027 Chú Giải Khải Huyền 02:18-29 Thi-a-ti-rơ: Hội Thánh Dung Túng Tà Giáo

7,384 views

YouTube: https://youtu.be/E0nPT-B5VKQ

YouTube: https://youtu.be/jWY66DjivRM

027 Chú Giải Khải Huyền 02:18-29
Thi-a-ti-rơ: Hội Thánh Dung Túng Tà Giáo

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
Phần A:

027_ChuGiaiKhaiHuyen_02_18-29a.mp3 – OpenDrive (od.lk)

Phần B:
027_ChuGiaiKhaiHuyen_02_18-29b.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Phần A:

Phần B:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Phần A:

Phần B:

 

Khải Huyền 2:18-29

18 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ: Này là những lời phán của Con Đức Chúa Trời; Đấng có đôi mắt như ngọn lửa và đôi chân như đồng sáng:

19 Ta biết những việc làm của ngươi, lòng yêu thương, sự phục vụ, đức tin, sự nhẫn nại và những việc làm sau cùng của ngươi lớn hơn những việc làm trước.

20 Tuy nhiên, Ta có vài điều trách ngươi; vì ngươi để cho người đàn bà Giê-sa-bên, kẻ tự xưng mình là nữ tiên tri, được giảng dạy và quyến rũ các tôi tớ Ta phạm tà dâm cùng ăn thịt cúng thần tượng.

21 Ta đã cho nó thời gian để cải hối sự tà dâm nó mà nó chẳng chịu cải hối.

22 Này, Ta sẽ quăng nó trên giường đau đớn và quăng những kẻ phạm ngoại tình với nó vào cơn hoạn nạn lớn, trừ khi chúng cải hối những việc làm của chúng.

23 Ta sẽ diệt con cái nó bằng sự chết và tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng: Ta là Đấng dò xét tâm can và sẽ báo cho mỗi các ngươi tùy theo những việc làm của các ngươi.

24 Tuy nhiên, Ta phán với các ngươi và những người còn lại tại Thi-a-ti-rơ: Hết thảy những ai chưa biết giáo lý đó và chưa biết bề sâu của Sa-tan như chúng nói, Ta sẽ không đặt thêm gánh nặng nào cho các ngươi.

25 Vậy, hãy giữ vững điều các ngươi có cho tới khi Ta đến.

26 Người nào thắng và giữ các việc của Ta cho đến cuối cùng, Ta sẽ ban cho uy quyền trên các quốc gia,

27 như Ta đã nhận từ Cha Ta. Người ấy sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt, chúng sẽ vỡ tan như các bình bằng đất bị vỡ.

28 Ta sẽ ban cho người ấy ngôi Sao Mai.

29 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh.


Trước khi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa lá thư của Đức Chúa Jesus Christ gửi cho Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ, thì chúng ta cần nhớ lại ý nghĩa của hai danh từ: “ngoại giáo” và “tà giáo”.

  • Ngoại giáo: là sự dạy dỗ của các tín ngưỡng và tôn giáo trong thế gian. Tín ngưỡng là đức tin vào trong một ai đó, một điều gì đó. Tôn giáo là sự hệ thống các tín ngưỡng về một hay nhiều thần linh và tạo ra các nghi thức thờ phượng một hay nhiều thần linh ấy, kèm theo là hệ thống chức sắc cai trị những người tin theo các tín ngưỡng ấy.

  • Tà giáo: là sự dạy dỗ được nhân danh Chúa trong Hội Thánh hay trong các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, nhưng nội dung thì hoàn toàn nghịch lại Thánh Kinh.

Trong Khải Huyền 2:12-17 chúng ta đã học biết về sự Hội Thánh tại Bẹt-găm thỏa hiệp với hai giáo lý của ngoại giáo, đó là: (1) ăn đồ cúng thần tượng, thờ lạy thần tượng, và tà dâm; (2) tổ chức một giai cấp cai trị con dân Chúa trong Hội Thánh theo cách thức tổ chức giai cấp tư tế của ngoại giáo. Thậm chí, ngày nay, hàng ngũ giáo phẩm trong một số giáo hội, giáo phái vẫn long trọng mặc những chiếc áo gọi là “áo lễ” bắt chước từ hình thức áo lễ của giai cấp tư tế ngoại giáo. Hội Thánh do Đức Chúa Jesus Christ lập nên không hề nói đến việc các sứ đồ, các trưởng lão, hay các chấp sự trong Hội Thánh có một loại “áo lễ” nào.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ dung túng “tà giáo”, tức là dung túng những sự dạy dỗ trong danh Chúa mà nội dung của những sự dạy dỗ ấy không đúng với lẽ thật của Thánh Kinh.

18 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ: Này là những lời phán của Con Đức Chúa Trời; Đấng có đôi mắt như ngọn lửa và đôi chân như đồng sáng:

Thi-a-ti-rơ: Thi-a-ti-rơ là một thành phố cổ Hy-lạp, được xây dựng vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, nằm vào khoảng giữa của Bẹt-găm và Sạt-đe. Về phía tây bắc, Thi-a-ti-rơ cách Bẹt găm khoảng 35 km; về phía đông nam, Thi-a-ti-rơ cách Sạt-đe khoảng 40 km. Ngành nhuộm là một công nghiệp quan trọng tại Thi-a-ti-rơ, như tại Cô-lô-se và Lao-đi-xê. Công Vụ Các Sứ Đồ 16:14 nói đến một phụ nữ tên là Li-đi, buôn hàng nhuộm màu tím đậm từ Thi-a-ti-rơ, đã trở thành một con dân Chúa sau khi nghe Phao-lô giảng Tin Lành. Rất có thể, Hội Thánh của Chúa được mở ra tại Thi-a-ti-rơ là do bà Li-đi, sau khi tin nhận Tin Lành đã đem Tin Lành về rao truyền cho dân chúng của thành Thi-a-ti-rơ. Nếu thật vậy, thì Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ được hình thành bởi một phụ nữ mang lẽ thật của Lời Chúa đến Thi-a-ti-rơ; nhưng về sau, lại bị một phụ nữ khác làm cho bị ô uế với tà giáo.

Danh từ Thi-a-ti-rơ này trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là: “hương thơm của sự lao nhọc.” Ý nghĩa của tên gọi này thích ứng với sự chuyên tâm hầu việc Chúa ngày càng nhiều hơn của Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ.

Này là những lời phán của Con Đức Chúa Trời; Đấng có đôi mắt như ngọn lửa và đôi chân như đồng sáng: Cũng như tất cả các thành phố Hy-lạp và La-mã thời bấy giờ, tại Thi-a-ti-rơ cũng có các đền thờ tà thần. Đền thờ danh tiếng nhất tại Thi-a-ti-rơ là đền thờ tà thần A-bô-lô. Theo thần thoại Hy-lạp thì tà thần A-bô-lô là con của tà thần Du (Zeus), được dân Hy-lạp tôn thờ như thần ánh sáng và mặt trời. Tượng thần A-bô-lô được trang trí với những tia lửa và chân tượng được đúc bằng đồng sáng. Có lẽ chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ đã nhắc đến địa vị “Con Đức Chúa Trời” và đặc tính “đôi mắt như ngọn lửa và đôi chân như đồng sáng” của Ngài để đối chọi với sự Sa-tan dùng tà thần A-bô-lô giả mạo làm con Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Jesus Christ đã mở đầu lá thư gửi cho Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ với lời nhắc cho con dân Chúa nhớ đến đặc tính biết hết mọi sự (đôi mắt như ngọn lửa) và sửa phạt cách nghiêm khắc (đôi chân như đồng sáng) của Ngài.

19 Ta biết những việc làm của ngươi, lòng yêu thương, sự phục vụ, đức tin, sự nhẫn nại và những việc làm sau cùng của ngươi lớn hơn những việc làm trước.

Chúa biết rõ tất cả những việc làm của con dân Chúa tại Thi-a-ti-rơ. Ngài biết họ vì tình yêu mà làm việc và phục vụ. Ngài biết tình yêu đó dựa trên đức tin vào Thiên Chúa. Ngài biết họ có lòng nhẫn nại để hoàn thành mọi việc làm trong danh Chúa. Ngài cũng biết họ không mệt mỏi trong nếp sống phục vụ mà ngày càng làm nhiều hơn. Cuộc đời của con dân Chúa tại Thi-a-ti-rơ luôn thăng tiến trong sự phục vụ, trong đức tin, và trong sự nhẫn nại để hoàn thành thật nhiều những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ.

20 Tuy nhiên, Ta có vài điều trách ngươi; vì ngươi để cho người đàn bà Giê-sa-bên, kẻ tự xưng mình là nữ tiên tri, được giảng dạy và quyến rũ các tôi tớ Ta phạm tà dâm cùng ăn thịt cúng thần tượng.

Dù Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ sốt sắng và siêng năng trong sự hầu việc Chúa, trong đức tin, trong tình yêu; nhưng họ đã để cho một người đàn bà giảng dạy tà giáo trong Hội Thánh và cám dỗ con dân Chúa phạm tội.

Giê-sa-bên: Có phải đây là tên thật của một người đàn bà trong Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ hay không, chúng ta không biết chắc. Có thể thật có một người đàn bà tên là Giê-sa-bên trong Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ; mà cũng có thể, Chúa dùng tên Giê-sa-bên để gọi người đàn bà giảng dạy tà giáo trong Hội Thánh, vì việc làm của bà ta tương tự như việc làm của Hoàng Hậu Giê-sa-bên trong Cựu Ước.

I Các Vua 16-21 và II Các Vua 9 ghi lại các việc làm và cái chết của Hoàng Hậu Giê-sa-bên. Bà là con gái của Ết-ba-anh, vua Si-đôn, được Vua A-háp của vương quốc I-sơ-ra-ên cưới về làm hoàng hậu. Tên “Ết-ba-anh” có nghĩa là “Ba-anh ở cùng hắn”. Tên “Giê-sa-bên” có nghĩa là “Ba-anh được tôn cao”. Vua Ết-ba-anh vốn là một thầy tế lễ của tà thần Ba-anh tại xứ Si-đôn (Sidon). Vào khoảng năm 940 TCN, ông ta giết chết Vua Phê-lê (Pheles) của Ti-rơ (Tyre) và đoạt ngôi, cai trị Si-đôn và Ti-rơ được 32 năm. Si-đôn và Ti-rơ thuộc Lê-ba-non (Lebanon) ngày nay.

Vua A-háp vốn là một người gian ác. Hoàng Hậu Giê-sa-bên là một người thờ lạy tà thần Ba-anh và có nhiều tham vọng. Bà đã ra lệnh giết hết các tiên tri của Đức Chúa Trời; nuôi dưỡng 450 tiên tri của tà thần Ba-anh và 400 tiên tri của tà thần Át-tạt-tê. Khi tiên tri của Đức Chúa Trời là Ê-li giết hết 850 tiên tri của Ba-anh và Át-tạt-tê; thì Hoàng Hậu Giê-sa-bên ra lệnh truy giết Tiên Tri Ê-li, khiến cho ông phải chạy suốt 40 ngày đêm vào đồng vắng để lánh nạn. Khi Vua A-háp tham muốn vườn nho xinh tốt của Na-bốt thì Hoàng Hậu Giê-sa-bên đã bày mưu cho các trưởng lão I-sơ-ra-ên làm chứng dối, cáo gian Na-bốt đã rủa sả Thiên Chúa và vua, khiến cho Na-bốt bị ném đá chết, và vườn nho của Na-bốt rơi vào tay của Vua A-háp. Đức Chúa Trời hình phạt Hoàng Hậu Giê-sa-bên bằng cách khiến cho bà bị các hoạn quan ném từ trên đầu tường thành xuống đất, bị ngựa đạp chết, và bị chó ăn xác.

Hoàng Hậu Giê-sa-bên thuộc một trong bảy dân tộc của xứ Ca-na-an, là các dân tộc thờ lạy các tà thần, sống trong tội lỗi. Bà đã đem ngoại giáo vào vương quốc I-sơ-ra-ên và tiêu diệt gần hết các tiên tri của Đức Chúa Trời. Nhưng người đàn bà được gọi là Giê-sa-bên tại Hội Thánh Thi-a-ti-rơ là một thành viên trong Hội Thánh. Thậm chí, bà còn tự xưng là nữ tiên tri. Sự giảng dạy của Giê-sa-bên khiến cho một số con dân Chúa tại Hội Thánh Thi-a-ti-rơ phạm tội tà dâm và ăn thịt cúng thần tượng nhưng ý thức phạm tội khác với ý thức phạm tội của con dân Chúa tại Hội Thánh Bẹt-găm.

Trong khi Hội Thánh tại Bẹt-găm thỏa hiệp với ngoại giáo, có nghĩa là con dân Chúa tại đó quan hệ, sinh hoạt với những người ngoại giáo, và cùng phạm tội với họ; thì Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ lại dung túng sự giảng dạy tà giáo của Giê-sa-bên. Điều đó có nghĩa là: Giê-sa-bên nhân danh Chúa để dạy cho con dân Chúa phạm tà dâm và ăn đồ cúng thần tượng, mà không xem đó là phạm tội.

Khi thoả hiệp với ngoại giáo thì con dân Chúa vẫn ý thức các hành động tà dâm và ăn đồ cúng thần tượng như dân ngoại giáo là tội lỗi. Nhưng khi sự tà dâm và ăn đồ cúng thần tượng được cho phép trong giáo lý thì chúng không còn là tội lỗi nữa, mà biến thành việc con dân Chúa được phép làm. Điển hình cho việc biến giáo lý của ngoại giáo thành tà giáo trong Hội Thánh là việc Giáo Hội Công Giáo cho phép tín đồ lập bàn thờ người chết, để dâng hoa, dâng hương cho người chết!

Hầu hết các nhà giải kinh đều đồng ý rằng: Giê-sa-bên đã dạy cho con dân Chúa tại Hội Thánh Thi-a-ti-rơ một giáo lý không có trong Thánh Kinh. Đó là: Con dân Chúa có thể tham dự vào các hiệp hội thương buôn do những người ngoại giáo tổ chức. Con dân Chúa có thể tham dự những bữa tiệc ký kết hợp đồng mua bán được tổ chức trong các đền thờ tà thần, ăn uống các thức ăn đã được cúng tế cho thần tượng, và thậm chí quan hệ tình dục với những tế sư trong các đền thờ tà thần, mà không bị kể là phạm tội, vì các sự quan hệ đó nhằm đem thành công trong thương trường, thu được nhiều lợi nhuận để dâng hiến vào các công việc của Hội Thánh.

Mặt khác, cũng có vài nhà giải kinh cho rằng: Giê-sa-bên đã dạy triết lý “tri thức luận” (gnosticism) trong Hội Thánh. Tri thức luận cho rằng thế giới vật chất do một ác thần, tức là Đức Chúa Trời trong Cựu Ước, tạo nên và ác thần đó đã giam hãm loài người vào trong thân thể xác thịt, vật chất. Đức Chúa Jesus Christ là thần linh cao cấp hơn Đức Chúa Trời của Cựu Ước, và Ngài bày tỏ cho loài người về một Đức Chúa Trời yêu thương, khác với Đức Chúa Trời ác độc trong thời Cựu Ước. Ban đầu, phái tri thức luận cho rằng con người cần đạt tới sự thông hiểu thuộc linh cách sâu nhiệm để được cứu rỗi. Muốn đạt đến sự thông hiểu thuộc linh cách sâu nhiệm thì phải tiết dục, tức là phải hạn chế các nhu cầu của thân thể xác thịt. Đây chính là triết lý diệt dục của Phật Giáo. Tư tưởng của phái tri thức luận thâm nhập vào trong Hội Thánh và tạo ra một trường phái khắc kỷ trong Hội Thánh. Khắc kỷ có nghĩa là nghiêm khắc với bản thân trong mọi nhu cầu của xác thịt. Phái khắc kỷ ăn uống kham khổ, tự đánh đập thân thể, tránh kết hôn với hy vọng nhờ đó mà được thông hiểu thuộc linh cách sâu nhiệm. Về sau, có những người thuộc phái khắc kỷ cho rằng, họ đã thông hiểu được điều sâu nhiệm nhất của cõi thuộc linh. Đó là: chỉ có phần thuộc linh mới quan trọng và sự cứu rỗi là dành cho phần thuộc linh. Còn phần thể xác là ô uế, tội lỗi thì không thể nào sống thánh khiết. Như vậy, loài người cứ để cho thân xác tha hồ sống trong tội lỗi cho đến khi nó chết đi thì linh hồn sẽ được giải thoát.

Có lẽ giáo lý của phái tri thức luận chính là điều mà Đức Chúa Jesus Christ gọi là “bề sâu của Sa-tan” trong câu 24. Điều quan trọng chúng ta cần chú ý ở đây là: Khi một tư tưởng triết học hay tín ngưỡng nào của thế gian được biến thành giáo lý trong Hội Thánh, thì đó chính là tà giáo. Ngày nay, trong Hội Thánh đầy dẫy các thứ tà giáo, mà điển hình nhất là những tục lệ mê tín dị đoan được hàng tỉ người mang danh là con dân Chúa thản nhiên tái diễn mỗi năm trong hai ngày lễ lớn của các giáo hội (không phải của Hội Thánh), là Lễ Christmas và Lễ Easter!

Tự xưng mình là nữ tiên tri: Trong Hội Thánh, chức vụ tiên tri là chức vụ công bố Lời Chúa. Sự kiện người đàn bà Giê-sa-bên tự xưng mình là nữ tiên tri được Chúa nói rõ. Vì thế, chúng ta biết bà không phải là tiên tri thật bị sa ngã, mà chỉ là một người có thế lực trong xã hội, có thể là chủ của một hiệp hội thương mãi tại Thi-a-ti-rơ, tin nhận Chúa và được sinh hoạt trong Hội Thánh. Thay vì sống thánh khiết theo lẽ thật của Lời Chúa thì bà đã tìm cách giữ các mối làm ăn, bằng cách dám nhân danh Chúa để xúi giục con dân Chúa phạm tội. Để lời nói của bà được chấp nhận, bà đã tự xưng mình là tiên tri của Chúa, tức là xưng nhận mình nhận được sự mạc khải từ nơi Chúa hoặc mệnh lệnh từ nơi Chúa, để công bố cái giáo lý cho phép con dân Chúa phạm tà dâm và ăn đồ cúng thần tượng. Trong các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa ngày nay cũng có biết bao kẻ tự xưng là tiên tri của Chúa, mà xui giục con dân Chúa sống những nếp sống nghịch lại Thánh Kinh.

Được giảng dạy và quyến rũ các tôi tớ Ta phạm tà dâm cùng ăn thịt cúng thần tượng: Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ đã để cho người đàn bà Giê-sa-bên rao giảng tà giáo và tạo cơ hội cho con dân Chúa phạm tội. Một số người cho rằng từ ngữ “các tôi tớ Ta” dành riêng cho những người có chức vụ trong Hội Thánh, như người chăn, các trưởng lão, các chấp sự. Tuy nhiên, theo văn mạch của lá thư, chúng ta có thể hiểu rằng, từ ngữ “các tôi tớ Ta” được Chúa dùng để chỉ chung tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ. Bởi vì Hội Thánh Thi-a-ti-rơ là một Hội Thánh sốt sắng và siêng năng trong sự phục vụ. Mỗi một thành viên đều là tôi tớ phục vụ Chúa đáng khen.

Sự phạm tà dâm và ăn thịt cúng thần tượng trong khi thiết lập các mối quan hệ làm ăn trong xã hội của con dân Chúa tại Thi-a-ti-rơ đã được người đàn bà Giê-sa-bên nhân danh Chúa xui giục, và cũng chính bà là người tạo ra các cơ hội cho con dân Chúa phạm tội. Từ ngữ “quyến rũ” có thể hiểu là bà đứng ra tổ chức các buổi ăn uống, liên hoan trong các đền thờ tà thần, có sự phục vụ tình dục của các tế sư tà thần; mà cũng có thể hiểu là, chính bà quyến rũ con dân Chúa trong Hội Thánh phạm tà dâm với bà. Dường như câu 22 cho phép chúng ta hiểu như vậy, khi câu này dùng từ ngữ “ngoại tình”.

21 Ta đã cho nó thời gian để cải hối sự tà dâm nó mà nó chẳng chịu cải hối.

Dù sự phạm tội của người đàn bà Giê-sa-bên thật là nghiêm trọng, nhưng Chúa vẫn ban ơn thương xót cho bà và kêu gọi bà ăn năn. Vào thời điểm Chúa truyền cho Giăng viết thư gửi cho Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ, thì bà Giê-sa-bên vẫn không ăn năn. Vì thế, Chúa tuyên án phạt dành cho bà và những kẻ cùng phạm tội với bà.

22 Này, Ta sẽ quăng nó trên giường đau đớn và quăng những kẻ phạm ngoại tình với nó vào cơn hoạn nạn lớn, trừ khi chúng cải hối những việc làm của chúng.

Ta sẽ quăng nó trên giường đau đớn: “Quăng trên giường đau đớn” là một thành ngữ, có nghĩa là: ném vào cảnh bệnh tật, đau đớn, phải nằm liệt trên giường. Đây là hình ảnh đau đớn trên giường bệnh đối chọi với hình ảnh của sự vui thú êm ấm trong xa hoa trên giường của sự tà dâm; và là hình phạt dành cho Giê-sa-bên.

Quăng những kẻ phạm ngoại tình với nó vào cơn hoạn nạn lớn: Sự hoạn nạn lớn có thể bao gồm nhiều sự dữ sẽ đến với những kẻ phạm tội trong Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ, là những kẻ đã nghe theo tà giáo của Giê-sa-bên. Tuy nhiên, sự hoạn nạn lớn dành cho những người phạm cùng một tội với họ trong những ngày cuối cùng này, sẽ là bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế. Ngày nay, trong Hội Thánh của Chúa cũng có biết bao nhiêu là kẻ mang danh là con dân Chúa nhưng thản nhiên sống trong sự tà dâm và thờ lạy thần tượng, ăn đồ cúng thần tượng. Tôi đã từng nghe thấy một “thầy chăn” người Việt giảng rằng: Con dân Chúa có thể ăn đồ cúng, vì thần tượng là hư không.

Trừ khi chúng cải hối những việc làm của chúng: Dù hình phạt đã được công bố, nhưng Chúa vẫn dành cho Giê-sa-bên và những kẻ tin theo bà một cơ hội cuối cùng. Đó là, khi họ được nghe đọc lá thư gửi cho Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ, nếu họ ăn năn, thì họ vẫn nhận được tha tội và làm cho sạch tội, như lời Chúa đã hứa trong I Giăng 1:9:

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.”

Sự nhân từ, thương xót của Chúa thật là cao sâu khôn lường. Ngày nay, Khải Huyền đoạn 2 và 3, cùng các bài giảng chú giải mà tôi cậy ơn Chúa rao giảng sẽ được Chúa dùng để ban cơ hội chót cho những ai phạm cùng một tội với những kẻ phạm các tội như đã nêu trong Khải Huyền đoạn 2 và 3. Tôi cầu xin tình yêu của Chúa làm tan chảy tấm lòng đang cứng dần vì sự phạm tội của những tội nhân trong Hội Thánh. Điều đau buồn là họ đã nếm biết ân điển cứu chuộc của Chúa và năng lực giải cứu của Tin Lành. Nếu họ bị hư mất trở lại, thì hình phạt dành cho họ sẽ đau đớn hơn, so với những người phạm cùng một tội mà không biết Chúa.

23 Ta sẽ diệt con cái nó bằng sự chết và tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng: Ta là Đấng dò xét tâm can và sẽ báo cho mỗi các ngươi tùy theo những việc làm của các ngươi.

Ta sẽ diệt con cái nó bằng sự chết: Có một số nhà giải kinh cho rằng, từ ngữ “con cái nó” được dùng để nói đến những ai tin theo tà giáo của Giê-sa-bên. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu rằng, từ ngữ đó nhằm nói đến những đứa con là kết quả sự ngoại tình của bà ta. Bản thân bà sẽ bị đau đớn trên giường bệnh, còn các con ngoại tình của bà sẽ bị chết.

Tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng: Ta là Đấng dò xét tâm can và sẽ báo cho mỗi các ngươi tùy theo những việc làm của các ngươi: Từ ngữ “tất cả các Hội Thánh” bao gồm Hội Thánh của Chúa ở khắp nơi trong mọi lúc. Sự hình phạt của Chúa giáng xuống bất cứ một Hội Thánh địa phương nào, hoặc giáng xuống kẻ phạm tội mà không chịu ăn năn trong bất cứ một Hội Thánh địa phương nào, cũng đều là bài học chung cho con dân Chúa trong Hội Thánh. Qua đó, con dân Chúa trong Hội Thánh sẽ nhận biết Chúa là Đấng dò xét cảm xúc và năng lực bên trong của mỗi người.

Từ ngữ “tâm can” trong tiếng Hán Việt là “tim và gan”, trong nguyên ngữ Hy-lạp là “tim và thận”. Cả hai đều được dùng để nói lên tình cảm và sức mạnh bên trong của một con người. Chúa biết được ý muốn và năng lực của chúng ta đàng sau tất cả mọi việc làm của chúng ta. Ngài cũng là Đấng báo trả xứng đáng cho mỗi người tùy theo mỗi việc người ấy đã làm.

24 Tuy nhiên, Ta phán với các ngươi và những người còn lại tại Thi-a-ti-rơ: Hết thảy những ai chưa biết giáo lý đó và chưa biết bề sâu của Sa-tan như chúng nói, Ta sẽ không đặt thêm gánh nặng nào cho các ngươi.

Ta phán với các ngươi và những người còn lại tại Thi-a-ti-rơ: Trong một số bản chép tay tiếng Hy-lạp, không có liên từ “và”. Như vậy, câu văn được đọc là: “Ta phán với các ngươi, những người còn lại tại Thi-a-ti-rơ.” Hàm ý, Chúa phán với những người ở trong Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ mà không nghe theo giáo lý của Giê-sa-bên. Nếu có liên từ “và” trong câu phán của Chúa, thì từ ngữ “các ngươi” chỉ về những người không phạm tội trong Hội Thánh, còn từ ngữ “những người còn lại tại Thi-a-ti-rơ” nói đến những người sẽ tin Chúa và gia nhập Hội Thánh sau đó.

Hết thảy những ai chưa biết giáo lý đó: Những ai chưa nghe hoặc đã nghe nhưng không tiếp nhận giáo lý của Giê-sa-bên.

Chưa biết bề sâu của Sa-tan: Chưa bị tà linh dẫn dụ vào trong tà giáo và cho thấy những khải tượng từ Sa-tan. Trong những khải tượng đó, Sa-tan giả làm Đức Chúa Jesus và phán truyền những điều không có trong Thánh Kinh hoặc nghịch lại Thánh Kinh. Việc này chỉ xảy ra khi con dân Chúa không muốn sống thánh khiết theo Lời Chúa, mà chỉ chạy theo dấu kỳ phép lạ, và các tà giáo dạy rằng người đang sống trong tội vẫn có thể được đầy dẫy thánh linh để làm ra các dấu kỳ phép lạ. Khi đã tin nhận tà giáo thì người ta sẽ thản nhiên sống trong tội, vì tin rằng con dân Chúa có thể làm ra những việc như vậy, miễn sao hầu việc Chúa đắc lực.

Như chúng nói: Những người theo giáo lý của Giê-sa-bên khoe rằng họ có sự hiểu biết sâu nhiệm thuộc linh. Họ cho rằng Chúa phán dạy trực tiếp với họ hoặc cho họ thấy qua khải tượng những điều lạ lùng sâu nhiệm chưa từng được giãi bày trong Thánh Kinh. Nhưng thật ra, tất cả những điều họ nhận được đó là đến từ chúa quỷ: Sa-tan!

Trong thực tế, không có điều lạ lùng sâu nhiệm nào Đức Chúa Trời muốn cho loài người biết mà lại không được Ngài giãi bày trong Thánh Kinh. Chính Khải Huyền 22:18-19 giúp cho chúng ta biết như vậy:

“Tôi làm chứng cho mọi người nghe những lời tiên tri trong sách này. Nếu ai thêm điều gì vào những lời này, Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy những tai họa được chép trong sách này. Nếu ai lấy đi điều gì khỏi những lời của sách tiên tri này, Đức Chúa Trời sẽ lấy phần của người ấy khỏi Sách Sự Sống, khỏi thành thánh và khỏi những sự đã được chép trong sách này.”

Lời của Chúa đã được vững lập và không hề dư hay thiếu. Bản thân tôi tin rằng, trong thời Vương Quốc Ngàn Năm, Lời Chúa sẽ được phục hồi chính xác từng chấm từng phết như khi đã được các tiên tri và sứ đồ viết ra, và chúng ta lại hiểu được nhiều sự lạ lùng sâu nhiệm hơn là những gì chúng ta có thể hiểu ngày hôm nay. Tất cả những giáo lý nào không đúng với Lời Chúa thì là tà giáo. Tất cả những khải tượng nào không đúng với Lời Chúa thì là dị tượng đến từ ma quỷ.

Ta sẽ không đặt thêm gánh nặng nào cho các ngươi: Chúa hứa sẽ không đặt thêm gánh nặng nào cho những ai không nghe theo tà giáo. Ngay trong lời hứa của Chúa đã hàm ý là con dân Chúa vẫn có gánh nặng, mà Chúa từng gọi là “vác thập tự giá” (Ma-thi-ơ 10:38; 16:24; Mác 8:34; Lu-ca 9:23; 14:27). Chúa cũng kêu gọi con dân Chúa mang lấy ách và gánh của Chúa (Ma-thi-ơ 11:29-30). Điều này giúp cho chúng ta hiểu rằng, nếu chúng ta luôn sống theo Lời Chúa, tức là thờ phượng và hầu việc Chúa trong thần trí và lẽ thật, thì chúng ta sẽ không có thêm gánh nặng nào, ngoài ách và gánh của Chúa. Mà, ách và gánh của Chúa thì rất là nhẹ nhàng (Ma-thi-ơ 11:30). Thí dụ điển hình: Nếu chúng ta không theo tà giáo về Christmas và Easter, thì ngay trước mắt chúng ta đã tránh được cái gánh nặng về mua sắm lãng phí trong hai ngày lễ đó!

25 Vậy, hãy giữ vững điều các ngươi có cho tới khi Ta đến.

Vậy: Có nghĩa là vì Chúa sẽ không thêm gánh nặng nào cho những ai không theo tà giáo, cho nên…

Hãy giữ vững điều các ngươi có cho tới khi Ta đến: Con dân Chúa hãy giữ vững sự siêng năng, sốt sắng thờ phượng Chúa trong thần trí và lẽ thật mà họ đang có, cho tới khi Chúa đến. Đối với con dân Chúa tại Hội Thánh Thi-a-ti-rơ, họ đều đã qua đời, thân xác họ đã trở về cùng bụi đất, nhưng Chúa đã đến cách riêng tư với mỗi người, để tiếp đón linh hồn họ vào trong thiên đàng với Ngài, ngay khi linh hồn rời khỏi thân thể xác thịt. Đối với chúng ta là những người đang sống trong thời đại này, Chúa có thể đến bất kỳ lúc nào để biến hóa thân thể chúng ta và đem chúng ta vào thiên đàng với Ngài. Đối với con dân Chúa trong thời Đại Nạn, những ai chịu chết vì đức tin thì Chúa sẽ đến với họ trong giây phút linh hồn rời khỏi thân thể xác thịt; những ai vẫn sống cho đến cuối thời Đại Nạn, thì họ sẽ nhìn thấy Chúa giáng lâm trên đất. Điều quan trọng là mỗi người phải giữ vững nếp sống thánh khiết đúng theo Lời Chúa cho đến khi Chúa đến với mình.

26 Người nào thắng và giữ các việc của Ta cho đến cuối cùng, Ta sẽ ban cho uy quyền trên các quốc gia,

Người nào thắng: Tương tự như trong Khải Huyền 2:7; 2:11; 2:17 người thắng là người giữ vững đức tin nơi Chúa, sống đúng theo Lời Chúa, tức là tin cậy sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.

Giữ các việc của Ta cho đến cuối cùng: Các việc của Chúa được nói đến ở đây là: Con dân của Chúa phải yêu thương lẫn nhau và cùng nhau rao giảng Tin Lành của Chúa cho muôn dân, khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa, cho đến khi ra khỏi cuộc đời này.

Ta sẽ ban cho uy quyền trên các quốc gia: Từ ngữ “uy quyền” trong nguyên ngữ Hy-lạp, theo văn mạch, có nghĩa là quyền cai trị của chính phủ trên một quốc gia. Chúng ta chú ý đến từ ngữ quốc gia được dùng với hình thức số nhiều: “các quốc gia”. Điều đó có nghĩa là Hội Thánh của Chúa sẽ cùng với Chúa cai trị như là bộ nội các của một chính phủ toàn cầu. Các thánh đồ thời Cựu Ước và các thánh đồ thời Đại Nạn cũng cai trị trong Vương Quốc Ngàn Năm với Chúa, nhưng có lẽ họ sẽ cai trị từng địa phương, từng quốc gia. Chỉ riêng những ai thuộc về Hội Thánh của Chúa thì sẽ cùng Chúa cai trị trên tất cả các dân tộc.

27 như Ta đã nhận từ Cha Ta. Người ấy sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt, chúng sẽ vỡ tan như các bình bằng đất bị vỡ.

Như Ta đã nhận từ Cha Ta: Hội Thánh sẽ nhận quyền cai trị từ Đức Chúa Jesus Christ, là Vua của các vua, Chúa của các chúa, như Ngài đã nhận quyền cai trị từ Đức Chúa Cha.

Người ấy sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt: Hàm ý cai trị một cách nghiêm khắc, có nghĩa là luật pháp của Chúa sẽ được thi hành triệt để trong vương quốc của Ngài. Lời của Chúa khẳng định rằng, trong Vương Quốc Ngàn Năm:

“…thế gian sẽ đầy dẫy sự tri thức về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, như nước che lấp biển.” (Ê-sai 11:9).

Nếu đã có sự hiểu biết Thiên Chúa cách đầy dẫy mà vẫn còn phạm tội thì luật pháp của Chúa sẽ nghiêm trị. Hình ảnh cai trị bằng một cây gậy sắt được mượn ý từ câu Thi Thiên 2:9:

“Con sẽ đập vỡ chúng bằng cây trượng sắt. Con sẽ đập tan chúng như những bình được nắn bằng đất sét.”

Chúng sẽ vỡ tan như các bình bằng đất bị vỡ: Trong vương quốc của Chúa, những kẻ vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời sẽ bị luật pháp của Chúa sửa trị nghiêm khắc. Họ sẽ bị tan vỡ trước hình phạt của Chúa. Đây là hình ảnh của sự bị hư mất, cái bình bằng đất đã bị vỡ tan thì không còn hữu dụng.

28 Ta sẽ ban cho người ấy ngôi Sao Mai.

Ngôi Sao Mai: Trong Khải Huyền 22:16 Chúa tự xưng Ngài là “Sao Mai sáng chói”:

“Ta, Jesus, đã sai thiên sứ Ta để làm chứng cho các ngươi những sự này trong các Hội Thánh. Ta là chồi và hậu tự của Đa-vít, là Sao Mai sáng chói.”

Vì thế, ban cho “ngôi Sao Mai” cùng nghĩa với ban cho “Ma-na giấu kín”, cùng nghĩa với ban cho chính mình Ngài. Theo nghĩa đen, Sao Mai tức là Kim Tinh. Kim Tinh vừa được gọi là Sao Hôm vừa được gọi là Sao Mai. Khi mặt trời vừa lặn thì Kim Tinh là vì sao đầu tiên xuất hiện, cho nên được gọi là Sao Hôm. Khi Kim Tinh ở phía ngược lại, đi trước mặt trời thì nó sẽ xuất hiện trước mặt trời vài tiếng đồng hồ, và được gọi là Sao Mai. Độ sáng của Kim Tinh rất mạnh, chỉ đứng sau mặt trăng.

Ngoài nghĩa “Sao Mai” là chính Chúa, chúng ta cũng có thể hiểu: Một ngày kia, Kim Tinh với kích thước tương đương với địa cầu và được xem như là chị em sinh đôi của địa cầu, sẽ trở thành sản nghiệp cho con dân Chúa trong Hội Thánh. Trong Vương Quốc Đời Đời, thành thánh Giê-ru-sa-lem sẽ từ trời giáng xuống trên đất và Đức Chúa Trời cùng Đức Chúa Jesus Christ sẽ hiện diện trong thành, ở giữa muôn dân trên đất. Nhưng có thể, Kim Tinh sẽ trở thành Lạc Viên, dành riêng cho Hội Thánh của Chúa.

29 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh.

Lần thứ tư, lời của Thiên Chúa kêu gọi con dân Chúa hãy vâng theo mọi điều Thiên Chúa Ngôi Ba phán truyền cho các Hội Thánh. Nội dung của lá thư của Đức Chúa Jesus Christ gửi cho Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ không phải chỉ dành riêng cho con dân Chúa tại Thi-a-ti-rơ, mà còn là lời phán của Thiên Chúa cho mỗi một con dân của Ngài trong thời Hội Thánh, trong thời Đại Nạn, và ngay cả trong thời Vương Quốc Ngàn Năm.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.