005 Giấc Mơ của Một Tiên Tri

10,188 views

YouTube: https://youtu.be/tuwu-lORaKM

005 Giấc Mơ của Một Tiên Tri

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
005_GiacMoCuaMotTienTri.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

 

Xin đọc bài này trước:
https://timhieutinlanh.com/hoi-dap-cach-dich-da-ni-en-717/

Vào năm 552 TCN, năm thứ nhất của triều đại Bên-xát-sa, vua Ba-bi-lôn, (năm mươi ba năm sau khi Vua Nê-bu-cát-nết-sa nằm mơ thấy pho tượng tiêu biểu cho các thế lực cầm quyền trong thế gian sẽ tiếp nối nhau), Tiên Tri Đa-ni-ên cũng có một giấc mơ liên quan đến bốn thế lực cầm quyền trong thế gian, là bốn thế lực sẽ xuất hiện vào thời điểm của Kỳ Tận Thế. Giấc mơ của Tiên Tri Đa-ni-ên được chính ông ghi lại như sau, trong sách Đa-ni-ên, chương thứ 7. Phần trích dẫn dưới đây được trích dẫn từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 [1], là bản hiệu đính từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống, giúp người đọc dễ hiểu hơn trong một số câu:

1 Vào năm thứ nhất của triều đại Bên-xát-sa, vua Ba-bi-lôn, Đa-ni-ên có một giấc chiêm bao và các khải tượng trong đầu, đang khi ở trên giường mình. Ông viết giấc chiêm bao đó ra, thuật lại tất cả các sự ấy.

2 Đa-ni-ên cất tiếng và nói: Ta nhìn xem trong khải tượng của ta vào ban đêm. Này, có bốn hướng gió trên trời thổi tung trên biển lớn.

3 Và có bốn con thú lớn từ biển lên; con này khác với con kia.

4 Con thứ nhất giống như sư tử và có cánh chim ưng. Ta nhìn xem cho đến khi các cánh của nó bị nhổ, nó trỗi lên từ đất, đứng trên hai chân như loài người, và được ban cho lòng của loài người.

5 Này, một con thú khác, con thứ nhì, giống như gấu. Nó trỗi dậy từ một bên hông, có ba cái xương sườn trong miệng, giữa những răng; và họ bảo nó như sau: Hãy trỗi dậy! Hãy ăn nuốt nhiều thịt!

6 Sau đó, ta nhìn xem, này, có một con khác giống như beo, ở trên lưng của nó có bốn cánh của loài chim. Con thú đó có bốn đầu, và quyền cai trị được ban cho nó.

7 Sau đó, ta thấy trong các khải tượng ban đêm, này, một con thú thứ tư, đáng sợ, dữ tợn, và có sức lắm. Nó có những răng lớn bằng sắt. Nó ăn nuốt và nghiền nát, dùng chân giày đạp vật gì còn lại. Nó khác với các con thú có trước nó, và có mười sừng.

8 Ta đang suy ngẫm về các sừng đó, thì này, có một cái sừng nhỏ khác mọc lên ở giữa chúng, và ba cái trong những sừng trước bị nhổ đi trước mặt nó. Này, cái sừng đó có những mắt y như mắt loài người, và một cái miệng nói những lời đại ngôn.

9 Ta nhìn xem cho đến khi các ngai đã được đặt xuống, và Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại đã ngồi. Áo Ngài trắng như tuyết, và tóc trên đầu Ngài như len tinh sạch. Ngai của Ngài như những ngọn lửa, và các bánh xe của nó như lửa cháy.

10 Trước mặt Ngài, một dòng sông lửa chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Ngài và muôn muôn đứng trước Ngài. Sự phán xét đã sẵn sàng, và các sách được mở ra.

11 Bấy giờ, ta nhìn xem, vì tiếng của những lời đại ngôn mà cái sừng nói ra. Ta nhìn xem cho đến khi con thú bị giết, xác của nó bị hủy diệt, và bị phó cho lửa cháy.

12 Những con thú còn lại bị cất hết quyền cai trị, nhưng mạng sống của chúng được dài thêm theo thời gian đã định. [Nghĩa đen: theo một mùa và một kỳ.]

13 Ta nhìn thấy trong những khải tượng ban đêm, này, có một Đấng giống như con người, đến với những đám mây trời. Đấng ấy đến với Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại, và họ đem Người đến trước mặt Ngài.

14 Người được ban cho quyền cai trị, vinh quang, và vương quốc, mà mọi dân, mọi nước, mọi thứ tiếng đều phụng sự Người. Quyền cai trị của Người là quyền cai trị không dứt, sẽ chẳng qua đi, và vương quốc của Người sẽ không bị diệt.

15 Ta, Đa-ni-ên, đau buồn trong tâm thần, ở giữa thân thể của ta; và những khải tượng trong đầu ta làm cho ta bối rối.

16 Ta đến gần một trong những đấng đứng đó, và hỏi về lẽ thật của mọi sự này; thì đấng ấy nói với ta và làm cho ta hiểu lời giải nghĩa của mọi sự.

17 Bốn con thú lớn đó là bốn vua sẽ nổi lên trên đất.

18 Nhưng những thánh đồ của Đấng Rất Cao sẽ nhận lấy vương quốc, và sở hữu vương quốc cho đến mãi mãi, vô cùng!

19 Bấy giờ, ta muốn biết lẽ thật về con thú thứ tư, là con khác với tất cả các con khác, rất dữ tợn, răng thì bằng sắt, móng thì bằng đồng, nó ăn nuốt, nghiền nát, và giày đạp những gì còn lại dưới chân của nó;

20 về mười cái sừng ở trên đầu nó, về cái sừng khác mọc lên, và trước mặt nó ba sừng kia đã bị rơi xuống, sừng ấy có những mắt và một cái miệng nói những lời đại ngôn, hình dạng của nó dũng mãnh hơn những sừng khác.

21 Ta nhìn xem, cái sừng đó gây chiến với các thánh đồ, và thắng được họ.

22 Cho tới khi Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại đã đến, và sự thẩm định được ban cho những thánh đồ của Đấng Rất Cao, và khi thời điểm đã đến, để các thánh đồ sở hữu vương quốc.

23 Đấng ấy nói với ta như sau: Con thú thứ tư sẽ là vương quốc thứ tư trên đất, khác với tất cả các vương quốc, và nó sẽ nuốt cả đất, giày đạp và nghiền nát ra.

24 Mười cái sừng là mười vua sẽ ra từ vương quốc ấy. Một vua sẽ nổi lên sau chúng, khác với các vua trước, và hắn sẽ đánh đổ ba vua.

25 Hắn sẽ nói những lời nghịch lại Đấng Rất Cao, làm hao mòn các thánh đồ của Đấng Rất Cao, và định ý đổi những thời kỳ và luật pháp. Họ sẽ bị phó trong tay hắn cho đến một kỳ, nhiều kỳ, và nửa kỳ. [một năm, hai năm, và nửa năm.]

26 Nhưng sự phán xét sẽ sẵn sàng, và họ sẽ cất quyền cai trị khỏi hắn, để hủy phá và tiêu diệt cho đến cuối cùng.

27 Rồi, vương quốc, quyền cai trị, và sự vĩ đại của vương quốc ở dưới trời, sẽ được ban cho dân của những thánh đồ của Đấng Rất Cao. Vương quốc của Ngài là vương quốc còn mãi, và tất cả các quyền cai trị đều phụng sự và vâng phục Ngài.

28 Sự ấy đến đây là hết. Còn như ta, Đa-ni-ên, các ý tưởng của ta khiến ta bối rối lắm. Sắc mặt ta biến đổi, nhưng ta giữ sự ấy trong lòng ta.

Hầu hết các nhà giải kinh đều cho rằng, bốn con thú mà Đa-ni-ên nhìn thấy trong giấc mơ của ông tương xứng với bốn đế quốc được tiêu biểu bởi bức tượng kim loại trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa. Tuy nhiên, khi so sánh các chi tiết của hai giấc mơ, chúng ta sẽ thấy các điểm sau đây:

1. Trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa, các đế quốc lần lượt tiếp nối nhau trong một khoảng thời gian hàng ngàn năm, đế quốc sau diệt đế quốc trước, tạo ra các thời đại khác nhau. Trong giấc mơ của Đa-ni-ên, bốn con thú tiêu biểu cho bốn vua sẽ xuất hiện trong cùng một thời đại, vào những ngày cuối cùng của Kỳ Tận Thế.

2. Con thú thứ tư dường như mang các đặc tính của ba con thú khác, và các con thú thứ nhất, thứ nhì, và thứ ba vẫn tồn tại thêm một thời gian sau khi con thú thứ tư bị diệt.

3. Trong câu 17, Đa-ni-ên được giải thích rằng, “bốn con thú lớn đó là bốn vua sẽ nổi lên trên đất”, trong khi đó, đế quốc Ba-bi-lôn đã dấy lên trước đó gần 70 năm, Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã qua đời, và đế quốc Ba-bi-lôn đang ở trong giai đoạn sắp bị diệt. Vì thế, con thú thứ nhất không thể là Vua Nê-bu-cát-nết-sa và đế quốc Ba-bi-lôn.

4. Vì con thú thứ nhất không thể là Vua Nê-bu-cát-nết-sa và đế quốc Ba-bi-lôn, cho nên, ba con thú còn lại cũng không liên quan gì đến các đế quốc Mê-đi – Phe-rơ-sơ, Hy-lạp, và La-mã.

5. Riêng con thú thứ tư thì có liên quan đến hai bàn chân của pho tượng trong giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa.

6. Đa-ni-ên hiểu biết ý nghĩa của pho tượng và giải thích rõ ràng cho Vua Nê-bu-cát-nết-sa, trong khi ông “bối rối” về sự hiện thấy bốn con thú, nên ông đã đến gần một đấng đang đứng chầu trước Chúa, để hỏi về lẽ thật của những điều ông nhìn thấy (câu 15-16).

 

Minh họa bốn con thú trong giấc mơ của Tiên Tri Đa-ni-ên
(Bùi Hồng Vũ)

Như vậy, giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa liên quan đến năm thế lực của loài người, tiếp nối nhau trong suốt một khoảng thời gian kéo dài hơn 2.600 năm. Còn giấc mơ của Tiên Tri Đa-ni-ên liên quan đến bốn thế lực của loài người, cùng lúc xuất hiện trong thế hệ cuối cùng. Con thú thứ tư sẽ xuất hiện vào những ngày đầu của Kỳ Tận Thế nhưng ba con thú khác thì xuất hiện trước đó. Con thú thứ tư tiêu biểu cho thế lực sau cùng của loài người trên đất, nó sẽ vô cùng hung bạo và cầm quyền trên khắp đất, trước khi nó bị Thiên Chúa tiêu diệt.

Chúng tôi tin rằng, sự kiện Hội Thánh của Chúa được cất ra khỏi thế gian là một biến động lớn, ảnh hưởng trên toàn thế giới, làm thay đổi vị thế và vai trò của các nước lớn trên thế giới, dẫn đến sự hình thành một chính quyền toàn cầu, là chính quyền được tiêu biểu bằng con thú thứ tư.

Hiện nay, trên thế giới có tám cường quốc về phương diện kinh tế, được gọi là nhóm G8 (Group of Eight), bao gồm các nước: Gia-nã-đại (Ca-na-đa), Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga, Anh, và Hoa Kỳ. Trong tương lai, sau khi Hội Thánh của Chúa được đem ra khỏi thế gian, rất có thể sẽ chỉ còn lại ba thế lực lớn mạnh nhất trên thế giới: Khối Liên Hiệp Châu Á, Khối Liên Hiệp Nga, và Khối Liên Hiệp Châu Âu. Từ trong Khối Liên Hiệp Châu Âu sẽ xuất hiện AntiChrist, kẻ sẽ cầm đầu toàn thế gian để chống nghịch Chúa, và sẽ biến Liên Hiệp Quốc thành con thú thứ tư.

Xem qua các thống kê về dân số, kinh tế, và quân sự của các nước trên thế giới trong hai năm 2012 và 2013, chúng ta có thể phần nào hình dung ra, ba con thú đầu trong giấc mơ của Đa-ni-ên là tiêu biểu cho các quốc gia nào trong những ngày cuối cùng này. Chúng tôi tô đỏ tên các quốc gia đó trong các bản thống kê dưới đây.

Có lẽ, khi đọc đến chương này, nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc, vì sao không thấy Hoa Kỳ, cường quốc số một trên thế giới, được đề cập đến. Thánh Kinh không hề đề cập đến vai trò và số phận của Hoa Kỳ trong những ngày cuối cùng. Chúng tôi tin rằng, sự kiện Hội Thánh của Chúa được cất ra khỏi thế gian, sẽ khiến cho Hoa Kỳ bị mất đi những công dân ưu tú trong mọi ngành nghề, trong chính quyền, trong guồng máy quân sự và kinh tế (Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều con dân Chúa thứ nhất trên thế giới), cùng lúc với những thiên tai lớn giáng xuống trên Hoa Kỳ, sẽ khiến cho Hoa Kỳ suy sụp hoàn toàn, không còn là một cường quốc trong những ngày cuối cùng. Đó cũng là cái giá mà Hoa Kỳ phải trả cho sự bội Đạo.

Hoa Kỳ là một quốc gia do những con dân Chúa xây dựng trên nền tảng của Thánh Kinh bởi lòng kính sợ Thiên Chúa. Hoa Kỳ được Thiên Chúa ban ơn cách lạ lùng, nhanh chóng trở thành cường quốc số một trên thế giới. Tuy nhiên, thế hệ sau cùng của Hoa Kỳ đã khước từ Thiên Chúa và Lời Hằng Sống của Ngài là Thánh Kinh, để tự do sống trong tội lỗi, thỏa mãn mọi ưa muốn của xác thịt. Hoa Kỳ đã trở thành tấm gương xấu về đạo đức cho các dân tộc khác. Vì thế, Hoa Kỳ sẽ đương nhiên nhận phần sửa phạt xứng đáng với tội lỗi của mình.

 

Thống Kê Dân Số Đầu Năm 2013

 

Thứ Hạng

Quốc Gia

Dân Số

1

Trung Quốc

1.357.842.723

2

Ấn Độ

1.270.783.927

3

Hoa Kỳ

317.803.662

4

Nam Dương

246.557.742

5

Ba-tây
(Brazil)

199.605.710

6

Pakistan

82.332.101

7

Nigeria

169.782.513

8

Bangladesh

153.838.251

9

Nga

142.594.312

10

Nhật

126.365.620

11

Mễ-tây-cơ
(Mexico)

117.134.496

12

Phi-luật-tân (Philippines)

97.682.228

13

Việt Nam

90.414.159

14

Ê-thi-ô-bi (Ethiopia)

87.879.011

15

Ai-cập
(Egypt)

85.005.811

16

Đức

81.866.348

17

Iran

76.198.823

18

Thổ-nhĩ-kỳ (Turkey)

75.141.847

19

Thái Lan

70.154.042

20

Congo

70.937.764

21

Pháp

63.700.313

22

Anh

63.081.325

23

Ý

61.067.652

 

Nguồn: http://www.geohive.com/earth/population_now.aspx

Thống Kê Kinh Tế Năm 2012

Thứ Hạng

Quốc Gia

Tổng Sản Lượng

1

Hoa Kỳ

14,6

2

Trung Quốc

10,0

3

Nhật

4,3

4

Ấn Độ

4,0

5

Đức

2,9

6

Nga

2,2

7

Ba-tây
(Brazil)

2,1

8

Anh

2,0

9

Pháp

2,0

10

Ý

1,7

 

Nguồn: http://www.therichest.org/world/worlds-largest-economies/

Thống Kê Quân Sự Năm 2013

 

Thứ Hạng

Quốc Gia

1

Hoa Kỳ

2

Nga

3

Trung Quốc

4

Ấn Độ

5

Anh

6

Pháp

7

Đức

8

Nam Hàn

9

Ý

 

Nguồn: http://www.globalfirepower.com/countries-listing.asp

Chú Giải Từng Câu Đa-ni-ên Chương 7

1 Vào năm thứ nhất của triều đại Bên-xát-sa, vua Ba-bi-lôn, Đa-ni-ên có một giấc chiêm bao và các khải tượng trong đầu, đang khi ở trên giường mình. Ông viết giấc chiêm bao đó ra, thuật lại tất cả các sự ấy.

Năm thứ nhất của triều đại Bên-xát-sa, thuộc đế quốc Ba-bi-lôn, nhằm năm 552 TCN, tức là cách nay (2013) đã 2.564 năm. Trong một buổi tối, Đa-ni-ên đang nằm ngủ trên giường thì có một giấc chiêm bao đến với ông, và ông đã nhìn thấy những hình ảnh diễn ra trong tâm trí ông. Sau đó, Đa-ni-ên đã ghi chép lại những gì ông nhìn thấy trong giấc chiêm bao, đồng thời, tóm lược tâm trạng và sự nhận thức của ông về giấc chiêm bao đó.

2 Đa-ni-ên cất tiếng và nói: Ta nhìn xem trong khải tượng của ta vào ban đêm. Này, có bốn hướng gió trên trời thổi tung trên biển lớn.

“Bốn hướng gió trên trời thổi tung trên biển lớn” là hình ảnh một cơn bão lớn xảy ra trên biển. Trong Thánh Kinh, từ ngữ “các vùng nước”, “các dòng nước”, hoặc “biển” được dùng làm biểu tượng cho các dân tộc, các quốc gia không phải là I-sơ-ra-ên, trong khi “đất” tiêu biểu cho dân tộc và quốc gia I-sơ-ra-ên: “Người nói với tôi: Các vùng nước mà ngươi thấy con điếm ngồi ở trên là các dân tộc, các đám đông, các quốc gia và các ngôn ngữ.” (Khải Huyền 17:15). Biển lớn tiêu biểu cho toàn thế giới, bao gồm các dân tộc không phải là I-sơ-ra-ên, mà Thánh Kinh gọi là “dân ngoại”. Bốn hướng gió trên trời tiêu biểu cho những biến động đến từ thẩm quyền của Thiên Chúa, làm khuấy động tình hình kinh tế, chính trị, và quân sự của các quốc gia trên thế giới. Rất có thể, đây chính là tình trạng hỗn loạn của toàn thế giới sau khi Hội Thánh của Chúa được Chúa đem ra khỏi thế gian. Bốn hướng gió trên trời cũng có thể là sự hành động của bốn thiên sứ được giao phó cho sự điều hành các diễn tiến trong thế gian trong Kỳ Tận Thế. Khải Huyền 7:1 nói đến bốn thiên sứ cầm bốn hướng gió lại, không cho chúng thổi trên đất.

3 Và có bốn con thú lớn từ biển lên; con này khác với con kia.

Nội dung của câu này cho chúng ta thấy, trong hoàn cảnh vô cùng hỗn loạn của thế gian, có bốn thế lực cầm quyền lớn sẽ ra từ các quốc gia trên thế giới, và đây là bốn thế lực khác nhau.

4 Con thứ nhất giống như sư tử và có cánh chim ưng. Ta nhìn xem cho đến khi các cánh của nó bị nhổ, nó trỗi lên từ đất, đứng trên hai chân như loài người, và được ban cho lòng của loài người.

Thế lực thứ nhất có đặc tính hùng mạnh như sư tử, và có sức bành trướng nhanh chóng được tiêu biểu bằng đôi cánh của chim ưng. Con thú thứ nhất rất có thể là biểu tượng của Khối Liên Hiệp Châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, trong những ngày cuối cùng. Từ ngàn xưa, Trung Quốc đã dùng hai pho tượng sư tử bằng đá, chầu hai bên cổng, hoặc cửa dẫn vào tòa nhà chính, hoặc các chùa miếu, cung điện, và cả lăng tẩm… làm biểu tượng cho sự bảo vệ thiêng liêng. Rất có thể, Ấn Độ và Pakistan sẽ liên minh với Trung Quốc, khiến cho Trung Quốc như mãnh sư có thêm đôi cánh của chim ưng. Khối liên minh Châu Á này sẽ là “các vua từ phương đông” được đề cập đến trong Khải Huyền 16:12 “Thiên sứ thứ sáu trút chén mình trên sông lớn Ơ-phơ-rát: Nước liền khô cạn để dọn đường cho các vua từ phương đông.” Vì một lý do gì đó mà sự liên minh của Trung Quốc với Ấn Độ và Pakistan sẽ bị tan vỡ, rất có thể quân lực của Ấn Độ và Pakistan trên đường tiến về Trung Đông sẽ bị hủy diệt bởi các thiên tai. Liền sau đó, có sự thay đổi lớn trong lòng của người dân Trung Quốc. Có thể các biến cố xảy ra lúc bấy giờ khiến cho dân Trung Hoa nhận biết quyền năng của Đức Chúa Trời, ăn năn tội, tiếp nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời và được tái sinh thành những con người mới. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia có nhiều người tin Chúa mỗi ngày nhất và tại Trung Quốc Tin Lành cũng được rao giảng mạnh mẽ nhất. Sở dĩ Trung Quốc có nhiều người tin Chúa nhưng sự kiện Chúa đem Hội Thánh ra khỏi thế gian không làm cho Trung Quốc bị kiệt quệ như Hoa Kỳ, là vì tại Trung Quốc, không có nhiều con dân Chúa nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền, trong các hệ thống kinh tế, kỹ thuật, hoặc trong guồng máy quân sự.

5 Này, một con thú khác, con thứ nhì, giống như gấu. Nó trỗi dậy từ một bên hông, có ba cái xương sườn trong miệng, giữa những răng; và họ bảo nó như sau: Hãy trỗi dậy! Hãy ăn nuốt nhiều thịt!

Con thú thứ nhì có thể tiêu biểu cho nước Nga. Xưa nay, con gấu là biểu tượng của nước Nga. Ba cái xương sườn trong miệng con gấu có thể là ba quốc gia: Ka-dắc-xtan (Kazakhstan), U-bét-kít-xtan (Uzbekistan), và Tuốc-mê-nít-xtan (Turkmenistan) sẽ bị Nga thôn tính trong những ngày cuối cùng. Hiện nay (2013), nước Nga vẫn còn hối tiếc quá khứ vàng son của một Liên Bang Xô-viết, cho nên, trong cảnh hỗn loạn của những ngày cuối cùng, rất có thể dân Nga (họ) sẽ thúc giục nhà cầm quyền đánh chiếm các lân bang (“Hãy trỗi dậy! Hãy ăn nuốt nhiều thịt!”). Ka-dắc-xtan có tiềm năng sẽ trở thành quốc gia sản xuất dầu hỏa và khí đốt hàng thứ mười trên thế giới trong năm 2015, đồng thời có tổng sản lượng về chăn nuôi và nông nghiệp rất lớn. U-bét-kít-xtan giáp ranh phía nam của Ka-dắc-xtan, là quốc gia có mỏ vàng lớn hàng thứ tư trên thế giới. Mỗi năm, U-bét-kít-xtan sản xuất trên 80 tấn vàng. Ngoài ra, U-bét-kít-xtan còn có mỏ đồng đứng hàng thứ mười, mỏ khí đốt đứng hàng thứ mười một, và mỏ u-ra-ni-um đứng hàng thứ mười hai trên thế giới. Tuốc-mê-nít-xtan giáp ranh phía nam của U-bét-kít-xtan, là quốc gia có trữ lượng khí đốt đứng hàng thứ tư trên thế giới và cũng có trữ lượng dầu hỏa đáng kể. Tuốc-mê-nít-xtan còn đứng hàng thứ chín trên thế giới về sản xuất bông gòn. Cả ba quốc gia kể trên đều là các quốc gia theo Hồi Giáo nhưng không phải là dân Ả-rập. Theo Thánh Kinh thì dân của các quốc gia này được gọi là dân Ma-gót, sẽ liên minh với dân Nga, mà Thánh Kinh gọi là dân Gót, để tấn công dân I-sơ-ra-ên trong thời Đại Nạn và sẽ liên kết với Sa-tan, tấn công Giê-ru-sa-lem vào cuối của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

 

Bản đồ nước Nga và ba nước: Kazakhstan, Uzbekistan, và Turkmenistan
(Google Map)

 

6 Sau đó, ta nhìn xem, này, có một con khác giống như beo, ở trên lưng của nó có bốn cánh của loài chim. Con thú đó có bốn đầu, và quyền cai trị được ban cho nó.

Sau sự kiện Trung Quốc liên minh với Ấn Độ và Pakistan, Nga thôn tính ba quốc gia khác, thì các quốc gia thuộc Khối Liên Hiệp Châu Âu sẽ kết hợp chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết, để có thể tự vệ cũng như ngăn ngừa sự bành trướng của Nga và Trung Quốc một cách hữu hiệu. Con thú thứ ba có thể tiêu biểu cho Khối Liên Hiệp Châu Âu. Hiện nay, Khối Liên Hiệp Châu Âu gồm có 27 nước là thành viên, nhưng trong những ngày cuối cùng, rất có thể quyền cai trị sẽ được chia đều cho bốn quốc gia hùng mạnh nhất trong khối; đó là: Anh, Đức, Pháp và Ý. Hiện nay, chúng ta không biết có mối liên quan gì giữa hình ảnh giống như con beo với Khối Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, rất có thể trong những ngày cuối cùng, Khối Liên Hiệp Châu Âu sẽ chọn hình ảnh của con beo để làm biểu tượng. Bốn cánh như cánh chim trên lưng con thú tiêu biểu cho sức bành trướng của bốn thế lực đứng đầu khối này trong những ngày sau cùng. Nhiều quốc gia sẽ gia nhập hoặc liên minh với Khối Liên Hiệp Châu Âu hoặc bị sát nhập với bốn nước Anh, Đức, Pháp, Ý. “Quyền cai trị” được ban cho có thể là sức ảnh hưởng lớn của Khối Liên Hiệp Châu Âu trong tổ chức Liên Hiệp Quốc, nhờ có nhiều quốc gia khác thần phục khối này để được bảo vệ khỏi sự thôn tính của Nga và Trung Quốc. Từ trong khối này, rất có thể là từ nước Ý, tức dân gốc của đế quốc La-mã cũ, một nhân vật thông minh và tài ba sẽ xuất hiện, cầm đầu tổ chức Liên Hiệp Quốc và sau đó là cầm đầu hệ thống chính quyền toàn cầu.

 

Bản đồ Khối Liên Hiệp Châu Âu

 

7 Sau đó, ta thấy trong các khải tượng ban đêm, này, một con thú thứ tư, đáng sợ, dữ tợn, và có sức lắm. Nó có những răng lớn bằng sắt. Nó ăn nuốt và nghiền nát, dùng chân giày đạp vật gì còn lại. Nó khác với các con thú có trước nó, và có mười sừng.

Khi Khối Liên Hiệp Châu Âu đã cử người đứng đầu tổ chức Liên Hiệp Quốc, và được các quốc gia công nhận, thì cũng là lúc thế giới bị chia thành 10 đặc khu, mỗi đặc khu được cai trị bởi một đại diện của Liên Hiệp Quốc, và như thế, hệ thống chính quyền toàn cầu xuất hiện. Chính quyền toàn cầu sẽ rất là hung hãn và hùng mạnh, có quân lực trấn giữ khắp nơi dưới danh nghĩa là quân đội của Liên Hiệp Quốc, sẵn sàng đập tan những âm mưu và những cuộc dấy loạn chống lại thể chế chính quyền toàn cầu. Hình ảnh ăn nuốt tiêu biểu cho sự chinh phục các quốc gia trên thế giới. Hình ảnh nghiền nát tiêu biểu cho sự đánh diệt các quốc gia chống lại thể chế của chính quyền toàn cầu. Trong Thánh Kinh, “sừng” tiêu biểu cho kẻ cầm quyền. Mười sừng tiêu biểu cho mười “vua” tức mười nhân vật cầm quyền trên toàn thế giới.

Thế giới có thể sẽ được chia thành mười khu vực như sau:

1. Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Bắc Hàn, Nam Hàn, và các nước Đông Nam Á: Việt Nam, Miến Điện (Myanmar), Thái Lan, Lào, Mã-lai-á (Malaysia), Tân-gia-ba (Singapore).

2. Nga, Ka-dắc-xtan (Kazakhstan), U-bét-kít-xtan (Uzbekistan), và Tuốc-mê-nít-xtan (Turkmenistan).

3. Khối Liên Hiệp Châu Âu và các nước còn lại ở Châu Âu, bao gồm Cyprus.

4. Ấn Độ, Pakistan, A-phú-hãn (Afghanistan), Tajikistan, Kyrgyzstan, Bangladesh, Tích Lan (Sri Lanka), Bhutah, và Nepal.

5. Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan (New Zealand), Nam Dương (Indonesia), Papua New Guinea, và các Hải Đảo Thái Bình Dương.

6. Thổ-nhĩ-kỳ (Turkey), Georgia, Azerbaijan, Armenia, Si-ri, I-rắc, I-ran, Lê-ba-non, I-sơ-ra-ên, Giô-đanh, Ả-rập Sau-đi, United Arab Emirates, Kuwait, Bahrain, Qatar, Oman, và Yemen.

7. Ai-cập, và các nước thuộc bắc Phi Châu.

8. Các nước thuộc nam Phi Châu và Madagascar.

9. Gia-nã-đại (Canada) và Hoa Kỳ.

10. Mễ-tây-cơ (Mexico), các nước ở Nam Mỹ, và các đảo Ca-ri-bê (Caribbean Islands);

Trên đây chỉ là sự dự kiến của chúng tôi dựa trên bối cảnh về chính trị, tôn giáo, kinh tế, và địa dư của các quốc gia, còn thực tế, khi Liên Hiệp Quốc chính thức chia thế giới thành mười khu vực, có thể sẽ có những khác biệt.

8 Ta đang suy ngẫm về các sừng đó, thì này, có một cái sừng nhỏ khác mọc lên ở giữa chúng, và ba cái trong những sừng trước bị nhổ đi trước mặt nó. Này, cái sừng đó có những mắt y như mắt loài người, và một cái miệng nói những lời đại ngôn.

Từ giữa mười thế lực cầm quyền trong hệ thống chính quyền toàn cầu, sẽ có một nhân vật nổi lên, tước quyền của ba thế lực khác. Gọi là sừng nhỏ là vì nhân vật này cũng cầm quyền nhưng không cầm quyền trên nhiều nước như mười sừng kia, mà chỉ là một sự cầm quyền về mặt hành chính. Cái sừng nhỏ này chính là AntiChrist, kẻ chống nghịch Đức Chúa Jesus Christ, là con thú được nói đến trong Khải Huyền chương 13. Cái sừng nhỏ sẽ nhận quyền cai trị cùng trong một giờ với mười sừng khác. Sau đó, mười cái sừng khác sẽ bằng lòng trao quyền cai trị của mình cho cái sừng nhỏ. Tuy nhiên, cái sừng nhỏ vẫn triệt hạ ba cái sừng khác, để đích thân cầm quyền trên ba đặc khu trên thế giới. Rất có thể, đó là các đặc khu: Số 2 (Khối Liên Hiệp Nga), Số 3 (Khối Liên Hiệp Châu Âu), và Số 6 (Thổ-nhĩ-kỳ, Georgia, Azerbaijan, Armenia, Si-ri, I-rắc, I-ran, Lê-ba-non, I-sơ-ra-ên, Giô-đanh, Ả-rập Sau-đi, United Arab Emirates, Kuwait, Bahrain, Qatar, Oman, và Yemen). Cái sừng nhỏ có mắt như mắt người tiêu biểu cho sự quan sát và canh chừng tinh tế, còn cái miệng nói những lời đại ngôn là nói những lời khoe khoang, kiêu ngạo, thậm chí, những lời phạm thượng Thiên Chúa.

9 Ta nhìn xem cho đến khi các ngai đã được đặt xuống, và Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại đã ngồi. Áo Ngài trắng như tuyết, và tóc trên đầu Ngài như len tinh sạch. Ngai của Ngài như những ngọn lửa, và các bánh xe của nó như lửa cháy.

Đến đây thì hình ảnh trong chiêm bao của Đa-ni-ên chuyển từ thế gian vào trong thiên đàng. Ông nhìn thấy có những ngai được xếp đặt, và Đức Chúa Trời ngự trên một ngai. Cách thức sắp xếp các ngai trên thiên đàng được Sứ Đồ Giăng mô tả trong Khải Huyền 4:2-4 như sau:

“Liền theo đó, trong thần linh, tôi nhìn thấy một ngai được đặt trên trời, có một Đấng ngự trên ngai. Đấng ngồi đó trông rực rỡ như ngọc thạch anh và ngọc mã não. Có cầu vồng, nhìn như là ngọc lục cẩm thạch, bao chung quanh ngai. Chung quanh ngai ấy lại có hai mươi bốn ngai và tôi thấy hai mươi bốn trưởng lão mặc áo trắng, trên đầu đội mão bằng vàng, đang ngồi trên các ngai ấy.

Đa-ni-ên gọi Đức Chúa Trời là “Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại” với ý nghĩa: “Đấng có từ trước vô cùng!” Áo Ngài trắng như tuyết tiêu biểu cho sự thánh khiết bao phủ Ngài. Tóc trên đầu Ngài như len tinh sạch tiêu biểu cho sự khôn sáng, công chính của Ngài. Hình ảnh này khiến cho chúng ta nhớ đến các vị thẩm phán của nước Anh đội những đầu tóc giả màu trắng bạc trong khi ngồi ghế thẩm phán. Ngai của Ngài là những ngọn lửa tiêu biểu cho sự phán xét rất nghiêm khắc của Ngài. Các bánh xe của ngai là lửa hừng tiêu biểu cho sự linh động một cách nghiêm khắc trong sự phán xét của Ngài và mọi phán quyết của Ngài sẽ được thi hành một cách nhanh chóng.

10 Trước mặt Ngài, một dòng sông lửa chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Ngài và muôn muôn đứng trước Ngài. Sự phán xét đã sẵn sàng, và các sách được mở ra.

Dòng sông lửa chảy ra tiêu biểu cho sự phán xét của Đức Chúa Trời đầy dẫy sự thịnh nộ và nghiêm khắc, không ai và không điều gì có thể đứng nổi trước sự phán xét của Ngài. Sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ thiêu diệt tất cả những kẻ phạm tội không ăn năn. Các sách mở ra là những hồ sơ ghi chép về tội lỗi của các dân tộc. Trong cuộc phán xét cuối cùng dành cho mỗi cá nhân như được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15 cũng có các sách mở ra, là những hồ sơ ghi chép về tội lỗi của mỗi người. Khi chúng ta ý thức rằng Đức Chúa Trời ghi nhớ từng tội lỗi của mỗi người và mỗi dân tộc, thì chúng ta mới cảm nhận được sự nghiêm khắc và công chính của Chúa trong vai trò thẩm phán, xét xử toàn thế gian.

11 Bấy giờ, ta nhìn xem, vì tiếng của những lời đại ngôn mà cái sừng nói ra. Ta nhìn xem cho đến khi con thú bị giết, xác của nó bị hủy diệt, và bị phó cho lửa cháy.

Đa-ni-ên nghe những lời phạm thượng thốt ra từ miệng của AntiChrist, kẻ cầm đầu hệ thống chính quyền toàn cầu, và ông chờ xem sự phán xét từ Đức Chúa Trời giáng xuống AntiChrist. Ông nhìn thấy AntiChrist bị giết và xác của hắn bị thiêu trong lửa. Khải Huyền 19:20 cho biết AntiChrist và tiên tri giả đang còn sống bị ném vào trong hỏa ngục:

“Con thú bị bắt cùng Tiên Tri Giả đã làm nhiều phép lạ trước nó để lừa dối những kẻ đã nhận dấu ấn của con thú và những kẻ đã thờ phượng tượng nó. Cả hai bị quăng sống vào hồ lửa đang cháy với lưu hoàng.

Thánh Kinh cho biết, khi sự chết của thân thể xác thịt xảy ra thì thân thể xác thịt trở về cùng bụi đất, còn linh hồn của người không tin nhận sự cứu rỗi của Chúa sẽ bị giam trong âm phủ, chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại để chịu sự phán xét, rồi mới bị giam vào trong hỏa ngục, chịu hình phạt đời đời. Nhưng riêng trường hợp của hai kẻ đại ác là AntiChrist và Tiên Tri Giả, họ đang còn sống trong thân thể xác thịt thì bị ném vào trong hỏa ngục. Thân thể xác thịt của họ sẽ bị cháy tan trong lửa và linh hồn của họ sẽ ở lại trong hỏa ngục cho đến đời đời.

12 Những con thú còn lại bị cất hết quyền cai trị, nhưng mạng sống của chúng được dài thêm theo thời gian đã định.

Các thế lực còn lại sẽ bị cất hết quyền cai trị nhưng các quốc gia dưới quyền cai trị của các thế lực ấy vẫn tồn tại thêm một thời gian. Từ ngữ “theo thời gian đã định” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ không xác định độ dài của thời gian, mà chỉ có nghĩa, đó là một khoảng thời gian đã được chỉ định để hoàn tất một công việc gì. Rất có thể, các quốc gia thuộc về Khối Liên Hiệp Châu Á, Khối Liên Hiệp Nga, và Khối Liên Hiệp Châu Âu sẽ tồn tại cho đến khi sự phán xét các dân tộc trên thế gian như Chúa đã tiên tri trong Ma-thi-ơ chương 25 được hoàn tất.

13 Ta nhìn thấy trong những khải tượng ban đêm, này, có một Đấng giống như con người, đến với những đám mây trời. Đấng ấy đến với Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại, và họ đem Người đến trước mặt Ngài.

Đấng giống như con người” chính là Đức Chúa Jesus Christ, vì Ngài đã nhập thế làm người, chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho toàn thể nhân loại, đã sống lại trong thân xác của con người, và về trời trong thân xác của con người. Danh từ “con người” có nghĩa là “con của loài người”, khi được dùng làm danh xưng của Đức Chúa Jesus Christ thì viết hoa: “Con Người”. Trong ngày Đức Chúa Trời ngồi trên ngôi phán xét, Đức Chúa Jesus Christ được đưa đến trước mặt Đức Chúa Trời, có những đám mây trời bao phủ Ngài. Mây trời bao phủ tiêu biểu cho sự vinh quang của thiên đàng.

14 Người được ban cho quyền cai trị, vinh quang, và vương quốc, mà mọi dân, mọi nước, mọi thứ tiếng đều phụng sự Người. Quyền cai trị của Người là quyền cai trị không dứt, sẽ chẳng qua đi, và vương quốc của Người sẽ không bị diệt.

Đức Chúa Jesus Christ đến trước mặt Đức Chúa Trời để nhận quyền cai trị, vinh quang, và ngôi nước từ Đức Chúa Trời. Và như thế, muôn dân, muôn nước, muôn tiếng nói trên đất đều phải đầu phục Ngài. Quyền cai trị của Đức Chúa Jesus Christ và vương quốc của Ngài sẽ còn đến đời đời.

15 Ta, Đa-ni-ên, đau buồn trong tâm thần, ở giữa thân thể của ta; và những khải tượng trong đầu ta làm cho ta bối rối.

Đến đây thì Đa-ni-ên cảm thấy bối rối. Có lẽ, ông không bối rối về khải tượng Đức Chúa Jesus Christ sẽ cầm quyền và cai trị đời đời. Mặc dù trong thời đại của Đa-ni-ên, ông chưa hề biết đến sự kiện Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thế làm người để đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho toàn thể nhân loại. Nhưng ông vẫn có thể hiểu được rằng, “Đấng giống như con người” mà ông nhìn thấy đó, chính là Đấng Được Xức Dầu để giải cứu dân I-sơ-ra-ên và làm vua của dân I-sơ-ra-ên mà Đức Chúa Trời đã hứa qua các tiên tri. “Đấng Được Xức Dầu” trong tiếng Hê-bơ-rơ là “mâshı̂yach” được phiên âm sang tiếng Việt là “Mê-si-a”; trong tiếng Hy-lạp là “Christos”, được phiên âm sang tiếng Việt là “Cơ-đốc”, hoặc “Christ” hoặc “Ki-tô”. Xin xem ý nghĩa của từ ngữ “Christ” trong phần Lời Nói Đầu của sách này.

16 Ta đến gần một trong những đấng đứng đó, và hỏi về lẽ thật của mọi sự này; thì đấng ấy nói với ta và làm cho ta hiểu lời giải nghĩa của mọi sự.

Đa-ni-ên tiến đến gần một trong số ngàn ngàn và muôn muôn thiên sứ đang đứng chầu trước mặt Đức Chúa Trời, để hỏi thăm ý nghĩa của những điều ông đã nhìn thấy. Thiên sứ được Đa-ni-ên hỏi đã giải nghĩa cho Đa-ni-ên được hiểu.

17 Bốn con thú lớn đó là bốn vua sẽ nổi lên trên đất.

Bốn con thú mà Đa-ni-ên nhìn thấy chính là bốn thế lực cầm quyền sẽ nổi lên trên đất. Mỗi con thú tiêu biểu cho một kẻ cầm quyền, như vua, tổng thống, chủ tịch, thủ tướng của một quốc gia, của một đế quốc, hay của một khối liên minh các quốc gia. Tuy nhiên, con thú cũng là biểu tượng cho một quốc gia, một đế quốc, hay một khối liên minh các quốc gia.

18 Nhưng những thánh đồ của Đấng Rất Cao sẽ nhận lấy vương quốc, và sở hữu vương quốc cho đến mãi mãi, vô cùng!

Dù các thế lực đó rất là hung hãn nhưng con dân của Đức Chúa Trời, được gọi là các thánh đồ của Đấng Rất Cao, sẽ nhận lấy toàn thế gian làm vương quốc của họ cho đến đời đời. Tính cách đời đời được nhấn mạnh trong câu này bằng cách lập lại “cho đến mãi mãi, vô cùng!”

19 Bấy giờ, ta muốn biết lẽ thật về con thú thứ tư, là con khác với tất cả các con khác, rất dữ tợn, răng thì bằng sắt, móng thì bằng đồng, nó ăn nuốt, nghiền nát, và giày đạp những gì còn lại dưới chân của nó;

Đa-ni-ên đặc biệt chú ý đến con thú thứ tư. Ông không nói nó giống như con thú nào trên đất, có lẽ vì nó là một quái thú, mang hình dạng và đặc tính của các con thú khác. Khải Huyền 13:2a chép: “Con thú mà tôi thấy đó giống như một con beo, chân thì như chân gấu, miệng thì như miệng sư tử”. Chúng ta thấy con thú thứ tư mang đặc tính của ba con thú khác. Răng bằng sắt nói đến sức mạnh thôn tính các quốc gia khác, móng thì bằng đồng nói đến sức mạnh của sự trừng phạt. Hành động cắn nuốt nói đến sự thôn tính, bắt phục các quốc gia khác. Hành động nghiền nát và giày đạp nói đến sự hủy diệt những quốc gia không chịu hàng phục.

20 về mười cái sừng ở trên đầu nó, về cái sừng khác mọc lên, và trước mặt nó ba sừng kia đã bị rơi xuống, sừng ấy có những mắt và một cái miệng nói những lời đại ngôn, hình dạng của nó dũng mãnh hơn những sừng khác.

Đa-ni-ên cũng muốn biết ý nghĩa về mười cái sừng ở trên đầu của con thú thứ tư, và ý nghĩa của cái sừng khác mọc lên thay thế cho ba sừng bị rơi xuống trước mặt nó. Ông nhận thấy hình dáng của cái sừng mọc lên sau mạnh bạo hơn các sừng khác. Cái sừng đó chính là biểu tượng của AntiChrist, kẻ chống nghịch Đức Chúa Jesus Christ.

21 Ta nhìn xem, cái sừng đó gây chiến với các thánh đồ, và thắng được họ.

Đa-ni-ên nhìn thấy AntiChrist, trong tư thế kẻ đứng đầu chính quyền toàn cầu, tranh chiến cùng những con dân Chúa trong Kỳ Đại Nạn và được thắng. Đức Chúa Trời cho phép điều này xảy ra để các con dân của Ngài trong Kỳ Đại Nạn có cơ hội bày tỏ đức tin và chịu khổ vì danh Chúa, và qua đó, họ nhận được phần thưởng lớn từ nơi Ngài, là quyền đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc Ngàn Năm, như Khải Huyền 20:4 đã chép:

“Và tôi thấy có nhiều ngai và những người ngồi trên chúng. Quyền phán xét được ban cho họ. Tôi thấy những linh hồn của những người đã bị chém đầu bởi sự làm chứng về Đức Chúa Jesus và về Lời của Đức Chúa Trời, là những người đã không thờ phượng con thú hoặc tượng của nó, cũng đã không nhận dấu hiệu của nó trên trán hoặc trên tay của họ. Họ được sống và được cai trị với Đấng Christ một ngàn năm.

Những thánh đồ chết vì danh Chúa trong Kỳ Đại Nạn sẽ được sống lại và đồng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ trên đất trong Vương Quốc Ngàn Năm. Hội Thánh thì đồng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ trong toàn cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, từ cõi thuộc thể đến cõi thuộc linh, từ trên thiên đàng cho đến trên đất. Hội Thánh như là thẩm quyền trung ương.

22 Cho tới khi Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại đã đến, và sự thẩm định được ban cho những thánh đồ của Đấng Rất Cao, và khi thời điểm đã đến, để các thánh đồ sở hữu vương quốc.

AntiChrist sẽ được đắc thắng trong một khoảng thời gian ngắn, là 42 tháng, như Khải Huyền 13:5 đã tiên tri, cho đến giờ phút Đức Chúa Trời ban sự thẩm định của Ngài cho các con dân của Ngài, là thời điểm để các con dân của Ngài nhận lãnh vương quốc làm cơ nghiệp. Sự thẩm định Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài là sự Ngài xưng các con dân của Ngài là công chính, không một lời kiện cáo nào của Sa-tan có hiệu lực để buộc tội các con dân Ngài.

23 Đấng ấy nói với ta như sau: Con thú thứ tư sẽ là vương quốc thứ tư trên đất, khác với tất cả các vương quốc, và nó sẽ nuốt cả đất, giày đạp và nghiền nát ra.

Từ ngữ “vương quốc” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là một từ ngữ được dùng để chỉ về một vương quốc hoặc một chính quyền. Con thú thứ tư là hệ thống chính quyền toàn cầu được thể hiện qua tổ chức Liên Hiệp Quốc, cái sừng nhỏ của con thú là kẻ cầm quyền cai trị trong thế lực toàn cầu đó, tức là AntiChrist. Quân lực của Liên Hiệp Quốc sẽ thống trị toàn thế gian và sẵn sàng hủy diệt những ai chống nghịch nó.

24 Mười cái sừng là mười vua sẽ ra từ vương quốc ấy. Một vua sẽ nổi lên sau chúng, khác với các vua trước, và hắn sẽ đánh đổ ba vua.

Trong câu 17 thì ghi là: “Bốn con thú lớn đó là bốn vua sẽ nổi lên trên đất”; nhưng ở đây, chúng ta thấy con thú thứ tư được gọi là một “vương quốc” và từ vương quốc ấy có mười vua nổi lên. Vì từ ngữ “vương quốc” có thể dùng để chỉ về một nước mà cũng có thể dùng để chỉ về một hệ thống chính quyền, cho nên, theo văn mạch chúng ta thấy rõ, con thú thứ tư tiêu biểu cho một thể chế chính quyền cai trị trên nhiều quốc gia. Khi AntiChrist đắc cử làm tổng thống hoặc chủ tịch của Liên Hiệp Quốc trong cùng một giờ mười đặc sứ của Liên Hiệp Quốc được bầu ra để cai trị mười khu vực trên thế giới, thì hệ thống chính quyền toàn cầu được thiết lập. Sau đó, mười đặc sứ sẽ giao quyền cai trị cho AntiChrist (Khải Huyền 17:12-13) nhưng AntiChrist sẽ đánh đổ ba trong số mười đặc sứ và chiếm lấy quyền cai trị trực tiếp ba khu vực trên thế giới:

“Mười sừng mà ngươi thấy là mười vua chưa nhận vương quốc nhưng sẽ nhận quyền làm vua cùng một giờ với con thú. Những vua này đồng một ý giao quyền và sức mạnh mình cho con thú.

AntiChrist phải thật sự nắm quyền cai trị trực tiếp ba khu vực có ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng Trung Đông. Vì mục đích cuối cùng của AntiChrist là làm cho hiện thực ý muốn của Sa-tan, đó là hủy diệt dân tộc và quốc gia I-sơ-ra-ên, để lời hứa của Thiên Chúa với Áp-ra-ham không thể hoàn thành. Khi đó, Sa-tan có thể rêu rao với các thiên sứ và loài người rằng, Đức Chúa Trời không toàn năng, không chân thật, và không thành tín.

25 Hắn sẽ nói những lời nghịch lại Đấng Rất Cao, làm hao mòn các thánh đồ của Đấng Rất Cao, và định ý đổi những thời kỳ và luật pháp. Họ sẽ bị phó trong tay hắn cho đến một kỳ, nhiều kỳ, và nửa kỳ.

AntiChrist sẽ nói ra những lời phạm thượng đến Đức Chúa Trời, sẽ được quyền làm tổn hại con dân Chúa trong Kỳ Đại Nạn, sẽ hủy bỏ ngày Sa-bát và Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa trong Kỳ Đại Nạn sẽ chịu sự bách hại của AntiChrist trong 1.260 ngày. Một kỳ là 360 ngày, nhiều kỳ là 720 ngày, và nửa kỳ là 180 ngày. Từ ngữ “kỳ” hoặc “thời” (nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “‛iddân” H5732) trong Thánh Kinh khi được dùng làm đơn vị chỉ thời gian thì tương đương với 360 ngày. Đây không phải là một năm 365 ngày, mà chỉ là một khoảng thời gian tương đương 360 ngày. Từ ngữ “nhiều kỳ” có nghĩa là “hai kỳ”.

26 Nhưng sự phán xét sẽ sẵn sàng, và họ sẽ cất quyền cai trị khỏi hắn, để hủy phá và tiêu diệt cho đến cuối cùng.

Vào cuối của Kỳ Đại Nạn, sự phán xét AntiChrist và các dân, các nước trên thế gian sẽ đến. Khi đó, quyền cai trị của AntiChrist sẽ bị cất khỏi hắn, vương quốc của hắn, tức là những kẻ theo hắn, tôn thờ hắn, và mọi công trình do hắn xây dựng sẽ bị hủy phá và tiêu diệt cho đến khi không còn gì để hủy phá và tiêu diệt.

27 Rồi, vương quốc, quyền cai trị, và sự vĩ đại của vương quốc ở dưới trời, sẽ được ban cho dân của những thánh đồ của Đấng Rất Cao. Vương quốc của Ngài là vương quốc còn mãi, và tất cả các quyền cai trị đều phụng sự và vâng phục Ngài.

Sau khi AntiChrist và vương quốc của hắn bị tiêu diệt, thì quyền cai trị muôn dân, muôn nước trong thế gian sẽ được trao cho con dân Chúa. Từ đó, Vương Quốc của Đức Chúa Trời sẽ được thiết lập và còn đến đời đời. Mọi quyền cai trị đều hầu việc Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài cho đến đời đời. Sẽ không còn một quyền lực nào cầm quyền trên đất mà lại chống nghịch Đức Chúa Trời.

Trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, Hội Thánh của Chúa sẽ đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trên toàn thể cơ nghiệp của Đức Chúa Trời trong các tầng trời và trên đất. Những thánh đồ thời Cựu Ước và những thánh đồ tử Đạo thời Đại Nạn sẽ đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trên muôn dân, muôn nước trong thế gian. Những thánh đồ trung tín với Chúa và còn sống trong thời Đại Nạn sẽ trở thành công dân của Vương Quốc Ngàn Năm. Khi kỳ hạn của Vương Quốc Ngàn Năm đã mãn thì tất cả công dân của Vương Quốc Ngàn Năm, bao gồm những người được sinh ra trong một ngàn năm đó và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, sẽ trở thành công dân của Vương Quốc Đời Đời trong cõi trời mới đất mới. Cuối của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, Sa-tan sẽ được thả ra từ âm phủ để kêu gọi loài người chống nghịch Thiên Chúa lần cuối cùng. Sẽ có vô số người sống trong Vương Quốc Ngàn Năm nhưng lòng không vâng phục Chúa, nghe theo lời chiêu dụ của Sa-tan, đứng lên tấn công thành thánh Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, họ sẽ bị lửa từ trời rơi xuống thiêu diệt và Sa-tan sẽ bị ném vào hỏa ngục:

Khải Huyền 20:7-10

7 Khi một ngàn năm đã mãn, Sa-tan sẽ được thả ra khỏi ngục của nó.

8 Nó sẽ đi ra, lừa dối các quốc gia trong bốn góc đất – Gót và Ma-gót – để nhóm chúng lại cho chiến trận. Chúng đông như cát biển.

9 Chúng tràn ra khắp đất, bao vây quân trại của các thánh đồ và thành yêu dấu. Rồi, lửa từ Đức Chúa Trời ra từ trời thiêu nuốt chúng.

10 Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và Tiên Tri Giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.

Gót là nước Nga, Ma-gót là các nước đồng minh của Nga (những nước Hồi Giáo ở Châu Âu, không phải là dân Ả-rập). Sau đó, trời đất cũ sẽ qua đi và sự phán xét chung cuộc những kẻ không ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ được tiến hành, rồi trời mới đất mới sẽ xuất hiện và Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời sẽ được thiết lập. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết những sự kiện này khi đến phần chú giải Khải Huyền chương 20 và 21.

28 Sự ấy đến đây là hết. Còn như ta, Đa-ni-ên, các ý tưởng của ta khiến ta bối rối lắm. Sắc mặt ta biến đổi, nhưng ta giữ sự ấy trong lòng ta.

Đa-ni-ên kết thúc sự ghi chép về giấc mơ của ông. Tuy nhiên, ông vẫn có sự bối rối trong tâm trí, đến nỗi mặt ông biến sắc. Dù bối rối nhưng Đa-ni-ên vẫn nhớ rõ sự ông đã thấy trong chiêm bao, và suy ngẫm về chúng. Lý do Đa-ni-ên bối rối có lẽ là vì ông nhìn thấy con dân Chúa trong những ngày cuối cùng phải chịu sự bách hại vô cùng khủng khiếp, nhìn thấy các phương tiện khoa học, kỹ thuật được AntiChrist dùng, để chinh phục thế giới và bách hại những ai chống nghịch hắn, nhìn thấy sự phạm thượng không thể nào tưởng tượng đến của AntiChrist, v.v.. Nói chung, những điều đó thật vượt quá sự suy tưởng của một người sống cách chúng ta hơn 2.500 năm trước.

Khi chúng ta liên kết giấc mơ của Vua Nê-bu-cát-nết-sa với giấc mơ của Tiên Tri Đa-ni-ên cùng với sách Khải Huyền thì chúng ta nhận thấy: toàn bộ Thánh Kinh liên kết chặt chẽ với nhau, và phải là Lời của Đức Chúa Trời. Chỉ có Đức Chúa Trời Toàn Năng, Toàn Tri mới có thể nói trước những việc sẽ xảy ra. Chúng ta lại nhận thấy, Đức Chúa Trời là tình yêu, vì Ngài đã ban cho loài người Thánh Kinh để qua đó loài người nhận biết Ngài và sự cứu rỗi của Ngài, hầu cho hễ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài và vâng phục Lời Ngài, thì được trở nên con dân trong Vương Quốc Đời Đời của Ngài. Chúng tôi kêu gọi quý bạn đọc hãy tin nhận Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/