060 Cây Vả I-sơ-ra-ên: Điềm Chúa Đến

10,930 views

060 Cây Vả I-sơ-ra-ên: Điềm Chúa Đến

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
060_CayVaIsoraen.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

 

“Hãy học ngụ ngôn về cây vả. Khi nhánh của nó còn non, lá mới đâm, thì các ngươi biết, mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng, sự ấy là gần, ngay trước các cửa. [Sự ấy tức là sự Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất. Một số bản dịch Anh ngữ dịch rằng: Ngài đã gần, ngay trước các cửa!] Thật! Ta nói với các ngươi, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi điều ấy được ứng nghiệm!” (Ma-thi-ơ 24:32-34).

Dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa tái lập quốc vào ngày Thứ Sáu 14 tháng 5 năm 1948. Đó là ngày tuyên ngôn độc lập của quốc gia I-sơ-ra-ên, và lập tức cường quốc đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ đã lên tiếng công nhận tư cách quốc gia của I-sơ-ra-ên trong cùng một ngày. Một chi tiết đáng chú ý: Thiên Chúa dựng nên loài người vào ngày Thứ Sáu và Thiên Chúa tái lập quốc I-sơ-ra-ên vào ngày Thứ Sáu.

Ngày 14 tháng 5 năm 1948 nhằm ngày 5 tháng 2 (tháng Iyyar) năm 5708 theo Lịch Do-thái. Hàng năm, dân I-sơ-ra-ên tổ chức Lễ Mừng Độc Lập theo Lịch Do-thái thay vì theo Dương Lịch. Nếu ngày 5 tháng 2 theo Lịch Do-thái rơi vào Thứ Sáu hay Thứ Bảy, thì Lễ Mừng Độc Lập được kỷ niệm vào ngày Thứ Năm trước đó. Năm nay, 2015, Lễ Mừng Độc Lập của I-sơ-ra-ên được kỷ niệm vào Thứ Năm 23 tháng 4 Dương Lịch; bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn ngày Thứ Tư 22 tháng 4 và kết thúc khi mặt trời lặn vào ngày Thứ Năm 23 tháng 4.

Nhân dịp đất nước I-sơ-ra-ên vui mừng kỷ niệm 67 năm ngày tuyên bố độc lập, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại ý nghĩa lời phán của Đức Chúa Jesus Christ, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 24:32-34. Vì đây là lời tiên tri liên quan đến đất nước I-sơ-ra-ên và Hội Thánh, liên quan đến thời điểm Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, liên quan đến sự trông cậy hạnh phước của mỗi con dân chân thật của Chúa, như đã được chép trong Tít 2:12-14:

12 dạy cho chúng ta rằng: Hãy chối bỏ sự không tin kính và những sự tham muốn của thế gian. Chúng ta nên sống cách tỉnh táo, công chính, và tin kính trong đời này,

13 chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ,

14 Đấng ban chính mình Ngài cho chúng ta, để chuộc chúng ta ra khỏi mọi sự vi phạm luật pháp, và làm tinh sạch cho chính Ngài một dân thuộc về Ngài, sốt sắng về những việc lành.

Hội Thánh của Chúa đang trông cậy ngày được đón nhận sự sống lại và sự sống đời đời từ Đức Chúa Jesus Christ, là lúc Đức Chúa Jesus Christ hiện ra giữa chốn không trung, để ban thưởng cho Hội Thánh và đem Hội Thánh vào trong thiên đàng với Ngài. Chúng ta hãy chú ý câu thứ 13, Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Phao-lô, đã gọi Đức Chúa Jesus Christ là “Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta!” Những ai theo tà giáo, không tin nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, thì sẽ không có phần trong Hội Thánh của Ngài. Không có phần trong Hội Thánh của Ngài thì sẽ không được cất lên cùng Hội Thánh. Họ sẽ bị bỏ lại vì đã tin theo tà giáo, phạm thượng Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh. Nếu họ ăn năn thì họ phải chịu khổ trong Kỳ Đại Nạn và phải trung tín cho đến chết hoặc cho đến khi Chúa tái lâm, thì họ mới được cứu.

Trước hết, chúng ta hãy lướt qua vài nét chính về lịch sử của dân I-sơ-ra-ên [1].

Dân I-sơ-ra-ên là dòng dõi của Áp-ra-ham, được Chúa giải cứu khỏi ách nô lệ của dân Ê-díp-tô, lập thành một quốc gia, và ban cho vùng đất hứa Ca-na-an (Palestine ngày nay [2]) làm lãnh thổ cho đến đời đời. Gọi là đất hứa Ca-na-an, vì vùng đất Ca-na-an được Chúa hứa với Áp-ra-ham là sẽ ban cho ông và dòng dõi của ông (Sáng Thế Ký 17:8). Dân I-sơ-ra-ên bước chân vào đất hứa Ca-na-an vào năm 1406 TCN, sau 40 năm bị phạt lang thang trong đồng vắng vì bội nghịch Chúa.

Ngày dân I-sơ-ra-ên đặt chân vào đất hứa là ngày 10 tháng 1 năm 2355 theo Lịch Do-thái, nhằm ngày 29 tháng 3 năm 1406 TCN theo Lịch Julian. Tiếp theo đó là các chiến công đánh đuổi bảy dân tộc của xứ Ca-na-an và sự phân chia lãnh thổ cho 12 chi phái I-sơ-ra-ên.

Từ năm 1050 TCN cho đến năm 930 TCN, dân I-sơ-ra-ên trải qua 120 năm hùng cường, thịnh vượng qua ba đời vua: Sau-lơ, Đa-vít, và Sa-lô-môn. Vào cuối đời, Vua Sa-lô-môn đem sự thờ lạy hình tượng vào trong đất nước I-sơ-ra-ên, bằng cách chiều lòng các hoàng hậu gốc dân ngoại, lập nên các đền thờ tà thần cho họ. Sau khi Vua Sa-lô-môn qua đời, Chúa phạt con cháu của ông, không cho họ làm vua trên 12 chi phái, mà chỉ còn làm vua trên hai chi phái mà thôi. Đất nước I-sơ-ra-ên bị phân chia thành hai vương quốc. Vương quốc phía bắc giữ nguyên tên là I-sơ-ra-ên. Vương quốc phía nam, chỉ có hai chi phái Giu-đa và Bên-gia-min, lấy tên là vương quốc Giu-đa.

Dù vậy, sự thờ lạy hình tượng nhiễm sâu vào lòng dân I-sơ-ra-ên thuộc cả hai vương quốc, và Chúa ra tay hình phạt cả hai vương quốc sau khi đã gửi nhiều tiên tri đến, kêu gọi họ ăn năn, mà họ không chịu ăn năn.

Vào năm 722 TCN vương quốc I-sơ-ra-ên ở phía bắc bị hủy diệt bởi đế quốc A-si-ri (II Các Vua 17). Vào năm 587 TCN vương quốc Giu-đa ở phía nam bị hủy diệt bởi đế quốc Ba-bi-lôn (II Các Vua 24 và 25). Từ đó, dân I-sơ-ra-ên bị tản lạc khắp nơi trên đất, không còn là một quốc gia, y theo lời tiên tri trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 28-30.

Tuy nhiên, Chúa cũng đã tiên tri về sự Ngài sẽ tái lập đất nước I-sơ-ra-ên để hoàn thành chương trình của Ngài, lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham; và Ngài sẽ nhóm hiệp dân I-sơ-ra-ên từ khắp nơi trên đất, về lại trong quốc gia I-sơ-ra-ên.

Thứ Sáu, ngày 14 tháng 5 năm 1948, nhằm ngày 5 tháng 2 năm 5708 theo Lịch Do-thái, quốc gia I-sơ-ra-ên được tái lập, ứng nghiệm lời tiên tri của Thiên Chúa từ hơn 2.700 năm trước:

“Ai đã từng nghe một sự như thế này? Ai đã từng thấy một sự giống như vậy? Lãnh thổ có thể nào được hình thành trong một ngày? Dân tộc có thể nào được sinh ra trong một lúc? Mà Si-ôn mới vừa trong cơn chuyển dạ thì đã sinh ra con của mình! (Ê-sai 66:8).

Chính trong ngày đầu tiên vừa tái lập quốc đó, I-sơ-ra-ên đã phải chiến đấu chống lại sự tấn công của liên khối Hồi Giáo, bao gồm: Ai-cập (Egypt), Giô-đanh (Jordan), Si-ri-a (Syria), Lê-ba-non (Lebanon), và I-rắc (Iraq). Cuộc chiến đó được mang tên là “Chiến Tranh Giành Độc Lập”, kéo dài 15 tháng và làm thiệt mạng trên 6.000 người I-sơ-ra-ên [3]. Ngày 14 tháng 12 năm 1949, Giê-ru-sa-lem trở thành thủ đô của I-sơ-ra-ên [4]. Dù vậy, dân I-sơ-ra-ên chưa hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem. Phía đông của thành Giê-ru-sa-lem vẫn còn ở dưới quyền cai trị của Giô-đanh.

Tháng 6 năm 1967, dân I-sơ-ra-ên phải đối đầu với một liên quân các nước Hồi Giáo, bao gồm: Ai-cập, Giô-đanh, và Si-ri-a trong một cuộc chiến khốc liệt, không cân bằng lực lượng. Thế nhưng, chỉ trong 6 ngày, từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 6 năm 1967, quân lực I-sơ-ra-ên chẳng những bảo toàn lãnh thổ mà còn chiếm được vùng đất Gaza và cả bán đảo Si-na-i của Ai-cập (một vùng đất lớn gấp hai đất nước I-sơ-ra-ên); chiếm được vùng cao nguyên Golan của Si-ri-a; và chiếm luôn phía đông thành Giê-ru-sa-lem cùng Tây Ngạn (West Bank) của Giô-đanh. Dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 7 tháng 6 năm 1967, nhằm ngày 28 tháng 2 năm 5727 theo Lịch Do-thái [5].

Sự kiện dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc sau hơn 2.500 năm bị mất nước vào năm 1948 và sự kiện dân I-sơ-ra-ên chiếm quyền làm chủ hoàn toàn thành Giê-ru-sa-lem vào năm 1967 có liên quan gì đến sự Chúa đến và Kỳ Tận Thế?

Một buổi chiều Xuân của năm thứ 27, khi Đức Chúa Jesus Christ và các môn đồ của Ngài đi ngang Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem, thì các môn đồ chỉ cho Ngài xem sự nguy nga, tráng lệ của Đền Thờ. Nhưng Chúa phán cùng họ lời tiên tri về sự Đền Thờ sẽ bị hủy diệt. Ma-thi-ơ 24:1-3 chép lại như sau:

“Khi Đức Chúa Jesus ra khỏi Đền Thờ, đang đi, thì các môn đồ của Ngài đến, để chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về Đền Thờ. Ngài phán với họ: Các ngươi có thấy mọi sự đó chăng? Thật vậy! Ta nói với các ngươi, sẽ không còn một khối đá nào chồng trên một khối khác mà không bị đổ xuống. Ngài đang ngồi trên núi Ô-li-ve, các môn đồ đến với Ngài cách riêng tư, thưa rằng: Xin phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có dấu hiệu gì chỉ về sự đến của Ngài và sự tận thế?

Trong câu hỏi của các môn đồ: “Những sự đó sẽ xảy ra” là sự Đền Thờ Thiên Chúa nguy nga, tráng lệ mà các môn đồ đã trầm trồ, khen ngợi đó, “sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn đá khác mà không bị đổ xuống.” Lời tiên tri đó đã ứng nghiệm vào năm 70, khi quân đội La-mã chiếm được thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ bị đốt sập, không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn đá nào.

Rất có thể, lúc bấy giờ, các môn đồ của Chúa đã liên kết sự kiện “Chúa đến và tận thế” làm một. Tuy nhiên, qua câu trả lời của Chúa, được ghi lại trong cả ba sách Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca, đối chiếu với các lời tiên tri khác trong Thánh Kinh, thì chúng ta biết rõ: Sự Chúa đến sẽ xảy ra trước. Sự tận thế sẽ xảy ra sau. Sự Chúa đến và sự tận thế là hai sự kiện xảy ra cách nhau ít nhất là bảy năm.

Khi Chúa đến để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian trước Kỳ Đại Nạn, thì Ngài đến giữa chốn không trung và thế gian vẫn mải mê ăn uống, cưới gả. Nhưng khi Chúa tái lâm trên đất vào cuối Kỳ Đại Nạn, thì thế gian đã trải qua bảy năm đầy thiên tai, chiến nạn, dịch họa, bệnh tật và đói kém kinh hoàng, với khoảng 1/2 dân số bị hủy diệt, mọi thành phố lớn bị sụp đổ, mọi hải đảo đều chìm mất trong biển… mọi người lo ẩn mình trong các hang hố để tránh cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, thì không thể có chuyện ăn uống, cưới gả như thường. Vì thế, để hiểu chính xác lời tiên tri của Chúa, chúng ta cần phân biệt những câu nào tiên tri về sự Đền Thờ Thiên Chúa sẽ bị phá hủy, những câu nào tiên tri về sự Chúa sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, và những câu nào tiên tri về sự tận thế.

Đức Chúa Jesus Christ đã lần lượt trả lời ba điều thắc mắc của các môn đồ. Câu trả lời của Chúa được ghi chép lại trong Ma-thi-ơ chương 24, Mác chương 13, và Lu-ca chương 21. Dù cả ba sách ghi chép cùng một lời tiên tri của Chúa, cả ba sách đều chú trọng đến tình hình tổng quát trên thế giới trong những ngày cuối cùng, điềm Chúa đến, và điềm tận thế; nhưng chỉ một mình sách Lu-ca ghi lại điềm báo hiệu Đền Thờ Thiên Chúa và thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy:

  • Lu-ca 21:20-24 là câu trả lời của Chúa về số phận của Đền Thờ.

  • Ma-thi-ơ 24:15-31; Mác 13:14-27; Lu-ca 21:25-27 là câu trả lời của Chúa về điềm tận thế.

  • Ma-thi-ơ 24:32-42; Mác 13:28-37; Lu-ca 21:27-36 là câu trả lời của Chúa về sự Chúa đến. Tham khảo thêm Lu-ca 17:26-37.

Ý nghĩa của các phân đoạn Thánh Kinh nêu trên đã được chúng tôi trình bày trong cuốn sách “Kỳ Tận Thế” mà quý con dân Chúa có thể đọc và nghe trên website www.kytanthe.net các bài sau đây:

  • 007 Lời Tiên Tri của Đức Chúa Jesus Christ – Phần 1 [6];

  • 008 Lời Tiên Tri của Đức Chúa Jesus Christ – Phần 2 [7];

  • 009 Lời Tiên Tri của Đức Chúa Jesus Christ – Phần 3 [8].

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến sự kiện: Nếu cây vả trong lời phán của Chúa được Ngài dùng để làm hình bóng về quốc gia I-sơ-ra-ên; và nếu dòng dõi nhìn thấy cây vả I-sơ-ra-ên đâm chồi, nứt lộc sẽ không qua đi trước khi Kỳ Tận Thế xảy ra, thì chúng ta chính là những người thuộc về các thế hệ sau cùng của Hội Thánh.

Chúng tôi xin tạm ngưng ngay đây để nói với những ai có ý chụp cho chúng tôi cái tội: “định ngày Chúa đến”, rằng: Chúng tôi không “định ngày Chúa đến” và cũng không “tính toán ngày Chúa đến!” Vì ngày và giờ Chúa đến không ai có thể biết hay tính toán được (Ma-thi-ơ 24:36; Mác 13:32). Nhưng khoảng thời gian Chúa đến thì chúng ta có thể nhận ra. Chính lời phán về cây vả là lời Chúa dạy cho chúng ta cách quan sát để biết “mùa” Chúa đến. Ma-thi-ơ 16:2-3 chép:

“…Vào buổi tối, các ngươi nói, thời tiết tốt, vì trời đỏ. Còn sáng sớm thì các ngươi nói: Hôm nay có mưa giông, vì trời đỏ và nhiều mây. Hỡi những kẻ giả hình! Các ngươi thật có thể phân biệt sắc trời mà các ngươi không thể phân biệt những dấu hiệu của các thời kỳ sao?

Chúa đã trả lời câu hỏi của các môn đồ về điềm Chúa đến và Ngài dạy cho Hội Thánh nhận biết thời điểm mà Ngài sẽ trở lại. Nhờ đó, chúng ta biết rằng, Ngài đang ở trước cửa, và chúng ta dọn mình thánh sạch để ra đi với Chúa bất kỳ lúc nào.

Chúng tôi không quan tâm đến những kẻ vu khống chúng tôi, vì chính thái độ ấy đã chứng minh họ không thuộc về Chúa. Nhưng chúng tôi minh định như trên để con dân Chúa không bị những lời vu khống của họ làm cho rối trí.

Trở lại với cây vả I-sơ-ra-ên và điềm Chúa đến, chúng ta có thể hiểu như sau:

Dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc vào ngày 14 tháng 5 năm 1948 là lúc cây vả I-sơ-ra-ên được trồng vào vùng đất Ca-na-an.

Đến ngày 7 tháng 6 năm 1967, nhằm ngày 28 tháng 2 năm 5727 theo Lịch Do-thái, dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem là lúc cây vả I-sơ-ra-ên bắt đầu đâm chồi, nứt lộc để chuẩn bị ra hoa, kết trái.

Dòng dõi loài người được sinh ra trong thời điểm ngày 7 tháng 6 năm 1967 sẽ không qua đi trước khi Đức Chúa Jesus Christ thi hành sự phán xét bảy năm trên toàn thế gian. Thời kỳ bảy năm phán xét đó được gọi là “bảy năm đại nạn” hoặc Kỳ Tận Thế, và đã được tiên tri trong sách Khải Huyền.

Theo Thi Thiên 90:10 thì đời người vào khoảng 70 hay 80 năm. Nếu chúng ta lấy con số 70 làm chuẩn cho một dòng dõi thì trong vòng 70 năm, kể từ ngày 28 tháng 2 năm 5727 cho đến ngày 28 tháng 2 năm 5797 theo Lịch Do-thái, Kỳ Tận Thế sẽ được ứng nghiệm. Nhưng trước đó là sự Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian cũng phải được ứng nghiệm.

Sự Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhưng phải xảy ra trước bảy năm đại nạn. Vì thế, bỏ ra thời gian của bảy năm đại nạn thì từ ngày 28 tháng 2 năm 5727 là ngày cây vả I-sơ-ra-ên đâm chồi, nứt lộc, cho đến ngày 28 tháng 2 năm 5790 theo Lịch Do-thái, Đức Chúa Jesus Christ có thể đến bất kỳ lúc nào.

Ngày 28 tháng 2 năm 5790 theo Lịch Do-thái nhằm ngày 31 tháng 5 năm 2030.

Chúng ta có thể kết luận rằng: Chúa sẽ đến bất kỳ lúc nào trong vòng 15 năm, kể từ ngày bài viết này được phổ biến. Có mấy điều quan trọng sau đây mà chúng ta cần ghi nhớ:

  • Thứ nhất: Chúa có thể đến bất kỳ lúc nào trong vòng 15 năm chứ không phải 15 năm nữa Chúa mới đến.

  • Thứ nhì: Chúng ta không biết chính xác ngày, giờ Chúa đến. Chúng ta chỉ biết Chúa có thể đến ngay thời điểm hiện tại hoặc chậm lắm là 15 năm nữa.

  • Thứ ba: Chúng ta có thể chết bất kỳ lúc nào, trước khi Chúa đến.

Vì thế, chúng ta cần phải tỉnh thức, dọn mình thánh sạch, chờ ngày ra đi với Chúa cho dù qua sự chết hay bởi sự được biến hóa trong ngày Chúa đến. Trong khi chờ đợi, thì chúng ta tận sức, hoàn tất những việc lành mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10). Ngày mà chúng ta cùng nhau bước vào cõi vinh quang đời đời đã rất gần, chúng ta hãy cùng nhau nhóm hiệp để nhắc nhở, khuyên bảo nhau, theo Lời Chúa dạy:

“Chúng ta hãy quan tâm lẫn nhau với sự giục giã nhau vào trong sự yêu thương và những việc lành. Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. [Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội.](Hê-bơ-rơ 10:24-25).

Sự nhóm lại nào Chúa dạy chúng ta không được bỏ qua? Chắc chắn là sự nhóm lại trong mỗi ngày Sa-bát Thứ Bảy mà Chúa đã truyền trong điều răn thứ tư và được ghi chép nhiều nơi khác nữa trong Thánh Kinh. Suốt cả Thánh Kinh, không hề có lệnh truyền của Chúa, rằng con dân Chúa phải nhóm họp trong ngày nào khác hơn là ngày Sa-bát Thứ Bảy. Chúng ta có thể nhóm họp thờ phượng Chúa bất kỳ lúc nào, nhưng chúng ta không được bỏ qua sự nhóm họp trong ngày Sa-bát Thứ Bảy.

Chúng tôi cầu xin Đức Thánh Linh tỉnh thức những ai đọc và nghe bài giảng này. Người nào chưa tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì sẽ lập tức ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Người nào đã tin nhận sự cứu rỗi của Chúa nhưng chưa hết lòng sống cho Chúa, thì sẽ lập tức ăn năn tội và dâng trọn đời sống mình lên Chúa. Nếp sống thánh khiết trong Chúa không phải là làm theo các nghi thức tôn giáo, mà là: vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa!

“Sự chịu cắt bì chẳng là gì, sự không chịu cắt bì cũng chẳng là gì; mà là sự giữ các điều răn của Thiên Chúa. (I Cô-rinh-tô 7:19).

Nguyện rằng mỗi một người đọc và nghe bài giảng này đều dọn mình, sẵn sàng cho ngày Chúa đến. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

25/04
/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://kytanthe.net/003-tom-luoc-lich-su-loai-nguoi/

[2] “Vùng đất Palestine” là chỉ về một vùng đất rộng lớn, không phải chỉ về đất nước Palestine ngày nay. Xin bấm vào kết nối dưới đây để xem bản đồ vùng đất Palestine ngày nay:
https://en.wikipedia.org/wiki/Palestine_(region)

[3] https://www.mfa.gov.il/mfa/aboutisrael/history/pages/israels%20war%20of%20independence%20-%201947%20-%201949.aspx

[4] http://www.answers.com/topic/jerusalem

[5] http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_S%C3%A1u_ng%C3%A0y

[6] https://kytanthe.net/?p=62

[7] https://kytanthe.net/?p=63

[8] https://kytanthe.net/?p=71

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/