004 Giấc Mơ của Một Đại Đế

9,778 views

YouTube: https://youtu.be/4lXyuEi3RJI

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
004_GiacMoCuaMotDaiDe.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sau khi dân I-sơ-ra-ên vào trong đất hứa Ca-na-an, trải qua ba vương triều thịnh trị nhất trong lịch sử của I-sơ-ra-ên, thì vì sự phạm tội thờ hình tượng của Vua Sa-lô-môn vào lúc cuối đời, mà sau khi ông qua đời, Thiên Chúa đã phân rẽ nước I-sơ-ra-ên thành hai vương quốc vào năm 930 TCN. Vương quốc phía bắc, bao gồm 10 chi phái, giữ nguyên tên là I-sơ-ra-ên; vương quốc phía nam, bao gồm hai chi phái Giu-đa và Bên-gia-min, lấy tên là Giu-đa. Sau khi bị phân rẽ thành hai vương quốc, dân I-sơ-ra-ên thuộc hai vương quốc vẫn tiếp tục phạm tội, chống nghịch Thiên Chúa. Vào năm 722 TCN, vương quốc I-sơ-ra-ên đã bị xóa tên bởi đế quốc A-si-ri và vào năm 587 TCN, vương quốc Giu-đa đã bị xóa tên bởi đế quốc Ba-bi-lôn, còn gọi là đế quốc Canh-đê. Ba-bi-lôn là tên kinh đô của đế quốc, còn Canh-đê là tên của dân tộc. Dân tộc Canh-đê và dân tộc I-sơ-ra-ên đều ra từ Sem, con trai út của Nô-ê.

Trước khi chính thức xoá tên vương quốc Giu-đa, thì vào năm 606 TCN, Vua Nê-bu-cát-nết-sa Đệ Nhị (Nebuchadnezzar II) của đế quốc Ba-bi-lôn đã đem quân đánh chiếm thành Giê-ru-sa-lem, trừng phạt Vua Giê-hô-gia-kim của vương quốc Giu-đa, về tội liên minh với đế quốc Ai-cập chống lại đế quốc Ba-bi-lôn. Thánh Kinh chép về cuộc chiến này như sau:

Trong đời của ông, Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-bi-lôn, xâm lấn. Giê-hô-gia-kim thần phục người trong ba năm, rồi ông đổi ý và phản nghịch người.” (II Các Vua 24:1).

Năm thứ ba của triều đại Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, thì Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-bi-lôn, đến thành Giê-ru-sa-lem và bao vây. Chúa phó Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, và một số vật dụng của nhà Đức Chúa Trời vào tay người. Người đem các vật dụng ấy về đất Si-nê-a, vào đền của thần mình, để trong kho của thần mình.” (Đa-ni-ên 1:1-2).

Vua Nê-bu-cát-nết-sa cũng truyền lệnh cho thái giám trưởng của mình là Át-bê-na, bắt những thanh niên tài giỏi, có học và xinh đẹp trong vòng quý tộc của xứ Giu-đa, mang về phục vụ trong cung điện Ba-bi-lôn, mở đầu cho thời kỳ 70 năm lưu đày của dân I-sơ-ra-ên. Trong số những người bị bắt đó, có một người tên là Đa-ni-ên và ba người bạn của ông. Vua Nê-bu-cát-nết-sa chuộng tài của Đa-ni-ên và ba người bạn của ông, nên cắt cử họ đứng chầu trước mặt vua trong vai trò cố vấn (Đa-ni-ên 1:3-21), và sau đó, giao quyền cai trị kinh đô Ba-bi-lôn cho ba người bạn của Đa-ni-ên.

Vào năm thứ nhì của triều đại Nê-bu-cát-nết-sa thì có một biến cố quan trọng xảy ra, được chính tay Đa-ni-ên ghi lại trong Thánh Kinh, sách Đa-ni-ên, đoạn 2, như sau:

1 Trong năm thứ nhì của triều đại Nê-bu-cát-nết-sa, Nê-bu-cát-nết-sa mơ thấy các chiêm bao, thì tâm thần của ông bối rối, và ông bị mất ngủ.

2 Vì thế, vua truyền gọi các thuật sĩ, các nhà chiêm tinh, các phù thủy, và những người Canh-đê, để giải nghĩa các chiêm bao cho vua. Họ đến, đứng trước vua.

3 Vua nói với họ: Ta đã mơ thấy một chiêm bao, và tâm thần ta bối rối, muốn biết chiêm bao đó.

4 Những người Canh-đê nói với vua bằng tiếng A-ra-mai rằng: Hỡi vua! Chúc vua sống mãi! Xin thuật chiêm bao cho những kẻ tôi tớ của vua, và chúng tôi sẽ giải nghĩa.

5 Vua trả lời và nói với những người Canh-đê: Sự ấy đã ra khỏi ta. Nếu các ngươi không nói cho ta biết chiêm bao đó và giải nghĩa nó, thì các ngươi sẽ bị phân thây, nhà của các ngươi sẽ trở nên đống phân.

6 Nhưng nếu các ngươi tỏ ra giấc chiêm bao và lời giải nghĩa, thì các ngươi sẽ được các sự ban cho, các phần thưởng, và sự vinh quang lớn từ nơi ta. Vậy, hãy tỏ cho ta giấc chiêm bao và lời giải nghĩa.

7 Họ lại đáp lời và nói: Xin vua kể chiêm bao cho những kẻ tôi tớ của vua, và chúng tôi sẽ giải nghĩa.

8 Vua trả lời và nói: Ta biết chắc các ngươi tìm cách để kéo dài thời gian, bởi vì các ngươi thấy sự ấy đã ra khỏi ta.

9 Nhưng, nếu các ngươi không tỏ cho ta biết giấc chiêm bao, thì chỉ có một luật cho các ngươi cho đến khi thời gian sẽ thay đổi, vì các ngươi đã đồng ý với nhau đem những lời dối trá, bậy bạ mà nói trước ta. Vậy, hãy nói với ta giấc chiêm bao, thì ta sẽ biết rằng, các ngươi có thể tỏ cho ta biết ý nghĩa.

10 Những người Canh-đê đáp lời trước vua và nói: Chẳng có một người nào trên đất mà có thể tỏ ra việc của vua. Vậy nên, chẳng có vua nào, chúa nào, người cai trị nào hỏi những việc như vậy nơi một thuật sĩ, hay một nhà chiêm tinh, hay một người Canh-đê nào.

11 Sự mà vua yêu cầu là một sự hiếm có, và không một ai khác có thể tỏ nó ra trước vua, ngoại trừ các thần linh là những đấng không ở với loài xác thịt.

12 Vậy nên, vua tức giận và nổi cơn thịnh nộ, truyền lệnh tiêu diệt tất cả những nhà thông thái của Ba-bi-lôn.

13 Vì thế, chiếu chỉ được ban ra để giết những nhà thông thái. Người ta tìm Đa-ni-ên và các bạn của ông để giết.

14 Bấy giờ, Đa-ni-ên, với sự thận trọng và khôn khéo, đáp lời A-ri-ốc, đội trưởng quân cận vệ của vua, là người đã đi ra để giết những nhà thông thái của Ba-bi-lôn.

15 Ông đáp lời và nói với A-ri-ốc, trưởng quan của vua: Sao lại có chiếu chỉ khẩn cấp ấy từ vua? Vậy, A-ri-ốc kể cho Đa-ni-ên rõ sự việc.

16 Đa-ni-ên đi vào, xin vua cho ông một thời gian, để ông sẽ tỏ cho vua lời giải nghĩa.

17 Kế đó, Đa-ni-ên trở về nhà mình, và tỏ sự ấy cho các bạn của mình là: Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria,

18 để họ cầu xin sự thương xót của Thần của Các Tầng Trời, liên quan đến sự kín nhiệm này, để cho Đa-ni-ên và các bạn của ông không bị diệt với những nhà thông thái khác của Ba-bi-lôn.

19 Vậy, sự kín nhiệm được tỏ ra cho Đa-ni-ên trong một khải tượng ban đêm. Và Đa-ni-ên tôn vinh Thần của Các Tầng Trời.

20 Đa-ni-ên cất tiếng thưa: Nguyện danh Thiên Chúa được tôn vinh từ đời này qua đời kia! Vì sự khôn sáng và quyền năng đều thuộc về Ngài.

21 Ngài thay đổi thì giờ và mùa. Ngài bỏ các vua và lập các vua. Ngài ban sự khôn sáng cho những nhà thông thái, và ban sự thông minh cho những người hiểu biết.

22 Ngài tỏ ra những sự sâu xa và kín nhiệm. Ngài biết những gì ở trong sự tối tăm, và sự sáng ở với Ngài.

23 Hỡi Thiên Chúa của các tổ phụ tôi! Tôi cảm tạ và tôn vinh Ngài, Đấng đã ban cho tôi sự khôn sáng và quyền năng, và đã khiến cho tôi biết điều chúng tôi cầu hỏi Ngài, vì Ngài đã tỏ ra cho chúng tôi việc của vua.

24 Vậy, Đa-ni-ên đi đến với A-ri-ốc, là người vua đã truyền cho diệt những nhà thông thái của Ba-bi-lôn. Ông đến và nói với người như sau: Đừng diệt những nhà thông thái của Ba-bi-lôn. Hãy đưa tôi vào trước vua, và tôi sẽ tỏ cho vua sự giải nghĩa.

25 Bấy giờ, A-ri-ốc vội vàng đem Đa-ni-ên đến trước vua, và thưa như sau: Tôi đã tìm thấy một người trong dân Giu-đa bị bắt làm phu tù, người ấy sẽ cho vua biết sự giải nghĩa.

26 Vua đáp lời và nói với Đa-ni-ên, là người được gọi là Bên-tơ-xát-sa: Có phải ngươi có thể tỏ cho ta biết giấc chiêm bao ta đã thấy và lời giải nghĩa?

27 Đa-ni-ên đáp lời và nói trước sự hiện diện của vua: Sự kín nhiệm mà vua đã hỏi, thì những nhà thông thái, những nhà chiêm tinh, những thuật sĩ, và những thầy bói đều không có thể tỏ cho vua được.

28 Nhưng có một Thiên Chúa ở trên trời tỏ ra những sự kín nhiệm; và đã cho Vua Nê-bu-cát-nết-sa biết những điều sẽ xảy ra trong những ngày sau. Giấc chiêm bao của ngài và các khải tượng của đầu ngài trên giường mình là như thế này:

29 Hỡi vua! Những tư tưởng của ngài đến trên giường của ngài về những sự xảy ra sau này. Đấng bày tỏ sự kín nhiệm đã cho ngài biết những sự sẽ xảy ra.

30 Về phần tôi, sự kín nhiệm đó đã tỏ ra cho tôi, không phải vì tôi có sự khôn sáng hơn người sống nào; nhưng để giải nghĩa cho vua biết, và để ngài biết những ý tưởng của lòng mình.

31 Hỡi vua! Ngài nhìn xem, và này, có một pho tượng lớn. Pho tượng lớn đó rực rỡ lạ thường, đứng trước ngài, và có hình dạng dữ tợn.

32 Đầu pho tượng này bằng vàng ròng; ngực và các cánh tay bằng bạc; bụng và vế bằng đồng;

33 các chân bằng sắt; các bàn chân thì một phần bằng sắt, một phần bằng đất sét.

34 Ngài nhìn cho đến khi có một khối đá chẳng phải bởi tay đục ra, đập vào các bàn chân bằng sắt và đất sét của tượng, và làm cho nó bị tan nát.

35 Bấy giờ, sắt, đất sét, đồng, bạc, và vàng đều cùng nhau tan nát, trở nên như rơm rác bay trên sân đạp lúa mùa hạ, và bị gió đùa đi, chẳng tìm được nơi nào cho chúng nó. Nhưng khối đá đã đập vào pho tượng thì trở thành một núi lớn và làm đầy khắp đất.

36 Đó là giấc chiêm bao. Bây giờ, chúng tôi sẽ giải nghĩa ra trước vua.

37 Hỡi vua! Ngài là vua của các vua, vì Thần của Các Tầng Trời đã ban cho ngài vương quốc, quyền lực, sức mạnh, và sự vinh quang,

38 đã trao trong tay ngài những con cái loài người ở bất cứ nơi nào, những thú đồng và những chim trời, và đã làm cho ngài thành người cai trị hết thảy. Ngài là cái đầu bằng vàng ấy.

39 Sau ngài, sẽ có một vương quốc khác nổi lên, kém hơn ngài; rồi một vương quốc thứ ba, tức là đồng, vương quốc ấy sẽ cai trị khắp đất.

40 Vương quốc thứ tư sẽ mạnh như sắt, vì sắt hay đập vỡ và bắt phục mọi vật. Như sắt nghiền nát mọi sự, nó sẽ nghiền nát và đập vỡ.

41 Còn như ngài đã thấy các bàn chân và các ngón chân một phần bằng đất sét, một phần bằng sắt; ấy là một vương quốc sẽ phải phân chia ra, nhưng trong nó sẽ có sức mạnh của sắt, như ngài đã thấy sắt lẫn với đất sét.

42 Các ngón chân một phần bằng sắt, một phần bằng đất sét, thì vương quốc đó cũng một phần mạnh và một phần bị vỡ.

43 Như ngài đã thấy sắt lẫn với đất sét, chúng nó sẽ lẫn lộn với nhau bởi giống của loài người; nhưng chúng sẽ không dính cùng nhau, cũng như sắt không trộn với đất sét.

44 Trong đời của các vua này, Thần của Các Tầng Trời sẽ dựng nên một vương quốc không bao giờ bị hủy diệt. Vương quốc ấy không bao giờ bị để lại cho một dân tộc khác. Nó sẽ đánh tan và hủy diệt hết các vương quốc kia; nó sẽ đứng cho tới đời đời;

45 như ngài đã xem thấy, khối đá đục ra từ núi, chẳng phải bởi tay, đã đập vỡ sắt, đồng, đất sét, bạc, và vàng. Thiên Chúa vĩ đại đã cho vua biết sự sau này sẽ đến. Giấc chiêm bao này là thật và lời giải nghĩa là chắc chắn.

46 Bấy giờ, Vua Nê-bu-cát-nết-sa hạ sấp mặt xuống, tỏ lòng tôn kính Đa-ni-ên, và truyền dâng lễ vật cùng đồ thơm cho ông.

47 Vua đáp lời Đa-ni-ên và nói: Thiên Chúa của ngươi thật là Thiên Chúa của các thần, và là Chúa của các vua, là Đấng tỏ ra những sự kín nhiệm, vì ngươi đã có thể tỏ ra sự kín nhiệm này.

48 Vậy, vua tôn cao Đa-ni-ên, ban cho ông nhiều lễ vật lớn, lập ông cai trị cả tỉnh Ba-bi-lôn, và làm người đứng đầu tất cả những nhà thông thái của Ba-bi-lôn.

49 Đa-ni-ên cầu xin vua lập Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết Nê-gô giám sát các công việc của tỉnh Ba-bi-lôn; còn Đa-ni-ên thì ngồi nơi cửa của vua.

Những lời ký thuật trên đây trong Thánh Kinh chính là lời tiên tri thứ nhất từ Thiên Chúa, liên quan đến dòng lịch sử của nhân loại. Lời tiên tri này được mạc khải từ hơn 2.500 năm trước, cho Vua Nê-bu-cát-nết-sa Đệ Nhị của đế quốc Ba-bi-lôn, trong một giấc chiêm bao. Ý nghĩa của lời tiên tri đã được giãi bày bởi Đa-ni-ên, là một người I-sơ-ra-ên kính sợ Thiên Chúa, trong vai trò một tiên tri của Thiên Chúa.

Một đế quốc là một quốc gia hùng mạnh, có nhiều chư hầu, tức là có nhiều quốc gia khác chịu đầu phục, hoặc có nhiều thuộc địa. Xưa nay, có nhiều đế quốc trong lịch sử của loài người, tuy nhiên, qua giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa, Thánh Kinh chỉ tiên tri về bốn đế quốc có liên quan đến dân tộc I-sơ-ra-ên, và một chính quyền toàn cầu trong những ngày sau cùng. Bốn đế quốc và hệ thống chính quyền toàn cầu này sẽ lần lượt xuất hiện, rồi bị tiêu diệt theo thứ tự mà Thiên Chúa đã báo trước.

Pho tượng mà Vua Nê-bu-cát-nết-sa Đệ Nhị nhìn thấy trong chiêm bao tiêu biểu cho hệ thống chính quyền của loài người được hình thành từ năm 626 TCN, là năm đế quốc Ba-bi-lôn được thành lập, và kéo dài cho đến ngày cuối cùng của Kỳ Tận Thế, khi Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất, tiêu diệt mọi thế lực cầm quyền của loài người, và thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài.

Hình minh họa pho tượng và hòn đá trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa
(Bùi Hồng Vũ)

Lời tiên tri trong Thánh Kinh

Sự kiện trong lịch sử

Đầu bằng vàng ròng.

Đế quốc Ba-bi-lôn (Babylonian Empire), (626 TCN – 539 TCN).

Ngực và cánh tay bằng bạc.

Đế quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ (Medo-Persian Empire), (539 TCN – 333 TCN).

Bụng và vế bằng đồng.

Đế quốc Hy-lạp (Grecian Empire), (333 TCN – 146 TCN).

Hai ống chân bằng sắt.

Đế quốc La-mã (Roman Empire), (146 TCN – 70).

Hai bàn chân bằng sắt trộn đất sét.

Liên Hiệp Quốc (United Nations). Trong những ngày sau cùng, Liên Hiệp Quốc sẽ chia thế giới thành mười đặc khu, dưới quyền cai trị của mười đặc sứ, trong một hệ thống chính quyền toàn cầu, do AntiChrist (kẻ chống nghịch Đức Chúa Jesus Christ) cầm đầu. Sự kiện này sẽ xảy ra sau khi Đức Chúa Jesus Christ đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian trong một ngày rất gần đây.

 

Nhìn vào toàn thể bức tượng trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa, chúng ta thấy mỗi đế quốc được tiêu biểu bằng một chất kim loại, đi từ loại có giá trị nhất và có tính mềm mại nhất, là vàng, sa sút dần đến loại có giá trị thấp nhất và có tính cứng rắn nhất, là sắt. Sau cùng, là hệ thống chính quyền toàn cầu với hỗn hợp sắt và đất sét, là hai chất có giá trị thấp nhất, với đặc tính cứng mà giòn, dễ bị tan vỡ. Giá trị của kim loại tiêu biểu cho sức mạnh kinh tế của chính quyền. Độ cứng của kim loại tiêu biểu cho sức mạnh quân sự của chính quyền. Theo dòng thời gian, sức mạnh kinh tế của các đế quốc suy yếu dần nhưng sức mạnh quân sự thì gia tăng. Tuy nhiên, trong hệ thống chính quyền toàn cầu, sức mạnh quân sự của chính quyền sẽ bị phân rã vì sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng, để rồi cuối cùng, bị hủy diệt bởi chính Đức Chúa Jesus Christ, khi Ngài tái lâm trên đất.

Đế Quốc Ba-bi-lôn (626 TCN – 539 TCN)

Vào năm 722 TCN, Thiên Chúa đã dùng đế quốc A-si-ri để sửa phạt vương quốc I-sơ-ra-ên ở phía bắc, bao gồm 10 chi phái của dân I-sơ-ra-ên. Vương quốc I-sơ-ra-ên hoàn toàn bị xóa sổ và con dân I-sơ-ra-ên trong vương quốc bị phân tán đi làm phu tù khắp nơi trong đế quốc A-si-ri. Thế nhưng, vương quốc Giu-đa ở phía nam đã không học được bài học đau thương đó, họ vẫn sống trong tội lỗi, mặc cho Tiên Tri Giê-rê-mi suốt 40 năm kêu gọi họ ăn năn. Tội lỗi đã làm băng hoại vương quốc Giu-đa, đến nỗi Tiên Tri Giê-rê-mi đã ghi lại lời phán của Thiên Chúa trong sách Giê-rê-mi 5:1-2, như sau:

Bây giờ, ngươi hãy chạy tới lui khắp các đường phố của Giê-ru-sa-lem, để nhìn xem và biết. Hãy tìm kiếm nơi các phố lớn, thử có thấy một người chăng. Nếu có một người làm sự công chính, tìm kiếm lẽ thật, thì Ta sẽ tha thứ (thành ấy). Dù chúng nó nói: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Hằng Sống! Thì chắc chắn là chúng chỉ thề dối!”

Đế quốc Ba-bi-lôn đã được Thiên Chúa dùng làm ngọn roi sửa phạt vương quốc Giu-đa. Vì dân I-sơ-ra-ên phạm tội chống nghịch các điều răn của Thiên Chúa, trong đó có sự kiện họ đã không giữ 70 năm Sa-bát theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, nên Ngài phạt họ phải chịu 70 năm bị lưu đày tại Ba-bi-lôn. Thiên Chúa truyền cho dân I-sơ-ra-ên rằng, sau khi họ vào trong đất hứa Ca-na-an, thì cứ sau mỗi sáu năm họ phải để cho đất yên nghỉ một năm, và năm đó được gọi là năm Sa-bát (Sa-bát có nghĩa là nghỉ ngơi). Lời truyền ấy được ghi lại trong Thánh Kinh, sách Lê-vi Ký 25:1-7, như sau:

1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se tại trên Núi Si-na-i rằng:

2 Hãy nói với con dân I-sơ-ra-ên! Hãy nói với chúng: Khi các ngươi đã vào trong xứ mà Ta sẽ ban cho các ngươi, thì đất sẽ giữ một Sa-bát cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

3 Trong sáu năm, ngươi sẽ gieo giống ruộng của ngươi; trong sáu năm, ngươi sẽ tỉa sửa vườn nho của ngươi; và sẽ thu hoạch thổ sản.

4 Nhưng năm thứ bảy sẽ là Sa-bát của Lễ Nghỉ cho đất, một Sa-bát cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ngươi chớ gieo ruộng của ngươi và chớ tỉa sửa vườn nho của ngươi.

5 Ngươi chớ gặt những gì đã tự mọc lên trong mùa gặt của ngươi, và đừng thu hoạch nho của vườn nho không tỉa sửa của ngươi. Vì đó sẽ là một năm của Lễ Nghỉ cho đất.

6 Sa-bát của đất sẽ là thức ăn cho ngươi, cho tôi trai của ngươi, cho tớ gái của ngươi, cho kẻ làm thuê của ngươi, và cho kẻ ngoại bang kiều ngụ với ngươi,

7 cho gia súc của ngươi, và cho mọi sinh vật trong đất của ngươi. Mọi thổ sản sẽ được dùng làm thức ăn.

Thánh Kinh không nói rõ dân I-sơ-ra-ên không giữ năm Sa-bát từ khi nào. Họ đã có khi giữ và có khi không giữ, hay là suốt 490 năm họ đã không giữ năm Sa-bát, chúng ta không biết. Hình phạt 70 năm bị lưu đày tại Ba-bi-lôn tương xứng với 70 năm Sa-bát của Thiên Chúa đã bị dân I-sơ-ra-ên bỏ qua! Hình phạt này kèm theo lời hứa phục hồi, được Tiên Tri Giê-rê-mi theo lệnh của Thiên Chúa, công bố trước khi Vua Nê-bu-cát-nết-sa Đệ Nhị đánh chiếm Giê-ru-sa-lem:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như sau: Khi bảy mươi năm sẽ mãn tại Ba-bi-lôn, Ta sẽ thăm các ngươi và sẽ làm trọn lời tốt lành của Ta cho các ngươi, khiến các ngươi trở về nơi này. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng.” (Giê-rê-mi 29:10-11).

Dân I-sơ-ra-ên bị lưu đày tại Ba-bi-lôn kể từ năm 606 TCN [1]. Cuộc lưu đày của dân I-sơ-ra-ên chia thành ba đợt, trải qua một khoảng thời gian 20 năm:

  1. Năm 606 TCN: Đa-ni-ên, ba người bạn của ông, và phần lớn con cháu các nhà quý tộc trong dân I-sơ-ra-ên bị lưu đày đến Ba-bi-lôn (Đa-ni-ên 1:1-6).

  2. Năm 597 TCN: Vua Giê-hô-gia-kim và Vua Giê-hô-gia-kin cùng hoàng tộc của nước Giu-đa bị lưu đày đến Ba-bi-lôn (II Sử Ký 36; II Các Vua 24:15-17).

  3. Năm 587 TCN: Thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, dân chúng bị tàn sát. Vua Sê-đê-kia bị Vua Nê-bu-cát-nết-sa ra lệnh móc mắt, giải về Ba-bi-lôn, nhốt trong tù cho đến chết. Hầu hết dân chúng còn lại, trừ những người nghèo, đều bị lưu đày đến Ba-bi-lôn (II Các Vua 25).

Mặc dù Thiên Chúa bắt đầu thi hành án phạt 70 năm bị lưu đày trên dân I-sơ-ra-ên từ năm 606 TCN, nhưng Ngài đã tiến hành từng bước một để cho họ có cơ hội ăn năn. Tuy nhiên, dân I-sơ-ra-ên vẫn cứng lòng, chẳng những họ không ăn năn mà phạm tội càng hơn, và bách hại cả tiên tri của Chúa. Vì thế, kể từ năm 587 TCN, dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn bị mất tư cách độc lập của một quốc gia. Dù sau này Thiên Chúa giữ đúng lời hứa, chấm dứt hình phạt 70 năm bị lưu đày, đưa họ quay về đất Ca-na-an để xây dựng lại Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa, nhưng dân I-sơ-ra-ên vẫn luôn sống dưới sự đô hộ của dân ngoại.

Đế Quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ (539 TCN – 333 TCN)

Ngày 10 tháng 10 năm 539 TCN, vào đời Vua Bên-xát-sa của đế quốc Ba-bi-lôn, Thiên Chúa đã dùng Đa-ri-út, người nước Mê-đi, chú của Vua Si-ru thuộc đế quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ, đánh chiếm Ba-bi-lôn. Trong đêm đó, Đa-ri-út giết chết Vua Bên-xát-sa rồi lên ngôi vua của Ba-bi-lôn [2]. Sau khi Vua Đa-ri-út qua đời vào năm 536 TCN, Vua Si-ru lên làm vua Ba-bi-lôn [3]. Trong năm đầu tiên làm vua tại Ba-bi-lôn, Vua Si-ru đã ra chiếu chỉ phóng thích dân I-sơ-ra-ên bị phu tù tại Ba-bi-lôn, để họ được trở về xây dựng lại Đền Thờ của Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Sự kiện này chấm dứt giai đoạn 70 năm dân I-sơ-ra-ên bị lưu đày tại Ba-bi-lôn, từ năm 606 TCN đến năm 536 TCN, y theo lời phán trước của Thiên Chúa (Đa-ni-ên 1:1; Ê-xơ-ra 1:1).

Điều lạ lùng là, hơn 100 năm trước khi Vua Si-ru được sinh ra (Vua Si-ru được sinh ra vào khoảng năm 600 TCN hoặc năm 575 TCN), thì Thiên Chúa đã sai Tiên Tri Ê-sai ghi lại trong Ê-sai 44:24-28 các lời sau đây về Vua Si-ru và sự tái lập Giê-ru-sa-lem:

24 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng Cứu Chuộc của ngươi, Đấng đã dựng nên ngươi từ trong tử cung, phán như sau: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đã làm nên mọi vật; một mình giương các tầng trời và trải đất ra;

25 làm trật các điềm của những kẻ nói dối; khiến những thầy bói trở nên ngu muội; làm cho những người khôn sáng tháo lui, biến sự tri thức của họ ra khờ dại;

26 làm ứng nghiệm lời của tôi tớ Ngài, làm thành sự rao báo của các sứ giả Ngài; phán về thành Giê-ru-sa-lem rằng: Nó sẽ có người ở; và về các thành của Giu-đa rằng: Các ngươi sẽ được lập lại và Ta sẽ dựng lại các nơi hoang vu;

27 phán với vực sâu rằng: Hãy khô đi! Ta sẽ làm cạn các sông của ngươi;

28 phán về Si-ru rằng: Nó là người chăn chiên của Ta, nó sẽ làm nên mọi sự Ta đẹp lòng; lại cũng phán về Giê-ru-sa-lem rằng: Ngươi sẽ được lập lại; và phán về Đền Thờ rằng: Nền của ngươi sẽ được lập.

Vua Si-ru còn được gọi là người được xức dầu của Thiên Chúa, tức là người được Thiên Chúa chọn, ban cho năng lực và thẩm quyền để làm thành thánh ý của Thiên Chúa. Ê-sai 45:1-3 chép:

1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với người được xức dầu của Ngài là Si-ru, người mà Ta cầm lấy tay phải của người, để bắt phục các nước trước người, và Ta sẽ tháo dây lưng của các vua, mở các cửa thành trước người, và các cổng sẽ không bị đóng lại, như sau:

2 Ta sẽ đi trước ngươi và làm cho bằng các đường gập ghềnh. Ta sẽ phá vỡ các cửa bằng đồng, bẻ gãy các thanh gài bằng sắt.

3 Ta sẽ ban cho ngươi những vật báu chứa trong nơi tối, những của cải chứa trong những nơi bí mật, để ngươi biết rằng, Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng gọi ngươi bằng tên của ngươi, là Thiên Chúa của I-sơ-ra-ên.

Chính Vua Si-ru đã ra chiếu chỉ, được chép lại trong Ê-xơ-ra 1:1-4, như sau:

1 Vào năm thứ nhất của triều đại Si-ru, vua nước Phe-rơ-sơ, để làm cho Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu qua miệng của Giê-rê-mi được ứng nghiệm, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã khuấy động tâm thần của Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, khiến ông rao truyền trong khắp vương quốc mình, và cũng ra sắc chỉ rằng:

2 Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, truyền như sau: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thần của Các Tầng Trời, đã ban cho ta các vương quốc của đất, và Ngài truyền cho ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa.

3 Trong tất cả các ngươi, bất cứ ai thuộc về dân sự của Ngài, Thiên Chúa của người ấy ở cùng người ấy, và người ấy hãy trở lên Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đa, để xây cất Đền Thờ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của I-sơ-ra-ên, là Đức Chúa Trời, Đấng ngự tại Giê-ru-sa-lem.

4 Bất cứ ai còn sót lại trong bất cứ nơi nào mà người ấy kiều ngụ, thì dân chúng của nơi người ấy ở, phải tiếp trợ người ấy bạc, vàng, của cải, súc vật, cùng với những của lễ tình nguyện cho Đền của Đức Chúa Trời ở tại Giê-ru-sa-lem.

Vào năm 333 TCN, đế quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ bị mất vào tay A-lịch-sơn Đại Đế của đế quốc Hy-lạp.

Đế Quốc Hy-lạp (333 TCN – 146 TCN)

Đế quốc Hy-lạp được hình thành vào khoảng năm 2.500 TCN nhưng thời gian có liên quan đến pho tượng trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa là từ năm 333 TCN, khi đế quốc này, dưới sự thống trị của A-lịch-sơn Đại Đế, thôn tính đế quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ. Kể từ đó, đế quốc Hy-lạp trở thành đế quốc có biên giới lớn nhất trong các đế quốc, bao gồm các phần đất của cả ba châu: Châu Âu, Châu Á, và Châu Phi. Người ta cho rằng, nếu A-lịch-sơn Đại Đế không chết sớm, thì đế quốc Hy-lạp sẽ bao trùm trọn vẹn cả Châu Âu, Châu Á, và Châu Phi. Sự cực thịnh và bành trướng rộng của đế quốc Hy-lạp khiến cho văn hóa và tiếng nói của Hy-lạp được lan truyền khắp nơi, dọn đường cho sự rao giảng Tin Lành mấy trăm năm sau đó được nhiều thuận tiện. Đế quốc Hy-lạp bị đế quốc La-mã thôn tính vào năm 146 TCN.

Đế Quốc La-mã (146 TCN – 70)

Đế quốc La-mã được sáng lập từ năm 753 TCN nhưng thời gian có liên quan đến pho tượng trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa là từ khi đế quốc này thôn tính đế quốc Hy-lạp vào năm 146 TCN cho đến năm 70, khi Đền Thờ Thiên Chúa và thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. Đế quốc La-mã với quân lực hùng mạnh, giữ gìn an ninh khắp lãnh thổ, và khuynh hướng xây dựng các công trình giao thông, đã khiến cho sự rao giảng Tin Lành được phát triển mạnh mẽ trong suốt ba thế kỷ đầu của Hội Thánh. Ngay cả sự bách hại con dân Chúa bởi các hoàng đế La-mã cũng tích cực góp phần vào việc thúc đẩy con dân Chúa tản lạc khắp nơi, rao truyền Tin Lành. Năm 330, đế quốc La-mã chia làm hai thành Đông La-mã và Tây La-mã. Năm 476 Tây La-mã bị diệt bởi dân Đức. Năm 1453 Đông La-mã bị diệt bởi dân Thổ-nhĩ-kỳ. Dù đế quốc La-mã bị diệt nhưng dân chúng vẫn pha trộn với các giống dân khác và tồn tại cho đến ngày nay trong các quốc gia thuộc Châu Âu.

Ngày nay, phần lớn các quốc gia trước đây thuộc đế quốc La-mã liên kết thành Khối Liên Hiệp Châu Âu (European Union). Phần lớn các nhà giải kinh cho rằng, đế quốc La-mã sẽ hồi sinh trong những ngày cuối cùng, qua sự hình thành một Hợp Chủng Quốc Châu Âu (United States of Europe) với 10 tiểu bang, và AntiChrist, kẻ chống nghịch Đức Chúa Jesus Christ sẽ xuất hiện từ trong Hợp Chủng Quốc Châu Âu. Tuy nhiên, rất có thể Hợp Chủng Quốc Châu Âu chỉ là thế lực để mở đường cho AntiChrist lên cầm quyền cơ chế Liên Hiệp Quốc và biến Liên Hiệp Quốc thành một chính quyền toàn cầu, đã được hai bàn chân của pho tượng trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa tiêu biểu. Chúng ta sẽ đi sâu vào chi tiết trong chương kế tiếp.

Thời Kỳ Hội Thánh (27 – ?)

Thứ Sáu ngày 30 tháng 5 năm 27 theo Lịch Julian, là ngày Đức Thánh Linh giáng lâm và Hội Thánh của Đức Chúa Trời được thành lập. Trước đó 53 ngày, dân I-sơ-ra-ên đã chối bỏ Đức Chúa Jesus Christ, không nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Vua của dân I-sơ-ra-ên. Họ đã bắt và giao nộp Ngài cho chính quyền La-mã đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Kể từ đó, Đức Chúa Trời đã yên lặng đối với dân I-sơ-ra-ên và sai khiến các tôi tớ của Ngài rao giảng Tin Lành cho các dân tộc khác. Theo lời tiên tri của Phao-lô, được ghi lại trong sách Rô-ma 11:25-26, thì khi số dân ngoại, tức là các dân không thuộc dân tộc I-sơ-ra-ên, được nhập vào đủ số trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ được giải cứu:

Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết đến sự mầu nhiệm này, kẻo các anh chị em tự cho mình là khôn sáng chăng. Ấy là sự đui mù đã xảy ra cho một phần của dân I-sơ-ra-ên, cho đến chừng sự đầy trọn của các dân ngoại đến. Rồi thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép: Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự không tin kính ra khỏi Gia-cốp.” (Rô-ma 11:25-26).

Không ai biết được con số dân ngoại sẽ được cứu là bao nhiêu, cũng như khi nào thì dân ngoại nhập vào Hội Thánh được đủ số. Tuy nhiên, khi nhìn vào sự kiện dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, thì những ai tin Thánh Kinh, biết rõ rằng, ngày cả dân I-sơ-ra-ên được cứu đã gần.

Theo Thánh Kinh, trước khi dân I-sơ-ra-ên được cứu, Hội Thánh của Đức Chúa Trời sẽ được Đức Chúa Jesus Christ đem ra khỏi thế gian, và một hệ thống chính quyền toàn cầu sẽ xuất hiện. Khi đó, thời kỳ Thiên Chúa đoán phạt toàn thế gian sẽ khởi đầu và kéo dài suốt bảy năm. Thời kỳ đó còn được gọi là Kỳ Đại Nạn hoặc Kỳ Tận Thế, đã được chép chi tiết trong sách Khải Huyền.

Nói cách khác, ngày 14 tháng 5 năm 1948, chương trình của Đức Chúa Trời dành cho dân I-sơ-ra-ên đã tái khởi động. Vì số phận của dân I-sơ-ra-ên có liên quan chặt chẽ đến thế lực cầm quyền cuối cùng của loài người trên đất (hai bàn chân của pho tượng trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa), nên sự kiện dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc, sau hơn 2.500 năm bị mất chủ quyền, chính là tiếng báo thức của chiếc đồng hồ lịch sử nhân loại. Sự kiện ấy kêu gọi toàn thể nhân loại hãy ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, trước khi Kỳ Tận Thế đến với tất cả những sự kinh hoàng chưa từng có và sẽ không bao giờ có lại trong toàn thể lịch sử của vũ trụ.

Lời Kêu Gọi Bạn Đọc Tin Nhận Sự Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời

Nếu bạn chưa hề thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và đọc được những dòng chữ này trước khi Hội Thánh của Đức Chúa Trời được đem ra khỏi thế gian, chúng tôi kêu gọi bạn hãy ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, để bạn được nhập vào Hội Thánh của Đức Chúa Trời và không bị ở lại trong thế gian, chịu khổ suốt bảy năm đại nạn. Nếu bạn là người đọc được những dòng chữ này sau khi Hội Thánh của Đức Chúa Trời đã được cất ra khỏi thế gian, và hệ thống chính quyền toàn cầu đã được thiết lập, bạn vẫn còn cơ hội ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, bạn sẽ phải chịu trải qua sự bách hại bởi chính quyền của AntiChrist, kẻ chống nghịch Đức Chúa Jesus Christ. Bạn phải giữ vững đức tin cho đến chết, thì khi bảy năm đại nạn kết thúc, bạn sẽ được sống lại và cùng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài. Bạn phải từ chối mang con dấu của kẻ cầm đầu chính quyền toàn cầu, từ chối quỳ lạy hình tượng của hắn. Tước vị của hắn có thể là “Tổng Thống Liên Hiệp Quốc”, “Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc”, “Chủ Tịch Liên Hiệp Quốc”, v.v.. nhưng Thánh Kinh gọi hắn là kẻ chống nghịch Đấng Christ (AntiChrist). Bạn cần giữ cuốn sách Kỳ Tận Thế này chung với cuốn Thánh Kinh, và cuốn Chú Giải Sách Khải Huyền, để có thể tham khảo và hiểu được những gì đã được Đức Chúa Trời bày tỏ trong sách Khải Huyền của Thánh Kinh về những ngày cuối cùng của Kỳ Tận Thế.

Hệ Thống Chính Quyền Toàn Cầu (Kéo Dài Trong Bảy Năm)

Sau khi Hội Thánh của Đức Chúa Trời được cất ra khỏi thế gian, tình hình kinh tế, chính trị, và quân sự trên thế giới sẽ biến động một cách bất ngờ, để đưa đến sự kiện các quốc gia chọn giải pháp thiết lập một chính quyền toàn cầu. Tổ chức Liên Hiệp Quốc sẽ trở thành một cơ chế có thẩm quyền tuyệt đối trên các nước, đứng đầu Liên Hiệp Quốc sẽ là một chủ tịch, hoặc một tổng thống, hoặc một tổng thư ký. Cả thế gian sẽ được chia thành 10 khu vực, mỗi khu vực do một đặc sứ hay một thư ký của Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm. Thánh Kinh gọi kẻ đứng đầu chính quyền toàn cầu là “con thú” và 10 đặc sứ là “10 vua”, tất cả sẽ nhận quyền cai trị trong cùng một giờ:

“Mười sừng mà ngươi thấy là mười vua chưa nhận vương quốc nhưng sẽ nhận quyền làm vua cùng một giờ với con thú. Những vua này đồng một ý giao quyền và sức mạnh mình cho con thú. (Khải Huyền 17:12-13).

Đó chính là đặc điểm để mọi người nhận ra được kẻ chống nghịch Đấng Christ và 10 vua đồng minh của hắn.

Thời gian từ khi Hội Thánh của Đức Chúa Trời được cất ra khỏi thế gian cho đến khi hệ thống chính quyền toàn cầu được thiết lập có thể là từ vài ngày cho đến một năm. Xác suất cao nhất là từ một cho đến ba tháng. Nói cách khác, sau khi Hội Thánh của Chúa được cất ra khỏi thế gian thì Kỳ Tận Thế sẽ đến một cách nhanh chóng. Khi đó, tất cả những gì đã được tiên tri gần hai ngàn năm trước, và được ghi lại trong sách Khải Huyền của Thánh Kinh, sẽ lần lượt ứng nghiệm một cách trọn vẹn.

Vương Quốc Ngàn Năm Bình An của Đức Chúa Jesus Christ

Hình ảnh cuối cùng trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa là một hòn đá không do tay người đục ra, lăn đến và đập tan pho tượng, rồi hòn đá đó lớn lên thành một ngọn núi bao trùm khắp đất. Đó chính là hình ảnh của một vương quốc vững chắc, không do loài người lập ra. Vương quốc đó sẽ tiêu diệt toàn bộ hệ thống cầm quyền của loài người, và sẽ thiết lập quyền cai trị của Thiên Chúa trên khắp đất. Đá tiêu biểu cho sức mạnh vững chắc. Mặc dù trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa không nói rõ hòn đá đó thuộc loại đá nào, nhưng có những loại đá quý hiếm và rắn chắc hơn cả kim loại, như kim cương chẳng hạn, khiến cho chúng ta có thể suy luận rằng, Vương Quốc của Đức Chúa Trời vững chắc về cả phương diện quyền lực và kinh tế hơn tất cả các vương quốc do loài người thiết lập hợp lại. Xin đọc chi tiết về Vương Quốc của Đức Chúa Trời trong phần chú giải những chương cuối cùng của sách Khải Huyền trong sách Chú Giải Sách Khải Huyền.

Sự Chân Thật Hiển Nhiên của Đa-ni-ên Chương 2

Khi chúng ta đối chiếu giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa và lời giải thích của Đa-ni-ên với lịch sử, chúng ta thấy rõ 4/5 các chi tiết đã được ứng nghiệm. Còn lại 1/5 là các chi tiết liên quan đến hệ thống chính quyền toàn cầu và Vương Quốc của Đức Chúa Trời, là phần sẽ ứng nghiệm trong những ngày cuối cùng, trong Kỳ Tận Thế. Điều đó đáng và đủ để chúng ta tin rằng, Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho loài người như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh là thật.

Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa lời tiên tri về các thế lực cầm quyền trong thế gian trong những ngày cuối cùng, qua giấc mơ của chính Tiên Tri Đa-ni-ên.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.ibtministries.org/viewcourse.php?crid=93

[2] Đa-ni-ên 5:30-31 “Ngay đêm đó, vua người Canh-đê là Bên-xát-sa bị giết. Rồi Đa-ri-út là người Mê-đi được nước, bấy giờ tuổi người độ sáu mươi hai.”

http://www.jewishencyclopedia.com/articles/4828-cyrus#anchor4

[3] http://kad.biblecommenter.com/daniel/9.htm

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.