033 Chú Giải Khải Huyền 06:01-17 Chiên Con Tháo Các Dấu Ấn của Cuộn Sách

7,990 views

YouTube: https://youtu.be/lR5axgtILDQ

033 Chú Giải Khải Huyền 6:1-17
Chiên Con Tháo Các Dấu Ấn của Cuộn Sách

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV84OTQ4MjcwX1F1aXU1

1. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
11536_ChuGiaiKhaiHuyen_06_1-17.mp3 – OpenDrive (od.lk)

2. Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống âm thanh mp3 bài giảng này:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/115_kytanthe

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Khải Huyền 6:1-17

1 Tôi nhìn xem khi Chiên Con tháo một trong các dấu ấn và tôi nghe một trong bốn sinh vật nói, tiếng như sấm vang, rằng: Hãy đến và xem!

2 Tôi nhìn xem, và này, có một con ngựa trắng. Kẻ cưỡi nó có một cây cung và một cái mão được ban cho người. Người đi ra để chinh phục và chiến thắng.

3 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ nhì, tôi nghe sinh vật thứ nhì nói: Hãy đến và xem!

4 Có một con ngựa khác, màu đỏ, đi ra. Kẻ cưỡi nó được ban cho quyền cất lấy sự hòa bình ra khỏi đất – để người ta giết lẫn nhau – và một thanh gươm lớn được ban cho người.

5 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ ba, tôi nghe sinh vật thứ ba nói: Hãy đến và xem! Tôi nhìn xem, và này, có một con ngựa đen. Kẻ cưỡi nó có một cây cân trong tay.

6 Tôi nghe có tiếng từ giữa bốn sinh vật nói: Một lít lúa mì giá một đơ-ni-ê và ba lít lúa mạch giá một đơ-ni-ê. Đừng làm hại dầu và rượu.

7 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ tư, tôi nghe tiếng bốn sinh vật cùng nói: Hãy đến và xem!

8 Tôi nhìn xem, và này, có một con ngựa màu xanh tái. Kẻ cưỡi nó tên là Sự Chết. Âm phủ theo sau người. Chúng được ban cho có quyền lực trên một phần tư đất để giết loài người bằng gươm, bằng đói kém, bằng sự chết và bằng dã thú trên đất.

9 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có linh hồn những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ mà họ đã giữ lấy.

10 Họ kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, Đấng Thánh và Chân Thật! Ngài không phán xét và báo trả cư dân trên đất về máu của chúng tôi cho đến khi nào?

11 Mỗi người trong họ được ban cho áo dài trắng và có lời phán với họ rằng, hãy yên nghỉ thêm một thời gian ngắn cho đến khi những tôi tớ đồng công với họ cũng là anh em với họ sẽ bị giết như họ, được đủ số.

12 Tôi nhìn xem khi Ngài tháo dấu ấn thứ sáu, và này, có một cơn động đất lớn, mặt trời trở nên đen như một túi lông và mặt trăng trở nên sậm như máu.

13 Các ngôi sao trên trời rơi xuống đất như cây sung chuyển mình, rụng trái non trong cơn gió lớn. [Danh từ “suke” trong tiếng Hy-lạp chỉ chung các loại cây thuộc chi Ficus, bao gồm cây vả, cây sung.]

14 Bầu trời lui đi như một cuộn sách bị cuộn lại, mỗi một ngọn núi và hải đảo bị dời khỏi chỗ của chúng.

15 Các vua trên đất, những vĩ nhân, những người giàu, những tư lệnh quân đội, những kẻ có quyền thế, mỗi một kẻ nô lệ, mỗi một người tự chủ, đều ẩn mình trong các hang hố và trong các vầng đá núi.

16 Họ nói với núi và đá rằng: Hãy rơi xuống trên chúng ta mà giấu chúng ta khỏi mặt của Đấng ngự trên ngai và khỏi cơn giận của Chiên Con.

17 Vì ngày lớn của cơn thịnh nộ Ngài đã đến. Ai có thể đứng nổi?

Suốt gần hai ngàn năm qua, Khải Huyền 6:1-8 đã là nguồn cảm hứng cho biết bao họa sĩ. Họ đã vẽ ra hàng ngàn bức tranh về bốn người cưỡi bốn con ngựa mang màu sắc khác nhau, mở đầu cho các tai họa của Kỳ Tận Thế.

Đối với hầu hết các nhà giải kinh thì nội dung của sáu dấu ấn đầu là lời diễn tả các tai họa sẽ xảy ra trong ba năm rưỡi đầu của bảy năm đại nạn. Tuy nhiên, nếu chúng ta xét kỹ về nội dung của chúng, thì chúng ta sẽ thấy rằng: Sáu dấu ấn đầu là bố cục tình trạng của thế gian trong suốt Kỳ Đại Nạn, được lần lượt trình bày như là một sự báo trước về tình hình chung của thế gian trong bảy năm đại nạn. Khi sáu dấu ấn đầu được tháo ra, thì Kỳ Đại Nạn vẫn chưa bắt đầu. Chỉ sau khi dấu ấn thứ bảy được tháo ra, thì Kỳ Đại Nạn mới bắt đầu.

  • Dấu ấn thứ nhất mô tả tình trạng của thế gian khi Kỳ Đại Nạn bắt đầu. Dường như là AntiChrist đã đem lại một nền hòa bình chung cho toàn thế giới.
  • Dấu ấn thứ nhì mô tả tình trạng của thế gian bỗng nhiên biến chuyển một cách nhanh chóng, từ hòa bình trở thành hỗn loạn, loài người chém giết lẫn nhau.
  • Dấu ấn thứ ba mô tả nạn đói lớn theo sau chiến tranh.
  • Dấu ấn thứ tư mô tả chiến tranh, đói kém, dịch bệnh, và dã thú cướp đi nhiều nhân mạng.
  • Dấu ấn thứ năm mô tả khi chính quyền toàn cầu của AntiChrist tàn sát những ai không đầu phục hắn, thì có rất nhiều người tin nhận Chúa trong Kỳ Đại Nạn, đã chịu chết vì giữ vững đức tin nơi Chúa.
  • Dấu ấn thứ sáu mô tả sự biến động lớn trong toàn thể vũ trụ, dẫn đến sự hình phạt lớn từ Chiên Con giáng xuống trên toàn thế gian.
  • Dấu ấn thứ bảy được tháo để mở đầu cho bảy năm đại nạn.

Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa nội dung của các dấu ấn.

1 Tôi nhìn xem khi Chiên Con tháo một trong các dấu ấn và tôi nghe một trong bốn sinh vật nói, tiếng như sấm vang, rằng: Hãy đến và xem!

Chúng ta hãy chú ý đến cách dùng chữ trong câu này. Lời Chúa không viết là “Chiên Con tháo dấu ấn thứ nhất” nhưng viết là: “Chiên Con tháo một trong các dấu ấn.” Điều ấy gợi cho chúng ta cái ý tưởng là: Rất có thể nguyên cả cuộn sách được cuộn lại và có bảy dấu ấn đóng thành một hàng dọc, niêm cuộn sách lại. Phải tháo hết cả bảy dấu ấn thì mới có thể mở được cuộn sách. Ý tưởng này rất là hợp lý. Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng bảy dấu ấn được đóng theo thứ tự, sao cho, mỗi khi tháo một dấu ấn, thì có thể nhìn thấy một phần nội dung của cuộn sách. Vì thế, mỗi khi một dấu ấn được mở, thì một trong bốn sinh vật phán cùng Sứ Đồ Giăng là: “Hãy đến và xem!”

“Hãy đến” có nghĩa là hãy đến gần Chiên Con. “Và xem” có nghĩa là hãy nhìn vào phần sách mà Chiên Con vừa mở ra. Trong khi Chiên Con nhìn vào mặt trong của cuộn sách, thì Sứ Đồ Giăng nhìn vào mặt ngoài của cuộn sách, vì cuộn sách được viết cả hai mặt. Qua đó, chúng ta thấy ý nghĩa của sự kiện cuộn sách được viết hai mặt là: Những sự mầu nhiệm thuộc về Thiên Chúa ghi chép trong cuộn sách ấy được Thiên Chúa tỏ ra cho loài người. Khi Thiên Chúa tỏ ra những sự ấy cho loài người, thì loài người được thấy và biết những sự ấy như Thiên Chúa.

2 Tôi nhìn xem, và này, có một con ngựa trắng. Kẻ cưỡi nó có một cây cung và một cái mão được ban cho người. Người đi ra để chinh phục và chiến thắng.

Sự nhìn xem của Giăng có thể là nhìn vào cuộn sách, và cách thấy của Giăng có lẽ giống như cách chúng ta nhìn thấy hình ảnh ba chiều trên màn hình của máy điện toán hoặc máy truyền hình hiện đại, với độ rõ thật sắc nét, và nghe âm thanh nổi. Cũng có thể, nội dung từ cuộn sách được phóng ra thành hình ảnh trong không gian trước mặt Giăng.

Dấu ấn thứ nhất được tháo ra, trình bày cho Giăng sự bắt đầu của Kỳ Đại Nạn. Trước hết là hình ảnh một người cưỡi một con ngựa trắng, tay cầm cung và được ban cho một cái mão. Sự xuất hiện của người ấy là để đi tới đâu thì chinh phục và cai trị tới đấy.

Người cưỡi ngựa trắng không phải là AntiChrist nhưng tiêu biểu cho chính quyền của AntiChrist. Liền sau khi Hội Thánh được Chúa đem ra khỏi thế gian, tình hình kinh tế, chính trị, và quân sự của thế giới bị lâm vào cơn khủng hoảng chưa bao giờ có trong lịch sử loài người. Vì thế, các quốc gia phải ngồi lại với nhau và chấp nhận giải pháp hòa bình do AntiChrist đưa ra. Cây cung tiêu biểu cho sức mạnh quân sự, nhưng không có mũi tên, cho nên, chúng ta có thể hiểu là, AntiChrist không dùng chiến tranh để thu phục các quốc gia, mà dùng sức mạnh quân sự dưới quyền của hắn, để áp lực các quốc gia phải chấp nhận giải pháp chính trị do hắn đưa ra. Tức là chấp nhận sự thành lập một chính quyền toàn cầu, mà AntiChrist là tổng thống. Cái mão tiêu biểu cho quyền thống trị của AntiChrist.

Ngay sau khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian và trước Kỳ Đại Nạn, thì AntiChrist sẽ cùng với mười nhà cầm quyền trên thế giới, được thế giới công nhận và trao cho quyền đứng đầu một chính phủ toàn cầu, trong cùng một ngày, một giờ (Khải Huyền 17:12) [1]. Ngày mà AntiChrist đứng ra tái cam kết hiệp ước hòa bình với I-sơ-ra-ên và các quốc gia khác, là ngày mở đầu cho bảy năm đại nạn, còn gọi là Kỳ Đại Nạn.

Dựa trên Đa-ni-ên 9:27 mà chúng ta tin rằng, AntiChrist sẽ tái cam kết một hòa ước đã có trước đó, chứ không phải lập ra một hoà ước mới:

“Người sẽ tái xác nhận giao ước với nhiều người trong một tuần năm, và đến giữa tuần năm ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Bởi cánh gớm ghiếc người sẽ làm cho hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.”

Có thể đó là hòa ước do Liên Hiệp Quốc thiết lập ngay sau “Cuộc Chiến Thi Thiên 83” [2], là cuộc chiến có thể xảy ra bất kỳ lúc nào ngay trong thời đại của chúng ta. Mỗi ngày, tin tức thời sự tại Trung Đông luôn luôn cho chúng ta thấy tình thế đã chín muồi cho lời tiên tri trong Thi Thiên 83 được ứng nghiệm.

Thời gian hoà bình, thịnh trị, do AntiChrist mang đến cho thế gian, có thể kéo dài trên dưới một năm. Trong suốt thời gian này, AntiChrist trở thành anh hùng của thế giới. Mặc dù Trung Quốc và Nga-xô không thật lòng đầu phục AntiChrist, nhưng hai nước lớn này vẫn không tỏ ra chống nghịch. Họ yên lặng chờ đợi thời cơ.

3 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ nhì, tôi nghe sinh vật thứ nhì nói: Hãy đến và xem!

4 Có một con ngựa khác, màu đỏ, đi ra. Kẻ cưỡi nó được ban cho quyền cất lấy sự hòa bình ra khỏi đất – để người ta giết lẫn nhau – và một thanh gươm lớn được ban cho người.

Dấu ấn thứ nhì được tháo ra, và Giăng được mời đến xem những gì sẽ xảy ra tiếp trong thế gian, sau khi AntiChrist thiết lập chính quyền toàn cầu, nắm quyền cai trị, và tái cam kết hòa ước với I-sơ-ra-ên và các quốc gia. Đó là lúc chính quyền toàn cầu AntiChrist bắt đầu ra lệnh cho mọi người trên thế gian phải tiếp nhận con dấu của AntiChrist. Những ai không tiếp nhận con dấu sẽ không được mua bán hoặc hưởng các phúc lợi từ chính quyền. Thậm chí, họ sẽ bị bắt và bỏ tù; những người theo AntiChrist có thể cướp bóc và giết chết những người không chấp nhận con dấu của AntiChrist, mà sẽ không bị pháp luật lên án. Đó cũng có thể là lúc Nga-xô và các đồng minh, bất ngờ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng I-sơ-ra-ên, còn gọi là “Cuộc Chiến Ê-xê-chi-ên 38, 39” [3]. Mục đích của cuộc chiến là giúp Hồi Giáo trả thù I-sơ-ra-ên và chiếm lại các vùng đất của Hồi Giáo đã bị mất vào tay của I-sơ-ra-ên trong Cuộc Chiến Thi Thiên 83; đồng thời để Nga-xô chiếm lấy các tài nguyên về dầu hỏa, khí đốt và các nhà bác học thiên tài của I-sơ-ra-ên.

Bởi sự can thiệp của Thiên Chúa mà quân lực của Nga-xô và các đồng minh bị đại bại. Chẳng những vậy, Chúa còn giáng tai họa xuống trên các lãnh thổ của các quốc gia tham chiến, nào là động đất, nào là núi lửa, hủy diệt các thành phố lớn của nước Nga và các nước đồng minh của Nga. AntiChrist sẽ không thể làm gì để giữ lời hứa với I-sơ-ra-ên như đã cam kết trong hòa ước. Qua cuộc chiến tranh lớn này mà dân I-sơ-ra-ên nhìn biết Đức Chúa Trời đang bảo vệ họ.

Cuộc chiến theo Ê-xê-chi-ên 38, 39 từ khi khởi đầu cho đến khi kết thúc, có lẽ chỉ trong vòng vài ngày, đến vài tuần lễ. Ngay sau khi quân lực của liên minh Nga-xô và các nước Hồi Giáo đặt chân trên các núi của I-sơ-ra-ên, thì Thiên Chúa sẽ ra tay tiêu diệt họ. Tuy nhiên, sự giết hại những người không chấp nhận con dấu của AntiChrist sẽ kéo dài. Trong số những người không chấp nhận con dấu của AntiChrist có những người tin nhận Chúa, sau khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian. Con dân Chúa thì không nổi loạn, cướp của, giết người. Nhưng những người không đầu phục AntiChrist sẽ nổi loạn, cướp của, và giết người. Nói cách khác, sự loạn lạc, cướp giết sẽ xảy ra khắp nơi trên thế giới, mà quân lực của AntiChrist không thể chế ngự.

Người cưỡi ngựa đỏ không phải là viên tướng cầm đầu quân lực của liên minh Nga-xô và các nước Hồi Giáo, mà chỉ là hình ảnh tiêu biểu cho chiến tranh, loạn lạc, và hủy diệt.

5 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ ba, tôi nghe sinh vật thứ ba nói: Hãy đến và xem! Tôi nhìn xem, và này, có một con ngựa đen. Kẻ cưỡi nó có một cây cân trong tay.

6 Tôi nghe có tiếng từ giữa bốn sinh vật nói: Một lít lúa mì giá một đơ-ni-ê và ba lít lúa mạch giá một đơ-ni-ê. Đừng làm hại dầu và rượu.

Tiếp theo một cuộc chiến tranh lớn và thiên tai nhiều nơi trên đất, loạn lạc khắp nơi, không có đủ người lo việc sản xuất thực phẩm, thì nạn đói đương nhiên xảy ra. Bình thường thì dầu và rượu là hai sản phẩm mắc tiền hơn lúa mì và lúa mạch. Nhưng khi thực phẩm trở nên khan hiếm, người ta không còn quan tâm đến dầu và rượu nữa, mà chỉ quan tâm đến những gì có thể cứu họ thoát khỏi sự chết đói. Vì thế, dầu và rượu không bị lên giá, trong khi lúa mì và lúa mạch lại lên giá rất nhanh và rất cao. Đơ-ni-ê là một đơn vị tiền thời của Giăng. Một đơ-ni-ê có giá trị bằng một ngày lương, tương đương 12 tiếng đồng hồ lao động (tham khảo Ma-thi-ơ 20:1-16). Hãy tưởng tượng ra cảnh, một người lao động vất vả suốt 12 tiếng đồng hồ, mà tiền công chỉ đủ mua một lít lúa mì, đủ cho người ấy ăn trong một ngày. Nếu có vợ con, anh ta phải mua lúa mạch, là loại lúa kém phẩm chất hơn lúa mì, để có đủ thức ăn cho gia đình của mình. Vì thế, hậu quả tất nhiên sẽ là một cuộc chết đói lớn toàn cầu.

Người cưỡi ngựa đen tiêu biểu cho sự đói kém lớn, toàn cầu.

7 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ tư, tôi nghe tiếng bốn sinh vật cùng nói: Hãy đến và xem!

8 Tôi nhìn xem, và này, có một con ngựa màu xanh tái. Kẻ cưỡi nó tên là Sự Chết. Âm phủ theo sau người. Chúng được ban cho có quyền lực trên một phần tư đất để giết loài người bằng gươm, bằng đói kém, bằng sự chết và bằng dã thú trên đất.

Sự cướp giết vẫn tiếp diễn, nhưng bây giờ thêm sự chết vì đói, và chết vì bệnh, chết vì dã thú. Từ ngữ “giết loài người bằng sự chết” có thể hàm ý là sự chết vì bệnh. Ngoài ra, dã thú có thể tràn ra thành phố để giết người. Mệnh đề “Chúng được ban cho có quyền lực trên một phần tư đất” không có nghĩa là một phần tư mặt đất bị ảnh hưởng bởi sự chết và âm phủ, còn ba phần tư khác trên mặt đất vẫn bình an, mà là, một phần tư dân số địa cầu lúc bấy giờ sẽ bị chết. Con số đó sẽ lên đến gần hai tỉ người. Sự chết nói đến sự phân rẽ của xác thịt với linh hồn. Âm phủ nói đến sự phân rẽ của linh hồn với Thiên Chúa.

Người cưỡi ngựa xanh tái tiêu biểu cho sự chết, cho quyền lực của sự tối tăm của tội lỗi.

9 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có linh hồn những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ mà họ đã giữ lấy.

Dấu ấn thứ năm tiêu biểu cho sự kiện con dân Chúa trong thời Đại Nạn sẽ bị tàn sát không thương tiếc bởi chính quyền AntiChrist. Thân xác của họ bị giết nhưng linh hồn của họ được an nghỉ dưới bàn thờ trên thiên đàng. Đây cũng là một chứng cớ cho chúng ta biết, sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, thì những người chết trong Chúa sẽ được vào trong thiên đàng, chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại.

Họ bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời vừa có nghĩa là họ bị giết vì đức tin của họ đặt để trong Đức Chúa Jesus Christ, vì Đức Chúa Jesus Christ chính là “Lời của Đức Chúa Trời”; mà cũng vừa có nghĩa là họ sống đúng theo Lời của Đức Chúa Trời và rao giảng Lời của Đức Chúa Trời. Chứng cớ mà họ giữ lấy, tức là lời làm chứng của họ về quyền năng cứu rỗi và tái sinh của Thiên Chúa trong chính đời sống họ.

Chúng ta biết được các linh hồn tử Đạo ở dưới bàn thờ không phải là các thánh đồ tử Đạo trong mọi thời đại, mà chỉ là các thánh đồ tử Đạo dưới tay AntiChrist và dân nổi loạn trong Kỳ Đại Nạn. Bởi vì, thân thể xác thịt của tất cả các thánh đồ tử Đạo trước đó đã được sống lại trước Kỳ Đại Nạn, trong ngày Đức Chúa Jesus Christ giáng lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian [4]. Số người tin Chúa bị AntiChrist giết trong Kỳ Đại Nạn sẽ rất nhiều. Linh hồn của họ đều ở dưới bàn thờ, điều đó cho chúng ta hiểu rằng, kích thước của bàn thờ rất là lớn. Độ lớn như thế nào thì chúng ta không thể hình dung. Nhưng bàn thờ ở trên thiên đàng chính là nơi Chiên Con đã dâng máu mình làm của lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Nên nhớ là Chiên Con dâng máu mình để chuộc tội cho toàn thể nhân loại, mặc dù chỉ có một phần trong toàn thể nhân loại tin nhận sự chuộc tội của Chiên Con.

Chính vì Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu mà máu của Chiên Con đã được dùng làm của lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại các câu Thánh Kinh sau đây:

“…Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:3-4).

“Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta” chính là Đức Chúa Jesus, vì danh xưng Jesus có nghĩa: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Giải Cứu!”

“Và Ngài là của lễ chuộc những tội lỗi của chúng ta; không chỉ của chúng ta thôi đâu, mà còn của cả thế gian nữa.” (I Giăng 2:2).

Từ ngữ “chúng ta” chỉ về những người đã tin nhận sự cứu rỗi của Chúa. Từ ngữ “cả thế gian” chỉ về những người chưa hoặc không tin nhận sự cứu rỗi của Chúa.

“Cũng chẳng bởi máu của những dê đực và của những bò tơ, nhưng bởi chính máu của Ngài, Ngài một lần đi vào trong nơi thánh, tìm lấy sự cứu chuộc vĩnh hằng cho chúng ta.” (Hê-bơ-rơ 9:12).

“Vì Đấng Christ chẳng vào các nơi thánh bởi tay người làm ra theo các kiểu mẫu của nơi thánh thật, mà là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 9:24).

Chính tại nơi bàn thờ trên trời mà Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jesus Christ, đã dâng máu mình làm của lễ chuộc tội cho nhân loại. Trong thân vị loài người, trong địa vị thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, Ngài đã dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa tế lễ chuộc tội cho loài người. Đức Chúa Cha, đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa tiếp nhận sự dâng hiến ấy và tiếp nhận những ai tin nhận sự cứu rỗi vào Vương Quốc Trời, tái sinh thân thể xác thịt của họ. Đức Thánh Linh làm công cuộc tái sinh thân thể thiêng liêng (tâm thần) của họ và ban cho họ năng lực của Thiên Chúa. Đức Chúa Jesus Christ trong thân vị Thiên Chúa, tái sinh linh hồn của họ, và ban quyền cho họ đồng trị với Ngài cơ nghiệp của Thiên Chúa.

Vì tất cả con dân Chúa là những người tin nhận Thiên Chúa, được cứu chuộc bởi máu của Chiên Con, nên chúng ta có thể tin rằng, hiện nay, linh hồn của các thánh đồ trước thời Cựu Ước, trong thời Cựu Ước, và trong thời Hội Thánh đều trú ngụ dưới bàn thờ, trong thân thể thiêng liêng của họ, chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại. Trong ngày Chúa trở lại đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, thì chỉ có thân thể xác thịt của các thánh đồ trong thời Hội Thánh được sống lại hoặc được biến hóa, vì họ thuộc về trái đầu mùa của muôn loài tạo vật.

“Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng Lời của lẽ thật sinh chúng ta, để cho chúng ta trở nên những trái đầu mùa của những tạo vật của Ngài.” (Gia-cơ 1:18).

Các thánh đồ trước thời Cựu Ước và trong thời Cựu Ước, dù họ có đức tin nơi Thiên Chúa, nhưng họ không ở trong địa vị đặc biệt như các thánh đồ trong thời Hội Thánh. Họ đều qua đời trước khi nhận lãnh điều Chúa đã hứa cho họ:

“Hết thảy những người ấy bởi đức tin đã được làm chứng tốt, nhưng chưa nhận được lời hứa.” (Hê-bơ-rơ 11:39).

Nhưng chúng ta là Hội Thánh, thì lại nhận được điều đã hứa ngay trong cuộc đời này, khi còn ở trong thân thể xác thịt này. Đó là chúng ta được nhận lãnh Đức Thánh Linh, thân thể xác thịt của chúng ta trở thành Đền Thờ Thiên Chúa, và thánh linh của Thiên Chúa tuôn đổ trong chúng ta. Và một trong những đặc ân Chúa ban cho Hội Thánh, là Hội Thánh được thuộc về những người được sống lại trước trong các thánh đồ của Chúa:

“Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại. Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; sau đó, là những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 15:22-23).

Chúng tôi tin rằng, thân thể xác thịt của các thánh đồ trước thời Cựu Ước và trong thời Cựu Ước sẽ được sống lại cùng lúc với thân thể xác thịt của các thánh đồ thời Đại Nạn, vào cuối của bảy năm đại nạn, sau khi Đức Chúa Jesus Christ tiêu diệt mọi thế lực chống nghịch Thiên Chúa và giam Sa-tan vào vực sâu trong âm phủ.

10 Họ kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, Đấng Thánh và Chân Thật! Ngài không phán xét và báo trả cư dân trên đất về máu của chúng tôi cho đến khi nào?

Tiếng kêu của những linh hồn tử Đạo đang cư trú dưới bàn thờ của Chúa giúp cho chúng ta hiểu, họ bị bách hại và giết chết, không phải chỉ bởi chính quyền của AntiChrist, mà còn là bởi những kẻ nổi loạn không đầu phục AntiChrist nhưng cũng không đầu phục Chúa. Trong thế gian, từ khi sáng thế cho đến khi Sa-tan bị ném vào hỏa ngục, lúc nào cũng tồn tại ba thế lực: Thế lực của loài người. Thế lực của Sa-tan và các thiên sứ phạm tội. Thế lực của Thiên Chúa và các thiên sứ không phạm tội. Loài người có thể đầu phục Thiên Chúa hoặc đầu phục Sa-tan. Loài người cũng có thể chống nghịch Thiên Chúa lẫn chống nghịch Sa-tan, tự tôn mình làm Thiên Chúa của mình. Tuy nhiên, tất cả những ai không đầu phục Thiên Chúa, thì sớm hay muộn, cũng đều bị Sa-tan bắt phục; và lúc nào họ cũng bị Sa-tan lợi dụng để chống nghịch Thiên Chúa.

Chúa là Đấng Thánh, cho nên, Ngài sẽ không bao giờ chấp nhận tội lỗi. Chúa là Đấng chân thật, cho nên, Ngài sẽ làm thành mọi ý định và lời hứa của Ngài. Tiếng kêu của các thánh đồ tử Đạo hàm ý, họ muốn biết chính xác ngày giờ Chúa thi hành sự báo trả những kẻ đã bách hại họ, là dân cư trên đất. Chúng ta chú ý điều này: Từ ngữ “dân cư trên đất” bao gồm mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia… Có nghĩa là, trong thời Đại Nạn, những người tin nhận Chúa sẽ bị bách hại một cách khủng khiếp. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã phán trước về sự bách hại ấy như sau:

Ma-thi-ơ 24:9-13

9 Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi vào trong sự hoạn nạn và sẽ giết các ngươi. Các ngươi sẽ bị mọi dân ghét vì danh Ta.

10 Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ rơi vào chước cám dỗ, phản nghịch nhau, và ghen ghét nhau.

11 Và nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên; và chúng sẽ lừa gạt nhiều người.

12 Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lạnh.

13 Nhưng người nào kiên trì cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu.

Lời kêu gọi báo thù của các thánh đồ tử Đạo cũng giúp cho chúng ta hiểu được lẽ thật này. Đó là: Không có bất cứ một tội lỗi nào mà không có hình phạt kèm theo. Sự Chúa tha tội cho những ai tin nhận Ngài là tha cho họ khỏi bị phán xét trong kỳ phán xét chung cuộc, không bị hư mất đời đời trong hỏa ngục, nhưng hậu quả của tội lỗi trên thân thể xác thịt, thì mỗi người đều phải gánh lấy. Ngoài ra, sau thời kỳ thương xót Chúa ban cho tội nhân mà tội nhân không ăn năn, thì thời kỳ hình phạt chắc chắn sẽ đến.

Trong Hội Thánh, thời kỳ thương xót dành cho người có tội, đối với sự phạm lỗi giữa người này với người kia, là sau ba lần khuyên bảo (Ma-thi-ơ 18:15-17); đối với kẻ phạm một trong Mười Điều Răn thì chỉ một lần kêu gọi ăn năn (I Cô-rinh-tô 5); đối với kẻ theo tà giáo, thì sau hai lần kêu gọi ăn năn (Tít 3:10-11). Nếu kẻ có tội không ăn năn, thì phải bị dứt thông công.

11 Mỗi người trong họ được ban cho áo dài trắng và có lời phán với họ rằng, hãy yên nghỉ thêm một thời gian ngắn cho đến khi những tôi tớ đồng công với họ cũng là anh em với họ sẽ bị giết như họ, được đủ số.

Khi chúng ta đọc đến Khải Huyền 19:8 thì chúng ta hiểu rằng “áo dài trắng” của mỗi thánh đồ chính là “những việc làm công chính của những thánh đồ.” Việc làm công chính của những thánh đồ trong Kỳ Đại Nạn là tất cả những gì họ làm trong danh Chúa, cho Chúa, vì Chúa, đến nỗi chính sự chịu khổ và chịu chết của họ cũng vậy. Mỗi một việc làm của họ đều là: “…vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus” (Khải Huyền 14:12).

Trên thế gian, lúc bấy giờ, những người tin Chúa trong Kỳ Đại Nạn vẫn tiếp tục bị bách hại và bị giết chết. Chúa có một con số nhất định cho người từ các dân tộc không phải là I-sơ-ra-ên nhập vào Hội Thánh (Rô-ma 11:25) rồi Chúa mới đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chúa cũng có một con số nhất định cho những người chết vì Chúa trong Kỳ Đại Nạn. Khi số người tử Đạo trong Kỳ Đại Nạn được đủ, thì hình phạt sẽ lập tức giáng xuống trên cư dân trên đất.

12 Tôi nhìn xem khi Ngài tháo dấu ấn thứ sáu, và này, có một cơn động đất lớn, mặt trời trở nên đen như một túi lông và mặt trăng trở nên sậm như máu.

13 Các ngôi sao trên trời rơi xuống đất như cây sung chuyển mình, rụng trái non trong cơn gió lớn.

14 Bầu trời lui đi như một cuộn sách bị cuộn lại, mỗi một ngọn núi và hải đảo bị dời khỏi chỗ của chúng.

Dấu ấn thứ sáu tiêu biểu cho toàn bộ cơn thịnh nộ của Chiên Con sẽ giáng xuống toàn thể cư dân trên đất, ngoại trừ những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Chắc chắn, bằng một phép lạ, Chúa sẽ giữ gìn những ai thuộc về Ngài, như mấy ngàn năm trước Ngài đã gìn giữ dân I-sơ-ra-ên trong các cơn hình phạt xứ Ê-díp-tô.

Cơn động đất lớn đến nỗi từ khi có lịch sử loài người chưa bao giờ có cơn động đất lớn như vậy. Tất cả các thành của dân ngoại đều bị sụp đổ, thành Giê-ru-sa-lem bị chia làm ba. Mọi hải đảo và mọi núi đều bị dời chỗ. Mọi núi trở thành đồng bằng, mọi đảo bị chìm vào biển (Khải Huyền 16:19-20). Có thể, cơn động đất lớn ấy làm cho lửa từ lòng đất phun trào nhiều chỗ trên mặt đất, khói và đất bụi bị bắn tung vào khí quyển, làm che khuất mặt trời. Khi đêm đến, lúc khói bụi đã lắng đọng phần nào, thì phần bụi đỏ còn lại trong không gian khiến cho mặt trăng có sắc đỏ như máu. Cùng lúc ấy, có thể trái đất đi ngang một vùng đá trời trong không gian, và vô số đá trời, đủ mọi kích thước, rơi vào vòng khí quyển của địa cầu, cháy sáng, tạo ra hiện tượng mưa sao băng lớn và nhiều chưa từng có trong lịch sử.

Từ ngữ bầu trời lui đi có thể là hình ảnh của một cơn bão từ trường lớn nhất trong lịch sử, phát ra từ mặt trời, đánh thẳng vào bề mặt của địa cầu trong suốt 24 tiếng đồng hồ, khiến cho cư dân khắp nơi trên thế giới đều nhìn thấy các đám mây bụi trên trời (ra từ cơn động đất và núi lửa) bị cuộn lại như sóng biển từ phương trời này đến phương trời kia.

Lời của Đức Chúa Jesus Christ tiên tri rằng, những hoạn nạn xảy ra trong Kỳ Đại Nạn đều là chưa từng có trong lịch sử và sẽ không bao giờ lập lại. Trong tiếng Việt, chúng ta chỉ có thể nói là: “vô cùng kinh khủng!”

15 Các vua trên đất, những vĩ nhân, những người giàu, những tư lệnh quân đội, những kẻ có quyền thế, mỗi một kẻ nô lệ, mỗi một người tự chủ, đều ẩn mình trong các hang hố và trong các vầng đá núi.

16 Họ nói với núi và đá rằng: Hãy rơi xuống trên chúng ta mà giấu chúng ta khỏi mặt của Đấng ngự trên ngai và khỏi cơn giận của Chiên Con.

17 Vì ngày lớn của cơn thịnh nộ Ngài đã đến. Ai có thể đứng nổi?

Các vua trên đất chỉ về các người cầm quyền của các quốc gia. Những vĩ nhân chỉ về những người danh tiếng trên thế giới. Những người giàu là những người thống trị nền kinh tế toàn cầu. Những tư lệnh quân đội là những người thống lĩnh quân đội các quốc gia. Những kẻ có quyền thế là các nhà chính trị. Cho đến người dân thường sống trong thân phận nô lệ hay tự chủ cũng đều tìm cách ẩn mình trong các hang hố và trong các vầng đá núi. Tuy nhiên, họ sẽ bị chôn vùi trong nơi trú ẩn của họ, vì mọi núi sẽ thành đất bằng, mọi hang hố sẽ bị cơn động đất lớn lấp lại.

Câu 16 ghi trước lời kêu van của họ với núi và đá. Trong ngày đại nạn đó, họ không ăn năn cầu khẩn Thiên Chúa nhưng lại kêu cầu cùng núi và đá, xin chúng chôn vùi họ, để họ không phải đối diện Đức Chúa Trời và cơn thịnh nộ của Chiên Con. Thiên Chúa sẽ làm thành ý muốn của họ.

Đến cuối cùng của bảy năm đại nạn, chỉ có những ai không đầu phục AntiChrist, nhưng tin nhận sự cứu rỗi của Chúa là còn sống. Tuy nhiên, trong số những người tin nhận Chúa và còn sống ấy, lại có những người không có lòng thương xót. Họ sẽ bị phán xét bởi Đức Chúa Jesus Christ và bị ném vào hỏa ngục, như Ma-thi-ơ 25:41-46 đã báo trước. Chính sự kiện ấy, khẳng định rằng, loài người được cứu bởi ân điển và đức tin, nhưng nếu những ai đức tin không thể hiện bằng hành động vâng phục, làm theo Lời Chúa, thì họ cũng bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Một người được cứu không bởi việc làm công đức, nhưng sau khi được cứu mà không sống theo Lời Chúa dạy, thì sẽ bị hình phạt hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Chúng tôi mong rằng, cuốn sách Kỳ Tận Thế này sẽ giúp cho nhiều người Việt Nam hiện nay chưa chịu tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, sẽ hiểu biết rõ ràng, cần phải làm gì trong Kỳ Đại Nạn, để nhận được sự cứu rỗi và sự sống đời đời.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

[1] Xem chi tiết tại đây: https://kytanthe.net/?p=80https://kytanthe.net/?p=91

[2] Xem chi tiết tại đây: https://kytanthe.net/?p=88

[3] Xem chi tiết tại đây: https://kytanthe.net/?p=99https://kytanthe.net/?p=108

[4] Xem chi tiết tại đây: https://kytanthe.net/?p=83

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/