025 Chú Giải Khải Huyền 02:08-11 Si-miệc-nơ: Hội Thánh Chịu Khổ và Chịu Chết Vì Chúa

7,620 views

YouTube: https://youtu.be/yuGZ13d4d0Y

025 Chú Giải Khải Huyền 2:8-11
Si-miệc-nơ: Hội Thánh Chịu Khổ và Chịu Chết Vì Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
025_ChuGiaiKhaiHuyen_02_8-11.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Khải Huyền 2:8-11

8 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Si-miệc-nơ: Này là những lời phán của Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng; Đấng Đã Chết và Nay Đang Sống:

9 Ta biết những việc làm của ngươi, sự khốn khổ và nghèo nàn ngươi – nhưng ngươi giàu có – và sự phạm thượng của những kẻ tự xưng là người Do-thái nhưng không phải, mà là những kẻ thuộc hội của Sa-tan.

10 Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.

11 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh. Người nào thắng sẽ không bị hại bởi sự chết thứ nhì.


8 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Si-miệc-nơ: Này là những lời phán của Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng; Đấng Đã Chết và Nay Đang Sống:

Si-miệc-nơ: Danh từ “Si-miệc-nơ” có nghĩa là “một dược” (myrrh), là một loại hương liệu làm bằng chất nhựa thơm của cây một dược, có vị cay và đắng, thường được dùng để tẩm liệm xác chết tại vùng Trung Đông. Để lấy nhựa cây, người ta phải tạo ra các vết cắt trên thân cây. Vì thế, một dược tiêu biểu cho sự thương khó và sự chết. Khi Đức Chúa Jesus nhập thế làm người, các nhà thông thái ở phương đông đã mang vàng, nhũ hương, và một dược đến dâng lên Ngài. Các nhà giải kinh cho rằng: Vàng tiêu biểu cho vương vị của Đức Chúa Jesus, nhũ hương tiêu biểu cho địa vị thầy tế lễ của Ngài, và một dược tiêu biểu cho sự thương khó và sự chết của chức vụ tiên tri Đức Chúa Trời bị loài người chối bỏ. Hội Thánh tại Si-miệc-nơ thật đã chịu khổ và chịu chết vì danh Chúa.

Thành phố Si-miệc-nơ nằm cách thành phố Ê-phê-sô khoảng 60 km về phía bắc, là một thành phố cổ được xây dựng khoảng 1.500 năm TCN. Vào thời điểm Giăng chép sách Khải Huyền thì Giám Mục Bá-ly-cốp (Polycarp) là giám mục của Hội Thánh tại Si-miệc-nơ. Ông là học trò của Sứ Đồ Giăng. Ông chịu chết vì danh Chúa vào năm 168, sau 86 năm tin nhận Chúa. Bá-ly-cốp bị đám đông Do-thái Giáo trói vào trụ hình trên giàn hỏa. Họ vây quanh, thúc giục ông lên tiếng chối bỏ Đức Chúa Jesus Christ để được tha chết. Tuy nhiên, từ trên giàn hỏa, ông đã dõng dạc tuyên bố: “Tám mươi sáu năm tôi đã phục vụ Chúa và Ngài không bao giờ ngược đãi tôi. Thế thì, làm sao tôi có thể phạm thượng Vua và Cứu Chúa của tôi?”

Ngoài Giám Mục Bá-ly-cốp ra, biết bao nhiêu con dân Chúa tại Hội Thánh Si-miệc-nơ đã phải chịu bị hỏa thiêu, chịu bị sư tử xé xác, vì đã không chối bỏ danh Chúa. Hiện nay, Si-miệc-nơ mang tên là Ích-mia (Izmir) với dân số khoảng bốn triệu người. Cơ-đốc nhân tại Ích-mia ngày nay vẫn sống trong sự bách hại bởi những người Hồi Giáo Thổ-nhĩ-kỳ [1].

Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng; Đấng Đã Chết và Nay Đang Sống: Đối với con dân Chúa tại Hội Thánh Si-miệc-nơ, lá thư của Đức Chúa Jesus Christ mở đầu với danh xưng: “Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng; Đấng Đã Chết và Nay Đang Sống”, thật đã đem lại cho họ nhiều an ủi và thêm sức mạnh cho họ chịu đựng những cơn bách hại. Vì Ngài là Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng nên mọi sự nằm trong quyền tể trị của Ngài. Nếu Ngài không cho phép thì sự bách hại con dân Chúa không thể xảy ra. Nếu Ngài đã cho phép sự bách hại xảy ra, thì Ngài sẽ ban thêm ân điển cho con dân của Ngài chịu đựng, như Ngài đã phán dạy Sứ Đồ Phao-lô:

“Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu.” (II Cô-rinh-tô 12:9).

Và, mục đích của sự bách hại được Ngài cho phép xảy ra là để con dân của Ngài được dự phần trong sự thương khó của Ngài:

“Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn. Nếu như các anh chị em vì danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì các anh chị em có phước; vì Đấng Thần Linh của sự vinh quang và của Đức Chúa Trời ngự trên các anh chị em [Ê-sai 11:2]. Thực tế, đối với họ, Ngài bị nói phạm thượng; đối với các anh chị em, Ngài được tôn vinh.” (I Phi-e-rơ 4:12-14).

“Có gì là vinh quang nếu các anh chị em kiên trì khi bị đánh vì sự phạm tội của mình? Nhưng nếu các anh chị em làm lành, mà kiên trì trong sự khốn khó, ấy là điều đáng khen đối với Thiên Chúa. Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:20-21).

Vì Ngài là Đấng Đã Chết và Nay Đang Sống, cho nên, sự chết mà con dân Chúa đang đối diện hoàn toàn vô nghĩa đối với họ. Họ biết chắc sự chết không có quyền trên họ. Họ biết chắc sự chết do những kẻ thù nghịch Chúa mang đến cho họ là cơ hội cuối cùng, để họ bày tỏ tình yêu và sự trung tín của họ đối với Chúa. Sự chết đó là lễ vật tận hiến cao nhất của họ dâng lên Chúa.

9 Ta biết những việc làm của ngươi, sự khốn khổ và nghèo nàn ngươi – nhưng ngươi giàu có – và sự phạm thượng của những kẻ tự xưng là người Do-thái nhưng không phải, mà là những kẻ thuộc hội của Sa-tan.

Ta biết những việc làm của ngươi: Đấng mà họ sẵn sàng chịu khổ và chịu chết vì danh Ngài là Đấng biết rõ tình yêu và lòng tận trung của họ dành cho Ngài, qua mọi việc làm của họ.

Sự khốn khổ và nghèo nàn ngươi: Ngài cũng biết sự khốn khổ và nghèo nàn của họ. Họ khốn khổ vì thiếu thốn vật chất mà còn bị bách hại về đức tin. Họ có thể đã trải qua những gì mà Sứ Đồ Phao-lô đã từng trải:

II Cô-rinh-tô 11:23-27

23 Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Tôi dại dột nói, tôi hơn nhiều trong những sự lao động; hơn nhiều trong những sự đòn roi quá mức; hơn nhiều trong những nhà tù; hơn nhiều những lần trong sự chết.

24 Năm lần tôi đã nhận đòn bởi những người Do-thái, thiếu một roi đầy bốn chục.

25 Ba lần tôi đã bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã chịu trong biển sâu một ngày một đêm.

26 Những cuộc hành trình thường xuyên nguy vì sông nước; nguy vì trộm cướp; nguy bởi dân mình; nguy bởi dân ngoại; nguy trong thành phố; nguy trong đồng vắng; nguy trong biển; nguy giữa những anh chị em giả dối,

27 trong sự lao động và sự khó nhọc, trong sự tỉnh thức. Thường xuyên ở trong sự đói và sự khát. Thường xuyên ở trong sự lạnh và sự lõa lồ.

Họ có thể đã trải qua những gì mà Hê-bơ-rơ 11:36-38 đã ghi chép:

“Những người khác đã trải qua những sự chê cười, những sự đánh đập, lại cũng chịu sự xiềng xích và sự lao tù nữa. Họ đã bị ném đá. Họ đã bị cưa làm hai. Họ đã bị thử thách, bị giết bằng gươm. Họ đã lang thang trong những da chiên và những da dê, bị thiếu thốn, bị hà hiếp, bị ngược đãi. Thế gian đã không xứng đáng đối với họ. Họ đã lang thang trong những đồng vắng, những núi non, những hang và những hầm của đất.”

Chúng ta nhận biết được một điều: sự bách hại về đức tin thường đi kèm với sự thiếu nghèo về vật chất. Ngay trong những nơi được gọi là có “tự do tôn giáo” thì những con dân Chúa thiếu nghèo về vật chất cũng vẫn bị bách hại về đức tin. Thậm chí bị bách hại ngay từ chính những người xưng mình là Cơ-đốc nhân, mà Phao-lô gọi là “anh chị em giả dối!” Không phải họ bách hại con dân chân thật, khó nghèo của Chúa bằng sự đánh đập, cầm tù, giết chết… mà họ bách hại bằng sự khinh bỉ và những lời chê cười. Biết bao nhiêu lần, những con dân chân thật của Chúa đã phải nghe từ môi miệng của những người tự xưng là Cơ-đốc nhân chê cười họ: “Sống thánh khiết quá, vâng giữ điều răn của Chúa không sai trật, mà sao nghèo đến không có đủ ăn, đủ mặc?”

Chúa gọi sự chê cười của những kẻ giả dối đó là “sự phạm thượng” và gọi họ là “những kẻ thuộc hội của Sa-tan!”

Nhưng ngươi giàu có: Sự nghèo thiếu trong thế giới thuộc thể này chính là cơ hội và phương tiện, để cho con dân Chúa làm ra sự giàu có trong thế giới thuộc linh. Chính sự nhẫn nại, chịu đựng khó nghèo, chịu đựng sự bách hại của thế gian mà giữ vững đức tin nơi Chúa và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, đã khiến cho con dân Chúa trở nên giàu có trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

“Đức Chúa Jesus ngước mắt nhìn các môn đồ, mà phán rằng: Phước cho các ngươi là những người nghèo, vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời thuộc về các ngươi!” (Lu-ca 6:20).

“Hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi, hãy nghe đây: Chẳng phải Đức Chúa Trời đã chọn những người nghèo trong đời này để làm cho trở nên giàu trong đức tin, và kế thừa vương quốc của Ngài, mà Ngài đã hứa cho những người yêu Ngài hay sao?” (Gia-cơ 2:5).

Thật sự, sự khó nghèo về thuộc thể là một ơn phước Chúa ban cho con dân của Ngài; bởi vì, sự giàu có về thuộc thể khiến cho người ta khó mà vào được Vương Quốc của Đức Chúa Trời:

“Ta lại nói với các ngươi, một sợi thừng xỏ qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 19:24; Mác 10:25; Lu-ca 18:25).

Ghi chú: Một số bản dịch ghi là “lạc đà chui qua lỗ kim”. Có thể, trong các bản chép tay tiếng Hy-lạp, chữ “kamelos” nghĩa là “lạc đà” đã bị viết nhầm, thay vì chữ “kamilos” nghĩa là “dây thừng”. Ngoài ra, trong tiếng A-ra-mai, chữ “gamla” vừa có nghĩa là “lạc đà” vừa có nghĩa là “một loại thừng làm bằng lông lạc đà”.

Sự phạm thượng: Từ ngữ “sự phạm thượng” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là lời vu khống làm tổn thương danh tiếng của một người hoặc là lời nói bất kính về Thiên Chúa.

Những kẻ tự xưng là người Do-thái nhưng không phải, mà là những kẻ thuộc hội của Sa-tan: Nghĩa đen chỉ về những người Do-thái tại thành phố Si-miệc-nơ xưng mình là con dân của Thiên Chúa nhưng lại bách hại những Cơ-đốc nhân. Họ là người Do-thái xét về huyết thống nhưng họ không phải là người Do-thái theo nghĩa thuộc linh. Người Do-thái theo nghĩa thuộc linh là bất cứ ai có cùng một đức tin và một lòng vâng phục các điều răn của Thiên Chúa như tổ phụ của dân Do-thái là ông Áp-ra-ham. Thánh Kinh nói về đức tin và lòng vâng phục của Áp-ra-ham như sau:

“Ông tin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì Ngài kể sự đó là công chính cho ông.” (Sáng Thế Ký 15:6).

“Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.” (Sáng Thế Ký 26:5).

Thánh Kinh nói về người Do-thái bề ngoài và người Do-thái bề trong như sau:

“Vì người nào chỉ là người Do-thái bề ngoài thì không phải là người Do-thái. Sự cắt bì trong xác thịt bề ngoài cũng không phải là sự cắt bì. Nhưng người mà bề trong là người Do-thái và sự cắt bì của tấm lòng, trong tâm thần, không theo chữ nghĩa, thì sự khen ngợi của người ấy chẳng đến từ loài người nhưng đến từ Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 2:28-29).

Thánh Kinh xác nhận: tất cả những ai có đức tin như đức tin của Áp-ra-ham; nghĩa là đức tin thể hiện ra hành động vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thì họ là con cháu thật của Áp-ra-ham, tức là người Do-thái thật, theo định nghĩa của Thánh Kinh:

“Vậy, các anh chị em hãy nhận biết rằng, những người có đức tin thì họ là con cháu của Áp-ra-ham.” (Ga-la-ti 3:7).

Những người Do-thái tại Si-miệc-nơ bách hại những môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ, cho nên, họ không phải là người Do-thái thật. Họ không phải là con dân của Chúa, không thuộc về hội của Đức Chúa Trời, mà thuộc về hội của Sa-tan! Ngày nay, trong các giáo hội mang danh Chúa, dù là Công Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Giáo, hay các giáo phái Tin Lành… cũng có biết bao nhiêu người mang danh là con dân Chúa, nhưng họ không phải. Họ thuộc về hội của Sa-tan. Chính họ lại là những kẻ bách hại con dân chân thật của Chúa hơn ai hết. Phao-lô gọi họ là “anh chị em giả dối!” Đức Chúa Jesus Christ gọi họ là “những kẻ làm ác!” “Sói đội lốt chiên!” “Dê” và “cỏ lùng!” Một trong những dấu hiệu đặc biệt để con dân Chúa nhận biết họ, đó là sự phạm thượng của họ. Họ luôn nói những lời chê cười, vu khống con dân chân thật của Chúa, và nói những lời xem thường các điều răn của Đức Chúa Trời.

10 Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.

Con dân của Chúa được kêu gọi đến sự chịu khổ vì danh Chúa (I Phi-e-rơ 2:21). Nghĩa là, vì sống theo Lời Chúa để giúp ích cho người khác, mà họ phải hy sinh nhiều sở thích cá nhân; vì sống theo Lời Chúa để tôn cao danh Chúa, mà họ bị thế gian ghét và bách hại. Nhưng Chúa phán dạy họ: “Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ!” Bởi vì, Chúa không bao giờ cho phép cám dỗ hoặc thử thách quá sức chịu đựng xảy đến cho bất cứ ai; và Ngài luôn mở đường cho ra khỏi:

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù: Từ ngữ Ma Quỷ được dùng trong câu này là chỉ về Sa-tan. Ý nghĩa của danh từ “ma quỷ” là “kẻ vu khống!” Được dành để gọi chung các thiên sứ chống nghịch Thiên Chúa (viết thường), khi có mạo từ đứng trước thì trở thành một danh xưng của Sa-tan (viết hoa). Sa-tan trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “kẻ chống nghịch”, là một danh hiệu được Thánh Kinh dùng để gọi một thiên sứ trưởng chống nghịch Chúa. Chính Sa-tan đích thân bách hại Hội Thánh của Chúa. Sa-tan sẽ dấy động lòng các nhà cầm quyền khắp nơi trên thế gian để họ ra các sắc luật cấm người ta tin nhận và thờ phượng Thiên Chúa. Sa-tan sẽ mượn tay các nhà cầm quyền để bỏ tù các con dân Chúa.

Để các ngươi chịu thử thách: Mục đích của Sa-tan khi bách hại, cầm tù con dân Chúa là để làm khổ họ, khiến họ chối bỏ đức tin nơi Chúa. Tuy nhiên, Chúa dùng chính những sự bách hại của Sa-tan để thử thách đức tin và tình yêu của con dân Chúa. Mục đích của sự thử thách không phải để Chúa biết được sự trung tín của con dân Chúa, vì Ngài là Đấng biết tất cả mọi sự. Nhưng để cho chính mỗi con dân Chúa nhận thức được mình yêu Chúa, tin Chúa, và vâng phục Chúa đến mức độ nào. Sự thể hiện tình yêu, đức tin, và sự vâng phục của con dân Chúa trong mọi cảnh ngộ khiến cho các thiên sứ, ma quỷ, và loài người thấy được năng lực của Chúa giúp cho những ai tin, yêu, và vâng phục Ngài sẽ đắc thắng trong mọi sự.

Mười ngày hoạn nạn: Từ ngữ “mười ngày” tiêu biểu cho một khoảng thời gian ngắn. Chúng ta hiểu như vậy, dựa trên các câu Thánh Kinh sau:

“Nhưng anh và mẹ nàng rằng: Hãy cho người gái trẻ ở lại cùng chúng tôi ít ngày nữa, vào khoảng mười bữa, rồi nó sẽ đi.” (Sáng Thế Ký 24:55).

“Cách chừng mười ngày sau, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đánh Na-banh, và người chết.” (I Sa-mu-ên 25:38).

Đa-ni-ên 1:12-15

12 Tôi xin ông hãy thử những kẻ tôi tớ ông trong mười ngày, cho chúng tôi chỉ ăn rau uống nước.

13 Sau đó, sẽ nhìn nét mặt chúng tôi với nét mặt những kẻ trai trẻ ăn đồ ăn ngon của vua; rồi ông sẽ làm cho những kẻ tôi tớ ông theo như điều ông đã thấy.

14 Ham-mên-xa nhận lời họ xin, và thử họ trong mười ngày.

15 Mười ngày ấy qua rồi, thấy mặt họ lại có vẻ xinh tươi đầy đặn hơn mọi kẻ trai trẻ khác đã ăn đồ ngon vua ăn.

Nhưng số mười cũng tiêu biểu cho sự trọn vẹn về số lượng. Vì thế, “mười ngày hoạn nạn” có thể được hiểu là một khoảng thời gian ngắn, không nhất thiết phải đúng mười ngày theo nghĩa đen, nhưng sự hoạn nạn sẽ đến một cách đầy trọn trong khoảng thời gian ấy.

Xưa nay, những sự bách hại Hội Thánh đều kéo dài hơn mười ngày. Có cuộc bách hại kéo dài gần một ngàn năm, như cuộc bách hại do Công Giáo La-mã thực hiện. Trong thế kỷ 20, có những con dân Chúa bị tù chung thân vì không chịu chối bỏ đức tin, như Nghê Thác Thanh (Watchman Nee) và các bạn của ông tại Trung Quốc. Riêng Nghê Thác Thanh đã ở trong tù suốt 20 năm, cho đến chết. Một người cháu gái gọi Nghê Thác Thanh bằng ông cậu đã thuật lại rằng, khi cô đến nhà tù nhận tro của di thể ông, một người cai tù đã đưa cho cô xem một mẩu giấy tìm thấy dưới gối của Nghê Thác Thanh, khi ông qua đời. Trên mẩu giấy đó, Nghê Thác Thanh đã viết những chữ lớn, nét run rẩy: “Đấng Christ là Con Đức Chúa Trời, Đấng đã chết cho sự chuộc tội cho những tội nhân và đã sống lại sau ba ngày. Đây là lẽ thật lớn nhất trong vũ trụ. Tôi chết vì đức tin của tôi trong Đấng Christ. Nghê Thác Thanh” [2].

Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống: “Trung tín” có nghĩa là: “ngay thẳng, đáng tin cậy”; và cũng có nghĩa là: “không thay đổi quyết tâm đã có đối với một đối tượng”. Trung tín với Chúa là không thay đổi các quyết định sau đây: quyết định ăn năn tội, quyết định tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, và quyết định vâng phục Chúa.

  • Ăn năn tội là không quay về sống trong sự phạm tội.

  • Tin nhận sự cứu rỗi của Chúa là không dựa vào các việc làm công đức để được tha tội và làm cho sạch tội. Điển hình là dựa vào sự dâng hiến tiền bạc, công sức; dựa vào sự đưa dắt nhiều người tin nhận Chúa; dựa vào sự đọc kinh, đi lễ, lần tràng hạt; dựa vào sự hành xác; dựa vào sự kêu cầu bà Ma-ri hay các thánh…

  • Sự vâng phục Chúa bao gồm sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và làm tròn những công việc được Ngài giao phó, cho dù có phải trả giá bằng chính mạng sống.

Chúa kêu gọi con dân của Ngài: “Hãy trung tín cho tới chết!” Lời kêu gọi đó có nghĩa là con dân Chúa hãy trung tín với Chúa cho đến khi được Ngài đem ra khỏi cuộc đời này; mà cũng có nghĩa là hãy sẵn sàng chịu chết để giữ lòng trung tín với Chúa.

Phần thưởng của người trung tín cho đến chết sẽ là được Chúa ban cho “mão sự sống!” Mão là biểu tượng cho sự vinh quang, cho quyền lực, mà cũng thể hiện giai cấp của người đội mão. Mão sự sống biểu tượng cho sự sống của chính Thiên Chúa được ban cho người đội mão. Thánh Kinh gọi đó là sự sống đời đời. Mão sự sống còn có thể là biểu tượng cho quyền cai trị trên những sự sống ra từ Đức Chúa Trời, tức là mọi sự sống của muôn loài thọ tạo trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời. Mão sự sống còn thể hiện giai cấp, địa vị của những người được gọi là con dân của Đức Chúa Trời:

“Tôi nghe một tiếng lớn từ trời, phán: Này, lều của Đức Chúa Trời ở với loài người và Ngài sẽ ở với họ. Họ sẽ là dân của Ngài và chính mình Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, làm Đức Chúa Trời của họ.” (Khải Huyền 21:3).

“Ai thắng sẽ được hưởng mọi sự làm cơ nghiệp. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con trai Ta.” (Khải Huyền 21:7).

Từ ngữ “con trai” được dùng trong Khải Huyền 21:7 không có nghĩa chỉ về phái tính, mà là chỉ về địa vị. “Con trai” là con được hưởng cơ nghiệp của cha mình.

Lời kêu gọi: “Hãy trung tín cho tới chết!” không dành riêng cho Hội Thánh tại Si-miệc-nơ, mà là cho toàn Hội Thánh của Chúa ở khắp nơi, trong mọi thời điểm. Người không trung tín với Chúa là người chối Chúa, chối đức tin, cùng nghĩa với chối sự cứu rỗi:

“Nhưng hễ ai sẽ chối Ta trước loài người, Ta cũng sẽ chối người ấy trước Cha Ta, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 10:33).

“Nhưng ai chối Ta trước mặt thiên hạ, thì họ sẽ bị chối trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 12:9).

Lời chối của Chúa dành cho những ai chối Ngài, có lẽ cũng giống như Lời Ngài phán với những kẻ giả hình:

“Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.” (Ma-thi-ơ 7:23).

Thật vậy, Thánh Kinh cho chúng ta biết, hình phạt dành cho những con dân Chúa mà không trung tín với Chúa cũng giống như hình phạt dành cho những kẻ giả hình:

“Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó cùng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” (Ma-thi-ơ 24:51).

Không phải chỉ trong nghịch cảnh con dân Chúa mới cần trung tín với Chúa mà ngay cả trong thuận cảnh cũng vậy. Đôi khi thuận cảnh lại khiến cho người ta dễ bất trung với Chúa hơn. Bất trung vì lo say mê thế gian và những sự thuộc về thế gian. Bất trung vì muốn vui hưởng những tiện nghi, thoải mái vật chất trong cuộc sống.

11 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh. Người nào thắng sẽ không bị hại bởi sự chết thứ nhì.

Lời kêu gọi của Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Ba vẫn là lời kêu gọi chung cho các Hội Thánh địa phương, tức là cho từng con dân Chúa trong Hội Thánh ở khắp nơi, ở bất kỳ thời điểm nào. Lời kêu gọi này cũng được áp dụng cho con dân Chúa trong thời Đại Nạn và thời Vương Quốc Ngàn Năm.

Người nào thắng: Bất cứ ai là con dân Chúa, nếu thắng được những thử thách, cám dỗ, giữ lòng trung tín với Chúa cho đến chết, được gọi là người chiến thắng.

Sẽ không bị hại bởi sự chết thứ nhì: Sự chết thứ nhất là thân thể tạm thời bị phân cách khỏi linh thể (tâm thần) và linh hồn. Sự chết thứ nhì là thân thể được sống lại cùng với linh hồn bị giam trong hồ lửa (hỏa ngục), bị phân cách đời đời khỏi mặt Chúa và sự vinh quang của năng lực cứu rỗi của Ngài, nghĩa là không còn cơ hội được kêu cầu Ngài, không còn cơ hội được cứu rỗi:

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

“Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì. Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa.” (Khải Huyền 20:14-15).

“Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).

Sự chết thứ nhì không có quyền trên những người trung tín với Chúa, thắng mọi cám dỗ và thử thách; cũng không thể làm hại được họ. Có thể nói, cho dù những người trung tín có đi vào trong hồ lửa vì một lý do gì, thì hồ lửa không thể giam giữ họ cũng không thể làm khổ họ. Trái lại, họ sẽ cầm quyền trên hồ lửa, vì họ đồng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ:

“Phước thay và thánh thay cho người có phần trong sự sống lại thứ nhất. Sự chết thứ nhì chẳng có quyền lực trên người như vậy. Họ sẽ làm những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và thuộc về Đấng Christ; họ sẽ cai trị với Ngài một ngàn năm.” (Khải Huyền 20:6).

Tất cả những đau thương, bất hạnh, bất công, nghèo khó mà con dân Chúa phải gánh chịu trong khi đang còn ở trong thân thể sẽ chết này, không hề có nghĩa gì khi được so sánh với địa vị cao trọng, phước hạnh đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời của những ai đắc thắng những sự ấy. Hội Thánh tại Si-miệc-nơ đã thấu hiểu lẽ thật quan trọng này và tình yêu nồng thắm của họ dành cho Chúa không hề phai nhạt. Đến nỗi, họ sẵn sàng chịu khổ, chịu chết vì danh Chúa, cho Chúa.

Nguyện ân điển của Chúa giúp cho mỗi chúng ta cũng sẽ trung tín cho đến chết như con dân Chúa tại Hội Thánh Si-miệc-nơ! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] Voice of the Martyrs – Praying for Persecuted Christians in Turkey (persecution.com)

[2] http://brotherwatchmannee.com/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.