YouTube: https://youtu.be/EY9_tnJSuYk
026 Chú Giải Khải Huyền 2:12-17
Bẹt-găm: Hội Thánh Thỏa Hiệp với Ngoại Giáo
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1
1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
Phần A:
026_ChuGiaiKhaiHuyen_02_12-17a.mp3 – OpenDrive (od.lk)
Phần B:
026_ChuGiaiKhaiHuyen_02_12-17b.mp3 – OpenDrive (od.lk)
2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
Phần A:
Phần B:
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
Phần A:
Phần B:
Khải Huyền 2:12-17
12 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Bẹt-găm: Này là những lời phán của Đấng có thanh gươm bén, hai lưỡi:
13 Ta biết những việc làm của ngươi và nơi ngươi ở là ngai của Sa-tan. Ngươi vẫn giữ vững Danh Ta và đã không chối bỏ đức tin Ta trong những ngày mà An-ti-ba – người làm chứng trung tín của Ta – bị giết giữa các ngươi, là nơi Sa-tan cư trú.
14 Tuy nhiên, Ta có vài điều trách ngươi; vì tại đó, ngươi có những người giữ giáo lý của Ba-la-am là kẻ dạy Ba-lác ném cớ vấp phạm trước con cái I-sơ-ra-ên, khiến họ ăn thịt cúng thần tượng và phạm tà dâm.
15 Ngươi lại có những người giữ giáo lý của bọn Ni-cô-la là điều Ta ghét.
16 Vậy, hãy cải hối, nếu không, Ta sẽ mau chóng đến với ngươi và sẽ chiến cự chúng nó bằng thanh gươm của miệng Ta.
17 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh. Người nào thắng, Ta sẽ cho ăn ma-na giấu kín và Ta sẽ ban cho một hòn sỏi trắng, trên đó có viết một tên mới không ai biết được, trừ người nhận.
12 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Bẹt-găm: Này là những lời phán của Đấng có thanh gươm bén, hai lưỡi:
Bẹt-găm: Danh từ “Bẹt-găm” có nghĩa là “chiều cao” hoặc “độ cao”. Thành phố Bẹt-găm nằm bên dòng sông Kê-cấp (Caicus), phía tây cách bờ biển I-chiên (Aegean Sea) khoảng 26 km, phía nam cách thành phố Si-miệc-nơ khoảng 90 km. Bẹt-găm được xây dựng vào thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên và từng là kinh đô của nhiều triều đại thuộc một sắc dân Hy-lạp cổ. Vào năm 133 TCN, vương quốc Bẹt-găm được Vua A-ta-lút Đệ Tam (Attalus III) trao tặng cho đế quốc La-mã, khi ông sắp qua đời.
Bẹt-găm nổi tiếng về nghề chế biến các loại giấy bằng da chiên hoặc da dê. Thư viện của Bẹt-găm vào thế kỷ thứ nhất được xây dựng lớn và đẹp, với hơn 200.000 tác phẩm được viết trên giấy da. Về sau, số sách đó được Mác An-tô-ni (Marcus Antonius), một danh tướng của đế quốc La-mã, tặng cho Nữ Hoàng Lê-ô-bát (Cleopatra). Ngoài ra, Bẹt-găm cũng nổi tiếng về ngành đồ gốm, sản xuất sợi bông để dệt vải, thảm quý, vàng, và chế biến các loại dầu trị bệnh.
Tại Bẹt-găm có rất nhiều đền thờ các tà thần trong thần thoại Hy-lạp cùng với đền thờ các hoàng đế La-mã, và là trung tâm tôn giáo, nghệ thuật của vùng Tiểu Á. Nổi bật nhất là đền thờ tà thần Du (Zeus), theo thần thoại Hy-lạp là thần tể trị mọi thần linh, nói cách khác, dân Hy-lạp xem tà thần Du là Đức Chúa Trời. Có lẽ vì thế mà Chúa gọi Bẹt-găm là ngai của Sa-tan. Đền thờ tà thần Du được xây cất nguy nga, cao hơn 13 mét, và được liệt vào một trong bảy kỳ quan của thế giới thời bấy giờ. Kế đến là đền thờ tà thần Ếch-kiêu-lây-bút (Aesculapius), được dân Hy-lạp xem là thần của ngành y dược, và xưng là “Cứu Chúa”. Dân chúng bị đủ thứ tật bệnh khắp nơi trên thế giới đã đổ xô về Bẹt-găm, nằm chờ được trị bệnh trong đền thờ của tà thần Ếch-kiêu-lây-bút. Cây gậy trong tay của tà thần có một con rắn quấn chung quanh đã trở thành biểu tượng của ngành y dược tây phương ngày nay.
Hơn 1.200 năm trước đó, dân I-sơ-ra-ên phạm tội với Chúa và bị Ngài sai rắn lửa đến cắn, làm cho nhiều người bị chết. Khi dân I-sơ-ra-ên ăn năn, thì Đức Chúa Trời đã sai Môi-se treo một cái tượng rắn bằng đồng lên cây gỗ, để những người I-sơ-ra-ên bị rắn lửa cắn nhìn vào con rắn bị treo đó thì được chữa lành. Ý nghĩa của con rắn bằng đồng bị treo trên cây gỗ là:
-
Con rắn tiêu biểu cho Sa-tan và tất cả những ai chống nghịch Chúa. Con rắn còn là biểu tượng thân thể của Đức Chúa Jesus Christ sẽ gánh thay tội lỗi cho toàn thể nhân loại và chịu chết trên thập tự giá, để chuộc tội cho toàn thể nhân loại.
-
Chất đồng tiêu biểu cho sự phán xét.
-
Sự treo trên cây gỗ tiêu biểu cho hình phạt.
-
Người có lòng ăn năn tội, nhìn vào con rắn bởi đức tin, được tha tội và được chữa lành. Có nghĩa là: nhờ ăn năn và tin vào sự hình phạt của Đức Chúa Trời trên tội lỗi, mà tội nhân được tha thứ và phục hồi.
Thế nhưng, Sa-tan đã quỷ quái biến hình tượng con rắn treo trên cây thành một biểu tượng đáng tôn kính, thờ lạy. Nó xúi giục người ta quỳ lạy, van xin tà thần Ếch-kiêu-lây-bút cùng hình tượng con rắn cứu giúp, chữa bệnh cho họ. Chắc chắn là biểu tượng con rắn quấn mình trên cây của ngành y dược ngày nay là ra từ thần thoại Hy-lạp chứ không ra từ Thánh Kinh.
Vào thế kỷ thứ nhất, dân số của Bẹt-găm vào khoảng 150.000 người. Hiện nay, dân số Bẹt-găm chỉ vào khoảng 55.000 người.
Đấng có thanh gươm bén, hai lưỡi: Đức Chúa Jesus Christ có Lời của Đức Chúa Trời. Một trong các danh hiệu của Đức Chúa Jesus Christ là: “Ngôi Lời”, tức là: “Lời phán của Đức Chúa Trời”. Thánh Kinh ví Lời của Đức Chúa Trời sắc hơn gươm hai lưỡi:
“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).
Trước sự Hội Thánh tại Bẹt-găm thỏa hiệp với giáo lý của các ngoại giáo, Đức Chúa Jesus Christ đã nhắc cho họ nhớ: Ngài là Đấng có Lời của Đức Chúa Trời Hằng Sống. Lời đó, vừa là bánh của sự sống cho con dân Chúa (Giăng 6:35), vừa là năng lực để thánh hóa con dân Chúa (Giăng 17:17). Tuy nhiên, Lời đó cũng sẽ là lời đoán phạt những ai chống nghịch Đức Chúa Trời.
Con dân Chúa tại Hội Thánh Bẹt-găm đã pha trộn các giáo lý của ngoại giáo vào trong nếp sống của họ, như Chúa đã nói rõ trong câu 14. Lời của Chúa sẽ phán xét họ, nếu họ không cải hối.
13 Ta biết những việc làm của ngươi và nơi ngươi ở là ngai của Sa-tan. Ngươi vẫn giữ vững Danh Ta và đã không chối bỏ đức tin Ta trong những ngày mà An-ti-ba – người làm chứng trung tín của Ta – bị giết giữa các ngươi, là nơi Sa-tan cư trú.
Ta biết những việc làm của ngươi: Chúa luôn luôn biết rõ từng chi tiết trong đời sống của chúng ta. Từ ngữ “những việc làm” như chúng ta đã hiểu, bao gồm tất cả những gì chúng ta làm ra trong cuộc đời của mình: từ quá khứ, đến hiện tại, và tương lai mãi mãi. Chúa là đầu của Hội Thánh. Ngài đi lại giữa Hội Thánh. Ngài biết hết việc làm của Hội Thánh. Vì thế, cho dù chúng ta không thể nói nên lời, Ngài vẫn biết tất cả những đau khổ, nhọc nhằn mà chúng ta phải chịu đựng trong khi thờ phượng Ngài, hầu việc Ngài. Vì thế, khi chúng ta thất trách, lơ là bổn phận, hay làm việc không vì lòng yêu kính Chúa, Ngài cũng biết rõ và chúng ta không thể bào chữa.
Nơi ngươi ở là ngai của Sa-tan: Chữ “ngai” tiêu biểu cho quyền thống trị. Sa-tan đã chọn thành phố Bẹt-găm làm triều đình của nó. Đây là một câu Thánh Kinh cho chúng ta biết nơi thường trú của Sa-tan trên đất. Rất có thể, trong thời Đại Nạn AntiChrist sẽ thiết lập văn phòng thường trực của hắn tại Bẹt-găm.
Danh từ “ngai của Sa-tan” cũng có thể được hiểu theo nghĩa bóng là bất cứ nơi nào có sự tôn thờ Sa-tan, như các đền, đình, chùa miếu thờ lạy các tà thần; bất cứ nơi nào tội lỗi tràn đầy, như những nơi vui chơi trụy lạc, cung cấp ma túy, sòng bài, ổ mại dâm, v.v.. Nguy hiểm hơn hết là tấm lòng ưa thích tội, tâm trí luôn tư tưởng đến tội. Chúng ta nên nhớ, Sa-tan không phải chỉ là danh từ riêng để gọi một thiên sứ trưởng phản nghịch Chúa, mà còn là một danh từ chung để gọi bất cứ ai có ý tưởng, lời nói, hay hành động nghịch lại ý Chúa. Đức Chúa Jesus Christ đã từng gọi Sứ Đồ Phi-e-rơ là sa-tan, khi ông nói lên lời khuyên can nghịch lại ý Chúa, nghịch lại chương trình của Đức Chúa Trời:
“Từ đó, Đức Chúa Jesus mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại. Phi-e-rơ đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Nguyện sự đó tránh xa Ngài! Hỡi Chúa, sự đó sẽ không xảy đến cho Ngài đâu! Nhưng Ngài xoay mặt lại mà phán với Phi-e-rơ rằng: Hỡi sa-tan, hãy lui ra đằng sau Ta! Ngươi làm gương xấu cho Ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, nhưng nghĩ đến việc người ta.” (Ma-thi-ơ 16:21-23).
Ngươi vẫn giữ vững Danh Ta và đã không chối bỏ đức tin Ta: Dù thuở ấy Sa-tan đang thống trị tại Bẹt-găm nhưng Hội Thánh của Chúa cũng có mặt nơi ấy. Đây là sự kiện chứng minh: Các cửa âm phủ không thể thắng được Hội Thánh của Chúa (Ma-thi-ơ 16:18). Nếu ngay chỗ Sa-tan đặt ngai thống trị mà Hội Thánh của Chúa vẫn đứng vững, thì có nơi nào mà Hội Thánh của Chúa không đứng vững?
Đặc tính chung của Hội Thánh tại Bẹt-găm là có nhiều con dân Chúa giữ vững danh Chúa và không chối bỏ đức tin. Giữ vững danh Chúa là không làm ra một điều gì khiến cho danh Chúa bị xúc phạm. Theo nghĩa đen là nắm giữ, chiếm lấy, không chịu buông ra và sử dụng năng lực của danh Chúa. Không chối bỏ đức tin là không mất đức tin đã đặt vào trong Chúa hoặc không phủ nhận rằng, mình là người tin Chúa. Có nhiều người thật lòng tin Chúa, nhưng vì không chịu nổi sự thử thách, bách hại nên đã chối rằng mình không phải là con dân Chúa. Họ chối bỏ đức tin để khỏi bị tra tấn, tù đày, hay bị giết! Họ chối bỏ đức tin để được hưởng một số quyền lợi nào đó, như để được mua và bán trong thời Đại Nạn, dưới chế độ chính quyền toàn cầu của AntiChrist.
Từ ngữ “đức tin Ta” có nghĩa là “đức tin về những gì Ta nói và Ta làm”. Hê-bơ-rơ 11:1 chép:
“Đức tin là nền tảng của những điều đang trông mong là bằng cớ của những điều chẳng xem thấy.”
Hội Thánh tại Bẹt-găm ở giữa cơn bách hại của Sa-tan đã được Chúa khen: “đã không chối bỏ đức tin Ta.” Bởi vì Hội Thánh đã biết chắc một cách vững vàng rằng: Sự thử thách, hoạn nạn, đau khổ, bất công, và ngay cả sự chết mà họ đang trải qua, rồi sẽ qua đi; và Thiên Chúa sẽ làm thành mọi lời hứa của Ngài đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Đặc biệt là lời hứa trong Khải Huyền 21:4 và 7:
“Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi. Ai thắng sẽ được hưởng mọi sự làm cơ nghiệp. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con trai Ta.”
An-ti-ba: Phần lớn con dân Chúa tại Bẹt-găm thời bấy giờ đều là những người mua bán và có học thức. Sự bách hại của Sa-tan trên Hội Thánh tại Bẹt-găm cũng rất là dữ dội. Trong cuộc bách hại ấy, An-ti-ba, một trong những con dân Chúa tại Hội Thánh Bẹt-găm, đã bị giết chết. Tên An-ti-ba có nghĩa là: “giống như cha”. Chúng ta không biết rõ An-ti-ba có được Chúa giao cho chức vụ gì trong Hội Thánh hay không. Chúng ta chỉ biết, Chúa gọi ông là: “người làm chứng trung tín của Ta.” Có chức vụ gì trong Hội Thánh không phải là điều quan trọng, mà là, có trung tín với Chúa cho đến chết hay không!
Danh hiệu: “người làm chứng trung tín” là danh hiệu mà tất cả con dân Chúa trong thời Hội Thánh, trong thời Đại Nạn, và cả trong thời Vương Quốc Ngàn Năm đều nên gắng sức để được Chúa khen tặng. Đời sống của mỗi con dân Chúa, dù muốn hay không, chính là lời chứng về Đức Chúa Jesus Christ và ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nếu con dân Chúa không sống đúng theo Thánh Kinh, thì đã làm chứng dối về Chúa trước thiên hạ. Chúa đã làm cho những ai tin Ngài được sạch tội, thì tại sao con dân Chúa vẫn sống trong tội? Chúa dạy: “được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng” (I Ti-mô-thê 6:8), thì tại sao con dân Chúa lại say mê làm giàu, chạy theo các phong trào làm giàu của thế gian? Chúa dạy: sự trả thù thuộc về Chúa, và hãy yêu thương, tha thứ, cầu thay, cứu giúp kẻ thù; thì tại sao con dân Chúa lại tìm mưu, lập kế để trả thù? Lòng trả thù ẩn núp rất là tinh vi, nhiều khi chúng ta nhìn không ra. Một lời nói cay đắng, hằn học đáp lại người xúc phạm mình, cũng chính là sự trả thù.
14 Tuy nhiên, Ta có vài điều trách ngươi; vì tại đó, ngươi có những người giữ giáo lý của Ba-la-am là kẻ dạy Ba-lác ném cớ vấp phạm trước con cái I-sơ-ra-ên, khiến họ ăn thịt cúng thần tượng và phạm tà dâm.
Ta có vài điều trách ngươi: Dù phần lớn con dân Chúa tại Bẹt-găm giữ vững đức tin nhưng có một số người vẫn có nếp sống “thù nghịch thập tự giá” (Phi-líp 3:18), tức là sống trong tội, làm sỉ nhục ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ đã ban ra qua cái chết của Ngài trên thập tự giá. Vì thế, Chúa có lời quở trách về các sự phạm tội của họ. Lời quở trách này là chung cho cả Hội Thánh.
Ngươi có những người giữ giáo lý của Ba-la-am: Giáo lý của Ba-la-am tức là sự dạy dỗ của Ba-la-am, ý kiến của Ba-la-am, mưu kế của Ba-la-am, lời cố vấn, lời khuyên của Ba-la-am… Ngày nay, con dân Chúa cũng ưa thích chạy theo những ý kiến, những phong trào, những lời khuyên, những bí quyết… của thế gian là những điều nghịch lại Thánh Kinh. Nhiều Hội Thánh đã đem tâm lý liệu pháp, thôi miên liệu pháp, hoặc sự tập luyện Yoga vào trong Hội Thánh. Dù các điều đó có thể không cùng đặc tính như giáo lý của Ba-la-am, nhưng chúng sẽ khiến cho con dân Chúa bị ô uế vì những sự thuộc về ngoại giáo.
Giáo lý của Ba-la-am là mưu kế xui khiến cho con dân Chúa ăn các thức ăn đã cúng cho thần tượng và phạm tà dâm. Chi tiết câu chuyện về Ba-la-am và Ba-lác được ghi lại trong Dân Số Ký từ đoạn 22 đến đoạn 25 và đoạn 31. Dưới đây là phần tóm lược:
Khi dân I-sơ-ra-ên đến bên bờ sông Giô-đanh, đối diện với thành Giê-ri-cô, thì dừng lại đóng trại. Họ chuẩn bị tiến vào vùng đất Ca-na-an (Palestine ngày nay) mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ từ hơn 400 năm trước đó. Ba-lác, vua của dân Ma-đi-an, nhìn thấy dân I-sơ-ra-ên tiêu diệt dân A-mô-rít, là dân trước kia đánh thắng dân Ma-đi-an và chiếm lấy nhiều phần lãnh thổ của dân Ma-đi-an, thì hoảng sợ. Ba-lác cho mời Ba-la-am, một tiên tri của ngoại giáo, đến để rủa sả, tức là chúc dữ dân I-sơ-ra-ên. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã không cho phép Ba-la-am rủa sả dân I-sơ-ra-ên, trái lại, Ngài dùng chính môi miệng của ông ta để chúc phước và tiên tri những điều phước hạnh cho dân I-sơ-ra-ên. Thậm chí, Đức Chúa Trời đã dùng môi miệng của Ba-la-am để tiên tri về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ vào cuối của thời Đại Nạn (Dân Số Ký 24:17-19).
Ba-lác bực tức trước sự Ba-la-am đã ba lần chúc phước cho dân I-sơ-ra-ên thay vì rủa sả, nên đuổi Ba-la-am về. Ba-la-am đã nói lời tiên tri về sự vinh quang trong tương lai của dân I-sơ-ra-ên, trước khi ra về. Thánh Kinh không nói rõ lúc nào thì Ba-la-am đã bày kế cho Ba-lác làm hại dân I-sơ-ra-ên. Nhưng Dân Số Ký 31:16 chép như thế này:
“Kìa, chúng nó khiến cho con cái của I-sơ-ra-ên bởi việc của Ba-la-am mà bị giao vào sự nghịch lại Đấng Tự Hữu Hằng Hữu về việc Phê-ô; và xảy ra một tai vạ giữa hội chúng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.”
Qua Khải Huyền 2:14 mà chúng ta biết: Sự tà dâm của dân I-sơ-ra-ên được chép trong Dân Số Ký 25 là kết quả của sự Ba-lác làm theo mưu kế của Ba-la-am:
“I-sơ-ra-ên ở tại Si-tim, và dân chúng bắt đầu phạm tà dâm với những con gái của dân Mô-áp. Chúng nó mời dân chúng ăn những sinh tế của các thần của chúng nó. Dân chúng đã ăn và đã sấp mình trước các thần của chúng nó. I-sơ-ra-ên tự buộc mình với Ba-anh Phê-ô. Cơn giận của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nổi lên với I-sơ-ra-ên.” (Dân Số Ký 25:1-3).
Hậu quả là: Dân Ma-đi-an bị diệt chủng, Ba-la-am cũng bị giết, và hai mươi bốn ngàn người trong dân I-sơ-ra-ên thờ lạy tà thần đều bị xử tử.
Sự tà dâm thuộc thể và sự tà dâm thuộc linh, tức là sự thờ lạy thần khác thay vì thờ lạy Đức Chúa Trời, luôn luôn đi chung với nhau, như hai mặt của một đồng tiền. Hễ phạm tà dâm thuộc thể thì đương nhiên đã phạm tà dâm thuộc linh; vì khi xem thú vui tội lỗi của xác thịt lớn hơn điều răn của Đức Chúa Trời, thì đã biến thú vui tội lỗi đó và chính bản thân mình thành thần tượng. Hễ phạm tà dâm thuộc linh, tức thờ lạy thần tượng thì sớm hay muộn gì cũng phạm tà dâm thuộc thể. Vì thế, có thể nói mà không sợ sai lầm: Tất cả những ai thờ lạy thần tượng đều phạm tà dâm thuộc thể, cho dù chỉ phạm trong tư tưởng mà không làm ra hành động cụ thể với một người khác. Vì thế, không lạ gì khi kỹ nghệ khiêu dâm thời nay mỗi năm thu lợi hàng chục tỉ đô-la, từ sách báo, phim ảnh khiêu dâm, đồ chơi tình dục, đến các hang ổ mại dâm công khai và trá hình. Mỗi năm, hàng triệu trẻ em nam nữ và phụ nữ bị mua bán trên thị trường nô lệ tình dục.
-
Theo thống kê, vào năm 2006 tổng số thu của kỹ nghệ tình dục riêng tại Hoa Kỳ lên đến 13,3 tỉ đô-la, nhiều hơn tổng số thu của các môn thể thao danh tiếng gộp chung lại.
-
Cũng trong năm 2006, tổng số thu của kỹ nghệ tình dục trên toàn thế giới là 97 tỉ đô-la (còn nhiều hơn chi phí quốc phòng của Nga).
-
Tính ra, trung bình cứ mỗi giây đồng hồ thì có khoảng 3.075 đô-la được chi tiêu cho kỹ nghệ tình dục.
-
Kỹ nghệ buôn lậu người làm nô lệ tình dục thu nhập khoảng 27,8 tỉ đô-la mỗi năm.
-
Khắp thế giới có khoảng 1,39 triệu người là nạn nhân của hệ thống thương mại phục vụ tình dục.
-
33% những người trong hàng giáo phẩm của các giáo hội mang danh Chúa vào xem các website khiêu dâm.
-
Trong số 81 người chăn (pastor) được thăm dò ý kiến, thì có 79 người từng bị đối diện với những hình ảnh khiêu dâm, 35 người cố ý ghé thăm các website khiêu dâm.
-
Tháng ba năm 2002, website pastor.com của Rick Warren đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến của 1351 người chăn; và kết quả là: có 730 người (54%) đã vào xem các website khiêu dâm [1].
Nếu trung bình có 54% người chăn sống trong sự phạm tội tà dâm thì tình trạng của Hội Thánh ngày nay còn tệ hại hơn là tình trạng của Hội Thánh tại Bẹt-găm cách nay gần 2.000 năm!
Nhìn vào tình trạng phạm tội tà dâm của thế gian mà chúng ta biết được tình trạng thờ thần tượng, chống nghịch Đức Chúa Trời của thế gian, đã nghiêm trọng đến mức độ nào. Bởi đó, chúng ta cũng biết rằng, ngày phán xét của Đức Chúa Trời trên toàn thế gian đã rất gần. Ngày ấy có thể đến vào bất kỳ lúc nào.
15 Ngươi lại có những người giữ giáo lý của bọn Ni-cô-la là điều Ta ghét.
Bên cạnh sự tiếp nhận giáo lý của Ba-la-am, là giáo lý dạy cho con dân Chúa sống theo thú vui xác thịt, phạm tà dâm, thờ thần tượng thì một số con dân Chúa tại Hội Thánh Bẹt-găm còn tiêm nhiễm giáo lý của bọn Ni-cô-la. Chúng ta đã luận qua về giáo lý của Ni-cô-la trong bài trước và nghiêng về giả thuyết cho rằng, đó là sự kiện có những người tạo ra một giai cấp giáo phẩm trong Hội Thánh, nắm quyền cai trị Hội Thánh theo phong cách của thế gian. Có lẽ, chính hàng ngũ giáo phẩm ấy đã cho phép giáo lý của Ba-la-am được truyền bá trong Hội Thánh để phục vụ cho nếp sống tội lỗi của chính họ. Ngày nay, hàng ngũ giáo phẩm của các tổ chức tôn giáo, tự biệt riêng mình ra thành một giai cấp cao trọng trong giáo hội, tự xưng bằng những danh xưng phạm thượng chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời, và bắt con dân Chúa phải khúm núm, tôn kính mình, cung phụng mình, gọi mình là thầy, là sư, là cha, là mẹ, là vua tôn giáo, là trưởng tôn giáo… chính là bọn Ni-cô-la!
Chúa ghét giáo lý của bọn Ni-cô-la. Những con dân chân thật của Chúa cũng phải ghét giáo lý của bọn Ni-cô-la.
16 Vậy, hãy cải hối, nếu không, Ta sẽ mau chóng đến với ngươi và sẽ chiến cự chúng nó bằng thanh gươm của miệng Ta.
Vậy, hãy cải hối: Chúa luôn luôn ban cho những kẻ phạm tội cơ hội ăn năn. Sự thương xót của Ngài là lớn, nhưng thời gian Ngài ban cho kẻ phạm tội cơ hội ăn năn thì có giới hạn.
Nếu không, Ta sẽ mau chóng đến với ngươi: Chúa biết mọi sự và Ngài biết ai sẽ ăn năn, ai sẽ không ăn năn, nhưng đối với cả hai, Ngài đều ban cho cơ hội để cải hối. Với những người biết ăn năn thì để họ ăn năn và được cứu. Với những người không ăn năn thì để trong ngày phán xét chung cuộc họ không thể trách Chúa đã không ban cho họ cơ hội ăn năn. Khi thời hạn kêu gọi ăn năn đã hết, Chúa sẽ đến cách mau chóng. Ngài đến với Hội Thánh và Ngài đánh phạt những kẻ có tội trong Hội Thánh mà không chịu ăn năn.
Và sẽ chiến cự chúng nó bằng thanh gươm của miệng Ta: Từ ngữ “chiến cự” được dùng ở đây, trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “sự giao tranh giữa chiến trường.” Bởi vì, khi Chúa đến, những kẻ phạm tội mà không ăn năn ấy vẫn cứng lòng chống nghịch Chúa. Chúa sẽ nhanh chóng đến với Hội Thánh, nhưng Chúa chỉ chiến cự với những kẻ có tội mà không chịu ăn năn. Lời của Chúa sẽ như là thanh gươm hai lưỡi, đánh hạ tất cả mọi sự ngụy biện của họ, rồi cũng chính lời ấy sẽ lên án họ và hình phạt họ.
17 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh. Người nào thắng, Ta sẽ cho ăn ma-na giấu kín và Ta sẽ ban cho một hòn sỏi trắng, trên đó có viết một tên mới không ai biết được, trừ người nhận.
Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh: Lần thứ ba, lời kêu gọi này được lập lại cho toàn thể Hội Thánh ở mọi nơi trong mọi lúc.
Người nào thắng: Không riêng gì con dân Chúa trong Hội Thánh tại Bẹt-găm thời bấy giờ mà là tất cả những ai trong mọi cảnh ngộ vẫn là “chứng nhân trung tín” của Chúa, vẫn giữ vững danh Chúa và không hề chối bỏ đức tin nơi Ngài, cho dù có phải trả giá bằng tự do và mạng sống.
Ta sẽ cho ăn ma-na giấu kín: Ma-na là thức ăn mỗi ngày Chúa ban cho dân I-sơ-ra-ên trong suốt 40 năm họ lang thang trong đồng vắng. Sự ban ma-na là phép lạ. Thánh Kinh ghi chép như sau, trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 16:
1 Nhằm ngày mười lăm tháng Hai, sau khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, cả hội chúng I-sơ-ra-ên ở nơi Ê-lim đi đến đồng vắng Sin, nằm về giữa khoảng Ê-lim và Si-na-i.
2 Cả hội chúng I-sơ-ra-ên oán trách Môi-se và A-rôn tại nơi đồng vắng,
3 nói với hai người rằng: Ôi! Thà rằng chúng tôi chịu chết về tay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tại xứ Ê-díp-tô, khi còn ngồi kề nồi thịt và ăn bánh chán chê! Vì hai người dẫn dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng này để làm cho cả đoàn dân đông này đều bị chết đói.
4 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Này, Ta sẽ từ trên trời cao làm mưa bánh xuống cho các ngươi. Dân sự sẽ đi ra, mỗi ngày nào thu bánh đủ cho ngày nấy, để Ta thử dân coi có đi theo luật lệ của Ta hay chăng.
5 Qua ngày thứ sáu, dân sự sẽ dự bị phần đã gom, và sẽ được phần gấp bằng hai của mình thường thu mỗi ngày.
6 Môi-se và A-rôn nói với dân I-sơ-ra-ên rằng: Chiều nay các ngươi sẽ nhận biết rằng ấy là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã rút các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô,
7 và sáng mai sẽ thấy sự vinh quang của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, vì Ngài đã nghe lời các ngươi oán trách Ngài rồi. Chúng ta là ai mà các ngươi oán trách chúng ta?
8 Môi-se nói: Chiều này Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ phát thịt cho các ngươi ăn, rồi sáng mai bánh nhiều dư dật, vì Ngài đã nghe lời các ngươi oán trách Ngài rồi. Thế thì, chúng ta là ai? Những lời oán trách chẳng phải đổ về chúng ta đâu, nhưng về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vậy.
9 Môi-se nói với A-rôn rằng: Hãy nói cho cả hội chúng I-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi hãy đến trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, vì Ngài đã nghe lời oán trách của các ngươi rồi.
10 Khi A-rôn nói với cả hội chúng I-sơ-ra-ên, thì họ xoay mặt về phía đồng vắng, thấy sự vinh quang của Ngài hiện ra trong đám mây.
11 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng:
12 Ta đã nghe lời oán trách của dân I-sơ-ra-ên. Vậy, ngươi hãy nói với chúng nó rằng: Vào buổi chiều các ngươi sẽ ăn thịt; sáng mai sẽ ăn bánh no nê, và sẽ biết Ta là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của các ngươi.
13 Vậy, chiều lại, có chim cút bay lên phủ trên trại quân; đến sáng mai lại có một lớp sương ở chung quanh trại quân.
14 Lớp sương đó tan đi, trên mặt đồng vắng thấy có vật gì nhỏ, tròn, như hạt sương đóng trên mặt đất.
15 Khi dân I-sơ-ra-ên thấy, hỏi nhau rằng: Cái gì vậy? Vì chẳng biết vật đó là gì. Môi-se nói với dân sự rằng: Ấy là bánh mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban cho các ngươi làm lương thực đó.
16 Này là lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn: Hãy tùy sức ăn của mỗi người, và tùy số người trong trại mà gom cho mỗi người một ô-me. [Một ô-me tương đương hai lít.]
17 Dân I-sơ-ra-ên làm như vậy, kẻ thì lượm nhiều, người thì lượm ít,
18 cứ lường từ ô-me; ai lượm nhiều chẳng được trội, ai lượm ít cũng chẳng thiếu; mỗi người lượm vừa đủ sức mình ăn.
19 Môi-se nói với dân sự rằng: Đừng ai để dư lại cho đến sáng mai.
20 Nhưng dân sự chẳng nghe theo lời Môi-se, một vài người để dư lại đến sáng mai; thì sâu hóa ở trong, vật sinh mùi hôi hám. Môi-se nổi giận cùng họ.
21 Vậy, mỗi buổi sớm mai mỗi người lượm vừa đủ sức mình ăn; khi mặt trời nắng nóng thì vật đó tan ra.
22 Đến ngày Thứ Sáu, dân sự lượm lương thực gấp hai; mỗi người hai ô-me. Các hội trưởng đến thuật lại cho Môi-se rõ.
23 Người đáp rằng: Ấy là lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán rằng: Mai là Lễ Nghỉ, tức Sa-bát thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hãy nướng món gì các ngươi muốn nướng, hãy nấu món gì các ngươi muốn nấu; nếu còn dư, hãy để dành đến sáng mai.
24 Dân sự để dành cho đến sáng mai, y như lời Môi-se đã truyền; vật đó chẳng sinh mùi hôi hám và cũng chẳng hóa sâu chút nào.
25 Môi-se nói rằng: Bữa nay hãy ăn đồ đó đi, vì là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; hôm nay các ngươi chẳng tìm thấy vật đó ở trong đồng đâu.
26 Các ngươi lượm trong sáu ngày, nhưng qua ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát, sẽ chẳng có đâu.
27 Ngày Thứ Bảy, một vài người trong vòng dân sự ra để lượm lấy, nhưng tìm chẳng thấy gì hết.
28 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Các ngươi chẳng chịu vâng giữ điều răn và luật pháp Ta cho đến chừng nào?
29 Hãy xem! Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã cho các ngươi ngày Sa-bát; vậy nên, ngày Thứ Sáu Ngài cho các ngươi lương thực đủ hai ngày. Ngày Thứ Bảy, mỗi người phải ở lại trong chỗ của mình, không người nào đi ra khỏi nhà. [Ghi chú: Chớ ra khỏi nhà để kiếm ăn nhưng vẫn ra khỏi nhà để có những sinh hoạt khác, như đi đến đền tạm nhóm hiệp để thờ phượng Chúa.]
30 Thế thì, ngày Thứ Bảy dân sự đều ngưng làm việc.
31 Nhà I-sơ-ra-ên đặt tên lương thực này là ma-na; nó giống như hạt ngò, sắc trắng, mùi như bánh ngọt pha mật ong.
32 Môi-se nói rằng: Lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn như vầy: Hãy đổ đầy một ô-me ma-na, để lưu truyền trải các đời, để cho thiên hạ thấy thứ bánh Ta đã cho các ngươi ăn nơi đồng vắng, khi Ta rút các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.
33 Môi-se lại nói với A-rôn rằng: Hãy lấy một cái bình đựng đầy một ô-me ma-na, để trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để lưu truyền các đời.
34 A-rôn để bình đó trước sự chứng cớ, để cho được lưu truyền y như lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn Môi-se.
35 Dân I-sơ-ra-ên ăn ma-na trải bốn mươi năm, cho đến khi vào bờ cõi xứ Ca-na-an, là xứ có người ta ở.
36 Ô-me là một phần mười của ê-pha. [Ghi chú: một ô-me tương đương hai lít.]
Ma-na được gọi là “bánh từ trời”, làm hình ảnh tiêu biểu cho chính Đức Chúa Jesus Christ. Giăng 6:30-35 chép:
30 Vậy, họ thưa với Ngài: Thế thì Ngài làm phép lạ gì để chúng tôi thấy và tin Ngài? Ngài làm công việc gì?
31 Các tổ phụ của chúng ta đã ăn ma-na trong đồng vắng, theo như đã chép: Ngài đã ban cho họ ăn bánh từ trời [Xuất Ê-díp-tô Ký 16:21; Dân Số Ký 11:8].
32 Vậy, Đức Chúa Jesus phán với họ: Thật sự! Thật sự! Ta nói với các ngươi, Môi-se chẳng cho các ngươi bánh từ trời đâu; nhưng Cha của Ta ban cho các ngươi bánh thật từ trời.
33 Vì bánh của Đức Chúa Trời là Đấng từ trời xuống, ban sự sống cho thế gian.
34 Vậy, họ thưa với Ngài: Lạy Chúa! Xin luôn ban bánh ấy cho chúng tôi!
35 Đức Chúa Jesus phán với họ: Ta là bánh của sự sống! Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói. Ai tin nơi Ta sẽ không bao giờ khát!
Vì thế, ma-na giấu kín chính là sự sống đời đời của Thiên Chúa ở trong Đức Chúa Jesus Christ. Ngài ban chính mình Ngài cho những ai trung tín với Ngài. Từ ngữ “giấu kín” được dùng ở đây, có lẽ nói lên sự huyền nhiệm của sự sống đời đời mà không ai, ngay cả các thiên sứ ở trên trời, từng kinh nghiệm. Chỉ khi chúng ta thực sự nhận lãnh sự sống đời đời thì chúng ta mới kinh nghiệm được những điều mầu nhiệm kín giấu trong sự sống đời đời.
Ta sẽ ban cho một hòn sỏi trắng, trên đó có viết một tên mới không ai biết được, trừ người nhận: Theo phong tục thời xưa của các dân tộc vùng Trung Đông thì các tòa án có tục lệ kết thúc vụ xử án bằng cách quan tòa sẽ trao cho bị cáo một hòn sỏi. Nếu là hòn sỏi màu đen thì bị cáo có tội. Nếu là hòn sỏi màu trắng thì bị cáo vô tội. Rất có thể ý nghĩa của sự kiện Chúa ban cho người đắc thắng trong đức tin một hòn sỏi trắng, là để công bố người ấy hoàn toàn vô tội, vì đã tin vào sự cứu chuộc của Ngài. Người ấy được Đức Chúa Trời kể là vô tội, không phải vì người ấy không phạm tội; mà là vì người ấy đã ăn năn sự phạm tội của mình và hết lòng tin cậy sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
Cũng có một phong tục khác về việc trao tặng một hòn sỏi trắng. Đó là, những người thắng cuộc trong các môn thể thao trong các kỳ vận hội Olympic, được tặng cho một hòn sỏi trắng, trên đó có khắc tên của người thắng cuộc. Người có hòn sỏi trắng ấy có thể đi vào những nơi ăn uống, giải trí, phòng tắm công cộng được phục vụ chu đáo mà không cần trả tiền. Đó là phần thưởng suốt đời dành cho những người thắng các cuộc tranh tài thể thao. Rất có thể ý nghĩa của sự kiện Chúa ban cho người đắc thắng trong đức tin một hòn sỏi trắng, là ban cho người ấy phần thưởng đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.
Sau cùng, có một phong tục về việc trao tặng một hòn sỏi trắng giữa hai người bạn thân với nhau. Hai người bạn thân, quý mến nhau, dùng một hòn sỏi trắng, chia làm hai phần bằng nhau và mỗi người cho khắc tên của mình trên phần được chia cho mình, rồi trao cho bạn mình. Người có hòn sỏi trắng có khắc tên bạn mình sẽ được tiếp đón và phục vụ hoàn toàn miễn phí tại nhà của bạn mình, tại các cơ sở, sản nghiệp của bạn mình. Nói cách khác, người ấy được gia đình của bạn xem như là một thành viên đáng kính trong gia đình, được hưởng đầy đủ các quyền lợi trong gia đình. Hòn sỏi trắng ấy có thể được truyền cho nhiều đời giữa hai gia đình và vẫn giữ nguyên cái giá trị của nó. Rất có thể ý nghĩa của sự kiện Chúa ban cho người đắc thắng trong đức tin một hòn sỏi trắng, là để công nhận người ấy thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời và người ấy được hưởng mọi quyền lợi trong gia đình của Đức Chúa Trời, được đồng trị với Con của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jesus Christ.
Kết Luận
Có lẽ ngày nay chúng ta không bị các Ba-la-am và Ba-lác thời đại cám dỗ chúng ta phạm tội tà dâm và thờ thần tượng, nhưng nếu chúng ta tự tôn thờ chính mình, tôn thờ sự ham muốn bất chính của xác thịt mình, thì chúng ta sẽ phạm tội. Người sống theo sự ham muốn của xác thịt mình là người tự tôn thờ chính mình, tức thờ lạy thần tượng, tức phạm tà dâm thuộc linh. Người ấy sớm hay muộn gì cũng sẽ phạm tà dâm thuộc thể. Còn người phạm tà dâm thuộc thể thì đương nhiên đã phạm tà dâm thuộc linh, vì đã tôn thờ sự ham muốn bất chính của xác thịt.
Còn những ai muốn cai trị Hội Thánh theo cách thức của thế gian, tự đặt ra một giai cấp thống trị trong Hội Thánh, gọi là hàng giáo phẩm, tự xưng bằng các danh xưng phạm thượng: thầy (sư), cha, bậc đáng tôn kính (reverend)… thì ấy là những người theo giáo lý của Ni-cô-la.
Nguyện Lời Chúa thánh hóa mỗi chúng ta, giúp chúng ta nhận thức những điều không đẹp ý Chúa, và ban cho chúng ta năng lực sống thánh khiết cho đến ngày Chúa đến.
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Ghi Chú
[1] http://iamatreasure.com/about-us/statistics
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.