030 Chú Giải Khải Huyền 03:14-22 Lao-đi-xê: Hội Thánh Hâm Hẩm

8,779 views

YouTube: https://youtu.be/pFBW6MO8b6w

030 Chú Giải Khải Huyền 3:14-22
Lao-đi-xê: Hội Thánh Hâm Hẩm

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
030_ChuGiaiKhaiHuyen_03_14-22.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 3:14-22

14 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Lao-đi-xê: Đây là những lời phán của Đấng A-men: Chứng Nhân Thành Tín và Chân Thật; Đấng Khởi Đầu Cuộc Sáng Tạo của Đức Chúa Trời:

15 Ta biết những việc làm của ngươi. Rằng ngươi là không lạnh cũng không nóng. Ta ước gì ngươi là lạnh hoặc nóng!

16 Vì ngươi là hâm hẩm như vậy, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.

17 Vì ngươi nói rằng: Ta giàu và thịnh vượng, không cần gì cả; mà không biết rằng ngươi khốn khó, thảm thương, nghèo thiếu, mù lòa và lõa lồ.

18 Ta khuyên ngươi hãy mua từ nơi Ta: vàng đã thử lửa để ngươi trở nên giàu có, áo xống trắng để ngươi được mặc và nỗi hổ thẹn về sự lõa lồ của ngươi không lộ ra. Hãy thoa mắt ngươi với thuốc thoa mắt để ngươi được thấy.

19 Những ai Ta yêu thì Ta quở trách và sửa phạt. Vậy, hãy sốt sắng và cải hối.

20 Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào với người, ăn bữa tối với người và người với Ta.

21 Người nào thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai Ta như Ta đã thắng và ngồi với Cha Ta trên ngai Ngài.

22 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh.


14 Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Lao-đi-xê: Đây là những lời phán của Đấng A-men: Chứng Nhân Thành Tín và Chân Thật; Đấng Khởi Đầu Cuộc Sáng Tạo của Đức Chúa Trời:

Lao-đi-xê: Danh từ Lao-đi-xê là một danh từ ghép, ra từ hai từ gốc, là “la-ốt” có nghĩa là dân chúng; và “đi-kê” có nghĩa hẹp là công lý và nghĩa rộng là bị hình phạt [1]. Vậy, “lao-đi-xê” có thể mang nghĩa là “công lý của một dân tộc” hoặc có nghĩa là “một dân tộc bị hình phạt”. Khi xem cách sử dụng của từ ngữ “đi-kê” trong Thánh Kinh, thì chúng ta sẽ thấy từ ngữ này được dùng với ý nghĩa là bị hình phạt một cách công chính (Công Vụ Các Sứ Đồ 25:15; 28:4; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9; Giu-đe câu 7). Dựa vào văn mạch của Khải Huyền 3:14-22 mà chúng ta có thể chọn hiểu ý nghĩa của danh từ “lao-đi-xê” là: “một dân tộc bị hình phạt một cách công chính”.

Thành phố Lao-đi-xê, cách thành phố Ê-phê-sô khoảng 160 cây số về phía đông và cách thành phố Cô-lô-se khoảng 17 cây số về phía tây, do Vua An-ti-ốt Đệ Nhị (261 TCN – 246 TCN) của xứ Si-ri tái thiết từ một thành phố cổ (Rhoas) và đặt theo tên của vợ ông. Sau khi xây dựng xong thì vua cho định cư tại Lao-đi-xê dân Si-ri chung với dân Do-thái trước đó đã từ Ba-bi-lôn di cư đến các thành phố lân cận.

Từ năm 190 TCN thì Lao-đi-xê trở nên phồn thịnh với ngành ngân hàng, với công nghiệp sản xuất loại len làm bằng lông chiên màu đen và loại thuốc trị các chứng đau mắt. Ngay tại Lao-đi-xê có một trường y khoa nổi tiếng.

Lao-đi-xê rất là giàu có. Năm 60 TCN, sau khi một cơn động đất lớn xảy ra, làm sụp đổ toàn bộ thành phố, thì dân Lao-đi-xê đã tự lực xây dựng lại một thành phố mới, mà không cần tiếp nhận ngân quỹ trợ cấp của đế quốc La-mã.

Rất có thể Hội Thánh tại Lao-đi-xê được thành lập qua sự truyền giáo của Ti-mô-thê, Mác, và Ê-pháp-ra. Qua nội dung của Khải Huyền 3:14-22 mà chúng ta biết rằng con dân Chúa tại Lao-đi-xê thuộc hàng giàu có.

Vào thế kỷ thứ 13, Lao-đi-xê bị quân Hồi Giáo xâm chiếm và phá hủy hoàn toàn. Tháng 6 năm 2013, Bộ Văn Hóa và Du Lịch của Thổ-nhĩ-kỳ đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các cuộc khảo cổ, tìm kiếm di tích của Lao-đi-xê [2], [3]. Ngày nay, khu khảo cổ Lao-đi-xê trở thành nơi được nhiều du khách tham quan.

Đấng A-men: Chúng ta đã biết, từ ngữ “a-men” khi được dùng ở đầu câu có nghĩa là “Đúng như vậy! Thật như vậy!” Còn khi được dùng ở cuối câu thì có nghĩa là: “Mong cho được đúng như vậy! Đồng ý như vậy!” Trong câu này, chúng ta thấy từ ngữ “a-men” được dùng làm danh hiệu của Đức Chúa Jesus Christ. Đấng A-men có nghĩa là Đấng Chân Thật! Ngài chân thật về bản thể Thiên Chúa của Ngài, Ngài chân thật về mọi thần tính của Thiên Chúa, Ngài chân thật với mọi điều Ngài phán ra. Và như vậy, Ngài chân thật với mọi lời hứa và mọi lời cảnh cáo của Ngài.

Chứng Nhân Thành Tín và Chân Thật: Chúa tự định nghĩa danh xưng Đấng Chân Thật của Ngài. Ngài xưng là Đấng chân thật vì Ngài là chứng nhân của Đức Chúa Trời, đã rao truyền một cách trọn vẹn tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn phán truyền cho loài người chúng ta. Ngài đã thành tín, tức là không thiếu sót bất cứ một phương diện nào, trong công tác rao truyền thánh ý của Đức Chúa Cha. Ngài đã rao truyền một cách chân thật thánh ý của Đức Chúa Cha, không thêm, không bớt!

Đấng Khởi Đầu Cuộc Sáng Tạo của Đức Chúa Trời: Chẳng những Đức Chúa Jesus Christ là chứng nhân của Đức Chúa Trời, mà Ngài còn là Đấng thực thi mọi thánh ý của Đức Chúa Trời, bắt đầu với công trình sáng tạo. Ngài đã khởi đầu cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời và Ngài vẫn tiếp tục dựng nên mới những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. II Cô-rinh-tô 5:17 chép rằng:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.”

Nhóm chữ “một tạo vật mới” trong nguyên ngữ Hy-lạp là “loài thọ tạo mới”. Một ngày kia, chính Đức Chúa Jesus Christ cũng là Đấng sẽ tái tạo trời mới, đất mới.

15 Ta biết những việc làm của ngươi. Rằng ngươi là không lạnh cũng không nóng. Ta ước gì ngươi là lạnh hoặc nóng!

Ta biết những việc làm của ngươi: Một lần nữa, lời phán: “Ta biết những việc làm của ngươi” nhắc cho chúng ta biết rằng, chẳng có một điều gì chúng ta làm mà Đức Chúa Jesus Christ không biết. Chẳng có một điều gì mà chúng ta có thể giấu được Ngài.

“Ngài đã biết sự ngồi xuống của tôi và sự đứng dậy của tôi. Từ xa, Ngài đã hiểu rõ ý tưởng của tôi.” (Thi Thiên 139:2).

“Chẳng có tạo vật nào không hiện ra trước mặt Ngài, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Ngài, Đấng mà chúng ta phải thưa trình.” (Hê-bơ-rơ 4:13).

Tuy nhiên, đối với những ai hết lòng sống cho Chúa, sống vì Chúa, sống trong Chúa, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà đi theo Chúa, thì sự Chúa biết hết những việc làm của chúng ta, là một điều an ủi chúng ta vô cùng. Bởi vì, trên bước đường theo Chúa về cõi vinh quang đời đời, chắc chắn chúng ta sẽ chịu nhiều khó khăn, gian khổ, mà Chúa sẽ đếm từng bước chân của chúng ta, và an ủi chúng ta, thêm sức cho chúng ta, giữ cho chúng ta không sa ngã:

“Ngài đếm sự tha hương của tôi! Xin Ngài để nước mắt của tôi trong ve của Ngài. Chúng không được ghi trong sổ của Ngài sao?” (Thi Thiên 56:8).

Riêng đối với Hội Thánh tại Lao-đi-xê, Chúa biết rằng, mọi việc làm của con dân Chúa tại đó chỉ là chăm lo cho đời sống giàu có, danh tiếng, đầy đủ tiện nghi vật chất chứ họ không yêu Chúa, không quan tâm đến sự hầu việc Chúa.

Rằng ngươi là không lạnh cũng không nóng: Thành phố Lao-đi-xê là một thành phố duy nhất tại vùng Tiểu Á không có nguồn nước tại chỗ, mà phải dùng hệ thống dẫn nước để đem nước từ các hồ chứa nước tại thành Cô-lô-se về. Nước tại Cô-lô-se thì mát lạnh, khi theo ống dẫn về đến Lao-đi-xê thì bị sức nóng của mặt trời làm cho mất lạnh, nhưng lại không đủ nóng, nên nước trở thành hâm hẩm. Chất nước tại Cô-lô-se có xen lẫn rất nhiều khoáng chất, cho nên, nhiệt độ hâm hẩm của nước làm cho mùi vị của nước trở nên tanh tanh, gây khó chịu trong miệng. Tình trạng hâm hẩm thuộc linh là tình trạng biết Chúa, tin Chúa, nhưng không sống cho Chúa, mà chỉ sống cho chính mình. Lạnh là không biết Chúa, không tin Chúa. Nóng là biết Chúa và hết lòng yêu Chúa. Không lạnh cũng không nóng có nghĩa là không chối bỏ Chúa nhưng cũng không sốt sắng với Chúa.

Ta ước gì ngươi là lạnh hoặc nóng: Lời than này của Chúa, nói lên sự kiện Chúa có thể chấp nhận một người không biết Chúa, không yêu Chúa, không sống cho Chúa, vì Ngài có thể khiến cho người ấy kinh nghiệm được Ngài và hết lòng yêu Ngài, sống cho Ngài.

16 Vì ngươi là hâm hẩm như vậy, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.

Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta: Đối với những ai đã biết Chúa, đã tin nhận Chúa, mà không hết lòng sống cho Ngài, hầu việc Ngài, thì Ngài sẽ từ bỏ họ. Động từ “mửa” được dùng trong câu này là hoàn toàn đúng với nghĩa đen của sự chịu không nổi mùi vị của một thức ăn hay thức uống bị mất phẩm chất, nên phải mửa ra. Khi một người hay một tập thể đã bị Chúa mửa ra, thì có nghĩa là họ sẽ bị hư mất đời đời, vì họ sẽ không còn cơ hội để ăn năn. Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 12:15-17 đã cảnh cáo con dân Chúa như sau:

“Hãy coi chừng! Kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời! Kẻo có rễ đắng nào sinh ra, làm ngăn trở, và bởi đó nhiều người bị ô uế! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:18] Kẻo có ai là đĩ đực, hoặc là người phạm thượng như Ê-sau, người chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng của mình. Vì các anh chị em biết rằng, sau đó, người muốn thừa hưởng phước, thì người bị từ bỏ; vì người không tìm được chỗ cho sự ăn năn, dù người đã tìm kiếm với nước mắt. [Sáng Thế Ký 27:36-39]”

Thiết tưởng, con dân Chúa cũng nên ghi nhớ những lời cảnh cáo nghiêm trọng trong Hê-bơ-rơ 6:4-8 và Hê-bơ-rơ 10:26-31.

17 Vì ngươi nói rằng: Ta giàu và thịnh vượng, không cần gì cả; mà không biết rằng ngươi khốn khó, thảm thương, nghèo thiếu, mù lòa và lõa lồ.

Ta giàu và thịnh vượng, không cần gì cả: Sự giàu có và thịnh vượng được nói đến ở đây là của cải vật chất trong đời này. Sự giàu có vật chất không phải là tội lỗi nếu không bởi những việc làm tội lỗi; nhưng sự giàu có khiến cho người ta dễ quên Chúa, và quên luôn mục đích của đời sống con dân Chúa. Ngoài ra, sự ham muốn trở nên giàu có khiến cho chúng ta dễ rơi vào sự cám dỗ và lòng tham tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều ác. Đức Thánh Linh đã khuyên dạy con dân Chúa trong I Ti-mô-thê 6:6-11, như sau:

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có, thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

11 Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời! Hãy tránh khỏi những sự đó mà theo đuổi sự công chính, lòng tin kính, đức tin, tình yêu, sự nhẫn nại, và sự nhu mì.

Sự giàu có mà Chúa ban cho con dân của Ngài là để họ trong danh Chúa mà phân chia cho những người thiếu kém, dùng tài sản làm ra những việc lành. Đức Thánh Linh dạy tiếp trong I Ti-mô-thê 6:17-19, như sau:

“Hãy truyền cho những người giàu trong thế gian này: Họ đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi sự giàu có không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, Đấng ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng. Họ hãy làm điều lành. Họ hãy giàu có trong những việc lành, sẵn sàng chia xẻ. Họ hãy dồn chứa cho họ một cái nền tốt cho thời sẽ tới, để họ được nắm lấy sự sống vĩnh cửu.”

Thay vì nói: “Cảm tạ Chúa đã ban cho ta được giàu và thịnh vượng để làm mọi việc lành”, thì Hội Thánh tại Lao-đi-xê đã nói: “Ta giàu và thịnh vượng, không cần gì cả!” Câu nói đó vừa thể hiện sự kiêu ngạo, vừa thể hiện sự thiếu hiểu biết.

Mà không biết rằng ngươi khốn khó: Hội Thánh tại Lao-đi-xê cho rằng mình không cần gì hết nhưng thật sự là họ có nhu cầu thuộc linh rất lớn. Từ ngữ khốn khó được dùng trong câu này có nghĩa là ở trong sự khổ sở, đau đớn, khó khăn, mệt mỏi.

Thảm thương: Đáng thương hại.

Nghèo thiếu: Không có phương tiện để thỏa mãn mọi bổn phận và nhu cầu thuộc linh.

Mù lòa: Không có sự thông sáng để hiểu biết ý muốn của Chúa qua Lời của Ngài là Thánh Kinh.

Lõa lồ: Không có sự vinh quang của Thiên Chúa. Không được bao phủ bằng sự vinh quang của Đức Chúa Jesus Christ.

18 Ta khuyên ngươi hãy mua từ nơi Ta: vàng đã thử lửa để ngươi trở nên giàu có, áo xống trắng để ngươi được mặc và nỗi hổ thẹn về sự lõa lồ của ngươi không lộ ra. Hãy thoa mắt ngươi với thuốc thoa mắt để ngươi được thấy.

Ta khuyên ngươi hãy mua từ nơi Ta: Mua tức là phải trả ra một cái giá. Chúa khuyên Hội Thánh tại Lao-đi-xê hãy mua từ nơi Chúa. Tức là, hãy trả ra một cái giá để được sự giàu có thật, sự khôn ngoan thật, sự sang trọng thật từ nơi Chúa.

Cái giá mỗi người đi theo Chúa phải trả đều giống nhau: Từ bỏ chính mình và mọi sự, chịu khổ mỗi ngày vì danh Chúa!

Từ bỏ chính mình không có nghĩa là chẳng cần quan tâm chăm sóc đến thân thể hay danh tiếng hay trí thức của mình, mà là từ bỏ cái quyền làm chủ chính mình và giao quyền ấy lại cho Thiên Chúa. Có nghĩa là hoàn toàn biến mình thành nô lệ của Chúa: sống cho Chúa, sống vì Chúa, sống trong Chúa. Vì thế, người theo Chúa phải lo chăm sóc thân thể mình là Đền Thờ của Chúa và là công cụ để làm ra những sự công chính cho Chúa. Vì thế, người theo Chúa làm điều gì cũng nhằm mục đích đem lại sự vinh quang cho Chúa chứ không vì danh tiếng của chính mình. Vì thế, người theo Chúa luôn trau dồi trí thức về Lời Chúa lẫn trí thức cần thiết trong thế gian.

Từ bỏ mọi sự không có nghĩa là ném bỏ hết những gì mình có, như: nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng… (Ma-thi-ơ 19:29; Mác 10:29), mà là từ bỏ sự yêu quý theo tình cảm của xác thịt những điều mình có. Tức là từ bỏ sự yêu quý bất cứ ai hay bất cứ điều gì hơn là yêu quý Chúa. Vì thế, người tin Chúa vẫn xây dựng, chăm sóc, tu bổ, nhà cửa; trồng trọt trên đất ruộng (nghĩa rộng là chăm lo việc làm ăn, mua bán, lao động kiếm sống); phụng dưỡng và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương giúp đỡ anh chị em; nuôi dạy và chăm sóc con cái cách chu đáo… sao cho danh Chúa được tôn vinh, chứ không phải bỏ hết tài sản và không làm bổn phận gì với người nhà. Bởi vì, Lời Chúa dạy con dân Chúa phải làm cho có lợi những tài sản Chúa đã ban cho, tôn kính cha mẹ, chăm sóc người nhà, và giáo dục trẻ thơ.

Chịu khổ mỗi ngày vì danh Chúa là sẵn sàng chịu tất cả mọi bất công, thiệt hại, đau khổ, sỉ nhục do người khác làm ra cho chúng ta, khi chúng ta cương quyết không vi phạm các điều răn của Chúa, khi chúng ta làm những việc Chúa bảo chúng ta làm.

Đó chính là cái giá mà con dân Chúa phải trả để được giàu có, vinh quang, thông sáng trong vương quốc của Chúa.

Vàng đã thử lửa để ngươi trở nên giàu có: Vàng đã thử lửa tức là vàng tinh chất, có giá trị cao nhất, tiêu biểu cho sự giàu có thật trong Chúa về mọi phương diện.

Áo xống trắng để ngươi được mặc và nỗi hổ thẹn về sự lõa lồ của ngươi không lộ ra: Áo xống trắng là trang phục tinh sạch tiêu biểu cho tất cả những việc chúng ta làm ra trong danh Chúa, tôn vinh danh Chúa, và đem lại sự vinh quang Chúa ban thưởng cho chúng ta. Chúng ta chú ý đến hai điểm này:

  • Sự vinh quang của Thiên Chúa chính là: tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Ngài được chiếu ra khắp nơi, từ đời đời cho đến đời đời.

  • Sự vinh quang của con dân Chúa chính là sự chúng ta trở nên giống như Chúa trong sự công chính và thánh sạch (Ê-phê-sô 4:24). Sự vinh quang ấy được thể hiện bởi những việc làm công chính của chúng ta (Khải Huyền 19:8), là những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta làm (Ê-phê-sô 2:10).

Sự lõa lồ thuộc linh là sự thiếu hụt sự vinh quang của Thiên Chúa, hậu quả của sự phạm tội. Khi chúng ta bỏ hết mọi sự để được sự cứu rỗi của Chúa, thì chúng ta được dựng nên mới trong vinh quang của Thiên Chúa, chúng ta không còn sự lõa lồ thuộc linh.

Hãy thoa mắt ngươi với thuốc thoa mắt để ngươi được thấy: Kiến thức được thu thập bởi sự quan sát của con mắt thuộc thể, tức sự nhận thức bởi xác thịt. Tri thức được thu thập bởi sự quan sát của con mắt thuộc linh, tức sự nhận thức bởi tâm thần. Tri thức và kiến thức trở thành trí thức bởi sự suy luận của linh hồn. Con mắt thuộc linh cần được sự ban ơn của Chúa để có thể nhận thức những lẽ thật thuộc linh.

19 Những ai Ta yêu thì Ta quở trách và sửa phạt. Vậy, hãy sốt sắng và cải hối.

Những ai Ta yêu thì Ta quở trách và sửa phạt: Lời phán này của Chúa giúp cho chúng ta hiểu, những người được Chúa yêu vẫn có thể sai phạm và sẽ được Chúa quở trách sửa phạt. Nhiều người phạm tội, sống nghịch Lời Chúa mà còn kiêu ngạo, nói rằng: Nếu tôi sai, sao Chúa không quở trách, sửa phạt tôi? Câu trả lời có thể là: Bởi vì Chúa không quở trách, sửa phạt những kẻ mà Ngài không yêu, tức là những kẻ đã biết Ngài rồi mà vẫn thản nhiên sống trong tội! Câu trả lời cũng có thể là: Chúa đã quở trách sửa phạt qua sự cáo trách của Đức Thánh Linh trong lòng, qua các bài giảng, qua các câu Thánh Kinh, thậm chí, qua sự lên tiếng quở trách và các biện pháp kỷ luật từ người chăn và các trưởng lão trong Hội Thánh.

Có ba điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ:

1. Sau khi chúng ta đã tin nhận sự cứu chuộc của Chúa mà chúng ta lại cố tình phạm tội, thì chúng ta đã tự đặt mình vào trong địa vị bị hư mất đời đời. Bởi vì, công giá của tội lỗi là sự hư mất đời đời trong hỏa ngục.

2. Chúa có hứa nếu chúng ta ăn năn và xưng tội thì Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. Nhưng Ngài không hề hứa rằng, sau khi chúng ta tin nhận sự cứu rỗi của Ngài mà chúng ta cố ý phạm tội trở lại thì Ngài sẽ ban cho chúng ta cơ hội ăn năn! Có được cơ hội để ăn năn hay không hoàn toàn do sự thương xót của Chúa. Ngài muốn thương xót ai thì thương xót. Chúa không hề hứa rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta cơ hội được ăn năn sau mỗi lần chúng ta cố ý phạm tội!

3. Nếu chúng ta thật có phạm tội, mà ai đó trong Hội Thánh nói ra tội lỗi của chúng ta và khuyên chúng ta ăn năn, thì đó chính là sự quở trách, sửa trị của Chúa, và Ngài vẫn còn thương xót chúng ta, còn ban cho chúng ta cơ hội ăn năn. Hãy nhanh chóng tiếp lấy cơ hội ấy mà ăn năn trước khi quá trễ!

Chính sự tái phạm của chúng ta nói lên sự cứng lòng của chúng ta và chúng ta có thể bị Chúa mửa ra bất kỳ lúc nào. Thử hỏi, con dân Chúa tại Lao-đi-xê chỉ không hết lòng yêu Chúa và sống cho Chúa, chứ họ không làm ra những sự tội lỗi, mà Chúa còn đòi mửa họ ra khỏi miệng Ngài, thế thì những ai cứ tiếp tục phạm tội sẽ được Chúa đối xử ra sao?

Vậy, hãy sốt sắng và cải hối: Sốt sắng cải hối tức là phải ăn năn ngay lập tức và ăn năn một cách thật lòng.

20 Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào với người, ăn bữa tối với người và người với Ta.

Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ: Cánh cửa được nói đến trong câu này tiêu biểu cho tấm lòng của những người tin Chúa nhưng chưa để Chúa làm chủ trong đời sống mình. Câu này vẫn thường được nhiều người đem ra để kêu gọi người chưa tin Chúa hãy mở lòng ra tiếp nhận Chúa. Tuy nhiên, đây là lời Chúa phán với những người đã tin Chúa, với Hội Thánh. Vì thế, không phải hễ tin nhận Chúa và ở trong Hội Thánh của Chúa thì đã thật sự có Chúa trong đời sống của mình. Tin Chúa, được tha tội, được tái sinh, được tháp vào Hội Thánh của Chúa chỉ là bước cơ bản để một người có tư cách, có năng lực, và có phương tiện tự mình quyết định theo Chúa. Chỉ khi một người tự quyết định mang lấy ách của Chúa, học theo Chúa, và từ bỏ mọi sự để theo Chúa, thì người ấy mới có Chúa trong đời sống của mình.

Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa: Tiếng Chúa gõ cửa lòng thì ai cũng nghe được, nhưng quyết định mở lòng tiếp nhận Chúa, quyết định tôn Chúa là thánh, làm chủ trong đời sống mình (I Phi-e-rơ 3:15) là tự do lựa chọn của mỗi người.

Ta sẽ vào với người, ăn bữa tối với người và người với Ta: Ai tiếp nhận Chúa thì sẽ được chính Ngài. Bỏ hết mọi sự để có được một Thiên Chúa toàn năng, toàn ái tương giao với mình, thì cái giá phải trả để đi theo Chúa thật là quá rẻ.

21 Người nào thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai Ta như Ta đã thắng và ngồi với Cha Ta trên ngai Ngài.

Người nào thắng: Lần thứ bảy, nhóm chữ “người nào thắng” được lập lại. Điều này giúp cho chúng ta luôn nhớ, trong mọi cảnh ngộ của đời sống, chúng ta luôn ở trong một cuộc chiến thuộc linh, và chúng ta phải thắng. Chúng ta sẽ thắng, nếu chúng ta muốn thắng và biết tận dụng tất cả các năng lực, phương tiện Chúa đã ban cho chúng ta. Lời Chúa trong Ê-phê-sô 6:10-18 dạy rằng:

10 Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Hãy mạnh dạn trong Chúa và trong sức mạnh tể trị của Ngài.

11 Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ.

12 Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.

13 Vậy nên, hãy lấy và dùng mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để cho trong ngày khốn khổ, các anh chị em có thể chống nghịch lại, và làm hết mọi sự để đứng vững.

14 Vậy, hãy đứng! Thắt lưng của các anh chị em trong lẽ thật, mặc lấy giáp của sự công chính,

15 chân được ràng buộc trong sự sẵn sàng của Tin Lành Bình An.

16 Trên hết mọi sự, lấy thuẫn của đức tin, nhờ đó các anh chị em có thể dập tắt được mọi tên lửa của kẻ dữ.

17 Hãy nhận mão của sự cứu rỗi và gươm của Đấng Thần Linh, là Lời phán của Thiên Chúa.

18 Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí! Hãy tỉnh thức về điều ấy, và với mọi sự kiên trì mà cầu thay cho tất cả thánh đồ.

Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai Ta như Ta đã thắng và ngồi với Cha Ta trên ngai Ngài: Đây là lời hứa của Chúa dành cho tất cả những ai đắc thắng thân thể xác thịt của mình, đắc thắng mọi cám dỗ, đắc thắng mọi thử thách. Những người như vậy xứng đáng được cùng Chúa cai trị trong vương quốc của Ngài. II Ti-mô-thê 2:12 chép:

“Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với Ngài. Nếu chúng ta chối bỏ Ngài thì Ngài cũng sẽ chối bỏ chúng ta.”

Như chúng ta đã biết, từ ngữ được dịch là thử thách trong câu này cũng có thể được dịch là cám dỗ. Cám dỗ là những gì loài người và ma quỷ làm ra để xúi giục chúng ta phạm tội. Thử thách là sự Đức Chúa Trời cho phép loài người và ma quỷ cám dỗ chúng ta để chúng ta có dịp bày tỏ đức tin của mình nơi Chúa và lòng yêu kính Chúa của mình. Thử thách cũng có thể là điều do chính Đức Chúa Trời trực tiếp làm ra. Để có thể thắng được cám dỗ và thử thách, chúng ta phải thắng được mọi ham muốn bất chính của xác thịt, phải cư xử với thân thể mình một cách nghiêm khắc, không chiều theo bất cứ một ham muốn bất chính nào, không đặt mình vào bất cứ một cơ hội có thể bị cám dỗ nào. Và, để thắng được thân thể xác thịt này, thì chúng ta phải hoàn toàn nhường cho Chúa làm chủ nó. Có như vậy, năng lực của Ngài mới tuôn đổ đầy tràn trong thân thể chúng ta, tức là, chúng ta được đầy dẫy thánh linh để có thể vừa muốn vừa làm theo ý tốt lành của Thiên Chúa (Phi-líp 2:13).

22 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh.

Cuối mỗi lá thư gửi cho từng Hội Thánh, vẫn là lời kêu gọi chung cho tất cả các Hội Thánh, cho từng con dân của Chúa: Ai sẵn lòng làm theo Lời Chúa, hãy làm theo mọi điều mình đã được nghe, là những điều Đức Thánh Linh đã phán chung cho tất cả các Hội Thánh địa phương trong mọi nơi, trong mọi lúc.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G2993

[2] http://www.hurriyetdailynews.com/ancient-city-of-laodicea-attracts-visitors-from-all-over-the-world.aspx?PageID=238&NID=59512&NewsCatID=375

[3] http://www.hurriyetdailynews.com/centuries-old-columns-unearthed-in-laodicea.aspx?pageID=238&nID=66061&NewsCatID=375

 

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.