúng; kẻ chiếm được lòng dân. Chúng ta không có một chi tiết nào khác trong Thánh Kinh để biết Ni-cô-la là tên riêng của một người hay là tên gọi của một phong trào. Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ thứ nhất, trong Hội Thánh của Chúa đã có mặt những người được gọi là “Bọn Ni-cô-la” hoặc “Những kẻ theo Ni-cô-la”. Một số nhà giải kinh, dựa trên các chi tiết lịch sử ngoài Thánh Kinh, đưa ra một số giải thích như sau:

1. Ni-cô-la có thể là một trong bảy chấp sự đầu tiên của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:5). Nếu thật vậy, thì có lẽ về sau, Chấp Sự Ni-cô-la đã phổ biến tà giáo trong Hội Thánh và có một số người tin theo ông; những người ấy mang tà giáo của ông đi truyền bá trong các Hội Thánh địa phương khác.

2. Có thể, những người theo Ni-cô-la là những người tạo ra một giai cấp giáo phẩm trong Hội Thánh, nắm quyền cai trị Hội Thánh theo phong cách của thế gian.

3. Có thể, những người theo Ni-cô-la là những người cho rằng, thân thể xác thịt là ô uế, sẽ qua đi, nên việc thân thể xác thịt làm ra tội lỗi không liên quan gì đến phần thuộc linh của con dân Chúa. Dẫn đến kết luận: Con dân Chúa có thể sống trong tội.

4. Có thể, những người theo Ni-cô-la là những người cho rằng, con dân Chúa cần phải phạm tội để hiểu biết tội lỗi và đánh giá đúng ân điển của Chúa.

Dù cho những người theo Ni-cô-la như thế nào, thì việc làm của họ không đúng với Thánh Kinh. Hội Thánh tại Ê-phê-sô ghét việc làm của họ và chính Chúa cũng ghét. Chúng ta chú ý đến đối tượng của sự ghét là việc làm tội lỗi chứ không phải tội nhân. Đức Chúa Jesus Christ ghét tội nhưng Ngài yêu tội nhân và Ngài đã chịu chết để cứu chuộc họ. Con dân Chúa cũng nên giống như Chúa: ghét tội nhưng yêu tội nhân.

7 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh. Người nào thắng, Ta sẽ cho ăn từ Cây Sự Sống ở giữa Lạc Viên của Đức Chúa Trời.

Ai có tai: Từ ngữ “có tai” hàm ý biết nghe và tiếp nhận lẽ thật. Bất cứ ai biết lắng nghe và tiếp nhận lẽ thật, thì người ấy sẽ được nghe Thần Lẽ Thật phán dạy và kêu gọi.

Đấng Thần Linh: Là Thiên Chúa Đức Thánh Linh. Khi Ngài hành động và phán dạy trong thân thể của con dân Chúa thì Thánh Kinh gọi là Đức Thánh Linh. Khi Ngài hành động và phán dạy bên ngoài thân thể con dân Chúa thì Thánh Kinh gọi là Đấng Thần Linh.

Phán với các Hội Thánh: Mặc dù lời mở đầu của lá thư cho chúng ta biết nội dung của lá thư là gửi cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Nhưng lời kết của lá thư lại là lời Thiên Chúa phán cho Hội Thánh của Chúa ở khắp nơi. Đó cũng là lời kêu gọi chung cho tất cả những ai đọc và nghe sách Khải Huyền. Điều mà Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh chính là những gì Đức Chúa Jesus Christ đã phán truyền và được Đấng Thần Linh nhắc lại. Giăng 14:26 giúp cho chúng ta hiểu như vậy:

“Nhưng Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều Ta đã phán với các ngươi.”

Người nào thắng: Bất cứ ai thắng được mọi cám dỗ và thử thách, trung tín “vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus.” (Khải Huyền 14:12). Có những người thắng trong thời Hội Thánh, có những người thắng trong thời Đại Nạn, và có những người thắng trong thời Vương Quốc Ngàn Năm.

Ta sẽ cho ăn từ Cây Sự Sống: Chính Đức Chúa Jesus Christ sẽ ban cho con dân Chúa sự sống của Đức Chúa Trời, vì Ngài là sự sống lại và sự sống:

“Chiên Ta nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống vĩnh cửu. Chúng sẽ chẳng chết mất bao giờ, cũng không ai cướp chúng khỏi tay Ta.” (Giăng 10:27-28).

“Đức Chúa Jesus phán với bà: Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin nơi Ta, dù người ấy đã chết thì cũng sẽ sống.” (Giăng 11:25).

Cây Sự Sống: Tiêu biểu cho sự sống của Thiên Chúa, là sự sống đời đời mà sự chết không thể chi phối. Khi Thiên Chúa dựng nên loài người, Ngài ban cho loài người sự sống từ nơi Ngài. Sự sống ấy có thể bị chi phối bởi sự chết. Loài người phải tự mình chọn nhận sự sống đời đời. Đó chính là lý do tại sao giữa vườn Ê-đen có Cây Sự Sống.

Ở giữa Lạc Viên của Đức Chúa Trời: Từ ngữ được dịch là “Lạc Viên” (Vườn Vui Thỏa), trong nguyên ngữ Hy-lạp là “paradeisos”, G3857, /ba-ra-đai-sót/ [2]; một danh từ có gốc từ tiếng Ba-tư (I-răn ngày nay), và có nghĩa là thượng uyển (vườn hoa của vua). Từ ngữ này được Thánh Kinh dùng để gọi:

  • Nơi linh hồn của những người chết trong Chúa an nghỉ trong âm phủ (Lu-ca 23:43), chờ ngày Đức Chúa Jesus Christ sống lại và đem họ vào trong thiên đàng (Ê-phê-sô 4:8).

  • Thiên đàng, nơi ngự của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ (II Cô-rinh-tô 12:4; Khải Huyền 2:7).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_Artemis

[2] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G3857

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.