009 Lời Tiên Tri của Đức Chúa Jesus Christ – Phần 3

8,577 views

YouTube: https://youtu.be/FZaW-yvmaZ8

009 Lời Tiên Tri của Đức Chúa Jesus Christ – Phần 3

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
009_LoiTienTriCuaChua_3.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Những Câu Tiên Tri về Sự Chúa Đến

Tiếp theo lời tiên tri về sự tận thế là lời tiên tri về sự Chúa sẽ đến để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian. Lời tiên tri này áp dụng riêng cho Hội Thánh.

Hội Thánh của Chúa không phải là một tổ chức tôn giáo nào đó mang danh Tin Lành, vì mỗi tổ chức tôn giáo đó đều do loài người sáng lập, trong khi Hội Thánh là do chính Đức Chúa Jesus Christ sáng lập. Hội Thánh của Chúa cũng không phải là Cơ-đốc Giáo (Christianity), vì Cơ-đốc Giáo là một hệ thống tổng hợp tất cả các tổ chức tôn giáo xưng nhận rằng, Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, nhưng thực tế thì họ không làm theo lời phán dạy của Ngài.

Hội Thánh của Chúa bao gồm tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và trung tín sống theo Lời Chúa như đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Hội Thánh của Chúa bao gồm mọi dân tộc, bao gồm tất cả những ai đã chết trong Chúa và đang sống trong Chúa trong suốt khoảng thời gian gần hai ngàn năm nay, từ khi Đức Thánh Linh giáng lâm trong ngày Hội Thánh được thành lập, cho đến ngày Đức Chúa Jesus Christ hiện ra giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Khi Chúa đến, thân thể xác thịt của những người đã chết trong Chúa sẽ được sống lại từ trong mồ mả, thân thể xác thịt của những người đang sống trong Chúa sẽ được biến hóa thành một thân thể mới, vinh quang và bất tử.

Xét về văn mạch, chúng ta biết rằng, những gì được nói đến trong lời tiên tri này chỉ có thể xảy ra trước Kỳ Tận Thế, là lúc thế gian vẫn còn sinh hoạt bình thường; chứ không thể xảy ra trong hoặc cuối Kỳ Tận Thế, là giai đoạn đầy thiên tai kinh hoàng, không ai thản nhiên lo ăn uống, cưới gả, mua bán, trồng trọt, xây dựng… bình thường.

Lời tiên tri về sự Chúa đến để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian do chính Đức Chúa Jesus Christ phán, được ghi lại trong ba sách: Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca. Còn lời tiên tri do Đức Thánh Linh thần cảm cho Sứ Đồ Phao-lô, được ghi lại trong các sách I Cô-rinh-tô, và II Tê-sa-lô-ni-ca. Trước hết, chúng ta hãy xem qua lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ:

Ma-thi-ơ 24:32-42

32 Hãy học ngụ ngôn về cây vả. Khi nhánh của nó còn non, lá mới đâm, thì các ngươi biết, mùa hạ gần tới.

33 Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng, sự ấy là gần, ngay trước các cửa. [Sự ấy tức là sự Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất. Một số bản dịch Anh ngữ dịch rằng: Ngài đã gần, ngay trước các cửa!]

34 Thật! Ta nói với các ngươi, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi điều ấy được ứng nghiệm! [Thế hệ này là thế hệ của những người nhìn thấy sự kiện nhành non của cây vả ra lá, biểu tượng cho sự dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc rồi chiếm lại quyền làm chủ thành thánh Giê-ru-sa-lem.]

35 Trời đất sẽ qua nhưng lời Ta nói chẳng bao giờ qua đi.

36 Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết, ngay cả các thiên sứ trên trời cũng không biết, nhưng chỉ Cha Ta.

37 Trong những ngày của Nô-ê thế nào, khi Con Người đến cũng thế ấy.

38 Vì trong những ngày trước cơn lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả cho tới ngày Nô-ê vào trong tàu,

39 và không biết gì hết cho tới khi cơn lụt đến và đem đi hết thảy. Khi Con Người đến cũng như vậy.

40 Lúc ấy, sẽ có hai người ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại;

41 hai người đang xay cối, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại.

42 Vậy, hãy tỉnh thức! Vì các ngươi không biết giờ nào Chúa của các ngươi đến.

Mác 13:28-37

28 Hãy nghe lời thí dụ về cây vả. Vừa khi nhánh nó trở nên non và nứt lộc, thì biết mùa hạ gần tới.

29 Cũng một lẽ ấy, khi các ngươi thấy các điều đó xảy đến, hãy biết Con Người đã tới gần, ở nơi cửa.

30 Thật sự, Ta nói với các ngươi, dòng dõi này chẳng qua trước khi mọi sự kia xảy tới.

31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta không bao giờ qua đâu.

32 Nhưng về ngày và giờ đó, chẳng ai biết, các thiên sứ trên trời cũng chẳng biết, Đức Con cũng chẳng biết, ngoại trừ Đức Cha.

33 Hãy giữ mình, tỉnh thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào.

34 Ấy cũng như một người kia đi đường xa, bỏ nhà, giao cho đầy tớ mỗi đứa cai quản một việc, và cũng bảo đứa canh cửa thức canh.

35 Vậy, các ngươi hãy thức canh, vì không biết chủ nhà về lúc nào, hoặc tối, nửa đêm, lúc gà gáy, hay là sớm mai,

36 kẻo cho người về thình lình, gặp các ngươi ngủ chăng.

37 Điều mà Ta nói với các ngươi, Ta cũng nói cho mọi người: Hãy tỉnh thức!

Lu-ca 17:26-37

26 Việc đã xảy đến trong đời Nô-ê, thì cũng sẽ xảy đến trong ngày Con Người:

27 người ta ăn, uống, cưới, gả, cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và nước lụt đến hủy diệt thiên hạ hết.

28 Việc đã xảy ra trong đời Lót cũng vậy, người ta ăn, uống, mua, bán, trồng tỉa, cất dựng;

29 đến ngày Lót ra khỏi thành Sô-đôm, thì trời mưa lửa và lưu huỳnh, giết hết dân thành ấy.

30 Ngày Con Người hiện ra cũng thế ấy.

31 Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà, có của để trong nhà, chẳng xuống mà chuyên đi; ai ở ngoài đồng, cũng chẳng trở về.

32 Hãy nhớ lại vợ của Lót.

33 Ai kiếm cách cứu sự sống mình, thì sẽ mất; ai mất sự sống mình, thì sẽ được lại.

34 Ta phán với các ngươi, trong đêm đó, hai người nằm chung giường, một người sẽ được đem đi, còn một bị bỏ lại.

35 Hai người đàn bà xay chung cối, một người được đem đi, còn một bị bỏ lại.

36 Hai người ở ngoài đồng, một người được đem đi, còn một bị bỏ lại.

37 Các môn đồ thưa cùng Ngài rằng: Thưa Chúa, sự ấy sẽ ở tại đâu? Ngài đáp rằng: Xác chết ở đâu, chim ó nhóm tại đó.

Lu-ca 21:29-36

29 Kế đó, Ngài phán với họ một lời thí dụ rằng: Hãy xem cây vả và các cây khác;

30 khi nó mới trổ lộc, các ngươi thấy thì tự biết rằng mùa hạ đã gần đến.

31 Cũng vậy, khi các ngươi thấy những điều ấy xảy ra, hãy biết Vương Quốc của Đức Chúa Trời gần đến.

32 Thật sự, Ta nói với các ngươi, dòng dõi này chẳng qua trước khi mọi sự kia xảy đến.

33 Trời và đất sẽ qua nhưng những lời của Ta sẽ không qua đâu.

34 Vậy, hãy giữ lấy mình, kẻo lòng của các ngươi bị trĩu nặng với sự quá độ, sự say sưa, và sự lo lắng của đời sống mà ngày ấy đến trên các ngươi cách bất ngờ.

35 Vì ngày ấy sẽ như một cái bẫy, đến trên mọi người ở khắp nơi trên mặt đất.

36 Vậy, hãy tỉnh thức và luôn cầu nguyện, để các ngươi được xứng đáng tránh khỏi những sự sẽ xảy ra, và được đứng trước mặt Con Người.

Tổng Hợp và Chú Giải Những Câu Tiên Tri về Sự Chúa Đến

Dưới đây là phần tổng hợp và chú giải những câu Thánh Kinh được trích dẫn trên:

Ma-thi-ơ 24:32-33

32 Hãy học ngụ ngôn về cây vả. Khi nhánh của nó còn non, lá mới đâm, thì các ngươi biết, mùa hạ gần tới.

33 Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng, sự ấy là gần, ngay trước các cửa. [Sự ấy tức là sự Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất. Một số bản dịch Anh ngữ dịch rằng: Ngài đã gần, ngay trước các cửa!]

Mác 13:28-29

28 Hãy nghe lời thí dụ về cây vả. Vừa khi nhánh nó trở nên non và nứt lộc, thì biết mùa hạ gần tới.

29 Cũng một lẽ ấy, khi các ngươi thấy các điều đó xảy đến, hãy biết Con Người đã tới gần, ở nơi cửa.

Lu-ca 21:29-30

29 Kế đó, Ngài phán với họ một lời thí dụ rằng: Hãy xem cây vả và các cây khác;

30 khi nó mới trổ lộc, các ngươi thấy thì tự biết rằng mùa hạ đã gần đến.

Trước hết, chúng ta cần biết rằng, các nhà giải kinh chia thành hai phái khi luận về ý nghĩa của cây vả được Đức Chúa Jesus Christ dùng làm thí dụ trong lời tiên tri về sự đến của Ngài.

Phái thứ nhất cho rằng, cây vả nứt lộc là dấu báo hiệu mùa hạ đang tới, tiêu biểu cho những biến cố xảy ra dồn dập trong những ngày cuối cùng, như đã được Chúa đề cập trước đó, báo hiệu ngày Chúa đến đã rất gần! Phái này dựa vào Lu-ca 21:29 để nêu ra sự kiện Chúa không chỉ nói đến cây vả mà còn đề cập đến các thứ cây khác.

Phái thứ nhì cho rằng, nếu Chúa chỉ muốn dùng hình ảnh cây cối nứt lộc để làm điềm chỉ sự Chúa đến thì Ngài không cần phải nêu ra đích danh cây vả. Vì thế, cây vả trong thí dụ của Chúa còn tiêu biểu cho sự dân tộc và quốc gia I-sơ-ra-ên được hồi sinh sau hơn 2.500 năm vong quốc! Ý nghĩa này dễ dàng được dân I-sơ-ra-ên chú ý đến, vì Thánh Kinh dùng cây vả làm tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên:

“…Ta đã thấy tổ phụ các ngươi như trái chín đầu trên cây vả con…” (Ô-sê 9:10).

“Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của I-sơ-ra-ên phán như vầy: Như những trái vả tốt này, Ta cũng sẽ xem những kẻ phu tù Giu-đa, mà Ta đã sai từ nơi này đến trong đất người Canh-đê, cho chúng nó được ích. Ta sẽ để con mắt Ta trên chúng nó làm ích cho, và Ta sẽ đem họ về trong xứ này, lập lên mà không phá đi nữa, trồng lại mà không nhổ đi nữa.” (Giê-rê-mi 24:5-6).

Thật ra, ngoài cây vả, Thánh Kinh còn dùng cây nho và cây ô-li-ve làm tiêu biểu cho quốc gia I-sơ-ra-ên. Trong khi cây nho tiêu biểu cho quốc gia I-sơ-ra-ên của lời hứa (Thi Thiên 80:8-11), thì cây ô-li-ve tiêu biểu cho quốc gia I-sơ-ra-ên về thuộc linh (Giê-rê-mi 11:16), và cây vả tiêu biểu cho quốc gia I-sơ-ra-ên về thuộc thể (Giê-rê-mi 24:5-6).

Dựa vào Giê-rê-mi 24:5-6, chúng ta có thể hiểu rằng, cây vả được dùng trong thí dụ của Chúa hàm ý dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc và tái chiếm quyền làm chủ thành Giê-ru-sa-lem. Sự kiện dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc vào ngày 14 tháng 5 năm 1948 có thể được xem như cây vả I-sơ-ra-ên được trồng trở lại trên Đất Hứa Ca-na-an. Sự kiện I-sơ-ra-ên hoàn toàn chiếm lại từ dân Hồi Giáo Ả-rập (Jordan) và làm chủ thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 7 tháng 6 năm 1967 trong Cuộc Chiến Sáu Ngày, có thể được xem là cây vả I-sơ-ra-ên nứt lộc, sau 19 năm được trồng trở lại vào trong vùng đất Ca-na-an, để bước vào năm thứ 20 của tuổi trưởng thành. Thánh Kinh cho biết, Thiên Chúa kể tuổi 20 là tuổi trưởng thành:

“Ngày mồng một tháng Hai, năm thứ hai, sau khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se ở trong hội mạc, tại đồng vắng Si-na-i, mà rằng: Hãy dựng sổ cả hội dân I-sơ-ra-ên, theo họ hàng và tông tộc của họ, cứ đếm từng tên của hết thảy người nam, từ hai mươi tuổi sắp lên, tức là mọi người trong I-sơ-ra-ên đi ra trận được; ngươi và A-rôn sẽ kê sổ chúng nó tùy theo đội ngũ của họ.” (Dân Số Ký 1:1-3).

Sự kiện dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem cũng chính là sự kiện kết thúc lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ được ghi lại trong Lu-ca 21:24:

“Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.”

Suốt 1.897 năm, từ ngày 4 tháng 8 năm 70, là ngày Đền Thờ Thiên Chúa và thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy bởi quân đội La-mã, cho đến ngày 7 tháng 6 năm 1967, là ngày dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ trở lại thành Giê-ru-sa-lem, thì thành này luôn “bị dân ngoại giày đạp” tức là bị ở dưới quyền cai trị hung bạo của các thế lực dân ngoại.

Nếu cây vả làm tiêu biểu cho quốc gia I-sơ-ra-ên thì “các cây khác” đương nhiên làm tiêu biểu ít ra là cho các quốc gia tiếp giáp với I-sơ-ra-ên. Theo tài liệu từ cuốn “Sách Dữ Kiện Thế Giới của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ” (CIA World Fact Book) thì các quốc gia: Lebanon, Jordan, Syria, và Egypt được độc lập trong khoảng thời gian từ năm 1943 đến năm 1952.

Ngày 24 tháng 10 năm 1945, cơ quan Liên Hiệp Quốc chính thức được thành lập với 51 quốc gia. Năm 1948 con số thành viên của Liên Hiệp Quốc lên đến 58, và năm 1949 quốc gia non trẻ I-sơ-ra-ên được công nhận là thành viên thứ 59. Hiện nay, năm 2013, con số thành viên của Liên Hiệp Quốc là 193 quốc gia [1], [2]. Sự ra đời và phát triển của Liên Hiệp Quốc cũng có thể được xem là tiêu biểu bởi sự nứt lộc của “các cây khác” trong lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ về sự Chúa đến.


Ma-thi-ơ 24:34

34 Thật! Ta nói với các ngươi, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi điều ấy được ứng nghiệm! [Thế hệ này là thế hệ của những người nhìn thấy sự kiện nhành non của cây vả ra lá, biểu tượng cho sự dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc rồi chiếm lại quyền làm chủ thành thánh Giê-ru-sa-lem.]

Mác 13:30

30 Thật sự, Ta nói với các ngươi, dòng dõi này chẳng qua trước khi mọi sự kia xảy tới.

Lu-ca 21:32

32 Thật sự, Ta nói với các ngươi, dòng dõi này chẳng qua trước khi mọi sự kia xảy đến.

Theo văn mạch thì lời phán của Chúa có nghĩa là, dòng dõi nhìn thấy sự kiện I-sơ-ra-ên tái chiếm và làm chủ trọn vẹn thành Giê-ru-sa-lem sẽ không qua đi cho tới khi lời tiên tri về sự tận thế được ứng nghiệm trọn vẹn.

Theo Thánh Kinh, số năm định cho một “dòng dõi” có thể khác nhau, tùy theo văn mạch:

  • Một dòng dõi 100 năm:

Sáng Thế Ký 15:13-16

13 Ngài phán với Áp-ram: Hãy biết chắc rằng, dòng dõi của ngươi sẽ là khách lạ trong một đất chẳng thuộc về chúng nó. Chúng nó sẽ làm nô lệ cho họ và họ sẽ hà hiếp chúng nó bốn trăm năm.

14 Nhưng, Ta sẽ đoán phạt dân mà dòng dõi ngươi sẽ làm tôi mọi đó; rồi khi ra khỏi xứ, thì sẽ được của cải rất nhiều.

15 Còn ngươi sẽ bình an về nơi tổ phụ, hưởng lộc già sung sướng, rồi qua đời.

16 Đến đời thứ tư, dòng dõi ngươi sẽ trở lại đây, vì tội lỗi của dân A-mô-rít chưa được đầy dẫy.

Áp-ra-ham sinh ra I-sác lúc ông tròn 100 tuổi, vì thế, thời gian 100 năm được định cho danh từ dòng dõi trong lời hứa của Thiên Chúa đối với Áp-ra-ham. Chúng ta thấy 400 năm = 4 x 100. I-sác, con của Áp-ra-ham là dòng dõi thứ nhất ra từ Áp-ra-ham. Gia-cốp, con của I-sác là dòng dõi thứ nhì, mười hai con trai của Gia-cốp, là dòng dõi thứ ba, các con của mười hai con trai Gia-cốp là dòng dõi thứ tư.

  • Một dòng dõi có thể là 70 đến 80 năm: “Những ngày của những năm của chúng con là bảy mươi năm. Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi năm. Nhưng sự kiêu căng của chúng chỉ là lao khổ và buồn thảm. Vì chúng chóng qua, rồi chúng con bay mất đi.” (Thi Thiên 90:10). Câu này được trích từ lời cầu nguyện của Môi-se. Môi-se sống đến 120 tuổi nhưng trong lời cầu nguyện của ông, ông thưa với Chúa rằng, tuổi tác loài người chỉ từ 70 đến 80. Trong thực tế, cho đến ngày nay, vẫn có rất nhiều người sống quá 80 tuổi. Như vậy, ý nghĩa thật sự Môi-se muốn nói đến ở đây là gì? Thật ra, mệnh đề “những ngày của những năm của chúng con” được dịch từ mệnh đề “các ngày thuộc về những năm của chúng tôi” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ. Vì thế, 70 năm hay 80 năm được nói đến ở đây không phải là nói về số tuổi thọ của một đời người, mà nói đến số năm kể từ khi trưởng thành trong một đời người, tức là số năm từ 20 tuổi trở lên (Dân Số Ký 14:29). Như vậy, 70 hay 80 năm có thể được xem là số năm định cho một dòng dõi.

Trong Dân Số Ký 32:13 ghi lại chi tiết này: “Và cơn thịnh nộ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bùng lên nghịch lại dân I-sơ-ra-ên. Ngài làm cho họ lang thang trong đồng vắng bốn mươi năm, cho đến khi hết thảy thế hệ đã làm điều ác trước mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã bị diệt sạch.” Chúng ta thấy, Thiên Chúa dùng 40 năm để chờ cho một dòng dõi chống nghịch Ngài qua đi hết. Đây không phải là số năm định cho một dòng dõi, mà là số năm dùng để hình phạt sự bội nghịch của một dòng dõi.

Có lẽ, ý nghĩa chính xác nhất về danh từ dòng dõi trong lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ là: Dòng dõi ấy chính là thế hệ của những người chứng kiến sự kiện I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 7 tháng 6 năm 1967.

“Mọi sự kia” tức là những sự sẽ xảy ra trong Kỳ Tận Thế. Như vậy, sự kiện tận thế sẽ xảy ra trước khi những người được sinh ra trong thế hệ ấy qua đi hết! Trong khi đó, sự kiện Chúa đến lại xảy ra trước sự kiện tận thế ít nhất là bảy năm.

Nếu định cho một dòng dõi là 100 năm, chúng ta lấy 1967 là năm cây vả I-sơ-ra-ên nứt lộc, cộng cho 100, chúng ta sẽ có 2.067. Lấy 2.067 trừ đi cho bảy năm của Kỳ Đại Nạn, chúng ta sẽ còn lại là 2.060. Lấy 2.060 trừ cho năm 2013 là năm sách Kỳ Tận Thế được viết ra, thì chúng ta sẽ còn 47 năm. Kết luận: Kể từ năm 2013, ngày Chúa trở lại, dù có chậm trễ nhất (vì lòng nhân từ của Chúa, Ngài muốn ban thêm thời gian cho con dân Chúa ăn năn – II Phi-e-rơ 3:9) cũng không quá 47 năm. Nhưng nếu thời gian định cho một dòng dõi là 70 năm hay 80 năm, thì kể từ năm 2013, ngày Chúa trở lại, có chậm trễ nhất cũng không quá 17 năm hay 27 năm!

Bạn sẽ làm gì trong số năm này để chuẩn bị cho ngày Chúa đến? Điều quan trọng cần ghi nhớ là: Chúa có thể đến bất kỳ lúc nào, kể cả giây phút bạn đang đọc những dòng chữ này, chứ không nhất thiết phải chờ đến 17, 27 hay là 47 năm sau!


Ma-thi-ơ 24:35

35 Trời đất sẽ qua nhưng lời Ta nói chẳng bao giờ qua đi.

Mác 13:31

31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta không bao giờ qua đâu.

Lu-ca 21:33

33 Trời và đất sẽ qua nhưng những lời của Ta sẽ không qua đâu.

Trời đất chắc chắn sẽ qua đi vì Đức Chúa Trời sẽ tái dựng trời mới và đất mới. Những câu Thánh Kinh sau đây cho biết, trời cũ đất cũ sẽ qua đi và trời mới đất mới sẽ đến:

“Vì, kìa! Ta làm ra trời mới và đất mới. Những sự trước sẽ chẳng được nhớ cũng chẳng đến trong tâm trí.” (Ê-sai 65:17).

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì như trời mới đất mới mà Ta sẽ dựng, sẽ cứ còn trước mặt Ta thế nào, thì dòng giống và danh hiệu các ngươi cũng sẽ cứ còn thể ấy.” (Ê-sai 66:22).

“Nhưng các tầng trời và đất bây giờ cũng bởi cùng một Lời mà còn lại, để dành cho lửa trong ngày phán xét và hủy phá những kẻ không tin kính.” (II Phi-e-rơ 3:7).

“Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.” (II Phi-e-rơ 3:10).

“Tuy nhiên, theo lời hứa của Chúa, chúng ta trông mong các tầng trời mới và đất mới, là nơi sự công chính cư ngụ.” (II Phi-e-rơ 3:13).

“Rồi, tôi đã thấy một ngai trắng, lớn, và Đấng ngự trên nó. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng.” (Khải Huyền 20:11).

“Rồi, tôi thấy trời mới và đất mới vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã qua rồi. Biển không còn nữa.” (Khải Huyền 21:1).

Thế nhưng, mọi lời phán của Chúa thì còn đến đời đời! Kể cả khi những gì Chúa phán đã được ứng nghiệm, thì Lời Chúa vẫn còn đó để ấn chứng cho sự thành tín của Ngài. Sự kiện Đền Thờ của Thiên Chúa và thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá đã qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn còn ghi lại trong Thánh Kinh để gần hai ngàn năm sau, chúng ta vẫn có thể đối chiếu Lời Chúa đã phán với các chứng cớ của lịch sử, để biết mọi lời phán của Chúa được ứng nghiệm, và Ngài chính là Thiên Chúa Toàn Năng!

Sau này, trong Vương Quốc Ngàn Năm, là lúc mà sự kiện Chúa đến và sự kiện tận thế đã qua đi, nhưng những lời phán của Chúa vẫn còn y nguyên, để các thế hệ loài người trong Vương Quốc Ngàn Năm biết được: “Sự tổng cộng của Lời Ngài là chân thật. Mỗi sự phán xét công chính của Ngài còn đời đời.(Thi Thiên 119:160).


Ma-thi-ơ 24:36

36 Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết, ngay cả các thiên sứ trên trời cũng không biết, nhưng chỉ Cha Ta.

Mác 13:32

32 Nhưng về ngày và giờ đó, chẳng ai biết, các thiên sứ trên trời cũng chẳng biết, Đức Con cũng chẳng biết, ngoại trừ Đức Cha.

“Ngày và giờ” tức là ngày và giờ Đức Chúa Jesus Christ xuất hiện giữa chốn không trung để gọi Hội Thánh lên với Ngài. Không ai có thể biết được “ngày và giờ” Chúa đến nhưng những ai có lòng trông đợi ngày Chúa đến thì sẽ biết được thời kỳ Chúa đến đã gần, dựa vào các biến cố đã và đang xảy ra trong thế giới mà chính Chúa đã tiên tri. Trong Ma-thi-ơ 16:1-3, ghi lại lời Chúa mắng những người Pha-ri-si rằng, họ biết nhìn sắc trời để tiên đoán thời tiết mà họ lại không nhìn biết những dấu hiệu về thời kỳ Chúa đến lần thứ nhất, như đã được tiên tri và ghi lại trong Thánh Kinh: “Còn sáng sớm thì các ngươi nói: Hôm nay có mưa giông, vì trời đỏ và nhiều mây. Hỡi những kẻ giả hình! Các ngươi thật có thể phân biệt sắc trời mà các ngươi không thể phân biệt những dấu hiệu của các thời kỳ sao?” (Ma-thi-ơ 16:3).

Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy, hàng chục người công bố ngày giờ Chúa đến đều gánh lấy sự sỉ nhục của một tiên tri giả, vì họ đã làm nghịch lại lời phán rõ ràng của Chúa là không một ai biết được ngày và giờ Chúa đến, ngay cả các thiên sứ ở trên trời hoặc chính bản thân Chúa khi Ngài đang ở trong thân thể xác thịt của loài người. Dĩ nhiên, trước khi nhập thế làm người và sau khi thăng thiên, Đức Chúa Con biết rõ ngày giờ nào Ngài sẽ đến để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian, vì Ngài là Thiên Chúa.

Lời phán của Chúa đáng cho những con người xác thịt muốn tính toán ngày giờ Chúa trở lại để dành thời gian suy ngẫm. Trong thế gian này, không có một người nào trọn vẹn, thánh khiết, vô tội như Đức Chúa Jesus mà Ngài còn không có ý thức về ngày giờ Ngài sẽ đến, thế thì ai trong thế gian này có thể biết được ngày và giờ đó?

Tuy nhiên, không biết được ngày và giờ không có nghĩa là không biết được thời kỳ. Ít ra, nhờ lời tiên tri của Chúa mà chúng ta biết được rằng, Chúa sẽ đến trong thế hệ của chúng ta, là thế hệ thuộc về dòng dõi nhìn thấy quốc gia I-sơ-ra-ên được tái lập vào tháng 5 năm 1948 và nhìn thấy hạn kỳ dân ngoại giày đạp thành Giê-ru-sa-lem đã kết thúc từ tháng 6 năm 1967.


Ma-thi-ơ 24:37-39

37 Trong những ngày của Nô-ê thế nào, khi Con Người đến cũng thế ấy.

38 Vì trong những ngày trước cơn lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả cho tới ngày Nô-ê vào trong tàu,

39 và không biết gì hết cho tới khi cơn lụt đến và đem đi hết thảy. Khi Con Người đến cũng như vậy.

Lu-ca 17:26-29

26 Việc đã xảy đến trong đời Nô-ê, thì cũng sẽ xảy đến trong ngày Con Người:

27 người ta ăn, uống, cưới, gả, cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và nước lụt đến hủy diệt thiên hạ hết.

28 Việc đã xảy ra trong đời Lót cũng vậy, người ta ăn, uống, mua, bán, trồng tỉa, cất dựng;

29 đến ngày Lót ra khỏi thành Sô-đôm, thì trời mưa lửa và lưu huỳnh, giết hết dân thành ấy.

Đức Chúa Jesus Christ liên kết tình hình của thế gian trong ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian với ngày Cơn Lụt Lớn hủy diệt toàn thế gian (Sáng Thế Ký 7) và cơn mưa lửa hủy diệt thành Sô-đôm (Sáng Thế Ký 19). Chúa nhấn mạnh đến tính bất ngờ của sự Chúa đến. Chính những câu này cho chúng ta biết ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian sẽ xảy ra trước Kỳ Đại Nạn. Trong bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế không thể có chuyện người thế gian thản nhiên: ăn, uống, cưới, gả, mua, bán, trồng tỉa, cất dựng… Trái lại, Thánh Kinh nói rất rõ, liền trước ngày Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất thì:

Khải Huyền 16:17-21

17 Thiên sứ thứ bảy trút chén mình trên khoảng không: Có một tiếng lớn ra từ ngai, từ Đền Thờ trên trời rằng: Xong rồi!

18 Có những âm thanh, những sấm vang, và những chớp nhoáng. Rồi, có một cơn động đất lớn chưa từng có, kể từ khi có loài người ở trên đất. Cơn động đất thật lớn, thật mạnh.

19 Thành lớn bị chia làm ba phần. Thành của các quốc gia đều bị sụp đổ. Ba-bi-lôn bị nhắc lại trước Đức Chúa Trời để được ban cho chén rượu của cơn thịnh nộ Ngài.

20 Mọi hải đảo đều trốn đi và không còn tìm thấy những núi nữa.

21 Một cơn mưa đá lớn từ trời giáng xuống trên loài người, mỗi tảng nặng chừng một ta-lâng. Loài người phạm thượng Đức Chúa Trời vì họa mưa đá, bởi nó quá lớn.

Nhiều người không thể phân biệt lời tiên tri về sự kiện Đền Thờ Thiên Chúa và thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 70 với sự kiện AntiChrist sẽ làm ô uế Đền Thờ Thiên Chúa và hủy phá thành Giê-ru-sa-lem trong Kỳ Tận Thế, vì các chi tiết của hai sự kiện đó có những điểm giống nhau. Họ cũng không thể phân biệt lời tiên tri về sự Chúa đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Đại Nạn, với sự kiện sau đó ít nhất là bảy năm, Chúa tái lâm trên đất để tiêu diệt AntiChrist rồi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài trên đất, vì các chi tiết của hai sự kiện đó cũng có những điểm giống nhau.


Ma-thi-ơ 24:40-41

40 Lúc ấy, sẽ có hai người ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại;

41 hai người đang xay cối, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại.

Lu-ca 17:30-37

30 Ngày Con Người hiện ra cũng thế ấy.

31 Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà, có của để trong nhà, chẳng xuống mà chuyên đi; ai ở ngoài đồng, cũng chẳng trở về.

32 Hãy nhớ lại vợ của Lót.

33 Ai kiếm cách cứu sự sống mình, thì sẽ mất; ai mất sự sống mình, thì sẽ được lại.

34 Ta phán với các ngươi, trong đêm đó, hai người nằm chung giường, một người sẽ được đem đi, còn một bị bỏ lại.

35 Hai người đàn bà xay chung cối, một người được đem đi, còn một bị bỏ lại.

36 Hai người ở ngoài đồng, một người được đem đi, còn một bị bỏ lại.

37 Các môn đồ thưa cùng Ngài rằng: Thưa Chúa, sự ấy sẽ ở tại đâu? Ngài đáp rằng: Xác chết ở đâu, chim ó nhóm tại đó.

Sự kiện hai người ở chung một chỗ, một được đem đi, một bị bỏ lại không hàm ý có 50% dân số địa cầu sẽ được Chúa đem đi trong ngày Chúa đến. Chúa chỉ nhấn mạnh sự kiện con dân chân thật của Chúa, không phân biệt nam hay nữ, có mặt trong mọi tầng lớp xã hội, và thậm chí có những quan hệ mật thiết với những kẻ thuộc về thế gian, như cùng làm một việc, cùng ngủ chung một giường; nhưng khi Chúa đến thì con dân của Chúa được đem đi còn những ai không thuộc về Chúa thì bị bỏ lại.

Có nhiều người cho rằng, người được đem đi là bị giết, người bị bỏ lại là được sống, dựa vào sự kiện Chúa phán, ngày Chúa đến thình lình như Cơn Nước Lụt thời Nô-ê, “đùa đem đi hết thảy”. Tuy nhiên, người được đem đi ví như gia đình Nô-ê được đem vào tàu, còn người bị bỏ lại ví như toàn thế gian bị bỏ lại ngoài tàu và chết trong cơn đoán phạt của Chúa. Thánh Kinh nói rõ, Chúa đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian chứ không hề nói Chúa đến giữa chốn không trung để đem một số người đi giết.

Trong ngày Chúa đến sẽ có những người chẳng còn trở về nhà mình vì họ đã được Chúa đem đi trong nháy mắt. Trong ngày Chúa đến, những ai đã liều mình, sẵn sàng hy sinh các phương tiện sống và ngay cả mạng sống, chịu khổ đi theo Chúa mỗi ngày (tức là làm theo Lời Chúa trong mọi nơi, mọi lúc), họ sẽ nhận được sự sống lại và sự sống đời đời, được ở cùng Chúa luôn luôn! Những ai dù đã tin nhận sự cứu rỗi của Chúa nhưng vẫn lo lắng về đời sống, vẫn nương cậy vào tiền bạc, không dám hy sinh lối sống và sự sống của mình để có thể làm theo Lời Chúa, điển hình là không nghỉ kiếm tiền trong ngày Sa-bát Thứ Bảy, thì sẽ bị bỏ lại, và nếu không kịp thời ăn năn, thì sẽ bị hư mất đời đời.

Những người bị bỏ lại trong ngày Chúa đến đương nhiên sẽ có một số chết vì các tai nạn xảy ra khắp nơi trong ngày đó. Thí dụ: Các phi công là con dân Chúa, đang điều khiển một chiếc máy bay lớn, chở hàng trăm người, đột nhiên họ được Chúa đem đi, thì chiếc máy bay không có người điều khiển sẽ rơi xuống đất và toàn thể hành khách còn lại trong máy bay sẽ tử nạn! Tuy nhiên, phần lớn số người còn lại sẽ có cơ hội được nghe giảng Tin Lành bởi 144.000 người I-sơ-ra-ên do Chúa chọn lựa và bởi chính thiên sứ của Chúa bay giữa trời, rao truyền cho muôn dân, muôn nước, trong muôn tiếng nói (Khải Huyền 14:6). Họ phải chịu nhiều khốn khó vì các thiên tai do Đức Chúa Trời giáng xuống để hình phạt thế gian. Nhưng trong những ngày ấy, những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận Tin Lành thì sẽ được Chúa gìn giữ khỏi các thiên tai, ngoại trừ sự bách hại của AntiChrist để buộc họ phải thờ lạy hắn.

Thánh đồ của Chúa trong thời Đạn Nạn phải trả giá bằng mạng sống cho đức tin của họ. Nếu ai tham sống, sợ chết, chối bỏ đức tin, chối bỏ danh Chúa thì họ sẽ chết và hư mất đời đời trong hỏa ngục cùng AntiChrist và Sa-tan. Nếu ai vì đức tin, vì danh Chúa mà chịu chết dưới tay AntiChrist thì họ sẽ được sống lại, sống đời đời và được đồng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc Ngàn Năm: “Và tôi thấy có nhiều ngai và những người ngồi trên chúng. Quyền phán xét được ban cho họ. Tôi thấy những linh hồn của những người đã bị chém đầu bởi sự làm chứng về Đức Chúa Jesus và về Lời của Đức Chúa Trời, là những người đã không thờ phượng con thú hoặc tượng của nó, cũng đã không nhận dấu hiệu của nó trên trán hoặc trên tay của họ. Họ được sống và được cai trị với Đấng Christ một ngàn năm.” (Khải Huyền 20:4).

Câu ngạn ngữ: “Xác chết ở đâu, chim ó nhóm tại đó” được dùng trong Lu-ca 17:37, nằm trong văn mạch bắt đầu từ Lu-ca 17:26, nói về sự kiện Chúa đến, đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Đại Nạn, trong khi thế gian vẫn mải mê chạy theo các thú vui của xác thịt:

Vì thế, “xác chết” tiêu biểu cho thú vui của thế gian, còn “chim ó” là những người ham mến thế gian cùng những sự thuộc về thế gian. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, sự văn minh, tiến bộ, tiện nghi trong đời sống, vật chất, của cải cùng các thú vui trong cuộc đời nhằm thỏa mãn mọi ưa thích của xác thịt lại phát triển và gia tăng vượt bậc như trong thời đại của chúng ta. Hiện nay, theo thống kê, có khoảng trên hai tỉ người mang danh là Cơ-đốc nhân trên thế giới, nhưng bao nhiêu người trong số đó thật sự chẳng yêu thế gian và những sự thuộc về thế gian (I Giăng 2:15) mà “từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình” đi theo Chúa (Lu-ca 9:23)?

Trong khi các môn đồ tưởng rằng sự kiện Chúa đến giữa lúc thế gian vẫn mải mê ăn, uống, cưới, gả, mua, bán, trồng tỉa, cất dựng… sẽ xảy ra ở một địa phương nào đó, thì câu trả lời của Chúa cho biết, sự đó xảy ra toàn thế gian, hễ nơi đâu có thú vui của thế gian thì nơi đó có kẻ say mê thú vui của thế gian mà không quan tâm tới ngày Chúa đến. Ngoài ra, trong câu nói của Chúa đề cập đến ngày và đêm, cho chúng ta thấy khi Chúa đến, một nửa thế gian là ban ngày và một nửa thế gian là ban đêm. Ngày hay đêm gì thì cũng sẽ có người được cất đi hoặc bị bỏ lại trong giấc ngủ, được cất đi hoặc bị bỏ lại trong khi làm việc.


Ma-thi-ơ 24:42

42 Vậy, hãy tỉnh thức! Vì các ngươi không biết giờ nào Chúa của các ngươi đến.

Mác 13:33

33 Hãy giữ mình, tỉnh thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào.

Lu-ca 21:34-36

34 Vậy, hãy giữ lấy mình, kẻo lòng của các ngươi bị trĩu nặng với sự quá độ, sự say sưa, và sự lo lắng của đời sống mà ngày ấy đến trên các ngươi cách bất ngờ.

35 Vì ngày ấy sẽ như một cái bẫy, đến trên mọi người ở khắp nơi trên mặt đất.

36 Vậy, hãy tỉnh thức và luôn cầu nguyện, để các ngươi được xứng đáng tránh khỏi những sự sẽ xảy ra, và được đứng trước mặt Con Người.

“Giữ mình” là giữ cho nếp sống không bị ô uế vì tội lỗi, tức là không phạm các điều răn của Chúa. “Giữ mình” là giữ đừng để cho các tà giáo ảnh hưởng đến nếp sống Đạo của mình, thí dụ như gọi ngày kỷ niệm Chúa giáng sinh là “Christmas”, gọi ngày kỷ niệm Chúa phục sinh là “Easter”, và tổ chức kỷ niệm hai ngày đó với các hình thức mê tín dị đoan của ngoại giáo, như: trang trí cây Nô-en, hóa trang thành Ông Già Nô-en, nhuộm trứng, làm bánh kẹo hình con thỏ, v.v. [3], [4]:

“Đức Chúa Jesus phán với họ: Hãy coi chừng và hãy để ý về men của những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê.” (Ma-thi-ơ 16:6).

“Khi ấy, dân chúng nhóm lại kể hàng ngàn người, đến nỗi giày đạp nhau, Đức Chúa Jesus mới trước hết phán với môn đồ rằng: Hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si, là sự giả hình.” (Lu-ca 12:1).

“Vậy, hãy làm cho mình sạch men cũ, để các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là Chiên Con Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết thay cho chúng ta. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, cũng chớ dùng men độc ác, xấu xa, nhưng dùng bánh không men của sự tinh sạch và của lẽ thật.” (I Cô-rinh-tô 5:7-8).

Men của người Pha-ri-si là sự giả hình. Men của người Sa-đu-sê là sự không tin về sự sống lại, về đời sau. Men cũ tiêu biểu cho tất cả tội lỗi.

“Tỉnh thức” là luôn hướng tâm trí về sự Chúa đến, dù đang ở đâu và đang làm những gì, ngay cả trong khi ngủ: “Tôi ngủ, nhưng lòng tôi tỉnh thức.” (Nhã Ca 5:2).

“Tự giữ lấy mình” nói đến sự mỗi người phải tự kỷ luật để không chiều theo những ham muốn bất chính của xác thịt. Sứ Đồ Phao-lô nói:

“…nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27).

Người giàu có thể vì “trĩu nặng với sự quá độ, sự say sưa” còn người nghèo có thể vì “sự lo lắng đời sống” làm cho lòng quên đi sự Chúa gần đến. Có những người không nghèo, Chúa ban cho đủ ăn, đủ mặc và thậm chí có dư để dâng hiến vào các công việc của Hội Thánh, nhưng vẫn tham công, tiếc việc mà đi làm kiếm tiền trong ngày Sa-bát Thứ Bảy, vi phạm điều răn của Chúa. Con dân Chúa cần tỉnh thức để tận dụng những ngày tháng còn lại, cùng với của cải, năng lực, và ân tứ Chúa ban cho mình để sống cho Chúa và đem lại nhiều kết quả cho công việc của nhà Chúa.

Bên cạnh sự tỉnh thức và giữ mình, con dân Chúa cần phải thêm sự cầu nguyện để Chúa ban cho mình đầy đủ năng lực, giúp mình tránh không bị bỏ lại để phải hứng chịu những tai nạn trong Kỳ Tận Thế; nhưng được đứng trước mặt Chúa trong một thân thể vinh quang và bất tử!

Ngày Chúa đến sẽ xảy ra cho khắp mọi người trên đất, nhưng chỉ những ai thuộc về Ngài mới được ra đi với Ngài. Ngày đó không là bất ngờ đối với những người tỉnh thức nhưng là bất ngờ đối với những người không tỉnh thức, là những người ham mê hưởng thụ vật chất hoặc quá lo lắng, chạy theo vật chất. Đối với họ, họ chỉ biết rằng Chúa đã đến và đã đi, bỏ họ lại, mặc dù họ là những người tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, khi họ nhìn thấy bao nhiêu tai nạn xảy ra khắp nơi trên thế giới và họ không còn nhìn thấy hoặc không còn liên lạc được với những con dân chân thật của Chúa.


Mác 13:34-37

34 Ấy cũng như một người kia đi đường xa, bỏ nhà, giao cho đầy tớ mỗi đứa cai quản một việc, và cũng bảo đứa canh cửa thức canh.

35 Vậy, các ngươi hãy thức canh, vì không biết chủ nhà về lúc nào, hoặc tối, nửa đêm, lúc gà gáy, hay là sớm mai,

36 kẻo cho người về thình lình, gặp các ngươi ngủ chăng.

37 Điều mà Ta nói với các ngươi, Ta cũng nói cho mọi người: Hãy tỉnh thức!

Chúa đã thăng thiên để sắm sẵn cho con dân Chúa chỗ ở trong nhà của Đức Chúa Trời:

“Trong nhà của Cha Ta có nhiều chỗ ở, nếu không, Ta đã nói với các ngươi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn chỗ cho các ngươi, Ta sẽ trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:2-3).

Trong khoảng thời gian Chúa “đi đường xa” đó, Ngài đã giao cho các môn đồ của Ngài công việc sau đây:

“Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 28:19-20a).

Ngài cũng giao cho một số tôi tớ của Ngài làm công việc “canh cửa” tức là canh chừng ngày Chúa trở lại bằng cách quan sát thời sự để nhận biết sự ứng nghiệm của các lời tiên tri, rồi nhắc nhở các anh chị em cùng đức tin của mình. Tuy nhiên, công việc “tỉnh thức” không thuộc riêng về những người có nhiệm vụ “canh cửa” mà thuộc về tất cả mọi người trong nhà của Chúa. Mỗi người trong Hội Thánh đều phải tỉnh thức và ai nấy phải sốt sắng làm tròn công việc Chúa đã giao phó. Người ngủ là người không quan tâm sống theo Lời Chúa, cũng không màng đến việc Chúa sắp trở lại.

Lời phán của Chúa không phải chỉ riêng cho các môn đồ của Ngài lúc bấy giờ, mà cho toàn thể các thánh đồ trong Hội Thánh của Ngài.


Các Lời Tiên Tri Khác về Sự Chúa Đến

“Này, tôi tỏ cho các anh chị em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến hóa. Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa. Vì sự có tính hư nát này phải mặc lấy sự không có tính hư nát, và sự có thể chết này phải mặc lấy sự không thể chết.” (I Cô-rinh-tô 15:51-53).

I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-18

15 Này là điều chúng tôi nhờ Lời của Chúa mà nói với các anh chị em: Chúng ta là những người sống, còn ở lại cho tới kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi.

16 Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước.

17 Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.

18 Thế thì, các anh chị em hãy dùng những lời ấy mà khích lệ nhau.

Chúng tôi sẽ đi vào phần giải thích ý nghĩa những câu Thánh Kinh trên đây trong chương luận về “Sự Chúa Đến”.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] http://www.bbc.co.uk/radio4/news/un/timeline.shtml

[2] http://mfa.gov.il/MFA/AboutIsrael/History/Pages/Facts%20about%20Israel-%20History.aspx

[3] “Sự Thật về Christmas”: http://www.timhieutinlanh.net/?p=158

[4] “Huyền Thoại Easter”: http://www.timhieutinlanh.net/?p=289

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/