055 Chú Giải Khải Huyền 20:11-15 Sự Phán Xét Chung Cuộc

6,865 views

YouTube: https://youtu.be/I3BsTWYw6j8

055 Chú Giải Khải Huyền 20:11-15
Sự Phán Xét Chung Cuộc

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
055_ChuGiaiKhaiHuyen_20_11-15.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 20:11-15

11 Rồi, tôi đã thấy một ngai trắng, lớn, và Đấng ngự trên nó. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng.

12 Tôi đã thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách được mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét bởi những việc đã được ghi lại trong những sách ấy, tùy theo những việc làm của họ. 

13 Biển đã trao ra những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã trao ra những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc làm của họ.

14 Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì.

15 Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa.

Năm câu cuối cùng trong Khải Huyền 20 nói lên một lẽ thật đáng sợ mà mỗi một người cần để dành thời gian, để suy ngẫm ý nghĩa trọng đại của lẽ thật ấy. Đó là: Tất cả những ai không ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì sẽ bị phán xét về mỗi một tội lỗi, tức mỗi một điều nghịch lại luật pháp của Thiên Chúa, mà họ đã làm ra trong suốt thời gian sống trong thân thể xác thịt.

Mỗi tội lỗi sẽ bị hình phạt một cách xứng đáng, tùy theo sự kết quả của tội ấy. Sẽ có người nhiều tội, người ít tội, nhưng không có ai mà không phạm tội.

Bên cạnh hình phạt dành cho mỗi tội thì có một hình phạt chung. Đó là: mỗi một người có tội, dù chỉ phạm mỗi một tội là không thờ phượng Thiên Chúa, thì phải bị đời đời xa cách Thiên Chúa. Trước sự phán xét của Thiên Chúa sẽ không có một người nào có thể bào chữa. Lời Chúa trong Rô-ma 1:18-32 đã nói rất rõ, không một người nào mà trong lòng của họ không có sự hiểu biết về Ngài. Không một dân tộc nào mà không có một danh từ riêng để gọi một Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối và nhận biết Ngài là Đấng thưởng thiện phạt ác.

18 Cơn giận của Thiên Chúa từ trên trời tỏ ra nghịch lại mọi sự không tin kính và mọi sự không công chính của những người dùng sự không công chính mà đè nén lẽ thật.

19 Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ

20 những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính còn mãi của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.

21 Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm vinh hiển Ngài như Thiên Chúa, và không tạ ơn Ngài nữa; nhưng cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.

22 Họ tự xưng mình là khôn sáng, mà trở nên ngu dại;

23 họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.

24 Cho nên, Đức Chúa Trời đã phó họ rơi vào sự ô uế theo lòng tham muốn mình, đến nỗi tự làm nhục thân thể mình nữa,

25 vì họ đã đổi lẽ thật của Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và phụng sự loài được dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng tôn vinh cho đến vĩnh cửu! A-men.

26 Ấy vì cớ đó mà Đức Chúa Trời đã phó họ cho sự tình dục xấu hổ; vì trong vòng họ, những người đàn bà đã đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với tính tự nhiên.

27 Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người này với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo trả xứng với điều lầm lỗi của mình.

28 Tại họ không xem xét để giữ lấy Đức Chúa Trời trong sự tri thức của họ, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, để phạm những sự chẳng xứng đáng.

29 Họ đầy dẫy mọi sự: không công chính, tà dâm, ý xấu, tham lam, ác dữ; chan chứa những điều ganh ghét, giết người, cãi lẫy, gian trá, thói xấu, nói lén;

30 gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ;

31 dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót.

32 Họ là những kẻ biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời rằng, những kẻ làm ra các sự ấy là đáng chết; thế mà, chẳng những họ tự làm, họ còn vui thú với những kẻ làm các sự ấy.

Một khi đã bị xa cách Thiên Chúa thì không còn cơ hội để kêu cầu Ngài, để nhận sự thương xót và cứu rỗi của Ngài. Thánh Kinh chép:

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

“Họ” là nhân xưng đại danh từ gọi chung tất cả những người không thờ phượng Thiên Chúa, không ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, như đã giải thích trong II Tê-sa-lô-ni-ca 1:8 “…những kẻ chẳng nhận biết Thiên Chúa và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.”

“Hình phạt” là hậu quả đương nhiên của sự vi phạm luật pháp của Thiên Chúa.

“Hư mất” là hình thức của hình phạt. Từ ngữ “hư mất” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “olethros” /ô-lê-rót/ [1], có nghĩa là: bị bỏ hoang trong tình trạng đổ nát; bị phá hủy; bị chết. Cả ba ý nghĩa này đều thích hợp để nói lên tình trạng của những người nhận lãnh hình phạt chung cuộc từ Thiên Chúa:

  • Họ bị Thiên Chúa bỏ mặc trong tình trạng đổ nát. Không bao giờ có cơ hội được Thiên Chúa phục hồi.
  • Họ bị ở trong tình trạng đổ nát vì họ bị lửa của hỏa ngục tàn phá.
  • Họ bị chết sự chết thứ hai, tức là bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

Sự chết trong Thánh Kinh không bao giờ mang ý nghĩa trở thành hư không, không còn thực hữu. Sự chết trong Thánh Kinh chỉ có ý nghĩa là bị phân rẽ. Sự chết thứ nhất là linh hồn bị phân rẽ khỏi thể xác (thân thể vật chất – flesh) và thể thần (tâm thần, thân thể thiêng liêng – spirit). Đối với một người không thuộc về Chúa, khi sự chết thứ nhất xảy ra, thì: tâm thần về lại cùng Thiên Chúa; thể xác về cùng bụi đất; linh hồn (bản ngã của mỗi người – soul) bị tạm giam trong âm phủ, chờ ngày thể xác sống lại, để ra trước tòa phán xét của Thiên Chúa. Sự chết thứ nhì xảy ra đối với họ, có quyền trên họ, là khi linh hồn và thể xác phục sinh của họ bị nhốt đời đời trong hỏa ngục, hoàn toàn và mãi mãi bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

“Mãi” là thời gian bị hình phạt. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là từ thời đại này sang thời đại khác, là mãi mãi không kết thúc.

“Xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài” là hậu quả của sự bị hình phạt. Một khi đã nhận lãnh hình phạt chung cuộc thì họ sẽ không bao giờ còn có cơ hội được ra khỏi hình phạt ấy. Họ bị đời đời xa cách mặt Chúa nên họ không có cơ hội kêu cầu, van xin. Họ bị đời đời xa cách sự vinh quang của sức mạnh Ngài nên họ không thể nhận được ơn cứu rỗi hay bất cứ một ơn phước nào từ nơi Chúa, để làm giảm bớt sự đau khổ của họ.

Ngày nay, có nhiều người không chịu nổi sự đau khổ nào đó trong cuộc sống, nên tự sát. Họ nghĩ rằng, sau khi chết thì không còn đau khổ. Tuy nhiên, Thánh Kinh cho chúng ta biết, đối với những người không thuộc về Chúa, thì sau khi chết, đau khổ vẫn còn, sẽ liên tục suốt ngày đêm và còn đến đời đời:

“Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.” (Khải Huyền 20:10b).

Có một điều lạ lùng là: Hầu như mọi người đều chuẩn bị cho tương lai trong cuộc đời này; nhưng ít người chuẩn bị cho tương lai sau cuộc đời này. Ai nấy biết và chứng kiến định luật: “gieo gì gặt nấy”; nhưng ít có ai quan tâm đến những gì họ sẽ gặt khi họ gieo ra những việc làm tội lỗi. Ai nấy biết phải có một Đấng Tạo Hóa dựng nên muôn loài vạn vật, đặt để ý thức đạo đức vào trong mỗi một người, và buộc mỗi người phải trách nhiệm về mọi ý nghĩ, lời nói, thái độ, việc làm; nhưng ít người biết tìm kiếm và tôn thờ Đấng ấy. Kể cả rất nhiều người tự xưng nhận rằng họ biết và tin Thánh Kinh, tôn thờ Đấng Tạo Hóa được nói đến trong Thánh Kinh. Những người ấy chỉ là những người nói dối, vì họ không thật lòng ăn năn tội và vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa (I Giăng 2:4). Họ chỉ khoác lên cho mình một cái áo tôn giáo, gọi là đạo Công Giáo hoặc đạo Tin Lành. Chưa bao giờ những lời phán sau đây của Đức Chúa Jesus Christ, lại có thể áp dụng một cách chính xác cho hơn hai tỉ người như ngày hôm nay:

“Sao các ngươi gọi Ta: Chúa! Chúa! Mà không làm theo những gì Ta phán?” (Lu-ca 6:46).

Ma-thi-ơ 7:21-27

21 Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.

22 Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao?

23 Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.

24 Vậy, bất cứ ai nghe những lời phán này của Ta và làm theo chúng, thì người ấy sẽ giống như một người khôn sáng, là người xây nhà của mình trên vầng đá.

25 Mưa lớn sa xuống, nước lụt đến, cuồng phong thổi, xô động nhà ấy, nhưng nó không sụp đổ, vì nền đã được đặt trên vầng đá.

26 Ai nghe những lời phán này của Ta mà không làm theo chúng, thì người ấy sẽ giống như một người dại, là người xây nhà của mình trên cát.

27 Mưa lớn sa xuống, nước lụt đến, cuồng phong thổi, xô động nhà ấy, thì nó sụp đổ và sự sụp đổ của nó là lớn.

Tất cả chúng ta, những người đã nhận biết lẽ thật của Lời Chúa, hãy đứng vững trong đức tin cho đến cuối cùng. Hãy hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Đó là ý muốn của Cha chúng ta ở trên trời. Hãy mạnh dạn vứt bỏ tất cả những gì không đúng với Thánh Kinh mà chỉ là truyền thống, nghi thức, tư tưởng Thần học, và chức vụ của các giáo hội.

Con dân Chúa trong thời Đại Nạn cần phải ra khỏi Ba-bi-lôn Lớn (Va-ti-căng); còn con dân Chúa trong thời hiện tại cần phải ra khỏi các Ba-bi-lôn nhỏ, tức là các giáo hội mang danh Chúa nhưng không vâng giữ Lời Chúa, là những gái điếm thuộc linh ra từ Ba-bi-lôn Lớn.

Chúng ta hãy là những người sẽ ngồi trên những ngai để phán xét, đừng trở thành những kẻ bị phán xét trong ngày chung cuộc.

11 Rồi, tôi đã thấy một ngai trắng, lớn, và Đấng ngự trên nó. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng.

Đấng ngự trên ngai chính là Ngôi Lời trong thân xác phục sinh của loài người, là Đức Chúa Jesus Christ. Chính thân thể xác thịt từng bị loài người đóng đinh cho đến chết đó, ngồi trên ngai phán xét với danh xưng Đức Chúa Trời là danh mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài:

“Nhưng về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời! Ngai của Ngài còn tới đời đời. Vương trượng công chính là vương trượng của vương quyền Ngài. Ngài yêu sự công chính và Ngài ghét sự phạm pháp. Bởi cớ ấy, hỡi Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời của Ngài xức dầu cho Ngài với dầu vui mừng, bên cạnh những người cùng dự phần của Ngài.” (Hê-bơ-rơ 1:8-9).

Chúng ta cần nhận rõ lẽ thật này: Ngôi Lời là Thiên Chúa. Giăng 1:1 đã khẳng định như vậy. Nhưng thân thể xác thịt của Đấng Christ hoàn toàn là loài người. Vì thế, Đức Chúa Trời đã ban cho thân thể xác thịt ấy danh hiệu Đức Chúa Trời, để chính thân thể xác thịt ấy toàn quyền hành động như Đức Chúa Trời.

Danh xưng Đức Chúa Trời là danh xưng được dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Một, để chỉ về thân vị của Đức Cha. Nhưng khi danh xưng Đức Chúa Trời được dùng để gọi Đức Con, thì không chỉ về thân vị của Đức Cha hay thân vị của Đức Con, mà chỉ về uy quyền tối thượng của Đức Con trong thân xác loài người là ngang hàng với Thiên Chúa. Thân xác loài người ấy cai trị như Đức Chúa Trời cai trị, phán xét như Đức Chúa Trời phán xét, và được thờ phượng như Đức Chúa Trời được thờ phượng. Đó là lý do vì sao danh xưng Đức Chúa Trời được ban cho con người xác thịt Jesus.

Chính mệnh đề: “bên cạnh những người cùng dự phần của Ngài” trong Hê-bơ-rơ 1:9 đã cho chúng ta biết rõ, danh xưng Đức Chúa Trời được ban cho con người xác thịt của Ngôi Lời. Từ ngữ “những người cùng dự phần” là chỉ về loài người và xác chứng thân thể xác thịt của Ngôi Lời hoàn toàn là người.

“Ngai trắng, lớn”: Màu trắng tiêu biểu cho sự thánh khiết lẫn sự công chính. Sự thánh khiết của Đức Chúa Jesus Christ không chấp nhận bất cứ một tội lỗi nào. Sự công chính của Đức Chúa Jesus Christ hình phạt mỗi một tội lỗi. Tính từ “lớn” nói đến thẩm quyền phán xét tuyệt đối của Đức Chúa Jesus Christ. Án lệnh Ngài ban ra là chung kết.

“Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng”: Vào thời điểm sự phán xét chung cuộc bắt đầu, thì trời cũ đất cũ của thế giới vật chất này sẽ qua đi. II Phi-e-rơ 3:10-14 có nói đến ngày mà vũ trụ vật chất sẽ bị nổ tung, thiêu đốt, và tan biến; rồi Chúa dựng lại trời mới đất mới:

10 Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.

11 Vì mọi vật này đều phải tiêu tan thì các anh chị em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào,

12 trong khi trông mong cho ngày của Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các tầng trời sẽ bị đốt mà tiêu tan, các thể chất sẽ bị cháy mà tan chảy!

13 Tuy nhiên, theo lời hứa của Chúa, chúng ta trông mong các tầng trời mới và đất mới, là nơi sự công chính cư ngụ.

14 Vậy nên, hỡi những người yêu dấu! Vì các anh chị em trông đợi những sự đó, thì phải sốt sắng để Ngài thấy các anh chị em được bình an, không tì, không vết.

Ngày phán xét chung cuộc cũng là một ngày bất ngờ. Không ai biết trước ngày giờ nào Đức Chúa Jesus Christ sẽ khởi sự thi hành cuộc phán xét ấy. Chúng ta biết Đức Chúa Jesus Christ sẽ cai trị Vương Quốc Ngàn Năm trên đất; và cuối thời kỳ ấy là trận chiến cuối cùng thiện chống ác và thắng ác trong lịch sử của toàn vũ trụ. Điều chúng ta không biết là sau khi trận chiến kết thúc, thì Đức Chúa Jesus Christ sẽ chuẩn bị muôn dân trên đất như thế nào, trong thời gian bao lâu, để đưa họ ra khỏi thế giới vật chất, vào trong thế giới thiêng liêng, vào trong thiên đàng, để Ngài thiêu hủy toàn thể vũ trụ vật chất.

Ngày mà cả vũ trụ vật chất bị thiêu hủy là ngày khởi đầu cho sự phán xét chung cuộc của Đức Chúa Trời. Từ ngữ “sự phán xét của Đức Chúa Trời” bao gồm các ý nghĩa sau: Đó là thánh ý của Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời, tức Đức Cha, bởi hành động của Thiên Chúa trong thân vị loài người, tức Đức Con, trong danh xưng Đức Chúa Trời. Và, chắc chắn đó là năng lực của Thiên Chúa được thể hiện qua thân vị Đấng Thần Linh.

Từ ngữ “các tầng trời” là chỉ về tầng trời thứ nhất, tức là bầu khí quyển của địa cầu, và tầng trời thứ nhì là khoảng không gian bao la của vũ trụ với hàng tỉ tỉ thiên hà.

Tiếng “vang rầm” có lẽ là tiếng nổ lớn của toàn vũ trụ, khiến cho mọi thể chất đều cháy tan. Rồi, trời mới đất mới sẽ hiện ra theo lời phán của Đức Chúa Jesus Christ. Tuy nhiên, giữa khoảng thời gian từ khi trời cũ đất cũ qua đi cho đến khi trời mới đất mới xuất hiện, thì sự phán xét chung cuộc được thi hành.

12 Tôi đã thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách được mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét bởi những việc đã được ghi lại trong những sách ấy, tùy theo những việc làm của họ. 

Như đã nói ở trên, những kẻ chết sẽ bị phán xét bởi Đức Chúa Jesus Christ trong danh Đức Chúa Trời, cho nên, “đứng trước Đức Chúa Trời” có nghĩa là đứng trước Đấng mang danh Đức Chúa Trời để phán xét họ. Từ ngữ “những kẻ chết” hàm ý những kẻ đã trải qua sự chết thuộc thể lẫn sự chết thuộc linh. Trái ngược với con dân Chúa, là những người dù phải trải qua sự chết thuộc thể, nhưng được sống trong thuộc linh. Một lần nữa, chúng ta cần ghi nhớ. Từ ngữ “sự chết” trong Thánh Kinh nói đến sự phân rẽ chứ không nói đến sự không còn thực hữu. Những kẻ chết là những kẻ bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, nhưng họ vẫn thực hữu và sẽ nhận lãnh hình phạt bị giam trong hỏa ngục, đời đời phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

Từ ngữ “nhỏ lẫn lớn” vừa có ý nói về nhỏ lớn trong tuổi tác nhưng cũng nói đến nhỏ lớn trong cá tính, trong địa vị, giai cấp xã hội.

“Những sách được mở ra”: là những sách ghi chép mọi việc làm của mỗi người. Chúng ta không biết rõ những sách này có hình dạng như thế nào, làm bằng chất liệu gì, do ai ghi chép… nhưng chúng ta có thể tin rằng, những sách ấy rất có thể không phải chỉ ghi chép lại sự việc bằng chữ viết, mà còn là bằng hình ảnh và cả cảm xúc của mỗi người trong mỗi việc họ làm ra. Sự phán xét của Đức Chúa Jesus Christ sẽ dựa trên nội dung ghi chép của những sách ấy.

Ở đây, Lời Chúa nói rõ: “Những kẻ chết bị phán xét bởi những việc đã được ghi lại trong những sách ấy, tùy theo những việc làm của họ.” Vì thế, chúng ta phải hiểu rằng, mỗi việc làm của mỗi người, dù tốt hay xấu, đều sẽ được Đức Chúa Jesus Christ phán xét một cách công chính. Việc lành phát xuất từ lòng tốt sẽ được ban thưởng, như trường hợp một người động lòng thương xót, cho con dân Chúa uống một chén nước:

“Và, bất cứ ai sẽ cho một người trong những người nhỏ này chỉ uống một chén nước lạnh, trong danh của một môn đồ, Ta nói với các ngươi, thật, người ấy sẽ không mất phần thưởng của mình.” (Ma-thi-ơ 10:42).

Nhưng việc ác, cho dù chỉ là một lời nói, cũng sẽ bị hình phạt thích đáng:

“Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét. Vì bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ được xưng là công chính, cũng bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ bị án phạt.” (Ma-thi-ơ 12:36-37).

Sách Sự Sống cũng được mở ra trong cuộc phán xét chung thẩm. Chắc chắn là có những người không bao giờ tên của họ được ghi trong Sách Sự Sống, vì họ chỉ muốn sống theo ý riêng, bất chấp luật pháp của Thiên Chúa. Nhưng cũng có những người được ghi tên trong Sách Sự Sống, vì họ từng thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Tuy nhiên, họ đã không trung tín cho đến chết. Lời Chúa nói về họ trong Ma-thi-ơ 13:18-22, như sau:

18 Ấy vậy, các ngươi hãy nghe nghĩa ví dụ về kẻ gieo giống là gì.

19 Người nào nghe Lời của Vương Quốc Trời mà không hiểu, thì kẻ dữ đến và giựt đi điều đã gieo trong lòng của người ấy. Ấy là hạt giống được gieo ra bên lối đi.

20 Hạt giống gieo nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe Lời rao giảng, liền vui mừng nhận lấy;

21 nhưng trong lòng không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì Lời mà gặp sự cực khổ, sự bách hại, thì liền vấp phạm.

22 Hạt giống gieo giữa bụi gai, tức là kẻ nghe Lời rao giảng mà sự lo lắng về đời này và sự dối gạt của sự giàu có làm cho nghẹt ngòi Lời; và kẻ ấy thành ra không kết quả.

Sách Sự Sống mở ra để cho nhiều người thấy rằng: Tên của họ hoàn toàn không được ghi trong đó. Đối với nhiều người khác thì họ thấy rằng: Tên của họ đã được ghi trong đó, nhưng cũng đã bị xóa, khi họ từ bỏ đức tin nơi Chúa. Cả hai trường hợp đều để cho họ biết rằng, họ không có phần về sự sống.

13 Biển đã trao ra những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã trao ra những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc làm của họ.

Trong suốt dòng lịch sử sự chết của nhân loại, có những người thân xác bị tan rã trong biển, có những người thân xác bị tan rã trên mặt đất hay trong lòng đất. Từ ngữ âm phủ mang hai nghĩa: nghĩa thuộc thể là mồ mả chôn cất xác chết, nghĩa thuộc linh là nơi tạm giam linh hồn của những người chết không thuộc về Chúa. Trước ngày phán xét chung cuộc, lòng biển, mặt đất, và lòng đất sẽ giao trả các nguyên tố hóa học đã tạo nên thân thể của những người đã chết. Sự chết mất đi quyền lực của nó, nên thân thể của mỗi người sẽ sống lại, kết hợp với linh hồn, ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Jesus Christ.

Cuộc phán xét chung cuộc xảy ra khi thế giới vật chất bao gồm các tầng trời và đất đã bị tiêu tan. Mọi thể vật chất đã bị cháy tan thành những nguyên tố hóa học. Những người không thuộc về Chúa, trong thân thể phục sinh siêu nhiên, ứng hầu trước mặt Đức Chúa Jesus Christ. Rất có thể, trong thân thể phục sinh đó, họ xinh đẹp và vinh quang như A-đam cùng Ê-va lúc vừa được Thiên Chúa sáng tạo, vì mỗi người đều được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa. Họ sẽ đón nhận phần thưởng cho các việc làm công chính của họ, làm gia tăng sự vinh quang, xinh đẹp của họ. Nhưng khi những việc làm tội lỗi của họ bị phán xét, thì thân thể phục sinh của họ sẽ mất dần vinh quang, trở nên xấu xí, biến dạng dần… Sau cùng, họ bị giam vào trong hỏa ngục, chịu khổ ngày đêm trong lửa, với những mức độ đau đớn khác nhau, tùy theo mỗi bản án dành cho mỗi việc làm tội lỗi của họ, cho đến đời đời. Họ chỉ có thể khóc lóc và nghiến răng.

Sự phán xét của Đức Chúa Jesus Christ sẽ hoàn toàn khác xa với tất cả những sự phán xét trong các toà án của loài người. Đối với tòa án loài người, một người giết một người và một người giết 1000 người, có thể cùng lãnh bản án tử hình như nhau. Nhưng trong sự phán xét của Đức Chúa Jesus Christ, Ngài sẽ xét đến hậu quả của từng tội lỗi của mỗi người. Một lời nói dối tưởng chừng không hại ai, nhưng có thể khiến cho một người tự sát. Một lời nói khích có thể khiến cho một thiếu niên trở thành một tội phạm cướp của giết người. Hành động giết chết một người có thể tác hại đến nhiều thế hệ trong gia đình của người ấy.

Một lời nói hay việc làm tội lỗi cũng như một lời nói hay việc làm lành có ảnh hưởng lâu dài đến nhiều người và nhiều thế hệ, nhiều khi sự ảnh hưởng ấy vẫn tiếp diễn luôn cho đến khi lịch sử tự trị của loài người kết thúc. Cuốn sách Binh Pháp của Tôn Tử được viết ra từ năm 512 TCN, đến nay đã hơn 2500 năm, những ý tưởng trong sách ấy vẫn được lưu truyền và áp dụng trong chiến tranh, kinh tế, chính trị, và giao tiếp xã hội… Vì thế, cần phải chờ cho đến khi mọi hậu quả của mọi việc làm của loài người chấm dứt thì sự phán xét mới đầy đủ và công chính.

14 Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì.

15 Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa.

Sự chết là sự bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Âm phủ là nơi ở của những linh hồn bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Cả hai đều bị ném vào hỏa ngục và ở lại trong đó. Vì thế, tất cả những ai không có sự sống, nhưng ở dưới quyền của sự chết, cư trú trong âm phủ, thì đương nhiên sẽ bị ném vào hỏa ngục.

Hỏa ngục không thuộc về thế giới vật chất của chúng ta. Bởi vì, khi các tầng trời và đất bị nổ tung, và cháy tan, thì hỏa ngục vẫn còn đó. Hỏa ngục là một nơi chốn thuộc linh như thiên đàng. Chúng ta có thể tạm hình dung ra, tầng thứ nhất là tầng trời thứ ba, nơi có thiên đàng, tức nơi Thiên Chúa ngự; tầng thứ nhì là thế giới vật chất, tức vũ trụ của chúng ta; tầng thứ ba là hỏa ngục.

Trong Khải Huyền 19:20 ghi lại sự kiện AntiChrist và Tiên Tri Giả đang còn sống, bị Đức Chúa Jesus Christ ném vào trong hỏa ngục. Chúng ta có thể hiểu rằng, thân thể xác thịt của họ sẽ bị cháy tan trong lửa của hỏa ngục, và linh hồn của họ phải chịu khổ trong hỏa ngục suốt một ngàn năm, trước khi Sa-tan cũng bị ném vào hỏa ngục chung với họ (Khải Huyền 20:10).

Trong ngày phán xét chung cuộc, thân thể xác thịt của AntiChrist và Tiên Tri Giả cũng sẽ được phục sinh, và họ cũng sẽ ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Jesus Christ. Vì:

“Theo như đã định cho loài người: Chết một lần, sau đó là sự phán xét.” (Hê-bơ-rơ 9:27).

Ngoại trừ những người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, sống theo lời dạy của Ngài, và trung tín cho đến chết:

“Cho nên, hiện nay chẳng có án phạt cho những người ở trong Đấng Christ Jesus…” (Rô-ma 8:1).

Ở trong Đấng Christ Jesus là ở trong sự thánh khiết, không phạm tội. Ngày nay, nhiều người tưởng rằng họ mở miệng cầu nguyện tin nhận Chúa, chịu báp-tem, đi nhà thờ, siêng năng làm các nghi thức trong các giáo hội, sốt sắng dâng hiến tiền bạc, đóng góp thời gian và công sức vào trong các hoạt động tôn giáo, thì họ ở trong Đấng Christ Jesus. Vì thế, họ vẫn sống trong các thú vui tội lỗi và cho rằng, chẳng còn có án phạt nào dành cho họ. Những người ấy, một ngày kia sẽ ngạc nhiên khi thấy mình bị ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G3639

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/