029 Chú Giải Khải Huyền 03:07-13 Phi-la-đen-phi: Hội Thánh Trung Tín

8,367 views

YouTube: https://youtu.be/Hhgy3yCPOi4

029 Chú Giải Khải Huyền 3:7-13
Phi-la-đen-phi: Hội Thánh Trung Tín

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
029_ChuGiaiKhaiHuyen_03_7-13.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 3:7-13

7 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi: Đây là những lời phán của Đấng Thánh; Đấng Chân Thật; Đấng giữ chìa khóa của Đa-vít: Đấng mở thì không ai có thể đóng, Đấng đóng thì không ai có thể mở:

8 Ta biết những việc làm của ngươi. Kìa, Ta đã đặt trước ngươi một cửa đã mở mà không ai có thể đóng; vì ngươi có ít sức mà vẫn giữ Lời Ta và không chối danh Ta.

9 Này, Ta sẽ khiến chúng nó – những kẻ thuộc hội Sa-tan, xưng mình là người Do-thái mà không phải, chúng chỉ là những kẻ nói dối – đến phủ phục trước chân ngươi và biết rằng Ta yêu ngươi!

10 Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.

11 Này, Ta đến mau chóng! Hãy giữ vững những điều ngươi có thì không ai có thể lấy mão của ngươi.

12 Người nào thắng, Ta sẽ cho làm trụ trong Đền của Đức Chúa Trời Ta và người sẽ không ra khỏi đó nữa. Ta sẽ viết trên người tên của Đức Chúa Trời Ta, tên của thành Đức Chúa Trời Ta là Giê-ru-sa-lem mới từ nơi Đức Chúa Trời Ta ở trên trời giáng xuống và tên mới của Ta.

13 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh.


7 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi: Đây là những lời phán của Đấng Thánh; Đấng Chân Thật; Đấng giữ chìa khóa của Đa-vít: Đấng mở thì không ai có thể đóng, Đấng đóng thì không ai có thể mở:

Phi-la-đen-phi: Danh từ “phi-la-đen-phi” có nghĩa là “tình yêu anh chị em”. Trong Thánh Kinh có nói đến sự kiện Đức Chúa Trời định sẵn Đức Chúa Jesus Christ làm Con đầu lòng ở giữa những người thuộc về Ngài:

“Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Vì thế, danh từ phi-la-đen-phi rất thích hợp để gọi những ai hết lòng trung tín với Chúa. Chỉ những người hết lòng yêu Chúa mới có thể trung tín với Chúa. Những ai trung tín với Chúa thì sẽ trở nên con cái thật của Đức Chúa Trời và là anh chị em với Đức Chúa Jesus Christ. Lời của Đức Chúa Jesus Christ phán với các môn đồ của Ngài được ghi lại trong Giăng 20:17 khẳng định rằng, Đức Chúa Trời là: “Cha Ta và Cha các ngươi… Đức Chúa Trời của Ta và Đức Chúa Trời của các ngươi.”

Thành phố Phi-la-đen-phi nằm trên triền của dãy núi Ti-mô-lốt và cách Sạt-đe khoảng 40 km về phía đông nam. Phi-la-đen-phi được Vua A-ta-lút Đệ Nhị (Attalus II) của Bẹt-găm xây dựng vào năm 189 TCN, để bày tỏ lòng trung thành của ông đối với anh của ông là Vua Ê-mi-nét Đệ Nhị (Eumenes II), vua xứ Li-đi (Lydia). Phi-la-đen-phi nhiều lần bị sụp đổ vì các cơn động đất nhưng luôn được tái thiết, và vẫn còn cho đến ngày nay. Năm 1403, Phi-la-đen-phi bị Đại Hãn Thiết Mộc Nhi [1] chinh phục và tàn sát. Quân đội của Thiết Mộc Nhi đã dùng xác chết của dân quân Phi-la-đen-phi chất thành một tường thành chung quanh thành phố.

Vào thời điểm sách Khải Huyền được viết thì Phi-la-đen-phi là một thành phố đang phát triển về thương mại. Vùng đất chung quanh Phi-la-đen-phi rất phì nhiêu, nhờ vào dung nham từ núi lửa, và sự bào chế cam thảo là một ngành công nghiệp đáng kể của thành phố, nhờ vào các cánh đồng cam thảo. Đến ngày nay, ngành chế biến cam thảo vẫn còn tại Phi-la-đen-phi.

Ngày nay, Phi-la-đen-phi được gọi là “Thành Phố của Đức Chúa Trời” (Allahshehr), thuộc quốc gia Thổ-nhĩ-kỳ. Tại Phi-la-đen-phi vẫn còn nhiều con dân của Chúa sinh sống. Dù phải chịu sự bách hại hung bạo của chính quyền Hồi Giáo Thổ-nhĩ-kỳ, Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi vẫn trung tín với người anh cả Đức Chúa Jesus Christ của mình.

Đấng Thánh: Một danh hiệu của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thường đi kèm với danh xưng Đấng Thánh. Điển hình là Ê-sai 30:15: “Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, là Đấng Thánh của I-sơ-ra-ên”. Riêng trong Khải Huyền 3:7, “Đấng Thánh” là lời tự xưng của Đức Chúa Jesus Christ. Khi tính từ “thánh” được dùng cho Thiên Chúa, thì bao gồm các nghĩa sau đây: riêng biệt; độc lập; không giống bất cứ ai, không giống bất cứ sự gì; không nương cậy ai, không nương cậy bất cứ sự gì.

Chúa là Đấng Thánh vì Ngài là Đấng tự có và có mãi mãi; ngoài Ngài không ai, không vật gì có thể tự có; không ai, không vật gì có thể sánh được với Ngài. Chúa là Đấng Thánh vì Ngài là Đấng tạo nên muôn loài vạn vật nhưng hoàn toàn khác biệt với muôn loài vạn vật; Ngài hoàn toàn không lệ thuộc vào muôn loài vạn vật. Danh hiệu Đấng Thánh được nhắc đến trong câu mở đầu của lá thư gửi cho Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi, có lẽ để Hội Thánh nhớ rằng, Chúa không lệ thuộc vào sự trung tín của Hội Thánh. Nếu Hội Thánh trung tín với Chúa thì điều đó là tốt cho Hội Thánh, nếu Hội Thánh không trung tín với Chúa thì Ngài vẫn là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu.

Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng, chắc là Chúa sẽ mang ơn họ, nếu họ gia nhập Hội Thánh hoặc làm ra điều này, điều kia trong Hội Thánh. Thậm chí, có người nghĩ rằng, Chúa cần sự họ đi nhóm hiệp với Hội Thánh, Chúa cần sự dâng hiến của họ! Nghĩ như vậy là thiếu hiểu biết và phạm thượng, là vô tình đồng hóa Chúa với loài người. Chúa không cần ai trong khi mọi người có bổn phận phải thờ phượng Ngài.

Đấng Chân Thật: Chân thật có nghĩa là có thật và không hề thay đổi bản chất, không hề thay đổi bản tính. Ngược lại với những thần tượng hư không do loài người tưởng tượng ra, Chúa là Đấng có thật và bản chất cùng bản tính của Ngài không hề thay đổi. Bản chất của Ngài là Thần. Bản tính của Ngài là yêu thương. Danh hiệu Đấng Chân Thật giúp cho Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi nhớ rằng, Chúa không thiên vị, Chúa luôn giữ đúng mọi lời hứa của Ngài, và Ngài yêu những ai thuộc về Ngài cho đến cuối cùng (Giăng 13:1). Mệnh đề “cho đến cuối cùng” có nghĩa là: cho đến mãi mãi; như danh hiệu của Chúa: “Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng” (Khải Huyền 1:17) có nghĩa là Đấng có mãi mãi từ trước và có mãi mãi về sau!

Đấng giữ chìa khóa của Đa-vít: Danh từ chìa khóa được dùng với nghĩa bóng là thẩm quyền và tri thức. Trong Ê-sai 22:22 có lời tiên tri về sự Chúa cất đi quyền cai trị của Sép-na trên Giê-ru-sa-lem và nhà Giu-đa, mà ban quyền ấy cho Ê-li-a-kim, con trai Hinh-kia. Quyền cai trị ấy được gọi là “chìa khóa nhà Đa-vít”:

“Ta sẽ để chìa khóa của nhà Đa-vít trên vai nó; nó sẽ mở mà không ai đóng; nó sẽ đóng mà không ai mở.”

Trong Ma-thi-ơ 16:19, chúng ta thấy trước khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, Ngài hứa trao chìa khóa của Vương Quốc Trời cho Sứ Đồ Phi-e-rơ:

“Và Ta sẽ ban cho ngươi những chìa khóa của Vương Quốc Trời. Và nếu bất cứ điều gì ngươi sẽ buộc trên đất, nó sẽ bị buộc trên trời. Và nếu bất cứ điều gì ngươi sẽ mở trên đất, nó sẽ được mở trên trời.”

“Chìa khóa của Vương Quốc Trời trong lời phán của Chúa có nghĩa là thẩm quyền rao giảng Tin Lành. Trong Giăng 20:23, sau khi Chúa hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, Ngài đã phán với tất cả các môn đồ:

“Những tội lỗi nào của bất cứ những ai được các ngươi tha cho, chúng được tha cho họ. Những tội lỗi nào của bất cứ những ai bị các ngươi cầm giữ, chúng đã bị cầm giữ.”

Chúng ta thấy ý nghĩa của lời phán này tương tự như ý nghĩa lời Chúa phán với Phi-e-rơ. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, cả hai lời phán đều cùng một ý. Trong Ma-thi-ơ 16:19 Chúa hứa Ngài sẽ giao chìa khóa tức giao quyền cho Phi-e-rơ. Ngài không hề nói, Ngài giao độc quyền cho Phi-e-rơ. Trong Giăng 20:23 thì Ngài chính thức công bố giao quyền cho tất cả các môn đồ, chứ không phải chỉ riêng cho Phi-e-rơ. Đối chiếu với Ma-thi-ơ 28:19-20, chúng ta thấy rõ: “Chìa khóa của Vương Quốc Trời” hay thẩm quyền rao giảng Tin Lành được Chúa giao cho tất cả các môn đồ của Ngài.

Giáo lý của Công Giáo dạy rằng, Phi-e-rơ là giáo hoàng đầu tiên của giáo hội, nắm giữ chìa khóa Vương Quốc Trời; sau đó, chức giáo hoàng Công Giáo và chìa khóa Vương Quốc Trời được lưu truyền cho các giáo hoàng của giáo hội. Giáo lý đó hoàn toàn không có trong Thánh Kinh mà còn nghịch lại những lẽ thật đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Chúng ta cũng thấy Thánh Kinh ghi lại sự kiện Sứ Đồ Phao-lô hành xử thẩm quyền “buộc” đối với một người có tội mà không ăn năn trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô:

I Cô-rinh-tô 5:1-5

1 Có tin đồn khắp nơi rằng, trong các anh chị em có sự tà dâm. Sự tà dâm đến thế cũng chẳng được nói đến giữa các dân ngoại, đó là một người lấy vợ của cha mình.

2 Các anh chị em lại kiêu ngạo thay vì buồn rầu để cho kẻ hành động như vậy phải bị trừ bỏ giữa các anh chị em.

3 Vì thực tế, tôi xa cách về thân thể nhưng hiện diện về tâm thần, đã phán xét kẻ làm ra việc đó, như là tôi đã có mặt.

4 Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta, các anh chị em nhóm hiệp cùng tâm thần của tôi, với năng lực của Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta,

5 phó người như thế cho Sa-tan, vào trong sự hủy hoại của xác thịt, mong sao tâm thần có thể được cứu trong ngày của Đức Chúa Jesus.

Tiếp theo đó, Phao-lô đã dạy cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô như sau:

I Cô-rinh-tô 5:9-13

9 Trong một lá thư tôi viết cho các anh chị em, rằng đừng làm bạn với những đĩ đực.

10 Nhưng chẳng có ý nói về những đĩ đực của đời này, hay là những kẻ tham lam, hay là những kẻ tống tiền, hay là những kẻ thờ thần tượng. Vì nếu vậy thì các anh chị em phải lìa khỏi thế gian.

11 Nhưng giờ đây, tôi viết cho các anh chị em, khuyên đừng làm bạn với kẻ nào xưng là anh chị em cùng Cha mà lại là đĩ đực, hoặc là kẻ tham lam, hoặc là kẻ thờ thần tượng, hoặc là kẻ hung bạo, hoặc là kẻ say sưa, hoặc là kẻ tống tiền. Đừng ăn với kẻ như vậy.

12 Vì có phải tôi cũng định tội những kẻ ở ngoài sao? Chẳng phải các anh chị em định tội những người ở trong sao?

13 Nhưng những kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ định tội họ. Vậy, hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em.

“Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em” là thẩm quyền “buộc” mà Phao-lô yêu cầu Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thi hành đối với những ai có tội mà không chịu ăn năn. Hành động của Phao-lô và lời dạy của Phao-lô đã minh chứng rằng, thẩm quyền buộc và mở được Chúa ban cho toàn Hội Thánh, chứ không chỉ ban riêng cho Sứ Đồ Phi-e-rơ hay bất cứ một người nào khác.

Điều đặc biệt trong lời phán của Chúa với Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi là, mặc dù Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi là một Hội Thánh có nhiều dân ngoại hơn là dân Do-thái, và nằm trên lãnh thổ của dân ngoại, nhưng Chúa lại nói đến chìa khóa của Đa-vít, tức là thẩm quyền cai trị quốc gia I-sơ-ra-ên. Điều đó chứng tỏ rằng, những người I-sơ-ra-ên sẽ được vào trong quốc gia I-sơ-ra-ên trong tương lai cũng tùy thuộc vào sự rao giảng Tin Lành của Hội Thánh. Qua sự rao giảng Tin Lành của Hội Thánh sẽ có nhiều người I-sơ-ra-ên tin nhận sự cứu rỗi của Chúa và họ sẽ vừa được vào Vương Quốc Trời, vừa được vào trong vương quốc I-sơ-ra-ên của thời Ngàn Năm Bình An. Kể từ khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá để hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, sẽ không có một người I-sơ-ra-ên nào được vào Vương Quốc Trời lẫn vương quốc I-sơ-ra-ên, nếu người ấy không tin nhận Tin Lành.

Chúa đã giao chìa khóa của Vương Quốc Trời cho Hội Thánh, nhưng Chúa vẫn giữ “chìa khóa của Đa-vít”, tức thẩm quyền ban cho một người được vào trong vương quốc I-sơ-ra-ên, sẽ được cai trị bởi Vua Đa-vít trong thời Ngàn Năm Bình An. Ngài muốn thương xót ai thì thương xót và muốn làm cứng lòng ai thì làm (Rô-ma 9:18). Có lẽ, tùy vào thái độ của mỗi người I-sơ-ra-ên đối với Tin Lành đã rao giảng cho họ, mà Chúa sẽ cho hay không cho họ dự phần làm công dân của quốc gia I-sơ-ra-ên trong tương lai. Đây là điều an ủi con dân Chúa tại Phi-la-đen-phi thời bấy giờ, vì Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi lúc ấy đang bị những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo bắt bớ dữ dội.

Đấng mở thì không ai có thể đóng, Đấng đóng thì không ai có thể mở: Với thẩm quyền của Chúa, Ngài là Đấng đóng và mở, không riêng gì vương quốc I-sơ-ra-ên, mà cả Vương Quốc Trời. Không ai, không một thế lực nào, dù là của các tôn giáo, của các chính quyền loài người, hay chính thế lực của Sa-tan có thể chống lại được thẩm quyền của Ngài. Ngay cả khi Sa-tan dùng sự chết để hù dọa đức tin của con dân Chúa, như xưa kia nó đã từng giết chết mười người con của ông Gióp, đã từng ném ba người bạn của Đa-ni-ên vào lò lửa hừng, và ném chính Đa-ni-ên vào hang sư tử… thì Sa-tan cũng không thể đóng được cánh cửa cứu rỗi, cánh cửa của Vương Quốc Trời, cánh cửa của sự rao giảng Tin Lành đã được chính Đức Chúa Jesus Christ mở ra. Lời Chúa phán, các cửa của âm phủ, tức sự chết, cũng không thể thắng được Hội Thánh (Ma-thi-ơ 16:18). Mặt khác, một khi Chúa đã đóng thì không ai có thể mở. Chúa đã đích thân đóng cánh cửa của con tàu Nô-ê trong Cơn Nước Lụt. Chúa sẽ đích thân đóng cánh cửa cứu rỗi, cánh cửa của Vương Quốc Trời, đối với những ai có tội mà không chịu ăn năn.

8 Ta biết những việc làm của ngươi. Kìa, Ta đã đặt trước ngươi một cửa đã mở mà không ai có thể đóng; vì ngươi có ít sức mà vẫn giữ Lời Ta và không chối danh Ta.

Ta biết những việc làm của ngươi: Một lần nữa, câu phán “Ta biết những việc làm của ngươi” được lập lại. Và, chúng ta cần ghi nhớ rằng, Đức Chúa Jesus Christ biết tất cả mọi việc làm của chúng ta. Không những Ngài biết cách thức làm việc của chúng ta, mà Ngài còn biết cả động cơ và mục đích khiến cho chúng ta làm việc.

Động cơ khiến cho chúng ta làm việc là vì chúng ta yêu Chúa, yêu người hay vì chúng ta ganh tị, khoe mình? Mục đích khiến cho chúng ta làm việc là để ý muốn của Cha chúng ta ở trên trời được nên, hay vì chúng ta muốn thu danh, đoạt lợi cho bản thân, cho gia đình, cho bè phái, cho giáo hội? Hãy nhớ rằng, Chúa biết hết mọi sự, vì:

“Chẳng có tạo vật nào không hiện ra trước mặt Ngài, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Ngài, Đấng mà chúng ta phải thưa trình.” (Hê-bơ-rơ 4:13).

Sự kiện Chúa biết những việc làm của con dân Chúa là điều an ủi vô cùng lớn lao cho những ai đang chịu khổ vì danh Chúa. Chúa biết mà Chúa vẫn cho phép những nghịch cảnh xảy ra cho con dân Chúa, vì trong chương trình của Ngài, những điều đó đem lại ích lợi cho chúng ta:

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

Dù có thể ngày nay chúng ta không hiểu được những nghịch cảnh có ích lợi cho chúng ta như thế nào; nhưng một ngày kia, trong Vương Quốc Đời Đời, chúng ta sẽ hiểu một cách tỏ tường. Ngày nay, chúng ta bởi đức tin mà cảm tạ Chúa trong mọi cảnh ngộ và nương cậy nơi ân điển của Ngài, để đứng vững trong đức tin, vượt qua mọi cám dỗ cùng thử thách.

Ta đã đặt trước ngươi một cửa đã mở mà không ai có thể đóng: Chúa mở cho những ai trung tín trong đức tin cánh cửa vào trong Vương Quốc Trời, lẫn cánh cửa của cơ hội được phục vụ Ngài. Không ai, không nghịch cảnh nào có thể đóng cánh cửa mà Chúa đã mở ra cho con dân của Ngài. Việc còn lại là con dân Chúa có bằng lòng bước vào hay không. Bởi vì, muốn bước vào cánh cửa cứu rỗi thì phải hạ mình, khiêm nhường, ăn năn tội, và tin nhận sự chết chuộc tội của Chúa. Sau khi vào trong sự cứu rỗi của Chúa thì phải tiếp tục bước đi trên con đường hẹp, tức là vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và chịu sự bách hại của thế gian. Chính Chúa gọi cánh cửa vào trong sự cứu rỗi là “cửa hẹp” và con đường theo Chúa là “đường chật”:

“Các ngươi hãy vào trong cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, và có nhiều kẻ vào trong đó. Bởi vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.” (Ma-thi-ơ 7:13-14).

Chẳng những ít kẻ tìm gặp được cửa chật và đường hẹp dẫn đến sự sống, nhưng trong số những kẻ tìm gặp được, muốn vào đó theo cách riêng của mình, cũng không vào được:

Lu-ca 13:23-27

23 Có người thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, có phải chỉ ít kẻ được cứu chăng?

24 Ngài đáp rằng: Hãy gắng sức vào cửa hẹp, vì, Ta nói với các ngươi, nhiều người sẽ tìm để vào mà không được.

25 Khi chủ nhà trỗi dậy, đóng cửa lại rồi, các ngươi ở ngoài gõ cửa kêu rằng: Lạy Chúa, xin mở cho chúng tôi! Chủ sẽ trả lời rằng: Ta không biết các ngươi đến từ đâu.

26 Bấy giờ các ngươi sẽ thưa rằng: Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Chúa, và Chúa đã dạy dỗ trong các chợ chúng tôi.

27 Chủ lại sẽ trả lời rằng: Ta nói với các ngươi, không biết các ngươi đến từ đâu; hết thảy những kẻ làm dữ kia, hãy lui ra khỏi Ta!

Chỉ có một cách để vào cửa hẹp đường chật dẫn đến sự sống. Đó là: hạ mình, khiêm nhường, ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Chúa, và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.

Vì ngươi có ít sức mà vẫn giữ Lời Ta: Khi con dân Chúa hết lòng vâng phục Chúa, sống theo Lời của Ngài, thì Ngài sẽ mở ra cho họ lối đi. Chúng ta hãy xét thí dụ sau đây về một người hết lòng vâng phục Chúa. Khi người ấy hiểu được rằng, con dân Chúa phải vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa theo điều răn thứ tư, thì người ấy lập tức vâng theo, mà không ngại những khó khăn sẽ xảy đến khi người ấy từ bỏ việc đi làm kiếm sống vào ngày Sa-bát. Người ấy không có khả năng để lo cho cuộc sống gia đình khi từ chối đi làm kiếm sống vào ngày Sa-bát, cũng không thấy một cơ hội nào khác mở ra cho mình, nhưng vẫn lập tức nghỉ đi làm ngày Sa-bát. Đó là sự kiện mà Chúa gọi là: “có ít sức mà vẫn giữ Lời Ta!” Chắc chắn, Chúa là Đấng Chân Thật sẽ mở ra cho người ấy một cánh cửa, sau khi người ấy vâng giữ Lời Chúa.

Từ ngữ “ít sức” được dùng ở đây có thể hiểu là không đủ sức để tự lo cho mình và gia đình mình các nhu cầu trong thế gian, nếu hết lòng vâng giữ các điều răn của Chúa. Bởi vì, khi một người muốn sống trọn vẹn với Chúa qua sự vâng giữ các điều răn của Ngài, thì người ấy lập tức bị thế gian và “anh chị em giả dối” bách hại. Từ gần hai ngàn năm trước, Đức Thánh Linh đã phán dạy:

“Hễ ai muốn sống cách tin kính trong Đấng Christ Jesus thì sẽ bị bách hại.” (II Ti-mô-thê 3:12).

Nhưng nếu ai sẵn lòng trả giá để hoàn toàn sống đẹp lòng Chúa, thì sẽ nhận được lời hứa này:

“Nhưng Đức Chúa Jesus đáp lời, phán: Thật! Ta nói với các ngươi, chẳng một người nào vì Ta và Tin Lành, chịu từ bỏ nhà cửa, hoặc anh em ruột, hoặc chị em ruột, hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc vợ, hoặc con cái, hoặc đất ruộng, mà người ấy chẳng nhận được trăm lần hơn ngay bây giờ, đang lúc này, về những nhà cửa, anh em ruột, chị em ruột, mẹ, con cái, đất ruộng, với sự bách hại, và trong đời sau: nhận được sự sống vĩnh cửu.” (Mác 10:29-30).

Chúa luôn mở cửa cho con dân trung tín của Ngài và ban thưởng trọng hậu cho họ; nhưng Ngài không cất bỏ sự bách hại. Con dân Chúa phải luôn đối diện với khó khăn, nghịch cảnh, và chịu sự bách hại của thế gian trong cuộc đời này.

Và không chối danh Ta: Người giữ vững Lời Chúa, tức làm theo các điều răn của Chúa cũng là người không chối danh Chúa. Ngược lại, những ai vì quyền lợi, vì sự sống, vì tình cảm mà vi phạm điều răn của Chúa, thì ấy là người chối danh Chúa. Danh của Chúa là “Jesus!” và “Jesus” có nghĩa là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Giải Cứu”. Vậy, tại sao con dân Chúa không hết lòng vâng giữ các điều răn của Chúa và trông chờ sự giải cứu từ nơi Ngài?

Không lẽ Đức Chúa Trời không có năng lực ban cho chúng ta một việc làm kiếm sống mà không phạm vào ngày Sa-bát của Chúa, cho nên, chúng ta cứ bám vào việc làm hiện tại là việc mà chúng ta phải đi làm vào ngày Sa-bát [2]?

Không lẽ Đức Chúa Trời không có năng lực giải cứu chúng ta ra khỏi nghịch cảnh và ngay cả sự chết, nên chúng ta phải dựa vào một lời nói dối?

Không lẽ, đứng trước mọi cám dỗ, chúng ta kêu cầu danh Chúa mà Ngài không giải cứu chúng ta, nhất là những cám dỗ về tà dâm, về các chứng nghiện ngập, nên chúng ta cứ phạm tội?

Vì thế, khi chúng ta vi phạm dù chỉ một điều răn của Chúa là chúng ta đã chối bỏ danh Ngài.

9 Này, Ta sẽ khiến chúng nó – những kẻ thuộc hội Sa-tan, xưng mình là người Do-thái mà không phải, chúng chỉ là những kẻ nói dối – đến phủ phục trước chân ngươi và biết rằng Ta yêu ngươi!

Những kẻ thuộc hội Sa-tan, xưng mình là người Do-thái mà không phải: Sa-tan là kẻ đứng đầu những kẻ chống nghịch Chúa. Hội của Sa-tan là hội của những kẻ chống nghịch Chúa. Chúa gọi những người Do-thái sống tại Phi-la-đen-phi không phải là những người Do-thái thật, vì họ chống nghịch Hội Thánh của Ngài. Họ thật sự mang huyết thống của Áp-ra-ham là tổ phụ của dân Do-thái, nhưng họ không tin Chúa và không vâng phục Chúa như Áp-ra-ham, nên Chúa gọi họ không phải là người Do-thái thật. Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại mẩu đối thoại giữa Chúa và những người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem, được ghi lại trong Giăng 8:31-45:

31 Vậy, Đức Chúa Jesus phán với những người Do-thái đã tin Ngài: Nếu các ngươi cứ ở lại trong Lời của Ta, các ngươi thật là những môn đồ của Ta.

32 Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ giải phóng các ngươi.

33 Những người Do-thái đáp lời Ngài: Chúng tôi là dòng dõi của Áp-ra-ham, chưa hề làm nô lệ ai. Sao Ngài nói: Các ngươi sẽ được tự do?

34 Đức Chúa Jesus trả lời họ: Thật sự! Thật sự! Ta bảo các ngươi. Ai làm ra tội lỗi là nô lệ của tội lỗi.

35 Nô lệ không cứ ở lại trong nhà nhưng con cứ ở lại cho đến vĩnh cửu.

36 Vậy, nếu Đức Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do.

37 Ta biết rằng, các ngươi là dòng dõi của Áp-ra-ham. Nhưng các ngươi tìm cách để giết Ta, vì Lời của Ta không có chỗ trong các ngươi.

38 Ta nói điều Ta đã thấy nơi Cha của Ta; còn các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha của các ngươi.

39 Họ đáp lời và nói với Ngài: Áp-ra-ham là cha của chúng tôi. Đức Chúa Jesus phán với họ: Nếu các ngươi là con cháu của Áp-ra-ham, các ngươi sẽ làm những việc của Áp-ra-ham.

40 Nhưng hiện nay, các ngươi tìm cách giết Ta, người đã nói lẽ thật cho các ngươi, là sự Ta đã nghe từ Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham đã không làm như vậy.

41 Các ngươi làm những việc của cha các ngươi. Vậy, họ nói với Ngài: Chúng tôi chẳng được sinh ra bởi sự ngoại tình. Chúng tôi có một Cha, là Đức Chúa Trời.

42 Đức Chúa Jesus phán với họ: Nếu Đức Chúa Trời đã là Cha của các ngươi, các ngươi sẽ yêu Ta, vì Ta đã ra từ và đã đến từ Đức Chúa Trời. Vì Ta chẳng tự mình đến nhưng Ngài đã sai Ta.

43 Bởi sao các ngươi không hiểu sự diễn thuyết của Ta? Bởi các ngươi chẳng có thể nghe được Lời của Ta.

44 Các ngươi là ra từ cha Ma Quỷ của các ngươi. Các ngươi sẽ làm theo sự tham muốn của cha các ngươi. Nó đã là kẻ giết người từ lúc ban đầu; chẳng đứng vững trong lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó. Khi nó nói dối, nó nói bởi chính nó, vì nó là kẻ nói dối và là cha của sự nói dối.

45 Nhưng vì Ta nói lẽ thật nên các ngươi không tin Ta.

Chúng tôi đã đề cập đến trong phần chú giải Khải Huyền 2:9 về người Do-thái thật. Xin nhắc lại như sau:

Thánh Kinh nói về người Do-thái bề ngoài và người Do-thái bề trong như sau:

“Vì người nào chỉ là người Do-thái bề ngoài thì không phải là người Do-thái. Sự cắt bì trong xác thịt bề ngoài cũng không phải là sự cắt bì. Nhưng người mà bề trong là người Do-thái và sự cắt bì của tấm lòng, trong tâm thần, không theo chữ nghĩa, thì sự khen ngợi của người ấy chẳng đến từ loài người nhưng đến từ Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 2:28-29).

Thánh Kinh xác nhận: tất cả những ai có đức tin như đức tin của Áp-ra-ham; nghĩa là đức tin thể hiện ra hành động vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thì họ là con cháu thật của Áp-ra-ham, tức là người Do-thái thật, theo định nghĩa của Thánh Kinh:

“Vậy, các anh chị em hãy nhận biết rằng, những người có đức tin thì họ là con cháu của Áp-ra-ham.” (Ga-la-ti 3:7).

Những người Do-thái chống nghịch Hội Thánh của Chúa tại Phi-la-đen-phi đều thuộc về hội của Sa-tan, như những người Do-thái chống nghịch Hội Thánh của Chúa tại Si-miệc-nơ. Ngày nay, tất cả những ai xưng mình là Cơ-đốc nhân mà chống nghịch những người rao giảng và sống đúng theo Lời Chúa, thì họ cũng là những kẻ thuộc hội của Sa-tan.

Chúng chỉ là những kẻ nói dối: Tất cả những lời tự xưng mình là con dân Chúa của những ai không làm theo Lời Chúa, đều là những lời nói dối:

“Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy. Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:4-6).

Tất cả những kẻ nói dối đều là con của ma quỷ!

Ta sẽ khiến chúng nó… đến phủ phục trước chân ngươi: Trong số những người Do-thái chống nghịch Hội Thánh Chúa tại Phi-la-đen-phi sẽ có một số người tiếp nhận Tin Lành và vâng phục sự giảng dạy của Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi. Từ ngữ “phủ phục” được dùng trong câu phán của Chúa cùng là từ ngữ dùng để chỉ sự thờ phượng Chúa. Tuy nhiên, không có nghĩa là họ thờ phượng Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi, mà là, họ sấp mình thờ phượng Chúa trước mặt con dân Chúa tại Hội Thánh Phi-la-đen-phi. Và, đó là việc Chúa làm ra!

Ngày nay, trong số những kẻ mang danh là Cơ-đốc nhân mà chống nghịch những người vâng giữ các điều răn của Chúa, cũng sẽ có một số người ăn năn và sẽ cùng với các con dân chân thật của Chúa thờ phượng Chúa trong thần trí và trong lẽ thật.

Và biết rằng Ta yêu ngươi: Khi đó, những kẻ từng chống nghịch Hội Thánh nhưng đã ăn năn, sẽ hiểu biết được rằng, Chúa yêu những con dân chân thật của Ngài như thế nào. Vì khi đó, chính họ mới nhận được và hiểu được tình yêu của Chúa. Chỉ những ai hết lòng sống theo Lời Chúa mới nhận được và hiểu được tình yêu của Ngài dành cho những ai thuộc về Ngài.

10 Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.

Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta: “Lời của sự nhẫn nại Ta” là lời Chúa kêu gọi mọi người trong thế gian “Hãy ăn năn, vì Vương Quốc Trời đã gần” và lời hứa về sự Chúa sẽ đến để đem con dân Chúa đi với Ngài:

“Ngài phán: Kỳ đã trọn và Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã gần. Các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành.” (Mác 1:15).

“Lòng các ngươi chớ bối rối. Hãy tin nơi Đức Chúa Trời, cũng hãy tin nơi Ta. Trong nhà của Cha Ta có nhiều chỗ ở, nếu không, Ta đã nói với các ngươi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn chỗ cho các ngươi, Ta sẽ trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:1-3).

Những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận Tin Lành, vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, và chờ đợi Đức Chúa Jesus Christ trở lại, thì họ là những người giữ lời của sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ.

Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất: Đây là lời hứa dành riêng cho con dân Chúa sống trong thời Hội Thánh. Đối với con dân Chúa tại Hội Thánh Phi-la-đen-phi cũng như con dân Chúa tại các Hội Thánh địa phương khác trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, là những người cũng hết lòng trung tín với Chúa, thì họ sẽ không bị hình phạt chung với người thế gian.

Trong lịch sử của loài người, từng hồi, từng lúc Chúa giáng hình phạt trên thế gian tội lỗi và Ngài luôn luôn đem con dân chân thật của Ngài ra khỏi những sự hình phạt ấy. Thời xưa Chúa đã giữ gia đình Nô-ê, một người rao giảng công chính (II Phi-e-rơ 2:5), khỏi sự Ngài hình phạt toàn thế gian bằng một Cơn Nước Lụt. Sau đó, Chúa đã giữ gia đình của Lót, cũng là một người công chính (II Phi-e-rơ 2:7) ra khỏi cơn mưa lửa hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Khi Chúa sai dân I-sơ-ra-ên hủy diệt thành Giê-ri-cô thì Ngài cũng giữ cho người kỹ nữ Ra-háp và gia đình bà khỏi sự bị tàn sát chung với dân thành Giê-ri-cô. Một ngày kia, Chúa cũng sẽ đem tất cả những con dân chân thật trong Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian, trước khi Ngài giáng hình phạt xuống toàn thế gian trong suốt bảy năm.

Sự hình phạt này sẽ là vô tiền khoáng hậu, nghĩa là trước chưa có và sau này cũng không hề có. Chính lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ đã khẳng định như vậy:

“Nhưng các ngươi hãy cầu nguyện, để sự chạy trốn của các ngươi sẽ không là lúc mùa đông, cũng không vào ngày Sa-bát. Vì lúc ấy sẽ có sự hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi sự bắt đầu của thế gian cho tới bây giờ chưa có như vậy, mà sau này cũng sẽ không có nữa. Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; nhưng vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt.” (Ma-thi-ơ 24:20-22).

Tất cả những ai được đọc hoặc nghe bài giảng này, thì đã nhận được lời cảnh cáo và kêu gọi của Chúa. Hãy ăn năn tội, tin nhận Tin Lành, tức là tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, để được Chúa giữ cho khỏi giờ thử thách kinh hoàng của Kỳ Tận Thế, như đã được mô tả chi tiết trong những đoạn còn lại của sách Khải Huyền.

11 Này, Ta đến mau chóng! Hãy giữ vững những điều ngươi có thì không ai có thể lấy mão của ngươi.

Này, Ta đến mau chóng: Như chúng ta đã từng học qua trong các bài trước, sự Chúa đến có thể là đến với riêng từng cá nhân, với Hội Thánh tại một địa phương, để hình phạt những kẻ có tội mà không chịu ăn năn. Nhưng Chúa cũng sẽ đến chung với toàn Hội Thánh, bao gồm tất cả các thánh đồ đang sống lẫn các thánh đồ đã chết, để ban cho mỗi người một thân thể bất tử và đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Trạng từ “mau chóng” được dùng ở đây cùng là một từ ngữ được dùng trong Khải Huyền 2:16. Tuy nhiên, trong Khải Huyền 2:16 Chúa cảnh cáo rằng Ngài sẽ mau chóng đến để đoán phạt những kẻ có tội mà không ăn năn. Còn trong Khải Huyền 3:11 thì Ngài sẽ mau chóng đến để ban thưởng cho những ai trung tín với Ngài.

Hãy giữ vững những điều ngươi có: Chúa sẽ đến để ban thưởng cho những ai trung tín với Ngài một cách nhanh chóng, cho nên, con dân Chúa hãy nhẫn nại, chịu khổ vì danh Chúa, và sốt sắng hầu việc Chúa thêm một thời gian ngắn nữa. “Giữ vững điều ngươi có” tức là hết lòng vâng giữ các điều răn của Chúa, trông cậy nơi các lời hứa của Ngài, không làm ra một điều gì có tính cách chối bỏ danh Chúa.

Thì không ai có thể lấy mão của ngươi: Nghĩa là sự ban thưởng của Chúa là chắc chắn cho những ai trung tín với Ngài. Chiếc mão tiêu biểu cho vinh quang dành cho người thắng cuộc trong các cuộc thi. Chiếc mão cũng tiêu biểu cho phần thưởng là quyền cai trị và quyền được thuộc về dòng dõi thánh của Đức Chúa Trời. Ma-la-chi 2:15a chép:

“Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh.”

I Phi-e-rơ 2:9 chép:

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]”

Hội Thánh của Chúa sẽ được kết hợp với Đức Chúa Jesus Christ cách mầu nhiệm (Khải Huyền 19:6-9), và mỗi người sẽ được Đức Chúa Jesus Christ ban thưởng cách xứng đáng (Khải Huyền 22:12).

12 Người nào thắng, Ta sẽ cho làm trụ trong Đền của Đức Chúa Trời Ta và người sẽ không ra khỏi đó nữa. Ta sẽ viết trên người tên của Đức Chúa Trời Ta, tên của thành Đức Chúa Trời Ta là Giê-ru-sa-lem mới từ nơi Đức Chúa Trời Ta ở trên trời giáng xuống và tên mới của Ta.

Người nào thắng: Đây là lần thứ sáu Chúa dùng từ ngữ “người nào thắng”. Định nghĩa của “người thắng” được dùng ở đây vẫn không thay đổi: người thắng là người giữ vững đức tin nơi Chúa, sống đúng theo Lời Chúa, tức là tin cậy sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời cho đến khi ra khỏi cuộc đời này.

Ta sẽ cho làm trụ trong Đền của Đức Chúa Trời Ta: Thánh Kinh cho biết Hội Thánh là Đền Thờ của Thiên Chúa:

“Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (I Cô-rinh-tô 6:19).

“Đền Thờ của Thiên Chúa với đền thờ của các thần tượng có sự đồng thuận gì? Vì các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ ở trong họ và Ta sẽ đi lại giữa họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân của Ta. [Lê-vi Ký 26:11-12; Giê-rê-mi 32:38; Ê-xê-chi-ên 37:27]” (II Cô-rinh-tô 6:16).

Ê-phê-sô 2:19-22

19 Vì thế, các anh chị em chẳng còn là những khách lạ, những người ở trọ nữa, nhưng là những người đồng hương với các thánh đồ, và là những người nhà của Đức Chúa Trời,

20 đã được xây dựng trên nền tảng của các sứ đồ và các tiên tri. Chính Đức Chúa Jesus Christ là đá góc nhà.

21 Trong Ngài, cả cấu trúc cùng nhau phát triển thành một đền thờ thánh trong Chúa.

22 Trong Ngài, các anh chị em được kiến trúc thành chỗ ở của Đức Chúa Trời, trong thuộc linh.

Vì thế, làm trụ trong Đền của Đức Chúa Trời tức là trở thành những người giữ các nhiệm vụ quan trọng trong Hội Thánh của Ngài. Đức Chúa Jesus Christ gọi Đức Chúa Cha là “Đức Chúa Trời Ta” vì Ngài hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Cha trong địa vị của một người vâng phục Đức Chúa Trời. Thánh Kinh chép:

“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của loài người là bản thể lẫn bản tính của loài người, bao gồm: thể chất, ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, ý tưởng, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:6-8).

Đức Chúa Jesus Christ là người anh cả gương mẫu cho những ai thuộc về Đức Chúa Trời:

“Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

“Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21).

“Hãy có cùng một tâm tình này trong các anh chị em như cũng đã có trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 2:5).

Đức Chúa Jesus Christ đã chịu khổ, vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết. Vậy, chúng ta hãy cùng nhau noi theo gương Ngài, chịu khổ vì Lời của Đức Chúa Trời và vì danh Ngài!

Và người sẽ không ra khỏi đó nữa: Những người được ban cho các chức vụ quan trọng trong Hội Thánh trong cõi đời đời, sẽ mãi mãi giữ các chức vụ ấy.

Ta sẽ viết trên người tên của Đức Chúa Trời Ta: Chính Đức Chúa Jesus Christ sẽ viết tên của Đức Chúa Trời trên những người ấy. Tên của Đức Chúa Trời như chúng ta biết hiện nay, là tên “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”. Đành rằng, đây là tên riêng của cả Ba Ngôi Thiên Chúa; nhưng có lẽ trong Vương Quốc Đời Đời sẽ có một dấu hiệu nào đó để phân biệt ba thân vị. Loài người có cách phân biệt tên riêng được dùng cho cả cha lẫn con bằng cách thêm vào tên riêng đó các từ: cha hoặc con, hay các từ: đệ nhất hoặc đệ nhị, v.v.. Chúng ta cũng có thói quen viết tên của mình trên các đồ vật thuộc về mình. Sự kiện tên của Đức Chúa Trời được viết trên những người trung tín với Chúa chứng tỏ họ thuộc về Đức Chúa Trời, và họ được vinh dự mang tên của Ngài trên thân thể họ.

Tên của thành Đức Chúa Trời Ta là Giê-ru-sa-lem mới từ nơi Đức Chúa Trời Ta ở trên trời giáng xuống: Ngoài tên của Đức Chúa Trời được viết trên những người trung tín với Chúa, tên của thành thánh Giê-ru-sa-lem mới cũng được viết trên họ. Điều đó chứng minh họ là những người được ở trong thành Giê-ru-sa-lem mới.

Và tên mới của Ta: Cuối cùng là tên mới của Đức Chúa Jesus Christ cũng được viết trên họ. Hiện nay, chúng ta không biết tên mới này là gì. Khải Huyền 19:12 cho biết, khi Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất vào cuối của thời Đại Nạn, thì có một tên được viết trên Ngài, mà không ai biết. Có lẽ đó là tên mới của Đức Chúa Jesus Christ sẽ được viết trên những con dân trung tín của Ngài. Có lẽ, sự kiện viết tên đó nói lên quyền đồng trị của họ với Ngài trong Vương Quốc Đời Đời.

13 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh.

Vẫn là lời kêu gọi chung cho toàn thể con dân Chúa trong mọi thời đại, kể từ thời Hội Thánh cho đến thời Đại Nạn, và cả thời Vương Quốc Ngàn Năm. Hễ ai biết lắng nghe và làm theo (có tai) thì hãy làm theo (nghe) điều Đức Thánh Linh phán truyền.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/Timur_Lenk

[2] Xin tham khảo thêm các bài liên quan đến việc giữ ngày Sa-bát và những việc làm có thể làm trong ngày Sa-bát tại đây: http://www.timhieutinlanh.net/?p=3112

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/