044 Chú Giải Khải Huyền 14:08 Ba-bi-lôn Thuộc Thể và Ba-bi-lôn Thuộc Linh

5,970 views

YouTube: https://youtu.be/SoAMgvAsCg4

044 Chú Giải Khải Huyền 14:8
Ba-bi-lôn Thuộc Thể và Ba-bi-lôn Thuộc Linh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
044_ChuGiaiKhaiHuyen_14_8.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

“Tiếp theo, một thiên sứ khác truyền: Ba-bi-lôn thành lớn đã đổ xuống, đã đổ xuống vì nó làm cho mọi quốc gia uống rượu giận của sự tà dâm nó.” (Khải Huyền 14:8).

Tiếp theo Lời rao giảng Tin Lành của một thiên sứ cho muôn dân trên đất, thì một thiên sứ khác rao truyền về sự sụp đổ của Ba-bi-lôn (Babylon) thành lớn. Ba-bi-lôn thành lớn trong Khải Huyền là Ba-bi-lôn thuộc linh, là một hệ thống tôn giáo ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên đất, trong suốt dòng lịch sử của nhân loại.

“Rượu giận của sự tà dâm” là hình phạt từ Thiên Chúa giáng xuống trên mọi quốc gia vì mọi quốc gia đã tiếp nhận giáo lý của Ba-bi-lôn thuộc linh. Dân chúng của mọi quốc gia dưới sự ảnh hưởng của Ba-bi-lôn thuộc linh đã sống trong sự tà dâm thuộc thể lẫn thuộc linh. Tà dâm thuộc thể là sự thỏa mãn nhu cầu tính dục ngoài hôn nhân hoặc sử dụng các dụng cụ, tài liệu khiêu dâm trong quan hệ tính dục của vợ chồng. Tà dâm thuộc linh là sự thờ lạy hình tượng và thần tượng, kể cả sự một người thờ lạy những cái gọi là hình tượng của Chúa, hay tự thờ lạy chính mình qua thái độ, nếp sống xem mình là trên hết mọi sự.

Khải Huyền 17 dùng hình ảnh một gái điếm lớn, diêm dúa, trang sức đắt tiền, say rượu, để tiêu biểu cho hệ thống tôn giáo này. Tính từ “lớn” được dùng ở đây để chỉ sự lớn về chiều dài lịch sử, lớn về thế lực, lớn về sự gian ác, lớn về sự tà dâm thuộc thể lẫn thuộc linh, lớn về sự giàu có, xa hoa vật chất, lớn vì được nhiều người ưa chuộng… Trên trán của gái điếm lớn ấy có ghi một tên: “Huyền Nhiệm – Ba-bi-lôn Lớn – Mẹ Các Gái Điếm và Những Sự Gớm Ghiếc Trên Đất.” Chúng ta sẽ bàn đến chi tiết ý nghĩa của danh xưng này, khi chúng ta học đến Khải Huyền 17.

Để có thể hiểu đúng Lời Chúa, chúng ta cần phân biệt khi nào thì Thánh Kinh nói đến Ba-bi-lôn thuộc thể, khi nào thì Thánh Kinh nói đến Ba-bi-lôn thuộc linh, và khi nào thì Thánh Kinh cùng một lúc, nói đến cả hai: Ba-bi-lôn thuộc thể lẫn Ba-bi-lôn thuộc linh.

Ba-bi-lôn Thuộc Thể

Theo sử liệu thì tên nguyên thủy của Ba-bi-lôn là “Ba I-la-ni” (Bab Ilani) trong tiếng A-ca-đi-an (Akkadian). “Ba I-la-ni” có nghĩa là “Cổng Trời”. Tiếng A-ca-đi-an là ngôn ngữ thông dụng của đế quốc A-si-ri (Assyria) và Ba-bi-lôn thời cổ. Nim-rốt (Nimrod) là vua đầu tiên trong lịch sử loài người, cho xây dựng các thành phố và thiết lập vương quốc đầu tiên (Sáng Thế Ký 10:8-12). Vua Nim-rốt đặt tên cho thành phố thứ nhất trong vương quốc của ông là “Cổng Trời”, bởi vì, tại giữa thành phố, ông cho xây một cái tháp lớn, mong rằng tháp sẽ được xây cao đến tận trời. Việc làm này của Vua Nim-rốt chống nghịch lại mệnh lệnh của Thiên Chúa, rằng loài người phải phân tán khắp đất. Vì thế, Thiên Chúa đã ngự xuống nơi ấy, làm cho lộn xộn ngôn ngữ của loài người, khiến họ không còn hiểu được nhau, và phải bỏ dở công trình xây cất, mà phân tán đi khắp nơi trên đất (Sáng Thế Ký 11:1-9). Từ đó, Thánh Kinh gọi thành “Ba I-la-ni” là “Ba-bên”, có nghĩa là “lộn xộn”. Sự lộn xộn ở đây là do ngôn ngữ loài người bị pha trộn thành nhiều loại khác nhau. Danh từ “ba-bên” (H894) [1] lần đầu tiên xuất hiện trong Sáng Thế Ký 10:10.

Thành phố “Ba-bên” được xây dựng cách nay khoảng 4300 năm, sau khi Cơn Lụt Lớn kết thúc [2]. Đó là thành phố đầu tiên trong lịch sử loài người. Kể từ II Các Vua 17:24 thì “ba-bên” được các bản dịch Thánh Kinh phiên âm thành “Ba-bi-lôn” theo tiếng Hy-lạp. Có lẽ, để phù hợp với cách gọi thành phố này trong các bộ thế giới sử.

Thành phố Ba-bi-lôn, nằm trên một vùng đất phì nhiêu, bao gồm hai con sông Hi-đê-ke (Tigris) và Ơ-phơ-rát (Euphrates), cách thủ đô Bát-đa (Baghdad) của I-rắc (Iraq) khoảng 88,5 km về phía nam. Vùng đất này còn được gọi là vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia = vùng đất có hai con sông), thuộc miền Nam I-rắc ngày nay. Thành phố Ba-bi-lôn rộng khoảng 260 km2 (tương đương mỗi bề 16 km) được xây cất trên hai diện tích đất gần bằng nhau ở dọc hai bên bờ sông Ơ-phơ-rát, khiến cho sông này chảy ngang qua trung tâm thành phố. Ba-bi-lôn đã trải qua nhiều nỗi thăng trầm trong lịch sử, qua nhiều cuộc chiến tranh giữa các dân tộc và các đế quốc. Trong thời Tân Đế Quốc Ba-bi-lôn (626 TCN – 539 TCN), Hoàng Đế Nê-bu-cát-nết-sa đã cho xây dựng tại Ba-bi-lôn một vườn cây hoàn toàn được trồng trên một hệ thống cột trụ, gọi là Vườn Treo. Vườn Treo ấy đã là một trong bảy kỳ quan của thế giới thời cổ. Cũng chính đế quốc Ba-bi-lôn dưới thời Hoàng Đế Nê-bu-cát-nết-sa đã bắt dân I-sơ-ra-ên làm nô lệ suốt 70 năm (606 TCN – 536 TCN) và khiến dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn mất nước vào ngày 29 tháng 7 năm 587 TCN [2]. Mãi đến hơn 2500 năm sau, vào ngày 14 tháng 5 năm 1948 dân tộc I-sơ-ra-ên mới được tái lập quốc trên vùng đất mà Thiên Chúa đã ban cho họ.

Năm 539 TCN, đế quốc Ba-bi-lôn bị đế quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ thôn tính. Năm 330 TCN đế quốc Hy-lạp thôn tính Ba-bi-lôn. Năm 312 TCN Sê-leo-cút-xơ (Seleucus) một trong bốn cận tướng của A-lịch-sơn Đại Đế, tiếp thu Ba-bi-lôn và thành lập đế quốc Sê-lu-xít (Seleucid Empire). Năm 290 TCN, Hoàng Đế Sê-leo-cút-xơ cho xây dựng kinh đô mới của đế quốc Sê-lu-xít và cho phá thành Ba-bi-lôn để trưng dụng các vật liệu xây cất. Phần lớn Ba-bi-lôn bị phá hủy, thành phố gần như bị bỏ hoang sau khi hầu hết dân cư di chuyển đến kinh đô mới. Từ năm 141 TCN, thì Ba-bi-lôn trở nên hoang phế nhưng vẫn có khách lữ hành Ả-rập đóng trại nghỉ chân tại đó; bên trong và chung quanh thành phố vẫn có những làng mạc nhỏ bé tồn tại.

Vào năm 1985, Tổng Thống Saddam Hussein của I-rắc đã khởi công tái thiết Ba-bi-lôn. Sau khi Saddam Hussein bị truất phế, vào năm 2006 tư bản Mỹ và chính phủ I-rắc đã cùng nhau tiếp tục công việc tái thiết Ba-bi-lôn với mục đích biến nơi đây thành một khu bảo tàng văn minh vùng Mesopotamia và trung tâm du lịch quốc tế [3].

Ba-bi-lôn Thuộc Linh

Thánh Kinh không nói gì nhiều đến Ba-bi-lôn trong buổi đầu được hình thành, ngoài những điều đã được ghi chép trong Sáng Thế Ký 11:1-9. Nhưng một số tài liệu về lịch sử và tôn giáo dựa trên các bộ cổ sử của các quốc gia vùng Trung Đông, thì đề cập đến một hệ thống chiêm tinh, bói toán, tôn giáo thờ lạy tà thần, thờ lạy chính Nim-rốt (Nimrod), vợ của Nim-rốt là Sơ-mi-ra-mít (Semiramis), và con trai của họ là Tham-mu (Tammuz) [4], [5]. Sơ-mi-ra-mít được các dân vùng Trung Đông tôn làm Nữ Vương Trên Trời, được nhắc đến trong Giê-rê-mi 7:18; 44:17-25. Tham-mu được nhắc đến trong Ê-xê-chi-ên 8:14.

Sau khi Thiên Chúa làm cho ngôn ngữ của loài người bị xáo trộn, công việc xây dựng tháp Ba-bên bị thất bại, loài người tùy theo từng ngôn ngữ mà phân tán đi khắp đất. Trong hành trình phân tán đó, loài người đem tư tưởng chống nghịch Thiên Chúa, khuynh hướng bách hại con dân chân thật của Thiên Chúa, cùng sự thờ lạy thần tượng gieo rắc khắp nơi. Tư tưởng đó chính là tinh thần Ba-bi-lôn. Tinh thần Ba-bi-lôn thể hiện trong văn hoá, phong tục, và tôn giáo của loài người. Thành phố Ba-bi-lôn vì vậy được xem là hang ổ và là cái nôi của sự chống nghịch Thiên Chúa, thờ lạy hình tượng. Nghĩa là, trong buổi đầu lịch sử, Ba-bi-lôn vừa là nơi tập trung quyền lực chính trị của một đế quốc, vừa là nguồn gốc của sự thờ lạy tà thần, bách hại con dân Chúa.

Theo thời gian, Ba-bi-lôn thuộc thể bị bỏ hoang nhưng tinh thần của Ba-bi-lôn, tức Ba-bi-lôn thuộc linh thì di chuyển đến những nơi nào có sự phát triển mạnh mẽ của tôn giáo, nhất là những tôn giáo mang tính quốc giáo. Khải Huyền 2:13 gọi thành phố Bẹt-găm vào thế kỷ thứ nhất là nơi ngự của Sa-tan. Điều đó, giúp cho chúng ta hiểu, vào thời bấy giờ, Bẹt-găm là Ba-bi-lôn thuộc linh.

Từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ 20, Ba-bi-lôn thuộc linh là bất cứ thành phố nào được chọn làm chỗ đặt ngai cai trị của giáo hoàng Công Giáo. Bởi vì, giáo hội Công Giáo tự xưng là Hội Thánh của Chúa nhưng trong thực tế đã rao giảng tà giáo, xúi giục tín đồ thờ lạy hình tượng, cấm con dân Chúa không được đọc Thánh Kinh, đốt bỏ Thánh Kinh, và điều kinh khủng hơn hết là giáo hội Công Giáo cầm tù, tra tấn, cướp đoạt tài sản, và giết chết từ 50 triệu đến 150 triệu con dân chân thật của Chúa trong suốt khoảng thời gian gần một ngàn năm [6], mà lịch sử gọi là “Thời Kỳ Hôn Ám”. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, chưa có một tôn giáo nào giết hại con dân Chúa nhiều cho bằng giáo hội Công Giáo.

Vào năm 1929, quốc gia Va-ti-căng (Vatican) được thành lập làm chỗ ở và trung tâm quyền lực cho giáo hoàng Công Giáo. Từ đó, Va-ti-căng trở thành Ba-bi-lôn thuộc linh. Ba-bi-lôn thuộc linh đã bị lên án trong Khải Huyền 17 và lời tiên tri về sự hủy diệt của nó được ghi lại trong Khải Huyền 18. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết các đặc tính của Ba-bi-lôn thuộc linh trong phần chú giải Khải Huyền 17 và 18.

Chắc chắn là Ba-bi-lôn thuộc thể tại I-rắc không phải là Ba-bi-lôn thuộc linh được tiên tri trong Khải Huyền. Trong khi Ba-bi-lôn thuộc thể không ở gần biển, không được xây dựng trên bảy ngọn núi, thì Ba-bi-lôn thuộc linh là Va-ti-căng có thương cảng trù phú và được xây dựng trên bảy ngọn núi [7].

Ba-bi-lôn Thuộc Thể Sẽ Hủy Diệt Ba-bi-lôn Thuộc Linh

Mặc dù trong buổi ban đầu Ba-bi-lôn thuộc thể và Ba-bi-lôn thuộc linh là một khi Vua Nim-rốt cho xây dựng thành phố và tháp Ba-bên; nhưng theo thời gian, Ba-bi-lôn thuộc thể trở thành hoang tàn, đổ nát, còn Ba-bi-lôn thuộc linh thì di chuyển đến những thành phố nào có sự tập trung quyền lực của tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo tôn xưng loài thọ tạo là Đức Chúa Trời và bách hại con dân chân thật của Thiên Chúa. Vì thế, cổ thành Ba-bi-lôn thuộc thể hay Ba-bi-lôn được tái thiết khác với Ba-bi-lôn thuộc linh được tiên tri trong Khải Huyền.

Nói cách khác, Ba-bi-lôn thuộc thể lúc nào cũng ở tại I-rắc nhưng Ba-bi-lôn thuộc linh thì luôn di chuyển đến những trung tâm quyền lực tôn giáo trên thế giới. Thuở ban đầu, Ba-bi-lôn thuộc thể và Ba-bi-lôn thuộc linh là một, nhưng theo thời gian, Ba-bi-lôn thuộc linh tách rời Ba-bi-lôn thuộc thể. Trong những ngày cuối cùng của lịch sử loài người tự trị, thì Ba-bi-lôn thuộc thể sẽ hồi sinh từ trong hoang tàn, đổ nát, cầm quyền toàn thế gian, và tiêu diệt trụ sở vật chất của Ba-bi-lôn thuộc linh. Liền sau đó, tinh thần Ba-bi-lôn trở về với Ba-bi-lôn thuộc thể, và cả hai hiệp một như thuở ban đầu, tôn thờ AntiChrist và Sa-tan.

Rất có thể, trong một tương lai rất gần, Ba-bi-lôn thuộc thể sẽ được tiếp tục tái thiết để trở thành thủ phủ chính quyền toàn cầu của AntiChrist. Trước hết sẽ là sự di chuyển trụ sở Liên Hiệp Quốc về Ba-bi-lôn, kế tiếp là sự lên ngai cầm quyền của AntiChrist và mười vua. Rồi, vào khoảng giữa của bảy năm đại nạn, Ba-bi-lôn thuộc thể sẽ tiêu diệt Ba-bi-lôn thuộc linh bằng một đầu đạn nguyên tử.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H894

[2] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=49

[3] http://english.timhieutinlanh.net/?p=238

[4] John F. Walvoord và Roy B. Zuck, “Revelation”, Bible Knowledge Commentary, Wheaton, Ill: Victor Books, quyển 2, trang 970-971, (1993).

[5] Tim Lahaye, “Revelation Unveiled”, Zondervan Publishing House, trang 266-267, (1999).

[6] “Estimates of the Number Killed by the Papacy”:
https://www.opendrive.com/files?MV82MzI2MTQxNV9MNHBvZA

[7] http://www.thebereancall.org/content/city-seven-hills

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/